mercredi 13 mai 2015

Cần nghiên cứu giải pháp « condominium » bãi đá san hô Fiery Cross một cách nghiêm túc.

Bãi đá Fiery Cross (9°33’ bắc, 112°52 đông) tên Việt là bãi Chữ Thập, người Hoa gọi là Vĩnh thử tiều. Đây là một bãi đá ngầm có bề dài 28km, bao gồm một chuổi bãi san hô hoàn toàn chìm dưới nước, ngoại trừ một mỏm đá cao hơn mặt nước biển ở phía tây nam. Vùng nền của các bãi thuộc Fiery Cross có độ rộng quan trọng (so với các đảo thuộc Trường Sa) nhưng các bãi chia cách nhau do độ sâu nước biển (từ 15m đến 40m). Bãi này nằm phía ngoài vùng hải phận kinh tế độc quyền (200 hải lý, tính từ đường cơ bản) của cả hai nước Việt Nam và Phi (nhưng có thể nằm trên thềm lục địa mở rộng của VN). Trên phương diện địa lý bãi thuộc nhóm Tizard nhưng lại biệt lập với các nhóm đảo như Nam Yết, Sinh Tồn, Thị Tứ, Loại Ta…

Theo các nguyên tắc của Luật quốc tế về chiếm hữu lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể chiếm hữu một lãnh thổ nếu « lãnh thổ » này hiện hữu thường trực. Các bãi chìm dưới mặt nước không thể xem là một lãnh thổ, vì vậy không thể chiếm hữu. Bãi Chữ Thập vì có một bộ phận thường trực nổi trên mặt nước vì vậy nó có thể chiếm hữu.

Việt Nam, Phi, Trung Quốc và Đài Loan cùng dành chủ quyền ở bãi đá này.

Theo tài liệu « China and the South China Sea Dialogues » của tác giả Lee Lai To, nhân dịp hội nghị UNESCO vào tháng 3 năm 1987, TQ đã được tổ chức này cho phép xây dựng hai trạm thời tiết nhằm phục vụ nghiên cứu tổng quát về hải dương. Một trạm được TQ đặt trên đá Chữ Thập. Bắt đầu từ thập niên 90, TQ xây dựng một căn cứ quân sự.

Không thấy phía VN (hay Phi) lên tiếng phản đối quyết định của UNESCO hoặc bảo lưu chủ quyền tại bãi đá này.

Từ tháng 4 năm 2014, TQ đã ráo riết bồi đắp bãi đá Fiery Cross (và một số bãi khác chiếm được của VN năm 1988). Theo tin tức từ các viên chức TQ, Bắc kinh sẽ mở rộng và xây dựng đảo này thành một căn cứ quân sự tương tự như căn cứ Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Đến nay, dầu việc xây dựng chưa hoàn tất, nhưng các hình chụp từ vệ tinh cho thấy trên đảo một phi đạo dài khoảng 3.000m, một bến tàu cùng với khoảng 60 cơ sở kiến trúc.

Căn cứ Diego Garcia của Mỹ có thể so sánh với căn cứ Guam. Đây là những căn cứ hậu cần quan trọng nhứt của Mỹ (không ở trên nước Mỹ) bao gồm phi đạo, bãi đậu phi cơ và một bến tàu. Tất cả các cuộc xuất phát của không quân, hải quân Mỹ trong các cuộc chiến ở Irak, Afghanistan… từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay đều đến từ căn cứ Diego Garcia.

Bằng cái nhìn của người VN trên phương diện chiến lược quân sự, trong các đảo mà TQ ra sức mở rộng và xây dựng, bãi Chữ Thập có tầm nguy hiểm hơn cả. Đảo này có diện tích lớn hơn hết, án ngữ giữa bờ biển VN và các đảo Trường Sa. Các cuộc hành quân (không quân và hải quân) của VN nhằm giải vây các đảo như Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử… (trường hợp các đảo này gặp biến cố) sẽ gặp trở ngại.

Nếu TQ lập vùng « Nhận diện phòng không », đảo Chữ Thập sẽ là một điểm cơ bản. Từ điểm này TQ có thể mở rộng (hải phận và không phận) của họ. Ranh giới vạch ra chỉ cách bờ biển VN khoảng 100 hải lý. Trong chừng mực, yêu sách đường chữ U chín đoạn của TQ sẽ được thực hiện.

