dimanche 7 décembre 2014

Cờ nước, tức quốc kỳ, của VN đầu tiên xuất hiện vào dịp nào ?

« Cờ nước - quốc kỳ », theo tự điển « Grand Larousse Universel », chỉ mới được sử dụng rộng rãi trên thế giới vào thế kỷ thứ 19. « Cờ hiệu », tức cờ của một triều đại, một lãnh chúa, một đạo quân… thì đã hiện hữu rất lâu (trước TC).

« Cờ nước – quốc kỳ », biểu tượng của dân tộc và đất nước, do đó mang tính thiêng liêng, chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội quốc gia trọng đại, hoặc trong các nghi lễ tiếp đón với sứ thần nước ngoài. Theo tiêu chuẩn quốc tế hiện thời, cờ của một quốc gia phải có hình chữ nhật (ngoại lệ cờ Nepal), để tránh trùng hợp với những lá cờ hiệu khác (thuộc về quân đội hay hàng hải… có cùng màu sắc với lá cờ nhưng có hình tam giác). Trong một số các điều luật về quan hệ quốc tế, việc xâm phạm lá cờ của một nước là điều « cấm kỵ », có thể trở thành một phiền toái ngoại giao.

VN (cũng như TQ), mỗi triều đại trị vì đất nước đều có một cờ hiệu riêng. Thông thường lá cờ này hình tam giác (cờ nheo), hay phướng (lá cờ dài, treo như diều), màu sắc lá cờ tùy thuộc vào « chân mạng đế vương » ngũ hành của vị vua lập nên triều đại. Nếu vị vua có mạng mộc thì cờ màu vàng, mạng hỏa thì màu đỏ (hay hồng), mạng mộc thì màu xanh v.v… Thông thường, cờ hiệu của vua có thêu hình rồng (long kỳ). Các con thú linh khác như kỳ lân, phượng, rùa, hổ, báo, công, nhạn… cũng được sử dụng tương tự. Các con thú linh cũng được thêu lên các áo bào của vua, quan… Thời kỳ này lá cờ không quan trọng bằng cái « ấn », tức con dấu, (và cây kiếm), thể hiện quyền lực của ông vua.

Cờ đế quốc Trung Hoa triều nhà Thanh hình tam giác (cờ nheo) nền vàng có hình con rồng màu xanh. Đến năm 1890 cờ này đổi lại hình chữ nhật, chính thức trở thành « quốc kỳ » của Trung Hoa (chứ không còn là cờ của Thanh triều như trước).

« Quốc kỳ » đầu tiên của Việt Nam có thể là lá cờ đã được sử dụng trong phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp ngày 4-7-1863, dưới triều Tự Đức. Mục đích chuyến đi là « chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ ». Đây là lần đầu tiên, một sứ giả VN chính thức đại diện nước nhà đi sang một nước khác, được tiếp đón với đầy đủ nghi lễ ngoại giao.

Tài liệu « L’Ambassade de Phan Thanh Giản en 1863 – d’Après les documents Français » (A. Delvaux – B.A.V.H 1926), « Sứ đoàn Phan Thanh Giản năm 1863, theo các tài liệu Pháp » mô tả khác tỉ mỉ chuyến đi này. Đoạn dẫn dưới đây có liên quan đến quốc kỳ Việt Nam :

Parti de Saigon le 4 Juillet (1863), l’Européen arriva à Suez le 17 Août. A Alexandrie, l’ambassade monta à bord du Labrador, et arriva le 10 Septembre dans la rade de Toulon, où elle fut saluée de 17 coups de canon. Tous les bâtiments de guerre avaient reçu l’ordre de pavoiser aux couleurs impériales de l’Annam, et l’on raconte qu’à défaut de pavillon spécial dans la série des enseignes nationales, on dut sortir les pavillons de quarantaine qui sont en effet de couleur jaune.

Tạm dịch : Đi từ Sài Gòn ngày 4 tháng 7 (1863), chiến hạm Européen đến kinh đào Suez ngày 17 tháng 8. Tại Alexandrie, phái đoàn chuyển sang chiếc Labrador và đến cảng Toulon ngày 10 tháng 9. Tại đây phái đoàn được chào đón bằng 17 tiếng súng đại bác. Các chiến hạm được lệnh trương cờ đế quốc An Nam, người ta kể lại rằng, vì không có cờ đặc biệt trong các hạng mục cờ quốc gia, người ta phải trương cờ kiểm dịch (quarantaine), vì nó có màu vàng.

