« VN có nhượng bộ TQ về biên giới không ? » là tựa đề một bài phỏng vấn trên BBC, có hình thức « hỏi đáp », giữa ông Dương Danh Huy (thuộc quĩ Nghiên cứu biển Đông) và ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của chính phủ VN, nội dung nói về hai hiệp định biên giới, trên bộ và trong vịnh Bắc Việt, ký kết giữa Việt Nam và Trung quốc vào 25-12-1999 và 30-12-2000.
Bài phỏng vấn này, người ta có cảm tưởng rằng các tác giả tự đặt câu hỏi và tự trả lời, nhưng chỉ ở những điều mà mọi người đều biết, hoặc có thể đoán trước kết quả. Những điều cần biết khác về lãnh thổ, hải phận thì hầu hết như đám mây mù, hoặc là không thuyết phục.
Bài viết này trước hết « vén mây mù », cho mọi người thấy toàn cảnh của vấn đề biên giới giữa VN và Trung Quốc. Sau là chứng minh cho mọi người thấy các điều không thuyết phục trong bài nói trên. Kết quả hai hiệp định phân định biên giới trên bộ và phân định biên giới trong vịnh Bắc Việt đã không như nội dung bài phỏng vấn này. Phía VN bị thiệt hại, không chỉ về lãnh thổ, hải phận, mà còn tổn hại dài lâu về kinh tế và chiến lược.
Do sự liên tục của dữ kiện và tính logic của lập luận, tác giả đặt phần phần định vịnh Bắc Việt lên trước phần phân định biên giới trên bộ.
1/ Từ một căn bản bất bình đẳng : Đường biên giới do lịch sử để lại.
Đường hướng giải quyết tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung của VN được ghi lại khá cụ thể trong tài liệu « Sự thật về quan hệ Việt Trung », NXB Sự Thật, tháng 10-1979, còn gọi là « Bị Vong Lục ». Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo CSVN đề nghị với Trung Quốc : « hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật pháp quốc tế ».
« Hai đường biên giới do lịch sử để lại » ở đây dĩ nhiên một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển, do Pháp và nhà Thanh phân định, theo nội dung của hai công ước về biên giới 1887 và 1895.
Cũng theo Bị Vong Lục, tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.
Theo trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Hồng Thao trên trang VietNamNet ngày 30-12-2010 :
« Việt Nam là quốc gia duy nhất mà đối tác Trung Quốc đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, các Công ước ký trong thời thực dân-phong kiến, làm cơ sở giải quyết biên giới. Còn với 13 nước khác có chung đường biên với Trung Quốc, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, vì cho rằng những Hiệp ước kí kết dưới chế độ thực dân trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ. »
Ý kiến của TS NH Thao qua phát biểu, nhiều người không am tường lịch sử sẽ hiểu lầm, cho rằng việc phân định lại biên giới dựa trên căn bản công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 là có lợi cho VN.
Điều này hoàn toàn không đúng.
Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mại « traité de paix, d’amitié et de commerce », được ký kết tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 giữa Lý Hồng Chương và ông Patenôtre (còn gọi là Hiệp ước Thiên Tân 1885), được quốc hội Pháp thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1885. Ðiều 3 của Hiệp Ước dự trù việc xác định lại đường biên giới Việt Trung. Các điều 5 và 6 dự trù một công ước về thương mãi giữa Pháp và Trung Hoa.
Kết quả hiệp ước này là một thất bại lớn cho nước Pháp. Điều nên biết ý đồ của Pháp trong việc chinh phục Bắc Kỳ, từ thời Françis Garnier (1874) đến Henri Rivière (1883) cho đến chiến tranh Pháp-Trung 1884-1885, là xây dựng địa bàn ở Bắc Kỳ sau đó mở đường thông thương với các tỉnh phía Nam Trung Hoa. Tất cả nhắm vào việc buôn bán với vùng đất này mà giới thuơng gia, tài phiệt ở Pháp có ảo tưởng rằng rất giàu có. Những gì người Pháp mong muốn chỉ được một nửa: xóa bỏ cái bánh vẽ « thượng quốc – chư hầu » giữa Việt Nam và Trung Hoa. Còn việc buôn bán chỉ có một chiều : mở cửa cho Trung Hoa vào Việt Nam nhưng đóng mọi cửa không cho Pháp vào Hoa Nam.
Hiệp ước 1885 như vậy đánh dấu « chiến thắng » đầu tiên, và cũng là duy nhất, của Trung Hoa trước một cường quốc Tây Phương vào thời kỳ đó. Trong tất cả các hiệp ước mà Trung Hoa đã ký kết với các cường quốc cùng thời, chỉ có hiệp ước 1885 đem lại lợi lộc cho Trung Hoa. Trong khi công ước thương mãi mà Pháp mong muốn ký kết với Thanh triều, chính giới Pháp cho đó là một « sỉ nhục » cho nước Pháp.
Công ước Thuơng mãi được ký ngày 25 tháng 4 năm 1886. Kết ước này bị các chính trị gia Pháp đánh giá :
« Hiệp ước này, người ta nói rằng nó rất khó khăn, không phải khó do việc thương thuyết, mà khó vì phải ký tên vào đó. Thực tế không hề có việc thương thuyết… » (Ce traité a été, dit-on, très difficile, non pas à négocier, mais à signer. De fait, il n’y a pas eu de négociations….) « Chúng tôi rất tiếc phải nói rằng hiệp ước soạn thảo quá tệ, thậm tệ, và đây là một việc không tránh được vì người thương thuyết hiệp ước biết rất ít về vấn đề mà ông ta sẽ phải thương lượng » (Nous avons le regret de dire que le traité a été mal fait, extraordinairement mal fait ; et nous devons ajouter qu’il ne pouvait pas en être autrement, parce que le négociateur connaissait peu les questions qu’il allait traiter…)
Nguyên văn kết ước là toàn bộ những gì mà Trung Hoa đòi hỏi trước đó, còn các yêu cầu của Pháp đều bị gạt bỏ. Điều cần ghi nhận là ông Cogordan, người đứng ra ký kết ước này với Lý Hồng Chương, đáng lẽ không có thẩm quyền để ký. Để kết ước này có hiệu lực, ông Cogordan đã được phong hàm Bộ trưởng (ministre plénipotentiaire) cùng ngày, 25-4-1886. (Ông François Georges Cogordan là rể của ông Duclerc (cựu Thủ Tướng).
