vendredi 23 octobre 2015

Hiện tượng thái tử đỏ : Đâu là tính chính danh của quyền lực ?

Quyền lực trong xã hội con người, từ cổ đại đến nay, đều đặt nền tảng trên sự « chính danh - légitime ». Không có chính danh thì nói không ai nghe.

Quyền lực (power – pouvoir) ở đây được hiểu như là « quyền lực » của « quyền lực chính trị », tức là « thẩm quyền » áp đặt những nguyên tắc luật lệ mà mọi người trong xã hội (thuộc một vùng lãnh thổ nhứt định) phải tuân thủ.

Sự « chính danh » trong chính trị có thể có thể được hiểu như là điều « hợp pháp » hay « hợp hiến ». « Légitime » nguyên thủy bắt nguồn từ Latin « legitimus », có nghĩa là « xác định bằng luật », « phù hợp với luật lệ ».

Nếu so sánh với xã hội loài thú, ta thấy một đàn chim, một bầy sư tử… luôn có một con đầu đàn. Tính « chính danh » của con thú này là sức mạnh, sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Sức mạnh không phải là « mạnh được yếu thua » hay khả năng tiêu diệt, mà là sự cần thiết để bảo vệ an ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác. Khôn ngoan và kinh nghiệm cũng vậy, là sự cần thiết để dẫn dắt cả đàn đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, cả bầy được sống trường tồn và sung túc.

Tính « chính danh » của « quyền lực » ở VN được xác định ra sao ?

Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là « Cộng hòa xã hội chủ nghĩa » theo nguyên tắc « dân chủ tập trung », đồng thời Việt Nam là một nước « có chủ quyền ».

Người ta hiểu thế nào là « cộng hòa » và thế nào là « có chủ quyền » ?

« Cộng hòa », theo các định nghĩa thông thường, là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa. Chế độ cộng hòa đối nghịch với các chế độ phong kiến đế quyền.

Trong chế độ phong kiến, quyền lực thụ đắc của người lãnh đạo là do sự kế thừa. Tính chính danh thể hiện qua việc kế thừa.

« Có chủ quyền » được hiểu là sự hiện hữu (trong lãnh thổ VN) một quyền lực chủ tể. Trong một chế độ phong kiến, chủ quyền thuộc về vị chủ tể (vua, lãnh chúa…). Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire).

Hiến pháp VN khẳng định quyền lực chủ tể (chủ quyền) thuộc về nhân dân.

Nhìn lại những sự kiện vừa xảy ra, con ông X, con ông này, con ông kia… quyền lực quốc gia được ban phát một cách tùy tiện trong hàng ngũ con ông cháu cha. Dĩ nhiên quyền hành của các ông hoàng đỏ này bị thách thức. Một chế độ nhìn nhận là « dân chủ », « cộng hòa », « có chủ quyền » thì dứt khoát không thể có việc kế thừa quyền lực.

Nguyên tắc của mọi chế độ dân chủ (dân chủ tự do hay dân chủ tập trung) là việc phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước phải đến từ « quyền chủ tể », tức đến từ nhân dân, thể hiện qua các cuộc bầu cử. Tính chính danh của « quyền lực » được bảo đảm bằng sự trung thực của kết quả các cuộc bầu cử.

Quyền lực của các thái tử đỏ này vì vậy không có chính danh.

Nhân dân nào đã bầu cho các ông thái tử đỏ này vào các chức vụ này ?

Vừa rồi, nhân dịp nhận chức, một thái tử đỏ lên tiếng cho rằng quyền lực của cậu ta là do « đảng » ban bố.

Tức là tính chính danh về quyền lực của cậu ta được đảng bảo kê.

Vấn đề là đảng có « quyền » làm việc này hay không ?

Câu trả lời nên dành cho các đảng viên của đảng CSVN. Bởi vì họ là người trong chăn, họ có « bầu » cho các thái tử này hay không ?

Nhưng trên phương diện pháp lý, việc này có nhiều điều vướng mắc. Những vướng mắc này không những đặt lại tính « chính danh » quyền lực của các thái tử đỏ mà còn đặt lại tính chính danh (quyền lãnh đạo đất nước và xã hội) của đảng CSVN.

