lundi 27 avril 2020

Một kịch bản mới cho Trường Sa ?

Một kịch bản mới cho Trường Sa ?
Thấy học giả đỉnh cao trên BBC bàn tới bàn lui về hiệu lực công hàm 1958. Để ý, tất cả đều bàn luận chung quanh nội dung 12 hải lý và không ai nói về chủ quyền. Vì sao vậy ?
HS đã mất vào năm 1974 thì làm gì chính phủ MTGPMN "kế thừa" lãnh thổ này được ? Người ta đâu thể kế thừa cái đã "mất" ?
Trong khi ở Trường Sa, những ngày này các năm trước CSVN thường rùm beng ca ngợi "giải phóng Trường Sa". Tiện dịp ca ngợi thiên tài binh bị Võ Nguyên Giáp. Chủ trương "giải phóng Trường Sa" trước hết là của ông Giáp. Tàu bè từ miền Bắc vô đánh chiếm TS, "tiên hạ thủ vi cường", vì sợ TQ chiếm trước.
Không biết "giặc" ở Trường Sa là ai ? Hai chữ "giải phóng" đâu thể đơn giản sử dụng như vậy ?
Nếu tranh chấp VN-TQ được phân xử bằng một tòa án, thì chiến lược "giải phóng Trường Sa" của ông Giáp trở thành khúc xương chó chặn ngang cuốn họng "thằng" lịch sử.
Lịch sử thật sự là dấu chấm hỏi (?). Số phận những người lính VNCH trấn thủ ở Trường Sa bây giờ ra sao ?
Theo tôi, 99,99% các chiến sĩ ở đây đều bị giết từ tháng ba năm 1975.
Cái chết của những người lính trấn giữ Trường Sa có khác với cái chết của các chiến binh hy sinh trong cuộc chiến chống TQ ở Hoàng Sa hay không ?
Bây giờ hả miệng là mắc quai.
VN hiện nay có khuynh hướng "bỏ" HS và TS cho TQ. Học giả đỉnh cao và báo chí hải ngoại được định hướng viết theo chiều gió. Không bỏ là không được.
“Nói ngược" với “bên thua cuộc” thì dễ dàng, nói sao nó cũng phải nghe (không nghe đánh chết mẹ). “Nói ngược” với kẻ mạnh, với “ân nhân” TQ là không dễ (nó đánh cho sặc máu mũi...)
Học giả đỉnh cao vịn đủ thứ lý do ông để làm giảm bớt hiệu lực công hàm 1958.
Có một điều rõ rệt (mà không ai thấy), là từ 1949 đến những năm thuộc thập niên 70. Từ cây súng, viên đạn, hột gạo, cục lương khô, cái áo, cái quần... tất cả đều đến từ TQ. Nếu không có sự trợ giúp tận lực của TQ thì làm gì quân ông Hồ thắng được Pháp năm 1954 trận Điện Biên Phủ ?
Tới bây giờ còn chưa chế tạo được cây đinh. Năm 1954 không lẽ đánh Pháp bằng răng, bằng tầm vông vạc nhọn ?
Vì vậy "bối cảnh" ký công hàm 1958 là VNDCCH từ a tới z phụ thuộc vào TQ.
Làm gì có tình “đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em” ở đây ?
Sự việc rành rành, công hàm 1958 không có hiệu lực, đơn giản vì người (hay bên) ký nhận không tự chủ. Cái gọi là "quốc gia" VNDCCH mà các học giả đỉnh cao hãnh diện, không phải là "quốc gia độc lập có chủ quyền". Chính phủ VNDCCH thực tế chỉ là "cánh tay nối dài" của Mao Trạch Đông mà thôi.
Nếu nhìn nhận sự thật như vậy, như nội dung bài tôi viết hôm qua “chiến lược phòng thủ trong hồ sơ kiện của VN”. VNDCCH không có tư cách “pháp nhân” quốc tế.
Một thực thể chính trị phụ thuộc vào ngoại bang, không tự chủ từ kinh tế cho tới quốc phòng, ngoại giao… thì mọi hành vi của thực thể này đơn thuần không có hiệu lực trước luật lệ quốc tế.
Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng đơn giản bị hóa giải.
Dĩ nhiên ngoại trừ học giả đỉnh cao viết sử phịa, VNDCCH là “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Dĩ nhiên lúc đó công hàm 1958 cũng như tất cả các bằng chứng khác VNDCCH nhìn nhận chủ quyền HS và TS thuộc TQ. Tất cả sẽ được soi rọi dưới ánh sáng của công pháp quốc tế.
Học giả đỉnh cao đặt sỉ diện của đảng CSVN lên cao hơn chủ quyền lãnh thổ. Họ muốn đảng CSVN “vinh quang”, có công “đánh Pháp đuổi Mỹ diệt Ngụy”, chớ không thể là “tay sai” cho TQ, kiểu “đánh Mỹ là đánh cho LX, cho TQ”.
Ở trên có nói. Bây giờ họ chỉ tập trung bàn luận vào hiệu lực 12 hải lý mà không đề cập tới chủ quyền.
Nhiều dấu hiệu cho thấy đảng CSVN sẽ bỏ TS cho TQ.
Có thể hai đảng CS, VN và TQ, sẽ ngồi lại viết một kịch bản Trường Sa, sao cho “thuyết phục”, trước 90 triệu dân và cộng đồng quốc tế. Vụ Gạc ma 1988 không thể loại trừ là một “kịch bản” viết bằng máu để CSVN nhượng lãnh thổ một cách “hợp lý” cho TQ.
Chỉ cần các đảo HS và TS có hiệu lực 12 hải lý thì tầm quan trọng (về kinh tế) của các đảo này không còn nữa. Kịch bản có thể sẽ được các diễn viên trình diễn trong những ngày tới.
Theo tôi, coi chừng VN cầm dao hai lưỡi. TQ sử dụng mọi thủ thuật từ năm 1909 tới nay để chiếm đoạt HS và TS. Vì sao ? Vì kinh tế và an ninh quốc phòng. Họ không bao giờ chấp nhận HS và TS chỉ có hiệu lực 12 hải lý.
Nếu các đảo này chỉ có hiệu lực biển 12 hải lý thì giá trị của các đảo là để “chim ỉa”, như ý kiến của ông Hồ.

dimanche 26 avril 2020

Phương cách nào để VN thoát khỏi “mê hồn trận” công pháp quốc tế của TQ ?

Phương cách nào để VN thoát khỏi “mê hồn trận” công pháp quốc tế của TQ ?

Thông qua nội dung công hàm ngày 17 tháng tư 2020 gởi TTK LHQ, TQ “leo thang” trong ngôn từ, bằng những lời lẽ hăm dọa mà người ta có thể hiểu rằng từ nay TQ có thể sẽ sử dụng vũ lực để thu hồi các đảo Trường Sa. 

Sau đó một ngày, với quyết định của Bộ Dân chính, 18 tháng tư 2020, TQ tuyên bố thành lập hai Khu nhằm kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông. Một là khu Nam Sa đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa. Hai là khu Tây sa đặt trụ sở ở đá Chữ thập, một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, chiếm của VN bằng vũ lực năm 1988. 