Ðể sửa chữa, ông Constans được cử làm Bộ trưởng sang Thiên Tân, nói là để thương thuyết về việc phân định biên giới giữa An Nam và các tỉnh Hoa Nam theo điều 3 của Hiệu ước 1885, nhưng mục tiêu chính là thương lượng lại kết ước về thương mãi đã ký. Ông Constans được biết như một tay « cáo già » chính trị trong chính trường nước Pháp. (Cũng như ông Lý Hồng Chương, người Hán, là con cáo già về chính trị trong triều đình Mãn Thanh).
Dân biểu Dureau de Vaulcomte, người phụ trách theo dõi việc thi hành Hiệp ước 1885, có viết một tường trình cho Quốc hội Pháp, nội dung tố cáo nhà nước Pháp trao đổi đất đai của VN để có quyền lợi về kinh tế :
« Và vì thế vấn đề biên giới được gắn liền với vấn đề thương mãi (Et ainsi la question de frontière se trouva liée à la question commerciale.)». « Chính phủ đã nghĩ rằng những nhượng bộ đất đai cho Trung Hoa có thể được đền bồi bằng những ưu đãi (về kinh tế) do Công Ước thương mãi bổ sung Hiệp Ước 25 tháng 4 năm 1886. (Le gouvernement a pensé que les concessions faites à la Chine, en ce qui concerne les territoires, peuvent être compensées par les avantages qui résultent de la Convention commerciale additionnelle au Traité du 25 Avril 1886). »
Như vậy, « vấn đề biên giới được gắn liền với vấn đề thuơng mãi ». Người ta vì vậy không ngạc nhiên khi các công trình nghiên cứu để xác lập một cách đúng đắn và khoa học đường biên giới lịch sử, cũng như kết quả các chiến dịch khảo sát trên thực địa để xác lập đường biên giới hai bên Việt-Trung của các phái đoàn phân định biên giới Pháp, từ năm 1885 cho đến trước khi ký kết công ước tháng 6-1887, đều bị ông Constans gạt bỏ. Đường biên giới lịch sử của hai bên Việt-Trung, hiện hữu từ ngàn năm trước, đã phải thay đổi thành một đường biên giới theo ý muốn của Lý Hồng Chương.
Đường biên giới này gọi là đường biên giới « qui ước ».
Các vùng đất của VN mà Pháp đã nhượng cho Trung Hoa là :
- Huyện Giang Bình và mũi Bạch Long (đáng lẽ biên giới hai bên Việt-Trung vùng Quảng Ninh là kế cận huyện Phòng Thành, chứ không phải là Đông Hưng như hiện tại). Vùng đất này có tầm quan trọng lớn lao về kinh tế và chiến lược (vì nó sẽ mở rộng diện tích trong vịnh Bắc Việt cho VN).
- Các xã thuộc tổng Kiến Duyên và Bát Tràng (Hải Ninh).
- Tổng Đèo Lương (khoảng 300km²) thuộc Cao Bằng. Vùng đất này có tranh chấp từ trước, nhưng các quân nhân phụ trách về biên giới của Pháp do dự vì muốn có được « một đường biên giới tốt ». Quyết định nhượng đất này cho Trung Hoa trong dịp phân giới 1893, đổi lại, phía VN có được con đường đi tuần trên biên giới cùng với các cao điểm chiến lược, trong đó có ngọn núi Khấu Mai (Cao May). Núi này đã nhượng cho TQ sau khi phân định lại năm 1999.
- Tổng Tụ Long (khoảng 750km²) thuộc Hà Giang. Đây là một vùng đất nhiều hầm mỏ nhất tại Bắc Kỳ, đã từng bị các thổ quan địa phương Vân Nam tìm cách chiếm đoạt nhiều lần nhưng tổ tiên ta lấy lại được.
- Nhượng cho TQ toàn bộ lãnh thổ vùng hữu ngạn sông Đà. Vùng đất này thuộc thẩm quyền các đầu lĩnh người Thái, có lúc thần phục triều đình An Nam, có lúc thần phục triều đình Mãn Thanh.
(Công ước bổ túc 1895 trả lại cho VN vùng đất hữu ngạn sông Đà, tức vùng Tây Bắc hiện thời, nhưng VN phải nhượng lại thêm cho TQ tổng Phương Độ, thuộc phần còn lại tổng Tụ Long, tỉnh Hà Giang).
Nhưng làm như vậy nước Pháp đã bội ước. Nước này nhượng lãnh thổ của VN cho TQ để đổi lấy quyền lợi kinh tế cho đế quốc. Bội ước vì nước Pháp ràng buộc với An Nam bởi Hiệp ước 1884, trong đó có mục phải « bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc An Nam ». Đối với người VN, nó không phải là một đường biên giới « qui ước » mà là một đường biên giới « bội ước ».
Trên phương diện quốc tế công pháp, đường biên giới này có thể không có giá trị pháp lý, vì hai phía ký kết Pháp và nhà Thanh thông đồng với nhau để làm thiệt hại quyền lợi của phía thứ ba, là một quốc gia chịu sự bảo hộ của Pháp là An Nam, không có khả năng nói lên tiếng nói của mình.
Theo tài liệu Bị Vong Lục, Việt Nam nhìn nhận « 2 đường biên giới do lịch sử để lại ». Hai đường biên giới chứ không phải một đường. Dĩ nhiên hai đường này, một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.
Việc nhìn nhận đường biên giới trên bộ là một nhượng bộ lớn lao của phía Việt Nam cho TQ. Việc nhìn nhận này chỉ hợp lý (và công bằng) nếu phía TQ cũng có cùng quan điểm với VN về đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt.
Theo lời TS Nguyễn Hồng Thao dẫn trên, phía TQ đã hủy bỏ các « hiệp ước bất bình đẳng » và phân định lại biên giới với 13 đối tác khác. Nếu việc làm này có thật thì nó không phù hợp với tinh thần quốc tế công pháp, theo nội dung Công ước Vienne 1969 về hiệu lực của các công ước. Theo đó, một kết ước bất bình đẳng có thể bị một bên đơn phương xóa bỏ, ngoại trừ các điều ước liên quan đến biên giới.
