samedi 18 février 2017

Quần thể “lịch sử” Pác Bó sau cuộc chiến biên giới 17 tháng hai năm 1979.


Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung Quốc xua quân đánh VN, gọi là cuộc chiến “phản công tự vệ”. Trong vòng vài ngày, quân TQ đã đánh chiếm và phá thành bình địa các tỉnh dọc biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai…

Theo các tài liệu của “quân đội” (hai phía VN và TQ) đã công bố “trên internet”, một trong những mũi tiến công của quân đội TQ vào chiếm Cao Bằng là đạo binh thiết giáp, từ TQ qua cột mốc số 108, vào xã Trường Hà để tiến vào Cao Bằng.

Hai hình dưới đây là các họa đồ “chiến sự” mô tả hướng xâm nhập của đạo quân thiết giáp TQ qua ngả cột mốc số 108.

pác bó 4

pác bó 3

Nguồn “internet TQ”.

Theo địa lý VN hang Pắc Bó thuộc bản Bó Bẩm, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Xã này giáp ranh biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Hang Pắc Bó là một địa danh lịch sử của những người cộng sản Việt Nam, từng là nơi trú ẩn của ông Hồ Chí Minh, lúc từ Quảng Tây (Trung Quốc) trở về VN lần đầu (1941). Nơi đây cũng là bản doanh hội họp (chống Pháp) đầu tiên của các lãnh tụ đảng CSVN trên đất VN. Người ta gọi địa danh này là “thánh địa” của những người CSVN.

Bản đồ tỉnh Cao Bằng của VN dưới đây cho thấy vị trí hang Pác bó:

Pác bó - Cao bằng

So sánh các bản đồ, nếu không sai lầm thì đạo quân thiết giáp của TQ từ cột mốc 108 tiến vào Cao Bằng là đường số 203 hiện nay.
Bàii báo của tác giả Trần Đông Đức đăng trên blog của RFA http://www.rfavietnam.com/node/951 cho biết hang Pắc Bó cùng quần thể di tích lịch sử khu vực này đã thuộc về lãnh thổ TQ.

Từ sau chiến tranh VN 54-75, các di tích như hang Pác Bó (gồm có bảo tàng viện Hồ Chí Minh cùng các di tích thiên nhiên như núi Các Mác, suối Lê Nin…) trở thành “di tích lịch sử” ở tầm quốc gia. Quần thể này nằm trên đường tiến quân của quân đội TQ. Ta không ngạc nhiên, trong cuộc chiến biên giới 17 tháng giêng 1979, quần thể này bị phá hủy (và có thể bị chiếm đóng).

Những tấm hình chụp “suối Lê nin”, “bàn đá Bác Hồ”, “núi Các mác”... dưới đây cho thấy quần thể lịch sử này mới xây lại.

Núi Các mác:

Pac bo nuiCacmac

Suối Lê nin:

Pac bo Suoi Lenin

Bàn đá Bác Hồ:

Pac bo ban da Bac Ho

(nguồn: Photos by 214615, Photos by Hung.TD, Photos by Vu Son…)

Bục đá bợ tấm bia, bờ suối Lê Nin, bàn đá… không còn nguyên nét thiên nhiên mà có bàn tay con người thay đổi.

Về “bàn đá của bác Hồ”, có lẽ không ai dùng tảng đá giữa suối để “chông chênh viết sử đảng”. Hợp lý thì ở trong hang Pắc Bó, hoặc ở trên bờ suối, chứ không ở giữa suối như trong hình.

Suối Lê Nin rõ ràng không còn (hay không phải) là suối thiên nhiên. Bờ suối có dấu mới đào, có thể nhằm vào việc khai mương, dẫn nước vào, tạo thành con suối. Suối này có thể là suối nhân tạo.

Những dấu vết tái tạo còn rất mới. Việc này cho phép ta đặt nghi vấn: Hoặc là khu di tích cũ đã nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (như kết luận của nhà báo Trần Đông Đức). Hoặc là khu di tích cũ đã bị tàn phá. Quần thể mới (hiện nay) được xây lại trên di tích cũ.

Ta có thể làm sáng tỏ (một phần) vấn đề bằng cách so sánh các bản đồ khu vực : bản đồ biên giới theo công ước Pháp-Thanh 1887 và bản đồ biên giới theo Hiệp ước Phân định biên giới trên đất liền giữa VN và TQ ngày 25 tháng 12 năm 1999. Từ đó ta có kết luận rằng VN có bị mất (khu vực hang Pác bó) cho TQ hay không?

Bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương 1/100.000 dưới đây, địa danh Pắc Bó (ghi trên bản đồ là Pac Bo) ở về phía đông bắc xã Trường Hà (ghi là Trung Ha).

hang pắc bó SGI

Khu vực xã Trường Hà (bản đổ viết là Trung Ha) và Pác bó (bản đồ viết là Pac bo). Các cột mốc số 107, 108, 109… được viết lại màu đỏ. Khoảng cách tương đối Pác Bó cách đều cột mốc 108 và Trường Hà, khoảng 1 hay 2 km.

