1/ Về ngôn từ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã « giải
phóng » hay « giành quyền kiểm soát » Trường Sa ?
Báo chí trong nước, từ nhiều năm nay, vẫn luôn đăng
tải bài viết về kế hoạch « giải phóng » Trường Sa của đại tướng Võ
Nguyên Giáp. Năm nay vẫn không ngoại lệ. Theo đó ta biết rằng kế hoạch của Võ
Nguyên Giáp « giải phóng Trường Sa » qua văn thư số 990B/TK của ông gởi
Võ Chí Công và Chu Huy Mân ngày 4-4-2014. Mọi người có thể kiểm chứng ở các báo
mạng Công an Nhân dân, Vnexpress, vietnamnet, doisongphapluat…
Bài phỏng vấn mở đầu bằng câu « Tháng Tư năm
nay đánh dấu 40 năm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch giành quyền
kiểm soát quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông từ tay chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa. »
Thạc sỹ Hoàng Việt trả lời rằng : « Ngay
từ trước đây báo chí đã đưa tin theo hướng là phe
ta đã tấn công Việt Nam Cộng hòa và giành quyền kiểm soát Trường Sa. »
Như vậy giữa hai bên : báo chí trong nước,
với BBC và TS Việt, đã có sự khác biệt trong việc sử dụng ngôn từ. Báo chí
trong nước gọi ngày 4-4-1975 là ngày « giải phóng Trường Sa ». BBC và
TS Việt gọi là ngày « phe ta đã tấn công Việt
Nam Cộng hòa và giành quyền kiểm soát Trường Sa ».
Người ta gọi hành vi « giải phóng » (một
nhóm dân chúng, một vùng lãnh thổ) là hành vi giải thoát nhóm dân chúng (hay
vùng lãnh thổ) đó thoát khỏi sự thống trị của ngoại bang (hay sự kềm kẹp của
một thế lực bạo tàn phi chính thống). Từ « giải phóng » là một ngôn
từ chính trị, phân biệt rạch ròi địch - ta, chính – ngụy. Hành động
« giành quyền kiểm soát » chỉ nói lên một cách chung chung sự xung
đột (quân sự) của hai phe để tranh giành kiểm soát một vùng lãnh thổ (hay một
nhóm dân chúng).
Sự khác biệt về cách sử dụng ngôn từ phản ảnh hai
cách nhận thức về một sự việc.
Nhận thức của báo chí trong nước phản ảnh nhận
thức chung của chế độ. Nhà nước CSVN hiện nay, sau 40 năm, vẫn còn « hồ hởi »
ăn mừng « giải phóng Trường Sa », vẫn còn xem các chiến sĩ VNCH đóng
giữ ngoài các đảo TS là « ngụy », một lực lượng « bù nhìn »,
tay sai cho ngoại bang.
Tôi nghĩ rằng nhận thức này sẽ là một bằng chứng giá
trị cho phía Trung Quốc.
Cho rằng VNCH là một thực thể bù nhìn, ngụy, tay
sai ngoại bang thì thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ của VNCH tại Hoàng Sa,
Trường Sa cũng như lãnh thổ miền Nam VN (dưới vĩ tuyến 17) là không có giá trị
pháp lý (bất hợp pháp). Những hành vi « tuyên bố chủ quyền »,
« khẳng định chủ quyền »... của VNCH tại HS và TS sẽ không có giá trị
pháp lý và lịch sử.
Tập hồ sơ « Sách trắng » về chủ quyền
của VN tại HS và TS (do bộ Ngoại giao xuất bản) do đó phải đặt lại toàn bộ. Trên
mọi phương diện, từ lịch sử đến pháp lý, tất cả những gì dính líu với VNCH (trong
tập tài liệu đó) đều phải lấy ra hết. Việc kế thừa của VNCH ở các vùng lãnh thổ
HS và TS từ các nhà nước phong kiến và nhà nước bảo hộ Pháp, cũng sẽ không còn
ý nghĩa trước pháp luật.
Như vậy hồ sơ chủ quyền của VN tại HS và TS, lịch
sử và pháp lý, sẽ là con số không to lớn, phải không ?
Nhận thức của BBC và TS Việt như thế là « phi
chính thống », đi ngược với cách nhận thức của nhà nước CSVN từ mấy mươi
năm nay.
