mardi 17 février 2015

Lời công đạo cho Võ Văn Minh.

Tin tức báo chí cho biết mẹ của ông Võ Văn Minh, một bên trong vụ chai nước có con ruồi của THP, vừa mới bán đàn vịt 30 con lấy tiền để lo luật sư. Tôi cứ nghĩ là 30 con bò. Vì đàn vịt 30 con chưa chắc đã đủ cho bà tiền xe để thăm nuôi ông Minh, nói chi tiền cho luật sư. Phía THP, mạnh vì gạo bạo vì tiền, bao giàn tất cả, từ công an, cơ quan thanh tra, viện kiểm sát v.v… cho đến các cơ quan truyền thông. Ở đâu cũng thấy đăng bài viết, tài liệu nhằm kết tội Võ Văn Minh. Kết quả « kiểm tra » của sở Y Tế được công bố hôm trước đã bảo kê phẩm chất của sản phẩm  THP. Học giả hải ngoại, (qua một bài viết đăng trên Dân Luận), cũng đứng về phía THP, dùng luật nước Mỹ để « kết án » Võ Văn Minh. Số phận của Võ Văn Minh dường như đã được « nhà nước » an bài. Dư luận phản đối, phần nhiều ở cái cách đối xử của THP, chứ ít người quan tâm đến vấn đề pháp lý. Cuộc chiến (pháp lý) giữa hai bên thật không cân sức.

Hành vi của Võ Văn Minh « đe dọa cho in 5.000 tờ rơi và đưa lên báo chí » để tố cáo chai nước « Number One » của THP có con ruồi bị công an (và các cơ quan thanh tra tỉnh Tiền Giang) kết vào tội « cưỡng đoạt tài sản », theo điều 135 bộ Luật Hình Sự. Võ Văn Minh có thể bị kết án đến 20 năm tù và tịch biên gia sản.

Bài viết này thử phân tích và phản bác lý lẽ của bài viết của học giả trên Dân Luận, đồng thời nói lên một lời « công đạo » cho ông Võ Văn Minh, người nông dân trên răng dưới dế. Biên bản do bên THP đưa ra, trong đó thấy ghi anh này đòi trả 1 tỉ. Cả đời làm ruộng, chăn vịt của anh chưa chắc đã có được số tiền này. Con số này đến từ hành vi có ý thức, hay do sự « sáng tạo » của một bên ? Chưa có một tin tức nào về « lời khai » của anh trước công an.
Về tội « tống tiền » :

Học giả hải ngoại, qua bài viết trên Dân Luận nói trên, kết Võ Văn Minh vào tội « tống tiền – extorsion ». Ông này viết :

« Luật các nước (và VN) nói rất rõ: hăm dọa để ép kẻ khác làm một việc thiệt hại cho họ, tức là tống tiền. »    

Tác giả viết « luật VN nói rất rõ », nhưng nói ở đâu, luật nào ?

Trên quan điểm « pháp trị - rule of law », một người chỉ có thể bị truy tố về những điều mà hắn ta vi phạm. Tức là không thể kết tội một người, cho dầu hắn ta làm những điều chướng tai gai mắt, nếu những điều này không vi phạm pháp luật (không phạm luật thì vô tội). Tác giả viết :

« Có người bảo việc tố cáo THP ra trước công luận mà anh Minh hăm dọa là hoàn toàn hợp pháp, do đó không thể coi là tống tiền. Điều đó cũng không quan trọng, dù việc đe dọa sẽ làm hợp pháp hay không thì bản chất vẫn là sự hăm dọa. »

Hình luật của VN không có điều luật nào liên quan đến việc « hăm dọa ». Hình luật VN cũng không có tội danh nào gọi là « tống tiền ».

Giả sử rằng hành vi của Võ Văn Minh được xếp vào loại « hăm dọa » và « tống tiền ». Vậy sẽ luật pháp VN sẽ phải kết y ta vào tội nào ?

Không có luật thì làm sao kết tội ?