Tuyên bố thành lập hai Khu của TQ có ý nghĩa về pháp lý là “củng cố chủ quyền - consolidation de titre”. Hành vi thường thấy ở các quốc gia đối với một lãnh thổ tranh chấp, như trường hợp Nhật “quốc hữu hóa” các đảo Senkaku tháng 10 năm 2012. Vấn đề là việc củng cố chủ quyền HS và TS của TQ chỉ dựa lên những bằng chứng mơ hồ trong lịch sử. Ngoại trừ công hàm ngày 10 tháng chín năm 1958 của chính phủ VNDCCH. TQ cho rằng, qua văn kiện này, VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại hai quần đảo HS và TS.

Theo lập luận của TQ, VN đã vi phạm nguyên tắc “Estoppel”, làm ngược lại những gì đã “hứa”, khi đem quân “giải phóng” Trường Sa ngày 4 tháng tư năm 1975. 

Lý ra sự việc chỉ giới hạn chung quanh hồ sơ “Thềm lục địa mở rộng” của Mã lai gởi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, thông qua Tổng thư ký LHQ, ngày 12 tháng 12 năm 2019. Việc “leo thang ngôn từ”, cùng với tuyên bố hai Khu và hành vi cho tàu HD 8 rà soát thềm lục địa của Mã lai, có thể nằm trong tính toán của TQ. Thừa lúc các đại cường đang bị khốn đốn vì Covid-19, TQ có thể có những quyết định, như tháng giêng năm 1974 tại Hoàng Sa, nhằm “thu hồi các lãnh thổ bị địch chiếm đóng về đất mẹ”. 

Theo tôi, VN cần phải thận trọng trong ngôn từ. “Tiếng súng” có thể thay “tiếng nói” bất cứ lúc nào. “Leo thang” trong ngôn từ sẽ đưa “bàn cờ Biển Đông” vào thế “triệt buộc”. 

VN sẽ phải trả lời ra sao với TQ trong công hàm phản biện gởi LHQ những ngày sắp tới ? 

Bài viết này thử bàn về một số ý kiến của học giả VN chung quanh hiệu lực pháp lý của công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. Đồng thời thử đề ra một lối thoát, nhằm loại trừ ảnh hưởng công pháp quốc tế mà TQ cố tình lôi kéo học giả VN vào một “mê hồn trận”. 



***

Khi nại công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, TQ đặt toàn bộ hồ sơ tranh chấp dưới ánh sáng của công pháp quốc tế. 

Công hàm 1958 của PVĐ vắn tắt chỉ hai câu, nhằm đáp lời Tuyên bố đơn phương của TQ ngày 4 tháng 9 năm 1958 về chủ quyền lãnh thổ và hải phận. 

« Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. »

Hầu hết các học giả VN cho rằng công hàm 1958 có nội dung : VNDCCH “ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận 12 hải lý của TQ”. 

Trong khi tuyên bố của TQ, nội dung điều 1 ghi rõ: “Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…”

Ta thấy lập luận “nhìn nhận 12 hải lý” ở các học giả Nguyễn Hồng Thao trong tập “Le Vietnam et ses différends maritimes dans la mer de Biển Đông”, Edition A. Pedone, ISBN 2-233-00451-5, trang 251. Học giả Monique Chemillier-Gendreau trong tập “La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys” – NXB Harmattan 1996, trang 122-123, tiến sĩ Balazs Szalontai qua bài viết trên BBC… 

Trên trang Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ thuộc Đại học Oregon (US-Vietnam Research Center University of Oregon) ngày 23 tháng tư 2020 có bài viết, trong đó có đoạn cho rằng: “Bản thân tuyên bố của Trung Quốc mà ông Phạm Văn Đồng tán thành đã tự thân phủ nhận đường 9 đoạn.” 

Bài báo trên BBC, GS Ngô Vĩnh Long cho rằng "Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ủng hộ các đảo thì được 12 hải lý, chứ không phải chấp nhận là Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa." 

Mục đích nhằm “khoanh vùng” tranh chấp giữa VN và TQ ở khoản 12 hải lý “hiệu lực của các đảo”. 

Lập luận này có nhiều điều “nguy hiểm”. Trước hết mặc nhiên nhìn nhận công hàm 1958 của PVĐ có hiệu lực, dưới ánh sáng của luật quốc tế (mà lý ra phải phủ nhận triệt để và toàn diện). 

Điều này đưa đến việc nhìn nhận TQ có chủ quyền tại HS và TS. 

Các học giả không thể “ghi nhận và tán thành” yêu sách của TQ, hiệu lực lãnh hải 12 hải lý ở khu vực này mà không nhìn nhận 12 hải lý ở các đảo thuộc HS và TS. 

Chính phủ VNDCCH không hề có một bảo lưu nào, về chủ quyền HS và TS, trước Tuyên bố của TQ. 

Khi VN nhìn nhận hải phận 12 hải lý của TQ ở HS và TS, VN cũng nhìn nhận chủ quyền của TQ ở HS và TS.

Hiển nhiên, khi VN “nói ngược lại”, TQ không có chủ quyền ở HS và TS, VN bị “estoppel”.

Việc khác, quan trọng hơn. Công hàm 1958 của PVĐ không hề có hiệu quả “tự thân phủ nhận đường 9 đoạn” như Trung tâm Ngiên cứu Việt-Mỹ đã dẫn trên. 

Luật về “thời hiệu - contemporainéité” cho phép TQ điều chỉnh các “quyền chủ quyền” và quyền tài phán của quốc gia này, áp dụng từ năm 1958, theo tiêu chuẩn của Luật Quốc tế về Biển 1958, sao cho phù hợp với Luật Quốc tế về biển 1982. 

Án lệ của Tòa Trọng tài thường trực 1998 giữa Yemen và Erythrée về chủ quyền các đảo trong Hồng hải, đặc biệt đảo Mohabbakah. Yemen yêu sách đảo này, cho rằng họ có “chủ quyền lịch sử”. 

Trải qua nhiều biến động, cả khu vực từng nhiều lần thay đổi chủ, từ đế quốc Ottoman, qua Thế chiến thứ I, lãnh thổ phải trả lại cho phe chiến thắng. Thế chiến thứ II lần nữa làm xáo trộn cả khu vực. Lúc thì thuộc Ý, sau đó Ý thua trận phải trả lại cho Anh quản lý. 

Số phận đảo Mohabbakah lại tùy thuộc vào Công ước quốc tế năm 1928. Theo đó, tất cả các đảo nào nằm trong vòng lãnh hải 3 hải lý của quốc gia thì đảo này thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Đảo Mohabbakah nằm ngoài giới hạn lãnh hải 3 hải lý. Nhưng sau đó luật mới về biển 1982 cho phép các quốc gia mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý. Tòa áp dụng nguyên tắc “contemporainéité” quyết định đảo này thuộc Errythrée, đơn giản vì nằm trong giới hạn lãnh hải 12 hải lý của nước này. 

Tức là TQ có quyền áp dụng Luật Biển 1982, mở rộng vùng biển, ngoài lãnh hải 12 hải lý, còn có 12 hải lý vùng tiếp cận lãnh hải, vùng Kinh tế độc quyền (ZEE - rộng 200 hải lý tính từ đường cơ bản), thềm lục địa (có thể rộng tới 350 hải lý)... 

Ngoài vùng biển phát sinh từ các đảo, TQ còn có các yêu sách về “biển lịch sử” (giới hạn theo bản đồ đường lưỡi bò). 