Trên phương diện « chủ quyền », sự hiện diện của TQ tại đá Chữ Thập từ tháng 3 năm 1987 đến nay chưa chắc đã củng cố chủ quyền của nước này. Hồ sơ Phi kiện TQ năm ngoái, có đề cập việc yêu cầu Tòa tuyên bố TQ có quyền chiếm hữu các bãi đá (chìm như Fiery Cross) hay không ?

Việc UNESCO đồng ý cho phép TQ xây dựng trên đá này một trạm nghiên cứu thời tiết và đại dương tháng 3 năm 1987 với mục đích hòa bình, phục vụ cho lợi ích của nhân loại.

TQ đã xây dựng và bồi đắp đảo này thành một trung tâm quân sự, đi ngược lại sự ủy nhiệm của UNESCO. Việc này đe dọa an ninh khu vực.

Vì vậy, TQ đã vi phạm công pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc cơ bản về chung sống hòa bình. Vấn đề do đó sẽ liên quan trực tiếp đến LHQ.

Cuối tháng tư 2015 tư lệnh hải quân TQ, ông Shengli, trước những phản đối ngày càng gay gắt của Hoa Kỳ, đã lên tiếng đề nghị cho Hoa Kỳ (và các nước khác) sử dụng các đảo (mà TQ đang xây dựng) vào các mục tiêu cứu nạn.

Bộ Ngoại giao HK trả lời rằng họ « không quan tâm đến đề nghị này ». Dầu vậy đề nghị của TQ phù hợp với nội dung ủy nhiệm ban đầu của UNESCO.

Theo tôi thì VN cần nắm lấy đề nghị này để tiến đến giải pháp « condominium » bãi đá Chữ Thập – Fiery Cross (và có thể các bãi đá khác của TQ ở TS) nhằm giải tỏa áp lực của TQ.

Cần nói thêm về ý nghĩa của giải pháp « condominium » và « chủ quyền –souveraineté ».

Condominium là một thuật ngữ thuộc Quốc tế Công pháp, chỉ cho một vùng lãnh thổ được quản trị bởi hai hay nhiều quốc gia. Theo Nguyễn Quốc Định (và các tác giả khác) trong tập « Droit International Public », đoạn 317, tr 542, « condominium » là một giải pháp nhằm « đông lạnh » các tranh chấp chủ quyền giữa hai hay nhiều quốc gia tại một vùng lãnh thổ : cuối cùng thì các bên đều không có chủ quyền ở vùng lãnh thổ này (c’est une manière de geler les prétentions contradictoires : il reste pour tous une territoire étranger).

Thuật ngữ « chủ quyền – souveraneté », theo Công pháp Quốc tế là « quyền tối thuợng và duy nhứt », là « tư cách pháp nhân » của quốc gia trước công pháp. Nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế là các quốc gia, lớn nhỏ bất kỳ, đều « bình đẳng về chủ quyền » (túc bình đẳng về tư cách pháp nhân. Không phải anh là « nước lớn" thì anh có nhiều thẩm quyền hơn nước nhỏ). Một lãnh thổ vì vậy không thể có hai « chủ quyền – souveraineté ».  « Chủ quyền – souveraineté » không thể phân chia. (Vì nếu phân chia được, giả sử một vùng lãnh thổ có thể có hơn hai « chủ quyền ». Một quốc gia có hơn hai pháp nhân, nền tảng « bình đẳng về chủ quyền » của Quốc tế công pháp sẽ sụp đổ).

(Người Việt phần đông, kể cả các học giả, hay lầm lẫn giữa chủ quyền và quyền sở hữu. Thuật ngữ « condominium » ở Mỹ và một số nước được sử dụng trong lãnh vực bất động sản như là « sở hữu tập thể ». Vì vậy họ tưởng lầm « condominium » là một hình thức chia sẻ chủ quyền. Điều này sai. Thuật ngữ « condominium » chỉ được hiểu như là việc « chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ » (như về kinh tế) giữa hai hay nhiều quốc gia. Theo Nguyễn Quốc Định (dẫn trên), lãnh thổ dưới « condominium » sẽ không thuộc « chủ quyền » của quốc gia nào.)

Theo tôi, giải pháp này có thể giải tỏa những căng thẳng trong khu vực.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.