dimanche 28 février 2016

Việt Nam có thể kiện Trung Quốc về cái gì ?

Vấn đề quân sự hóa Biển Đông đã không còn là những lời răn đe suông. TQ từ khoảng hai năm nay đã đẩy mạnh những hoạt động ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa), TQ đã đặt các giàn ra đa, các ụ phòng không cũng như đưa các loại phi cơ chiến đấu. Tại Trường Sa, TQ đã ráo riết mở rộng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn (Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn, Châu Viên, Su Bi, Ga Ven...), gấp rút xây dựng trên các bãi Chữ Thập, Su Bi... những phi đạo (dài trên 3000 mét). Những gì TQ đã và đang làm ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) chắc chắn sẽ được thực hành cho các đảo nhân tạo  ở Trường Sa.

Ta có thể khẳng định rằng TQ đã và đang "quân sự hóa Biển Đông", bất chấp những phản đối của các đại cường Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Úc... hay các nước có liên hệ trong khu vực.

Nhìn động thái củng cố quốc phòng của các nước "lớn" có quan hệ đến khu vực, như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc... để đối trọng với việc "quân sự hóa Biển Đông" của TQ, ta thấy khả năng giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng một giải pháp hòa bình trở thành viễn ảnh xa xôi.

Lập trường của TQ, từ khoảng 100 năm nay, đã trở thành nguyên tắc đối ngoại, là không chấp nhận việc giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài quốc tế. Tình hình kinh tế đình trệ hiện thời của TQ, cũng như những rối loạn nội bộ do những khủng hoảng xã hội bắt nguồn từ việc suy thoái, đã khiến lãnh đạo Bắc Kinh cứng rắn trong lập trường, không chỉ ở Biển Đông, mà còn đối với Đài loan. 
Những người này cố gắng biến cuộc khủng hoảng xã hội thành một phong trào dân tộc chủ nghĩa.
Tức là lãnh đạo Bắc Kinh, ngay từ thời điểm hiện tại, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng chiến tranh chớ không bằng các nguyên tắc hòa bình theo Hiến chương LHQ.

Đối với Đài Loan (và Hồng Kông), Bắc Kinh sẽ vịn vào "luật chống ly khai" và nguyên tắc "một nước Trung Hoa" để răn đe các khuynh hướng ly khai, như của tân tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hay các phong trào sinh viên ở Hồng Kông.

Đối với Biển Đông, TQ tuần tự "khẳng định chủ quyền" của họ ở HS và TS. Bước đầu TQ sẽ thực hiện những công trình ở những vùng mà không ai có thể phản đối họ được, vì lý do mập mờ về pháp lý. Đó là tường hợp quân sự hóa đảo Phú Lâm, mở rộng các đảo (như Quang Hòa) ở Hoàng Sa. Hoặc mở rộng các bãi cạn ở TS trở thành các đảo nhân tạo, sau đó xây dựng trên các đảo đó những phi trường, bến cảng, ụ phòng không, đài ra đa... cuối cùng "quân sự hóa" để chúng trở thành các căn cứ hải-không quân.

Các hành vi cho tàu bè hay phi cơ tiếp cận các đảo này của hải quân Hoa Kỳ sẽ không làm cản trở các hoạt động của TQ. Hành vi của TQ là khẳng định chủ quyền, còn của Hoa Kỳ là giữ quyền "tự do hàng hải". Nếu hai bên nhượng bộ và thỏa mãn yêu sách của nhau, hai bên sẽ không xảy ra xung đột.
Thời gian tới, sau khi các công trình xây dựng đảo và việc "quân sự hóa" hoàn tất, TQ sẽ mở các hoạt động ở các khu vực khác, có thể gây tranh chấp, như xây dựng và mở rộng các đảo như Tri Tôn, bãi cạn Hoàng Nham... cuối cùng "quân sự hóa" các địa điểm này.

Người ta hình dung trong tương lai ngắn, TQ sẽ mở vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giới hạn phía nam ở khoảng vĩ tuyến 8°30' bắc.

Trong bối cảnh như vậy nhiều người VN lên tiếng thúc hối nhà nước CSVN "kiện TQ ra trước một Tòa án quốc tế".

Câu hỏi đặt ra là VN có thể kiện TQ về cái gì? ở Tòa án nào?

Muốn kiện một đối tượng, điều cần thiết là xác định được đối tượng đã "phạm luật" ở điều gì ?

Những động thái của TQ ở khu vực Hoàng Sa, như vụ đặt giàn khoan 981 trên thềm lục địa của VN vào tháng 5 năm 2014, hay việc quân sự hóa đảo Phú Lâm, cho bồi đắp, mở rộng đảo Quang Hòa... đều có thể là những "lý cớ" để nhà nước VN đơn phương đi kiện TQ trước một Tòa án quốc tế.

Thực tế cho thấy nhà nước CSVN đã không làm điều gì hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi của TQ.

Nhà nước CSVN không làm các việc này vì họ có lý do của họ.

Ngay cả việc hải quân Hoa Kỳ thực hiện công tác bảo vệ quyền tự do hàng hải qui định theo luật quốc tế, VN còn không dám lên tiếng công khai ủng hộ, huống chi đến việc hưởng ứng.

Hành vi của hải quân VN tháp tùng cùng hải quân Hoa Kỳ tuần tiễu (như trong khu vực biển Hoàng Sa) là cơ hội để VN khẳng định chủ quyền của mình tại HS, cũng như khẳng định quyền lợi hợp pháp của VN trong vùng biển này.

Bởi vì từ lâu nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền của TQ. Đồng thời nhà nước này cũng nhìn nhận khu vực biển (mà hải quân Hoa Kỳ tuần hành) là thuộc về Trung Quốc.

Sự "bất lực" của nhà nước CHXHCNVN hiện nay là "hệ quả" của sự "liên tục quốc gia": nhà nước CHXHCNVN là nhà nước "tiếp nối" nhà nước VNDCCH.

Tức là nhà nước CSVN hôm nay phải tôn trọng và thi hành những hứa hẹn về lãnh thổ, hải phận của nhà nước tiền nhiệm VNDCCH.

Nếu áp lực của người dân có hiệu quả, nhà nước CSVN vác đơn đi kiện TQ. Thì với thực tế pháp lý như vậy, kiện là để thua. CHXHCNVN không có tư cách pháp nhân để đứng ra kiện Trung Quốc.

Giả sử VN làm đơn kiện TQ ở Hoàng Sa. Vấn đề là Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trên tay của VNCH chứ không phải trên tay CHXHCNVN.

Nhà nước CSVN hôm nay vẫn còn xem thực thể VNCH là "ngụy". Vụ TT Nguyễn Tấn Dũng bị hạ bệ vì lý do có con gái lấy chồng "con lính ngụy" cho thấy chính sách kỳ thị lý lịch của lãnh đạo CSVN.

Gọi VNCH là "ngụy", tức là "không thật", thì làm sao có thể kế thừa di sản ở một thực thể "không thật"?

Lý do khác, lúc TQ chiếm Hoàng Sa, nhà nước VNDCCH không lên tiếng phản đối, cũng không ký tên vào bản tuyên bố lên án TQ của VNCH.

Theo tập quán quốc tế, ở những tình huống bắt buộc quốc gia phải lên tiếng để bày tỏ lập trường, nếu quốc gia này im lặng thì sự im lặng này có nghĩa là sự đồng thuận. Thì bây giờ nhà nước 
CHXHCNVN lấy lý do gì để phản đối, chưa nói tới việc đi kiện?