Học giả VN cũng cố gắng phủ nhận hiệu lực công hàm 1958 của PVĐ bằng các lý lẽ như sau: 

1/ Công hàm 1958 của PVĐ không có hiệu lực vì ông Phạm Văn Đồng không có tư cách pháp nhân để ra một văn bản có liên quan đến lãnh thổ. 

Nếu ta xét công hàm 1958 của PVĐ dưới ánh sáng của công pháp quốc tế, phần nói về hiệu lực ràng buộc của các “tuyên bố đơn phương”. Ta thấy rằng các chức vụ tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng bộ Ngoại giao… là những người có đủ tư cách đại diện quốc gia để ra một “tuyên bố đơn phương”, nhằm thể hiện thái độ, lập trường của quốc gia mình đối với một vấn đề quốc tế. 

Công hàm 1958 của PVĐ thực chất không phải là một kết ước về lãnh thổ. Đây chỉ là chỉ là ý kiến của chính phủ VNDCCH trước quyết định của nước CHNDTH về lãnh thổ và hải phận của TQ. 

Công hàm 1958 không phải là một tuyên bố từ bỏ chủ quyền.

2/ Lập luận khác cho rằng, chiếu theo hiến pháp VNDCCH, ông Đồng không có tư cách để tuyên bố về một vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. 

Thật vậy, theo hiến pháp của VN hiện tại, hay trong thời kỳ ông Đồng làm thủ tướng, vấn đề phân định biên giới phải được thể hiện bằng một kết ước, có sự đồng thuận giữa hai nước, phải được quốc hội thông qua.

Vấn đề là, tuyên bố 1958 của ông Đồng, đã nói ở trên, không phải là một “tuyên bố” liên quan đến vấn đề lãnh thổ, hay có mục đích thay đổi đường biên giới. Nếu văn bản có mục tiêu làm thay đổi đường biên giới, tuyên bố này vi hiến.

Dầu vậy, theo tập quán quốc tế, một tuyên bố đơn phương nếu đi ngược lại tinh thần hiến pháp của quốc gia tuyên bố, thì tuyên bố này vẫn có hiệu lực. Tuyên bố đơn phương không phải là một văn bản “hành chánh” thuộc phạm trù quốc gia mà là một văn bản thuộc phạm trù quốc tế (nếu đặt công hàm PVĐ dưới ánh sáng của công pháp quốc tế). 

Một văn bản hành chánh chịu chi phối của luật quốc gia nhưng một tuyên bố đơn phương (liên quan đến một vấn đề quốc tế) chịu chi phối của luật pháp quốc tế. Mà luật quốc tế có giá trị “cao” hơn luật quốc gia.

3/ Về hoàn cảnh ra đời của công hàm 1958. Hầu như các học giả VN đều vịn vào lý do “chiến tranh”, lý do căng thẳng eo biển Đài Loan ở thời kỳ đó, lý do hai nước VN và TQ là “đồng chí, anh em” trong khối xã hội chủ nghĩa… để biện hộ cho sự xuất hiện công hàm 1958. 

Vấn đề là quí ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Mạnh Cầm, những người “trong cuộc”, đã minh bạch việc này qua các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Ông Phạm Văn Đồng trả lời đơn giản: "Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy".

Còn ông Nguyễn Mạnh Cầm thì dông dài hơn, đại ý tóm lược là: vì HS và TS thuộc miền Nam quản lý, việc ủng hộ là “cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc”.

Ngoài ra, nếu ta dẫn những dữ kiện như sách giáo khoa của VN, bản đồ do VN xuất bản, hay các bài báo trên Nhân Dân… ghi chú các địa danh Tây Sa và Nam Sa thuộc TQ, hay vùng biển chung quanh HS thuộc TQ. 

Ta thấy rõ rệt việc “nhìn nhận chủ quyền” của TQ tại HS và TS, thông qua công hàm 1958 của PVĐ, được VN khẳng định lại nhiều lần.

Ngay cả khi đặt giả thuyết công hàm 1958 của PVĐ “không hiện hữu”. Tức là khi TQ ra tuyên bố năm 1958, Chính phủ VNDCCH của ông Hồ chọn thái độ “im lặng”. 

Quan sát sự việc theo tinh thần công pháp quốc tế, Tuyên bố đơn phương của TQ năm 1958 về hải phận và chủ quyền lãnh thổ có ý nghĩa tương tự như Tuyên bố đơn phương về vùng “Nhận diện phòng không - ADIZ” ngày 23-11-2013. 

Các tuyên bố này phù hợp với tập quán quốc tế. Quốc gia nào không “bảo lưu”, phản đối các yêu sách của TQ. Tuyên bố tự động có hiệu lực. 

Sự “im lặng” của chính phủ VNDCCH được đồng hóa với hành vi mặc nhiên nhìn nhận (đồng ý ám thị - implied consent), một dấu hiệu “thụ động” của nguyên tắc luật “acquiescence”. 

Như vậy, khi đưa toàn bộ vấn đề ra soi rọi dưới ánh sáng của luật quốc tế, lập tức học giả VN lúng túng như lâm vào mê hồn trận. 

Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không thể đơn thuần “hóa giải” (bằng luật quốc tế).

Làm như chưa đủ khó khăn, một số các học giả VN lại chủ trương VNCH và VNDCCH là “hai quốc gia” độc lập. 

(Ý kiến này phạm Estoppel vì đi ngược lại nội dung hai hiệp ước Genève 1954 và Paris 1973, mà VNDCCH là “một bên” ký kết. Theo đó VN là một quốc gia duy nhứt, độc lập, thống nhứt ba miền).


Thật vậy, HS và TS nằm dưới vĩ tuyến 17, thuộc thẩm quyền của VNCH. VNDCCH không có thẩm quyền ở HS và TS, do đó tuyên bố của PVĐ không hiệu lực. 

Điều này sẽ đưa hai thực thể VNCH và VNDCCH là “đối tượng” của công pháp quốc tế. (Đối tượng công pháp quốc tế là “quốc gia - Etat).

Cái rắc rối thứ nhứt là ý này khẳng định VNCHCH không có quan hệ gì (không có chủ quyền) ở HS và TS.

TQ chiếm HS trên tay “quốc gia” VNCH. Quốc gia VNDCCH là “bên thứ ba”, tương tự như Mã lai, Thái lan v.v… Thì bây giờ tư cách gì VNDCCH lên tiếng đòi chủ quyền HS và TS ? 

Tức là, khi nhìn nhận VNCH và VNDCCH là “hai quốc gia độc lập”, thì tranh chấp VN và TQ về chủ quyền HS và TS xem như không còn nữa. HS và TS thuộc TQ.

VN bây giờ làm sao có thể “kế thừa” cái mà VNCH đã “mất” ? 

Câu hỏi đặt ra: Giải pháp nào để VN thoát khỏi “mê hồn trận” công pháp quốc tế của TQ ?

Theo tôi, VN không thể cãi với TQ bằng luật quốc tế. Thượng sách là VN phải kéo địch thủ qua một “mặt trận” pháp lý khác, mà trong đó luật quốc tế không thể áp dụng được. 

Đó là gì nếu không phải là dựa vào thực tế lịch sử 1954-1975 ? 

Theo nội dung hiệp định Genève 1954, khẳng định lại qua hiệp định Paris 1973, tư cách pháp nhân của VN là “quốc gia bị phân chia - divided state”. VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất”. Đây là cách nói khác của pháp nhân “quốc gia hai chế độ”.

