lundi 15 juin 2015

Nhân 800 năm Magna Carta thử bàn về nguồn gốc và cách dịch thuật từ « pháp quyền » trong « Pháp quyền Xã Hội Chủ nghĩa ».

Tuyên ngôn « Magna Carta Libertatum » của Anh quốc ra đời ngày 15 tháng 6 năm 1215, đến nay là đúng 800 năm, được xem là văn bản đầu tiên, làm nền tảng cho các hệ thống luật lệ và hình thức tổ chức nhà nước « Rule of Law » và « Etat de Droit » ở các nước tự do dân chủ hiện thời. Nội dung cốt lõi của Magna Carta (được thể hiện ở các quốc gia tự do dân chủ) là quyền tự do của cá nhân được bảo đảm bằng luật và sự thể hiện quyền lực của hoàng đế (nay là nhà nước) phải tuân thủ theo luật lệ. 

Nếu so sánh với tinh thần « Magna Carta », 800 năm sau, thì cái gọi là « Pháp quyền Xã Hội Chủ nghĩa » của nhà nước Việt Nam vẫn là một thứ lẩu thập cẩm về luật lệ. Hiến pháp thực tế là « cương lĩnh » của đảng cộng sản cầm quyền trong một giai đoạn nhứt định. Đảng là một tập đoàn « siêu quyền lực », được hiến pháp cho phép lãnh đạo tuyệt đối mọi lãnh vực trong xã hội, nhưng không bị chế tài bởi pháp luật. Tức là đảng đứng trên và đứng ngoài hệ thống pháp luật. Toàn bộ quyền lực nhà nước tập trung vào nhân sự đảng viên. Hiến pháp qui định lực lượng công an, quân đội phải có nhiệm vụ bảo vệ đảng. Nếu xét cho kỹ, hệ thống luật pháp của VN hiện nay còn kém hơn luật lệ của Anh từ 800 năm trước. Bởi vì quyền lực của hoàng gia Anh phải tuân thủ pháp luật trong khi đảng CSVN không hề bị chế tài bởi bất kỳ một điều luật nào.

Dầu vậy hệ thống luật lệ và cách thức tổ chức nhà nước này được mệnh danh là « nhà nước pháp quyền ».

Vậy thì nguồn gốc của « pháp quyền » trong cụm từ « nhà nước pháp quyền » đã đến từ đâu ?
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng trong bài « Hiến pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền » :

“Năm 1919, trong Bản yêu sách được Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Vecxây, yêu sách thứ 7 là pháp quyền. Sau này, yêu sách đó được Bác thể hiện thành lời ca: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Yêu cầu ca, Báo Nhân dân, ngày 30/1/77).”


“Cho đến nay, qua các tư­ liệu lịch sử có đ­ược, có thể nói, đây là lần đầu tiên trong văn học sử Việt Nam xuất hiện khái niệm “pháp quyền” và “pháp quyền” ở đây lại được nâng lên thành “thần linh” - một khái niệm linh thiêng, làm nổi bật ý nghĩa tính chất “pháp quyền”, nổi bật ý nghĩa, vai trò của pháp luật, của Hiến pháp trong đời sống xã hội.”

Như vậy từ ngữ « pháp quyền », theo các học giả trên, là của ông Hồ.

Vấn đề là ý nghĩa của “pháp quyền” mà ông Hồ sử dụng là gì ? Ông sử dụng từ ngữ này trong dịp nào ? Muốn vậy ta phải tìm hiểu bản Yêu sách năm 1919 (Revendications du peuple Annamite – Yêu sách của nhân dân An Nam) đã nói lên những điều gì.

