Một đoạn trong bài dịch có tựa đề « Dân tộc Kinh ở Quảng Tây » của ông Phạm Hoàng Quân, dẫn lại nguyên văn :
« Người Kinh từ Đồ Sơn, Việt Nam sang Trung Quốc vào khoảng đời Minh. Khoảng những năm triều Thanh, người Kinh ở thôn Hà Vĩ [34] có lập hương ước để làm phép tắc cho dân trong thôn, trong hương ước từng minh xác rằng họ đến đây từ thời Hậu Lê (Đại Việt) niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 tức triều Minh đời vua Võ Tông niên hiệu Chính Đức năm thứ 6 (1511), tức cách nay hơn 400 năm [35] . Người Kinh ở đây đa số mang họ Lưu, họ Nguyễn, tổ tiên họ nguyên cư trú vùng Cát Bà, sau dời đến dùng duyên hải Đồ Sơn, sống bằng nghề đánh cá. Có một dịp, họ đuổi theo đàn cá ở vùng vịnh Bắc Bộ mà lạc đến đảo Vu Đầu, nay thuộc thành phố Phòng Thành, khu tự trị dân tộc Choang [36] Quảng Tây, thấy làng xóm vắng vẻ không người ở, lại thấy nơi này thuận tiện trong việc đánh bắt cá, họ bèn định cư hẳn mà không về nữa, đến nay đã qua 16, 17 đời, nếu tính mỗi đời là 25 năm thì đến nay đã hơn 400 năm, đối chiếu với bản hương ước nói trên thì thấy rất hợp lý.
Người Kinh hiện phân bố chủ yếu ở 3 khu: Sơn Tâm, Hà Vĩ, Vu Đầu và một số nơi khác như Hoàn Vọng, Đàm Cát, Hồng Khảm, Trúc Sơn… thuộc Phòng Thành, Quảng Tây. »
http://nghiencuulichsu.com/2013/05/30/dan-toc-kinh-o-quang-tay/
Bản dịch của ông Phạm Hoàng Quân là một phần (nói về Dân Tộc Kinh) trong « công trình nghiên cứu » mang tên « Trung Quốc Nam phương dân tộc sử » của Tiến sĩ Sử học Vương Văn Quang, Giáo sư chuyên ngành Lịch sử dân tộc Đại học Vân Nam, Trung Quốc[1].
Đoạn trích dẫn trên có một số dữ kiện lịch sử cần phải kiểm chứng lại, (hay ít ra chúng cần được nhìn lại, so sánh, đối chiếu lại từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau).
Đó là :
Có đúng là người Việt ở vùng ba đảo (Sơn Tâm, Hà Vĩ, Vu Đầu) có nguồn gốc ở Đồ Sơn ?
Có đúng là họ sang đó vào thời Minh ?
Quan trọng hơn hết là « người Kinh từ Đồ Sơn, Việt Nam sang Trung Quốc… ». Dựa vào đâu tác giả nói rằng đất đó (trước khi ngươi Kinh di cư sang) là của Trung Quốc ?
Bài viết này, với những dữ kiện lịch sử[2] lấy từ Trung Tâm Văn Khố Hải Ngoại của Pháp, (Centre des Archives d’Outre-Mer), tại tỉnh Aix-En-Provence, sẽ bàn lại về lịch sử chủ quyền ở các vùng đất (hiện nay thuộc lãnh thổ TQ) có người Việt sinh sống từ lâu đời, điển hình là khu vực ba đảo Sơn Tâm, Hà Vĩ và Vu Đầu.
1. Mũi đất Bạch Long Vĩ (cap Paklung).
Như mọi người đều biết, đường biên giới hiện nay giữa tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây thuộc Trung Quốc là sông Bắc Luân (còn gọi là sông Ka Long hay Gia Long). Đó là kết quả của việc phân định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh trong thời kỳ 1885-1897, được hai bên VN và TQ khẳng định lại qua Hiệp ước phân định Biên giới trên đất liền ký vào tháng 12 năm 1999.
Bên bờ hữu ngạn sông Ka Long là thị xã Móng Cái (thuộc tỉnh Quảng Ninh), bờ tả ngạn là thành phố Đông Hưng của Trung Quốc. Ngày xưa, người Hoa gọi Đông Hưng là Đông Hưng Nhai và Móng Cái là Mang Nhai. Nhai có nghĩa là « bờ sông ». Móng Cái, nguyên thủy tên do người Pháp đặt (gọi trại đi từ Mang Nhai), thực ra có tên Việt là Hòa Lạc[3].