Nếu ta xét thực tế lịch sử, từ 1954 tới 1975, VNDCCH chưa bao giờ là thành viên của bất cứ một định chế, một tổ chức nào thuộc LHQ. VNDCCH không có ghế đại diện LHQ đã đành. VNDCCH cũng không phải là thành viên của bất kỳ một công ước quốc tế nào hết cả. Không phải là VNDCCH “không muốn” gia nhập. Mà bởi vì VNDCCH không có “tư cách pháp nhân Quốc gia - Etat” để gia nhập. 

Thực tế lịch sử nó là như vậy. VNDCCH (và ngay cả VNCH) không phải là đối tượng của công pháp quốc tế. 

Tức là tất cả những hành vi, thái độ bất kỳ của VNDCCH, trước một vấn đề “quốc tế” thể hiện từ 1954 đến 1975, hiển nhiên không thể soi sáng bằng luật pháp quốc tế.

Cũng nên nhắc lại chi tiết, sau khi TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN tháng giêng 1974, VNCH vận động Hội đồng bảo an LHQ can thiệp cũng như lập hồ sơ “sách trắng” tung ta Đại hội đồng LHQ để kiện TQ lên tòa Công lý Quốc tế. Ngay cả có hay không có sự “chống lưng” của Mỹ, VNCH bất lực, thất bại trong tất cả các cuộc vận động.

Không quốc gia nào can thiệp, hay tỏ thái độ với VNCH, ngoại trừ các tuyên bố phản đối của LX và các quốc gia khác lên án việc sử dụng vũ lực của TQ. 

Mặc dầu là thành viên của hầu hết các tổ chức thuộc LHQ, như UNESCO, FAO v.v… VNCH vẫn không có tư cách pháp nhân của “Quốc gia”. 

Cả hai bên, VNCH và VNDCCH, đều không phải (hay chưa phải) là “quốc gia độc lập có chủ quyền”. 

Về bối cảnh lịch sử, từ 1949 đến 1958, VNDCCH lệ thuộc và TQ hầu như toàn bộ. Từ cây súng, viên đạn, hột gạo, cục lương khô, cái áo, cái quần... tất cả đều đến từ TQ. Nếu không có sự trợ giúp tận lực của TQ thì làm gì quân ông Hồ thắng được Pháp năm 1954 trận Điện Biên Phủ ? Hiệp định Genève 1954 ký kết dưới sự chỉ đạo của Châu Ân Lai. Cho tới đồng tiền của VN, từ 1951 tới 1958, còn viết thêm chữ Tàu. 

"Bối cảnh" ký công hàm 1958 là VNDCCH từ a tới z phụ thuộc vào TQ.

Với tư cách pháp nhân như vậy, lại chịu sự lệ thuộc của TQ như vậy. Hiển nhiên công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý.

Kết luận: Con đường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích chính đáng của VN ở Biển Đông dài như vô tận và đầy dẫy cạm bẫy khó khăn. Sai lầm một chút, sai con toán bán con trâu. Học giả và những người đại diện đất nước không thể “giỡn mặt” với ngôn từ pháp lý. Như công hàm 1958 của PVĐ. Sai một bước VN có thể bị mất hết.







vendredi 24 avril 2020

Đâu là "chiến lược phòng thủ" trong hồ sơ VN kiện TQ ?

"Chiến lược phòng thủ" trong hồ sơ VN kiện TQ ra sao ? Đến nay "trời biết".

Việc “leo thang” lý lẽ mấy hôm rày trong nội dung các công hàm giữa VN và TQ gởi Tổng thư ký LHQ làm “căng thẳng” khu vực Biển Đông. “Tiếng súng” có thể thay “tiếng nói” bất cứ lúc nào. “Leo thang” trong ngôn từ sẽ đưa “bàn cờ Biển Đông” vào thế “triệt buộc”. 

Việc này làm "nóng" lại công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng. TQ gởi công hàm ngày 17 tháng 4 năm 2020, vịn nội dung công hàm 1958 để khẳng định chủ quyền của TQ ở HS và TS. 

Công hàm 1958 có giá trị pháp lý như lập luận lâu nay của TQ hay không ? Nếu có thì làm thế nào để "hóa giải" hiệu lực ?

Giữa VN và TQ không đơn thuần chỉ có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ HS và TS mà còn có những yêu sách đối nghịch như về "quyền lịch sử" của TQ ở biển Đông. VN còn gặp nhiều khó khăn, một mặt đối thủ là "đại cường", có thể sử dụng vũ lực để "cả vú lấp miệng em". Còn có việc yêu sách vùng biển và thềm lục địa sinh ra từ các đảo. Việc này cũng đặt VN vào tư thế bất lợi. 

Các đảo HS và TS hiển nhiên thuộc VN. Nhưng nếu VN yêu sách vùng biển và thềm lục địa phát sinh từ các đảo này rộng 200 hải lý như đất liền, thì VN có thể bị "gậy ông đập lưng ông". Nếu công hàm 1958 có hiệu lực, VN có thể mất cả chì lẫn chài, mất chủ quyền HS và TS là một. Mất vùng biển và thềm lục địa phát sinh chung quanh các đảo là hai. 

VN cũng kẹt nếu hủy bỏ yêu sách “vùng biển phát sinh từ đảo”. Bởi vì, nếu đảo đó của mình, thì rõ ràng là phi lý, chuyện này không ai làm. 

Ta thấy rõ sự lúng túng của VN trong các tuyên bố của VN về chủ quyền lãnh thổ và yêu sách hải phận. 

Thí dụ năm 1977 VN ra bản đồ (gọi là bản đồ bụng chữa). VN yêu sách vùng nước và thềm lục địa chung quanh HS và TS, theo đó các đảo HS và TS có đầy đủ hiệu lực “đảo”, theo điều 121 Luật biển 1982. 

So sánh ta thấy “bản đồ bụng chữa” của VN không khác mấy bản đồ chữ U chín đoạn của TQ.

Tuyên bố của VN ở các năm sau thông thường là "thả nổi", hiểu sao cũng được, kiểu "Luật Quốc tế về Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhứt, toàn diện và triệt để, về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa VN và TQ".

Theo tôi lựa chọn này là "thông minh". Bởi vì VN có thể bị vướng nguyên tắc "estoppel", nguyên tắc "không được nói ngược". VN không thế phản bác yêu sách đường chữ U của TQ trong khi VN cũng có yêu sách “bản đồ bụng chữa” tương tự. Ngay cả khi VN tuyên bố hủy bỏ yêu sách vùng biển 1977 thì việc bài bác yêu sách "đường chữ U" của TQ, trước một tòa quốc tế, cũng có thể làm VN phạm nguyên tắc "estoppel".

Anh không thể cấm người khác có quan điểm y chang như anh. 

VN còn có tranh chấp do chồng lấn vùng biển kinh tế độc quyền và thềm lục địa, bề rộng 200 hải lý phát sinh từ đường cơ bản ven bờ. 

Ngoài ra, làm như chưa đủ phức tạp, lại có vụ “thềm lục địa mở rộng”, theo điều 76 của Luật quốc tế về Biển. Quốc gia nào có thềm lục địa “có thể mở rộng được”, thì có thể mở ra đến 350 hải lý. Việc chống lấn vì vậy, ngoài vùng biển và thềm lục địa 200 hải lý, còn có chồng lần “thềm lục địa mở rộng”. 