Hay là đi kiện về việc chồng lấn vùng biển do có quan điểm khác nhau về Luật Biển?

Thí dụ TQ chủ trương các đảo HS (như đảo Tri Tôn) có hiệu lực của "đảo", còn VN chủ trương các đảo này là "đá", thì phán quyết của Tòa cách nào cũng đem lại thiệt hại cho VN.

Thứ nhứt là VN nhìn nhận HS thuộc chủ quyền của TQ.

Thứ hai, về hiệu lực các đảo HS, phán quyết của Tòa nhiều hay ít gì thì VN cũng mất biển.

Trong khi vùng biển HS (trên lý thuyết) là của VN.

Còn ở Trường Sa, VN có thể kiện về cái gì ?

Ở đây cũng vậy, với tình hình hiện tại, kiện là để được thua.

VN cũng không thể bắt chước Phi đi kiện TQ về việc mâu thuẩn về cách diễn giải luật biển.

Bởi vì, bề ngoài, hình thức kiện là đường chữ U, nhưng bề trong lại là chủ quyền các đảo.

Làm điều này VN cũng nhìn nhận các đảo TQ thuộc chủ quyền của TQ.  

Tức là, việc kêu gọi mọi người ký tên làm áp lực buộc nhà nước VN đi kiện TQ là "phiêu lưu", là bất định. Nếu không nói là để thua.

Trở ngại trong vấn đề kiện tụng là việc kế thừa di sản VNCH.

Nước CHXHCNVN hiện nay không có chính danh ở HS và TS. Họ vẫn xem VNCH là ngụy, vẫn chủ trương lãnh đạo phải là "người bắc kỳ, biết lý luận"...

Thay vì kêu gọi mọi người ký tên để yêu sách nhà nước kiện TQ, hợp lý là kêu gọi nhà nước CSVN thực thi chính sách hòa giải dân tộc, mục đích là kế thừa VNCH.

Xong việc này rồi thì mới có (một chút) hy vọng về kiện tụng.

Như trên đã nói, viễn tượng TQ sẽ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực. Trong bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại, lý do gây chiến tranh là điều cực kỳ trọng yếu.

Kiện TQ đôi khi không phải để thắng, (vì TQ không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài), mà kiện để VN có được "quyền tự vệ chính đáng".

Trong chiến tranh hiện đại, bên nào dành được quyền "tự vệ chính đáng" thì bên đó sẽ thắng.


dimanche 21 février 2016

Nói về ông Dũng và hội nghị thượng đỉnh Sunnylands.


Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ tổ chức vừa qua (15,16-2-2016) tại Sunnylands, California, báo chí (lẫn học giả) trong nước ca ngợi hết lời VN thắng lớn, mặc dầu bản Tuyên bố chung không có một lời nhắc đến TQ. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng thì đặc biệt được tán dương vì đã yêu cầu Mỹ "có tiếng nói mạnh mẽ và hành động thiết thực hơn ở Biển Đông". Vấn đề là VN thắng cái gì và yêu cầu của ông Dũng, Mỹ có thể nói (hay làm) được cái gì?

Về chuyến đi của ông Dũng, một người bị "trợt đài" quyền lực trong Đại hội 12, đáng lẽ không còn tư cách để được đảng CSVN ủy nhiệm đi tham dự Hội nghị Sunnylands. Có người nói rằng ông Dũng được đi là do vận động của cả hai phía, Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu đọc nội dung Tuyên bố chung được công bố (khoản 17), theo tôi, ông Dũng được đi là do áp lực của Hoa Kỳ chớ không do áp lực của phe thân ông Dũng trong đảng.

Bởi vì Hội nghị Sunnylands là hội nghị "cấp cao", ở cấp "lãnh đạo nhà nước hay chính phủ". Ban đầu Phạm Bình Minh được đảng ủy nhiệm cầm đầu phái đoàn đi tham dự. Nhưng ông này chỉ là "bộ trưởng bộ ngoại giao", không phải là người đứng đầu nhà nước (hay chính phủ). Ông Dũng ở thời điểm này tuy rớt đài quyền lực, nhưng danh nghĩa vẫn còn ở cương vị thủ tướng (cho đến hết tháng 5-2016). Dĩ nhiên phía Hoa Kỳ không thể chấp nhận ông Minh, do nghi thức ngoại giao, buộc VN phải cho ông Dũng đi tham dự.

Lời lẽ của ông Dũng phát biểu trong hội nghị, hay trong buổi gặp mặt Obama, cũng như nội dung bài viết của ông này được đưa lên báo chí, cho thấy việc thiếu chuẩn bị của ông Dũng.

Trong nước, hiện tượng "nhổ cỏ tận gốc" của phe Bắc kỳ do ông Trọng cầm đầu đang có khuynh hướng trỗi lên. Cứ địa Phú Quốc mà con trai ông Dũng là lãnh chúa, hiện đang bị "chiếu tướng". Các bài báo, phóng sự... có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia như việc phá hoại môi trường, hay việc cẩu thả ở cách thức nuôi thú làm hàng loạt cả ngàn con thú (hiếm) chết...

Rõ ràng phe Bắc kỳ của ông Trọng muốn lấy lại miếng bánh đang ở trong miệng của con trai ông Dũng.

Trong khi phe thân ông Dũng (nếu còn lại một nhóm nào đó gọi là thân ông Dũng) thì không thấy lên tiếng (hay có phản ứng đáp trả).

Vì vậy khi nói rằng ông Dũng được tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa kỳ ở Sunnylands là do áp lực của phe thân Dũng trong nước là không có cơ sở.

Về nội dung Tuyên bố chung, nhà báo (và học giả) VN tán dương rằng VN "thắng lớn".

Vấn đề là Tuyên bố không đề cập một dòng về TQ.

Khoản 8 của Tuyên bố nói "mập mờ" về việc "cam kết duy trì hòa bình an ninh và ổn định trong khu vực... phi quân sự hóa và tự kềm chế trong các hoạt động".

Vấn đề là TQ đã quân sự hóa đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đã xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, tương lai gần sẽ củng cố các đảo nhân tạo này như các căn cứ quân sự (hải và không quân). Các việc này đã làm thay đổi hiện trạng và đe dọa an ninh khu vực.

Báo chí nước ngoài cảnh báo rằng, một tình huống như chiếc MH 317 của hàng không Mã Lai có thể sẽ xảy ra trên vùng trời Hoàng Sa.

Về câu chữ, việc "tự kềm chế" không có ý nghĩa cụ thể, giải thích sao cũng được. Lại còn không nói đến đối tượng là ai (phải phi quân sự hóa và tự kềm chế?)

Vì vậy người ta hiểu rằng nội dung tuyên bố là cam kết giữa HK và các nước ASEAN hơn là có mục tiêu (hay ám chỉ) Trung Quốc.

Ngược lại, theo tôi, Tuyên bố Sunnylands phần nhiều là ám chỉ cho Việt Nam.

Thật vậy, mặc dầu trước khi Hội nghị khai mạc, báo chí Mỹ đã lên tiếng rằng Obama đón tiếp 8 tên độc tài. Phê bình này thái quá vì dầu sao các nước Mã Lai, Phi, Indonesia, Miến Điện... đã là các nước dân chủ. Mặc dầu không thể so sánh vởi Mỹ hay các nước Châu Âu, nhưng thực chất chế độ các nước này có nền tảng dân chủ. Nhưng phê bình lại đúng cho trường hợp VN.