Hệ thống chính trị VN hiện nay « cơ bản » đặt trên nền tảng « dân chủ ». Theo nguyên tắc dân chủ (kể cả dân chủ tập trung), cũng không có một chức vụ hay cơ chế (quyền lực) nào thuộc bộ máy nhà nước mà không thông qua (sự bầu cử) của người dân, hoặc sự bổ nhiệm của một cơ quan quyền lực chính đáng.

Sự bổ nhiệm các thái tử đỏ do đó là không hợp hiến.

Trước đây, những người cộng sản bảo vệ tính chính danh của đảng CSVN với lý do đảng « đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập ».

Điều này không đúng trong thời điểm hiện tại (và dĩ nhiên, tương lai).

Tạm cho rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo.

Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ».

Nếu dựa vào « công lao », thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ». Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.
Thái tử út, con ông X, mới lên tiếng kể lể công lao của ông nội, ông ngoại.

Ông X chỉ là một « du kích quèn », xuất thân là một y tá. Công lao của ông này vào công cuộc « giải phóng miền Nam », nếu so với các bà mẹ anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các thương phế binh khác... quả thật là khiêm nhường.

Mà tính chính danh không có « kế thừa ». Nếu nhìn nhận sự kế thừa thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... phải làm lãnh đạo mới đúng.

Con cháu của con chim đầu đàn, của con sư tử đầu bầy, chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy, chớ không có kế thừa để lên nắm đầu đàn. Muốn trở thành con thú đầu đàn, con chim đầu bầy, những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí khôn và kinh nghiệm. Đó là sự « chính danh » trong thế giới loài thú.

Việc bổ nhiệm các thái tử đỏ, những người xem ra tài năng chỉ ở mức (tối đa là) trung bình, đã khiến chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa » trở thành chế độ « quân chủ xã hội chủ nghĩa ».

Có người biện hộ cho tính chính danh của đảng CSVN với lý lẽ đảng này được dân bầu lên :
« Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp. Hệ thống chính trị Việt Nam có bầu cử và những người của Đảng ra ứng cử vào các chức vụ. » (Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội Đồng lý luận của đảng, nói trên BBC về tính chính danh của đảng).

Điều này không đúng sự thật. Thứ nhứt, thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội (1946) đảng CS đã giải tán. Thứ hai, số dân biểu đắc cử vào quốc hội gồm một số lớn nhân sự không thuộc đảng CSVN.

Nhưng cũng giả sử rằng thời điểm đó đảng CS không giải tán và số người trong quốc hội 100% là đảng viên đảng CSVN. Thì tính chính danh của đảng cầm quyền chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ bầu cử đó mà thôi. Không lẽ nhiệm kỳ đó kéo dài (đến nay đã gần) 70 năm ?

Lý lẽ khác cũng thường thấy người cộng sản nhắc để biện hộ cho tính « chính danh » của họ là đại diện « giai cấp vô sản ».

Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có « chính danh » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội. Nhà nước họ lập nên là « nhà nước vô sản », sử dụng sự « chuyên chính vô sản », tức sự « độc tài » cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu giai cấp bóc lột đem lại sự « công bằng » trong xã hội.

Trong xã hội cộng sản (hay XHCN), quyền lực quốc gia tập trung vào đảng CS. Quyền lực này chỉ chính đáng khi đảng này còn phục vụ cho giai cấp mà họ đại diện, tức giai cấp vô sản, công nhân, nông dân… nói chung là tầng lớp lao động nghèo.

Khi đảng này phục vụ cho một giai cấp khác, như tầng lớp tư bản nước ngoài, tầng lớp tư bản đỏ… thì nó đã phản bội lại giai cấp mà họ đại diện. Tính chính đáng để lãnh đạo của nó bị mất đi.

Ngày hôm nay, dựa vào « giai cấp vô sản » để biện hộ cho tính chính danh trở thành một sự ngụy biện trắng trợn. Đảng CSVN bay giờ không hề đại diện cho quyền lợi của « giai cấp vô sản », tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Bản thân của họ đã trở thành những trọc phú bóc lột. Bản thân họ là những quan tham. Nhân sự của hệ thống quyền lực quốc gia đã trở thành những con sâu mọt đục phá tài sản quốc gia, nhũng nhiễu dân lành.

Ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước đây có than thở về tình trạng tham nhũng hết thuốc chữa của cán bộ Cộng sản rằng : không phải một con sâu làm rầu nồi canh mà cả nồi canh đã nhung nhúc sâu bọ.