Vậy mà phía TQ làm được tất cả, kể cả những điều ngược lại các nguyên tắc của quốc tế.
Theo TS Trần Công Trục trong bài đã dẫn :
« Từ năm 1992, đàm phán lần thứ 4 diễn ra ngày 19-10-1993 ký thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước... Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và Trung Quốc ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới 20-6-1895, cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định, cắm mốc kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định; đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa VN và TQ… »
Như vậy, VN bắt đầu nhượng bộ TQ từ đầu thập niên 90. Cái thỏa thuận gọi là « những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa 2 nước » cho thấy phía VN đã nhượng bộ từ những điều cơ bản không thể nhượng bộ được : nhìn nhận đường biên giới trên bộ do lịch sử để lại nhưng phủ nhận đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.
Vấn đề càng tồi tệ hơn, việc phân định lại hai đường biên giới (xem phía dưới) cho thấy : 1/ đường biên giới trên đất liền không hoàn toàn trùng hợp với đường biên giới « do lịch sử để lại » 1887. Vấn đề không như nội dung của bài viết trên BBC của quí ông Dương Danh Huy và Trần Công Trục. VN bị mất nhiều vùng đất, nhiều cao điểm chiến lược rải rác dọc trên đường biên giới. 2/ Đường biên giới trong vịnh Bắc Việt được phân định bằng một phương pháp bất bình đẳng, phía thiệt hại là VN.
Hệ quả do đâu ? Do từ cuộc họp Thành Đô đầu thập niên 90, phải chấp nhận các điều kiện của phía TQ để nước này cho thiết lập lại bang giao, hay là do sự yếu kém của những người làm ngoại giao VN phụ trách vấn đề đàm phán biên giới ?
Cho dầu do lý do nào, phía chịu tổn thất là đất nước và dân tộc Việt Nam.
2/ Phân định vịnh Bắc Việt : đàm phán trên một căn bản bất bình đẳng.
Trong bất kỳ cuộc mua bán, đàm phán nào, tầm mức tư nhân hay tầm mức tập đoàn, tầm mức quốc gia hay quốc tế... Người bán đưa giá, người mua trả giá, thuận mua vừa bán. Thương thuyết về biên giới cũng vậy, có phe được chỗ này, nhượng chỗ kia. Việc được mất phải được đặt trên một căn bản chấp nhận được.
Trường hợp phân định lại vịnh Bắc Việt, do việc đã lựa chọn từ năm 1958, yếu tố căn bản có thể chấp nhận cho VN là : nếu phía VN nhìn nhận đường biên giới trên bộ do công ước 1887 và 1895 xác định, tức chấp nhận những thiệt hại đất đai do Pháp đã nhượng cho TQ một cách không bình thường, thì ít nhất phía TQ phải có nhượng bộ tương ứng ở đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt.
Đó là nguyên tắc của công bằng, có qua có lại, là nền tảng của mọi cuộc thuơng thuyết. Ta gọi đây là giải pháp « thượng sách ».
Theo Bị Vong Lục, quan điểm của VN về biên giới trong Vịnh Bắc Việt, cho đến tháng 12 năm 1973 :
« Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía VN sẵn sàng bàn với phía TQ để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh. »
Nhưng quan niệm của TQ, năm 1974, sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của VN : « trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc phân chia. »
Trong khi, TQ đã đồng ý về « hai đường biên giới do lịch sử để lại » vào tháng 4 năm 1958 (theo Bị Vong Lục).
Ta thấy ở đây sự việc đã xảy ra tương tự một cuộc mua bán. VN ra giá, TQ trả giá. Giá của VN ra là có 2 đường biên giới. Giá của TQ trả là chỉ có một đường biên giới. Đường biên giới trong vịnh Bắc Việt phải phân định lại. Khi giải pháp thượng sách không thực thi được, những người đàm phán của VN lý ra phải có một giải pháp trung dung khác, là làm thế nào để VN không bị thiệt hai trong việc phân định lại hai đường biên giới.
Về việc có « đường biên giới trong vịnh Bắc bộ » hay không, ta sẽ xét nội dung điều 2 công ước 1887 sau đây.
Điều nên biết, công ước phân định biên giới Pháp-Thanh 26 tháng 6 năm 1887 thực tế là biên bản bế mạc (1, 2, 3, 4… ) của công trình phân định biên giới trên đất liền. Buổi họp mặt diễn ra tại Bắc Kinh, giữa ông Constans và Lý Hồng Chương, nhằm giải quyết những bế tắc mà hai phái đoàn Pháp-Thanh phân định biên giới đã không thể giải quyết trên thực địa. Nguyên văn khoản 2 của công ước :
2° Les points sur lesquels l’accord n’avait pu se faire entre les deux Commissions et les rectifications visées par le 2e paragraphe de l’article 3 du Traité du 9 juin 1885 sont réglés ainsi qu’il suit :
Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105° 43’ de longitude est, c’est-à dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-Kou ou Ouan-chan (Tra-Co) et formant la frontière, sont également attribués à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.
Les Chinois coupables ou inculpés de crimes ou délits qui chercheraient un refuge dans ces iles seront, conformément aux stipulations de l’article 17 du Traité du 25 Avril 1886, recherchés arrêtés et extradés par les autorités françaises.
Tạm dịch:
2° Các điểm mà hai Ủy Ban đã không thể giải quyết đồng thời những sửa đổi (về biên giới) chiếu theo phần 2, điều 3, của Công-Ước 9 tháng 6 năm 1885, được giải quyết như sau :
Tại Quảng Ðông, hai bên thỏa thuận rằng những điểm tranh chấp ở về phía Ðông và phía Ðông Bắc Móng Cái, những điểm nầy ở phía bên kia của đường biên giới đã được ủy ban phân định xác định, chúng được giao cho Trung-Hoa. Những hòn đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ kinh độ Ðông, có nghĩa là đường thẳng Bắc-Nam đi qua đông điểm của đảo Tch’a-Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Go-Tho và những đảo khác ở về phía Tây của đường kinh tuyến nầy thì giao cho An-Nam.
