Ngày 23 tháng 6 vừa qua Việt Nam đã chính thức ký nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực (Cour Permanente d’Arbitrage - CPA). Việt Nam đã là thành viên của Tòa từ các năm 2011 và 2012, sau khi ký nhận các công ước nền tảng của Tòa (các công ước 1899 và 1907). Việc nhìn nhận thẩm quyền của Tòa là một thủ tục pháp lý bắt buộc, tiên khởi cho mọi toan tính kiện tụng của một quốc gia. Việc này cho thấy sắp tới, Việt Nam có thể sẽ đưa các tranh chấp (với Trung Quốc) về chủ quyền biển, đảo… trước Tòa CPA, nếu những thuơng thuyết song phương vẫn tiếp tục bế tắc như hiện nay.
Một số tin tức hành lang (nhân vụ TQ đặt giàn khoan 981) cho biết là có thể VN sẽ cùng đứng tên chung với Phi để kiện TQ trước một trọng tài quốc tế do yêu sách của nước này trên Biển Đông. Đây cũng là điều mà một số học giả VN trước đây đã khuyến cáo.
Tôi cho rằng VN cần phải tính toán lại khi đứng chung đơn với Phi. Mục tiêu của VN và Phi có thể tương đồng trong một số điểm (như chống lại yêu sách đường chữ U của TQ), nhưng lại đối nghịch nhau ở một số điểm khác mà điều này (trước tòa) chỉ đem lại bất lợi cho phía VN.
Theo tôi một số điều VN cần phải cân nhắc, (thậm chí phải điều chỉnh) lại trước khi quyết định hợp tác với Phi :
1/ Mâu thuẩn về quan điểm chủ quyền :
Tuyên bố năm 1951 của Chu Ân Lai, bên lề hòa ước San Francisco : « Quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Đông Sa, là lãnh thổ của TQ ».
(Trung Sa là tên của TQ để chỉ bãi Hoàng Nham và Macclesfield.)
Gọi tuyên bố này là « bên lề » vì TQ không được mời tham dự Hội nghị San Francisco. Tuy vậy tuyên bố này được Liên Xô và các nước phe XHCN ủng hộ. Đại diện của Liên Xô tại Hội nghị có đưa một kiến nghị để bênh vực quyền lợi của TQ, (như đề nghị HS và TS trả cho TQ), nhưng bị đa số thành viên tham gia Hội nghị bác bỏ).
Đến năm 1958 Trung Quốc lại ra tuyên bố về lãnh hải: « Độ rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý. Qui định này áp dụng cho toàn lãnh thổ Trung Hoa, bao gồm phần đất trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi… quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa… ».
Việt Nam (và các nước thuộc khối XHCN) ủng hộ tuyên bố này.
Tức là VN mặc nhiên nhìn nhận các bãi Hoàng Nham và Macclesfield thuộc về TQ đồng thời các bãi này có lãnh hải 12 hải lý.
Một số điều phi lý trong tuyên bố của TQ, đáng lẽ cần phải được minh bạch :
Bãi Macclesfield vốn là một bãi chìm dưới mặt nước (từ 50 mét trở lên) trong khi bãi Scarborough vốn là một bãi cạn, chỉ có vài đá nổi lên mặt nước. TQ nhập hai thực thể địa lý này vào thành một « quần đảo – archipel » thực là không ổn chút nào.
Trên quan điểm địa mạo, hai bãi này (một bãi là bãi ngầm chìm dưới mặt nước, một bãi gồm ám tiêu, đá…) không có cấu trúc nào có thể được gọi là « đảo » theo qui ước của quốc tế. Trên phương diện địa lý, hai bãi này hoàn toàn tách biệt nhau, cách nhau đến 318 Km, thiếu sự liên tục của thềm lục địa. Tức là, chúng vừa không có tính « quần » lẫn tính « đảo ». Mặt khác, theo các nguyên tắc về chiếm hữu lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể chiếm hữu một « lãnh thổ » nếu lãnh thổ này thật sự hiện hữu. Một bãi ngầm, thường xuyên chìm sâu dưới nước như bãi Macclesfield, thì không thể xem đó là một « lãnh thổ » để có thể chiếm hữu được.