Tính chính danh nào trong (nồi canh) cộng sản nhung nhúc sâu bọ này ?

Mặt khác, VN vừa gia nhập TPP, tức là VN tự nhìn nhận mình là « nền kinh tế thị trường ».
Xã hội chủ nghĩa hiện hữu là do việc phản bác nền kinh tế thị trường (tư bản). Lý thuyết cộng sản đặt nền tảng trên sự phản biện tư sản bóc lột giai cấp lao động. Khi nền kinh tế XHCN được thay thế bằng nền kinh tế thị trường thì đảng cộng ản phải cáo chung.

Đảng CSVN không thể lãnh đạo một nền kinh tế thị trường. Nếu gượng ép, họ không chỉ mất tính chính danh mà còn trở thành một tập đoàn lừa bịp.

Đảng CSVN cũng không có chính danh như đảng CS TQ.

Đảng CSTQ dầu sao cũng có thể biện minh cho sự chính đáng lãnh đạo của mình, vì đã thành công (trong chừng mực) việc phát triển quốc gia và (bành trướng lãnh thổ).

Đảng CSVN sau nhiều thập niên lãnh đạo đã tàn phá đất nước, đã dẫn dắt đất nước ngày càng tụt hậu, nay đã lùi sau cả Lào, Kampuchia. Con người VN không có giá trị một đồng xu.

Tức là, nếu so sánh với bản năng của các con thú đầu đàn, đảng CSVN thua xa lắc. Họ chỉ còn sức mạnh của bạo lực.

Đảng CSVN bây giờ là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như đại diện cho quyền lợi của tầng lớp tư bản nước ngoài. Đảng viên cộng sản trở thành những tên cai thầu coi ngó người dân VN như là những công nhân lao động cho tập đoàn nước ngoài.

Chính danh ở đây là chính danh làm cai thầu, chính danh đưa dân tộc vào vòng làm thuê vác mướn.

Thái tử đỏ lên tiếng nói rằng chức vụ là do « đảng giao phó ».

Khi đảng không còn chính danh, đã đánh mất tư cách lãnh đạo, thì chức vụ của các thái tử đỏ vì vậy cũng không có chính danh.

Tầng lớp thái tử đỏ mới lên có thể làm được điều gì tốt đẹp cho đất nước và dân tộc VN ? Tính chính danh không có. Họ nói không ai nghe. Đất nước vào trong tay họ là chờ ngày tan rã mà thôi.


Dĩ nhiên, khi quyền lực của lớp lãnh đạo không có chính danh, hiện tượng « bất tuân dân sự » sẽ xuất hiện. Lúc đó người dân sẽ đứng dậy lấy lại quyền lực của mình. 

dimanche 18 octobre 2015

VN làm gì khi Mỹ đơn phương tuyên bố đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo ở TS ?

Báo chí đăng tải, ngày 13-10, « Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tiến hành tuần tra gần các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng tại Biển Đông. » « Các nước đồng minh » của Mỹ (được thông báo) ở đây có lẽ (ít nhứt) là các nước Úc, Nhật, Phi và Mã Lai. Bởi vì ta thấy sau đó viên chức hữu trách các nước này đều lên tiếng cho biết lập trường của quốc gia mình (về kế hoạch « tuần tra » của hải quân Hoa Kỳ). Danh sách « đồng minh » này không có Việt Nam.

Ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng, cho biết điều này :

« đây mới là tuyên bố đơn phương từ phía Mỹ, tới nay Chính phủ Việt Nam chưa nhận được bất cứ một thông báo nào của nước này về hành động đưa tàu áp sát các khu vực đảo nhân tạo nói trên. » (báo Đất Việt, 16-10)

Không biết đến nay (18-10) VN có nhận được tín hiệu gì từ Hoa Kỳ hay chưa ?

Sự việc Mỹ thông báo cho các đồng minh (thân cận) của mình kế hoạch tuần tra ở khu vực các đảo nhân tạo (mà TQ xây trên các cấu trúc địa lý thuộc chủ quyền của VN) mà không (hay chưa) thông báo cho VN cho thấy một thực tế là quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ vẫn tồn tại nhiều nghi kỵ. Trên phương diện luật pháp (Luật quốc tế và Luật Biển VN), qua ý kiến của ông Lê Việt Trường trong bài báo đã dẫn, cho thấy quan điểm của VN và Hoa Kỳ có nhiều điều đối chọi.