Hiển nhiên câu hỏi cần phải đặt (mà không thấy ai đặt) là VN "phác họa" chiến lược tranh tụng với TQ ra sao ?

Nếu kiện TQ thì kiện về cái gì ? Kiện ở đâu ?

Ải đầu tiên nếu VN muốn đi kiện TQ, là phải chắc chắn tòa “có thẩm quyền phân xử”. Việc này có hai cái khó. Thứ nhứt, hai bên phải ký nhận thẩm quyền của tòa. Thứ hai, nội dung phân xử không bị “loại trừ” do việc “bảo lưu” của một bên.

Vụ Phi đơn phương kiện TQ ra Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hòa lan). Tòa tuyên bố có thẩm quyền và ra phán quyết ra ngày 14 tháng 7 năm 2016. Theo nội dung “giải thích và cách áp dụng Luật Biển khu vực nam Biển Đông”, Phi thắng kiện. Vấn đề là TQ không tham gia, vì cho rằng Tòa không có thẩm quyền. TQ không nhìn nhận và dĩ nhiên không tuân thủ phán quyết.

Hoc giả VN luôn “lên gân” muốn VN “kiện” TQ. Nếu có ai đó hỏi “sách lược kiện tụng của VN ra sao, kiện ở đâu, kiện cái gì” ? Câu trả lời coi bộ khó! 

Tuy nhiên, nói vậy là “hạ thấp” trình độ của học giả VN. Lâu nay học giả VN cũng rất siêng năng, rất chuyên chú ở việc tìm kiếm bản đồ. 

Làm như khi ra tòa, VN ôm một chồng bản đồ TQ trong đó không có vẽ HS và TS là đủ chứng minh TQ không có chủ quyền ở HS và TS vậy. 

Vụ “hiệu lực các bản đồ” từ 10 năm trước tôi đã có bài nghiên cứu, cho thấy là trước tòa, bản đồ không hề là một “bằng chứng”. Bản đồ chỉ có giá trị “thông tin”, giúp tòa làm rõ một vấn đề (còn mù mờ) nào đó. 

Ngay cả việc bất nhất trong lập luận, về tư cách pháp nhân các thực thể VNDCCH, VNCH, CPLTMTGPMN... các học giả vẫn lọng cọng. Trong khi việc lựa chọn “tư cách pháp nhân” của VNCH và VNDCCH mới là điều quan trọng nhứt, là “yếu tố nền tảng”, quyết định VN “thắng” hay “thua” trong vụ kiện. 

Chưa nói tới nội dung các “sách lược” phòng thủ và tấn công (vì đâu ai biết nó hình dáng ra sao?). Các học giả VN hiện nay hầu hết có quan niệm VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia, độc lập có chủ quyền”. 

Việc này tôi có nói (vô số lần) là “nguy hiểm”. Làm vậy là toàn bộ lịch sử VN, kể cả giai đoạn 1954-1975, đều được xét dưới ánh sáng của luật quốc tế. 

Tôi có viết nhiều bài cảnh báo, trong đó có bài “Công hàm 1958 : một vấn đề thuộc phạm vi công pháp quốc tế” và bài “Nếu công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không hiện hữu”. Rõ ràng ý kiến của tôi trong hai bài này khó lòng phản biện. Vì những gì tôi viết chỉ phản ảnh luật lệ, hay giải thích luật lệ.

Tức là khi đặt nền tảng hồ sơ kiện, với VNDCCH và VNCH là “hai quốc gia”. Bất kể lập luận ra sao, bằng chứng “chắc như bê tông”, tôi nghĩ rằng VN thua kiện 99%, ở bất kỳ một mục đích nào ghi ở trên. 

Hồ sơ do tôi đề nghị từ nhiều năm nay, theo đó VNCH và VNDCCH là hai thực thể chính trị thuộc về một quốc gia “duy nhứt”, theo định nghĩa của hiệp định Genève 1954, khẳng định lại qua hiệp định Paris 1973. Tức là VN có tư cách pháp nhân là “quốc gia bị phân chia - divided state”. VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất”. Đây là cách nói khác của pháp nhân “quốc gia hai chế độ”.

Nếu ta xét thực tế lịch sử, từ 1954 tới 1975, VNDCCH chưa bao giờ là thành viên của bất cứ một định chế, một tổ chức nào thuộc LHQ. VNDCCH không có ghế đại diện LHQ đã đành. VNDCCH cũng không phải là thành viên của bất kỳ một công ước quốc tế nào hết cả. Không phải là VNDCCH “không muốn” gia nhập. Mà bởi vì VNDCCH không có “tư cách pháp nhân” để gia nhập. 

Thực tế lịch sử nó là như vậy. VNDCCH không phải là đối tượng của công pháp quốc tế. Điều này không thể phản bác.

Tức là tất cả những hành vi, thái độ bất kỳ của VNDCCH, trước một vấn đề “quốc tế” thể hiện từ 1954 đến 1975, hiển nhiên không thể soi sáng bằng luật pháp quốc tế.

Cũng nên nhắc lại chi tiết, sau khi TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN tháng giêng 1974, VNCH vận động Hội đồng bảo an LHQ can thiệp cũng như lập hồ sơ “sách trắng” tung ta Đại hội đồng LHQ để kiện TQ lên tòa Công lý Quốc tế. Ngay cả có hay không có sự “chống lưng” của Mỹ, VNCH bất lực, thất bại trong tất cả các cuộc vận động.

Không quốc gia nào can thiệp, hay tỏ thái độ với VNCH, ngoại trừ các tuyên bố phản đối của LX và các quốc gia khác lên án việc sử dụng vũ lực của TQ. 

Đơn giản vì VNCH không có tư cách pháp nhân của “Quốc gia”. VNCH cũng như VNDCCH không phải là đối tượng của luật quốc tế.

Cả hai bên, VNCH và VNDCCH, đều không phải (hay chưa phải) là “quốc gia độc lập có chủ quyền”. 

Nhưng trước một tòa án, các học giả VN vẫn có thể khẳng định rằng VNDCCH là “quốc gia”, như ý muốn. Vì từ khi “lập quốc” lãnh đạo VNDCCH đã nói như vậy rồi. Hệ quả ra sao ? Thì thử làm rồi sẽ biết.

Khi các học giả VN không phản biện được hai bài viết tôi dẫn trên, ý kiến của một “tay mơ” về luật, thì các học giả đỉnh cao vô phương “cãi” lại lập luận các học giả TQ. 

“Chiến lược” phòng thủ của tôi hết sức đơn giản. Biết mình biết người. 

Biết mình đuối lý, không thể cãi với TQ bằng luật quốc tế. Thì mình kéo địch thủ qua một “mặt trận” pháp lý khác, mà trong đó luật quốc tế không thể áp dụng được, trong khoảng thời gian 1954-1975. Đâu ai có thể cấm mình được ? Thực tế lịch sử nó là như vậy mà!

Tức là, chỉ cần “điều chỉnh” lại lập trường một chút, học giả đỉnh cao và đảng viên CSVN bớt “lên gân một chút”, khiêm nhượng một chút, can đảm một chút để nhìn thực tế lịch sử. Thì công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không có hiệu lực trước công pháp quốc tế. 