Về địa danh cũng vậy. Trong các địa chí của Trung Quốc in trước năm 1935, bãi Scarborough được ghi bằng tên quốc tế, với ghi chú tiếng Hoa là « Nam Sa quần đảo ». Đến năm 1947 bãi này được đặt là « Dân Chủ đảo – Minzhu jiao », thuộc về « Trung Sa quần đảo ».
Tức là, đến năm 1935, cái mà Trung Quốc gọi là Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam hiện nay), là bãi cạn Scarborough. Chỉ đến năm 1947 họ mới « khai sinh » ra tên Trung Sa, sau đó lấy tên Nam Sa đặt cho quần đảo Trường Sa. Từ đó mới ra mặt tranh chấp với Việt Nam (trước đó hai bên chỉ có tranh chấp về Hoàng Sa).
Đến năm 1983 thì bãi Scarborough đổi tên lại thành « Hoàng Nham – Huangyan ».
Có nghĩa là « Trung Sa quần đảo » của TQ vừa không phù hợp với địa lý trên thực tế (không là đảo mà cũng không là quần đảo), lại vừa không rõ rệt về địa danh. Trong khi một phần của « quần đảo » này là bãi Macclesfield thì không thể chiếm hữu.
Vấn đề là Việt Nam đã ra tuyên bố « công nhận » và « ủng hộ » tuyên bố hải phận 12 hải lý của TQ trên « quần đảo » này.
Hành động đứng chung với Phi trong vụ kiện TQ, VN mặc nhiên là ủng hộ lập trường của Phi tại bãi Hoàng Nham.
Về phương diện công pháp quốc tế, VN không thể đi ngược lại lập trường mà « quốc gia » VNDCCH đã bày tỏ trước kia. (Dĩ nhiên nếu vẫn nhìn nhận VNDCCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền).
2/ Vấn đề hiệu lực các đảo :
Luật quốc tế về Biển 1982 đã có một lỗ hổng pháp lý rất lớn do không có những định nghĩa rõ ràng về hiệu lực ZEE (vùng kinh tế độc quyền) cho các đảo.
Điều 121 Luật Biển nói về hiệu lực lãnh hải và vùng ZEE của các đảo :
« Các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng ZEE và thềm lục địa như là lãnh thổ trên đất liền, ngoại trừ các đảo đá không thích hợp cho đời sống con người và không có nền kinh tế tự túc. »
Như vậy diện tích lớn nhỏ của một đảo không phải là tiêu chuẩn để một đảo có hay không có hiệu lực ZEE 200 hải lý.
Điều kiện để một đảo có hiệu lực như đất liền (tức là có lãnh hải 12 hải lý, vùng kinh tế độc quyền ZEE và thềm lục địa 200 hải lý) là ba yếu tố: không phải là đảo đá, thích hợp cho người sinh sống và có nền kinh tế tự túc.
Vấn đề là hai yếu tố « thích hợp cho người sinh sống » và « có nên kinh tế tự túc » là không bất biến.
Ngày xưa một đảo nhỏ (như một số đảo thuộc Hoàng Sa hay Trường Sa) không phù hợp cho đời sống con người. Nhưng bây giờ, nhờ tiến bộ khoa học kỷ thuật, các đảo nhỏ đó có thể trở thành nơi trú ẩn cho con người. (Trường hợp xây dựng tại đây nhà máy lọc nước biển, nhà máy phát điện từ ánh sáng mặt trời…) Các đảo này cũng có thể tạo ra nhiều nguồn kinh tế tự tại, như sau khi lập kỹ nghệ du lịch, khai thác tài nguyên dầu khí, đánh cá…
Tức là, (nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật), một đảo rất nhỏ cũng có thể cho con người sinh sống và có thể tạo ra một nền kinh tế tự túc.
Nếu vậy các đảo nhỏ này có đủ tiêu chuẩn như định nghĩa của Luật Biển, để dành một vùng ZEE và thềm lục địa lên đến 200 hải lý, như là từ đất liền.
Ý thức được như vậy, việc lựa chọn chế độ cho các đảo (là đảo hay đá) là một lựa chọn chiến lược. Nhất là các đảo nhỏ thuộc HS và TS.