TS Việt cho đó là nhận thức của phe « cấp
tiến » và phe này « đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ».
Thực tình tôi cũng hy vọng như vậy. Vì nếu nhà
nước CSVN tiếp tục nhận thức VNCH là « ngụy », hành vi tiếp quản TS
là « giải phóng TS », thì cuộc chiến pháp lý giữa VN và TQ nếu có xảy
ra, VN sẽ không có cách nào để thắng.
2/ Về nguyên nhân mất Hoàng Sa. TS Hoàng Việt
nói : « Cái bất lợi là Việt Nam giữ được Trường Sa, nhưng đánh mất ở
Hoàng Sa năm 1974, gây khó khăn cho việc đòi lại… Tôi không muốn đổ lỗi cho bên
nào, nhưng thực tế là Hoàng Sa đã bị mất khi đang nằm dưới sự kiểm soát của
Việt Nam Cộng hòa năm 1974. »
Mặc dầu rào trước đón sau « không muốn đổ lỗi
cho bên nào », nhưng ai cũng thấy TS Việt có ý cho rằng vì VNCH làm mất HS
nên mới « gây khó khăn cho việc đòi lại ».
Theo tôi thì từ 1975 đến nay, nhà nước CSVN chưa bao giờ có thiện chí, hay
biểu lộ ý chí muốn đòi lại Hoàng Sa.
Việc « đòi » lại một vùng lãnh thổ chỉ
có thể thực hiện qua hai phương diện : pháp lý và sử dụng vũ lực. Mặc dầu từ
trước đến nay có nhiều ý kiến của học giả VN khuyến cáo nhà nước kiện TQ trước
Tòa quốc tế. Nhà nước vẫn thủ khẩu như bình, án binh bất động.
Vụ TQ đặt giàn khoan 981 hồi tháng 5 năm ngoái mở
ra một cơ hội bằng vàng để VN đặt lại vấn đề Hoàng Sa (đã đông lạnh từ 4 thập
niên) với TQ. VN có đủ lý cớ để kiện. Nhà nước CSVN đã không nắm lấy cơ hội đó.
Sự im lặng đến mức « vang dội » của nhà nước VN đã khuyến khích cho
TQ bước thêm những bước quan trọng khác ở các đảo đá (mà họ chiếm của VN năm
1988). Các đảo đá này đã và đang được TQ ráo riết bồi đắp. Không bao lâu nữa
chúng trở thành những đảo nhân tạo có khả năng đặt các căn cứ quân sự như phi
trường và hải cảng.
Khó khăn luôn hiện hữu trong mọi vấn đề quốc gia. Để
giải quyết ta phải nhận diện được các « khó khăn » đó đến từ đâu ?
Một số hành vi đem lại « khó khăn » cho nhà
nước VN ghi lại dưới đây, trong chừng mực làm cho VN hôm nay mất đi tư cách để
đòi HS (và các vấn đề tranh chấp chủ quyền TS và hải phận biển Đông) trước một
trọng tài quốc tế.
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng (mặc nhiên)
nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Thái độ « im lặng » của VNDCCH vào tháng
giêng năm 1974, khi TQ sử dụng vũ lực chiếm HS.
Nhà nước VNDCCH phản đối đề nghị của phía VNCH hai
bên cùng ký tên vào bản kiến nghị phản đối hành vi xâm lược Hoàng Sa của TQ lên
LHQ.
Khi một thế lực ngoại bang xâm lăng vào lãnh thổ
của mình, dĩ nhiên mình phải lên tiếng phản đối, phải không ? VNDCCH đã không
làm điều đó. Điều này được xem là một bằng chứng chứng minh Hoàng Sa không
thuộc chủ quyền của VN (theo quan điểm của VNDCCH).
Từ sau Thế chiến II, hành vi chiếm hữu một lãnh
thổ bằng vũ lực bị cộng đồng quốc tế nghiêm cấm. Trong vụ Hoàng Sa, Liên Xô đã
mạnh mẽ lên án hành vi của TQ tại LHQ, cũng như hầu hết các nước trong thế gới
tự do (và nhiều nước trong khối XHCN).
