lundi 8 février 2016

Năm nào đến Hoàng Sa ?

Câu "sang năm đến Hoàng Sa" không biết xuất hiện từ đâu, khi nào, nhưng khi lên mạng internet lâu lâu lại thấy nó.

Câu này chắc chắn không phải đến từ chủ trương của nhà nước CSVN rồi. Đối với nhà nước này, Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Trung Quốc, theo đúng nội dung của công hàm (hay công thư chi đó) của ông Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai ngày 10-9-1958.

Nhà nước CSVN, qua các học giả VN, cố gắng chống chế, phủ nhận hiệu lực của văn thư này trước dân chúng. Nhưng trước dư luận quốc tế thì những hành động của nhà nước này luôn thể hiện lập trường trái ngược. Từ trước đến nay, bất kỳ hành vi nào của người dân, thể hiện trước công chúng, nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS, đều bị nghiêm cấm. Các cuộc tưởng niệm ngày mất HS (17,19 tháng giêng 1974), hay ngày thảm sát ở Gạc Ma (14-3-1988), của các thành phần người Việt yêu nước ở Sài gòn hay Hà Nội, luôn bị nhà nước, nếu không cho công an đàn áp bắt bớ, thì cũng cho sai nha "hồng vệ binh" ra phá phách để việc tưởng niệm không thực hiện được.

Những hành vi nói trên của nhà nước, trên phương diện công pháp quốc tế, là bằng chứng hùng hồn: nhà nước CSVN nhìn nhận, bằng văn bản và bằng hành động trên thực tế, khẳng định HS và TS thuộc chủ quyền của TQ.

Nếu HS và TS của VN, thì có nhà nước nào lại cấm đoán, bắt bớ, đàn áp... những công dân của mình tổ chức những buổi lễ tưởng niệm (oan hồn) những chiến sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ của mình ?

Nếu HS và TS là của VN, thì tại sao nhà nước CSVN không gọi những tử sĩ (chết oan ức) ở Gạc Ma là những chiến sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc, mà đơn giản là những người chết vì "bảo vệ ổn định cho khu vực", như đã ghi trên bia đá tưởng niệm (những người lính chết trận Gạc Ma) ?.

Còn nói chi đến những người lính chết ở Hoàng Sa! Họ sống là "lính ngụy" thì chết cũng là "lính ngụy".

Vì vậy, những lần đọc câu "sang năm tới Hoàng Sa" của bạn bè nào đó "hứa hẹn" với nhau như một lời thề, nhứt là trong ngày đầu năm, lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm chua xót khó tả được bằng lời.

Tôi không nghĩ là thế hệ mình sẽ thấy được Hoàng Sa về lại với tổ quốc của mình. Với một nhà nước như thế, ta không có bất kỳ một hy vọng nào. Nhưng dầu thế nào chúng ta vẫn phải làm bổn phận công dân của mình: bằng mọi cách bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc.

Dầu vậy, việc mất chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa (và Trường Sa - vài ki lô mét vuông đất) sẽ chỉ là một vấn đề nhỏ, nếu so với hiệu lực về biển hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu ki lô mét vuông có thể sẽ phải mất cho TQ.

Đọc đâu đó một tài liệu, cho rằng trước đây ông Hồ Chí Minh có nói rằng HS và TS "ba cái đảo chim ỉa", ý nói đại khái là HS và TS không quan trọng đâu, giao cho TQ cũng không hề gì. Vào thời điểm đó (1958), ông Hồ cần sự trợ giúp súng đạn, nhân lực, vật lực... của TQ để đánh chiếm miền Nam. Thời điểm đó ông Hồ, cũng như nhân sự đảng CSVN, không ý thức được tầm quan trọng của vùng biển (và thềm lục địa) chung quanh các đảo này. Có lẽ vì vậy nên nhà nước của ông Hồ đã ký cái công hàm nhìn nhận HS và TS thuộc về TQ. Cho đến ông Nguyễn Cơ Thạch, theo một tài liệu trên net, cũng đặt ưu tiên vấn đề xâm chiếm miền Nam lên trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Bây giờ, xem những yêu sách của TQ về hải phận của họ ở HS, qua bộ Luật Biển 1996, người ta mới thấy tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền HS (và TS).

Mất chủ quyền HS, trong chừng mực, tội trạng của đảng CSVN còn có thể chạy được. Như lý lẽ của học giả VN: HS là do VNCH làm mất. Nhưng việc (có thể) mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển (và thềm lục địa) ở HS cho TQ là do việc nhà nước CSVN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS (và TS).

Bởi vì nếu VN còn giữ được danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa, thì cho dầu lãnh thổ này mất trên thực tế, thì trên phương diện pháp lý, Hoàng Sa là "lãnh thổ có tranh chấp".

Theo tập quán quốc tế, một lãnh thổ có tranh chấp, nếu đưa ra trọng tài phân giải, thông thường là chia đôi (vùng biển vì vậy cũng chia đôi).

Ta thấy, trên thực tế (và lịch sử), TQ lên tiếng tranh chấp HS với VN từ thời VN còn là thuộc địa của Pháp. Nhà nước Pháp đã hai lần đề nghị với TQ giải quyết tranh chấp này trước một trọng tài quốc tế. Cả hai lần TQ đều từ chối.

Phía TQ từ chối vì họ không có lý lẽ nào thuyết phục, để thắng.

Sau khi TQ chiếm HS (trên tay VNCH bằng vũ lực), HS vẫn không được quốc tế nhìn nhận là lãnh thổ của TQ. Đơn giản vì tập quán quốc tế không nhìn nhận việc chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực.

Nhưng HS trở thành lãnh thổ của TQ, bởi vì Việt Nam là quốc gia duy nhứt có tính pháp nhân để phản đối chủ quyền của TQ, thì quốc gia này đã "nhìn nhận" chủ quyền của TQ tại HS.

Cho đến bây giờ nhà nước CSVN, cũng như nhiều học giả VN, vẫn không thức được rằng, mất chủ quyền HS là mất hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu ki lô mét vuông biển cho TQ.

Thậm chí khi TQ cho đạt giàn khoan 981 ngay trên thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn của VN là 119 hải lý, nhưng nó chỉ cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) có 18 hải lý (về phía tây nam), thì nhà nước CSVN (và giàn học giả) cũng vẫn còn đắm chìm trong mê muội.
Vừa rồi, Mỹ cho tàu chiến tuần hành xuyên qua khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn. Báo chí VN đánh phèng la rùm beng, cho rằng VN "mạnh" lên nhờ có Mỹ. Cho rằng "Mỹ phá đường cơ sở thẳng phi pháp của TQ"...

Nhân dịp, nhà nước VN, qua ý kiến của học giả VN, lý luận rằng các đảo HS không có đảo nào là "đảo" để có hiệu lực về (200 hải lý vùng kinh tế độc quyền) theo bộ Luật Biển quốc tế 1982. Họ cũng lý luận rằng TQ không phải là "quốc gia quần đảo" để có thể vẽ hệ thống đường cơ bản quần đảo HS, như bộ luật 1996 của TQ.

TQ có quyền vẽ hệ thống đường cơ bản như vậy hay không, sẽ phân tích ở dưới.

Mục đích của học giả VN nhằm chứng minh chuyến đi qua đảo Tri Tôn của chiếc khu trục hạm Mỹ là phù hợp với luật quốc tế: thể hiện quyền tự do hàng hải.

Nhà nước VN, qua giàn học giả (thượng thặng) của mình, lại rút dao ra đấu với người ta. Có điều là học giả nhà mình cầm dao bằng đàng lưỡi.

Giả sử rằng chuyến hải hành của chiếc khu trục hạm Mỹ là phù hợp với luật quốc tế. Thì việc này có làm giảm đi chút nào yêu sách về "vùng nước" của quần đảo Hoàng Sa (theo luật biển 1996) của TQ hay không ?

Xin thưa rằng không. Tàu Mỹ có đi vào vùng nội hải của quần đảo Hoàng Sa, hay lãnh hải của đảo Tri Tôn, việc này không làm mất, hay giảm đi yêu sách của TQ.

VN cầm dao bằng lưỡi để đấu với người ta, bởi vì chỉ có những nước như Phi, Mã Lai, Brunei... là những nước không thể chứng minh chủ quyền của họ ở TS thì họ mới lập luận rằng các đảo TS là các đảo đá, không có đảo nào là đảo thật (như định nghĩa ở điều 121 bộ Luật biển 1982).

Lập luận như vậy, thứ nhứt, vô hình chung, các học giả đã thú nhận rằng VN không có chủ quyền tại HS.

Thứ hai, các học giả nói rằng các đảo HS không có đảo nào là "đảo" thật sự để có hiệu lực biển (200 hải lý vùng kinh tế độc quyền). Thì tranh chấp giữa VN và TQ đơn thuần là tranh chấp chồng lấn về biển, do cách diễn giải đối nghịch nhau về hiệu lực các đảo HS.

Tập quán quốc tế giải quyết vụ này ra sao ? Vụ kiện Phi-TQ trước Tòa Trọng tài sắp tới sẽ cho thấy số phận của một số bãi đá TS (mà TQ đòi hỏi chủ quyền) có hiệu lực về biển như là đảo thật sự hay không. Các đảo HS, có hiệu lực nhiều hay ít sẽ do tương quan lực lượng (quốc phòng, kinh tế, ngoại giao..) giữa các bên.

Còn hệ thống đường cơ bản của quần đảo Hoàng Sa, theo bộ Luật biển 1996 của TQ, có phù hợp với nội dung Luật quốc tế về Biển 1982 hay không ?


Phần IV của Bộ Luật quốc tế về Biển 1982 nói về "quốc gia quần đảo", trong đó có định nghĩa về "quần đảo".
"Quần đảo (archipel) là một tổng thể các đảo, kể cá các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử."

Về địa lý và lịch sử, ta không thể phản bác Hoàng Sa (gồm các đảo của nó) tạo thành một "quần đảo". Mà "quần đảo" bao gồm, dĩ nhiên các đảo, còn có "các vùng nước tiếp liền".

Vì vậy khi cho rằng hệ thống "đường cơ bản" của TQ là "không hợp pháp", như ý kiến của học giả VN, là không thuyết phục.

Trong khi nhiều nỗ lực về kinh tế, chính trị của TQ (mà VN không làm được gì) như thành lập thành phố Tam Sa, trong đó đảo Phú Lâm là trung tâm hành chánh, cho tổ chức các cuộc du lịch các đảo HS, cho khai trương đường bay dân sự Hải Nam-Phú Lâm...

Các việc này càng củng cố quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của TQ, củng cố yêu sách hệ thống đường cơ bản quần đảo HS của nước này.
Nông nỗi đến nước này, chỉ vì lý do nhà nước CSVN và giàn học giả (thượng thặng) của VN, chỉ chú trọng đến yếu tố đảo hay đá, có hiệu lực biển (kinh tế độc quyền) hay không có hiệu lực biển, chớ không đặt nặng vấn đề chủ quyền.

Lại còn có học giả khuyên VN nên từ bỏ chủ quyền (sic!) ở các đảo TS năm trong hải phận của các nước Phi, Mã Lai, Brunei...

Như vậy là VN lên đấu trường đấu dao với TQ, mà lực sĩ VN cầm dao bằng lưỡi.

Không ít, từ 15 năm nay, tôi luôn nhấn mạnh vấn đề "chủ quyền". VN cần khẳng định "chủ quyền" của mình ở HS và TS. Khẳng định bằng các hành vi có giá trị về pháp lý, chớ không phải nói khơi khơi. Hay bằng cách giải thích HS (và TS) là đảo đá, không phải đảo thật. Hay lên án khơi khơi (không chứng minh) hệ thống đường cơ bản của TQ ở HS là "phi pháp".

Bao giờ đến Hoàng Sa?

Bạn bè chuyền nhau khẩu hiệu "sang năm đến Hoàng Sa". Tôi ngậm ngùi tự hỏi lòng mình : bao giờ đến Hoàng Sa ?

Tôi sợ là không bao giờ. Một nhà nước vừa ương hèn lại còn mang tiếng bán nước. Hả miệng mắc quai. Một giàn học giả chỉ biết vuốt ve xuôi chiều, không dám nói ngược.

Tôi sợ không chỉ mất Hoàng Sa, VN còn mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển cho TQ.

Hai bản đồ đính kèm ở đây, dẫn từ tài liệu của học giả Valencia, hai trường hợp: hiệu lực Hoàng Sa 100% và hiệu lực 0%, cho ta thấy nguy cơ hàng trăm ngàn ki lô mét vuông biển của VN bị mất cho TQ là có thật.

Và không chỉ ngừng ở HS, TS cũng sẽ cùng số phận.

HS effet 100%
HS effet 0%

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.