Tùy theo quốc gia có hay không có chủ quyền tại HS và TS, ta thường nghe các lập luận trái ngược nhau về hiệu lực các đảo tại đây.
VN đã tuyên bố lập trường qua tuyên bố 12-5-1977 của chính phủ CHXHCNVN, theo đó các đảo HS và TS có hiệu lực về lãnh hải, hải phận, thềm lục địa… theo qui định của Luật quốc tế.
Hồ sơ kiện của Phi (công bố trước dư luận) không có điều nào yêu cầu Tòa phán liên quan đến hiệu lực các đảo. Nhưng không có gì chắc chắn là việc này không thay đổi ở phút chót. Giờ chót, trước Tòa, Phi có thể yêu cầu Tòa tuyên bố các thực thể địa lý ở Trường Sa không phải là « đảo » mà là « đá ».
Nếu điều này xảy ra, Phi sẽ đưa VN vào thế « việt vị ». (Do hồ sơ về chủ quyền « rất yếu », Phi (cũng như Mã Lai, Brunei và Nam Dương) có khuynh hướng hóa giải hiệu lực của tất cả các đảo ở TS.)
Nếu Tòa im lặng (không tuyên bố) về yêu cầu này VN sẽ lâm vào tư thế không thoải mái. VN không thể trở lại lập trường trước kia của mình nữa, trong khi quan điểm về hải phận các đảo của phía TQ thì được củng cố.
Nếu Tòa tuyên bố các đảo này là đảo đá thì phía VN lại mâu thuẩn với lập trường của mình đã tuyên bố trước kia (qua tấm bản đồ các lô dầu khí năm 1988).
Trong khi VN cần một « điểm mờ chiến lược » (ai muốn hiểu sao thì hiểu) về hiệu lực các đảo HS và TS để có thể thuơng thuyết với các bên về hải phận một cách có lợi cho mình.
3/ Việt Nam có lợi hơn nếu không đứng chung đơn với Phi để kiện TQ.
Điều quan trọng là Tòa có thẩm quyền để xử vụ kiện này hay không ?
Nếu có, xác suất Tòa tuyên bố cho Phi thắng là khá cao. VN được hưởng lợi tương tự như Phi. Một trong các yêu cầu Tòa tuyên bố (có lợi cho VN) là : yêu sách đường 9 đoạn của TQ là vô giá trị.
Nhưng không thể không loại trừ trường hợp Tòa không có thẩm quyền để phân xử. Xác suất cho việc này cũng không hề nhỏ.
Lý lẽ của TQ đưa ra (từ chối trả lời vụ kiện của Phi), qua tuyên bố của Đại sứ Wang Min trước Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 về « pháp trị trên bình diện quốc gia và quốc tế ». Theo đó TQ cho rằng họ có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, cũng như có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết mang tính ép buộc đến từ bất kỳ quốc gia nào.
Một số chuyên gia quốc tế cho rằng lập luận của TQ là thuyết phục. Bởi vì, TQ là một nước độc lập có chủ quyền. Từ sự bình đẳng về chủ quyền (quyền chủ tể) giữa các quốc gia, cũng là nền tảng của quốc tế công pháp, TQ có quyền từ chối mọi hình thức ép buộc nào, từ một quốc gia hay một tổ chức quốc tế.
Nếu việc này xảy ra, Tòa không có thẩm quyền xét xử, lập trường (cho dầu sai trái) của TQ tại Biển Đông sẽ được củng cố. Điều này có nghĩa VN (cũng như Phi) sẽ lâm vào thế khó, bởi vì sẽ phải thuơng lượng song phương với TQ.
Vì thế VN cần đứng ngoài vụ kiện giữa Phi và TQ để giữ một khoảng cách chiến lược về pháp lý. Nếu Phi thắng kiện, thì VN cũng thắng. Hiệu lực phán quyết của Tòa không dành riêng cho Phi, mà áp đặt (chế tài) các qui cách về hiệu lực các đảo tại biển Đông cho phía TQ.
VN có thể lập hồ sơ riêng để « kiện » TQ, nhưng không theo kiểu mẫu của Phi, như có đề nghị ở đây. Vì việc trước mắt của VN là Hoàng Sa chớ không phải là Trường Sa.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.