Nếu không có « lấn cấn » vụ lá cờ, sứ đoàn Phan Thanh Giản được tiếp đón như thế là long trọng, đúng các nghi thức ngoại giao dành cho hàng « quốc khách ».

« Quốc kỳ » của VN đầu tiên vì vậy có màu vàng.

Điều này hợp lý vì trong suốt các triều đại nhà Nguyễn (do vua Gia Long lập nên), màu vàng là màu của hoàng gia. Bộ luật VN dưới thời Nguyễn là Hoàng Việt luật lệ, (bộ luật nhà Lê có tên Quốc triều Hình luật, làm dưới triều Hồng Đức). Vùng cao nguyên Trung phần có tên là Hoàng triều Cương thổ, (trong khi thời Quang Trung thì lấy màu đào, tức vàng cam)…

Nhưng lá cờ này hình thức như thế nào ? có sọc đỏ hay không ?

Không thấy mô tả trong tài liệu.

Theo tài liệu của ông Georges Nguyễn Cao Đức, trong « Good Morning » số 85, tháng 5 năm 2008, (nguyệt san của nhóm Ái Hữu Chasseloup-Laubat/Jean-Jacques Rousseau) cờ hiệu của nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1885 là cờ « Long Tinh », theo hình ở đây :



Như vậy hợp lý lá cờ của phái đoàn Phan Thanh Giản lúc sang Pháp là lá cờ Long Tinh, tức lá cờ của nhà Nguyễn.

Cũng theo tài liệu này, đến năm 1885 cờ Long Tinh bị Pháp cấm sử dụng. Lý do khi vua Hàm Nghi rời kinh thành Huế đồng thời ra chiếu « cần vương », sĩ phu khắp nơi nổi lên ủng hộ. Lá cờ Long Tinh trở thành biểu tượng của phe « Cần vương », chống Pháp, do đó bị cấm.

Từ năm 1885 đến 1889, lá cờ « Đại Nam » ra đời. Cờ này nền vàng, hình chữ nhật, có viết hai chữ nho Đại Nam (viết ngược) theo hình sau đây :



Đến năm 1889, Thành Thái lên ngôi. Theo tài liệu của Georges Nguyễn Cao Đức ở trên, vua Thành Thái ra chiếu thay « Đại Nam Kỳ » bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ với ý nghĩa ba sọc đỏ là « ba kỳ ». Lá cờ này còn gọi là « phụng kỳ », tức « cờ phụng ».


Hình trên: phụng kỳ hay cờ phượng.

Việc gọi như thế không xa lạ, ngày xưa các triều đại thường lấy bốn con vật linh (tứ linh) là long, ly, qui, phượng để làm cờ. (Cờ đỏ sao vàng hiện nay được các nhà cách mạng ngày trước gọi là « qui kỳ » vì hình dáng ngôi sao năm cánh có hình con rùa). Lá cờ phượng, « phụng kỳ », tồn tại đến năm 1920 thì chấm dứt.



Hình trên: Qui kỳ hay “cờ rùa”.

Vua Khải Định lên ngôi, đổi lại cờ , lấy tên Long Tinh như ngày trước, nhưng với nền vàng và một sọc đỏ ở giữa theo hình dưới đây :



Người ta thấy lá cờ này được treo trên các kiến trúc của VN trong các cuộc đấu xảo ở Paris 1902 nay Marseille 1911. Cờ này tồn tạo cho đến năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp.

Cờ Ly (Ly kỳ) được Bảo Đại lựa chọn, theo hình dưới đây :



Cờ này chỉ tồn tại có 5 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945.

Sau đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ (phụng kỳ), được sử dụng trở lại, như để « kế thừa » giang sơn triều Nguyễn, cho đến năm 1975.

Nhiều người nói rằng cờ vàng có từ thời Hai Bà Trưng : đầu voi phất ngọn cờ vàng. Lại có người nói cờ đỏ có từ thời Hai Bà Trưng : đầu voi phất ngọn cờ đào !

Không ai đưa tài liệu chứng minh các việc này.

Lá « cờ vàng » chỉ mới có trăm năm nay mà truy lục tài liệu đã không dễ. Việc này đã đưa đến tranh luận sôi nổi mấy ngày nay. Nói gì đến thời gian hai ngàn năm ?

Hai ngàn năm trước dân VN có lẽ còn đóng khố, không biết có dệt được lụa trắng hay chưa (để nhuộm nghệ hay gấc) làm cờ ?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.