Bản đồ khu vực xã Trường Hà, hang Pắc Bó dẫn từ bản đồ 1/50.000 của Đại học Texax, Hoa Kỳ.

hang pắc bó 2

Bản đồ này có ghi chú là vẽ lại theo bản đồ của sở Địa dư Đông dương (SGI). Biên giới là “đường nâu đỏ”. Các cột mốc 107, 108, 109… được tác giả viết lại (màu đỏ) và khoanh lại (vòng tròn đỏ). Các địa danh Trung Ha và Pac bo được đóng khung đỏ. So sánh với bản đồ SGI ở trên, ta thấy đường biên giới không có sự khác biệt.

Các cột mốc 107, 108… đánh dấu đường biên giới theo Công ước Pháp Thanh 1887 đã bị thay thế bằng các mốc giới mới.

Pac bo cotmoc107

Hình trên: cột mốc số 107 (nguồn internet TQ).

Pac bo cotmoc108

Hình trên: cột mốc số 108 (nguồn internet TQ).

Trong hình trên, các ghi chú đọc được : bên phải ghi “Trung Quốc Quảng Tây Giới”. Ở giữa ghi “Frontière Sino-annamite”. Bên trái, có dòng chữ khắc lên 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca). Số “N° 108” là viết thêm vào mới đây bằng sơn trắng.

Đối chiếu với các biên bản phân giới Pháp-Thanh:

Pac bo bien ban chu Phap

Pac bo bien ban chu Han

Ta thấy 德 業卡 Ðức Nghiệp Kha là tên của cột mốc số 107. Như vậy số “N° 108” (màu trắng) trên cột mốc có thể không đúng.

Trong khi đó hình của cột mốc 107, tên cột mốc khắc trên bia (do mù mờ, có thể) là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn). Đối chiếu với biên bản, tên này tương ứng cột mốc số 108.

Vì thế có điều không rõ rệt ở hai cột mốc 107 và 108 (theo hình chụp). Việc này có thể do bị chuyển dịch, dời đổi và bôi sửa nội dung viết trên các cột mốc. (Sự việc này thường xảy ra trên biên giới, từ thời còn Pháp thuộc).

Theo biên bản, tên và vị trí của hai cột mốc 107 và 108 được mô tả bằng tiếng Pháp như sau :

Borne n° 107, Ta-Nia, Sur le chemin de Linh-Wan (Chine) à Khen-Tac (Tonkin).

Borne n° 108, Lin-Tiao, Sur le chemin venant de Co-Ma (Chine) l’endroit où ce chemin venant du N tourne à l’O. pour suivre la frontière

Đối chiếu với văn bản tiếng Hán, tên cột mốc 107 là 德 業卡 (Ðức Nghiệp Kha hay Ca), được cắm ở vị trí “trên đường từ Linh-Wan (Trung Quốc) đến Khen-Tac (VN).”

Cột mốc 108 là 凌 傑 山 (Lăng Kiệt Sơn), được cắm trên đường đến từ Co-Ma (TQ), tại điểm mà đường này đến từ phía bắc chuyển sang phía tây, rồi đi theo đường biên giới.

Bản đồ sau đây dẫn từ nguồn “ban biên giới” của VN, theo đúng Hiệp định Phân định biên giới trên đất liền 25-12-1999. Bản đồ phân giới tỉ lệ 1/50.000.

Ta thấy các cột mốc cũ 107, 108, 109… (cắm từ đông sang tây) được thay thế bằng các cộng mốc mới từ mốc số 670 đến 679 (cắm từ tây sang đông).

hang pác bó 3

Bản đồ có ghi tên các địa danh “núi Các mác”, “suối Lê Nin” và hang Pác bó.

VN không mất quần thể Pác bó cho TQ.

So sánh bản đồ 1/50.000 của ban biên giới VN với bản đồ SGI hay bản đồ của đại học Texas Hoa kỳ, ta thấy đường biên giới khu vực này không thay đổi (hay thay đổi rất ít).

Hang Pác Bó không bị mất vào lãnh thổ Trung Quốc như ý kiến của nhà báo Trần Đông Đức.

Tuy vậy, nết xét ra chung quanh ta thấy VN bị mất đất cho TQ ở : 1/ mốc 114 tại cửa ải Bình Mãng, phía hữu ngạn sông Bằng (Bằng Giang). 2/ khu vực giữa hai mốc 111-112 và khu vực mốc 113.

Để ý các khu vực đất của VN bị mất cho TQ trong vùng biên giới này, (cũng như ở các địa điểm khác trên đường biên giới), đôi khi rất nhỏ về diện tích (vài trăm mét vuông cho đến vài km²), nhưng luôn là các khu vực có tầm quan trọng về kinh tế (hay chiến lược).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.