Về quan hệ quốc phòng, sự nghi kỵ hai bên Việt-Mỹ là dĩ nhiên. Nó đến từ quan hệ nặng phần trình diễn hơn là thực chất của hai bên cựu thù địch. Quá trình hòa giải, 20 năm qua, xem chừng không đạt được bao nhiêu kết quả.

Về vấn đề pháp lý, có hai phương diện cần nói : về chủ quyền và cách diễn giải luật quốc tế.

Về chủ quyền, quan điểm của Mỹ, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ sau thế chiến Thứ II đến đầu thập niên 70. HK mặc nhiên nhìn nhận VNCH có chủ quyền tại HS và TS. Giai đoạn hai, cụ thể qua Tuyên bố năm 1995, nhân các biến cố TQ chiếm đá Vành Khăn, (đến nay chưa thay đổi), là HK không ủng hộ phía nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ (tại hai quần đảo HS và TS).

Về « quyền tự do hàng hải », Hoa Kỳ diễn giải Luật Biển 1982 như sau :

Tàu bè (kể cả tàu chiến) của HK có quyền qua lại ở hai khu vực biển ZEE (kinh tế độc quyền 200 hải lý) và lãnh hải (12 hải lý).

Trong vùng 200 hải lý (của ZEE), Hoa Kỳ chủ trương chiến hạm của họ có quyền thao diễn mọi hoạt động, kể các các hoạt động dò thám.

Trong vùng lãnh hải 12 hải lý, tàu bè của Mỹ, kể cả tàu chiến, có quyền « qua lại không gây hại » mà không cần thông báo (hay xin phép) quốc gia cận biển.

Quan niệm « tự do hàng hải » của Hoa Kỳ được phần lớn các nước trên thế giới chia sẻ.

Trong khi Luật Biển VN (và TQ) thì quan niệm :

Trong vòng 200 hải lý của vùng Kinh tế độc quyền, tàu bè qua lại phải tôn trọng nguyên tắc « qua lại không gây hại – passage inoffensif ».

Trong vùng lãnh hải 12 hải lý, tàu bè dân sự được quyền qua lại « không gây hại », nhưng các loại tàu chiến thì phải xin phép trước.

Kế hoạch « tiến hành tuần tra » vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo của hải quân (và không quân) Mỹ (nếu) thực thi (thì sẽ) đúng như Tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter :

« Quân đội Mỹ có quyền đi lại trên biển và bay qua không phận những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả Biển Đông ».

Trên lý thuyết, quan điểm trái ngược cách diễn giải Luật Biển 1982, mặc dầu việc tuần tra của Mỹ sẽ mang lại lợi ích về an ninh quốc phòng cho VN, hành vi của Hoa Kỳ trong chừng mực có thể làm thuơng tổn đến chủ quyền của VN.

(Trong bài báo đã dẫn, ông Lê Việt Trường có vịn đến các nội dung của Luật Biển của VN, nhưng điều này không cần thiết. VN là thành viên của Công ước 1982, Luật Biển của VN phải ở dưới, đồng thời tuân thủ theo nội dung của luật quốc tế về Biển 1982.)

Trước tuyên bố của Hoa Kỳ (về kế hoạch tuần tra ở các đảo), VN vẫn chưa có một thái độ dứt khoát, cho biết lập trường chính thức của VN ra sao. Ngoại trừ ý kiến của ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng.

Ý kiến của ông Trường có phù hợp với lợi ích của VN hay không ?

Một số điều cần bàn lại.

Thứ nhứt : HK có cần phải « xin phép » VN để đi vào khu vực biển này hay không ?

Dẫn lại nguyên văn lời ông Lê Việt Trường :

Dẫn : « Việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tôn tạo, bối đắp các đảo, bãi đá ngầm, rạn san hô tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) không được phép của Nhà nước Việt Nam là hành động phi lý và hoàn toàn không có giá trị, không thể hy vọng có được chế độ pháp lý theo Công ước của LHQ 1982 về luật biển, vì lịch sử của vấn đề là Trung Quốc đã thực hiện hành động chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam ». Hết dẫn.