Những người Hoa phạm tội hay bị buộc tội muốn tìm nơi ẩn trốn tại các đảo này sẽ bị nhà cầm quyền Pháp truy nã, bắt giữ và trục xuất, đúng theo qui định điều 17 của Hiệp ước 25-4-1886.
Nội dung điều 2 trên đây có đề cập đến một « đường biên giới », trong cụm từ « formant la frontière ».
Để rõ rệt hơn, xét bản đồ đính kèm Công ước. (Bản đồ này do tác giả tìm ra ở CAOM vào đầu thập niên 2000) :
Ghi chú trên bản đồ :
góc trái : signé : Constans – Cachet de la Légation de France à Pékin. Tạm dịch : Ký tên Constans – Con dấu của Phái Ðoàn Pháp tại Bắc Kinh.
ở giữa : Le méridien de Paris 105° 43’ qui passe par la pointe orientale de l’ile Tra-Co, forme la frontière à partir du point où s’est arrêté le traité de la convention. Tạm dịch : Ðường kinh tuyến Paris 105 độ 43 phút đi qua đông điểm của đảo Trà Cổ, làm thành đường biên giới bắt đầu tại điểm mà điều ước của Công Ước chấm dứt.
góc phải : Carte à l’extrémité orientale de la frontière Sino-annamite telle qu’elle est figurée sur la carte qui accompagne à Procès-verbal signé à Péking, le 26 Juin 1887 – (voir l’extrait ci-joint de ce procès-verbal) – Signature et cachet du Plénipotentiaire Chinois. Tạm dịch : Bản đồ phần cực đông của biên giới Việt-Trung sao y bản đồ đính kèm biên bản được ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 - Chữ ký và con dấu của Tổng Lý Nha Môn Trung Hoa.
Như thế, văn bản cũng như bản đồ đính kèm, công ước 1887 có xác định có một đường biên giới trong vịnh Bắc Việt.
Vấn đề là ý nghĩa của đường biên giới này phân chia cái gì ?
Từ nội dung điều 2, khoản nói về các tội phạm, ta đã thấy, trước hết, đường biên giới này là đường phân chia thẩm quyền quốc gia trong vịnh Bắc Việt (quyền tài phán). Mà theo tinh thần quốc tế công pháp hiện thời, thẩm quyền quốc gia chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ lãnh thổ quốc gia.
Mặt khác, trong thuật ngữ công pháp quốc tế, đường « biên giới - frontière » luôn có ý nghĩa về việc phân chia lãnh thổ. Nếu để « phân chia đảo » người ta không cần sử dụng đến cụm từ « formant la frontière » !
Lập luận của VN trong thời kỳ đó là hợp lý.
Để hỗ trợ cho lý lẽ này, các học giả VN và quốc tế, đã có nhiều bài nghiên cứu về đường biên giới lịch sử của VN.
Thập niên 80 xuất hiện tập tài liệu « Les Frontières du Vietnam », do Pierre-Bernard Lafont chủ trương, nxb Harmattan, Paris 1989. Trong đó quần tụ nhiều học giả nổi tiếng : GS. Charles Fourniau, Pierre-Bernard Lafont, GS Philippe Langlet, Antoine Dauphin, GS Nguyễn Thế Anh, GS Quách Thanh Tâm…
Quan điểm của học giả Charles Fourniau, trong sách đã dẫn :
« La convention de la délimitation de la frontière signée le 26 juin 1887... déterminait la fixation de la frontière maritime, et l’appartenance des iles côtières : « Les iles qui sont à l’Est du méridien de Paris à 105° 43’ de longitude Est, c’est-à-dire la ligne Nord-Sud passant par la pointe orientale de l’Ile de Tcha Kou (Trà-Cổ) et formant la frontière sont attribuées à la Chine... ». Dès lors aucun autre accord ne devait être conclu au sujet de la frontière maritime entre la Chine et la France. »
Tạm dịch : « Công Ước phân định biên giới ký kết ngày 26 tháng 6 năm 1887... xác định đường biên giới trên biển cũng như chủ quyền của các đảo ven bờ : « Các đảo ở về phía Ðông của đường kinh tuyến Ðông 105° 43’ Paris, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi ngang qua đông điểm của đảo Trà Cổ và tạo thành đường biên giới thì chúng thuộc về Trung Hoa... ». Từ đó không một thỏa ước nào khác phải ký kết về vấn đề biên giới trên biển giữa Trung Hoa và Pháp. »
Quan điểm của ông Pierre-Bernard Lafont :
« Dès leur implantation au Viet-Nam, les Français eurent le souci de délimiter la frontière maritime entre leur nouveau domaine et la Chine. Car le Golfe du Tonkin, parsemé de multiples iles, servait de refuge à des pirates, qui non seulement attaquaient et pillaient les navires de commerce en haute mer, mais qui menaient aussi des incursions dévastatrices sur le littoral. Aussi, désireuse d’éloigner des côtes de son nouveau territoire ces hors-la-loi dont le pullulement était favorisé par les désordres qui, à l’époque, ébranlaient la Chine, la France voulut que soit rapidement précisée la limite des eaux vietnamiennes et chinoise dans ce golfe. Cette question fut donc incluse dans les négociations frontalières franco-chinoises qui aboutirent le 26 juin 1887 à la signature d’une convention, connue sous le nom de convention Constans, qui précise dans son article 2, que le méridien 105° 45’ de longitude Est par rapport au méridien de Paris – c’est-à-dire le méridien 108° 03’ 18’’ de longitude Est par rapport à celui de Greenwich – constitue la frontière entre des deux pays dans le Golf du Tonkin. »
Tạm dịch : « Vừa khi chiếm được Việt Nam thì người Pháp đã lo đến việc phân định ranh giới trên biển giữa vùng đất mới nầy của họ với nước Trung Hoa. Bởi vì ở trong Vịnh Bắc Việt rãi rác có nhiều đảo làm sào huyệt cho quân cướp, bọn nầy không những tấn công cướp bóc các thương thuyền ở ngoài biển khơi, mà còn mở ra những cuộc càn quét, tàn phá vùng đất ở cận biển. Nước Pháp mong muốn vùng đất mới của họ tránh xa bọn cướp nầy mà sự đông đảo của chúng đến từ sự hỗn loạn, thời đó đã làm điên đảo nước Trung Hoa ; cho nên họ muốn rằng đường giới hạn lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Hoa trong vùng vịnh nầy nhanh chóng được xác định. Vấn đề nầy đã được nhập vào với việc thương thuyết về biên giới giữa Pháp và Trung Hoa, đưa đến việc ký kết vào ngày 26 tháng 6 năm 1887 một Công-Ước, được biết dưới tên Công Ước Constans mà điều 2 của Công Ước nầy ghi rằng đường kinh tuyến Ðông 105 độ 45 phút Paris, tương ứng với đường kinh tuyến Ðông 108 độ 03 phút 18 giây Greenwich, là đường biên giới giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. »
Ý kiến của ông Charles Fourniau phù hợp với thực tế việc phân định lại biên giới và nội dung công ước 1887. (Luận án Tiến sĩ của GS Charles Fourniau là biên giới Việt-Trung, phần Quảng Đông và Quảng Tây). Ý kiến của ông Pierre-Bernard Lafont phản ảnh lập trường của Pháp, phù hợp nội dung công ước 1887 : áp đặt quyền tài phán của đế quốc trong Vịnh Bắc Việt, trên các đảo ở phía tây đường biên giới (kinh tuyến đông Paris 105°45’).
Về lập trường của Trung Hoa, vì ra mặt tranh dành với Pháp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ngày 29-9-1932 công hàm của Đại sứ toàn quyền Trung Hoa tại Paris gởi bộ Ngoại giao Pháp, theo đó Tây Sa Quần đảo (tức Hoàng Sa của VN) là phần lãnh thổ cực nam của nước Trung Hoa. Lý do : quần đảo này ở phía đông đường kinh tuyến đông Paris 105°45’. Một số học giả TQ sau này cũng còn sử dụng lý lẽ trên để dành hai quần đảo HS và TS của VN. Các lý lẽ này không vững vì công ước 1887 chỉ phân định biên giới giữa « Tonkin », tức Bắc Kỳ, và các tỉnh Hoa Nam. Nó chỉ có giá trị ở miền Bắc VN (tức trong vịnh Bắc Việt) mà thôi.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên khó khăn cho VN sau khi TQ đánh chiếm một số đảo TS năm 1988 dưới sự « ngó lơ » của đồng minh Liên Xô.
Về chính trị quốc tế, VN bị cô lập từ năm 1975 do bàn cờ chiến lược khu vực thay đổi. TQ và Hoa Kỳ đứng cùng chiến tuyến để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô qua tên xung kích vô sản sừng sỏ là Việt Nam. Các cuộc chiến với Campuchia (1978) hay với Trung Quốc (1979), đều nằm trong dự tính của các thế lực quốc tế để kềm chế ảnh hưởng của Liên Xô tại VN. Các việc này càng làm cho VN suy yếu, bị cô lập toàn diện, do đó hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô. Đến khi Liên Xô sụp đổ, trong các năm đầu của thập niên 90, VN bị đe dọa sụp đổ theo. Nguy cơ TQ sẽ đánh chiếm các đảo TS còn lại trở thành ám ảnh.
Lãnh đạo CSVN, do ông Phạm Văn Đồng cầm đầu, quyết định sang Thành Đô để cầu hòa với lãnh đạo CS Trung Quốc. Không ai biết nội dung thảo luận giữa các chóp bu VN và TQ thế nào, chỉ thấy rằng sau đó phía VN nhượng bộ TQ mọi điều về vấn đề biên giới.
« Vấn đề biên giới để càng lâu càng khó », một lãnh đạo CSVN có tuyên bố như vậy. Dĩ nhiên việc « khó » này đến từ đường lối ngoại giao thù nghịch một cách ngu xuẩn của VN đối với TQ trong một thời gian dài (75-91), chứ không phải khó vì VN không có lý lẽ.
Công trình nghiên cứu của bà Monique Chemillier-Gendreau, công bố qua tác phẩm La Souveraineté Sur Les Archipels Paracels et Spratleys, (NXB Harmattan, 1996), trở thành một cái phao cho lãnh đạo CSVN bám vào. Theo học giả này, công ước 1887 không nhằm phân định hải phận trong vịnh Bắc Việt. Thời đó người ta chỉ có khái niệm về lãnh hải 3 hải lý, sau đó mở ra 12 hải lý, chứ không hề có khái niệm nào khác như về vùng tiếp cận, vùng « kinh tế độc quyền »…. Ý kiến của học giả Monique Chemillier-Gendreau có nội dung như sau :
« Mục tiêu của Công Ước 1887 nhằm phân định biên giới giữa Trung Hoa và Tonkin, như tên của công ước, nó chỉ liên quan đến biên giới trên đất liền. Nếu những định nghĩa về một đường vạch ở trên biển đã được các công ước ngày xưa sử dụng, như là Công Ước Pháp Trung 1887 hay Công Ước Pháp Bồ (Portugal) 1886, thì những định nghĩa nầy chỉ có thể được đưa vào những cuộc thương lượng hiện thời để phân định lãnh hải như là những yếu tố hướng dẫn, chúng phải được xét lại tùy theo luật lệ về phân định lãnh hải hiện hành. Chiều rộng thông thường của lãnh hải là 3 hải lý. Ở một số quốc gia lãnh hải nầy lên tới 6 hải lý. Những khái niệm về vùng tiếp cận (zone contigue), vùng đánh cá, thềm lục địa... chỉ mới hiện hữu sau Thế chiến II. »
Ngoài ra, nhiều học giả quốc tế khác cũng có lập luận tương tự về « đường biên giới trong vịnh Bắc Việt ». Việc này giúp cho VN thay đổi lập trường về đường biên giới trong vịnh Bắc Việt một cách êm thắm.
Tuy vậy, việc này không làm cho ý kiến của các học giả đã ủng hộ VN về « một đường biên giới trong Vịnh Bắc Việt » là sai. Đâu phải người ta không biết các điều sơ đẳng về Luật Biển, mà vấn đề là tìm những lý lẽ nào có thể giúp một VN đang bị cô lập, có được một tư thế thoải mái khả dĩ « ra giá » được với TQ.
Vì thế, hết sức phiền khi TS Trần Công Trục tán dương ý kiến về đường biên giới trong vịnh Bắc Việt của ông Dương Danh Huy trong bài viết đề cập ở trên. Thực ra ông Dương Danh Huy không có ý kiến nào cả. Ý kiến này là của nhiều học giả, bà Monique Chemillier-Gendreau là một, như vừa dẫn, có từ thập niên 90. Nhưng việc khen ngợi « áo thụng vái nhau » như thế, không chỉ lố bịch, TS Trần Công Trục đã xâm phạm đến danh dự của những học giả ân nhân của VN. Những học giả bênh vực lập trường của VN là bênh vực cho quyền lợi của VN, họ là ân nhân của đất nước và dân tộc VN. Quí vị có thể làm mọi cách để bào chữa, che đậy việc nhượng đất, nhượng biển cho TQ của lãnh đạo CSVN. Quí vị có thể có công với đảng CSVN nhưng việc này không tương đồng với quyền lợi của đất nước và dân tộc VN.
Trở lại trích dẫn ý kiến của bà Monique Chemillier-Gendreau, điều cần chú ý là yếu tố « hướng dẫn » của đường kinh tuyến đông Paris 105°45’ cho các cuộc thuơng lượng hiện thời.
Yếu tố này đồng thời bị bác bỏ với « đường biên giới do lịch sử để lại » trong vịnh Bắc Việt.
Điều càng làm cho người ta phẫn nộ những người đứng ra đàm phán là việc phân định vịnh Bắc Việt tháng 12 năm 2000 không hề dựa theo một qui tắc nào về phân định biển của Luật Quốc tế về Biển.
Theo TS Trần Công Trục thì vịnh Bắc Việt « đã được phân định phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý vì nó đảm bảo được sự công bằng mà hai bên chấp nhận được. »
Không có một điều nào đúng sự thật.
Trong vịnh Bắc Việt, phía VN có các đảo Bạch Long Vĩ (ở khoảng gần giữa vịnh) và đảo Cồn Cỏ (gần bờ biển VN). Đảo Hải Nam cũng là một đảo.
Theo điều 121 của Luật quốc tế về Biển 1982, đảo lớn hay nhỏ chỉ là một điều rất phụ. Nếu các đảo có khả năng cho con người sinh sống hoặc có một nền kinh tế riêng, chúng đều có hiệu lực như nhau. Điều cần chú ý khác, tình trạng địa lý gần bờ hay xa bờ của các đảo áp dụng điều 121 như nhau.
Các đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cồn Cỏ của VN đều hội đủ các điều kiện về « đảo » của Luật Biển, như là đảo Hải Nam.
Theo TS Trần Công Trục, « Đảo Cồn Cỏ được 50% hiệu lực, đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực ».
Đây là điều không công bằng. TQ dành đảo Điếu Ngư với Nhật, vừa rồi công bố hồ sơ thềm lục địa của nước này lên LHQ. Theo đó ta thấy nước này lấy đảo Điếu Ngư làm điểm cơ bản để tính lãnh hải, thềm lục địa và ZEE. TS Trục cũng có nói trong bài về việc phân định vịnh Maine giữa Canada và Mỹ. TS Trục lại quên nói đến đảo Seal trong vịnh này, diện tích chưa tới 1km² được hai bên nhìn nhận có hiệu lực 50%. Còn các đảo ngoài cửa vũng Fundy, có hiệu lực 100%, đường biên giới đi theo đường trung tuyến đảo này và bờ biển.
Theo ông Vũ Hữu San, cận bờ biển VN trong vịnh Bắc Việt có đến 3.000 đảo lớn nhỏ. Điều kỳ dị là các đảo này không hề được tính hiệu lực. Nội dung hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 không hề nhắc đến các đảo này. Trong khi các đảo cận bờ của TQ thì được tính 100% hiệu lực (các đảo Vị Châu, Tà Dương...)
Hơn nữa, hiệu lực 25% hay 50% của hai đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ thì không kiểm chứng được trên bản đồ.
Một số điểm bất thường khác trong việc phân định thấy được như sau :
Giới điểm số 10, lý ra phải cách đều giữa đảo Bạch Long Vĩ và đảo Tà Dương của TQ, lại lấn sang VN.
Giới điểm 11, cách đều hai bờ VN (tính từ đảo cận bờ) và đảo Hải Nam. Tức là giới điểm này được phân định theo trung tuyến, đúng như qui định của Luật Biển. Nhưng lại bỏ qua sự hiện diện của đảo Bạch Long Vĩ. Hiệu lực 25% của đảo này đi đâu ?
Giới điểm số 12, không được xác định theo nguyên tắc trung tuyến, vì nó lấn sang phía VN một cách không bình thường. Giới điểm này cũng không tính hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ.
Theo TS Trần Công Trục, đó là « đường trung tuyến có điều chỉnh ». Vấn đề là vì sao phải điều chỉnh ?
Các giới điểm số 13, 14, 15, 16, 17 lấn sang VN một cách không bình thường. Các điểm 14, 15, 16 lấn sang VN gần 35km, trong khi đó hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ thì không tính tới. Hướng đi của các giới điểm 13, 14, 15, 16 không phù hợp với hướng của hai bờ biển. Giới điểm 17 còn lấn sang VN nhiều hơn.
Các giới điểm này không hề được phân chia « theo đường trung tuyến » để mà có thể « điều chỉnh », nói như TS Trần Công Trục. Trước đây, ông Lê Công Phụng có trả lời phỏng vấn báo Văn Hóa của ông Lý Kiến Trúc (23-9-2008), cho biết. Phía TQ đề nghị nhượng VN 3.000km² biển ở một nơi để đổi lấy 150km² biển ở nơi khác.
Không thấy 3.000km² của TQ ở nơi nào, chỉ thấy VN mất chung quanh các giới điểm 13, 14, 15, 16, 17 trên 4.500km².
Việc phân chia rõ ràng không theo một nguyên tắc luật lệ nào mà là một sự dàn xếp về chính trị.
Vừa qua lãnh đạo CSVN ký kết một loạt các hiệp ước với TQ, trong đó có kết ước mở rộng thêm vùng khai thác chung trong vịnh Bắc Việt đồng thời trao đổi dữ kiện địa tầng holocenne ở bể trầm tích châu thổ sông Hồng với châu thổ sông Trường giang bên TQ. VN có gì cần thiết nghiên cứu địa tầng holocenne ở tận sông Trường giang ? Trong khi TQ rất muốn biết trữ lượng bể than vùng châu thổ sông Hồng để tìm cách khai thác.
Đây cũng là các kết ước mà lợi ích chỉ có một chiều, nặng tính chính trị, mà phía thiệt hại là nhân dân và đất nước Việt Nam.
Tóm lại, việc phân định biên giới trong vịnh Bắc Việt, phía VN thiệt thòi nhiều, không hề được đền bù khi chấp nhận những mất mát về lãnh thổ do đường biên giới lịch sử trên đất liền để lại.
Nguyên nhân do đâu ? Do lãnh đạo CSVN nhượng bộ để được TQ bảo đảm cho quyền lực, hay do thành phần phụ trách việc thương thuyết phân định biên giới thiếu bản lĩnh và kiến thức ? Dầu thế nào, việc làm mất đất mất biển của tổ tiên là một trọng tội, lịch sử sẽ ghi nhận.
3/ Hiệp ước Phân định biên giới trên bộ 1999 :
Hiệp định biên giới trên đất liền được hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày 25-12-1999. Kết quả của nó, các bản đồ và vị trí các cột mốc được cắm, chỉ mới được công bố mới đây qua một thông tin không chính thức.
Thấy gì ?
Người ta thấy trước hết VN đã nhìn nhận “đường đường biên giới do lịch sử để lại”, tức chấp nhận những mất mát về lãnh thổ do việc Pháp nhượng cho Trung Hoa để được quyền lợi kinh tế.
TS Trần Công Trục mới đây có trả lời phỏng vấn tên báo Giáo Dục về giá trị của các chứng từ pháp lý và lịch sử, nhân dịp phê bình bài viết về chủ quyền thác Bản Giốc của ông Mai Thái Lĩnh. Theo đó ta biết nhà nước CSVN đã nhìn nhận các công ước Pháp-Thanh 1887, 1895 về biên giới làm nền tảng cho việc phân định lại biên giới.
Như thế, nhà nước CSVN đã nhượng bộ lớn lao cho TQ. Nhìn nhận ở đây là nhìn nhận một đường biên giới bội ước, chứ không phải là đường biên giới qui ước – conventionnelle. Tức theo quốc tế công pháp, nó có thể không được công nhận. TS Trục nói trong bài phỏng vấn này, việc nhìn nhận đường biên giới lịch sử như là một “chiến thắng” của VN. Trong khi phía TQ đã thành công hủy bỏ các kết ước bất bình đẳng, hoạch định lại biên giới với 13 đối tượng khác.
Khi nhìn nhận đường biên giới bội ước do lịch sử để lại, cũng như trong vịnh Bắc Việt, VN bước vào việc phân định lại đường biên giới với TQ bằng một căn bản “bất bình đẳng”. Với căn bản “bất bình đẳng” này, VN có giữ được nguyên trạng đường biên giới hay không ?
Câu trả lời là không !
Bộ bản đồ đính kèm của HUBG 1999 mà nhà nước CSVN tìm cách dấu diếm từ bấy lâu nay vừa được công bố bằng một nguồn tin không chính thức. Kết quả sơ lược cho thấy VN bị mất đất rất nhiều nơi trên đường biên giới :
-
Bãi
Tục
Lãm.
-
Làng
Trình
Tường.
-
Núi
Khấu
Mai.
-
Giải
Âm Sơn và Lão Sơn.
-
Mất
đất khu vực sông Bắc
Vong.
-
Mất
đất khu vực Nam
Quan.
-
Mất
đất khu vực ải Chí
Mã.
-
Mất
đất tại ải Nam
Quan.
-
Thiệt
hại tại thác Bản
Giốc.
Kết quả trên đây chỉ là sơ lược. Nhà nước CSVN đã phân định biên giới từ năm 1999, đến năm 2013, tức gần 15 năm sau mới công bố bộ bản đồ đính kèm. Điều tệ hại là bộ bản đồ này lem nhem, mờ mờ ảo ảo, không dễ gì mà giải mã nó. Vì vậy, việc nghiên cứu và so sánh bộ bản đồ này với bộ bản đồ gốc (hiện đang tồn trữ tại Văn Khố hải ngoại Pháp) cần nhiều thời giờ hơn.
Bài phỏng vấn TS Trần Công Trục trên BBC chỉ bàn chung quanh địa danh gọi là núi Lão Sơn. Trong khi đó một vùng đất khác của VN (Giải Âm Sơn, xem bài viết theo link ở trên), diện tích lớn hơn nhiều lần, kề cận núi Lão Sơn nhưng không thấy ai đề cập tới. Theo TS Trần Công Trục, VN nhượng TQ một phần núi Lão Sơn vì TQ đã xây nghĩa trang trên đó. Việc nhượng bộ này, cũng theo ông Trục, « là nhân nhượng tự nguyên, thỏa đáng, hợp tình hợp lý. Bởi vì đây là nhân nhượng vừa mang tính nhân văn, nhân đạo, vừa phù hợp với nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận ».
Như vậy thì hành động cách đây vài năm, nhà nước CSVN cho xe ủi phá bỏ những di tích chiến đấu của quân lính VN trong cuộc chiến 1979, cào phá những mồ mả của những người lính đã chết để bảo vệ tổ quốc trong khu vực, là việc làm thế nào ? Là vô nhân đạo phải không ? Là táng tận lương tâm để cho người VN quên đi mọi dấu vết của cuộc chiến 1979 phải không ?.
Nhà văn Phạm Viết Đào, người đã công bố nhiều tài liệu về các cuộc chiến trong khu vực Lão Sơn. Ông bị bắt hơn 4 tháng nay, không ai biết tin tức. Ông Đào bị bắt vì lý do nào ? Vì đã nói sự thật về các cuộc chiến, làm cho phía Trung quốc bực mình, vừa làm cho chóp bu CSVN nhột nhạt phải không ? Bắt ông này là hành vi nhân đạo hay vô nhân đạo ?
Lời của TQ Trần Công Trục mang đầy tính đạo đức giả.
Ngoài Lão Sơn, toàn bài viết không nhắc đến một địa điểm cụ thể nào khác trên đường biên giới.
Riêng ông Dương Danh Huy thì đưa ra một số tin tức, ngoài vấn đề Lão Sơn :
« Một thí dụ là khu vực Núi Đất, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn và đánh chiếm vào tháng 4 năm 1984. Vào tháng 7 năm 1984 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch kéo dài nhiều năm, chiến đấu quyết liệt để giành lại những vùng bị Trung Quốc chiếm đóng. Với xương máu của rất nhiều người lính, Việt Nam đã giành lại được nhiều phần.
Trên bàn đàm phán, Việt Nam cũng đã giành lại được một số mỏm núi. Theo thông tin không chính thức từ phía Trung Quốc và phía Việt Nam thì có một mỏm có vẻ như cả hai bên không chối cãi là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã xây nghĩa trang quân đội trên đó và họ chủ trương là khu vực nghĩa trang là bất khả xâm phạm. »
Không thấy TS Trần Công Trục nói rõ thêm để mọi người biết rõ các chi tiết mà ông Huy đưa ra.
Khu vực Lão Sơn (núi Đất ?) bao nhiêu lớn và được chia thành bao nhiêu vùng để mà “Quân đội Nhân dân Việt Nam... chiến đấu quyết liệt để giành lại những vùng bị Trung Quốc chiếm đóng ».
Những vùng bị TQ chiếm đóng này là những vùng nào ?
Lại còn : « Với xương máu của rất nhiều người lính, Việt Nam đã giành lại được nhiều phần ».
Giành lại nhiều phần là các phần nào ? và còn mất phần nào ? Bao nhiêu xương máu người lính đổ xuống ? kéo dài nhiều năm là bao lâu ? tài liệu nào nói vậy ?
« Trên bàn đàm phán, Việt Nam cũng đã giành lại được một số mỏm núi ». « Một số mõm núi » dành lại được là những núi nào ? Còn những mõm núi nào thì không dành lại được ?
Hỏi thì để hỏi, vì người đã viết những dòng đó chưa chắc đã biết được những vấn đề gì để trả lời !
Như để cho tiếng nói của các tác giả thêm sức thuyết phục, ông Dương Danh Huy (cùng một số nhân vật khác), đã công bố công trình so sánh bản đồ với kết quả gây nhiều kinh ngạc.
Xét bản đồ tiêu biểu dưới đây :
Hình trên là bản đồ khu vực phía bắc tỉnh Hà Giang. Đường biên giới ở đây, theo công ước 1887, một phần đi theo các con sông. Theo văn bản của HUBG 1999, đường biên giới theo sông khu vực này không thay đổi. Nếu biết vẽ và so sánh bản đồ thì hai đường biên giới phải trùng nhau. Dầu vậy, bản đồ trên cho thấy đường biên giới mới (1999) vượt qua các con sông hàng chục km, đem lại cho VN hàng trăm km².
Chỉ có phép thần thông của Tề Thiên đại thánh, có khả năng dời sông đảo hải, mới có thể đem lại kết quả như vậy.
Khu vực trên bản đồ này cũng có địa danh tên gọi Lão Sơn. Núi này, theo ông Trần Công Trục, VN nhượng cho TQ.
Nếu đặt câu hỏi cho các học giả kia : núi Lão Sơn ở đâu trên bản đồ đó ? Tề thiên Đại thánh cũng không trả lời được, phải không ?.
Việc này chỉ có thể giải thích, như thói quen của một học giả, là do “sai số ngoại cảm” (sic) mà thôi.
Theo tôi, vấn đề biên giới, chủ quyền lãnh thổ, hải đảo... là vấn đề thiêng liêng đối với quốc gia, dân tộc. Người ta không thể dàn cảnh phỏng vấn theo lối « chuyền banh » trên sân nhà BBC để tâng bốc lẫn nhau. Sau đó còn công bố « công trình so sánh bản đồ » để đưa ra kết luận « VN không có nhượng bộ TQ về biên giới » để lập công với đảng CSVN
Quí vị có nhiều cách để làm hài lòng nhà cầm quyền CSVN. Nhưng cách làm này của quí vị là che đậy một sự thật, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và đất nước Việt Nam.
Với kết quả sơ lược ở trên, ta có thể kết luận rằng HUBG 1999 là nhằm để công nhận chủ quyền của TQ tại các địa điểm mà họ đã chiếm được năm 1999. Bài phỏng vấn trên BBC cũng như “công trình so sánh bản đồ” chỉ là “hỏa mù” nhằm che đậy sự thật nhượng đất, nhượng biển của lãnh đạo CSVN.
Lời kết ngoài đề : Điều cần nói thêm trong bài này, phải nhìn nhận rằng các học giả GS. Charles Fourniau, Pierre-Bernard Lafont, GS Philippe Langlet, Antoine Dauphin, GS Nguyễn Thế Anh, GS Quách Thanh Tâm..., qua các bài nghiên cứu, là những người mà chúng ta không thể quên ơn. Họ nghiên cứu với mục đích cho lợi ích của đất nước VN chứ không nhằm một lợi ích kinh tế, mục tiêu chính trị, hay một động lực phe đảng nào. Trong chiều hướng đó, ta cũng không thể không nhắc những học giả VN, cũng nghiên cứu vì quyền lợi của đất nước và dân tộc VN, nhưng vì lý do chính trị đã không được người dân biết tới rộng rãi, như quí học giả Lãng Hồ, Hà Mai Phương, Phạm Cao Dương, Từ Mai (Trần Huy Bích), Vũ Hữu San, Trần Gia Phụng, Vũ Ngự Chiêu, Mai Thái Lĩnh... và nhiều quí vị khác. Trong nhất thời không nhớ hết, xin thứ lỗi.)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.