Thái độ « im lặng » của nhà nước VNDCCH
được tập quán quốc tế xem như là sự « đồng thuận » của nhà nước này
về các hành vi của TQ. Nhà nước VNDCCH nhìn nhận những hành vi của TQ tại HS là
chính đáng.
Những « khó khăn » (khiến nhà nước VN
hôm nay mất tư cách đòi HS) là do VNDCCH và CHXHCNVN làm ra, chứ đâu phải do
VNCH ?
VNCH đâu có xúi ông Phạm Văn Đồng viết công hàm
1958 nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS ? Thái độ « im
lặng » của VNDCCH là tự nguyện, chứ đâu do áp lực của VNCH ?
Khó khăn đòi lại Hoàng Sa là do nhà nước các nhà
nước VN (hiện thời và tiền nhiệm) đã đánh mất tư cách của mình. Điều này lý ra
TS Việt phải hiểu biết hơn tôi mới phải.
Về việc VNCH thua trận, để mất Hoàng Sa vào tay
TQ. Ta không thể không nói tới bối cảnh « lịch sử » lúc đó.
Năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, mở đường cho
« đồng minh tháo chạy ». Một điều khoản quan trọng của Hiệp định Paris
(nhắc lại điều khoản Hiệp định Genève 1954) là nhìn nhận VN là một nước độc
lập, thống nhứt ba miền, toàn vẹn lãnh thổ. Từ điều khoản này, tất cả những gì
xảy ra tại VN, sau khi Hiệp Định Paris ký kết, sẽ là vấn đề « nội
bộ » của VN và Mỹ (sẽ không có tư cách) để can thiệp. Cuộc chiến Hoàng Sa
vì vậy không còn liên quan đến người Mỹ nữa.
Trong khi tình hình chiến sự vẫn không giảm áp
lực. Các bên (VNCH, MTGPMN và VNDCCH) đổ lỗi cho nhau phía bên kia vi phạm lệnh
ngưng bắn. VNCH tứ đầu thọ địch. Mức viện trợ của HK hứa cho VN bỗng trở nên
« nhỏ giọt ». Lại còn thêm khủng hoảng dầu lửa thời đó, giá dầu tăng
đột ngột gấp hai, ba lần.
Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, kinh tế kiệt
quệ, một mình phải chiến đấu với ba bốn kẻ thù hung hãn, trong khi đồng minh đã
« bội ước » chạy làng. Hải quân VNCH trong trận Hoàng Sa như vậy là
«hiên ngang » lắm (so với hải quân QDNDVN năm 1988 tại TS), phải
không ?.
Phải chi lúc đó (tháng giêng năm 1974), cả hai
phía VNCH và VNDCCH cùng đánh lại quân xâm lược, hay ít nhứt VNDCCH cùng ký
kiến nghị với VNCH phản đối hành vi xâm lăng Hoàng Sa của TQ thì bây giờ đâu
đến đỗi hả miệng mắc quai, phải không TS Hoàng Việt ?
Vì vậy đổ lỗi việc mất Hoàng Sa cho một mình VNCH
gánh chịu, theo tôi, là bất công với lịch sử ghê lắm.
3/ TS Hoàng Việt nói : « Một số học giả
đã tranh luận rằng nên công nhận Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia và điều này
sẽ có lợi cho việc tiếp quản, thừa kế chủ quyền quốc gia trong vấn đề giải
quyết tranh chấp ở Hoàng Sa Trường Sa hiện nay. »
« Một số học giả » mà TS Việt nói là các
học giả thuộc nhóm « Quĩ Nghiên cứu Biển Đông » mà TS Việt là thành
viên. Ý kiến « nhìn nhận VNCH là một quốc gia » đã từng đăng trên BBC
(và nhiều trang thông tin khác trong và ngoài nước). Tôi là người (duy nhứt,
hình như vậy) từ trước đến nay lên tiếng chống lại quan điểm này. Tuy nhiên, BBC
cũng như các trang khác, chỉ đăng tải ý kiến một chiều, do đó không có việc « rộng
đường đường dư luận ». Hy vọng là cơ hội đối thoại lần này các cơ quan
truyền thông « chơi đẹp » một chút. Nghe người này nói qua thì cũng
nên nghe người kia nói lại.