Tác giả viết :

« cứ hăm dọa để hưởng lợi là tống tiền rồi, không cần biết bên kia có lỗi hay không »

Kể cả trong hình luật của Pháp hay Mỹ, cũng không phải cứ « hăm dọa để hưởng lợi » là phạm vào tội « tống tiền ». Tội danh nào cũng vậy, luôn kèm theo các một số điều kiện. Chỉ khi hội đủ các điều kiện mới có thể kết thành tội.

Tác giả viết :

“Có người bảo hăm dọa phá hoại, dùng võ lực thì khác với hăm dọa công bố ra báo chí. Điều đó cũng không quan trọng: hễ cứ hăm dọa gây thiệt hại, bất cứ thiệt hại cơ thể, tiền bạc, uy tín... là đều sa vào tội tống tiền.”

Tội « tống tiền » không hiện hữu trong hình luật của VN. Giả sử tác giả muốn xử Võ Văn Minh theo luật của Pháp hay Mỹ.

Muốn vậy, trước tiên tác giả phải chứng minh phía THP bị « thiệt hại ». Mà điều này thì chưa chắc tác giả đã làm được. Khi hai bên đều có lợi, tức không có ai bị thiệt hại. « Vụ án » không có nạn nhân, thì kết tội ai ?  
Về « ngôn từ », tội « tống tiền » tương ứng với « chantage », theo điều 312-10 trong « Code Pénal – luật Hình sự » của Pháp :

« Le chantage est le fait d'obtenir, en menaçant de révéler ou d'imputer des faits de nature à porter atteinte à l'honneur ou à la considération, soit une signature, un engagement ou une renonciation, soit la révélation d'un secret, soit la remise de fonds, de valeurs ou d'un bien quelconque ».
Tạm dịch : tống tiền là hành vi (thụ đắc), bằng cách đe dọa tiết lộ hay qui trách những sự kiện làm tổn thuơng đến danh dự hay uy tín, (để đạt được) hoặc là một chữ ký, lời cam kết hay từ khuớc, hoặc tiết lộ sự bí mật, hoặc bằng tiền mặt, các vật có giá trị hay tài sản bất kỳ.

Còn tội « cưỡng đoạt tài sản » tương ứng với « extorsion », theo điều 312-1 :

« L'extorsion est le fait d'obtenir par violence, menace de violences ou  contrainte soit une signature, un engagement ou une renonciation, soit la révélation d'un secret, soit la remise de fonds, de valeurs ou d'un bien quelconque. »
Tạm dịch : Tống tiền là hành vi (thụ đắc) bằng vũ lực, bằng đe dọa vũ lực hay bằng sự ép buộc, (để đạt được) hoặc một chữ ký, lời cam kết hay từ khuớc, hoặc tiết lộ sự bí mật, hoặc bằng tiền mặt, các vật có giá trị hay tài sản bất kỳ. Tống tiền bị (luật pháp) trừng phạt 7 năm tù và 100.000 euros tiền phạt.

Còn luật Mỹ thì sao ?

Hình luật ở Mỹ, tùy theo các tiểu bang, tội « extortion » có thể định nghĩa khác nhau.

Most states define extortion as the gaining of property or money by almost any kind of force, or threat of 1) violence, 2) property damage, 3) harm to reputation, or 4) unfavorable government action. - See more at: http://criminal.findlaw.com/criminal-charges/extortion.html#sthash.vhKQ3ubd.dpuf

Theo đó, bị buộc tội « extortion » khi hành vi có bao hàm các yếu tố: 1/ sử dụng vũ lực, 2/ làm tổn hại tài sản của nạn nhân, 3/ ảnh hưởng danh tiếng nạn nhân, 4/ gây bất lợi (cho nạn nhân) trong việc lãnh đạo.

Hành vi của ông Minh « cho in 5.000 tờ rơi và công bố trước báo chí việc chai nước THP có con ruồi » có thể qui vào đâu trong các khoản trên ? làm tiêu hao tài sản? làm ảnh hưởng đến danh tiếng nạn nhân ? làm trở ngại cho công việc làm ăn của THP ?