Đơn giản chỉ có vậy. 

Nhưng sau khi tôi đăng lại hai bài viết về “giá trị pháp lý” của công hàm 1958, khối người phản biện bằng những lý do hết sức buồn cười. Có người hỏi rằng khi TQ ra công hàm 1958 khẳng định chủ quyền và hải phận 12 hải lý thì VNCH phản ứng ra sao ? Điều tương tự cũng thường thấy, đặc biệt trên BBC. Khi không thể phản biện được các lập luận của TQ bèn đỗ thừa trách nhiệm VNCH làm mất HS. 

Cũng có người không thấy rằng các bài viết của tôi, các bài nói về hiệu lực pháp lý của công hàm 1958, có thể xem như là một hai miếng “puzzle” trên một tấm hình to lớn là “hồ sơ” chủ quyền lãnh thổ, hải phận và vùng biển của VN ở Biển Đông. Họ dẫn một vài đoạn trong bài viết đó rồi cho rằng đó là lập trường của tôi. Hiển nhiên là lấy chữ bỏ miệng người!

Trong khi chờ đợi công hàm của VN sẽ gởi tổng thư ký LHQ để phản biện các yêu sách của TQ hôm 17 tháng tư 2020. Tôi viết tóm lược ý kiến của tôi trong bài này. Hy vọng bộ ngoại giao VN tiếp nôi lập luận phản biện như đã thấy trong nội dung các công hàm năm 2016. Các học giả đỉnh cao cũng làm ơn bớt “lên gân”. Quí vị nói sướng cái miệng nhưng hệ quả có thể làm cho TQ có lý do trả lời bằng súng.

jeudi 23 avril 2020

Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa với “tư cách pháp thân” nào ?

Bên anh Trương Huy San, tức "bên thắng cuộc", có bài viết tựa đề "MIẾNG BẢ CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN TRONG TAY TRUNG QUỐC", đoạn kết có viết:

"thay vì ầm ĩ kỷ niệm 45 năm, “cách li tại nhà” nên là cơ hội để coi lại các bài học, thừa nhận trách nhiệm, nhìn nhận vai trò pháp lý của người anh em miền Nam trong việc xác lập chủ quyền với Hoàng Sa".

Tôi, từ "bên thua cuộc" bây giờ thành "bên bỏ cuộc", muốn có đôi lời góp ý với anh Huy Đức. Thực ra cũng không có ý kiến ý cò gì mà chỉ muốn làm "sáng tỏ một sự kiện".

Trong câu văn: "nhìn nhận vai trò pháp lý của người anh em miền Nam".

"Vai trò pháp lý" (tư cách pháp thân) của VNCH là gì ?

Là "quốc gia độc lập có chủ quyền" hay chỉ là một "quốc gia chưa hoàn tất", tức một "bên" của một "quốc gia bị phân chia" (còn gọi là quốc gia hai chế độ) ?

Theo tôi, anh Huy Đức khi viết câu văn như vậy là đã hết sức thận trọng. Sai con toán bán con trâu. Chỉ cần sử dụng sai ngôn từ... một hồ sơ pháp lý sẽ "bỏ không".

Vì vậy xin phép anh Huy Đức cho phép tôi "diễn giải" câu văn của anh theo cái nhìn của tôi. Nếu anh không đồng ý thì "comment" cho tôi biết.

Theo tôi, từ lâu đã cho rằng:

"Nếu nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa đã từng là “một quốc gia” thì vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa xem như “kết thúc”. Thật vậy, nếu VNCH có “tư cách pháp nhân” là một “Quốc gia - Etat”, thì cuộc chiến tranh Nam-Bắc là một cuộc “chiến tranh quốc tế”, quốc gia VNDCCH xâm lăng quốc gia VNCH. VNCH thua, quốc gia “giải thể - dissolution”, lãnh thổ đơn thuần “sáp nhập” vào quốc gia VNDCCH, không có kế thừa. TQ chiếm Hoàng Sa (vào các năm 1956 và 1974) là chuyện riêng của hai quốc gia VNCH và TQ. VNDCCH là quốc gia đứng ngoài, như các nước khác trong khu vực Thái lan, Mã Lai, Indinésie… Các nước này tư cách gì lên tiếng tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa với TQ ?"

Bài viết tôi kèm theo đây, viết từ nhiều năm trước. Có đoạn nói về "tư cách pháp thân" của VNCH và VNDCCH cũng như nói sơ lược về sự "kế thừa và sự liên tục" quốc gia, trường hợp lãnh thổ HS và TS của VN.


https://docs.google.com/document/d/1jCvgAX_7OR1Wvj3TvqMDXPVGDsoiDsjgbzF5fpVlegg/edit?usp=sharing

Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa với “tư cách pháp thân” nào ?
Đã nhiều lần tôi lên tiếng cảnh báo rằng nếu nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa đã từng là “một quốc gia” thì vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa xem như “kết thúc”. Thật vậy, nếu VNCH có “tư cách pháp nhân” là một “Quốc gia - Etat”, thì cuộc chiến tranh Nam-Bắc là một cuộc “chiến tranh quốc tế”, quốc gia VNDCCH xâm lăng quốc gia VNCH. VNCH thua, quốc gia “giải thể - dissolution”, lãnh thổ đơn thuần “sáp nhập” vào quốc gia VNDCCH, không có kế thừa. TQ chiếm Hoàng Sa (vào các năm 1956 và 1974) là chuyện riêng của hai quốc gia VNCH và TQ. VNDCCH là quốc gia đứng ngoài, như các nước khác trong khu vực Thái lan, Mã Lai, Indinésie… Các nước này tư cách gì lên tiếng tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa với TQ ? 
Vừa rồi thấy trên mạng lần nữa lại rộn lên tin các sử gia trong nước đã hoàn tất một bộ sử. Theo đó Việt Nam Cộng Hòa được “thừa nhận”, không còn gọi chính quyền Sài gòn là “ngụy quyền” nữa. Không biết các sử gia nước nhà “thừa nhận” VNCH với “tư cách pháp nhân” là gì ?
Theo tôi, nếu vẫn “thừa nhận” VNCH “đã từng là quốc gia”, như ý kiến của các “học giả” Nghiên cứu Biển Đông” Dương Danh Huy, Lê Trung Tĩnh, Phạm Quang Tuấn… đăng tải trên báo chí từ nhiều năm trước, thì e rằng bộ sử này phải gấp rút “nhuận sắc” lại. 
Nhắc lại lần nữa là: nếu nhìn nhận VNCH đã từng là “quốc gia” thì chuyện đòi Hoàng Sa, chuyện bảo vệ Biển Đông, chuyện “No U”... xem như chấm dứt. 
1/ Sự “liên tục” và “thừa kế” quốc gia về vấn đề lãnh thổ.
“Kế thừa quốc gia” và “liên tục quốc gia” là những khái niệm thuộc Quốc tế công pháp, thể hiện qua các điều ước thuộc các công ước Vienne, điển hình là các công ước 1969 và 1978 về sự kế thừa lãnh thổ và hiệu lực các kết ước quốc tế. 
Việc kế thừa quốc gia được (công ước Vienne 1978) đặt ra trong những tình huống : 1/ một vùng lãnh thổ của quốc gia này trở thành lãnh thổ của quốc gia khác. 2/ Quốc gia vừa dành được độc lập (Phần IV, điều 16 đến điều 30 Công ước Vienne) 3/ sự thống nhứt giữa hai quốc gia  và 4/ một quốc gia bị phân rã thành nhiều quốc gia
“Kế thừa” quốc gia được định nghĩa là việc thay thế một quốc gia bởi một quốc gia khác ở các quan hệ quốc tế, về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ. 
Việc kế thừa quốc gia thể hiện qua các thủ tục pháp lý nhằm tái xác định (hay phủ định), trách nhiệm của quốc gia thừa kế đối với vùng lãnh thổ mới cũng như hiệu lực các kết ước, hay các tuyên bố của nhà nước tiền nhiệm đã thể hiện trước các định chế quốc tế, hay đối với các quốc gia khác.
Trường hợp hai miền VN sau 30-4-1975:
Câu hỏi đặt ra là các sử gia và học giả VN sẽ phải dựa vào trường hợp nào (trong 4 trường hợp dẫn trên) để khẳng định danh nghĩa chủ quyền của VN ở HS và TS ? 
Trường hợp nào sẽ chứng minh cho sự “liên tục” của “quốc gia” VN ở HS và TS ? tức chứng minh được tính pháp nhân của “quốc gia” VN luôn tồn tại, cũng như danh nghĩa chủ quyền của VN ở hai quần đảo HS và TS luôn “liên tục”, từ thời xa xưa các vua chúa VN khám phá, khai thác và quản lý (không gián đoạn) đến nay, bất chấp những biến cố đã làm thay đổi về lãnh thổ, dân số, chính trị, hay tên nước…?
Đồng thời trường hợp nào sẽ xóa bỏ hiệu lực các kết ước, như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, các tài liệu lịch sử... phát xuất từ VNDCCH, mà phía TQ sử dụng lâu nay như là những bằng chứng pháp lý ?   