Thứ nhứt, quí vị học giả giải thích giùm, bằng thủ
tục (pháp lý) nào ta có thể « nhìn nhận » VNCH là (hay đã là) một « quốc
gia » khi thực thể này đã không còn hiện hữu ?
Thứ hai, quí học giả thử tưởng tượng hôm nay Trung
Quốc nhìn nhận Đài Loan là « quốc
gia ». Lục địa và Đài Loan là hai vùng lãnh thổ của một quốc gia bị phân
chia, tương tự như hai bên VNCH và VNDCCH trước 1975. Cả hai bên cùng nhìn nhận
dân tộc TQ (VN) là một, TQ (VN) là « quốc gia duy nhứt ». Mỗi bên
được một số nước (tương đương) công nhận tại LHQ. Việc lục địa nhìn nhận Đài
loan « là một quốc gia » là điều không thể xảy ra, phải không ? Vậy
dựa trên cơ sở nào để công nhận VNCH là (hay đã là) một quốc gia ?
Thứ ba, Hiệp định Genève 1954, khải huyền hai miền
VNCH và VNDCCH, nhìn nhận VN là một quốc gia độc lập, thống nhứt ba miền và
toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Paris cũng nhắc lại y chang nội dung như vậy. Làm
sao các học giả có thể bất chấp các kết ước quốc tế, là nền tảng của quốc tế
công pháp, để thực hiện một hành vi thuộc công pháp quốc tế (là nhìn nhận VNCH
là một quốc gia) ?
Thứ tư, giả sử việc nhìn nhận VNCH là « quốc
gia » không có trở ngại trên vấn đề pháp lý. Thì các học giả làm thế nào để
quốc gia VNDCCH « kế thừa » quốc gia VNCH ? Gọi VNCH là « ngụy », làm sao có thể kế thừa
cái gì ở « ngụy » ? Người ta có thể « cướp » nó chứ
không thể kế thừa.
Thứ năm, giả sử CHXHCNVN hiện nay « kế
thừa » di sản VNCH không gặp khó khăn về pháp lý. Vấn đề là nhà nước
CHXHCNVN hôm nay là quốc gia « kế tục » quốc gia VNDCCH. Nhà nước VN
hôm nay phải có nghĩa vụ về những hành vi (pháp lý) của VNDCCH thể hiện trong
quá khứ. Các học giả thử giải thích làm thế nào để một quốc gia có thể kế thừa
cùng lúc hai lập trường đối nghịch về HS và TS ?
Vì vậy tôi cho rằng lập luận này của nhóm Quĩ
Nghiên cứu Biển Đông (mà TS Việt là thành viên) sẽ đưa VN vào bế tắt. Đây là
tình trạng của VN hiện thời.
Ý kiến của tôi về vấn đề Biển Đông và chủ quyền
các quần đảo HS và TS (từ hơn thập niên nay) rất đơn giản : Hòa giải dân
tộc VN và lập trường VN là một quốc gia duy nhứt.
Hòa giải dân tộc để nhà nước VN hôm nay có thể kế
thừa di sản của VNCH. Vì chỉ đứng trên danh nghĩa của VNCH thì nhà nước VN hôm
nay mới có tư cách nói về chủ quyền ở HS và TS.
Khẳng định lập trường VN là một quốc gia duy nhứt,
theo tinh thần các hiệp ước nền tảng (Hiệp định Genève 1954 và Paris 1973).
Theo đó VN là một quốc gia độc lập (độc lập còn có nghĩa là có chủ quyền),
thống nhứt ba miền và toàn vẹn lãnh thổ. Trên tinh thần này, tất cả những hành
vi, những tuyên bố của một bên, nếu đi ngược lại tinh thần hai hiệp định, đe
dọa, hay làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của VN... thì chúng không có giá
trị.
Công hàm 1958 đơn thuần bị hóa giải. Tưng tự như
các hành vi hay thái độ của VNDCCH trước kia về chủ quyền của VN tại HS và TS.
Vì vậy, cốt lõi của vấn đề là « hòa giải dân
tộc ». Đến nay vẫn gọi VNCH là « ngụy » việc đòi lại HS, cũng
như bảo vệ TS cùng với hải phận của VN...
xem ra còn khó hơn lên trời.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.