Bài vè lục bát tựa đề « Việt Nam yêu cầu ca », thực ra là bản “phóng tác” của bản yêu sách 7 điểm viết bằng tiếng Pháp « Revendications du peuple Annamite – Yêu sách của nhân dân An Nam » (mà các sử gia VN cho là của ông Hồ), viết năm 1919 nhân dịp Hội nghị các đại cường thắng trận Đệ Nhất thế chiến tổ chức tại Versaille. Gọi là “phóng tác” vì bài dịch này không phù hợp với ý nghĩa tiếng Pháp của văn bản. Bài vè có câu :

« Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền »

Nguyên văn yêu sách số 7, bản tiếng Pháp :

« 7/ Remplacement du régime des décrets par les régimes des lois. » (Nguồn : Les décolonisations au XXe siècle: La fin des empires européens et japonais, Par Pierre Brocheux, Annexe 1.)

Tạm dịch ra tiếng Việt là : thay thế chế độ pháp lệnh bằng chế độ luật lệ.

So sánh lại ta thấy ý nghĩa tiếng Việt và tiếng Pháp của văn bản là không hoàn toàn chính xác. Trong bản tiếng Việt nói đến « hiến pháp » mà điều này không thấy trong bản chính tiếng Pháp. Nhưng đại cương về ý tứ thì có thể chấp nhận.

Ý nghĩa của điều 7 (tiếng Việt) là gì ? « Xin » ở đây là « xin ai », ai xin ? Hiến pháp này là hiến pháp nào ? Ai ban bố ?

Bản “yêu sách” gởi Hội nghị Versaille, nơi các cường quốc thắng trận đang hội họp. Dĩ nhiên là “xin” lãnh đạo các đại cường thắng trận, trong đó có Pháp quốc. Người xin dĩ nhiên là tác giả của Văn bản (các sử gia VN thì cho là của ông Hồ).

Hiến pháp này là hiến pháp nào ? VN lúc đó vẫn còn là “thuộc địa” của Pháp, được Pháp cai trị dưới “chế độ pháp lệnh” (của Bộ Thuộc địa và quan Toàn quyền), chứ không theo luật lệ (Hiến pháp) của mẫu quốc. Hiến pháp ở đây phải là hiến pháp của mẫu quốc.

Điều này sẽ rõ rệt nếu ta xét lại điều 2 của bản Yêu sách :

« 2/ Réforme de la justice indochinoise par l’octroi aux Indigènes des mêmes garanties judiciaires qu’aux Européens, et la suppression complète et définitive des Tribunaux d’exception qui sont des instruments de terrorisation et d’oppression contre la partie la plus honnête du peuple Annamite. »

(Nguồn : Les décolonisations au XXe siècle: La fin des empires européens et japonais, Par Pierre Brocheux, Annexe 1.)

Tạm dịch : cải cách lại pháp lý Đông dương bằng cách ban bố cho người bản địa được bảo đảm về tư pháp (tài phán) như là người Châu Âu đồng thời bãi bỏ vĩnh viễn tất cả những loại Tòa án đặc biệt mà thực chất chỉ là những công cụ khủng bố và đàn áp thành phần những người An Nam lương thiện nhất.

Chữ « l’octroi » trong tiếng Pháp có nghĩa là « ban bố, ban phát ».

« Xin » để được « ban phát » : quyền được bình đẳng về tài phán như người Châu Âu.

« Bảy xin hiến pháp ban hành - trăm điều phải có thần linh pháp quyền » ở đây có nghĩa là xin hiến pháp của mẫu quốc ban hành những điều « luật » để bảo đảm « quyền » của người « bản địa ».

VN lúc đó chưa lấy lại « độc lập – souveraineté » thì không thể nói « hiến pháp » trong câu này là « hiến pháp » của nước VN được.

 (Giả sử rằng Tây thực dân lúc đó chấp nhận bản Yêu sách, thay đổi hiến pháp, cho phép toàn dân Đông dương được quyền “ngang hàng” với dân Tây mẫu quốc. VN (và Khmer, Lào) đã trở thành một “lãnh thổ hải ngoại” của Pháp, như Nouvelle-Calédonie, Réunion... hiện nay. Các dân tộc Đông dương (kể cả VN) đã có quốc tịch Pháp hết rồi ! Uổng quá phải không ?)