VN hiện nay là con "chiên ghẻ" trong bầy chiên ASEAN.

Khoản 4 của Tuyên bố hiển nhiên dành cho VN.

"4. Chúng tôi cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân chúng ta, thông qua tăng cường dân chủ, quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản, khuyến khích tinh thần khoan dung, ôn hòa, và bảo vệ môi trường;"

Các nước ASEAN, ngoài Việt Nam (Brunei và Lào), đều ít nhiều tôn trọng khoản 4.

Về dân chủ, VN là nước độc tài tệ hại nhứt, vì là nền độc tài cộng sản công an trị. Người dân VN không có một cơ hội nào, vì pháp luật không bảo đảm  sự công bằng về quyền (tức mọi người bình đẳng trước pháp luật).

Đường vào đồn công an là đường ngắn nhứt để vào nhà thương hay nghĩa địa.

Còn về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ? VN luôn đứng đầu sổ trong các bản thống kê của thế giới về chà đạp, vi phạm nhân quyền. Còn tự do, mỗi người VN đều ở trong tù, khác biệt là tù nhỏ hay tù lớn.

Khoan dung ? cuộc chiến đã qua gần 1/2 thế kỷ, đến nay việc phân biệt bắc-nam, phân biệt hồ sơ lý lịch vẫn còn tồn tại trong các cách đối xử ở cấp lãnh đạo cao nhứt.

Cho đến các bản nhạc (vốn vô tội) viết trước 75 đến nay vẫn còn cấm hát. Một cậu nhỏ mặc quần áo "giống như" quần áo lính VNCH cũng bị kết án ở tù. Huống chi đến các việc khác liên quan đến chế độ cũ...

Còn về môi trường, trong khu vực chỉ có VN là nước mà môi trường bị tàn phá hơn hết. Cái gì bán được là CSVN bán hết, từ rừng gỗ cho đến hầm mỏ, bất kể việc khai thác có tác hại cho môi trường đến mức nào.

Vấn đề đặt ra là VN có tôn trọng và thực thi Tuyên bố này hay không ?

Đây là một tuyên bố về "ý định" hay một tuyên bố mang tính bó buộc pháp lý ?

Người ta sẽ xem xét thái độ của nhà nước CSVN đối với những người tự ứng cử quốc hội vào tháng 5 tới để kết luận.

Những nhà tranh đấu trong nước từ nay cảm thấy yên tâm khi dấn thân ra ứng cử.

Nếu đây là một "tuyên bố" có giá trị pháp lý ràng buộc thì dĩ nhiên nó có giá trị cao hơn là hiến pháp của VN.

Người đã đặt số 4 cho khoản này là có thâm ý ám chỉ điều 4 của HP VN.

Khoản 2 và 3 bản Tuyên bố dĩ nhiên cũng ám chỉ VN. Nhưng hai khoản này chỉ là "ghi nhận" mà không phải là "cam kết". Dầu vậy cũng nên nhắc tới, nếu có dịp.

Về yêu cầu của ông Dũng, Mỹ cần có "có tiếng nói mạnh mẽ và hành động thiết thực hơn ở Biển Đông", cũng không có giá trị thực sự.

Những gì Mỹ có thể nói (ở Biển Đông) Mỹ đã nói. Và Mỹ cũng đã làm những gì có thể làm.

Nguyên tắc cơ bản tạo thành nền tảng của luật lệ quốc tế (và nguyên tắc bang giao quốc tế) là "bình đẳng về chủ quyền giữa các nước".

Hoa Kỳ không thể cho tàu hải quân làm hơn các việc mà luật quốc tế cho phép.

Ông Dũng muốn Mỹ can thiệp để TQ ngưng làm thay đổi hiện trạng cũng như ngưng việc quân sự hóa Biển Đông.

Mỹ chỉ có thể làm các việc này khi (các nước) chứng minh được các hành vi của TQ là sai luật.

Mỹ lên tiếng cảnh cáo TQ phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Phi-TQ. Đây là việc làm "tối đa" mà Mỹ có thể làm để giúp đồng minh Phi của họ.

VN là gì để Mỹ phải giúp ? Và TQ làm gì sai luật (với VN) để Mỹ có thể can thiệp ?

Câu trả lời là không là gì cả (và không có gì cả).

Trước luật quốc tế, các hành vi của TQ là phù hợp, ngoại trừ khi VN thuyết phục được dư luận thế giới ủng hộ chủ quyền của mình ở HS và TS.

Nhà nước CSVN hiện nay chỉ có thể thuyết phục được dân chúng và các học giả (dễ dạy) của mình chớ không thuyết phục được ai.

Trong khi HS và TS hiển nhiên là của VN. Lịch sử chủ quyền của VN, từ thời các chúa Nguyễn cho tới thời bảo hộ Pháp, sang đến VNCH thì được chứng minh. Sự liên tục chủ quyền của VN chỉ bị gián đoạn sau khi CSVN nắm quyền cả nước.

Tức là VN hiện nay vẫn có thể thuyết phục được Mỹ (và dư luận quốc tế) ủng hộ VN nếu vấn đề kế thừa VNCH được thể hiện. Điều này đã nói nhiều lần, không nhắc lại.

Tức là Mỹ chỉ có thể can thiệp sâu xa hơn trong vấn đề HS và TS, như trường hợp Mỹ ủng hộ vụ Phi kiện TQ, nếu vấn đề kế thừa VNCH được CSVN nghiêm túc thực hiện.

Về nội dung bài viết của ông Dũng, rõ ràng đã nói lên việc thiếu chuẩn bị của ông này. Tức là ông Dũng đi tham dự Hội nghị Sunnylands là do áp lực của Mỹ chớ không phải áp lực của phe thân ông này trong nội bộ đảng.

Bài viết có điều gì đáng chú ý?

Theo tôi chỉ có hai điểm. Thứ nhứt là "hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực" để VN có thể "tự vệ" khi gia nhập TPP.

Điều này tôi đã khuyến cáo, sau khi đọc tin "rò rỉ" của wikileaks về nội dung hiệp định TPP. Ý kiến của tôi như sau:

"Về phạm vi pháp quyền (juridiction – quyền xét xử, quyền tài phán), trước đây xí nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ (do cán bộ lãnh đạo thiếu khả năng) thì "trời mưa có đất chịu", theo luật rừng XHCN, người dân nai lưng trả nợ. Bây giờ, xí nghiệp nhà nước làm ăn "cà chớn" (thí dụ vi phạm các điều khoản về sở hữu trí tuệ, về "hàng nhái", về vệ sinh an toàn thực phẩm…) việc phân xử sẽ do một "tòa án của TPP", tức là tòa án "tư nhân" đảm trách. Tức là "chủ quyền" của quốc gia bị mất vào tay tập đoàn tư nhân. Trong lâu dài, nếu VN vẫn không kịp đào tạo những chuyên gia luật học, chủ quyền quốc gia sẽ chuyển sang các tập đoàn luật gia quốc tế."

Điều thứ hai là "hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân và thượng tôn luật pháp".
Điều này tôi cũng đã khuyến cáo từ lâu "nhà nước pháp trị" và việc "thượng tôn pháp luật".

Khi ông Dũng nói "hoàn thiện nhà nước pháp quyền", tức là "nhà nước" này có vấn đề. Và khi nói "thượng tôn pháp luật" là nói đến "nhà nước pháp trị".

Tức là, những điều quan trọng trong bài viết của ông Dũng đều lấy từ ý kiến của tôi.

Không phải nói điều này là chê trách ông Dũng, nhưng khen ngợi ông Dũng là người biết nghe lời phải.

Vấn đề là sự việc quá trễ để làm thay đổi hiện trạng.

Lúc còn tại chức, quyền lực trong tay, nịnh thần chung quanh tung hô lên tận mây. Ông Dũng đâu có ngó ngàng gì tới những ý kiến đúng đắn, có lợi cho đất nước.

Hồ sơ Biển Đông, nếu ông nghe tôi thì vấn đề (Biển Đông) VN đã không bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. (Mà số phận của ông cũng không đến đỗi). Ông chỉ nghe gian thần và kẻ nịnh.

Như là thói quen, các lãnh đạo VN chỉ "nói hay, nói đúng" khi không còn nắm quyền lực.

Mà tương lai ông Dũng thì bất định. Ra nước ngoài thì ông Hà Vũ, Điếu Cày, bà Phong Tần có thể kiện ông vì những hành vi bức hại (thể xác và tinh thần). Kiện nhà nước thì khó nhưng kiện ông Dũng thì dễ.

Trong nước thì con cái ông thì đang bị phe Bắc Kỳ tìm cách bứng gốc.

Âu đó cũng là do "tầm nhìn" mà thôi.

Ca ngợi ông Dũng quá, hay đánh giá cao thực lực của ông Dũng còn mạnh trong đảng là không đúng. 

Ở đời người ta phù thịnh chớ không ai phù suy. Ông Dũng qui tụ được quần hùng là nhờ miếng mồi "quyền lợi và quyền lực", thì bây giờ cũng vì "quyền lợi và quyền lực" mà những người này trở áo với ông.


Bài học cho các lãnh tụ tương lai: hãy nghe lời đúng chớ đừng bao giờ nghe lời nịnh bợ. 

vendredi 19 février 2016

Sai lầm của VN ở cuộc chiến 1979.

Binh thư ngày xưa của Tàu, lãnh đạo tài ba là thắng địch không cần chiến tranh. Quan niệm thế giới bây giờ cũng không khác: lãnh đạo giỏi là làm sao đạt kết quả mà chiến tranh không xảy ra.

Khi chiến tranh xảy ra, kể cả phía chiến thắng, phía sau vòng nguyệt quế là tang tóc và sự đổ vỡ.

Lãnh đạo CSVN, trong một thời gian (tương đối ngắn so với thời gian lập quốc của Việt Nam), đã liên tục mở ra bốn cuộc chiến tranh: đánh Pháp (1945-1954), đánh Mỹ (1954-1975), đánh Campuchia (1977-1988) và cuối cùng là đánh Trung Cộng (tháng 2-1979, trên lý thuyết là quân TQ rút về vào tháng 3 năm 1979 nhưng trên vùng biên giới chiến cuộc vẫn tiếp tục cho đến cuối thập niên 80).

Phía CSVN hãnh diện đã chiến thắng ở 4 cuộc chiến đó. Nhưng hệ quả của nó đất nước tan hoang, dân tình đồ thán. Hơn 4 triệu người chết.

Mỗi năm đảng CSVN làm lễ linh đình mừng chiến thắng đánh Pháp, đánh Mỹ, tán dương tài lãnh đạo của đảng.

Nhưng những người đã đổ máu cũng cho chiến thắng, là các cuộc chiến biên giới Việt-Trung, Campuchia thì bị lãng quên. Những người lính chết trận 1979 hay chết ở chiến trường Campuchia không hề được lãnh đạo CSVN nhắc đến. Mặc dầu xương máu của họ đã chồng chất dưới bệ ghế ngồi của những người từ tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng... cho tới tỉnh ủy, huyện ủy, công an các cấp...

Lịch sử hiện đại của VN đã bỏ quên đến hai cuộc chiến này.

Một góc tư thế kỷ dứt tiếng súng, hệ quả chiến tranh đã làm cho đất nước bị tàn phá, con người VN bị tật nguyền, từ thể xác đến tinh thần.

Ngoài ra còn di sản của lịch sử: Những người lính chết trận bị lãng quên.

Nguyên nhân nào đã đưa đến cuộc chiến 1979 ?

Tổng hợp một số dữ kiện về cuộc chiến, không phải để trả lời, mà để đặt một câu hỏi cho lịch sử.

1/ Nguyên nhân cuộc chiến biên giới tháng hai năm 1979.

Cuộc chiến biên giới hai nước Việt-Trung bắt đầu từ 17 tháng 2 năm 1979. Cuộc chiến được giới hạn ở không gian và thời gian, do Đặng Tiểu Bình làm "kiến trúc sư". Đặng Tiểu Bình tuyên bố trước quốc tế, vài ngày trước khi đem quân vượt biên giới, nhằm "dạy cho VN một bài học". Họ Đặng tự đặt giới hạn không quá một tháng và chiến trường là các tỉnh của VN trên vùng biên giới. (Cuộc chiến vì vậy còn gọi là cuộc chiến biên giới 1979).

Nếu hiểu đơn thuần như vậy thì nguyên nhân cuộc chiến là Đặng Tiểu Bình.

Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Nếu xét lại cho kỹ, chính những sai lầm chồng chất của lãnh đạo VN trong thời kỳ mà thế giới quay lưng với VN và Đặng Tiểu Bình có lý do để đánh Việt Nam.

Để có một cái nhìn khách quan, thử đặt Obama (hay một lãnh đạo của nước Tây phương nào đó) vào vị trí Đặng Tiểu Bình. Đặt các vấn đề như sau :

VN ra chính sách tập trung người Hoa, từ nam ra bắc, tịch thu toàn bộ gia sản của những người này, sau đó bắt họ "hồi tịch" (trong đó nhiều người sinh ra và lớn lên ở VN từ nhiều đời, không biết nói tiếng Hoa), buộc họ rời khỏi VN với hai bàn tay trắng. Trên cương vị lãnh đạo, Obama sẽ làm gì ?

Theo các tài liệu của CIA vừa bạch hóa gần đây, VN đã có hành vi lấn đất của TQ (chứ không phải ngược lại), diện tích khoảng 60 km². Nếu dữ kiện này là thật, Obama sẽ phải làm gì để bảo toàn lãnh thổ của TQ ?

Lãnh đạo VN từ năm 1958 đã nhìn nhận hai quần đảo HS và TS là của TQ, trước là để đền ơn các viện trợ của TQ cho cuộc chiến chống Pháp, sau là trả nợ các viện trợ cho cuộc chiến chống Mỹ. Bây giờ VN dựa vào Liên Xô, một thế lực thù nghịch khác của TQ, để chống lại TQ rồi tuyên bố ngược lại HS và TS là của VN. Thái độ của Obama sẽ ra sao ?

Chắc chắn Obama (hay ai đó) sẽ làm không khác Đặng Tiểu Bình.

Vấn đề "nạn kiều" là lý do quan trọng để họ Đặng hạ quyết tâm "dạy VN một bài học".

Hãy thử làm tương tự với một người Mỹ, xem thái độ của lãnh đạo và dân nước này ra sao ? Thế giới văn minh không ai làm theo lối "man rợ" như lãnh đạo CSVN đã làm. Theo công pháp quốc tế, một quốc gia có quyền can thiệp vào nội bộ quốc gia khác để bảo vệ kiều dân của mình (nếu những người này bị bức hại).

Về vấn đề lãnh thổ, Bị Vong Lục của VN công bố năm 1979 tố cáo TQ chiếm đất của VN. Các chi tiết trong đó một số không thể kiểm chứng, một vài điểm thì đúng nhưng cũng có vài điểm sai. Nhiều tài liệu (như của CIA) cho thấy phía VN chiếm đất của TQ. Nguyên nhân phía VN không chấp nhận công ước Pháp-Thanh về biên giới 1885-1897. Nếu việc VN lấn đất có thật, thì chính VN đã tạo ra lý do để TQ đánh VN. Thử suy nghĩ, nếu nhà nước Mể không tôn trọng hiệp ước nhượng đất đã ký với HK trước đây, cho quân qua chiếm đất của California hay Dallas, Obama có "phản công tự vệ" không ?

TQ gọi việc đánh VN là cuộc chiến tự vệ (phản công tự vệ chiến).

Về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, phía VN có phản bác thế nào thì cũng không thể phủ nhận hiệu quả của nó trước dư luận quốc tế (nhứt là hiệu quả ràng buộc trước luật quốc tế).

Đặng Tiểu Bình là nhân vật chính trong cuộc đánh chiếm HS năm 1974. TQ đánh với danh nghĩa "giải phóng lãnh thổ bị kẻ địch chiếm đóng". TQ có thể nhân danh tương tự để đánh TS bất kỳ lúc nào mà họ thấy nắm chắc phần thắng.

Trong khi đó, cuộc chiến Việt-Campuchia 1978 đáng lẽ cũng đã không xảy ra. Lãnh đạo CSVN đã ra tuyên bố "tôn trọng đường biên giới hiện trạng của Campuchia" với Sihanouk để ông này cho mở đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Miên. Mà "đường biên giới hiện trạng" theo Sihanouk (có đệ trình lên LHQ) bao gồm các đảo trong vịnh Thái Lan và biên giới theo bộ bản đồ Indochine 1/100.000 trước 1958.

Theo tài liệu khác (của Nayan Chanda trong Brother Enemy), một lãnh đạo MTGPMN cũng hứa hẹn trả đảo Phú Quốc và Thổ Chu lại cho Campuchia để được Sihanouk cho đặt bản doanh MT trên đất Miên. Sihanouk bị Lonnol lật đổ, nhưng sau đó Campuchia về tay Khmer đỏ. Dầu vậy lời hứa của lãnh đạo CSVN vẫn còn. VN không giữ lời, do đó Khmer đỏ mới đánh phá và giết chóc, tạo ra cuộc chiến Việt-Miên 1978.

Nguyên nhân cuộc chiến Việt-Campuchia 1978 là do Khmer đỏ hay do lãnh đạo CSVN ?

VN can thiệp sâu vào nội bộ Campuchia cũng là một lý do để TQ đánh VN. VN can thiệp vào Campuchia, dưới mắt của quan sát viên thế giới, là hành vi "xâm lăng". Điều này đi ngược lại các nguyên tắc của thế giới là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác.

Là người VN, dĩ nhiên ai cũng phẫn nộ trước sự bạo tàn của quân lính TQ. Để chống lại sự xâm lăng của TQ, vài hàng chục ngàn thanh niên VN đã đổ máu, chưa tính tới vài chục ngàn nạn nhân vô tội khác, là người dân sinh sống ở các tỉnh trên biên giới.

Nhưng suy nghĩ sâu xa, cuộc chiến này có thể tránh được, nếu lãnh đạo CSVN đã không có những hành động và tính toán sai lầm. Chính lãnh đạo CSVN sai lầm đã tạo lý do chính đáng để họ Đặng đánh VN.

Điều tệ nhứt, những người lãnh đạo CSVN hiện nay đã thấy sai lầm này. Thay vì tìm ra những chính sách hòa giải để hàn gắn các vết thuơng quá khứ, thì họ chọn phương cách quay lưng lại với lịch sử. Họ đã lãng quên vong linh của hàng chục vạn người đã chết vì những sai lầm của họ.

2/ Việt Nam có bị bất ngờ trước cuộc chiến 1979?

Một số ý kiến cho rằng "Việt Nam hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc chiến", "VN không chuẩn bị trước", là hoàn toàn không đúng.

Trên thực tế chứng minh, ở mặt trận Lạng Sơn, phía VN đã đào sẵn hơn 60 cây số chiến hào phòng thủ cùng với khoảng 2.000 cứ điểm chiến đấu.

Nếu không "chuẩn bị trước" việc TQ xâm lăng thì làm sao có các cơ sở phòng thủ này ?

Vài tuần trước khi chiến sự xảy ra, phía VN đã tố cáo trước Hội đồng Bảo an LHQ phía Trung Quốc tập trung quân tại biên giới. Nếu không "biết trước" thì làm sao có việc tố cáo ?

Diễn biến cuộc chiến, tài liệu từ hai phía, cho thấy khi quân TQ vượt qua biên giới là tức khắc bị sa lầy, mặc dầu với quân số đông hơn gấp 8 lần, với hàng ngàn xe tăng yểm trợ. Các cứ điểm phòng thủ biên giới của VN cho thấy rất hữu hiệu.

Việc này chỉ có thể giải thích là phía VN đã được chuẩn bị chu đáo, gài quân sẵn để "tiếp đón" đoàn quân của TQ.

Trong cuộc chiến, vũ khí phía VN vượt trội, quân đội huấn luyện tinh thục, tinh thần chiến đấu của dân quân không kém gì quân đội chính qui.

Theo các tài liệu đã công bố, trước khi đánh VN, Đặng Tiểu Bình có thông báo trước cho HK. Thái độ của HK là không ủng hộ nhưng lại cung cấp tin tức tình báo cho TQ. Theo các không ảnh của tình báo HK, phía LX không tăng thêm quân đóng ở vùng biên giới, ngoài 50 sư đoàn (thiếu trang bị) đã đóng trước.

Đặng Tiểu Bình quả quyết đánh VN là do thái độ mập mờ, nếu không là ưng thuận ngầm của HK.

Về phía LX, có thể Kremlin không chuẩn bị cho cuộc chiến VN, hoặc đánh giá thấp lực lượng của quân TQ. Nhưng cũng có thể đây là âm mưu của LX và VN, gài TQ để cho đế quốc này một bài học. Khi chiến sự bắt đầu, thái độ của LX cho thấy nước này có thể làm nhiều việc ngoài dự liệu của TQ để cứu VN, nếu thấy VN thất thế.

Về thời điểm mở cuộc chiến, tháng hai, trên vùng biên giới là mùa khô.

VN cũng đã chuẩn bị cho tình huống tệ nhứt, là mất Hà Nội. Bộ đầu não của VN đã bí mật chuyển về Nha Trang trước đó khá lâu. Tại sao Nha Trang ? là ở kế Cam Ranh, quân cảng dành cho hải quân LX sử dụng. Nha Trang, lúc đó là nơi được phòng thủ chu đáo nhứt về cả ba mặt : trên không, trên bộ và mặt biển.

Như vậy, VN đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến biên giới 1979.

3/ Kết luận: Sai lầm của CSVN là đi với nước này chống lại nước kia.

VN không chỉ đi với LX chống TQ mà còn chống cả thế giới. VN bị cô lập cho đến đầu thập niên 90. Tình thế bắt buộc, VN phải sang qui phục TQ.

Sau khi thắng quân Thanh năm Kỷ dậu 1789, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hòa. Thái độ của vua Quang Trung được người đời sau cho là khôn ngoan. Cầu hòa với kẻ địch với tư thế kẻ chiến thắng. Việc này đã đem lại cho VN hòa bình lâu dài với đế quốc láng giềng.

Sau 1975, với sự huênh hoang háo thắng, CSVN từ chối thiết lập bang giao với Mỹ. Hệ quả Mỹ cấm vận VN cho đến đầu thập niên 90. Lúc VN làm hòa với Hoa Kỳ thì VN ở thế yếu.

Sau 1979 VN không tìm cách hòa hoãn với TQ, chờ cho đến lúc thế giới XHCN sụp đổ khắp nơi mới bắt đầu làm hòa. Làm hòa với TQ ở thế yếu. Hội nghị Thành Đô, nói theo Nguyễn Cơ Thạch, đã đưa VN vào làm chư hầu cho TQ.  

Lãnh đạo VN đã không học các bài học lịch sử. Lúc cần có một đồng minh để hợp sức bảo vệ mình thì chủ trương "không đi với nước này để chống nước kia". Điều này có thể đúng ở thời kỳ 1979, mà CSVN không thực hiện, để xảy ra chiến tranh, gây thù hận cho đến bây giờ.

Khi cần thì lại áp dụng nó một cách máy móc.

Những động thái của TQ, như cho giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa của VN, cho xây dựng đảo nhân tạo các bãi đá (chiếm được của VN), mở phi trường, củng cố công sự chiến đấu ở các nơi đây, các việc quân sự hóa các đảo thuộc HS... cho thấy sắp tới TQ sẽ mở vùng "ADIZ - nhận diện phòng không" ở Biển Đông. Đến lúc đó VN không chỉ an ninh bị đe dọa, mà lãnh thổ bị mất mà hải phận cũng không được bảo toàn.


VN không đi với nước này chống nước kia, nhưng đâu ai có thể cấm VN liên minh với một cường quốc để bảo vệ an ninh và quyền lợi của mình ?

lundi 8 février 2016

Năm nào đến Hoàng Sa ?

Câu "sang năm đến Hoàng Sa" không biết xuất hiện từ đâu, khi nào, nhưng khi lên mạng internet lâu lâu lại thấy nó.

Câu này chắc chắn không phải đến từ chủ trương của nhà nước CSVN rồi. Đối với nhà nước này, Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Trung Quốc, theo đúng nội dung của công hàm (hay công thư chi đó) của ông Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai ngày 10-9-1958.

Nhà nước CSVN, qua các học giả VN, cố gắng chống chế, phủ nhận hiệu lực của văn thư này trước dân chúng. Nhưng trước dư luận quốc tế thì những hành động của nhà nước này luôn thể hiện lập trường trái ngược. Từ trước đến nay, bất kỳ hành vi nào của người dân, thể hiện trước công chúng, nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS, đều bị nghiêm cấm. Các cuộc tưởng niệm ngày mất HS (17,19 tháng giêng 1974), hay ngày thảm sát ở Gạc Ma (14-3-1988), của các thành phần người Việt yêu nước ở Sài gòn hay Hà Nội, luôn bị nhà nước, nếu không cho công an đàn áp bắt bớ, thì cũng cho sai nha "hồng vệ binh" ra phá phách để việc tưởng niệm không thực hiện được.

Những hành vi nói trên của nhà nước, trên phương diện công pháp quốc tế, là bằng chứng hùng hồn: nhà nước CSVN nhìn nhận, bằng văn bản và bằng hành động trên thực tế, khẳng định HS và TS thuộc chủ quyền của TQ.

Nếu HS và TS của VN, thì có nhà nước nào lại cấm đoán, bắt bớ, đàn áp... những công dân của mình tổ chức những buổi lễ tưởng niệm (oan hồn) những chiến sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ của mình ?

Nếu HS và TS là của VN, thì tại sao nhà nước CSVN không gọi những tử sĩ (chết oan ức) ở Gạc Ma là những chiến sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc, mà đơn giản là những người chết vì "bảo vệ ổn định cho khu vực", như đã ghi trên bia đá tưởng niệm (những người lính chết trận Gạc Ma) ?.

Còn nói chi đến những người lính chết ở Hoàng Sa! Họ sống là "lính ngụy" thì chết cũng là "lính ngụy".

Vì vậy, những lần đọc câu "sang năm tới Hoàng Sa" của bạn bè nào đó "hứa hẹn" với nhau như một lời thề, nhứt là trong ngày đầu năm, lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm chua xót khó tả được bằng lời.

Tôi không nghĩ là thế hệ mình sẽ thấy được Hoàng Sa về lại với tổ quốc của mình. Với một nhà nước như thế, ta không có bất kỳ một hy vọng nào. Nhưng dầu thế nào chúng ta vẫn phải làm bổn phận công dân của mình: bằng mọi cách bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc.

Dầu vậy, việc mất chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa (và Trường Sa - vài ki lô mét vuông đất) sẽ chỉ là một vấn đề nhỏ, nếu so với hiệu lực về biển hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu ki lô mét vuông có thể sẽ phải mất cho TQ.

Đọc đâu đó một tài liệu, cho rằng trước đây ông Hồ Chí Minh có nói rằng HS và TS "ba cái đảo chim ỉa", ý nói đại khái là HS và TS không quan trọng đâu, giao cho TQ cũng không hề gì. Vào thời điểm đó (1958), ông Hồ cần sự trợ giúp súng đạn, nhân lực, vật lực... của TQ để đánh chiếm miền Nam. Thời điểm đó ông Hồ, cũng như nhân sự đảng CSVN, không ý thức được tầm quan trọng của vùng biển (và thềm lục địa) chung quanh các đảo này. Có lẽ vì vậy nên nhà nước của ông Hồ đã ký cái công hàm nhìn nhận HS và TS thuộc về TQ. Cho đến ông Nguyễn Cơ Thạch, theo một tài liệu trên net, cũng đặt ưu tiên vấn đề xâm chiếm miền Nam lên trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Bây giờ, xem những yêu sách của TQ về hải phận của họ ở HS, qua bộ Luật Biển 1996, người ta mới thấy tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền HS (và TS).

Mất chủ quyền HS, trong chừng mực, tội trạng của đảng CSVN còn có thể chạy được. Như lý lẽ của học giả VN: HS là do VNCH làm mất. Nhưng việc (có thể) mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển (và thềm lục địa) ở HS cho TQ là do việc nhà nước CSVN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS (và TS).

Bởi vì nếu VN còn giữ được danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa, thì cho dầu lãnh thổ này mất trên thực tế, thì trên phương diện pháp lý, Hoàng Sa là "lãnh thổ có tranh chấp".

Theo tập quán quốc tế, một lãnh thổ có tranh chấp, nếu đưa ra trọng tài phân giải, thông thường là chia đôi (vùng biển vì vậy cũng chia đôi).

Ta thấy, trên thực tế (và lịch sử), TQ lên tiếng tranh chấp HS với VN từ thời VN còn là thuộc địa của Pháp. Nhà nước Pháp đã hai lần đề nghị với TQ giải quyết tranh chấp này trước một trọng tài quốc tế. Cả hai lần TQ đều từ chối.

Phía TQ từ chối vì họ không có lý lẽ nào thuyết phục, để thắng.

Sau khi TQ chiếm HS (trên tay VNCH bằng vũ lực), HS vẫn không được quốc tế nhìn nhận là lãnh thổ của TQ. Đơn giản vì tập quán quốc tế không nhìn nhận việc chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực.

Nhưng HS trở thành lãnh thổ của TQ, bởi vì Việt Nam là quốc gia duy nhứt có tính pháp nhân để phản đối chủ quyền của TQ, thì quốc gia này đã "nhìn nhận" chủ quyền của TQ tại HS.

Cho đến bây giờ nhà nước CSVN, cũng như nhiều học giả VN, vẫn không thức được rằng, mất chủ quyền HS là mất hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu ki lô mét vuông biển cho TQ.

Thậm chí khi TQ cho đạt giàn khoan 981 ngay trên thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn của VN là 119 hải lý, nhưng nó chỉ cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) có 18 hải lý (về phía tây nam), thì nhà nước CSVN (và giàn học giả) cũng vẫn còn đắm chìm trong mê muội.
Vừa rồi, Mỹ cho tàu chiến tuần hành xuyên qua khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn. Báo chí VN đánh phèng la rùm beng, cho rằng VN "mạnh" lên nhờ có Mỹ. Cho rằng "Mỹ phá đường cơ sở thẳng phi pháp của TQ"...

Nhân dịp, nhà nước VN, qua ý kiến của học giả VN, lý luận rằng các đảo HS không có đảo nào là "đảo" để có hiệu lực về (200 hải lý vùng kinh tế độc quyền) theo bộ Luật Biển quốc tế 1982. Họ cũng lý luận rằng TQ không phải là "quốc gia quần đảo" để có thể vẽ hệ thống đường cơ bản quần đảo HS, như bộ luật 1996 của TQ.

TQ có quyền vẽ hệ thống đường cơ bản như vậy hay không, sẽ phân tích ở dưới.

Mục đích của học giả VN nhằm chứng minh chuyến đi qua đảo Tri Tôn của chiếc khu trục hạm Mỹ là phù hợp với luật quốc tế: thể hiện quyền tự do hàng hải.

Nhà nước VN, qua giàn học giả (thượng thặng) của mình, lại rút dao ra đấu với người ta. Có điều là học giả nhà mình cầm dao bằng đàng lưỡi.

Giả sử rằng chuyến hải hành của chiếc khu trục hạm Mỹ là phù hợp với luật quốc tế. Thì việc này có làm giảm đi chút nào yêu sách về "vùng nước" của quần đảo Hoàng Sa (theo luật biển 1996) của TQ hay không ?

Xin thưa rằng không. Tàu Mỹ có đi vào vùng nội hải của quần đảo Hoàng Sa, hay lãnh hải của đảo Tri Tôn, việc này không làm mất, hay giảm đi yêu sách của TQ.

VN cầm dao bằng lưỡi để đấu với người ta, bởi vì chỉ có những nước như Phi, Mã Lai, Brunei... là những nước không thể chứng minh chủ quyền của họ ở TS thì họ mới lập luận rằng các đảo TS là các đảo đá, không có đảo nào là đảo thật (như định nghĩa ở điều 121 bộ Luật biển 1982).

Lập luận như vậy, thứ nhứt, vô hình chung, các học giả đã thú nhận rằng VN không có chủ quyền tại HS.

Thứ hai, các học giả nói rằng các đảo HS không có đảo nào là "đảo" thật sự để có hiệu lực biển (200 hải lý vùng kinh tế độc quyền). Thì tranh chấp giữa VN và TQ đơn thuần là tranh chấp chồng lấn về biển, do cách diễn giải đối nghịch nhau về hiệu lực các đảo HS.

Tập quán quốc tế giải quyết vụ này ra sao ? Vụ kiện Phi-TQ trước Tòa Trọng tài sắp tới sẽ cho thấy số phận của một số bãi đá TS (mà TQ đòi hỏi chủ quyền) có hiệu lực về biển như là đảo thật sự hay không. Các đảo HS, có hiệu lực nhiều hay ít sẽ do tương quan lực lượng (quốc phòng, kinh tế, ngoại giao..) giữa các bên.

Còn hệ thống đường cơ bản của quần đảo Hoàng Sa, theo bộ Luật biển 1996 của TQ, có phù hợp với nội dung Luật quốc tế về Biển 1982 hay không ?


Phần IV của Bộ Luật quốc tế về Biển 1982 nói về "quốc gia quần đảo", trong đó có định nghĩa về "quần đảo".
"Quần đảo (archipel) là một tổng thể các đảo, kể cá các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử."

Về địa lý và lịch sử, ta không thể phản bác Hoàng Sa (gồm các đảo của nó) tạo thành một "quần đảo". Mà "quần đảo" bao gồm, dĩ nhiên các đảo, còn có "các vùng nước tiếp liền".

Vì vậy khi cho rằng hệ thống "đường cơ bản" của TQ là "không hợp pháp", như ý kiến của học giả VN, là không thuyết phục.

Trong khi nhiều nỗ lực về kinh tế, chính trị của TQ (mà VN không làm được gì) như thành lập thành phố Tam Sa, trong đó đảo Phú Lâm là trung tâm hành chánh, cho tổ chức các cuộc du lịch các đảo HS, cho khai trương đường bay dân sự Hải Nam-Phú Lâm...

Các việc này càng củng cố quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của TQ, củng cố yêu sách hệ thống đường cơ bản quần đảo HS của nước này.
Nông nỗi đến nước này, chỉ vì lý do nhà nước CSVN và giàn học giả (thượng thặng) của VN, chỉ chú trọng đến yếu tố đảo hay đá, có hiệu lực biển (kinh tế độc quyền) hay không có hiệu lực biển, chớ không đặt nặng vấn đề chủ quyền.

Lại còn có học giả khuyên VN nên từ bỏ chủ quyền (sic!) ở các đảo TS năm trong hải phận của các nước Phi, Mã Lai, Brunei...

Như vậy là VN lên đấu trường đấu dao với TQ, mà lực sĩ VN cầm dao bằng lưỡi.

Không ít, từ 15 năm nay, tôi luôn nhấn mạnh vấn đề "chủ quyền". VN cần khẳng định "chủ quyền" của mình ở HS và TS. Khẳng định bằng các hành vi có giá trị về pháp lý, chớ không phải nói khơi khơi. Hay bằng cách giải thích HS (và TS) là đảo đá, không phải đảo thật. Hay lên án khơi khơi (không chứng minh) hệ thống đường cơ bản của TQ ở HS là "phi pháp".

Bao giờ đến Hoàng Sa?

Bạn bè chuyền nhau khẩu hiệu "sang năm đến Hoàng Sa". Tôi ngậm ngùi tự hỏi lòng mình : bao giờ đến Hoàng Sa ?

Tôi sợ là không bao giờ. Một nhà nước vừa ương hèn lại còn mang tiếng bán nước. Hả miệng mắc quai. Một giàn học giả chỉ biết vuốt ve xuôi chiều, không dám nói ngược.

Tôi sợ không chỉ mất Hoàng Sa, VN còn mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển cho TQ.

Hai bản đồ đính kèm ở đây, dẫn từ tài liệu của học giả Valencia, hai trường hợp: hiệu lực Hoàng Sa 100% và hiệu lực 0%, cho ta thấy nguy cơ hàng trăm ngàn ki lô mét vuông biển của VN bị mất cho TQ là có thật.

Và không chỉ ngừng ở HS, TS cũng sẽ cùng số phận.

HS effet 100%
HS effet 0%

lundi 1 février 2016

Việt Nam lại bỏ qua một cơ hội...

Tàu khu trục của Mỹ USS Curtis Wilbur hôm thứ bảy 30 tháng giêng 2016 đã thực hiện một chuyến tuần tra đi qua khu vực 12 hải lý đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, hiện do TQ chiếm đóng). Theo tin tức của Bộ quốc phòng Mỹ, chuyến tuần tra nằm trong chương trình "Bảo vệ quyền Tự do Hàng hải" (FONOP) của Mỹ, nhằm thách thức đòi hỏi quá lố của ba nước VN, TQ và Đài loan, như hạn chế quyền tự do hàng hải, hay các việc phải thông báo, hoặc phải xin phép, khi đi qua vùng lãnh hải (của các thực thể địa lý ở Biển Đông). Theo Bộ quốc phòng Mỹ, các nước VN, TQ và Đài Loan đều có những yếu sách quá đáng, đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế, điển hình là bộ Luật quốc tế về Biển 1982.

Bộ ngoại giao TQ lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành vi của Mỹ. Nước này cho rằng Mỹ đã "cố tình khiêu khích" và "xâm phạm lãnh hải của TQ". Còn VN, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao cũng đã lên tiếng :

"Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế... Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.."

Hành vi của Mỹ có "phù hợp với luật quốc tế" hay không? Phản ứng của TQ có chính đáng hay không? và thái độ (chung chung) của VN có chấp nhận được hay không?

Để tìm hiểu ta cần biết thế nào là quyền tự do hàng hải trong khu vực lãnh hải của một quốc gia.

Chỉ nêu một thí dụ: Ngày 13 tháng giêng 2016, trong khu vực biển thuộc lãnh hải của Iran (Vịnh Ba Tư), 10 hải quân Mỹ (9 nam, 1 nữ) trên hai chiến thuyền nhỏ có vũ trang, đã bị hải quân Iran bắt giữ. Lý do đưa ra từ phía Iran: xâm phạm lãnh hải của Iran. Cùng lúc, có mặt cách đó không xa (thuộc hải phận quốc tế) hai chiếc hàng không mẫu hạm Trumann (Mỹ) và Charles de Gaulle (Pháp) cùng nhiều chiến hạm hộ tống khác.

10 người lính Mỹ cùng 2 chiếc tàu sau đó được trả tự do nhưng hình ảnh 10 quân lính Hoa Kỳ bị bắt quì gối trên bong tàu dưới họng súng đe dọa của hải quân Iran đã loan truyền khắp thế giới. Theo tin tức báo chí, bộ ngoại giao Iran đòi Mỹ phải xin lỗi.

Rốt cục, "tai nạn" được dàn xếp ổn thỏa. Các bên tìm được lý do thỏa đáng (để Mỹ không xin lỗi) là hai chiếc tàu của Mỹ "đi lạc" vào vùng lãnh hải của Iran vì lý do kỹ thuật: bộ phận hải hành bị hư.

Trở lại vụ chiến tàu khu trục USS Curtis Wilbur khi đi vào lãnh hải của đảo Tri Tôn, nếu so sánh với sự kiện vừa nói trên trong vịnh Ba Tư, ta thấy hai thái độ mâu thuẩn của Mỹ về khái niệm "qua lại không gây hại" của bộ Luật Biển 1982.

Xét bản đồ dưới đây. Bản đồ vẽ hệ thống đường cơ bản quần đảo Hoàng Sa (đường đỏ vẽ liên tục) cùng với đường giới hạn lãnh hải (đường đỏ gián đoạn), chiếu theo Luật Biển 1996 của TQ.

USS Curtis Wilbur Tri Ton
(bản đồ dẫn từ nguồn: http://www.state.gov/documents/organization/57692.pdf)

Đường đen số (1) và (2) là đường giả định tuyến hành trình của chiếc USS Curtis Wilbur.

Nếu tuyến hành trình là đường (2), tàu USS Curtis Wilbur chỉ đi vào "lãnh hải" của đảo Tri Tôn. Nếu là đường (1), tàu này không chỉ đi vào lãnh hải của đảo Tri Tôn mà còn đi vào khu vực "nội thủy" của TQ.

Theo qui định của Luật quốc tế về Biển, tàu bè có quyền "qua lại không gây hại" trong vùng lãnh hải. Ta có thể quan niệm chuyến tuần tra của chiếc khu trục hạm USS Curtis Wilbur khi đi qua vùng lãnh hải của đảo Tri Tôn là "qua lại không gây hại". Nhưng nếu so sánh với trường hợp 10 lính hải quân của Mỹ bị bắt trong vùng lãnh hải (thuộc đảo Farsi) của Iran, thì quyền "qua lại không gây hại" được giải thích một cách "vô chừng".

Còn về "nội thủy", theo Luật Biển 1982, là vùng nước bên trong đường cơ sở để tính lãnh hải, mà trong đó quốc gia có chủ quyền (như trên đất liền).

Ta thấy TQ vẽ các đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa, gồm 29 điểm cơ bản, biến vùng nước bên trong (quần đảo HS) thành vùng "nội thủy".
Nếu tuyến hải hành của chiếc USS Curtis Wilbur là đường (1), rõ ràng Mỹ đã thách thức đòi hỏi của TQ về hệ thống đường cơ bản (và nội thủy) ở quần đảo HS.

Ngoài ra, chiếu theo Luật Biển 1996 của TQ, việc "qua lại không gây hại trong lãnh hải" phải được sự "chuẩn nhận trước" của nhà cầm quyền TQ. Còn Luật Biển VN 2013, tàu bè qua lại "không gây hại trong lãnh hải" phải "thông báo trước". Trong hai trường hợp, tuyến hải hành (1) hay (2) đều thách thức luật biển của VN và TQ.

Thái độ của VN như vậy có hợp lý không?

Theo tôi, VN lại bỏ qua môt cơ hội để làm "nóng" lại tranh chấp Hoàng Sa đã bị phía TQ "đông lạnh" từ 42 năm nay, sau khi nước này chiếm quần đảo này trên tay của VNCH qua trận hải chiến đẩm máu ngày 17-1-1974.

Không chỉ vậy, trước dư luận quốc tế, phản ứng của VN là quá yếu ớt và mờ nhạt trước phản ứng của TQ. Trước mắt quan sát viên quốc tế, người ta tưởng rằng sự lên tiếng của VN chỉ là "bên dự thính" trong vấn đề "chủ quyền của TQ bị Mỹ xâm phạm".

Nếu đọc thêm những ý kiến của các học giả VN trên báo chí, người ta tưởng rằng vấn đề của VN tại HS chỉ tụ quanh các yêu sách của TQ về hiệu lực biển ở các đảo HS.

Không phải vậy. HS thuộc chủ quyền của VN. VN phải lên tiếng (thế nào) để cho quốc tế biết VN là một bên tranh chấp chủ quyền ở HS. Đây mới là điều căn bản để giải quyết mọi tranh chấp, mà VN không bị thiệt hai nhiều, về lãnh thổ, hay do những khác biệt của các bên về cách diễn giải bộ luật Biển 1982.