2/ Thế bí về các lập luận chủ quyền của các học giả VN. 
a) Về lập luận “có hai quốc gia VN”.
Hầu hết các học giả VN đều quan niệm rằng có hai “quốc gia Việt Nam” độc lập, có chủ quyền trong khoảng thời gian từ 1954 đến 30-4-1975. Quan điểm này có (rất) nhiều điều không ổn, về pháp lý cũng như trên thực tế. Hệ quả là không thuyết phục được dư luận quốc tế.
Quan điểm này cho rằng chủ quyền của VN tại HS và TS được thụ đắc từ sự “kế thừa”: Chủ quyền HS và TS từ VNCH chuyển sang CP CMLT CHMNVN. Sau đó thực thể này thống nhứt với VNDCCH trở thành CHXHCNVN ngày hôm nay. 
Về pháp lý, nếu VNCH là một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”, thì việc TQ chiếm HS là việc “nội bộ” giữa hai “quốc gia độc lập, có chủ quyền” là VNCH và TQ. VNDCCH là “quốc gia” thứ ba, không có liên can. 
Tức là, khi quan niệm có “hai quốc gia” VNCH và VNDCCH thì sẽ không còn tranh cãi nào về chủ quyền HS và TS. TQ chiếm HS là chiếm trên tay VNCH. VNDCCH lấy tư cách gì để phản đối ? 
Ngoài ra, Tuyên bố đơn phương của “quốc gia” VNDCCH, còn gọi là công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nội dung nhìn nhận yêu sách về lãnh thổ và hải phận của TQ. Mặc dầu một số học giả VN cho rằng đó là “vũ khí tuyên truyền của TQ”, nhưng thực tế cho thấy đây là một bằng chứng quan trọng của TQ nhằm chứng minh chủ quyền của họ ở HS và TS. 
Theo tập quán quốc tế, việc im lặng trong trường hợp (bắt buộc một quốc gia phải lên tiếng) đã là sự “đồng thuận ám thị - acquiescement implicite”. Huống chi VNDCCH còn ra tuyên bố công khai “nhìn nhận” yêu sách của TQ. 
Tức là, khi quan niệm “có hai quốc gia VN”, thì mọi vận động, mọi chứng cứ về chủ quyền của VN ở HS và TS sẽ là điều vô ích.  
Trong trường hợp này VNCH đơn giản là một “quốc gia” bị “giải thể”, không có thừa kế. Lãnh thổ HS và TS của VNCH được “sáp nhập” đơn thuần vào lãnh thổ một nước khác. Mọi kết ước của VNCH ký kết với các tổ chức quốc tế hay các quốc gia khác, trở thành “vô hiệu lực - caduc”. 

b) Về lập luận “quốc gia vừa dành được độc lập”.
Đây (có lẽ) là quan điểm chính thức của VN hiện nay, vì nó thể hiện đúng trên lý thuyết  “trình tự lịch sử khai sinh ra nước VNDCCH”. 
Nguyên tắc (pháp lý) áp dụng trong trường hợp này là “table rase”. Có nghĩa là quốc gia (vừa mới độc lập) không bị chi phối bởi các kết ước do quốc gia tiền nhiệm ký kết. 
Nhưng điều này không còn thuyết phục. 
Trên thực tế, Mỹ không hề có tham vọng về lãnh thổ ở miền Nam. Sự có mặt của Mỹ ở miền Nam không khác với việc quân Mỹ có mặt ở Tây Đức (trước khi thống nhứt với Đông Đức đầu thâp niên 90), hay ở Nam Hàn, Nhật hoặc ở các nước đồng minh hiện nay. 
MTGPMN “trương cờ giải phóng” dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Vấn đề là không ai trưng ra được bằng chứng cho thấy chính quyền ông Diệm bị chi phối, hay bị khuynh loát bởi bất kỳ thế lực ngoại bang nào, kể cả Mỹ. Ngược lại, ông Diệm bị  chết vì lý do chống Mỹ đổ quân vào VN.
Ngay cả dưới thời chính phủ ông Kỳ, Thiệu… Không có chính phủ nào của VNCH bị lệ thuộc và Mỹ, theo kiểu thực dân hết cả. 
VNCH không hề lệ thuộc vào Mỹ như một chính phủ “bù nhìn” với “đế quốc thực dân” là  Mỹ. MTGPMN lấy lý do gì để trương cờ “giải phóng” ?
Đồng thời sự thật lịch sử cho thấy thực thể chính trị MTGPMN chỉ là “cánh tay nối dài” của VNDCCH, do đảng CSVN lập nên, nhân Đại hội đảng toàn quốc  lần thứ ba. 
Vì vậy làm gì có thể vịn vào lý do “quốc gia vừa dành được độc lập” để “xù” tất cả những kết ước trong quá khứ ?
Ngay cả khi chấp nhận lập luận này, thì quốc gia gọi là CHXHCNVN hôm nay vịn vào cái gì để chối bỏ di sản của VNDCCH ? Không có lý do nào thuyết phục cả. Đơn giản vì CHXHCNVN là quốc gia “tiếp nối” quốc gia VNDCCH. 
Đảng CSVN lãnh đạo VNDCCH, lãnh đạo luôn MTGPMN (do Trung ương cục miền Nam lãnh đạo). 
Làm cách nào để hiện hữu hai lập trường đối nghịch, theo kiểu HS và TS thuộc VN (kế thừa MTGPMN) và HS và TS thuộc TQ (tiếp nối VNDCCH với công hàm 1958) ?, Lịch sử đã bạch hóa, không lẽ cứ tiếp tục ngụy biện bằng  “bịa sử” ?  
Trước sự lấn lướt của TQ, trước đây ở HS, bây giờ áp lực mạnh mẽ ở TS, VN hoàn toàn không có phản ứng nào khác, ngoài luận điệu cũ mòn đã nói ở phần dẫn nhập. Các học giả VN đã tự “đào mồ” chôn mình, vì đã đưa trường hợp thống nhứt VN vào dưới ánh sáng của “luật quốc tế”. 
Điều tệ hại, những “học giả” này có khuynh hướng chống lại những người dám đề cập tới Công hàm 1958, hay những bài báo Nhân Dân nhìn nhận “vùng biển Đệ thất hạm đội Mỹ đang hoạt động trong khu vực Hoàng Sa” là thuộc về TQ. Họ không chỉ “chống” mà còn chụp mũ những người khác là “xuyên tạc, bịa đặt”, thậm chí là “tay sai của TQ”...
Các lập luận sai lầm, các luận điệu chụp mũ của các học giả VN cần phải chấm dứt. Đâu phải những gì mình không “quản lý” được thì mình cấm ? Cũng đâu phải khi mình không tìm ra được phương pháp hóa giải thì mình chủ trương “đà điểu”, chạy trốn sự thật ? Theo tôi, khi mình không tìm ra giải pháp, hoặc không phản biện được “lý thuyết” của học giả khác, thì mình “im lặng”. 