Như vậy « pháp quyền » của ông Hồ có ý nghĩa là “juridiction” (như các định nghĩa của tự điển tiếng Việt xuất bản ở miền Nam trước 1975).

Vấn đề đặt ra, ta có thể dùng tinh thần pháp quyền của ông Hồ để chuyển dịch ý nghĩa của khái niệm « rule of law » của Anh (như đã thấy ở một số học giả, nhà báo Việt Nam trong, ngoài nước hiện nay) được hay không ?

Theo tôi là không được !

Thứ nhứt, về cách dịch theo “word by word”. Thuật từ « rule of law » là một nhóm từ chuyên môn thuộc về “khái niệm”, không thể tách rời ra từng chữ. Ý nghĩa của nó là « sự ưu việt hay sự thống trị của pháp luật » (prééminent de droit – primauté de droit). Tách rời từng chữ ra để dịch có thể đúng trên con chữ, nhưng sẽ mất đi ý nghĩa “khái niệm” của thuật từ.

Tự điển tiếng Hoa có lúc dịch là “pháp qui”, tức qui tắc luật pháp (luật chơi trong cờ bạc). Có lúc dịch là “pháp trị”.

Cách dịch thứ nhứt không đúng vì chữ “rule” ở đây không thể dịch là “qui tắc” mà phải dịch là sự “thống trị” hay “ưu việt” (“règne” trong tiếng Pháp). Cách dịch thứ hai tạm ổn vì “pháp trị” là một khái niệm “dựa theo luật để cai trị” hiện hữu trong văn minh Trung Hoa từ lâu đời. Khái niệm “pháp trị” tương tự tinh thần của “Magna carta” 800 năm trước của Anh nhưng kém một điều là không qui định rõ quyền lực của hoàng đế có phục tùng luật pháp hay không. Dầu vậy, dùng một từ “khái niệm tương ứng” để dịch một từ tương ứng là đúng cách.

Thứ hai, như mọi người điều biết, ở Anh có đến hai khái niệm về luật : “common law” (luật do các phán lệ của các quan tòa) hay “statute law” (luật do quốc hội ban hành). Luật pháp nước Anh không đặt nền tảng trên hiến pháp (do quốc hội ban hành) mà trên các “phán lệ”. Chữ “law” trong « rule of law » là đến từ “common law”. Trong khi các xứ Châu Âu như Pháp, “état de droit”, nền tảng luật pháp đặt trên hiến pháp. Ở đây luật là do quốc hội ban hành.

Ý nghĩa chữ “pháp quyền” của ông Hồ mang nội hàm luật “hiến định” (bảy xin hiến pháp ban hành – trăm điều phải có thần linh pháp quyền), theo khái niệm “etat de droit” của Pháp.

 “Etat de Droit” được hiểu là “nhà nước xây dựng trên sự tôn trọng pháp luật” (État fondé sur le respect de la loi), tương đương với khái niệm “rule of law”.

Như vậy, lấy một khái niệm mang nội hàm “luật hiến định” để dịch một từ mang nội hàm “common law – droit commun – thông luật” là không hợp cách.

Thứ ba, về từ ngữ, không ai giải thích được (đến hôm nay), chữ “quyền” trong “pháp quyền” đến từ “quyền lực – power – pouvoir” hay từ “quyền lợi – right – droit” ? Nếu chưa xác định được nguồn gốc chữ “quyền” đến từ đâu thì mọi cách dịch đều chỉ là miễn cưỡng.

Vì vậy tôi cho là cách dùng từ “pháp quyền” để dịch “rule of law”, hay “nhà nước pháp quyền” để dịch “état de droit” đều sai.

Tạm chấp nhận, theo cách dịch của người Hoa, Nhật... là “pháp trị” (rule of law) và “nhà nước pháp trị” (etat de droit). Nhưng chính xác phải là “tinh thần trọng luật” hay “nhà nước (được xây dựng trên tinh thần) thượng tôn pháp luật”. 




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.