Thứ nhứt, ý kiến của ông Trường (về việc tàu bè đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo) là thể hiện quan điểm của Luật Biển VN. Như đã nói, cách diễn giải về « tự do hàng hải » theo Luật quốc tế về Biển 1982 giữa VN và HK có sự trái ngược.

Theo thông lệ, nếu có sự trái ngược về cách diễn giải một điều luật trong bộ Luật Biển 1982, thì chỉ có Tòa CIJ, hay một Tòa có thẩm quyền về luật biển mới có thể giải thích nội dung của điều luật này.

Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm lợi ích dân tộc, ta thấy nếu kế hoạch tuần tra của HK trở thành hiện thực thì VN có lợi nhiều hơn. VN không có gì để mất, ngay cả khi HK cho tuần tra vùng biển thuộc các đảo hiện do VN kiểm soát. Đây là một dịp may hiếm có để hóa giải tham vọng bành trướng của TQ ở Biển Đông, nhứt là khu vực Trường Sa.

Điểm thứ hai, vấn đề đến từ sự suy diễn « logique » của quan điểm công pháp quốc tế về chủ quyền. 

Đối với các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng trên lãnh thổ của VN, nhà nước VN hiện tại mất hoàn toàn mọi kiểm soát trên thực tế (thẩm quyền về lãnh thổ). VN chỉ còn lại chủ quyền « trên danh nghĩa » (mà điều này Mỹ không có ý kiến). Tức là luật pháp VN không còn thực thi trên các vùng lãnh thổ đó (nếu có thể gọi các thực thể địa lý đó là các vùng lãnh thổ). Sẽ là phi lý (và hết sức là bất lợi) khi VN lên tiếng đòi hỏi HK phải « thông báo và thực hiện theo đúng luật pháp của VN » khi hải quân (hay không quân) Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của các thực thể này.

Thứ ba, về chế độ các bãi đá, bãi cạn, chìm, nổi… thuộc khu vực Trường Sa (mà TQ đã chiếm của VN và xây dựng thành các đảo nhân tạo), Hoa Kỳ có quan điểm như sau : 1/ Những cấu trúc địa lý chìm dưới mặt biển lúc thủy triều cao (trước khi được xây dựng thành đảo nhân tạo) không có lãnh hải 12 hải lý. 2/ Các « đảo nhân tạo » không có lãnh hải 12 hải lý (mà chỉ có một vùng 500m gọi là vùng an toàn). 3/ Việc xây dựng không tạo nên « chủ quyền ».

Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tập quán quốc tế và nội dung Luật Quốc tế về Biển 1982.
VN không có lý do nào để phản đối kế hoạch tuần tra của HK.

Ý kiến của ông Lê Việt Trường :

Dẫn : « Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông. » Hết dẫn.

Theo tôi, nếu kế hoạch HK không được thực hiện, khó khăn cho VN ngày thêm chồng chất. TQ một cường quốc đang lên, đang thể hiện cơ bắp để thực hiện tham vọng lãnh thổ của đế quốc. Việc để càng lâu càng khó.

Nếu kế hoạch của HK được thực hiện, một vụ « chạm trán » có thể diễn ra giữa TQ và HK. Thì đây là một dịp tốt để các nước liên quan yêu cầu giải quyết những tranh chấp, những mâu thuẩn về cách diễn giải Luật… trước một trọng tài quốc tế. Trường hợp này TQ vô phương từ chối tham gia.

Không biết chừng, kế hoạch của Mỹ là bước đầu để các nhà chiến lược nước này đưa TQ vào thế trận pháp lý.

Ý kiến của ông Lê Việt Trường trong bài báo cho ta thấy sự lúng túng của VN trước quyết định (đơn phương) của các đại cường. Nó thể hiện một sự « hờn dỗi » không đáng có của nhà nước CSVN. Bởi vì quyền lợi của quốc gia và dân tộc lớn hơn bất kỳ thể diện nào, cho dầu thể diện đó vĩ đại đến đâu.


Hợp lý là VN phải tức thì lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Mỹ. Việc này sẽ xóa lấp tư thế « bẽ bàng » của VN, là « kẻ đứng ngoài » (khi không được HK thông báo). Lên tiếng ủng hộ, bằng một tuyên bố đơn phương, đồng thời khẳng định lợi ích của VN trong các khu vực biển đó.