Xét bản đồ phân định biên giới Pháp-Thanh 1887, từ nay gọi là bản đồ 1. Bản đồ này ghi chú bằng tiếng Pháp và tiếng Hán, là bản đồ gốc được hai bên Pháp-Thanh sử dụng để phân định biên giới.
Bản đồ 1
Trên bản đồ 1 có một mũi đất mang tên (bằng chữ Hán) Bạch Long Vĩ. Người Pháp thời đó gọi là « Cap Paklung ». Đây là một doi đất ở về phía bắc Móng Cái, nhô ra biển theo hướng nam, sau đó cong lại về phía tây nam, tương tự mũi két. Theo các nhà địa lý thì đây là phần chót của rặng núi Thập Vạn Đại Sơn. Doi đất bao quanh lấy biển, tạo thành vịnh, tên Vạn Xuân. Trên doi đất này có một số làng mạc trước kia chỉ toàn người VN sinh sống.
Bản đồ 2
Trong vịnh Vạn Xuân, (bản đồ 1), hay các bản đồ do Sở Địa Dư Đông dương (SGI) ấn hành trước năm 1948 (bản đồ 2), từ bờ ra đến giữa vịnh có bốn đảo, kế cận nhau, có ghi các tên (chữ Hán): Tham Cát Thôn, Sơn Tâm, Mao Sơn và Vạn Vĩ. Đó là các đảo mà trong tài liệu (của Vương Văn Quang) ghi qua các tên (khác) là Sơn Tâm, Hà Vĩ và Vu Đầu. Theo các tài liệu đã dẫn (ghi chú 2), vịnh Vạn Xuân là một vịnh cạn, có nhiều bãi cát, có cây tràm, đước mọc.
Bản đồ Google
Xét bản đồ Google, trong khung màu đỏ, bốn đảo này hiện nay hầu như đã dính liền lại với nhau. Phù sa, cát bồi đắp nên các đảo nối với đất liền trở thành bán đảo. Bán đảo này TQ đặt tên là An Nam Thôn, còn gọi là Kinh Đảo, ở tọa độ (kinh độ 108°08’ Đông, vĩ độ 21°32’5 Bắc). Thôn thuộc huyện Giang Bình, thành phố Đông Hưng, khu tự trị Choang tỉnh Quảng Tây. Dân số ở đây đều có gốc Việt khoảng trên 20.000 người, được Trung Quốc gọi là tộc Kinh (vì thế gọi nơi này là Kinh Đảo), một trong số 55 chủng tộc của Trung Quốc.
Toàn khu vực, xưa cũng như hiện nay, thuộc huyện mang tên Giang Bình, ngày trước trực thuộc tỉnh Quảng Đông chứ không phải tỉnh Quảng Tây. Tỉnh Quảng Tây ngày trước không giáp biển.
2. Biên giới khu vực Móng Cái theo công ước Pháp-Thanh 1887.
Theo tài liệu của đô đốc Rieunier, chỉ huy hải quân Pháp gởi Toàn quyền Pháp năm 1886 (hồ sơ đính kèm bản đồ 3) về tình hình quân Trung hoa chiếm đóng các địa điểm trong khu vực huyện Giang Bình. Sau khi chiếm đóng các địa điểm thuộc khu vực này (các ô vuông màu đỏ trên bản đồ 3) tháng 7 năm 1886, quân Trung Hoa khủng bố dân VN sinh sống tại đây và đuổi những người dân này đi nơi khác.
Bản đồ 3
Hồ sơ cũng ghi chú ý kiến của linh mục Grand Pièrre, nhà truyền giáo ở Trúc Sơn. (Trúc Sơn ở phía bắc Móng Cái, bên kia sông Bắc Luân, nay thuộc TQ). Ông này kể rằng những người dân Việt này do bị quân Hoa truy bức nên phải trốn ra sống ở các đảo trong vịnh.
Cũng theo ý kiến của nhà truyền giáo Grand Pièrre, năm 1885, khu vực huyện Giang Bình gồm có nhiều xã toàn người Việt, không có một người Hoa nào sinh sống. Khu vực ở phía ngoài huyện giang Bình, dân Nùng (tức Choang) sống đa số. Khi quân Hoa đến đây chiếm đóng họ đuổi những người dân Choang này đi (lên núi), lấy đất cho người Hoa đến ở, tương tự như số phận người Việt. Thành phố Đông Hưng trước 1885 chưa hiện hữu. Chỉ sau chiến tranh với Pháp 1885, người Hoa dựng ở địa điểm Đông Hưng (hiện nay) một đồn lính. Dầu vậy, tại Móng Cái (Mang Nhai), chợ búa ở đây đông đảo các đảng cướp biển người Hoa.
Tài liệu khác trong hồ sơ phân định biên giới cho biết, trong thời kỳ 1886-1887, những người dân VN nào ra làm chứng, trả lời các cuộc điều tra của các ủy viên Pháp phụ trách phân định biên giới, đều bị quân Trung Hoa trừng phạt nặng nề, hoặc chém đầu. Các câu hỏi của các ủy viên phân định biên giới Pháp tựu trung ở việc : những người sống trên đất này đóng thuế cho ai ?
Theo quan điểm quốc tế công pháp thời đó (và bây giờ cũng vậy), để chứng minh một vùng đất thuộc quốc gia nào thì vấn đề đóng thuế của người dân là yếu tố quyết định. Dân đóng thuế cho bên nào thì đất đó thuộc (chủ quyền) bên đó.
Tài liệu sau đây của ông Dillon, chủ tịch Ủy Ban Phân Ðịnh Biên Giới, trình bày trong hồ sơ gởi ông Constans, Ðặc Sứ Toàn Quyền Pháp tại Bắc Kinh ngày 23 Mars 1887, (Constans là người phụ trách thuơng lượng với Trung Hoa về Công ước phân định biên giới 1887).
Tài liệu có các điểm quan trọng sau đây :
a) Theo kết quả nghiên cứu địa chí của Trung Hoa, lãnh thổ An Nam mở rộng đến Long Môn.
Ta thấy ngay trên bản đồ Google rằng Long Môn ở phía bắc Phòng Thành. Vấn đề này sẽ đề cập ở phần dưới : biên giới VN-TQ theo sử liệu của TQ. Điều này chứng minh huyện Giang Bình, doi đất Bạch Long Vĩ, các đảo Tham Cát Thôn, Sơn Tâm, Mao Sơn và Vạn Vĩ trong vịnh Vạn Xuân đều thuộc An Nam.
Tài liệu của ông Dillon viết rằng khoảng từ 20 năm nay, bọn cướp biển người Tàu đã chiếm mũi Bạch Long cũng như Long Môn để làm sào huyệt. Theo ông, đó là lý do duy nhất mà vùng đất này đã ra ngoài tầm kiểm soát của triều đình An Nam. Tài liệu cũng cho biết, trên thực địa, đường biên giới thực sự được cụ thể hoá qua những đồn canh (cửa ải) của Trung Hoa. Ðường nối các công sự, cửa ải đã chừa ra vùng Giang Bình (bao gồm Packlung - Bạch Long).
Bằng chứng khác cũng rất quan trọng : huyện Giang Bình đã được triều đình Huế bổ một vị quan cùng gia đình về quản trị, thâu thuế dân chúng từ mấy chục năm trước.
Tức là, trên quan điểm luật quốc tế, vùng lãnh thổ này thuộc về VN.
Tài liệu viết, người hậu duệ cuối cùng của viên quan VN đã bị quân cướp Tàu giết, thân xác bị chặt làm nhiều khúc qua biến cố tháng 11 năm 1886. Biến cố nầy làm thiệt mạng một số quân đội Pháp và ông Haitce, nhân viên của Ủy Ban Phân Ðịnh Biên Giới. Lý do bị giết vì ông đã « thực thà » khai với các ủy viên Pháp rằng đất đó (Giang Bình) là của VN.
b) Là những nhân chứng sống, những người dân địa phương, người Hoa cũng như người Việt.
Những người dân này đã hướng dẫn ông Bohin, vào tháng 11 năm 1886, và đội quân của Ông Dugenne vào tháng 1 năm 1887, giúp các ông này làm công tác trắc địa, phân định biên giới. Kết quả đo đạc phù hợp với những các cuộc điều tra trong dân chúng thuộc vùng Móng Cái. Vì cuộc điều tra này, như tài liệu của các nhà truyền giáo đã viết trên, nhiều người dân VN bị quân Hoa chém đầu.
c) Những chi tiết từ sổ bạ điền địa từ các huyện, phủ trong vùng.
d) Bản đồ chính thức của An Nam.
e) Giấy chứng nhận của nha Kinh Lược từ triều đình Huế[4].
Tức là, theo các tài liệu đã dẫn, khu vực huyện Giang Bình, bao gồm mũi đất mang tên Bạch Long Vĩ, các đảo trong vịnh Vạn Xuân… thuộc chủ quyền của VN.
Hai chi tiết khác cần làm sáng tỏ thêm : theo « công trình nghiên cứu » của TS Vương Văn Quang thì dân chúng ở các đảo « Sơn Tâm, Hà Vĩ và Vu Đầu đến từ Đồ Sơn, VN ».
Đồ Sơn là một địa điểm tắm biển do người Pháp thành lập cuối thế kỷ 19, tức là chỉ mới đây, tên là Doson. Như vậy những người Việt này không thể xuất thân từ « Đồ Sơn » rồi !
Mặt khác, lý do mà nhóm dân này ra các đảo sinh sống, như các tài liệu đã dẫn, là để trốn sự khủng bố của quân Hoa, chứ không phải là « đuổi theo đàn cá ở vùng vịnh Bắc Bộ mà lạc đến đảo Vu Đầu » (sic !)
Câu hỏi đặt ra, vì sao người Pháp đã chứng minh được đất (Giang Bình) thuộc chủ quyền của Việt Nam, bằng sử liệu của chính người Hoa, cũng như những điều tra trên thực địa, là những bằng chứng không thể phản biện, tại sao bây giờ nó lại thuộc về TQ ?
Câu hỏi khác, lúc đó quân Pháp mạnh mẽ, đối diện với một nước Trung Hoa đang rệu rã. Ở thế mạnh, Pháp muốn ép TQ thế nào lại không được ?
Câu trả lời là do sự trao đổi quyền lợi giữa Pháp và Thanh triều. Pháp nhượng các vùng lãnh thổ của VN để đổi lấy quyền lợi kinh tế[5]. Phần tóm tắt « hiệp ước Thiên Tân 1885 » dưới đây trả lời câu hỏi này.
Số phận vùng đất Giang Bình được giải quyết ở Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887, cũng là nội dung Công Ước 1887. Nguyên văn tiếng Pháp, như sau :
« Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de la délimitation, sont attribués à la Chine. »
Tạm dịch sang tiếng Việt : Tại Quảng Đông, các bên đồng thuận rằng các điểm tranh chấp ở phía đông bắc của Móng Cái, ở phía bên kia đường biên giới đã được Ủy Ban Phân Định xác định, thì chúng được giao cho Trung Hoa.
Cực kỳ đơn giản, « các vùng đất tranh chấp ở phía bắc Móng Cái được giao cho Trung Hoa ».
« Các vùng đất phía bắc Móng Cái » là huyện Giang Bình, bao gồm mũi Bạch Long Vĩ (trên đó có nhiều xã) cùng các đảo Tham Cát, Sơn Tâm, Mao Sơn và Vạn Vĩ nơi nhiều người Việt sinh sống từ bao nhiêu đời.
Hậu quả cuộc phân định biên giới 1887, ngoài huyện Giang Bình (bao gồm mũi Bạch Long và các đảo trong vịnh Vạn Xuân), Việt Nam còn bị mất thêm các vùng đất Tụ Long[6] (phía bắc Hà Giang hiện nay), tổng Đèo Lương (Cao Bằng), một số xã thuộc tổng Kiến Duyên và Bát Trang (Hải Ninh)[7]. Tổng số diện tích có thể lên tới trên 3.000 km².
Một số dữ kiện về phân định biên giới 1887, mọi người có thể tham khảo thêm từ tập « Le Tour du Monde » năm 1886-1887, Sur les Frontière du Tonkin của Dr Paul Néis. Ông Néis là một ủy viên thuộc Ủy ban Pháp phân định Biên giới 1887.
3. Hậu quả Hiệp Ước Thiên Tân 1885 lên biên giới Việt Nam.
Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mại « traité de paix, d’amitié et de commerce », được ký kết tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 giữa Lý Hồng Chương và ông Patenôtre, được quốc hội Pháp thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1885. Hiệp ước gồm có 3 phần, như tên gọi hiệp ước : hòa bình, hữu nghị và thuơng mại nhưng trọng tâm là thuơng mại. Ðiều 3 của Hiệp Ước dự trù việc xác định lại đường biên giới Việt Trung. Các điều 5 và 6 dự trù một công ước về thương mãi giữa Pháp và Trung Hoa.
Công Ước về thương mãi được ký ngày 25 tháng 4 năm 1886 do ông Cogordan thương lượng nhưng kết quả không đúng như mong đợi của Pháp. Ðể sửa chữa, một công ước bổ túc cho công ước thương mãi « Convention additionnelle de Commerce » được ông Constans thương lượng cùng lúc với công ước về biên giới và cùng ký ngày 26 tháng 6 năm 1887.
Công ước về thuơng mãi được ký ngày 25 tháng 4 năm 1886 nhưng bị đánh giá bất lợi cho Pháp. Bởi vì, nguyên văn công ước là tất cả những gì mà Trung Hoa đòi hỏi trước đó đã được ghi lại trong bản tường trình của Cogordan. Trong khi đó những gì mà Pháp đòi hỏi đều không được.
Việc chinh phục Bắc Kỳ, từ thời Françis Garnier (1874) đến Henri Rivière (1883) cho đến chiến tranh Pháp-Trung 1884-1885 chỉ có mục tiêu là xây dựng địa bàn và mở đường thông thương với các tỉnh phía Nam Trung Hoa để buôn bán. Hiệp ước thương mại của Cogordan thực tế mở cửa cho Trung Hoa vào Việt Nam nhưng đóng mọi cửa để Pháp không thể vào Hoa Nam. Ðây là một thất bại lớn vì tất cả máu xương của lính viễn chinh cũng như tiền bạc của dân Pháp đều xem như bỏ.
Ðể sửa chữa, ông Constans được cử làm bộ trưởng sang Thiên Tân để ký kết công ước phân định biên giới nhưng kèm theo một phụ ước về thương mãi.
Bản tường trình của dân biểu Dureau de Vaulcomte, liên quan đến việc nghiên cứu công ước thương mãi 25 tháng 4 năm 1886 và phụ ước 26 tháng 6 năm 1887, có đề cập đến : « Et ainsi la question de frontière se trouva liée à la question commerciale - Và vì thế vấn đề biên giới được gắn liền với vần đề thương mãi ». « Le gouvernement a pensé que les concessions faites à la Chine, en ce qui concerne les territoires, peuvent être compensées par les avantages qui résultent de la Convention commerciale additionnelle au Traité du 25 Avril 1886 - Chính phủ đã nghĩ rằng những nhượng bộ đất đai cho Trung Hoa có thể được đền bồi bằng những ưu đãi (về kinh tế) do Công Ước thương mãi bổ sung Hiệp Ước 25 tháng 4 năm 1886. »
Như thế, rõ ràng, chính nhà nước Pháp đã chủ trương nhượng đất của Việt Nam để có được những ưu đãi về thương mãi với Trung Hoa !
Trên quan điểm công pháp quốc tế, chiếu theo phần « dol », tức sự lường gạt trong các hiệp ước, công ước phân định biên giới 1887 có thể không có hiệu lực.
4. Đường biên giới lịch sử theo sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc :
Theo Ðại Thanh Nhứt Thống Chí[8] (DTNTC) 大清一統志, dẫn từ địa chí thời Minh, biên giới khu vực này được xác định bằng ngọn núi Phân Mao, như sau :
Phục Ba tướng quân Mã Viện đã dựng dưới chân ngọn Phân Mao một trụ đồng vào năm 43 trước TC để đánh dấu biên giới hai nước Việt-Trung. Từ chân ngọn núi này, vào năm 74, quân Hán vượt biên giới, qua châu Tiên Yên, vào chiếm Việt Nam[9].
Sử sách của VN, tập Đại Nam Nhứt Thống Chí và Lịch triều Hiến Chương Loại Chí (phần Dư Địa Chí) của Phan Huy Chú, dẫn từ sách Dư Địa Kỳ Thắng của Trung Hoa cũng viết tương tự :
Ranh giới Nam và Bắc thuộc vùng biên giới trấn An Quảng xưa có núi Phân Mao[10].
Như thế biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được xác định bằng ngọn núi Phân Mao. Núi này chính xác ở đâu ?
Theo Ðại Thanh Nhứt Thống Chí :
Phân Mao Lĩnh 分茅嶺 ở động Cổ Sâm, về phía Tây huyện đường Khâm Châu, cách 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam…
Bộ địa chí thời Minh, Gia Khánh Trùng Tu Nhứt Thống Chí, cũng mô tả biên giới hai bên trong khu vực với nội dung tương tự. Theo Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi : núi Phân Mao ở về phía tây lộ Hải Đông, cách khoảng 300 dặm. Nơi đây có kim tiêu, quen gọi là cột đồng Mã Viện.
Tương truyền trên đỉnh núi Phân Mao có thứ cỏ tranh, do ảnh hưởng của khí hậu và địa thế, ngọn cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân Mao, nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng.
Đại Việt Sử Ký Toàn thư cũng ghi : Cột đồng Đông Hán do Mã Viện dựng ở động Cổ Lâu thuộc Châu Khâm.[11]
Như thế, sử liệu Trung Quốc và Việt Nam cùng thống nhứt ở hai điểm : 1/ biên giới hai nước là núi Phân Mao, nơi có trụ đồng Mã Viện. 2/ vị trí của núi Phân Mao : núi Phân Mao thuộc động Cổ Sâm, huyện Khâm Châu. Khâm Châu hiện nay trên bản đồ ghi là Quizhou, cách Móng Cái khoảng 120km về hướng đông bắc.
Ðại Thanh Nhứt Thống Chí mô tả địa lý Khâm Châu như sau :
Huyện Khâm Châu 嶔州, thuộc phủ Liêm Châu 廉州俯. Biên giới Việt Nam cách huyện đường 300 dặm theo hướng Tây và cách 240 dặm theo hướng Tây Nam. Dân chúng sống ở Liêm Châu gồm có dân tộc Dao 搖 và dân tộc Choang (Tchoang)[12].
Theo bản đồ các nhà truyền giáo Jésuites, tọa độ Khâm Châu : vĩ độ 21° 54’ và kinh độ 106° 07’ 45’’, cách phủ Liêm Châu 180 dặm về phía Tây thiên Bắc.[13]
Huyện Khâm Châu có các rặng núi ở kế cận (hay ở trên vùng) biên giới Việt-Trung :
Rặng La Phù Sơn 羅桴山, cách huyện Khâm Châu 65 đến 95 dặm theo hướng tây bắc. Rặng núi Thập Vạn Sơn 十萬山, cách huyện Khâm Châu 200 dặm về phía tây bắc. Rặng núi này là ranh giới giữa huyện Khâm Châu với châu Thiên Tư. Châu Thiên Tư cách dải núi nầy 80 dặm. Có đến cả trăm con suối bắt nguồn từ Thập Vạn Sơn (là phần nối dài của rặng Ba Dương Lĩnh 筢羊嶺). Dải núi Ba Dương Lĩnh giáp châu Tư Lăng 陵州 ở phía Tây, dải núi này có tới hơn 400 đỉnh, cao thấp chập chùng. Sông Ná Lãng (Ná Lãng Giang 那浪江), cũng như sông Minh Giang 明江 thì cùng bắt nguồn tại đây[14].
Dải núi Vương Quang Sơn 王光山, cách huyện đường Khâm Châu 170 dặm về hướng tây bắc, chắn ngang rặng Thập Vạn Sơn[15]
Ngọn Mặc Mạt Sơn 墨抹山 cách Khâm Châu 100 dặm về hướng Tây Nam. Sông Phụng Hoàng bắt nguồn tại đây[16].
Để xác định « vùng biên giới » giữa hai nước, điều cần thiết là xác định lại vị trí các dảy, hay các ngọn núi đã dẫn từ các tài liệu trên.
Ngoài ra, xưa nay, biên giới hai bên Việt-Trung luôn được xác định bằng các cửa ải và những con sông. Theo Đại Thanh Nhứt Thống chí, Huyện Khâm Châu có các của ải :
Ải Ná Tô 那蘇隘 (hay Na Tô Ải), ở phía Tây Nam huyện Khâm Châu.
Ải Nhẫm Quân 稔均隘 , cách ải Ná Tô 70 dặm về hướng Ðông Nam.
Ải Ná Long 那隆隘 (hay Na Long Ải), cách ải Ná Tô trên 10 dặm về phía Ðông.
Cả ba ải này đều thông thương sang Việt Nam[17].
Huyện Khâm Châu có các con sông, suối ở kế cận hay ở trên đường biên giới :
Sông Thiếp Lãng (Thiếp Lãng Giang 貼朗江), cách Khâm Châu 240 dặm, chảy theo đường biên giới Việt Nam[18]. Theo Ðại Thanh Hội Ðiển Ðồ (DTHHD), quyển 122, tờ thứ 26, sông nầy bắt nguồn từ những ngọn núi về phía Tây Bắc huyện Khâm Châu.
Kết luận lại, hồ sơ của ông Dillon đã viết đúng : biên giới VN và TQ, theo địa chí Trung Hoa, thì ở Long Môn.
5. Biên giới khu vực theo công ước 1887
Biên bản phân định biên giới ngày 29 tháng 3 năm 1887 nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch sang tiếng Việt như sau :
« Ủy ban phân định biên giới công nhận rằng từ Trúc Sơn 竹山, thuộc Trung Hoa, đường biên giới theo dòng sông, hướng Ðông sang Tây, cho đến Móng Cái – Ðông Hưng 東興. Ðường trung tuyến của dòng sông được dùng làm ranh giới và chia các khu vực La Phù Ðộng 羅浮峒, Ðông Hưng 東興 v.v.. thuộc Trung-Hoa với các khu vực Ngũ Sĩ 伍仕, Móng Cái v.v… thuộc An Nam.
Từ Móng Cái – Ðông Hưng đến Bắc Thị 北市 – Gia Long 加隆: đường biên giới khá quanh co, có hướng chung Bắc đến Bắc Tây Bắc và theo trung tuyến của dòng sông, phân chia những vùng Na Chi 那芝, Ka Long v.v... thuộc về Trung Hoa những vùng Thác Lãnh 托嶺, Nam Lý 南里, Bắc Thị v.v... thuộc An Nam.
Từ Bắc Thị - Gia Long đường biên giới theo trung tuyến sông Gia Long, là một phụ lưu tây ngạn của sông Bắc Thị 北市江, có độ dài khoảng chừng 30 lí (mỗi lí là 561 thước), và khi vượt ra ngoài 30 lí đường biên giới rời sông, theo đường thẳng trực tiếp để đến điểm cách Ðộng Trung 峝中村 3 lí về hướng Bắc, tức điểm được đánh dấu A (甲) trên bản đồ số 1. Ðường biên giới chia cho Trung Hoa các vùng Lãnh Hòa 嶺懷, Phi Lao 披勞, Bản Hưng 板興 v.v… và một ngọn núi mang tên Phân Mao Lĩnh 分茅嶺, núi này ở phía Ðông Nam của Bản Hưng 板興 và dựa lên đường biên giới. Các vùng Ná Dương 那陽, Ðộng Trung 峝中 và những nơi khác thì thuộc về An Nam.
Từ điểm A, đường biên giới đi về hướng ải Bắc Cương 北崗隘 (Bắc Cương Ải), núi Phái Thiên 派遷山 (Phái Thiên Sơn), cách làng Bình Liêu 平寮村 của An Nam khoảng 30 lí theo đường thẳng. Ðường biên giới chia các cửa biên giới Ná Quang 那光卡 (Ná Quang Ca), Bản Thôn 板吞卡 (Bản Thôn Ca) v.v... cho Trung Hoa và các vùng Na Dương 那陽, xã Trình Tường 呈祥社 v.v… cho An-Nam. »
Trong công ước 1887 phía người Hoa chấp nhận đường biên giới đi qua núi Phân Mao[19]. Nhưng đến khi ra phân giới trên thực địa, phía người Hoa lập mưu, chỉ vào một trái núi ở Động Trung, tạo dựng đền thờ Mã Viện giả, cho rằng đó là núi Phân Mao. Đường biên giới bị dời xuống phía nam đến 40km. Ông Chiniac De Labastide, chủ tịch ủy ban phân giới 1890-1892 đề nghị Toàn Quyền Pháp ký lại công ước nhưng không thành công. Việt Nam bị mất đất rất nhiều ở vùng này (khoảng 4.000km²).
[1] Xem giới thiệu của dịch giả.
[2] Hồ sơ phân định biên giới 1886-1894, CAOM mã số Indo, GGI, số thùng carton : 65353, 65354, 65355, 65356, 65357, 65358, 65359, 65360.
[3] Theo thống kê năm 1891 của Cao Ủy Bắc Kỳ, Hải Ninh gồm có hai châu Hà Cối, Tiên Yên. Châu Hà Côi gồm có các tổng Ninh Hải, Vạn Ninh, Hà Môn, Bát Trang. Châu Tiên Yên có các tổng Hà Thanh, Đôn Đạt, Kiến Duyên, Hậu Cơ, Bắc Lăng. Vạn Xuân là tên một làng thuộc tổng Vạn Ninh (gồm có các làng Vạn Xuân, Xuân Lạng, Xuân Ninh, Ninh Dương, Vạn Ninh, Đoan Tĩnh, Phục Thiên và Hòa Lạc. Hòa Lạc là tên nguyên thủy của Móng Cái).
[4] Điều đáng tiếc là bộ địa chí Đồng Khánh vừa xuất bản lại không ghi các chi tiết này. Thậm chí Hòa Lạc (tức Móng Cái) bị tập sử này ghi là « xiêu tán », tương tự nhiều địa danh khác ! Có thể các năm đó phố Hòa Lạc chỉ có dân Hoa sinh sống (tương tự Kỳ Lừa, Lạng Sơn) nhưng không thể ghi sơ suất như thế được. Xiêu tán là không còn nữa. Xem ra tài liệu do người Pháp sưu tập về biên giới còn đầy đủ hơn bất kỳ bộ địa chí nào của Việt Nam.
[5] Xem thêm bài viết của cùng tác giả : http://nhantuantruong.blogspot.fr/2013/11/viet-nam-co-mat-at-mat-bien-qua-hai.html
[6] Xem thêm bài viết của cùng tác giả https://www.facebook.com/notes/nh%C3%A2n-tu%E1%BA%A5n-tr%C6%B0%C6%A1ng/t%C3%ACm-hi%E1%BB%83u-nguy%C3%AAn-nh%C3%A2n-m%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A5t-t%E1%BB%A5-long-v%C3%A0o-tay-trung-qu%E1%BB%91c-qua-c%C3%A1c-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-ph%C3%A1p-t/351606381546377
[7] Xem thêm bài viết của cùng tác giả http://nhantuantruong.blogspot.fr/2013/02/bien-gioi-viet-trung-vung-quang-ong-hai.html
[8] Bản dịch của ông Devéria, Ðại Thanh Nhứt Thống Chí 大清一統志 (500 quyển, in năm 1764 theo lệnh của vua Càn-Long), trong quyển La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique (d’après les documents officiels traduits pour la première fois), do l’Ecole des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris năm 1886.
[9] ÐTNTC, tờ 8 và tờ 15, sdd.
[10] Sử Liệu về Biên Giới Ta Và Tàu Từ Ðời Nhà Lý Cho Tới Ðầu Thời Pháp Thuộc. Tác giả Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng. NXB Mai Hiên, PO BOX 1061 Campell, CA, 95009, không đề năm xuất bản.
[11] Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, trong bài « Từ cửa Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và núi Phân Mao ».
[12] DTNTC. Sdd.
[13] Devéria. La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphiquêt ethnographique (d’après les documents officiels traduits pour la première fois), do l’Ecole des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris năm 1886.
[14] ÐTNTC, sdd, quyển 364, tờ 3.
[15] ÐTNTC, sdd, q 364, tờ 5.
[16] Idem.
[17] ÐTNTC, sđd, q 348, tờ thứ 10.
[18] ÐTNTC, sđd, q 348, tờ thứ 9.
[19] Đường biên giới lý ra phải qua núi Phân Mao, nhưng vì phía người Hoa lập mưu, tạo dựng một trái núi Phân Mao giả (và đền thờ Mã Viện giả), đường biên giới bị dời xuống phía nam đến 40km. Ông Chiniac De Labastide, chủ tịch ủy ban phân giới 1890-1892 đề nghị Toàn Quyền Pháp ký lại công ước nhưng không thành công. Việt Nam bị mất đất rất nhiều ở vùng này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.