Theo tôi, khi sản phẩm của THP “có con ruồi” thì việc kinh doanh của THP đã có vấn đề. Sản phẩm (mất vệ sinh) của THP ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, danh tiếng cũng như hoạt động thuơng trường của THP.

Nói rằng hành vi của ông Minh có ảnh hưởng đến (tài sản, thanh danh cũng như việc kinh doanh) của THP là không ổn. Sản phẩm (mất vệ sinh) của THP làm cho danh tiếng, hoạt động thuơng trường (kéo theo vấn đề thu nhập) của THP bị ảnh hưởng chớ không phải ông Minh.

Nội dung biên bản được THP công bố, rõ rệt: ông Minh và THP thuơng lượng với nhau về số tiền để việc “chai nước có con ruồi” công bố hay không trước công luận.

Nếu đem Võ Văn Minh qua xử bên Pháp, trước tòa, ông Minh sẽ không có tội « extorsion – cưỡng đoạt tài sản ». Đơn giản vì hành vi của ông Minh, ghi theo biên bản của THP (cần phải kiểm chứng lại), « cho in 5.000 tờ rơi và công bố trước báo chí việc chai nước THP có con ruồi » không có âm hưởng gì của bạo lực, hay đe dọa bạo lực. Cũng không có dấu vết nào của sự « ép buộc - contrainte ». Người ta định nghĩa sự « ép buộc » là bị cưỡng bức hành động, tức mất tự do trong hành động. Các đại diện của THP (khi gặp để thuơng lượng với ông Minh) không hề bị mất tự do trong các quyết định của mình.

Võ Văn Minh cũng khó có thể qui vào tội « tống tiền – chantage ». THP muốn « mua » sự im lặng. THP cần ém nhẹm việc mất vệ sinh trong sản phẩm của mình. Khi hai bên cùng có lợi thì không thể gọi là « tống tiền », mà phải gọi là « mua bán ». Vấn đề là hành vi « mua bán » này có phạm luật hay không.

Điều dĩ nhiên là tội phạm gây ở đâu thì xử theo luật ở đó. Muốn biện hộ hay kết tội cho ông Minh đều phải sử dụng luật VN. Người ta có thể đối chiếu hay so sánh luật nước này với nước kia, nhưng không thể áp dụng luật nước này để xử một người phạm tội ở nước khác.
Tác giả bài viết muốn lấy luật của Mỹ để xử ông Minh, lấy luật Mỹ để phản bác các lý lẽ bênh vực ông Minh. Điều này dĩ nhiên là không hợp cách (ngụy biện).
Điều 135 bộ Luật Hình sự.

Hình luật VN không có điều nào nói về tội “tống tiền - chantage”, mà chỉ nói đến tội « cưỡng đoạt tài sản - extorsion » :

« Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. »

Điều 135 BLHS của VN khá giống với điều 312-1 của bộ « Luật hình sự - Code pénal » của Pháp, đặt căn bản của hành vi phạm tội trên việc sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực.

Hành vi của ông Minh có thể qui vào điều 135 BLHS hay không ?

Báo Tuổi Trẻ vừa qua có nhắc lại vụ án « khách hàng – nạn nhân » của THP năm 2011. Nội dung bản án được ghi lại như sau :

« Bản án sơ thẩm ngày 17-8-2011 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp nhận định: “Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bởi lẽ bị cáo đã uy hiếp tinh thần của người bị hại bằng thủ đoạn đe dọa sẽ đưa thông tin chai trà thảo mộc Dr Thanh bị lỗi lên các phương tiện thông tin đại chúng để hạ bệ công ty nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của Công ty Tân Hiệp Phát và bị cáo đã nhận 35 triệu đồng”.
Từ những nhận định trên, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Gò Vấp tuyên phạt anh C.H. 1 năm tù. »
Trường hợp khác, tương tự, năm 2012, “khách hàng – nạn nhân” bị phạt tù 3 năm. Các trường hợp này không khác trường hợp của Võ Văn Minh. Chỉ khác ở mức độ, một bên đòi 35 triệu, 50 triệu và  500 triệu.

Phán quyết của Tòa ghi trên đã dựa lên điều 135 BLHS. Phán quyết này có thể trở thành một “án lệ”, có thể áp dụng cho trường hợp Võ Văn Minh.

Phán quyết này theo tôi là sai, ít ra ở hai điểm.

1/ « bị cáo đã uy hiếp tinh thần của người bị hại. »

Người bị hại ở đây là THP.

Điều này không đúng, THP không hề “bị hại”. Phía THP và bị cáo, cả hai cùng có lợi trong vụ giao dịch (mua bán sự im lặng). Người bị hại thực sự trong vụ này (mà tòa không nhắc tới) là phía người tiêu dùng. Sự giao dịch của hai bên (ém nhẹm sự kiện thức uống của THP mất vệ sinh) đe dọa sức khỏe của đại chúng.

THP là một công ty sản xuất thức uống, có tư cách pháp nhân, tức là có quyền lợi và trách nhiệm trước pháp luật. Tư cách “pháp nhân” được định nghĩa theo Chương IV, mục 1 trong Bộ Luật Dân sự.

THP không phải là một « thể nhân », tức không phải là con người.

THP không phải là con người thì làm sao có « tinh thần », « tình cảm » hay « lý trí » ?

Không có tinh thần thì làm sao bị « uy hiếp » ?

Nội dung điều 135 gồm hai phần :

« Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. »

Hai phần đó là :

a) « Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

b) "Người nào có thủ đoạn (khác) uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. »

Tòa cho rằng THP bị « uy hiếp tinh thần » là không đúng với thực tế pháp lý.

Đại diện THP, người thuơng lượng với bị cáo, ban giám đốc THP là các « thể nhân » đại diện cho công ty THP. Những người này hoàn toàn tự do trong mọi quyết định của mình.

2/ « bằng thủ đoạn đe dọa sẽ đưa thông tin chai trà thảo mộc Dr Thanh bị lỗi lên các phương tiện thông tin đại chúng ».

Hành vi « đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông » không phải là « thủ đoạn ». Ở đây là “mua bán sự im lặng”. Mua, bán vì hai bên cùng có lợi. Bên bị thì được tiền. Bên THP thì ém nhẹm được tin tức bất lợi cho việc kinh doanh. Hai bên đều tự chủ trong quyết định của mình.

Gọi là « thủ đoạn », là đe dọa (bằng vũ lực) khi khách hàng là tác nhân, hoặc là nguyên nhân (uy hiếp tinh thần THP). Như khách hàng cầm súng dí vào đầu ông chủ THP, hoặc khách hàng mở nắp chai bỏ con ruồi vào trong chai nước v.v…

Vài thí dụ để « minh họa » :

Sử dụng một clip sex, một tấm hình chụp lén… sau đó đòi nạn nhân đưa tiền để chuộc cái clip hay tấm hình này. Nếu nạn nhân không trả tiền thì tung cái clip (hay tấm hình) này ra trước công chúng. Nạn nhân dĩ nhiên sẽ rất đau khổ và lo sợ (khủng hoảng tinh thần, tinh thần bị uy hiếp) vì hạnh phúc gia đình có thể đổ vỡ, công ăn việc làm có thể bị tổn hại, danh tiếng có thể bị hoen ố... Những hình ảnh trong tấm hình (hay trong clip) hoàn toàn thuộc phạm vi đời tư cá nhân. Chụp hình lén, thâu hình lén… là một thủ đoạn.

Tôi vào một nhà hàng (nổi tiếng) gọi một bữa ăn. Thức ăn được bồi bàn dọn lên. Khi ăn tôi phát hiện ra rằng trong một dĩa thức ăn có con gián. Tôi gọi người quản lý đến để phàn nàn. 100% trường hợp xảy ra là người quản lý sẽ rối rít xin lỗi tôi, sau đó kêu bồi bếp làm cho tôi một bữa ăn miễn phí, thịnh soạn hơn nhiều lần, rồi cam kết với tôi và « sự cố » này sẽ không bao giờ xảy ra trong nhà hàng này nữa. Nếu tôi thông cảm, tôi có thể bỏ qua, nhưng không ai cản việc tôi báo cho Nha Vệ sinh tình trạng bê bối của nhà hàng này. »

Gọi là « thủ đoạn » khi tôi bỏ con gián vào trong thức ăn.

Gọi là « thủ đoạn » khi ông Minh bỏ con ruồi vào trong chai nước.

Kết quả giám định (đã công bố) không nói đến việc này. Tức là hành vi gọi là « thủ đoạn » của ông Minh chưa được chứng minh.

Nếu áp dụng một cách máy móc tội « tống tiền » (tạm cho rằng tội này tương đương với tội cưỡng đoạt tài sản), như tác giả bài viết trên Dân Luận, thì việc có bỏ con ruồi hay không bỏ con ruồi vào trong chai nước tội phạm cũng như nhau.

Pháp luật như vậy có kẻ hở, công lý như vậy là phi lý phải không ?.

Khi biết sản phẩm « có lỗi », đại diện THP đã có lo ngại rằng vụ việc sẽ lên báo chí. Tức là THP sợ khách hàng đem chai nước đi công bố trước báo chí.

Ai là « tác nhân » « uy hiếp tinh thần » ban đại diện THP ? Là chai nước có lỗi hay là khách hàng ?

Là chai nước. Bởi vì, nếu chai nước không có lỗi thì THP đâu có lo việc khách hàng đưa nó ra trước công chúng ?

Vì thế phán quyết của Tòa kết tội khách hàng « dùng thủ đoạn đe dọa » là sai.

Một vấn đề hoàn toàn thuộc phạm vi dân sự.

Theo biên bản « gây sốc » mà phía THP đã công bố, ta thấy hai bên Võ Văn Minh và THP ngồi lại với nhau thuơng lượng về số tiền để phía Võ Văn Minh giữ im lặng. Việc thuơng lượng được ghi lại bằng văn bản.

Việc này thuộc phạm vi dân sự, được định nghĩa là “giao dịch dân sự”, theo Chương VI của bộ Dân luật.

Hành vi của ông Minh (dọa cho in 5.000 tờ rơi hay đưa ra báo chí) không thể đánh đồng với hành vi “đe dọa” theo điều 135 bộ Luật Hình Sự mà phải xét theo điều 132 bộ Luật Dân Sự.
Điều 132 BLDS :

Trích:

“Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa.
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.”

Hết trích.

Nếu cho rằng hành vi dọa cho in 5.000 tờ rơi hay đưa ra báo chí của Võ Văn Minh là “đe dọa” thì nó chỉ có ý nghĩa giới hạn trong phạm vi dân sự. Hệ quả (nếu có) của nó là làm vô hiệu kết ước dân sự (giữa hai bên), chứ không thuộc phạm vi hình sự.

Mặt khác, điều 23, khoản 1 Luật « Bảo Vệ Người Tiêu Dùng », nói về « trách nhiệm bồi thường » (của THP). Các điều 31, 32 nói về thủ tục thuơng lượng (để bồi thường).

Không có điều luật nào cấm « mua bán sự im lặng ». Không có luật thì không phạm luật.
Tức là việc « thuơng lượng » để « mua bán sự im lặng » giữa ông Minh và THP là không phạm luật.

Vì vậy việc tạm giam ông Võ Văn Minh là không phù hợp với pháp luật.

Kết luận :

Nếu xét về tội, cả hai bên, THP và khách hàng, đáng lẽ trước luật pháp là phạm luật (tác nhân và đồng lõa trong vấn đề ém nhẹm thông tin quan hệ đến vệ sinh, an toàn thực phẩm). Nhưng Hình luật VN lại không ghi việc này.

Điều 308 BLHS nói về việc không khai báo, nhưng lại loại từ điều 135.

Ta thấy luật lệ VN nhiều như rừng nhưng ai cũng nói hệ thống pháp luật VN chỉ xài « luật rừng ». Nạn nhân của hệ thống pháp lý này kể ra không hết. Là một chuyện, nhưng « rừng luật » của VN còn lắm kẻ hở. Các vụ thụt két khổng lồ ở các nhà băng, vụ phá sản ở các công ty nhà nước, bong bóng bất động sản, tư bản đỏ… là hệ quả của các kẻ hở trong luật.

Vụ « con ruồi » kỳ này hy vọng một số điều luật ở VN sẽ được xem xét lại. Bởi vì, nếu ai cũng ôm chai nước có con ruồi đi đòi tiền (bao nhiêu cũng được), hay vệ sinh thực phẩm chỉ là chuyện nhỏ vì đồng bạc xé toạt tờ giấy thì xã hội bất an ngay lập tức.

Nhưng trước hết là số phận anh nông dân Võ Văn Minh.

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Quế, nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao, cho rằng “Chưa đủ cơ sở để khởi tố ông Võ Văn Minh”. Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến này. Nội dung ý kiến của ông Đinh Văn Quế ghi trên Tuổi Trẻ:

Trích:

“Trong trường hợp của ông Võ Văn Minh ở Tiền Giang, nếu ông này cố tình bỏ ruồi vào chai nước để tống tiền Công ty Tân Hiệp Phát thì mới bị coi là hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Còn nếu con ruồi trong chai nước không phải ông Minh bỏ vào, mà đúng là do lỗi của Tân Hiệp Phát thì việc ông Minh yêu cầu bồi thường không bao giờ là tội phạm cả.
Ông Minh yêu cầu bồi thường 1 tỉ hay 10 tỉ đồng đi nữa là chuyện của ông Minh. Tân Hiệp Phát cử người đàm phán với ông Minh, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng cũng là chuyện thỏa thuận giữa hai bên.
Điều này còn có thể hiểu là Tân Hiệp Phát ngầm thừa nhận sản phẩm của mình có vấn đề. Nếu Tân Hiệp Phát báo cho công an bắt ông Minh thì rõ ràng là Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận.
Đừng nghĩ rằng 500 triệu hay 1 tỉ đồng là lớn. Trên thế giới không hiếm những vụ khách hàng phát hiện dị vật trong thức ăn, nước uống, sau đó kiện nhà hàng đòi hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.
Việc đại diện Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng là một thỏa thuận dân sự. Giả sử ông Minh không báo cho Tân Hiệp Phát mà cung cấp chai nước có ruồi cho công an hoặc cho báo chí thì sự việc sẽ ra sao?
Chưa chừng thiệt hại còn lớn hơn số tiền 500 triệu đồng mà Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận đưa cho ông Minh.
Theo tôi, nếu Tân Hiệp Phát thấy rằng ông Minh là kẻ hám lợi, không thể chấp nhận những đòi hỏi quá đáng thì hai bên kiện nhau ra tòa án để giải quyết. Còn như báo công an để bắt ông Minh là không ổn cả về mặt pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh.
Ở đây, Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng, ông Minh cũng đồng ý với số tiền đó. Vậy thì làm gì có dấu hiệu của tội phạm? Chúng ta có thể chê trách ông Minh là người tham lam, nhưng cơ chế thị trường là vậy. Lòng tham của ông Minh bị xã hội lên án.
Việc còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là không biết trong chai nước có ruồi do quá trình sản xuất hay do ông Minh cố tình bỏ vào, còn phải chờ điều tra làm rõ, nhưng cơ quan chức năng đã bắt tạm giam, khởi tố ông Minh về tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo tôi là chưa đủ cơ sở, còn quá vội vàng.”

Hết trích.

Vì vậy, theo tôi, điều cần thiết và cấp bách là cơ quan hữu trách phải thả Võ Văn Minh để y về ăn tết với mẹ già. Đó là vấn đề không chỉ thuộc phạm vi pháp lý mà còn là vấn đề của lương tâm và đạo đức.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.