3/ Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973.
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973. Trên nhiều phương diện nó giống như một “bản sao” của Hiệp định Genève 27-3-1954. Bởi vì, thứ nhứt, cả hai hiệp định không nhằm giải quyết dứt khoát cuộc “chiến tranh” mà chỉ tạo một “khoảng trống cơ hội” gọi là “đình chiến”. Cơ hội này giúp cho Hoa Kỳ “tháo chạy trong danh dự”. Nhưng phía VNDCCH nhân cơ hội (đồng minh đã tháo chạy) dồn quân đánh bại VNCH, thâu tóm lãnh thổ chỉ hai năm sau. 
Thứ hai, Hiệp định Paris 1973 và Hiệp định Genève 1954 cùng khẳng định nguyên tắc “một quốc gia Việt Nam duy nhứt”. 
Điều 1, chương I Hiệp định Paris 1973 qui định “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, như hiệp định Genève 1954 đã xác nhận”. 
Cả hai Hiệp định đều được “quốc tế” bảo trợ, bao gồm TQ. Riêng hiệp định Paris 1973, đại diện phía TQ là Bộ trưởng bộ ngoại giao Cơ Bằng Phi (Chi Peng Fei).
Tức là “chiến tranh Việt Nam” giữa các bên VNDCCH, VNCH, MTGPMN là một cuộc “nội chiến”.
Tức là, trong khoản thời gian 1954 đến 1975, hai thực thể chính trị có tên VNDCCH ở miền Bắc và VNCH ở miền Nam, đều thuộc về một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”. 
Từ điểm này ta thấy quan điểm “hai quốc gia VN” của các học giả VN đã sai. Tư cách pháp nhân của hai thực thể VNDCCH và VNCH trước quốc tế cần phải được xác định. Nhưng dứt khoát VNDCCH và VNCH không phải là “hai quốc gia độc lập, có chủ quyền”. 
Trên quan điểm công pháp quốc tế, “quốc gia”, là thực thể pháp nhân duy nhứt, bất khả phân. Tư cách pháp nhân của hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia chưa hoàn tất” (Etat partiel). Cả hai miền đều thuộc về một quốc gia duy nhứt gọi là Việt Nam. Trường hợp tương tự Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn hay TQ lục địa và Đài Loan cho ta thấy điều này.
Và nếu hai thực thể VNDCCH và VNCH đều thuộc về một “quốc gia duy nhứt là Việt Nam”, thì việc “thống nhứt” hai miền là việc “nội bộ” của quốc gia VN. Việc “thống nhứt đất nước” đã thể hiện theo “cái cách” của Việt Nam (nội chiến - guerre civile). 
Vấn đề “liên tục quốc gia” hay “kế thừa quốc gia”, như các công ước Vienne đòi hỏi,  cũng không đặt ra. Đơn giản vì chỉ có một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”. Việt Nam trước sau vẫn là Việt Nam, luôn là Việt Nam, thì tự nó đã “liên tục”, tự nó đã “truyền tục” trong nội bộ.  
Trong khi, nếu quan niệm VNCH và VNDCCH là hai “quốc gia”, vấn đề “thừa kế quốc gia” phải xét theo các qui định của luật quốc tế. Các tuyên bố đơn phương, các tài liệu lịch sử… từ VNDCCH xuất phát cũng được xét dưới ánh sáng của luật quốc tế. 

4/ Trở lại Lá thư mở ngày 29-5-2014 gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tháng 5 năm 2014 tôi có viết thư mở gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhằm thuyết phục ông này kiện TQ sau vụ giàn khoan HY 981. Nội dung phản đối quan điểm của quan chức cũng như học giả VN cho rằng “có hai quốc gia VNCH và VNDCCH trước 1975”. 
Lá thư viết :
“Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam được xác định theo Hiệp định Paris năm 1973 : “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận.”
Tinh thần hai hiệp định, cũng là một chân lý làm nên chất keo gắn bó nhân dân và đất nước VN : đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhứt. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhứt. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Trên tinh thần tôn trọng “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam” của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị. 
Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).
Điều này hiển nhiên không đúng 
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.”

5/ Vấn đề hòa giải quốc gia.  
Như vậy lối thoát pháp lý của VN hiện nay để khẳng định chủ quyền ở HS và TS là phải dựa vào nội dung các hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 đồng thời tiếp nhận di sản của VNCH. 
Nước Việt Nam hôm nay không thể “ôm” mãi mối mâu thuẫn do lịch sử để lại là sự xung đột giữa hai miền. Phe chiến thắng, VNDCCH, đã áp đặt lý lẽ của mình trong toàn xã hội VN từ 1975 đến nay. Vì vậy làm sao thuyết phục được dư luận quốc tế, khi lập luận về chủ quyền của VN tại HS và TS là lập luận của phe chiến bại VNCH ?. 
Sau một cuộc nội chiến, một nhà nước bình thường, mong muốn đất nước phát triển lành mạnh, luôn áp dụng một chính sách “hòa giải quốc gia” để hóa giải mọi oán thù gây ra do cuộc chiến. Các bài học như cuộc nội chiến nước Mỹ, hay các xung đột quốc tế như Thế chiến thứ II… cho thấy các nước giàu mạnh nhứt thế giới đều là các nước có chính sách “hòa giải” được áp dụng hữu hiệu.  
Việt Nam hôm nay vẫn luôn đứng sau các nước phát triển Châu Á, mặc dầu VN có dư tiềm năng để qua mặt các nước Thái Lan, Đài Loan, Nam Hàn… Thậm chí VN đang bị Campuchia qua mặt trên một số lãnh vực. Trong khi trên phương diện chủ quyền lãnh thổ, TQ ngày càng lấn tới. 
Nguyên nhân là mâu thuẫn nội bộ của VN quá lớn, trở thành một sức trì, VN không nỗ lực tiến tới là sẽ thụt lùi. 
Hòa giải quốc gia không phải là vấn đề “sỉ diện” của đảng CSVN mà là mệnh lệnh của tương lai dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ.