mercredi 24 décembre 2014

Hiệp định Phân định vịnh Bắc Việt 25-12-2000 : đàm phán trên một căn bản bất bình đẳng.


Kết quả phân định Vịnh Bắc Việt (do Hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ 25-12-2000) đã được nhà nước công bố từ lâu. Xét trên bản đồ và bản tọa độ các giới điểm đính kèm hiệp ước, Vịnh được phân chia bằng 21 giới điểm. Theo các giới chức hữu trách thì Vịnh được phân định bằng đường « trung tuyến có điều chỉnh ». Tuy nhiên, nếu tính toán lại các tọa độ, ta thấy rằng các giới điểm đều lấn sang phía VN một cách « vô trật tự », không theo một tỉ lệ nhất định nào. Có chỗ lấn nhiều (50km), có chỗ lấn ít (5km) như dưới đây. Việc phân định vì vậy không theo đường « trung tuyến », mà theo yêu sách (hay nhượng bộ) của bên này đối với bên kia. Ông Lê Công Phụng (nguyên thứ trưởng bộ Ngoại giao) có trả lời phỏng vấn Văn Hóa Magazine của ông Lý Kiến Trúc (23-9-2008), cho biết « phhía TQ đề nghị nhượng VN 3.000km² biển ở một nơi để đổi lấy 150km² biển ở nơi khác ». Điều này cho thấy việc phân định trong vịnh Bắc Việt không đặt căn bản trên các nguyên tắc luật lệ, hay các qui ước của quốc tế, mà do thuơng lượng giữa hai bên.

Vấn đề là, TQ đã « nhượng » cho (lãnh đạo) VN cái gì để đền bù những khoản VN bị thiệt hại ? Câu trả lời phải hỏi lãnh đạo (hay xét túi các lãnh đạo) mới biết. Đất nước VN không được cái gì !

Cận bờ VN có khoảng 3.000 đảo, tất cả đều không tính hiệu lực. Trong khi các đảo phía TQ, bất kể lớn, nhỏ, cận bờ hay xa bờ, đều được hiệu lực 100%.

Các giới điểm từ 1 đến 8, thuộc khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân. Việc phân định khu vực này không công bằng vì VN thiệt hại tại các bãi Dậu Gót, Tục Lãm, Tài Xẹc…

ban do phan dinh 2000
Bản đồ đính kèm hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt.

Giới điểm 9 lấn sang VN khoảng 10km.

Giới điểm 10 lấn sang VN (đảo Bạch Long Vĩ) khoảng 24km (đối với đảo Vị Châu và Tà Dương).

Giới điểm 11, hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ không đáng kể (lấn sang VN 75%, so với đảo Hải Nam).

Giới điểm 12, vừa không tính hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ, lại vừa lấn qua phía VN khoảng 6 km.

Giới điểm 13, lấn sang VN khoảng 18km.

Giới điểm 14, lấn sang VN đến 36km.

Các giới điểm 15, 16 lấn sang VN trên 20km.

Giới điểm 17 lấn sang VN gần 50km.

Giới điểm 18 lấn sang VN 5 km.

Các giới điểm 19, 20, 21, đáng lẽ phải lấn sang phía TQ vì phía bờ VN có đảo Cồn Cỏ, thì được phân chia 50-50.

Điều tệ hại nhất, là chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ. Nội dung Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ 25-12-2000 không nói chủ quyền Bạch Long Vĩ thuộc về nước nào.

Thời gian gần đây báo chí TQ đăng các bài viết của học giả TQ, theo đó họ lý luận rằng đảo Bạch Long Vĩ, theo lịch sử, thuộc về TQ.
Các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông cũng nhìn nhận thực tế này. Họ cho rằng « trên nguyên tắc », TQ có thể đặt lại vấn đề chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ.

Vì vậy, việc phân định Vịnh Bắc Việt năm 2000 là một thất bại lớn lao cho phía VN. Trong khi trên thực tế, với lợi điểm địa lý (đường bờ biển dài hơn, có nhiều đảo hơn…) nếu phân định theo các nguyên tắc của quốc tế, VN không bị thiệt hại đến hơn 4.000km². Ngoài ra, với lợi điểm lịch sử và pháp lý, đảo Bạch Long Vĩ thuộc chủ quyền VN không thể tranh cãi. VN cũng có thể giữ lập trường của mình theo đường phân định năm 1887, lợi hơn TQ đến 11.000km².

Những thiệt hại này cho thấy sự thất bại nặng nề của VN trong vấn đề đàm phán. VN đã có những nhượng bộ vô nguyên tắc, từ việc phân định biên giới biển cho tới việc thiếu sót sự khẳng định chủ quyền của VN tại đảo Bạch Long Vĩ.

Thời gian gần đây các lãnh đạo VN thường xuyên ra đảo Bạch Long Vĩ để ủy lạo các chiến sĩ đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vấn đề « tranh chấp » này đáng lẽ không xảy ra. Nguyên nhân là do phía VN bất cẩn hay do có « tính toán » trước ?

Nhìn lại một vài sự kiện lịch sử về tranh chấp hai bên VN và TQ trong Vịnh Bắc Việt là cần thiết.

************
Diển biến tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung của VN được ghi lại khá rõ trong tài liệu « Sự thật về quan hệ Việt Trung », NXB Sự Thật, tháng 10-1979, còn gọi là « Bị Vong Lục ».

Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo CSVN đề nghị với Trung Quốc : « hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật pháp quốc tế ». Tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.

« Hai đường biên giới do lịch sử để lại » ở đây dĩ nhiên một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển, do Pháp và nhà Thanh phân định, theo nội dung của hai công ước về biên giới 1887 và 1895.

Quan điểm của hai bên về biên giới trong Vịnh Bắc Việt, được VN nhắc lại vào tháng 12 năm 1973 :

« Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh. »

Tuyên bố này có lẽ xảy ra giữa lúc lãnh đạo Hà Nội và Bắc Kinh bất đồng về vấn đề chiến tranh VN, mà nguyên nhân sâu xa là VNDCCH nghiêng về phía Liên Xô (hơn TQ).

Sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của VN tháng giêng 1974, lập trường của TQ về biên giới trong Vịnh Bắc Việt thay đổi. Họ cho rằng : « trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc phân chia. »

Về việc có « đường biên giới trong vịnh Bắc bộ » hay không, ta sẽ xét nội dung điều 2 công ước 1887 sau đây.

Điều nên biết, công ước phân định biên giới Pháp-Thanh 26 tháng 6 năm 1887 thực tế là biên bản bế mạc (1, 2, 3, 4… ) của công trình phân định biên giới trên đất liền. Buổi họp mặt diễn ra tại Bắc Kinh, giữa ông Constans và Lý Hồng Chương, nhằm giải quyết những bế tắc mà hai phái đoàn Pháp-Thanh phân định biên giới đã không thể giải quyết trên thực địa. Nguyên văn khoản 2 của công ước :

2° Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux Commissions et les rectifications visées par le 2e paragraphe de l’article 3 du Traité du 9 juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit :
Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.
Les Chinois coupables ou inculpés de crimes ou délits qui chercheraient un refuge dans ces iles seront, conformément aux stipulations de l’article 17 du Traité du 25 Avril 1886, recherchés arrêtés et extradés par les autorités françaises.

Tạm dịch:

2° Các điểm mà hai Ủy Ban đã không thể giải quyết đồng thời những sửa đổi (về biên giới) chiếu theo phần 2, điều 3, của Công-Ước 9 tháng 6 năm 1885, được giải quyết như sau :
Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm nầy ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, chúng được giao cho Trung-Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì giao cho An-Nam.
Những người Hoa phạm tội hay bị buộc tội muốn tìm nơi ẩn trốn tại các đảo này sẽ bị nhà cầm quyền Pháp truy nã, bắt giữ và trục xuất, đúng theo qui định điều 17 của Hiệp ước 25-4-1886.

Nội dung điều 2 trên đây có đề cập đến một « đường biên giới », trong cụm từ « formant la frontière ».

Để rõ rệt hơn, xét bản đồ đính kèm Công ước. (Bản đồ này do tác giả tìm ra ở CAOM vào đầu thập niên 2000) :

Bản đồ phân định vịnh Bác Việt

Ghi chú trên bản đồ :

góc trái : signé : Constans – Cachet de la Légation de France à Pékin. Tạm dịch : Ký tên Constans – Con dấu của Phái Ðoàn Pháp tại Bắc Kinh.

ở giữa : Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention. Tạm dịch : Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt.

góc phải : Carte à l’extrémité orientale de la frontière Sino-annamite telle qu’elle est figurée sur la carte qui accompagne à Procès-verbal signé à Péking, le 26 Juin 1887 – (voir l’extrait ci-joint de ce procès-verbal) – Signature et cachet du Plénipotentiaire Chinois. Tạm dịch : Bản đồ phần cực đông của biên giới Việt-Trung sao y bản đồ đính kèm biên bản được ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 - Chữ ký và con dấu của Tổng Lý Nha Môn Trung Hoa.

Như thế, văn bản cũng như bản đồ đính kèm, công ước 1887 có xác định có một đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Vấn đề là ý nghĩa của đường biên giới này phân chia cái gì ?

Từ nội dung điều 2, khoản nói về các tội phạm (Les Chinois coupables ou inculpés de crimes ou délits…), trước hết, đường biên giới này là đường phân chia thẩm quyền quốc gia trong vịnh Bắc Việt (quyền tài phán - juridiction).

Theo tinh thần quốc tế công pháp thời đó (và bây giờ), thẩm quyền quốc gia chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ lãnh thổ quốc gia.
Mặt khác, trong thuật ngữ công pháp quốc tế, đường « biên giới - frontière » luôn có ý nghĩa về việc phân chia lãnh thổ. Nếu để « phân chia đảo » người ta không cần sử dụng đến cụm từ « formant la frontière » !

Tức là đường kinh tuyến Paris 105° 43’ là đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.

Lập luận của VN (trong thời kỳ 1957-1973) là hợp lý, có qua, có lại.

Tức là, nếu phía VN nhìn nhận đường biên giới trên bộ do công ước 1887 và 1895 xác định, tức chấp nhận những thiệt hại đất đai do Pháp đã nhượng cho TQ một cách không bình thường (trên 3.000km²), thì ít nhất phía TQ phải nhìn nhận tương ứng về đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Đây là điều thường thấy trong bất kỳ cuộc mua bán, đàm phán nào. Trong thương thuyết về biên giới, có phe được chỗ này, nhượng chỗ kia. Việc được mất phải được đặt trên một căn bản chấp nhận được.

Điều làm cho mọi người VN phẫn nộ là lãnh đạo VN đã nhượng bộ phía TQ về cả hai mặt : lãnh thổ và hải phận.

Về lãnh thổ, Hiệp định phân định biên giới trên đất liền 25-12-2009 nhìn nhận chủ quyền của TQ trên các vùng lãnh thổ của VN bị Pháp nhượng cho TQ theo công ước 1887, (Công ước 1887 không có hiệu lực bó buộc, như qui định của Công ước Vienne 1969, vì nó bị « dol »), đồng thời nhìn nhận chủ quyền của TQ trên các vùng lãnh thổ của VN bị TQ chiếm trong cuộc chiến 1979.

Về hải phận, như đã trình bày, việc phân định đã xảy ra một cách bất bình đẳng, không theo bất kỳ một căn bản hay qui tắc phân chia nào. Ngoài ra, lổ hổng lớn của Hiệp định Phân định Vinh Bắc bộ là không nói đến chủa quyền đảo Bạch Long Vĩ thuộc về nước nào.

Vừa qua lãnh đạo CSVN ký kết một loạt các hiệp ước với TQ, trong đó có kết ước mở rộng thêm vùng khai thác chung trong vịnh Bắc Việt đồng thời trao đổi dữ kiện địa tầng holocenne ở bể trầm tích châu thổ sông Hồng với châu thổ sông Trường giang bên TQ. VN có gì cần thiết nghiên cứu địa tầng holocenne ở tận sông Trường giang ? Trong khi TQ rất muốn biết trữ lượng bể than vùng châu thổ sông Hồng để tìm cách khai thác.

Nguyên nhân do đâu ? Do lãnh đạo CSVN nhượng bộ để được TQ bảo đảm cho quyền lực, hay do thành phần phụ trách việc thương thuyết phân định biên giới thiếu bản lĩnh và kiến thức ?

Dầu thế nào, việc làm mất đất mất biển của tổ tiên là một trọng tội, lịch sử sẽ ghi nhận.

lundi 22 décembre 2014

Biên giới Việt-Trung 15 năm nhìn lại : Việt Nam có nên ký hiệp ước phân định lại biên giới với Trung Quốc ?

LTG : Sau khi nhà nước CSVN ký kết lại Hiệp định biên giới trên đất liền với Trung Quốc ngày 30 tháng 12 năm 1999 thì sau đó nhiều nghi vấn đã đặt ra, trong đó có các câu hỏi về « nhượng đất, nhượng biển » cho Trung Quốc. Tin tức cho thấy phía Trung Quốc đã đào lấy các cột mốc lịch sử cắm từ thời Pháp-Thanh 1887, lý do là « đưa vào viện bảo tàng », nhưng việc này sẽ xoá mọi dấu vết đường biên giới ngày xưa. Đây là một hành vi phản văn hóa tương đương với việc xóa, sửa lịch sử. Từ nay không ai có thể so sánh đường biên giới lịch sử và đường biên giới hiện nay trên thực địa để thẩm định việc VN có mất đất hay không và mất bao nhiêu. Việc thẩm định do đó chỉ có thể làm trên bản đồ. Riêng vấn đề có cần phân định lại biên giới hay không thì hình như chưa thấy ai đặt câu hỏi. Xin trích dẫn bài viết này từ cuốn « Biên giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch sử thành hình và những tranh chấp », in năm 2005, tác giả xin trình bày ý kiến chủ quan của mình về việc VN có nên phân định lại biên giới hay không.

I. Khái niệm về Ðường Biên Giới (frontière, boundary) và Biên Giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa:

Theo Quốc Tế Công Pháp (Droit International Public) thuật ngữ « biên giới – frontière » chỉ mới có từ hồi đầu thế kỷ 20, được hiểu như là « enveloppe continue d’un ensemble spacial, d’un Etat », « vỏ bao bọc liên tục của một tập hợp không gian, một quốc gia » ; « le point où expire la compétence territoriale », « điểm chấm dứt thẩm quyền thuộc về lãnh thổ ».

Người Việt Nam cũng đã có một quan niệm về biên giới rất sớm, tương đối rõ ràng và khá phù hợp với khái niệm biên giới của công pháp quốc tế theo định nghĩa trên.

Từ năm 1077 dân Việt đã xuất hiện những câu thơ : « Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư, Tiệt Nhiên Ðịnh Phận Tại Thiên Thư » (Lý Thường Kiệt). Nam quốc sơn hà, sông núi của nước Nam, hay lãnh thổ nước Nam là do vua nước Nam trị vì, việc nầy trong sách trời đã ghi rõ.

Hai câu thơ đã minh thị sự hiện hữu của một nước Nam do hoàng đế nước Nam trị vì, phân biệt với một nước ở miền Bắc, đó là nước Trung Hoa.

“Ðường biên-giới” của nước Nam đó có thể tìm thấy qua các phụ chú trong bộ Hồng Ðức Bản Ðồ, được thực hiện dưới triều Lê Thánh Tôn (1460-1497):

An Nam Ðồ Thuyết (Những gì ghi trên bản đồ An Nam)
An Nam Chi Ðịa (đất đai An Nam)
Tây Khóa Ai Lao (phía Tây chận ngang xứ Ai Lao)
Ðông Chí Hải Tân (phía Ðông chạm đến tận biển)
Bắc Du Lưỡng Quảng (phía Bắc vượt qua hai xứ Quảng)
Nam Khống Chiêm Thành (phía Nam kềm chế Chiêm Thành)[1].

Ðường biên giới, nếu được hiểu theo « vỏ bao bọc một tập hợp không gian, một quốc gia », thì vỏ bọc của nước An Nam cũng liên tục, cũng xác định rõ ràng, tuy có phần sống động, vì có khả năng co giản. Bốn phía biên giới đều được xác định bằng các động từ. Biên giới phía Bắc của nước ta được xác định bằng động từ “du”, tức là đi vượt qua: Bắc Du Lưỡng Quảng. Có nghĩa là biên giới phía Bắc của nước ta vượt qua khỏi Quảng Ðông và Quảng Tây.

Nước Trung Hoa có tên « Trung ». Từ cái tên đặt người Hán đã tự cho rằng đất nước của Hán tộc là cái rốn của vũ trụ. Trung là giữa, là « thiên triều ». Các nước chung quanh họ gọi là phiên bang (nước hàng rào) hay các chư hầu. Các nước chư hầu phải có nhiệm vụ triều cống thiên triều. Ngoài tộc Hán, các dân tộc khác đều bị cho là man di mọi rợ, kể cả các sắc dân Tây Phương. Trung Hoa đã từng xếp nước Pháp (và Anh) vào danh sách các nước chư hầu đã « thần phục ». Lý do là vì vua Louis XIV nước Pháp có tặng cho Hoàng Ðế Trung Hoa một số đồng hồ quả lắc và một số máy móc khác để làm quà giao hảo. Nhưng người Hán xem tặng vật đó là phẩm vật của Pháp cống thiên triều, tỏ ý thần phục. Ðiểm nầy nên nhấn mạnh là vì một số học giả Trung Hoa quá đề cao liên hệ thượng quốc chư hầu giữa Trung Hoa và Việt Nam để dành lấn biển Ðông. Dựa lên quan hệ này những người này cho rằng biển Ðông là « nội hải » của Trung Quốc. Nếu diễn giải như thế thì vùng biển Ðịa Trung Hải cũng thuộc Trung Quốc một phần. Không phải Pháp đã là « chư hầu » của Trung Hoa đó sao ? Riêng Việt Nam thì người Hán gọi chúng ta là Nam Man.

Dầu ngạo mạn như vậy, Hán tộc cũng lấy làm lo ngại việc các nước chư hầu chung quanh “chinh phục” họ. Ðiều lo ngại nầy rất hợp lý. Các « chư hầu », cũng như bọn « Hồng Mao », « bạch quỉ » Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Ðức, Nga… hay « giặc lùn » Nhật Bản đã phân liệt nước Trung Hoa thành nhiều mảnh và nước này đã chịu một giai đoạn nhục nhã nhất trong lịch sử. Chưa hết, lịch sử của dân Hán cũng là lịch sử của sự đô hộ triền miên ô nhục bởi nhiều « bọn rợ » khác nhau. Nhà Liêu đô hộ Trung Hoa từ năm 907-1125 là rợ Khiết Ðan, nhà Kim từ 1115-1234 là rợ Nữ Chân. Nhà Nguyên từ 1206-1368 là dân Mông Cổ, nhà Thanh từ 1616-1911 là nước Mãn Châu… tất cả đều là rợ. Các nước Mông Cổ, Mãn Châu... xem ra thế lực, văn hóa và văn minh không trội hơn hay xuất sắc hơn Việt Nam. Ðiểm đáng nhớ, quân Mông Cổ chinh phục gần trọn thế giới nhưng họ cũng đã thua ba lần ở Việt Nam.

Vì thế Trung Hoa mới xây những thành quách hay cửa ải để bao bọc và che chở nước của họ lại. Các kiến trúc như Trấn 鎮, Quan 關, Ải 隘, Khóa hay Ca 卡, tức những công sự hay cửa ải (cửa biên giới) xây trên những đường thông thương giữa hai nước, như dọc trên biên giới Việt Nam, hay kiến trúc Vạn Lý Trường Thành (xây lên để ngăn giặc Hung Nô), dựng lên là nhằm mục đích đó. Vô tình, do vậy mà đường biên giới giữa hai nước Việt và Trung Hoa lại được cụ thể hoá. Nếu ta nối các thành quách, những cửa ải, những công sự đóng chốt trên các đường lối thông thương giữa hai nước, ta sẽ có một đường biên giới. Một « vỏ bao bọc » cố định, có khả năng qui định « thẩm quyền lãnh thổ » của hai nước. Ngoài ra ta cũng có thể nhắc tới những giới hạn qui ước (biên giới) có tính pháp lý và lịch sử đã đặt ra như trụ đồng, bia đá, biên giới thiên nhiên sông, núi như : sông Ðổ Chú (biên giới tổng Tụ Long, thuộc tỉnh Hà Giang với phủ Khai Hóa tỉnh Vân Nam); sông Ðàm Lân giới hạn động Kim Lạc; sông Mang Khê là biên giới của động Liễu Cát; sông Tam Kỳ là biên-giới của động Tư Lâm (Tư Phù); Sông Cổ Sâm là biên-giới của động Cổ sâm... với đất Trung Hoa. Núi Phân Mao, phía Ðông Nam phủ Khâm Châu, là một trái núi nằm trong rặng Thập Vạn Ðại Sơn, dưới chân của nó có trụ đồng của tướng Mã Viện dựng lên vào năm 41 Tây Lịch, đánh dấu biên giới tỉnh Quảng Ðông với Việt Nam.

Quan niệm về biên giới của người Việt ta xưa, như vậy phù hợp ít nhiều với quan niệm kim thời của Quốc Tế Công Pháp về biên giới. Riêng về biên giới Việt Trung, chắc chắn đây là một ngoại lệ đặc biệt: Nó đã thể hiện hầu như hoàn toàn tinh thần và nội dung “frontière, boundary” của Công Pháp Quốc Tế.

Ðến hậu bán thế kỷ thứ IXX, Pháp vào chiếm nước ta. Ngày 6 tháng 6 năm 1884 Việt Nam và Pháp ký hiệp ước Bảo Hộ. Ðiều 1 hiệp ước qui định: « L'Annam reconnaît et accepte le Protectorat de la France. La France représentera l'Annam dans toutes ses relations extérieures. Les Annamites à l'étranger seront placés sous la protection de la France. An Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho An Nam trong mọi liên hệ với các nước khác. Người An Nam sống ở ngoại quốc sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của nước Pháp ». Dựa vào điều nầy nước Pháp đã đại diện nước ta để phân định biên giới giữa nước ta với Trung Hoa. Hai công ước liên quan đến biên giới Việt Trung đã được nhà nước bảo hộ Pháp và triều đình nhà Ðại Thanh ký-kết vào ngày 26-6-1887 và ngày 20-6-1895, cùng ký tại Bắc Kinh.

Theo các tài liệu nghi nhận được có 17,2% đường biên giới trên thế giới đã được nước Pháp phân định. 21,5% là do nước Anh[2]. Cả lục địa Phi Châu, các nước Trung Ðông, các nước Châu Á như Irak, Jordanie, Iran, Do Thái, Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Việt Nam v.v... đều do hai nước Anh và Pháp phân định biên giới. Ðiều quan trọng là các đường biên giới nầy vẫn còn hiệu lực pháp lý cho đến ngày hôm nay.

Thật vậy, theo Convention sur le Droit des Traité de Vienne – Công Ước về Luật của các Hiệp Ước ký tại Vienne (thủ đô Áo Quốc) ngày 29 tháng 5 năm 1969 - Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties : một nước có thể ngưng thi hành một hiệp ước đã ký cũng như có thể hủy bỏ toàn bộ nội dung các hiệp ước nầy vì tính bất bình đẳng của nó (trường hợp các hiệp ước ký dưới thời một nước bị bảo hộ). Tuy nhiên, Ðiều 11 của Công Ước Vienne có nội-dung:

« Boundary regimes:
A succession of States does not as such affect: (a) a boundary established by a treaty; or (b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary. »

“Qui tắc về biên giới: Một sự kế tục của Quốc Gia không đặt lại vấn đề về: a) biên giới xác định do một hiệp ước và b) nghĩa vụ và quyền lợi xác định do một hiệp ước có liên hệ với một qui tắc về biên giới.”

Ðiều nầy cho ta thấy rằng, đứng trên quan điểm công pháp quốc tế, các công ước về biên giới Việt-Trung ký giữa Pháp và nhà Thanh vẫn còn giá trị pháp lý.

Ta sẽ thấy việc này một cách cụ thể hơn, nếu ta xét lại hiệu quả của các hiệp ước về biên giới ký kết giữa nước Nga và nhà Thanh, đại diện cho nước Trung Hoa ngày trước. Một số vùng lãnh thổ có diện tích khoảng 1.000.000 km² của Trung Hoa đã phải nhượng cho Nga qua hiệp ước 1860 (Hiệp Ước Bắc Kinh) và hiệp ước 1858 (Hiệp Ước Aigun). Ðó là các phần đất, gọi là nhượng địa, phía Bắc Mãn Châu, Bắc Tân Cương và đảo Sakhaline. Các phần đất nầy hiện nay vẫn thuộc Nga. Thí dụ khác về trường hợp đặc biệt là Hong-Kong (đảo Victoria). Ðây là nhượng địa vĩnh viễn của Trung Hoa cho Anh Quốc sau vụ chiến tranh Nha Phiến lần thứ 1 (1840-1842) qua hiệp ước Nam Kinh ngày 29 tháng 8 năm 1842. Ðến năm 1860, Trung Hoa phải nhượng vĩnh viễn thêm cho Anh quốc phần đất đối diện Hong-Kong là Kowloon và đảo Stonecutters, qua hiệp ước Bắc Kinh 1860. Ðến ngày 9 tháng 6 năm 1898, Trung Hoa lại phải nhượng thêm cho Anh Quốc qua Hiệp Ước ký tại Bắc Kinh, một số đất-đai, gọi là « đất mới », ở chung quanh Hong-Kong và 235 hải đảo. Lần nhượng nầy có thời hạn 99 năm, bắt đầu từ 1 tháng 7 năm 1898, hết hạn 1 tháng 7 năm 1997. Việc trả lại đất và đảo này năm 1997 đặt lại vấn đề chủ quyền Hong-Kong và Kowloon. Việc thương thuyết xãy ra giữa bà thủ tướng Margaret Thatcher với thủ tướng Chao Tse-yang (Triệu Tử Dương) và thỏa thuận trả lại đất được ký vào ngày 19 tháng 12 năm 1984 với một số điều kiện chính trị đặc biệt cho Hong-Kong.

Sau khi dành lại độc lập năm 1949, Trung Hoa đã hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng về kinh tế đã ký với các cường quốc. Nhưng Trung Hoa đã không thể hủy bỏ các hiệp ước liên quan đến vấn đề đất đai, biên giới. Tranh chấp về lãnh thổ giữa Trung Hoa với các nước khác có tới 21 vụ, trong đó có tranh chấp với Ấn Ðộ, Nga, các nước Trung Á, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản v.v… Trường hợp đặc biệt khác, Nhật Bản đã thắng trận nhà Thanh, được nhường vĩnh viễn đảo Ðài Loan (1895) và đất Mãn Châu. Trung Hoa đã chỉ lấy lại được các vùng đất này sau khi Nhật bại trận năm 1945, theo Hòa Ước San Francisco 1951.

Hậu quả cuộc phân định giữa chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh năm 1887 về đường biên giới Việt Trung đã gây thiệt hại cho phía Việt Nam về đất đai. Lãnh thổ Việt Nam bị nhượng ở khắp mọi nơi trên đường biên giới. Quan trọng hơn cả là mất đất vùng tổng Tụ Long, khoảng 750 cây số vuông, thuộc châu Vị Xuyên, nay thuộc tỉnh Hà Giang. Ðặc biệt là vùng nầy rất phong phú về quặng mỏ mà người Hán ngày xưa đã từng âm mưu chiếm lấy, nhưng sau đó phải trả lại cho nước ta. Kế đến là tổng Ðèo Lương, ở về phía Ðông Bắc tỉnh Cao Bằng. Sau đó là 9 xã rưởi thuộc tổng Kiến Duyên và tổng Bát Trang thuộc tỉnh Hải Ninh. Cuối cùng là mũi Bạch Long (Paklung), là một địa điểm rất trọng yếu về kinh tế chiến lược. Về phần lợi, người Pháp được hưởng một số nhượng bộ về kinh tế qua công ước bổ sung về kinh tế, thí dụ như thuốc phiện ở Vân Nam được nhập cảng sang bán tại Việt Nam và Pháp cũng được đặt một số cơ sở kinh tế vùng Hoa Nam. Nhưng Pháp không thành công trong vấn đề bán muối cho vùng Hoa Nam. Về phía người Việt Nam thì nhờ vậy chúng ta mới có một đường biên giới qui ước và có được một sự an ninh, không bị Tàu lấn áp, hay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi người Hoa hơn một trăm năm nay.

II. Việt Nam có nên ký lại hiệp ước về biên giới hay không ?

Nhà nước CSVN đã ký lại với Trung Hoa Hiệp Ước Biên Giới Trên Ðất Liền vào ngày 30 tháng 12 năm 1999 và Hiệp Ước Phân Ðịnh Lãnh Hải Trong Vịnh Bắc Bộ 31 tháng 12 năm 2000 là đã chính thức phủ nhận Công Ước Bắc Kinh 1887 và 1895 về biên giới. Câu hỏi đương nhiên đặt ra, tại sao phải ký lại, (và có nên ký hay không), lúc công ước 1887 về biên giới vẫn còn hiệu lực ? Hiệu quả của hai hiệp ước mới nầy sẽ thay đổi biên giới của Việt Nam như thế nào?

Nên hay không, lợi hay hại, xin đưa một số dữ kiện dưới đây để chúng ta đi tìm một kết luận.

Đường biên giới giữa hai nước cần phải phân định nếu đường biên giới này chưa được hai nước chính thức công nhận qua các văn kiện pháp lý. Phân định biên giới giữa hai nước được hiểu đại khái là hai nước liên hệ cử đại diện ngồi vào bàn hội nghị để bàn thảo về số phận các vùng đất chưa được xác định chủ quyền chung quanh vùng biên giới, nhằm tiến tới một thỏa ước mà hai bên cùng đồng ý về mọi điểm ở một đường ranh. Đường đó gọi là đường biên giới. Hai bên đã ký cam kết thi hành đúng đắn các điều khoản đã ghi đồng thời có trách nhiệm gìn giữ và bảo trì các cột mốc trên đường biên giới. Các việc này nhằm đem lại ổn định nơi vùng biên giới và hòa bình cho hai nước. Việc phân định biên giới thường có hai thời kỳ: Thời kỳ bàn thảo trên bản đồ (phân định) và thời kỳ cắm mốc trên thực địa (phân giới).

Như đã viết, theo các công ước về luật các công ước ký tại Vienne, Công Ước Pháp Thanh về biên giới Việt Trung 1887 và 1895 vẫn còn hiệu lực. Có nghĩa là biên giới Việt Trung đã được phân định và nội dung của sự phân định đó vẫn còn giá trị bất biến cho tới khi nào một Hiệp Ước mới có cùng mục tiêu được ký kết giữa hai nước.

Đường biên giới Việt-Trung đã có những vùng đất nào chưa xác định được chủ quyền hay không xác định được chủ quyền để ngày hôm nay phải phân định lại ?

Để có một trả lời đứng đắn cho việc này, thiển nghĩ nên tìm hiểu tình trạng đường biên giới Việt Trung sau khi công việc phân định và cắm mốc chấm dứt. Có nghĩa là tổng hợp lại các biến cố liên quan đến việc thay đổi biên giới từ năm 1897 cho đến nay.

Việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn:

Thứ nhất, người nghiên cứu hải ngoại không thể tìm được các dữ kiện ghi lại một cách trung thực các biến cố xảy ra - nếu có - từ 1954 đến ngày nay tại vùng biên giới Việt-Trung.

Thứ hai, từ năm 1954 trở về trước, hồ sơ về biên giới Việt-Trung (Công-Ước 1877, 1895) được tồn trữ ở Văn Khố Đông Dương (Centre des Archives d’Outre-Mer – CAOM), thuộc tỉnh Aix-en-Provence, Pháp quốc. Nhưng một số hồ sơ do Sở Địa Dư Đông Dương để lại thì vẫn còn được xếp vào loại « mật », chưa công bố, một số hồ sơ bị thất lạc.

Các việc này đã được ghi nhận trong bản tường trình của một nhân vật có trách nhiệm về Sở Địa Dư Đông-Dương (SGI) năm 1948 (vẫn còn xếp vào loại mật) ghi lại sau đây [3]:

« J’ai l’honneur de vous adresser une note sur la délimitation et l’abornement de la frontière entre l’Indochine et la Chine, avec une copie de la lettre de présentation à la Direction des Archives à qui je demande quelque secours.
A mon arrivée en Juin 1946, j’ai trouvé au Service Geographique de l’Indochine un grand desordre dans les archives techniques. Les évènements de 1945 en sont moins la cause que la crise de 1932 qui a fait supprimer une grande partie du personnel du Service Geographique de l’Indochine, à partir de ce moment ces archives ont été pratiquement abandonnées a elles-mêmes. Deux déménagements successifs: Hanoi-Gia Dinh-Dalat ont encore aggrave la situation. »

Tạm dịch : « Tôi kính gởi đến quí ông một ghi nhận về việc phân định và việc phân giới đường biên giới giữa Đông Dương và Trung Hoa, với một bản sao lá thư giới thiệu đến ban trách nhiệm Văn Khố mà tôi đã xin quí vị nầy một vài giúp đỡ.

Khi tôi đến đây vào tháng 6 năm 1946, thấy rằng văn khố tại Sở Địa Dư Đông Dương vô cùng bề bộn. Biến cố 1945 là nguyên nhân nhưng ít trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng 1932 đã bãi bỏ một số lớn nhân viên của sở SGI. Từ lúc đó hồ sơ lưu trữ tại đây đã bị bỏ quên. Hai cuộc dời chỗ liên tiếp : Hà Nội – Gia Định – Đà Lạt càng làm cho tình trạng thêm bi đát. »

Điều nầy cho thấy những hồ sơ liên-quan đến biên giới Việt Trung đã có những thất thoát quan trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số dữ kiện sưu tập được, ghi lại qua hồ sơ của Cảnh Sát Biên Giới (Police Frontière). Theo đó cho thấy đường rằng biên giới bị thay đổi tại vài nơi. Hai bên Pháp và Trung Hoa có làm biên bản và đã thỏa thuận với nhau ở các việc thay đổi nầy (thí dụ việc cắm thêm cột mốc 14 bis năm 1937).

Do đó, mặc dầu thiếu sót về dữ kiện từ 1954 tới nay, ta vẫn tạm thời có thể dựa lên các hồ sơ đó để làm căn bản cho một khuynh hướng về việc nên hay không phân định lại đường biên giới.

Việc nghiêm trọng và tệ hại nhất đã xảy ra làm thay đổi đường biên giới, qua các hồ sơ tìm thấy, là do việc nhiều cột mốc biên giới không còn ở đúng vị trí ban đầu. Hồ sơ lưu lại không tìm thấy những dấu vết điều chỉnh lại vị trí các cột mốc đã dời đi. Điều nầy có nghĩa là các Công Ước về biên giới 1887, 1895 không những không được tôn trọng mà còn vi phạm nặng nề.

Bản báo cáo mật ghi trên kết luận :

« Si maintenant l’on compare le document de 1893 au 1/100.000 à la carte régulière à la même échelle faite 10 ou 11 ans plus tard, on constate que les deux documents ne sont pas superposable. Ceci n’est pas surprenant, mais ce qui l’est, c’est que le tracé de la frontière et l’emplacement des bornes ne concorde pas toujours. On a aucun moyen d’expliquer ces différences. »

Tạm dịch : « Nếu người ta so sánh bản đồ 1/100.000 vẽ năm 1893 với bản đồ cùng tỉ lệ 10 hay 11 năm sau thì thấy rằng hai bản đồ đó không chồng lên được với nhau. Việc nầy không lạ nhưng điều đáng ngạc nhiên là vị trí cột mốc không còn trùng hợp. Người ta không có phương tiện nào để làm sáng tỏ việc này ».

Vùng biên giới Quảng Tây, nhân viên sở SGI cũng nhìn thấy khuyết điểm của biên bản cắm mốc của Ðại Tá Galliéni. Phần Ðông Quảng Tây, các cột mốc thiếu phần ghi chú vị trí vì lý do biên bản của ông Frandin đã không tìm thấy. (Biên bản cắm mốc của Frandin đã được tác giả tìm thấy trong hồ sơ phân định biên giới CAOM, có chụp hình đăng lại ở chương 3).

Ngày 15 đến ngày 30 tháng 6 năm 1914, trong dịp kiểm soát các cột mốc vùng Lạng Sơn[4], bản báo cáo về vị trí các cột mốc ghi lại như sau :

4 cột mốc ghi trên bản đồ nhưng không thấy trên thực địa.
6 cột mốc có trên thực địa nhưng không có trên bản đồ.
7 cột ở đúng vị trí trên bản đồ nhưng không đúng số đã ghi.
21 cột mốc chính xác.
5 cột mốc không ghi số đã tìm thấy. Có lẽ các cột mốc nầy hiện hữu trước năm 1886 (tức các mốc lịch sử đã được hai bên Việt-Trung cắm).

Vùng biên giới Vân Nam, từ Sông Hồng đến biên giới Quảng Tây, được phân giới và cắm mốc rõ ràng. Nhưng phía hữu ngạn sông Hồng thì hoàn toàn mù mờ. Từ sông Hồng đến sông Ðà thuộc đoạn thứ 5, không cắm mốc nào. Ðoạn nầy chỉ được phân định năm 1887 trên bản đồ, bằng những đường nối các điểm mà các điểm nầy chưa chắc đã hiện hữu.

Xin ghi lại một đoạn trích trích tài liệu « Historique d’apres le rapport de M. DUREAU de VAULCOMTE, député, fait au nom de la Commission parlementaire chargée d’examiner la convention du 26 juin 1887 relative à la frontière - Câu chuyện qua tờ trình của ông Dân Biểu DUREAU de VAULCOMTE, thực hiện nhân danh Ủy Ban Quốc Hội khảo xét Công Ước biên giới ngày 26 tháng 6 năm 1887 ». Báo cáo này cho ta có cái nhìn về giá trị công trình phân định 1887:

« Nous possedons une feuille d’une de ces cartes, plus exactement une reproduction d’une copie conforme. On y trouve les indications suivantes: Cinquieme section de la frontiere. Echelle 1/24000. Signe: Constans, Prince King Soung.

Les seuls noms identifiables sont: Riviere Noire, Lai-Chau, Phong To; tous les autres sont chinois; il s’agit donc bien d’une carte chinoise. La frontiere est marquee d’un trait ponctue de lettres A a E; elle correspond exactement au descriptif de la convention. Cette carte n’est qu’un croquis tres mal dessine, etabli de chic, sans mesures faites sur le terrain. Elle ne ressemble que de tres loin a la carte reguliere faite ulterieurement. Sauf au depart du Fleuve Rouge, la frontiere tracee sur ce croquis n’a aucun rapport avec la frontiere actuelle. C’est celle du Vice-Roi.

En somme, deux ans apres la signature du traite de paix, on avait tout juste reconnu 120 kilometres de frontiere; tout le reste, plus de 1,000 kilometres figurait sur des cartes fantaisistes. La Convention n’etait pratiquement qu’un chiffon de papier et tout restait a faire. »

Tạm dịch như sau : « Chúng tôi có một tấm trong nhiều tấm bản đồ đó, đúng hơn là một bản sao y bản chánh. Ta thấy trong đó những dấu hiệu sau đây : Vùng thứ 5 của đường biên giới. Tỉ lệ 1/24.000. Ký tên Constans, Prince King Soung.

Các tên nhận diện được là: Sông Đà, Lai Châu, Phong Thổ; tất cả những tên khác là chữ Tàu; như vậy đúng đây là một bản đồ của Tàu. Đường biên giới được vạch bằng một đường nối các chữ A đến E. Phù hợp hoàn toàn với các điểm mô tả trong công ước. Tấm bản đồ này chỉ là một sơ đồ vẽ rất sai, lập nên do sự khéo tay, không hề dựa lên những đo đạc trên thực địa. Nó không giống một tí nào bản đồ thông thường vẽ sau này. Ngoại trừ khởi điểm của sông Hồng, đường biên giới vẽ trên sơ đồ này không có một tương quan nào với đường biên giới hiện nay. Đây là bản đồ của Tổng Đốc (Vân Nam).

Kết cuộc, hai năm sau khi ký hiệp ước hòa bình, người ta chỉ biết có 120 Km đường biên giới; phần còn lại, hơn 1.200 Km vẽ trên các bản đồ vô căn cứ. Công ước trên thực tế chỉ là một mảnh giấy vụn và tất cả đều phải làm lại. »

Bản đồ biên giới vùng Vân Nam theo công ước 1887

Hình trên : Bản đồ phân định 1887 vùng biên giới Vân Nam.

Ðoạn 5 được phân định lại năm 1895 (xem chương 4) và toàn vùng biên giới nầy chỉ cắm có 4 cột mốc.

Một bản tường trình khác, cũng của nhân viên SGI, ghi :

« En face d’une Chine anarchique et impuissante tout specialement en 1900 (Boxers – siège des légations, etc.) des initiatives individuelles de Chefs de Postes ou de leurs administres avaient beau jeu. Peut-être pourrait-on leur attribuer cette pérégrination des bornes qui s’étend presque à la totalité de la frontière du Kouang Si – de nôtre côte Province à Lang Son et deuxième territoire militaire. Toutefois cette explication entraine un nouveau mystère: quelle peut être la raison de ces pérégrination (sic)? En principe ce nouveau système d’abornement devrait constituer une amélioration du premier. Or l’examen des cartes montre qu’il n’en est rien. Par example au Nord de Chi-Ma, la commission Gallieni avait placé la borne 40 dans un col au bord d’une piste; les bornes 39 et 41 l’encadraient a environ trois kilomètres. Sur le 1/100.000, vérifié en 1914, ces deux bornes se sont rapprochées a 100m de la borne 40 et le No. 42 en est a 600m, de sorte qu’entre 42 et 43, il y a un trou de pres de 10 km d’une frontière très sinueuse. »

Tạm dịch như sau : « Đối diện với một nước Trung Hoa hỗn loạn và bất lực , đặc biệt vào năm 1900 (vụ Boxers tức khởi nghĩa Nghĩa Hòa Ðoàn, bao vây sứ quán v.v.. ) những hành động cá nhân của các trưởng trạm hay của các nhân viên thì rất tự tiện. Người ta có thể qui trách cho họ về việc "viễn du" của các cột mốc, trải dài hết cả biên giới Quảng Tây, từ bờ biển cho đến Lạng Sơn, qua vùng 2 Quân-Sự . Nhưng sự giải thích nầy đem đến một bí ẩn mới: Lý do nào dẫn đến việc viễn du (sic) nầy ? Thông thường thì việc phân giới và cắm mốc lần sau cùng sẽ bổ khuyết cho lần phân giới trước. Nhưng khi khảo sát bản đồ thì việc nầy không đúng. Thí dụ phía bắc Chí Mã, phái đoàn Gallieni đã cắm cột mốc số 40 trên một cái đèo, bên lề một đường mòn; các cột số 39 và 41 bao bọc cột này cách khoảng 3 Km. Trên bản đồ 1/100.000, kiểm lại năm 1914, hai cột nầy xít lại cột 40 khoảng 100 m và cột số 42 khoảng 600m, kết quả là giữa hai cột 42 và 43, có một lỗ hổng 10 Km trên một đường biên giới ngoằn ngoèo ».

Như thế, ta thấy từ vùng Lạng Sơn ra đến biển, hầu như toàn bộ cột mốc đã bị thay đổi vị trí từ những năm 1900.

Mặc khác, theo những biên bản ghi lại vị trí các cột mốc, một số lớn đã không xác định rõ rệt. Một vài thí dụ :

Cột số 1 : giao điểm giữa sông Thiên Hà với con đường từ Cúc Phương đến Lão Ao Trang, dưới chân một cụm núi chắn ngang.
Cột số 2 : trên đường từ Long Ba Mỹ (龍波美) đến Bạch Thạch Nhai (白石崖).
Cột số 3 : ở một cái đèo, trên đường từ Nam Trại (南寨) đến Giáp Mã Thạch (夾馬石).
Cột số 4 : ở một cái đèo, trên đường từ Nam Trại (南寨) đến Tân Trại (新寨)..
Cột số 5 : đường từ Nam Trại đến Thủy Ðối Phòng (水碓防).
Cột số 6 : đường từ Thiên Hà Trại (千河寨) đến Thủy Ðối Phòng.
Cột số 7 : đường từ Tân Trại đến Tân Ðiếm (新店), ở gần Ðộc Mộc Kiều (獨木橋).
Cột số 8 : đường từ (Mãnh Khang) Mường Khương (猛康) đến Tien Tang.

Ðây là những mốc tiêu biểu được cắm trên đoạn thứ 1 thuộc biên giới Vân-Nam[5], nguyên bản tiếng Pháp và Hoa. Những mốc số 2, 5,6, 8 không được mô tả chính xác. Thí dụ, « trên đường từ Nam Trại đến Tân Trại », nhưng không nói rõ cột mốc cách Tân Trại hay Nam Trại là bao nhiêu ? Rất nhiều cột mốc được ghi chú như vậy trong các biên bản. Như thế, giả sử có một cột mốc bị dời đi , nay khám phá ra, chính phủ hai bên làm thủ tục cắm lại. Trường hợp như vậy phải cắm ở đâu, lấy thí dụ trên, phải cắm ở đâu trên đường từ Nam Trại đến Tân Trại ?

Xin ghi tiếp phần kết luận bản tường trình của sở Địa Dư Đông Dương thực hiện năm 1948 ghi trên. Hồ sơ nầy (vào thời điểm tác giả làm nghiên cứu) vẫn còn được CAOM xếp vào loại mật. Có nghĩa là người nghiên cứu được quyền công bố chi tiết nhưng không được tiết lộ tên người liên hệ viết trong tài liệu:

« La construction, si l’on peut dire, de la frontiere entre l’Indochine et la Chine a demande douze ans d’efforts.

De ce travail que rest-t-il? Des bornes placees sur le terrain d’une part et sur la carte au 1/100,000 d’autre part. Il faut remarquer toutefois que la carte au 1/100,000 s’arrete avant le Mekong, laissant en blanc environ 150 kilometres de frontiere. En outre, la reconnaissance de 1914 a montre qu’entre la carte et les bornes la concordance n’etait pas absolue; comme il semble bien que cette reconnaissance ait ete isolee – et elle a ete faite il y a plus de 24 ans – on peut se demander dans quelle proportion cette concordance existe aujourd’hui.

En la matiere, la carte au 1/100,000 est insuffisante. Sans meme parler des erreurs qu’ont pu commettre des topographes debutants dans le leve du terrain, la precision du 1/100,000 est en planimetrie de 15 a 20m; la carte ne pourrait donc deceler eventuellement que des deplacements de borne d’assez grande amplitude.
….
Une autre question peut-etre posee: les bornes ont-elles ete placees judicieusement? N’y en a-t-il pas trop a certains endroits et pas assez a d’autres? L’examen de la carte au 1/100,000 donne la reponse. Il est indeniable que nombre de bornes sont parfaitement inutiles tandis que certains points qui appellent une borne en sont depourvus. Une revision de l’abornement serait donc justifiee. C’est bien entendu une vue d’avenir assez lointain. »

Tạm dịch như sau : « Việc xây dựng, nếu ta có thể gọi thế, đường biên giới Việt Trung đã đòi hỏi 12 năm nỗ lực.

Công trình nầy còn lại gì ? Các cột mốc được cắm một mặt trên thực địa và mặt khác được ghi trên bản đồ 1/100.000. Phải nhấn mạnh rằng, bản đồ 1/100.000 ngừng lại trước sông Mékong, bỏ một khoảng trống khoảng 150 Km biên giới. Mặt khác, một cuộc kiểm sát vào năm 1914 cho thấy rằng sự phù hợp (về vị trí) giữa bản đồ và các cột mốc thì không tuyệt đối. Chắc rằng việc kiểm sát nầy là duy nhất – và nó đã làm từ 24 năm qua – người ta tự hỏi với sai số nào cho vị trí (giữa cột mốc ghi trên bản đồ và cột mốc trên thực địa) đó hiện hữu hôm nay.

Theo chuyên môn thì bản đồ 1/100.000 không đủ chính xác. Không nói đến những sai lầm có thể phạm phải của các trắc địa viên mới vào nghề trong lúc đo đạc, sự chính xác của 1/100.000 (có sai số) trắc diện là từ 15 đến 20 m. Bản đồ vì vậy chỉ có thể phát hiện khi khoảng cách dời cột mốc tương đối lớn.

Một câu hỏi khác có thể đặt ra : Các cột mốc đã được cắm một cách hợp lý ? Phải chăng có chỗ thì nhiều, có chỗ thì không đủ ? Khảo sát bản-đồ 1/100.000 sẽ có câu trả lời. Không thể chối cải rằng số lượng cột mốc thì thực sự vô dụng, trong lúc nhiều nơi cần đến thì không có. Một sự xét lại việc phân giới cắm mốc sẽ là chính đáng. Nhưng chắc chắn là trong một tương lai khá xa. »

Như vậy, có ba yếu tố chi phối vị trí các cột mốc : Kỹ thuật cắm mốc, sự thiếu chính xác của biên bản cắm mốc và sự thiếu quan tâm của chính quyền. Dầu vậy nội dung tổng quát đường biên giới Việt Trung theo Công Ước 1877 và 1895 không thấy bị đặt vấn đề. Viên chức viết bản tường trình nầy cho rằng : « Une revision de l’abornement serait donc justifiée ». Một cuộc kiểm soát lại việc phân giới (tức việc cắm mốc) sẽ là việc chính đáng.

Kết luận :

Có cần phân định lại đường biên giới Việt Trung hay không ?

Ý kiến của các nhân viên trách nhiệm phân định biên giới (người Pháp) là kiểm soát lại các cột mốc và điều chỉnh cho thích hợp vị trí của nó theo Công Ước 1887-1995. Không thấy họ đặt vấn đề phải phân định lại biên giới.

Ý kiến Charles Fourniau, Giáo Sư (quá cố) viện Đại Học Aix-En-Provence, chuyên gia về Việt Nam, đường biên giới Việt-Trung, là « một thực tế đã bắt rễ sâu xa » giữa hai dân tộc Việt và Hán.

Ý kiến của viên chức sở Địa Dư Đông Dương : biên giới Việt Trung trên đất liền nên được phân giới lại.

Ðây là một đề nghị hữu lý. Các cột mốc đã bị dời đi phải được đem trở về vị trí cũ của nó.

Vấn đề là biên giới Việt Trung phân giới lại như thế nào để ít thiệt hại nhất cho Việt Nam, về hai mặt : biên giới trên đất liền và biên giới trong vịnh Bắc Việt ?

Quan chức VN gần đây cho rằng vịnh Bắc Việt chưa được phân định, do đó cần phân định lại. Bị Vong Lục của bộ Ngoại giao VN công bố thập niên 70 có nội dung :

« Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh. »

Cũng theo tài liệu này, TQ đã đồng ý về « hai đường biên giới do lịch sử để lại » vào tháng 4 năm 1958. Hai đường biên giới ở đây dĩ nhiên là đường biên giới trên bộ và biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Dầu vậy, giả sử rằng phía TQ nói ngược lại, vịnh Bắc Việt chưa được phân định (theo công ước 1887). Vấn đề là hai bên phân định trên căn bản nào ?

Nếu hai nước cùng đồng ý đặt lại vấn đề biên giới, cùng đồng ý phủ nhận công ước 1887 để phân định lại vịnh Bắc Việt và biên giới trên đất liền, điều hợp lý là phải đặt lại tất cả những vấn đề về biên giới liên quan đến công ước 1887.

Có nghĩa là phía VN phải đặt lại vấn đề các vùng đất đã mất như Tụ Long, đất Ðèo Lương, đất Kiến Duyên và Bát Tràng, vùng mũi Bạch Long…

Việt Nam có thể nhượng bộ trên đường biên giới, nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các vùng đất đã mất (do công ước 1887), nhưng với điều kiện TQ làm tương tự trong Vịnh Bắc Việt.

Nhưng thực tế đã không như thế. Trung Quốc đã đạt được tất cả những gì họ muốn, trên biển cũng như trên đất liền (xem chương 8). Việt Nam bị thiệt hại mọi nơi, trên biển cũng như trên đất liền.

Hiệp Ước Phân Ðịnh Biên Giới Trên Ðất Liền ký ngày 30 tháng 12 năm 1999, trước hết nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các vùng đất của VN đã bị Pháp nhượng do công ước 1887. Hiệp ước này cũng nhìn nhận chủ quyền của TQ những vùng đất của VN do TQ chiếm được (trong cuộc chiến 1979).

Hiệp Ước Phân Ðịnh Lãnh Hải Trong Vịnh Bắc Bộ ký ngày 31 tháng 12 năm 2000 không bình đẳng. Việc phân định không đặt trên bất kỳ một nguyên tắc công bằng nào (như phân định theo Luật Biển 1982). Dĩ nhiên, việc làm vô nguyên tắc này đã gây thiệt hại lớn lao lãnh thổ, hải phận của tổ quốc VN.

Trương Nhân Tuấn

(Trích từ chương 7 cuốn « Biên Giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch sử thành hình và những tranh chấp ».)


[1] Xem Tâm-Quách Langlet, La Perception de frontières dans l’Ancien Vietnam à travers quelques cartes vietnamiennes et occidentales, Les Frontière du Vietnam, nxb Harmattan, Paris 1989. (tr 26-57)
[2] Michel Foucher, Fronts et Frontières, nxb Fayard 1991, trb 111
[3] CAOM, HCI/ 49. Tài liệu nầy của GS Lê Xuân Khoa tìm thấy và tặng cho người viết trong lúc ông đang nghiên cứu tại CAOM. Trân trọng cám ơn GS LX Khoa.
[4] đội trưởng là thiếu úy Monère, thuộc chi khu Lạng Sơn. Ðoạn biên giới được kiểm soát thuộc vùng Bình Nhi từ cột 20 đến 55. Một nhóm khác kiểm soát các cột 8 đến 19 cũng thấy những sai biệt tương tự.
[5] CAOM.

mercredi 10 décembre 2014

Nhân nghe GS Ngô Bảo Châu có dự định viết blog (khi biết tin Nguyễn Quang Lập bị bắt...)

Khi một xã hội chết lâm sàng.

Xã hội Nga thời Sô-viết đã chết lâm sàng nếu chỉ có một khoa học gia Sakharov mà không có nhà trí thức Sakharov.

Khoa học gia Sakharov lẫy lừng trong xã hội Sô-viết vào thập niên 60 sau khi thành công thử nghiệm quả bom nhiệt nguyên tử đầu tiên, Tsar Bomba, với sức tàn phá 50Mt, vượt xa mọi trái bom khác hiện hữu trên thế giới. Sakharov là niềm hãnh diện không chỉ của dân tộc Nga mà còn là bằng chứng vượt trội về khoa học của xã hội chủ nghĩa đối với xã hội tư bản Tây phương.

Nhưng nếu không có một nhà trí thức Sakharov, trong thập niên 60, thì giới quân phiệt Nga đã thống lĩnh quyền hành, tất cả kỹ nghệ của Nga đã trở thành kỹ nghệ quốc phòng, thế giới đã có thể chìm dưới biển lửa chiến tranh hay ngập ngụa trong địa ngục cộng sản.
Cũng nếu không có nhà trí thức Sakharov, trong thập niên 70, thì xã hội Nga đã trở thành một quần đảo ngục tù, không chỉ ở Siberie, mà ở toàn lãnh thổ Liên bang Sô-viết.

Nhưng một con én Sakharov không làm lên nổi mùa xuân. Sakharov cuối cùng bị đảng cộng sản Nga tước mọi danh dự của « người cha bom H » đồng thời giam lỏng ông này ở Gorki. Ông bị lưu đày trên chính quê hương của ông. Nhưng cũng do đó mà Liên bang Sô-viết lần hồi rệu rã, tự sụp đổ như một thân cây mục nát. Thật là thê thảm, vì đã không nghe những lời cảnh báo như là tiên tri của Sakharov từ hơn ba thập niên trước.

Giới khoa học gia sau này có thể đôi khi nhắc đến nhà vật lý Sakharov, nhưng nhân loại luôn nhớ đến một nhân cách trí thức vĩ đại Sakharov. Và dân tộc Nga hôm nay sẽ buồn biết bao nhiêu nếu không có giải Nobel hòa bình của nhà trí thức Sakharov năm 1975.

Xã hội Sô-viết đã yên mồ yên mả, nhưng điểm son trí thức Sakharov vẫn còn tồn tại mãi mãi.

Xã hội Pháp lẽ ra cũng đã chết lâm sàng, nếu vụ án Dreyfus, không có những người có uy tín như thủ tướng, dân biểu, nhà văn, nhà báo... lên tiếng bênh vực. Dreyfus, cùng với công lý, sẽ phải chết do bộ máy nghiền là tập đoàn hữu phái và giới quân phiệt Pháp thời hậu bán thế kỷ 19. Những người lên tiếng bênh vực trong vụ Dreyfus đều có địa vị quan trọng trong xã hội. Họ lên tiếng không phải vì danh tiếng, tiền bạc... ngược lại, họ bị đe dọa bắt bớ. Emile Zola phải đi tị nạn sang Anh.

Khoa học gia Sakharov vẫn chỉ là một khoa học gia, nhà báo Emile Zola vẫn là một nhà báo, nếu quí ông này chấp nhận một xã hội hoang dã cá lớn nuốt cá bé, sống chết mặc bây, công lý là ý muốn của cường quyền, bạo chúa. Vị trí trong xã hội của Sakharov thời đó được tầng lớp lãnh đạo quí trọng biết bao nhiêu. Emile Zola, Clémenceau, Léon Blum, Jean Jaurès... đều là những người có địa vị và tiếng tăm trong xã hội Pháp. Nhưng vì lương tri, những người này chấp nhận mọi hiểm nguy và mất mát cho chính đời sống của của họ. Họ lên tiếng chống lại những quyết định bạo ngược của người cầm quyền, bênh vực cho những giá trị mà họ xem là cao đẹp trong xã hội. Emile Zola cùng bè bạn khởi động phong trào trí thức trên thế giới. Xã hội nước Pháp ngày càng tiên tiến, văn minh hơn.

Thật là cao quí biết bao nhiêu hai tiếng trí thức !

Còn xã hội Việt Nam nếu không chết lâm sàng thì cũng là một xác ướp, còn phần xác mà không có phần hồn.

Khi mà « dân oan » đã trở thành một tầng lớp rộng lớn trong xã hội thì xã hội đó đã mục nát, rệu rã. Khi mà người yêu nước, bất đồng chính kiến với đảng CSVN, cho dầu chỉ mới lên tiếng một cách ôn hòa, thì bị trù dập, tù đày... xã hội đó là một xã hội đang hấp hối. Trong một xã hội, khi mà công an càng lộng quyền thì công lý của xã hội đó càng tiêu điều. Công lý thể hiện cho đạo đức, lương tri và lương tâm. Khi công lý đã chết thì xã hội đó chỉ còn là một xác không hồn. Chân lý không còn thì xã hội đó là xã hội của những tên lưu manh, điểu giả.

Những người được trọng dụng với tầm cỡ Sakharov ở Việt Nam không hề thiếu. Nhưng không hề thấy ai lên tiếng.

Đâu cần đến kiến thức chuyên môn để thẩm định các việc đó đúng hay sai ? Người ta chỉ cần một chút can đảm.

Người ta thẩm định một khoa học gia qua thành quả của công trình nghiên cứu nhưng người ta thẩm định một trí thức qua thái độ của người này.


Để xã hội Việt Nam không chết lâm sàng, những người có địa vị trong xã hội cần phải tỏ thái độ, cần phải lên tiếng nói khi cần thiết. Những người này không dám nói thì ai dám nói ? Không ai dám nói, tất cả đều vô cảm, hèn, thì xã hội đã chết lâm sàng.

dimanche 7 décembre 2014

Cờ nước, tức quốc kỳ, của VN đầu tiên xuất hiện vào dịp nào ?

« Cờ nước - quốc kỳ », theo tự điển « Grand Larousse Universel », chỉ mới được sử dụng rộng rãi trên thế giới vào thế kỷ thứ 19. « Cờ hiệu », tức cờ của một triều đại, một lãnh chúa, một đạo quân… thì đã hiện hữu rất lâu (trước TC).

« Cờ nước – quốc kỳ », biểu tượng của dân tộc và đất nước, do đó mang tính thiêng liêng, chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội quốc gia trọng đại, hoặc trong các nghi lễ tiếp đón với sứ thần nước ngoài. Theo tiêu chuẩn quốc tế hiện thời, cờ của một quốc gia phải có hình chữ nhật (ngoại lệ cờ Nepal), để tránh trùng hợp với những lá cờ hiệu khác (thuộc về quân đội hay hàng hải… có cùng màu sắc với lá cờ nhưng có hình tam giác). Trong một số các điều luật về quan hệ quốc tế, việc xâm phạm lá cờ của một nước là điều « cấm kỵ », có thể trở thành một phiền toái ngoại giao.

VN (cũng như TQ), mỗi triều đại trị vì đất nước đều có một cờ hiệu riêng. Thông thường lá cờ này hình tam giác (cờ nheo), hay phướng (lá cờ dài, treo như diều), màu sắc lá cờ tùy thuộc vào « chân mạng đế vương » ngũ hành của vị vua lập nên triều đại. Nếu vị vua có mạng mộc thì cờ màu vàng, mạng hỏa thì màu đỏ (hay hồng), mạng mộc thì màu xanh v.v… Thông thường, cờ hiệu của vua có thêu hình rồng (long kỳ). Các con thú linh khác như kỳ lân, phượng, rùa, hổ, báo, công, nhạn… cũng được sử dụng tương tự. Các con thú linh cũng được thêu lên các áo bào của vua, quan… Thời kỳ này lá cờ không quan trọng bằng cái « ấn », tức con dấu, (và cây kiếm), thể hiện quyền lực của ông vua.

Cờ đế quốc Trung Hoa triều nhà Thanh hình tam giác (cờ nheo) nền vàng có hình con rồng màu xanh. Đến năm 1890 cờ này đổi lại hình chữ nhật, chính thức trở thành « quốc kỳ » của Trung Hoa (chứ không còn là cờ của Thanh triều như trước).

« Quốc kỳ » đầu tiên của Việt Nam có thể là lá cờ đã được sử dụng trong phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp ngày 4-7-1863, dưới triều Tự Đức. Mục đích chuyến đi là « chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ ». Đây là lần đầu tiên, một sứ giả VN chính thức đại diện nước nhà đi sang một nước khác, được tiếp đón với đầy đủ nghi lễ ngoại giao.

Tài liệu « L’Ambassade de Phan Thanh Giản en 1863 – d’Après les documents Français » (A. Delvaux – B.A.V.H 1926), « Sứ đoàn Phan Thanh Giản năm 1863, theo các tài liệu Pháp » mô tả khác tỉ mỉ chuyến đi này. Đoạn dẫn dưới đây có liên quan đến quốc kỳ Việt Nam :

Parti de Saigon le 4 Juillet (1863), l’Européen arriva à Suez le 17 Août. A Alexandrie, l’ambassade monta à bord du Labrador, et arriva le 10 Septembre dans la rade de Toulon, où elle fut saluée de 17 coups de canon. Tous les bâtiments de guerre avaient reçu l’ordre de pavoiser aux couleurs impériales de l’Annam, et l’on raconte qu’à défaut de pavillon spécial dans la série des enseignes nationales, on dut sortir les pavillons de quarantaine qui sont en effet de couleur jaune.

Tạm dịch : Đi từ Sài Gòn ngày 4 tháng 7 (1863), chiến hạm Européen đến kinh đào Suez ngày 17 tháng 8. Tại Alexandrie, phái đoàn chuyển sang chiếc Labrador và đến cảng Toulon ngày 10 tháng 9. Tại đây phái đoàn được chào đón bằng 17 tiếng súng đại bác. Các chiến hạm được lệnh trương cờ đế quốc An Nam, người ta kể lại rằng, vì không có cờ đặc biệt trong các hạng mục cờ quốc gia, người ta phải trương cờ kiểm dịch (quarantaine), vì nó có màu vàng.

Nếu không có « lấn cấn » vụ lá cờ, sứ đoàn Phan Thanh Giản được tiếp đón như thế là long trọng, đúng các nghi thức ngoại giao dành cho hàng « quốc khách ».

« Quốc kỳ » của VN đầu tiên vì vậy có màu vàng.

Điều này hợp lý vì trong suốt các triều đại nhà Nguyễn (do vua Gia Long lập nên), màu vàng là màu của hoàng gia. Bộ luật VN dưới thời Nguyễn là Hoàng Việt luật lệ, (bộ luật nhà Lê có tên Quốc triều Hình luật, làm dưới triều Hồng Đức). Vùng cao nguyên Trung phần có tên là Hoàng triều Cương thổ, (trong khi thời Quang Trung thì lấy màu đào, tức vàng cam)…

Nhưng lá cờ này hình thức như thế nào ? có sọc đỏ hay không ?

Không thấy mô tả trong tài liệu.

Theo tài liệu của ông Georges Nguyễn Cao Đức, trong « Good Morning » số 85, tháng 5 năm 2008, (nguyệt san của nhóm Ái Hữu Chasseloup-Laubat/Jean-Jacques Rousseau) cờ hiệu của nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1885 là cờ « Long Tinh », theo hình ở đây :



Như vậy hợp lý lá cờ của phái đoàn Phan Thanh Giản lúc sang Pháp là lá cờ Long Tinh, tức lá cờ của nhà Nguyễn.

Cũng theo tài liệu này, đến năm 1885 cờ Long Tinh bị Pháp cấm sử dụng. Lý do khi vua Hàm Nghi rời kinh thành Huế đồng thời ra chiếu « cần vương », sĩ phu khắp nơi nổi lên ủng hộ. Lá cờ Long Tinh trở thành biểu tượng của phe « Cần vương », chống Pháp, do đó bị cấm.

Từ năm 1885 đến 1889, lá cờ « Đại Nam » ra đời. Cờ này nền vàng, hình chữ nhật, có viết hai chữ nho Đại Nam (viết ngược) theo hình sau đây :



Đến năm 1889, Thành Thái lên ngôi. Theo tài liệu của Georges Nguyễn Cao Đức ở trên, vua Thành Thái ra chiếu thay « Đại Nam Kỳ » bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ với ý nghĩa ba sọc đỏ là « ba kỳ ». Lá cờ này còn gọi là « phụng kỳ », tức « cờ phụng ».


Hình trên: phụng kỳ hay cờ phượng.

Việc gọi như thế không xa lạ, ngày xưa các triều đại thường lấy bốn con vật linh (tứ linh) là long, ly, qui, phượng để làm cờ. (Cờ đỏ sao vàng hiện nay được các nhà cách mạng ngày trước gọi là « qui kỳ » vì hình dáng ngôi sao năm cánh có hình con rùa). Lá cờ phượng, « phụng kỳ », tồn tại đến năm 1920 thì chấm dứt.



Hình trên: Qui kỳ hay “cờ rùa”.

Vua Khải Định lên ngôi, đổi lại cờ , lấy tên Long Tinh như ngày trước, nhưng với nền vàng và một sọc đỏ ở giữa theo hình dưới đây :



Người ta thấy lá cờ này được treo trên các kiến trúc của VN trong các cuộc đấu xảo ở Paris 1902 nay Marseille 1911. Cờ này tồn tạo cho đến năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp.

Cờ Ly (Ly kỳ) được Bảo Đại lựa chọn, theo hình dưới đây :



Cờ này chỉ tồn tại có 5 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945.

Sau đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ (phụng kỳ), được sử dụng trở lại, như để « kế thừa » giang sơn triều Nguyễn, cho đến năm 1975.

Nhiều người nói rằng cờ vàng có từ thời Hai Bà Trưng : đầu voi phất ngọn cờ vàng. Lại có người nói cờ đỏ có từ thời Hai Bà Trưng : đầu voi phất ngọn cờ đào !

Không ai đưa tài liệu chứng minh các việc này.

Lá « cờ vàng » chỉ mới có trăm năm nay mà truy lục tài liệu đã không dễ. Việc này đã đưa đến tranh luận sôi nổi mấy ngày nay. Nói gì đến thời gian hai ngàn năm ?

Hai ngàn năm trước dân VN có lẽ còn đóng khố, không biết có dệt được lụa trắng hay chưa (để nhuộm nghệ hay gấc) làm cờ ?

Điều 258 Bộ Luật Hình Sự.


Thời gian gần đây nhiều nhà hoạt động dân chủ, một số Bloggers Việt Nam đã bị nhà nước CSVN bắt và bỏ tù, với tội danh được qui định theo điều 258 của bộ Luật Hình sự.

Các tội được qui định theo điều 258 BLHS có nội dung như thế nào ? Nguyên văn điều 258 dẫn như sau:

Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 
 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Tức là, một người có thể bị vi phạm điều 258 khi đã thể hiện hành vi sử dụng các quyền tự do dân chủ để : 1/ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, 2/ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Xét lại một số các trường hợp (án Phạm Viết Đào, án Trương Duy Nhất…), không thấy nguyên đơn là “tổ chức” hay “công dân”. Các bị cáo bị buộc phạm tội 1 : xâm phạm lợi ích của Nhà nước.
Vấn đề ở đây là: về thể nhân, “nhà nước” là ai ? về pháp nhân, ai đại diện cho “lợi ích” của nhà nước ?

Nhà nước, theo các định nghĩa phổ cập hiện nay, do ba thành tố “lãnh thổ”, “dân chúng” và “một chính phủ” cấu thành. “Nhà nước” là một “pháp nhân”, đại diện của “nhà nước” là “chính phủ”.

Như vậy “lợi ích” của “nhà nước” ở dây là lợi ích của ai ?

Là “dân chúng” ?
Là “lãnh thổ” ?
Hay là « chính phủ » ?

Theo kết luận của các bản án, « nhà nước » ở đây là « chính phủ ».

“Nhà nước” là “nhà nước”, “chính phủ” là “chính phủ”. Chính phủ đại diện cho nhà nước, theo qui định của hiến pháp. Chính phủ không phải là nhà nước.

Lợi ích của « nhà nước » là « lợi ích » cùng lúc của dân chúng, của lãnh thổ và chính phủ.

Trong các trường hợp kết án dẫn trên, không có kết luận nào phân biệt được « nhà nước » với các thành tố cấu thành nó, vì vậy không chứng minh được « nhà nước » đã bị thiệt hại như thế nào.
Các quyền « tự do dân chủ » của các bị cáo là quyền được hiến định. Các bộ Luật đặt ra nhằm diễn giải quyền và trách nhiệm của công dân ở các điều đã được hiến pháp qui định.

Điều 258 của bộ LHS đã không diễn giải chính xác quyền và trách nhiệm của công dân trong việc sử dụng « quyền tự do dân chủ ».

Như thế việc kết án theo điều 258 BLHS, như trường hợp các bản án trên là vi hiến.

Cũng vậy, việc sử dụng điều 258 để bắt bớ ông Hồng Lê Thọ vào tuần rồi, hay ông Nguyễn Quang Lập hôm nay, đều vi hiến.

Một số vấn đề cần nói thêm về một số điều trong BLHS.

Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc 
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu ta áp dụng điều này lên thực tế, một số không ít lãnh đạo nhà nước CSVN đã phạm tội “phản bội tổ quốc”.

Thật vậy, các công trình xây dựng của TQ trong thời gian qua tại các đảo đá (mà họ chiếm của VN từ năm 1988) đã trực tiếp xâm phạm chủ quyền đồng thời đe dọa an ninh tổ quốc VN. Việc xây dựng này bắt đầu từ năm 1988, ráo riết hơn vào những năm 2010. Các đảo đá (chìm, nửa chìm nửa nổi…) hiện nay đã trở thành những đảo lớn, có cái phù hợp cho đời sống con người, có cái được xây dựng những sân bay, trạm ra đa, hệ thống phòng không… trở thành những hàng không mẫu hạm.

Lãnh đạo đảng CSVN đã cam kết với lãnh đạo đảng CSTQ “bỏ qua quá khứ” đầu thập niên 1990, trong dịp hội nghị Thành Đô. Điều này mặc nhiên nhìn nhận những gì TQ chiếm được của VN (trước năm 1990) thì sẽ không bàn tới.

Những vị lãnh đạo CSVN này đã “cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”. Họ đã phạm tội “phản bội tổ quốc”, chiếu theo điều 78.

Nếu ta xét điều 81:

Điều 81. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ 
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Những vị lãnh đạo VN hiện nay trong chừng mực đã vi phạm điều 81 BLHS.

Các hành vi của TQ hiện nay tại các đảo TS đã làm “thay đổi đường biên giới, đe doạn an ninh lãnh thổ của VN”. Lãnh đạo CSVN không thể không có trách nhiệm trong vấn đề này.

Nếu ta xét điều 87, nhiều lãnh đạo CSVN đã vi phạm trầm trọng các điều 1 khoản b và 1 khoản c.

Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết 
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;

Các sự việc xảy ra trong cộng đồng nguời Việt như mâu thuẩn chủng tộc (Việt và Việt gốc Miên, các dân tộc Tây nguyên, Tây bắc…) là do chính sách áp bức, truất hữu ruộng đất không minh bạch trong chính sách của nhà nước cũng như những lạm dụng của nhà cầm quyền địa phương.

Mâu thuẩn và đàn áp giai cấp (giai cấp vô sản, giai cấp bóc lột…), mâu thuẩn và đàn áp tôn giáo (Phật giáo, Thiên chúa, tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo…)… tất cả đều do chủ trương "vô thần", "duy vật" của lý thuyết nền tảng của chế độ là thuyết cộng sản.

Hiến pháp và luật lệ quốc gia không thể mâu thuẩn (đến mức đối nghịch) với lý thuyết nền tảng của đảng cầm quyền. Nhất là khi đảng cầm quyền “độc quyền” lãnh đạo nhà nước, theo qui định (điều 4) hiến pháp.

Ta có thể xét tương tự ở các điều 88 Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 144 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Các công ty làm thiệt hại đến tài sản nhà nước đều do cán bộ đảng CSVN phụ trách. Nếu truy tội, có lẽ toàn bộ nhân sự đảng phải vào tù.

Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Hàng giả ở đây là treo đầu heo “xã hội chủ nghĩa” lại bán thịt chó  “tư bản hoang dã”.

Các điều 182. Tội gây ô nhiễm không khí,

Điều 183. Tội gây ô nhiễm nguồn nước,

Điều 184. Tội gây ô nhiễm đất,  

Điều 229. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng 

v.v…

Nếu xét lại, hâu như tất cả các xí nghiệp do nhà nước quản lý đều vi phạm ít nhất một trong các điều luật trên. Các xí nghiệp này đều do các đảng viên CSVN quản lý. Việc cho khái thác Bô Xít bừa bãi cũng là một thí dụ.

Ngoài ra, nếu xét Điều 251: “Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có”.

Thử kiểm kê tài sản đồng thời xét nguồn gốc tài sản này, tất cả cán bộ CSVN đều bị tù. Của cải này nếu không do tham nhũng, hối mại quyền thế, lạm dụng chức vụ… thì do đau mà có?

Kết luận:

Khi có những mâu thuẩn (nội tại) trầm trọng từ nền tảng xây dựng quốc gia, việc áp dụng luật sẽ “duy ý chí”, cách diễn giải luật sẽ tùy tiện mà mục đích là bảo vệ chế độ, thực chất là bảo vệ tầng lớp đảng viên hủ bại.

Muốn xây dựng một nhà nước pháp trị, một xã hội trọng luật, hoặc là phải xóa bỏ đảng lãnh đạo (hay lý thuyết đảng), hoặc xóa bỏ luật lệ, từ hiến pháp cho đến bộ Luật HS.  

Mọi cách diễn giải luật, hay diễn giải cách áp dụng luật, đều không thuyết phục. Mọi bản án ban hành vì vậy cũng không thật sự thuyết phục.


vendredi 21 novembre 2014

Vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc ở biển Đông ?

Tranh chấp Biển Đông để càng lâu càng khó. Câu « để càng lâu càng khó » này nguyên của một viên chức ngoại giao trong nước trả lời báo chí về tình trạng biên giới Việt-Trung trước đây. Khó ở đây dĩ nhiên là khó cho VN. Thời gian là kẻ thù của VN. Sự phát triển về kinh tế của TQ cho phép họ có đầy đủ phương tiện về quân sự cũng như ngoại giao, để áp đảo các nước có tranh chấp với họ ở Biển Đông, trong đó VN đứng đầu.

Khó là vì thái độ của TQ ngày càng thêm cứng rắn về các yêu sách chủ quyền ở hai quần đảo HS và TS, cũng như hải phận theo đường chín đoạn chữ U.

Thử nhìn lại vụ giàn khoan Hải dương Thạch du 981 của TQ cắm trên thềm lục địa của VN, gần đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa, đầu tháng năm năm nay. Ta thấy, trên phương diện thực thi chủ quyền, tức là khả năng thi hành quyền tài phán, VN bất lực trước sự áp đảo của các lực lượng cảnh sát, kiểm ngư và hải giám của TQ. Trên phương diện ngoại giao, khi phía TQ đưa những bằng chứng củng cố chủ quyền của họ tại HS và TS trước diễn đàn LHQ, thì VN không đưa ra được các lý lẽ thuyết phục nào để bác bỏ. TQ rút giàn khoan đi, có thể do trở ngại kỹ thuật, có thể vì tốn kém, có thể do áp lực quốc tế, nhưng cũng có thể đã hoàn thành xong công tác thăm dò. Họ rút đi không hề do bất kỳ một áp lực nào từ phía VN.

Còn về các bãi đá thuộc Trường Sa mà TQ chiếm của VN từ năm 1988 như các đá Gạc Ma, đá Chữ Thập v.v... TQ đã nỗ lực từ nhiều năm nay để xây dựng các bãi đá này trở thành các đảo nhân tạo. VN bất lực, hoặc là vì không biết các việc làm của TQ trên lãnh thổ của mình, hoặc là biết nhưng không dám phản đối.  Bộ ngoại giao VN chỉ mới lên tiếng phản đối hồi đầu tháng này, vì không thể giữ im lặng được nữa, khi mà phía Phi tung những hình ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng của các đảo.

Rõ ràng VN không có một đối sách nào hữu hiệu để đối phó với sự việc gia tăng áp lực của TQ.

Về kinh tế VN vẫn phát triển một cách èo uột, không lành mạnh. Về quân sự, VN vẫn lệ thuộc từ các nguồn nước ngoài, nhất là từ Nga. Về an ninh và phòng thủ hỗ tương, VN là nước hiếm hoi trong khu vực không ký hiệp định an ninh hỗ tương với một cường quốc. Điều này cho thấy, nếu có đụng chạm xảy ra, VN sẽ đối phó một mình.

Thời gian tới chắc chắn TQ sẽ có những bước đi chiến lược. Các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Trường Sa sẽ lắp đặt các giàn ra đa, các hệ thống kiểm soát không lưu. TQ sẽ tuyên bố « Vùng nhận diện phòng không » trên vùng biển phía bắc Trường Sa. Khi họ tuyên bố vùng nhận diện phòng không, TQ đã chiếm được ½ Biển Đông rồi. Biển Đông để lâu càng khó là vậy.

Vừa rồi TT Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố VN sẽ « vừa hợp tác vừa tranh đấu » với TQ trong vấn đề tranh chấp  Biển Đông. Vấn đề là VN « hợp tác » với TQ về cái gì ở biển Đông ?

Theo các tài liệu loan truyền từ trong nước thì lãnh đạo CSVN đã nhìn nhận với TQ là có ba vùng biển tranh chấp. Ba vùng biển này dĩ nhiên là các vùng biển Vịnh Bắc Việt, biển Hoàng Sa và Biển Trường Sa. Vùng vịnh Bắc Việt thì đã phân định xong. VN có khai thác chung với TQ ở một số lô dầu khí ở đây.

Hoàng Sa thì từ lâu nay TQ tuyên bố rằng nó thuộc chủ quyền bất khả tranh nghị của TQ. Yêu sách của TQ về hải phận « EEZ - kinh tế độc quyền » các đảo Hoàng Sa là xem các đảo này có hiệu lực như đất liền. Vị trí đặt giàn khoan 981 hồi tháng năm vừa rồi, ở cách đảo Tri Tôn 24 hải lý, cũng có mục đích thăm dò thái độ của VN về yêu sách hải phận của họ. Ý nghĩa của việc « vừa hợp tác vừa tranh đấu » ở vùng biển này có nghĩa là, hai bên « hợp tác » khai thác vùng biển ở khoảng giữa các đảo HS và bờ biển VN. Tức là vùng khai thác chung 100% trên thềm lục địa và hải phận kinh tế độc quyền của VN. Còn « tranh đấu » với TQ ở đây là cố gắng thuyết phục TQ không lấn quá xa về phía VN.

« Vừa hợp tác vừa đấu tranh » với TQ ở khu vực Hoàng Sa có nghĩa là VN mất nhiều hay mất ít mà thôi.

Còn vùng biển Trường Sa, đáng lẽ TQ không có lý do nào để đưa ra yêu sách ở đây. Vấn đề là lãnh đạo VN đã nhìn nhận rằng TQ và VN có tranh chấp ở khu vực này. Khi nhìn nhận đây là vùng biển là « có tranh chấp », theo tập quán quốc tế, khu vực này sẽ chia đôi, hay là cộng đồng khai thác.

« Vừa hợp tác vừa đấu tranh » với TQ ở khu vực biển Trường Sa chỉ có nghĩa là hai bên « hợp tác » khai thác trên thềm lục địa của VN, nhưng VN cố gắng « tranh đấu » để hưởng nhiều hơn TQ một chút.

Còn trong trường hợp khi TQ đã tuyên bố « vùng nhận diện phòng không » trên khu vực bắc quần đảo Trường Sa, dĩ nhiên VN không thể « hợp tác » được với TQ rồi, mà tranh đấu thế nào, thật tình là nan giải.

« Vừa hợp tác vừa tranh đấu » của TT Nguyễn Tấn Dũng sẽ khả thi, nhưng cho thấy đây là một bước lùi chiến lược, một nhượng bộ lớn lao của VN đối với các yêu sách của TQ.


Giải pháp nào ?

Giải pháp tốt nhất vẫn là đưa vấn đề tranh chấp ra trước một trọng tài quốc tế. Gần đây tôi có đề nghị một phương án pháp lý, VN đơn phương đệ đơn ra tòa Công lý quốc tế, yêu cầu Tòa giải thích về hiệu lực ở một số điều trong các công ước quốc tế nền tảng, gồm ba điểm.

Thứ nhất, yêu cầu trọng tài quốc tế tuyên bố rằng Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.

Thứ hai, Việc TQ chiếm hữu các đảo ở Trường Sa năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Thứ ba, Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Các điều yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa Công lý Quốc tế, cũng không hề dính dáng đến những bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.

Làm các việc này, thứ nhất, là ta đưa vùng biển Hoàng Sa, là vùng mà TQ nói là không có tranh chấp, trở thành vùng biển có tranh chấp. Thứ hai, sẽ ngăn chặn hành vi tuyên bố « vùng nhận diện phòng không » của TQ ở vùng bắc quần đảo Trường Sa.

Theo tôi thì việc kiên tụng này không tốn kém nhiều, cũng không có rủi ro VN bị thất kiện sẽ mất chủ quyền ở HS và TS. Theo tôi thấy, giải pháp này của tôi hiện nay vẫn là một giải pháp tốt nhất, tạo cho VN một lối thoát tránh những áp lực của TQ hiện nay.


Nhưng đó vẫn chỉ là tạm thời. Điều cần thiết là VN phải thay đổi chế độ, phải dân chủ hóa chế độ, chia sẻ những giá trị chung vơi Hoa Kỳ về dân chủ, về các quyền con người. Từ đó VN mới có thể trở thành đồng minh của HK, ký kết những kết ước an ninh hỗ tương với nước này. Việc dựa vào kẻ mạnh để tự vệ là điều mà các nước thường làm. Trong khu vực, chỉ có VN là không làm việc này. 

jeudi 20 novembre 2014

Vấn đề Kampuchia : Tranh chấp lãnh thổ.

Tranh chấp về lãnh thổ giữa hai bên VN và Kampuchia, nếu xét trên phương diện những yêu sách khác nhau của người Khmer hiện nay về lãnh thổ thì ta thấy các học giả Khmer nghiêng về lịch sử. Mà nói về lịch sử thì có thể nói là tranh chấp hai bên đã xảy ra từ rất lâu. Dầu vậy ta có thể chia ra làm năm thời kỳ. Mỗi thời kỳ bản chất của tranh chấp khác nhau, các lý lẽ biện minh cho yêu sách của các bên khác nhau. Điều này xảy ra do ảnh hưởng địa chính trị, hoàn cảnh lịch sử cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ từ các bên.

Thời kỳ đầu, từ đầu thế kỷ thứ 17 đến khi Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp 1862.

Thời kỳ thứ hai, từ năm 1862 đến năm 1945, sau khi Đại chiến thế giới kết thúc.  

Thời kỳ thứ ba, từ 1945 cho đến năm 1954, hiệp định Genève được ký kết.

Thời kỳ thứ tư, từ 1954 đến 1975.

Thời kỳ thứ năm từ 1975 đến hôm nay.

Giữa hai bên có ba loại tranh chấp. 1/ về lãnh thổ trên đất liền, có hai khuynh hướng tranh chấp, thứ nhứt là đất khu vực dọc theo biên giới, thứ hai, tranh chấp vùng đất mà người Kampuchia gọi là Khmer Krom 2/ về chủ quyền các đảo, quan trọng nhất là đảo Phú Quốc và 3/ tranh chấp về ranh giới hải phận, về hiệu lực các đảo  trong vịnh Thái Lan.

Muốn biết nội tình các tranh chấp này ra sao, lý lẽ mà các học giả Kampuchia vịn vào để đòi đất đai, lãnh thổ là như thế nào, cũng như các lý lẽ này có hợp lý hay không ? điều cần thiết là ta cần phải hiểu ngọn nguồn, tức là vừa theo lịch sử của tranh chấp, vừa theo tinh thần của luật pháp quốc tế.

1/ Thời kỳ thứ nhất, thuần túy lịch sử. Cũng cần nói sơ qua vì các yêu sách của phía Khmer hiện nay nghiêng về lịch sử.

Bắt đầu sau khi VN bình định xong Chiêm Thành khoảng đầu thế kỷ 17. Lãnh thổ VN được mở ra về phía nam cho đến Bình Thuận. Từ đó hai dân tộc VN và Khmer trực tiếp đối đầu với nhau. Vào thời điểm này thì đế quốc Khmer đã suy tàn.

Đế quốc Khmer là một đế quốc hùng mạnh, cao điểm là thế kỷ thứ 11. Theo ý kiến các học giả phương Tây thì lãnh thổ đế quốc này trải dài từ bắc Thái Lan, một phần Miến Điện, bao gồm thêm nam Lào cho đến miền Nam VN hiện nay. Đế quốc này suy tàn bắt đầu từ thế kỷ 14. Các đế quốc Xiêm lần lượt mang tên Sukhôthaï, Ayuthia và Bangkok, đã chinh phục hầu như 80% lãnh thổ đế quốc Khmer. Đế quốc Khmer hùng mạnh ngày xưa đã bị đế quốc Thái tiêu diệt gần hết. Dân chúng Khmer sót lại đã chạy đi tản mát, một số trở thành các bộ lạc nhỏ trong rừng sâu, núi thẳm, số còn lại lui về lập đô ở Nam Vang. 2/3 diện tích nước Thái Lan hiện nay vốn ngày xưa thuộc về đế quốc Khmer. Các di tích lịch sử, đền đài của Khmer như Angkor Thom và Angkor Vat, hoàn toàn xóa bỏ trong ký ức của dân Khmer, bị bỏ hoang phế. Chỉ đến giữa thế kỷ thứ 19 thì các phế tích này mới được mọi người biết đến.

Công cuộc nam tiến của VN, cũng như sự bành trướng của đế quốc Thái gặp nhau. Vô hình chung đế quốc Khmer ở Nam Vang trở thành một quốc gia « trái độn » ở giữa hai thế lực mạnh mẽ là Thái và Việt. Việc dằn co hai bên Thái-Việt về Khmer kéo dài khoảng 1 thế kỷ.

Trong khoảng thời gian dằn co này, ta có thể nói rằng VN đã xây dựng và củng cố xong địa bàn của mình ở miền Nam hiện nay. Các tỉnh Biên Hòa, Mỹ Tho được xây dựng dưới thời các chúa Nguyễn, nhờ công lao các cựu trung thần nhà Minh, như Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên. Khu vực Hà Tiên và vùng chung quanh như Châu Đốc, Rạch Giá, Phú Quốc… cũng được xây dựng nhờ công lao của một người Hoa khác, thần phục VN, tên là Mạc Cửu.

Năm 1834 dưới triều Minh Mạng,  VN đã áp đặt được quyền lực của mình lên đế quốc Khmer. Nam Vang được gọi là « Trấn Tây Thành », lãnh thổ nước này được phân chia ra thành 32 tỉnh, huyện. Đến năm 1841, được sự trợ giúp của quân Xiêm, dân Khmer ở Nam Vang nổi loạn, quân VN phải rút đi. Nhưng đến năm 1845 phía Khmer lại cầu cứu VN, vì so ra ách cai trị của quân Xiêm còn bạo tàn nhiều hơn VN. Cuối cùng đế quốc Khmer phải chịu thần phục cùng lúc hai nước VN và Thái Lan. Việc này kéo dài cho đến khi đế quốc Pháp vào VN.

Trong khoảng thời gian này thì không có vấn đề gọi là « tranh chấp về biên giới hay lãnh thổ » giữa hai bên Việt và Miên, mà chỉ có hiện tượng gọi là cá lớn nuốt cá bé, xảy ra thường trực ở mọi nơi trên thế giới. Tức là, một dân tộc muốn tồn tại là phải mạnh và không thể để hiện hữu các thế lực đe dọa chung quanh. Ta thấy, ở Châu Á, trường hợp đế quốc Trung Hoa với các dân tộc chung quanh, hay tại Châu Âu, Trung Á, các nước Ả Rập... các đế quốc chinh phục lẫn nhau để mở rộng bờ cõi. Mạnh được yếu thua. Ta thấy biết bao nhiêu đế quốc mạnh mẽ như Roma, Ottoman, các đế quốc thuộc văn minh Nhị Hà (tức là Mésopotamia) thuộc Irak, Iran hiện nay... có lúc cực thịnh, nhưng rồi đều suy tàn. Cá lớn nuốt cá bé. Các việc chinh phục xảy ra thường trực mà không hề dựa trên một phép tắc hay theo một đạo lý nào. Đế quốc Khmer, đến thế kỷ 14 mạnh mẽ biết bao nhiêu. Sau đó thì suy tàn, đến đỗi con cháu họ không biết đến nền văn minh rực rỡ Angkor Vat, Angkor Thom của tổ tiên họ ra sao. Các học giả Tây phương cùng đồng ý rằng, nếu Pháp không kịp thời có mặt tại Đông dương, đế quốc Khmer chắc chắn sẽ bị mất về hai đế quốc Thái lan và VN.

Các học giả Khmer hiện nay lên án rằng VN chiếm đất của tổ tiên họ. Điều này trên quan điểm lịch sử và luật lệ quốc tế thì không thuyết phục. Cũng như VN hiện nay khó mà nại lý do Trung Hoa chiếm đất của tổ tiên mình ở Quảng Đông, Quảng Tây. Cũng như dân Ý bây giờ đâu thể nào đòi lại lãnh thổ trước kia thuộc đế quốc Roma, hay nước Thổ đòi tái dựng lại đế quốc Ottoman. Nếu ai cũng nại lý do như vậy thì thế giới sẽ đảo lộn, biển Địa Trung Hải sẽ trở thành « nội hải » của nước Ý. Nếu chỉ nói trong khu vực, tại Trung Quốc, các tỉnh Mãn Châu, Vân Nam, Tây Tạng, Quảng Đông v.v... trước kia là các quốc gia độc lập. Ai cũng lên tiếng đòi đất, đòi độc lập thì lãnh thổ của Trung quốc sẽ không còn.

Mặt khác, dân Khmer, ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, không có quan niệm quốc gia với đường ranh giới rạch ròi, như là quan niệm của văn minh Trung Hoa. Chính người Khmer, khi lục lại lịch sử của họ cũng không tìm thấy một tấm bản đồ nào cho mọi người biết là lãnh thổ của họ đã mở từ đâu đến đâu. Không biết lãnh thổ mình có từ đâu đến đâu thì đòi lại cái gì ? và ở chỗ nào ?

Quan niệm về quốc gia của dân tộc Khmer chỉ mới có sau khi tiếp xúc với văn minh Tây phương. Và chỉ sau khi tiếp xúc với Pháp, công nhận sự bảo hộ của Pháp, lãnh thổ Khmer mới lần hồi thành hình qua các đợt phân giới và cắm mốc sau này.

Những yêu sách về lãnh thổ của các học giả Khmer khi nại lịch sử là điều không phù hợp công pháp quốc tế, không ai chia sẻ. Kể cả những học giả quốc tế có cảm tình nhất với dân tộc này.  

2/ Thời kỳ thứ hai, từ năm 1862 đến năm 1945 :
Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước giao các tỉnh miền Nam cho Pháp năm 1862, thì năm 1856 vua Norodom (Nặc Ông Dương)  thỉnh cầu được sự bảo hộ của Pháp. Ngày 11 tháng 8 năm 1863 hai bên ký ký hiệp định, vương quốc Khmer, lúc đó gọi là Cambodge, được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp. Từ đó Pháp đại diện cho vương quốc Khmer trong các lãnh vực đối ngoại và đối nội.
Nhưng nội dung kết ước này vua Norodom không hề nói tới lãnh thổ, biên giới của vương quốc mình có từ đâu tới đâu.

Người lãnh đạo Pháp ở địa phương lúc đó là đô đốc De La Grandière, ông này quyết định phân định biên giới nhằm xác định lãnh vực thuộc quyền quản trị của Pháp. Nhưng sự mù mờ của biên giới, cộng với sự thiếu hiểu biết tình hình địa chính trị của khu vực, ông này đã làm cho phía Thái Lan hưởng lợi.

Biên giới giữa Cambodge với Thái Lan được phân định hấp tấp, Pháp đại diện Khmer ký kết hiệp ước đầu tiên với Xiêm vào ngày 15 tháng 6 năm 1867, Xiêm từ bỏ quyền « thuợng quốc » của Xiêm đối với Khmer, nhưng Pháp phải nhượng cho Thái lãnh thổ Khmer ở hữu ngạn sông Cửu Long, tức ½ lãnh thổ Kampuchia hiện nay, gồm các tỉnh Battambang, Sisophon và Siemreap hiện nay.

Điều này trái ngược trên thực tế, vì trước khi Pháp vào Cambodge, vương quốc này phải chịu thần phục cả hai bên VN và Thái Lan. Lập trường ở Paris, là khi ký hiệp ước 1862 với triều đình nhà Nguyễn, nước Pháp có thẩm quyền thay thế nhà Nguyễn về quyền thượng quốc ở vương quốc Khmer. Kết ước giữa Pháp với vua Norodom chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không mang tính bó buộc của pháp lý. Tức là có hay không có hiệp ước này thì lãnh thổ Khmer vẫn chịu quyền thuợng quốc, tức quyền bảo hộ, của Pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với « luật lệ quốc tế » trong thời kỳ.

Sự sai lầm về biên giới Thái-Miên được sửa chữa lại vào năm 1893. Các tỉnh của Cambodge nhượng cho Thái trước kia được khôi phục lại.

Biên giới Việt-Miên được phân định qua hai thời kỳ : năm 1870 và năm 1873. Cuộc phân định năm 1870 có sự hiện diện của quan chức Khmer, cắm được 60 mốc, nhưng sau khi phân định xong thì họ lại phản đối. Họ đòi lại vùng gọi là « mỏ vịt », và người Pháp đồng ý vạch lại biên giới, trả lại vùng này cho Cambodge. Cuộc phân định năm 1873 gồm 64 mốc.

Các tài liệu của Pháp về phân định biên giới cho thấy, vừa sau khi cắm mốc xong, phía Cambodge phản đối, các cột mốc vừa cắm liền bị nhổ đi và dời về phía VN.

Năm 1887 khối Đông dương được thành lập, Cambodge trở thành một thành phần của khối này, cùng với Cochinchine (Nam Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Tonkin (Bắc Kỳ). Lào chỉ được thành lập sau này, do yêu cầu của ông August Pavie, vào năm 1893.

Đường biên giới giữa Cochichine (miền nam) và Cambodge trở thành đường biên giới hành chánh, nội bộ của Đông dương, thuộc thẩm quyền của quan Toàn Quyền người Pháp.

Vùng Darlac thì được sáp nhập và VN năm 1895. Điều này xảy ra do việc trao đổi đất đai : VN nhượng đất Trấn Ninh cho Lào, đồng thời Lào nhường vùng đất phía nam nước này cho Cambodge. Nhưng sau đó, năm 1899 vùng này lại trả về Lào, đến năm 1904 mới chính thức trở lại VN. Năm 1923 vùng Kontum cũng được nhập vào Darlac, đồng thời với vùng đất đỏ phía nam là Buôn Mê Thuộc.

Về lãnh thổ trên biển thì được xác định năm 1939, do nghị quyết của Toàn quyền Brévié. Đó là một đường thẳng 140°, thẳng góc so với bờ biển, theo đó các đảo phía bắc đường này thuộc Cambodge và các đảo phía nam thuộc VN, trong đó bao gồm đảo Phú Quốc.

Đến năm 1939, biên giới trên đất liền hai bên Việt-Khmer được phân định hoàn tất. Biên giới này là biên giới thuộc địa, thuộc nội bộ của nước Pháp, chứ không phải là đường biên giới quốc tế giữa quốc gia với quốc gia.

Các học giả Kampuchia hiện nay, một số theo chủ nghĩa « irrédentisme », tức chủ nghĩa đòi lại đất, cho rằng Pháp đã thiên vị VN lúc phân định biên giới, do đó có khuynh hướng không nhìn nhận đường biên giới này. Chủ quyền đảo Phú Quốc và các đảo chung quanh cũng bị đặt lại. Điều này không phù hợp với các luật lệ cũng như tập quán quốc tế.

Theo nguyên tắc « Uti possidetis » của công pháp quốc tế, áp dụng cho lãnh thổ các nước thuộc địa sau khi lấy lại được nền độc lập. Trong thời kỳ thuộc địa, lãnh thổ đó do bên này quản lý, thì sau khi dành được độc lập, vùng đất đó sẽ tiếp tục do bên này quản lý.

Vì vậy, hầu hết lập luận của các học giả Kampuchia hiện nay, khi lên tiếng đòi lại đất của VN, như đảo Phú Quốc, vùng lãnh thổ gọi là Khmer Krom (tức là vùng đất hiện nay thuộc tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…), đều không thuyết phục, nếu không nói là trái ngược với luật lệ và tập quán quốc tế.

Thử tưởng tượng, ai cũng có thể đòi lại đất như vậy, thì nước Mỹ, nước Úc, Canada v.v… sẽ biến mất, vì đất đó là của người dân bản địa, chứ không phải của dân da trắng hiện nay. Cũng như nhiều nước Nam Mỹ, các nước Châu Phi… sẽ không còn tồn tại. Nên biết là đường biên giới các nước Phi Châu là do hai đế quốc thực dân Anh và Pháp phân định. Để ý thì thấy là đường biên giới ở đây thường đi theo đường thẳng, đường kinh tuyến, vĩ tuyến… nguyên nhân vì hai bên phân định trong văn phòng, trên bản đồ. Hậu quả của việc phân định như thế làm cho nhiều dân tộc không có quốc gia, hay một dân tộc bị chia cắt ra, mỗi phần ở trên một quốc gia khác nhau. Và ta thấy rằng các đường biên giới đó vẫn còn giá trị pháp lý cho đến hôm nay.

Vì thế đòi hỏi của các học giả Khmer, đi ngược lại tinh thần của quốc tế công pháp. Điều cần nhấn mạnh là các cuộc phân giới, mặc dầu do quan người Pháp điều khiển, nhưng các quan chức người Miên và người Việt đều có hiện diện. Vấn đề là họ không phản đối lúc phân định mà chỉ phản đối khi phân định đã hoàn tất. Sau này ta sẽ thấy, lập luận của Sihanouk về biên giới thay đổi như chong chóng, hết dựa phía này đến dựa phía bên kia.

Năm 1945 khi Nhật đến thì lập tức nhảy sang Nhật. Khi thấy thế lực Trung Cộng nổi lên, Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch tháng 10 năm 1949, Sihanouk lại có khuynh hướng dựa vào Trung Cộng. Trong thời gian hội nghị Genève 1954, ông này nghĩ rằng sẽ được TQ giúp đỡ lấy lại đất, do đó đưa ra những yêu sách rất phi lý. Trong thời chiến tranh VN, Sihanouk lại thiên về phía CSVN, giúp phe này, hy vọng khi họ chiến thắng sẽ trả lại đất đai. Rồi sau 1975, các phe Kampuchia, kể cả Sihanouk, cũng lại chống VN vì họ cho rằng lãnh đạo CSVN không giữ lời hứa trả lại đất, vì thế cuộc chiến 1978 bùng nổ. Từ đó cho đến nay, vấn đề biên giới, lãnh thổ, hải phận… giữa VN và Kampuchia, lúc nóng, lúc lạnh tùy thuộc vào sự tốt lành quan hệ ngoại giao giữa VN và TQ. Những lúc sau này, tranh chấp giữa VN và TQ căng thẳng vì việc TQ đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa của VN, ta thấy các sư sãi, các chính trị gia Kampuchia lại dấy lên các cuộc biểu tình, đòi lại đất. Những điều này ta sẽ trở lại nói rõ hơn ở phần sau.

3/ Thời kỳ thứ ba, từ 1945 cho đến năm 1954 :

Trước khi nói về các diễn tiến liên quan đến biên giới giữa hai bên Việt-Miên trong thời kỳ này, cũng nên nói lại một số chi tiết liên quan đến đất đai, lãnh thổ sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng ba năm 1945.

Sihanouk đơn phương tuyên bố Cambodge độc lập. Tháng 6 năm 1945 Sihanouk đưa kiến nghị lên lãnh đạo Nhật, xin Nhật trả lại Nam Kỳ cho Cambodge, thay vì trả cho triều đinh Huế. Nên biết, lúc đó Nam Kỳ có qui chế là thuộc địa của Pháp, tương tự các lãnh thổ hải ngoại của Pháp hiện nay như Calédonie, Gyuane hay Réunion. Quan chức Nhật chưa quyết định gì thì thua trận Đại chiến trước Đồng minh.

Pháp vào lại VN, gặp nhiều sự kháng cự của kháng chiến VN, trong khi chính phủ của ông Hồ tuyên bố thành lập nước VNDCCH ngày 2-9-1945 ở miền Bắc. Do những khó khăn này, cùng với thế lực kiệt quệ do đất nước bị tàn phá do Thế chiến II, Chính phủ Pháp quyết định tổ chức các nước Đông dương để trở thành Khối liên hiệp Pháp. Ông Bảo Đại được Pháp đề nghị trả lại lãnh thổ mà nhà Nguyễn đã ký giao cho Pháp trước kia. Điều kiện Bảo Đại là phải trả Nam Kỳ và nước VN là một nước thống nhất ba miền bắc, trung, nam. Pháp đồng ý nguyên tắc này và điều này được lập lại trong Hiệp định Genève 1954. Quốc gia VN được thành lập vào năm 1949, đúng với thể thức quốc tế công pháp. VN cùng với Lào và Combodge, trở thành những « quốc gia liên kết » trong khối Liên hiệp Pháp.

Phái đoàn của Cambodge được gởi qua Paris điều trần ngày 2 tháng 4 năm 1949, mục đích thuyết phục quốc hội Pháp trả lại Nam Kỳ cho Cambodge. Lý lẽ của phái đoàn Cambodge là lúc ký hiệp định bảo hộ với Pháp năm 1863, nội dung kết ước không nói đến số phận của Nam Kỳ, là vì vương quốc này nhường đất này cho Pháp sử dụng. Bây giờ Pháp không cần đến lãnh thổ này nữa, hợp lý là phải trả lại cho Cambodge chớ không thể trả cho triều đình Huế.

Lý lẽ này không thuyết phục được chính giới Pháp vì lẽ, các tỉnh Nam Kỳ là do triều đình Huế nhượng cho Pháp theo các hiệp ước 1862 và 1874. Trong khi hiệp định 1863 giữa Pháp và Miên thì không hề có một điều bảo lưu nào về lãnh thổ.

Quốc hội bác yêu sách này với đa số. Nhưng yêu sách về lãnh thổ của Cambodge thì được một số dân biểu cách tả của quốc hội Pháp ủng hộ.

Thấy đòi nguyên cả Nam Kỳ không xong, ngày 2-5-1949 Quốc hội Cambodge cho ra một kiến nghị yêu cầu nhà nước Pháp phân định lại biên giới. Những người này cho rằng biên giới giữa Nam Kỳ và Miên chưa bao giờ được phân định. Các cuộc phân định trước hoàn toàn mang tính cách thiên vị, gây thiệt hại cho Cambodge. Kiến nghị này cũng bị quốc hội Pháp bác bỏ.

Do căm hận Pháp đã không thỏa mãn các yêu sách của mình, Sihanouk có khuynh hướng nghiêng về Trung Cộng, là một thế lực đang lên, đứng sau chính phủ Hồ Chí Minh, đối đầu với Pháp trong vấn đề VN. Ông này nghĩ rằng TQ sẽ dùng chính phủ của ông chống lại Pháp ở mặt trận phía tây. Vì thế trong hội nghị  Genève 1954, Sihanouk công bố trước các đại cường yêu sách về lãnh thổ của Cambodge. Sihanouk đề nghị 6 giải pháp, hết sức là cường điệu, có nội dung dẫn lại sơ lược như sau :

Sihanouk đòi, hoặc trả lại cho Cambodge toàn vùng đất phía hữu ngạn sông Hậu Giang, bao gồm thêm các tỉnh Trà Vinh, đảo Phú Quốc và vùng đất giới hạn giữa kinh Tân Châu và sông Tiến Giang đồng thời tàu bè  Cambodge có quyền quá cảnh ở Sài Gòn.

Hoặc là trả lại các vùng lãnh thổ trải dài cho tới hữu ngạn sông Tiền Giang, gồm các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc và đảo Phú Quốc, quyền được quá cảnh ở Sài Gòn đồng thời dân Khmer phai được bảo vệ.

Hoặc phải « quốc tế hóa Nam Kỳ », kinh Vĩnh Tế và hải cảng Sài Gòn có qui chế tự do, bãi miễn thuế quan. Còn không là phải đặt Nam Kỳ và đảo Phú Quốc dưới sự quản trị của LHQ.

Các đòi hỏi phi lý này không được nước nào ủng hộ. Sự bẽ bàng của Sihanouk càng lên cao trong hội nghị Genève tháng 8 năm 1954 giữa Pháp và các nước Đông dương. Yêu sách của Sihanouk dĩ nhiên không được ngó ngàng đến. Tuy vậy, kết cuộc hội nghị nhìn nhận Cambodge được quyền thông lưu trên sông Cửu Long để ra biển cũng như được quyền sử dụng thuơng cảng Sài Gòn. Nhưng các điều này bị VN bảo lưu, lý do cần xem xét lại luật lệ quốc tế để xem rằng Cambodge có chính đáng được hưởng các quyền này hay không ? Cuối cùng thì các quyền này của Cambodge bị VN bác bỏ dưới thời ông Diệm.

4/ Thời kỳ thứ tư, từ 1954 đến 1975.

Sau thất bại ở hội nghị Genève 1954, Sihanouk nuôi dưỡng ý định trả thù. Ông này dung dưỡng mọi thế lực chống lại chính phủ Bảo Đại, sau này là Ngô Đình Diệm.

Một số thí dụ, các lực lượng tôn giáo chống ông Diệm được Sihanouk cho phép lập sào huyệt trên đất Miên. Vì vậy để tảo thanh, quân VNCH buộc phải đi vào đất của Cambodge. Các xung đột này bắt đầu từ năm 1955. Dĩ nhiên, Sihanouk lợi dụng các việc này vừa tố cáo VN, trong khi trên thực địa thì cho người dời cột mốc phân giới sang phía VN. Để trả đũa, ông Diệm tuyên bố hủy bỏ mọi « quyền lịch sử » của Cambodge trên lãnh thổ VN.

Đến năm 1960 thì lực lượng MTGPMN được thành lập. Tổ chức này cũng xây dựng sào huyệt trên lãnh thổ Cambodge, dĩ nhiên dưới sự đồng ý ám thị của Sihanouk. Theo một số tài liệu, phía VNDCCH « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của Cambodge », trong khi MTGPMN, cũng như nhiều cán bộ cấp cao của CSVN, thì hứa hẹn, nếu thắng được VNCH thì sẽ trả lại đảo Phú Quốc cho Cambodge.

Vì các hứa hẹn này các đường mòn gọi là đường mòn HCM được Sihanouk đồng ý cho thiết lập. Con đường huyết mạch tiếp tế lương thực và vũ khí cho quân MTGPMN cũng như quân chính qui miền Bắc sau này. 
Quan hệ giữa Sihanouk và VNDCCH thân thiết đến mức độ vào tháng 8 năm 1963, Cambodge tuyên bố chấm dứt ngoại giao với VNCH.

Sau khi ông Diệm bị đảo chánh 1-11-1963, quan hệ hai bên VNCH và Cambodge vẫn không ấm áp trở lại, mà còn tệ hai hơn. Nguyên nhân, người Mỹ chính thức đổ quân vào VN, các cuộc hành quân, càn quét, dội bom trên đất Kampuchia nhằm phá hoại đường mòn HCM… các việc này gây ra những thiệt hại đáng tiếc cho phía thường dân Kampuchia. Tháng 7 năm 1965, Sihanouk kiện VNCH lên LHQ về việc xâm phạm lãnh thổ. LHQ có điều tra nhưng chỉ kết luận rằng VNCH có vào lãnh thổ Cambodge sau đó rút về, vì lý do bên Cambodge có dung chứa các lực lượng đối kháng, chứ VNCH không có xâm chiếm lãnh thổ của Cambodge.

Không hài lòng kết quả điều tra của LHQ, Sihanouk lên tiếng kêu gọi quốc tế ủng hộ Cambodge, nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của nước này. Một số nước ủng hộ, trong đó có Pháp. Điều này có thể hiểu vì Pháp vẫn còn cay đắng Mỹ trong việc dành chỗ của Pháp tại Đông Dương, không giúp Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Năm 1966 Pháp ủng hộ Cambodge « trung lập ». Nhưng việc này không thuyết phục được ai vì tên đất Kampuchia vẫn còn nguyên các sào huyệt của MTGPMN cũng như các con đường tiếp tế gọi là đường mòn HCM.

Cuối cùng thì Sihanouk bị tướng Lon Nol lật đổ năm 1970.

Sau khi lên nắm quyền, Lon Nol yêu cầu tất cả các lực lượng của CSVN rút khỏi Kampuchia. Cũng như bất kỳ một người Cambodge nào khác, Lon Nol cũng rất bài Việt. Trong lúc cuộc đảo chánh, các cuộc thảm sát thường dân VN đã diễn ra, thây người thả đầy trên sông Cửu Long. Một số lớn người Việt phải hồi hương. Việc này càng tạo thêm gánh nặng và sự bất ổn trong xã hội miền Nam.

Lực lượng Khmer đỏ được thành lập dưới sự yễm trợ và huấn luyện của CSVN. Trên thực tế, vùng phía bắc lãnh thổ Kampuchia hoàn toàn do quân đội CSVN kiểm soát. Nhưng trong nội bộ của Khmer đỏ lại có nhánh có tinh thần bài Việt cực kỳ. Vì thế họ ly khai. Những nhóm này cũng giết chóc và khủng bố đồng thời trục xuất người Việt, như những lãnh đạo khác của Kampuchia.

Tóm lại, thời kỳ này đường biên giới, cũng như kiều dân VN sống trên đất Kampuchia, trở thành con tin bị các phía Kampuchia trao đổi quyền lợi chính trị. Trong thời chiến, vấn đề biên giới không kiểm soát được, nhưng dân chúng VN là nạn nhân trực tiếp của các tranh chấp này. Con số nạn nhân VN bị giết phải nói là rất lớn.

5/ Thời kỳ thứ năm từ 1975 đến hôm nay.

Từ năm 1975 cho đến 1990, ta có thể nói rằng khu vực Đông dương vừa là một chiến trường, vừa là một bàn cờ địa chiến lược của các thế lực quốc tế, gồm có các nước liên hệ trong khu vực và các đại cường Trung Cộng, Liên Xô và dĩ nhiên là Mỹ. Vấn đề biên giới, Cambodge không chỉ có tranh chấp với VN mà còn có tranh chấp với Thái Lan về chủ quyền ngôi đền Préah Viheart cũng như ranh giới ngoài biển, từ sau khi lấy lại độc lập năm 1953. Trong thời gian này vấn đề biên giới giữa các bên không chính thức đặt ra, mặc dầu nó luôn là cái cớ để chiến tranh bùng nổ. Nhất là đối với hai nước Việt-Miên.

Sau khi quân Pol Pot tiến vào Nam Vang, cũng như quân miền Bắc chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1975, một phái đoàn của Khmer đỏ gởi đến Hà Nội để nhắc lại những cam kết của CSVN : « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của Cambodge » trong thập niên 60 về vấn đề lãnh thổ của Kampuchia. Những người này, theo dự kiến là sẽ ký kết ước với Hà Nội để bảo đảm sự « toàn vẹn lãnh thổ » của hai nước. Nhưng nhóm Khmer đỏ thân TQ trong phái đoàn bất đồng ý kiến với nhóm thân Hà Nội. Phe thân Bắc Kinh lên tiếng đòi VN trả lại cho họ vùng lãnh thổ gọi là « Khmer Krom ». Điều nên biết, chiến thắng ngày 30-4-1975 của CS miền Bắc đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh tức tối. Chủ trương của TQ từ xưa nay là chống lại VN thống nhất, cũng như chống lại việc VN quá thân thiện hay lệ thuộc vào Liên Xô. Phía bắc, áp lực của Liên Xô đã trầm trọng, quân Liên Xô đóng dài dài trên biên giới gây áp lực. Biển Hoa Đông thì bị Nhật, Đài Loan án ngữ. Biển Đông thì hạm đội Liên Xô đã có mặt tại Cam Ranh. Nếu Kampuchia hòa hoãn hay thân thiện với VN thì TQ sẽ không có cách gì để phá vỡ thế cô lập. Mặt khác, quyền lợi của Mỹ cũng bị đe dọa, các nước chung quanh như Thái Lan, Mã Lai v.v... sẽ sụp đổ, theo như thuyết Domino của Mỹ. Vì vậy Bắc Kinh, cũng như Mỹ, chắc chắn phải tìm cách đẩy hai bên VN và Kampuchia vào thế đối đầu.

Vì thế, cả hai đại cường, Mỹ và TQ, một tư bản, một cộng sản, do cùng mục tiêu ngăn chặn Liên Xô bành trướng, lại hợp tác với nhau, ra mặt ủng hộ Pol Pot chống lại VN. Dĩ nhiên, nguyên nhân bên ngoài là tranh chấp đất đai, nhưng bên trong là sự tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược trong khu vực của các đại cường. Vì vậy, như đã nói, lãnh thổ trong quảng thời gian này là cái cớ để chiến tranh bùng nổ.

Để kích thích VN vào vòng chiến, trong lúc phái đoàn Khmer đỏ còn ở Hà Nội thì quân Khmer đỏ đã đánh chiếm cù lao Poulo Wai trong vịnh Thái Lan. Dọc biên giới thì quân Khmer đỏ đã sẵn sàng dàn quân ứng chiến. Như thường lệ, những người dân VN sinh sống ở Kampuchia lại trở thành nạn nhân. Trên 150.000 người bị ngược đãi, trục xuất về VN. Con số bị giết không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không nhỏ. Tháng 6 năm 1976, VN gởi sứ giả sang Nam Vang hy vọng làm dịu tình hình, nhưng phía Khmer đỏ đòi phải phân định lại biên giới, thay đổi đường biên giới theo các bản đồ của Sở địa dư Đông dương ấn hành năm 1954, trong khi phía VN thì nhìn nhận đường biên giới hiện trạng là đường biên giới thể hiện trên bộ bản đồ này. Mặt khác, hai bên cũng không đồng thuận về biên giới trên biển.

Phía Khmer đỏ gia tăng khiêu khích, từ năm 1975 đến 1978, bọn này đã tiến sang VN đánh phá và tàn sát dân chúng ở 25 huyện và 96 xã, gây ra trên 257.000 nạn nhân màn trời chiếu đất. Trong năm 1977, Pol Pot cho quân lính tiến sang Tây Ninh tàn sát dân chúng sinh sống ở đây, nhưng sự phản ứng của quân VN, do thiện chiến hơn, đã làm cho quân Khmer thiệt hại nặng. Và cũng để trả đũa những vụ tàn sát dân lành vô tội sinh sống các tỉnh dọc biên giới, tháng 12 năm 1977, VN mở một cuộc hành quân thần tốc vào tỉnh Svay Rieng khiến quân Khmer đỏ thiệt hại nặng nề. Cuối năm, Pol Pot tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với VN.

Chiến tranh Việt-Miên bùng nổ. Dưới sự quan sát của các học giả quốc tế, cuộc chiến này là một cuộc chiến « ủy nhiệm ». Pol Pot đánh VN là đánh cho Trung quốc. Còn VN đánh là đánh cho Liên Xô.

Tháng 12 năm 1978, quân VN tiến vào Nam Vang, đánh đuổi Pol Pot và thành lập chính phủ thân VN ở đây. Cùng với chính phủ này, VN đã ký kết các hiệp định « các nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới ». Trên đất liền ký năm 1982, trên biển ký năm 1983.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Cơ Thạch cho rằng VN tôn trọng đường biên giới hiện trạng theo bộ bản đồ Đông dương 1/100.000. Nhưng Sihanouk, năm 1984, tố cáo trước dư luận, qua thủ tướng Thái Lan, rằng VN đã chiếm vùng « mỏ vịt », tức là tỉnh Svay Rieng.

Về biên giới trên biển, theo nội dung các văn bản tham khảo được thì hai bên cùng đồng ý "lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực này", hai bên đồng thuận về « vùng nước lịch sử » trong khu vực đảo Phú Quốc và "sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp… để hoạch định đường biên giới biển giữa hai nước".

Đảo Wai được VN trả lại cho Kampuchia.

Tháng 12 năm 1985 hai bên ký lại « Hiệp ước hoạch định biên giới ». Ngày 10-10-2005 ký thêm « Hiệp ước bổ sung » về biên giới. Hai bên bắt đầu cắm mốc từ năm 2006. Ta thấy tỉnh Svay Riêng, tức vùng Mỏ vịt, vẫn thuộc lãnh thổ của Kampuchia. Tức là lời tố cáo của Sihanouk là không đúng.

Điều nên biết, sau khi quân Pol Pot vào Nam Vang thành lập chính quyền thì Sihanouk được mời về làm quốc trưởng. Nhưng liền sau đó thì bị bạc đãi, tính mạng bị đe dọa. Bắc Kinh tìm cách can thiệp và đưa ông này đi Trung Quốc. Ở Bắc Kinh Sihanouk được đối đãi như là một thuợng khách. Bởi vì lãnh đạo Trung Nam Hải biết được giá trị ở con cờ Sihanouk. Ông vua này có thể làm bất cứ điều gì để chống lại VN. Cũng vì lý do này mà đất nước Kampuchia điêu linh, thần dân của ông bị nhà nước Khmer đỏ tiêu diệt gần 1/3, trong đó có họ hàng thân thích của ông. Điều trớ trêu là nhà nước này do TQ dựng lên, lúc đó ông là một thành phần của nhà nước này.

Tuy vậy, hiện nay TQ vẫn là một đồng minh được ưa chuộng tại Kampuchia. Người Việt ở đây bị kỳ thị bao nhiêu thì người Hoa được ưu đãi bấy nhiêu. Toàn thể huyết mạch kinh tế TQ hiện nay là do 10 giòng họ người Hoa nắm giữ. Liên minh Trung Hoa – Khmer hứa hẹn sẽ bền chặt lâu dài mà chất keo hàn gắn hai bên là tinh thần bài Việt. Vấn đề lãnh thổ luôn được các bên sử dụng như là một cái cớ để khích động dân chúng để chống đối VN.


6/ Yếu tố Trung Quốc.
Như đã nói ở trên, sau 1975, lãnh thổ chỉ là cái cớ để TQ kích động khiến Khmer đỏ gây hấn VN. Thì bây  giờ cũng vậy, vấn đề lãnh thổ cũng là cái cớ để TQ khích động tinh thần bài Việt trong dân chúng Kampuchia trong thời gian gần đây.

Vấn đề là biên giới trên đất liền đã được hai bên ký hiệp định và các mốc giới vừa được cắm xong. Hai bên đều thỏa mãn với yêu sách của mình, vì việc phân giới được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, không ai ép ai. Do đó sử dụng lãnh thổ vùng biên giới để kích động đã không còn hữu hiệu. Những người Kampuchia hiện nay lên tiếng chống VN thuộc phe Sam Rainsy, một người theo dân tộc chủ nghĩa, rất thân TQ. Lá cờ đầu để những người này trương lên chống VN trước kia là các cột mốc biên giới, nay đổi lại là vùng Khmer Krom và những người dân bản địa sống ở đó.

Nhưng việc khích động người dân như thế không dễ dàng, nếu không có một cái cớ chính đáng nào đó. Điều này lại do nhà cầm quyền CSVN tạo ra. Đó là chính sách hà khắc của nhà cầm quyền này lên những người dân của họ. Điều này không làm ai ngạc nhiên, vì chính đồng bào ruột thịt của họ là dân miền Nam cũng bị phân biệt đối xử. Những người dân bản địa (mà nhiều người hiện nay gọi là người Việt gốc Miên) bị truất hữu ruộng đất, và đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến người dân ở đây chống nhà cầm quyền VN.

Nếu ta xét lại những đòi hỏi của những người tổ chức biểu tình chống VN ở Nam Vang thì ta thấy nó không rõ ràng, đôi khi mâu thuẩn. Những yêu sách của họ như buộc VN phải « nhìn nhận sự thật lịch sử », hay nhìn nhận « VN chiếm đất của Kampuchia » đều có vẻ không thực tế.

Vấn đề là họ đã lầm lẫn giữa quyền sở hữu đất đai của những người dân bản địa bị nhà nước CSVN truất bỏ, với chủ quyền về lãnh thổ.

VN có chủ quyền về lãnh thổ ở các khu vực mà dân Khmer gọi là Khmer Krom, điều này đã được củng cố bởi thời gian hàng nhiều thế kỷ qua, cũng như được bảo đảm bởi luật lệ quốc tế. Ý nghĩa của từ chủ quyền ở đây là « quyền lực chủ tể » trên vùng lãnh thổ đó chứ không phải là « quyền làm chủ », hay quyền sở hữu vùng lãnh thổ đó như nhiều người đã hiểu lầm. Quyền lực chủ tể có thể ban phát quyền sở hữu về đất đai, nhưng cũng có thể truất hữu, hay bãi bỏ quyền đó. Vấn đề là nhà nước CSVN lạm dụng « quyền chủ tể » này, truất hữu hàng loạt ruộng đồng, nhà cửa, không chỉ của dân bản địa, mà của nhân dân trên khắp ba miền đất nước, gây sự bất mãn cùng cực nơi mọi tầng lớp người dân. Cán bộ CS lạm dụng quyền chức, lấy đất của người thấp cổ bé miệng giao cho những thế lực tài phiệt nhằm trục lợi. Các điều này tạo ra những bất công, làm cho sự thù hận của người dân ngun ngút đến trời cao.

Vì vậy, do nhập nhằng về khái niệm, những người dân bản địa phẫn uất đã bỏ VN sang sinh sống ở Kampuchia. Tại đây họ được các thế lực bài Việt kích động, trở lại chống VN. Điều cần nhấn mạnh : họ là người VN, sinh đẻ tại VN, tổ tiên của họ đã ở trên vùng đất đó từ lâu đời. Điều ngạc nhiên là đến bây giờ những người này vẫn bị xem là « người Việt gốc Miên ». Tức là chính sách phân biệt giai cấp của CSVN đã đổi màu để biến thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Trên đất Kampuchia, mặc dầu họ có chung nguồn gốc xa xôi, nhưng họ vẫn là người VN. Để tạo sự tin tưởng nơi người Kampuchia chính gốc, những người dân Việt ly hương này chống VN còn cực đoan hơn những người dân Kampuchia chính gốc. Đây là một hiện tượng tâm lý, dễ bị người khác lợi dụng.  

Điều đáng lo ngại là TQ có thể sử dụng lớp người bất mãn này, nuôi dưỡng họ, huấn luyện họ. Trong khi kinh tế Kampuchia lại có khuynh hướng phát triển hơn VN. Việc này càng tạo cho Kampuchia một sức hút khiến người Việt đổ xô về đây tìm cách sinh sống. Tất cả các yếu tố này đều nguy hiểm cho VN. Ta không thể bỏ qua viễn tượng, một ngày nào đó, chính những người Việt này được TQ vũ trang để trở về chống lại VN.

Lúc đó, một VN yếu, kinh tế kém phát triển, kéo theo sự yếu kém về quân sự, có thể dễ dàng bị lệ thuộc vào nước ngoài.


7/ Giải pháp nào ?

Như đã nói, vấn đề bài Việt ở những người dân bản địa VN, vấn đề đòi lại đất, là do từ chính sách hà khắc của nhà nước CSVN. Chủ trương « sở hữu tập thể về đất đai » thực ra là để tạo một nguồn kinh tài cho đảng CSVN. Ở VN hiện hữu cái gọi là « quĩ đất ». Lãnh đạo có thể sử dụng đất từ các « quĩ » này như là một nguồn tài chánh, tương tự như các mỏ dầu khí, đưa vào ngân sách quốc gia để chi phí điều hành. Việc lạm dụng đã tạo ra tại VN một tầng lớp dân oan, những người trắng tay vì đất đai bị truất hữu. Việc truất hữu phần nhiều không minh bạch, vì mục đích của nó không nhằm phục vụ cho quyền lợi của số đông mà chỉ cho một vài cá nhân, tài phiệt. Những người dân oan này phần nhiều là những người dân tộc thiểu số vùng tây bắc, trên tây nguyên, hay ở miền Nam.

Trong khi việc tạo « quĩ đất » không hề thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, tệ nạn đầu cơ về nhà đất đã tạo ra những bong bóng tài chính đe dọa sự hiện hữu cũng như các hoạt động chủ yếu của ngân hàng. Nền kinh tế VN có nguy cơ sụp đổ.

Khi đã biết được nguyên nhân thì biện pháp chế ngự hệ quả không phải là việc khó khăn. Đối với những người dân bản địa ở miền Nam, để họ không bỏ nước sang Kampuchia lập tổ chức chống đối, điều nhà nước cần phải làm là cho những người đó thấy là sống ở VN sung sướng, thoải mái hơn là sống ở Kampuchia. Việc này không chỉ áp dụng cho những người dân bản địa, mà cho chung mọi người dân VN. Tức là kinh tế VN phải phát triển hơn Kampuchia. Chế độ VN nhân bản, tình người hơn chế độ Kampuchia. Tức là, chỉ còn cách duy nhất là thay đổi thế chế chính trị : dân chủ hóa chế độ. Chỉ dưới một chế độ dân chủ VN mới có thể phát triền lành mạnh.

Tiếp theo là trả lại cho người dân những gì đã là của họ. Những gì của tổ tiên họ đã tạo ra, đã là của họ, thì phải trả lại cho họ. Trả ở đây là trả quyền sở hữu đất đai chứ không phải từ bỏ « chủ quyền lãnh thổ ». Kế đến là xây dựng một chính sách « hòa giải dân tộc ». Làm thế nào cho mọi người dân thấy rằng họ được tôn trọng. Tôn trọng về nhân vị là tôn trọng văn hóa, tôn giáo, lịch sử, lề lối sinh hoạt… của người dân đó.


Sẽ không có biện pháp nào khác. Mọi đàn áp, trừng trị tù tội hôm nay sẽ không dẹp được ngọn lửa căm hờn, mà chỉ làm cho áp lực ngày càng tăng thêm. Một khi nhà nước yếu đi, vì lý do kinh tế thí dụ vậy, thì ngọn lửa này sẽ bùng cháy mãnh liệt. Nếu được sự tiếp tay của ngoại bang, thì VN sẽ không có cách nào trấn áp được. Lãnh thổ bị phân liệt là điều sẽ đến.