lundi 6 septembre 2021

Bàn về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa theo nội dung Hòa ước San Francisco ngày 8 tháng Chín năm 1951 và Công hàm 14 tháng Chín 1958 của chính phủ VNDCCH.

 Nhân tháng Chín: Bàn về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa theo nội dung Hòa ước San Francisco ngày 8 tháng Chín năm 1951 và Công hàm 14 tháng Chín 1958 của chính phủ VNDCCH


Ngày 11 tháng 12 năm 2015 Đại diện thường trực của nhà nước CHND Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã ra công hàm, mục đích phản biện các lý lẽ của Phi trình bày tại Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye, Hòa lan (CPA) trong vụ Phi đơn phương kiện TQ về hải phận Biển Đông, theo Phụ lục VII của UNCLOS. Nội dung như thường lệ khẳng định quyền, quyền lịch sử và chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Nhưng lần này nội dung công hàm còn cho biết các văn kiện quốc tế trước Thế chiến thứ II, như Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam 1945 và một số văn kiện khác, nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Đại diện của VN tại LHQ có ra công hàm phản đối đồng thời và tái khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Nhưng không thấy phía VN đề cập đến các văn kiện quốc tế mà TQ đã nhắc trong thông cáo của mình.

Có thật là các Tuyên Bố Cairo, Tuyên bố Potsdam (và các văn kiện quốc tế khác) đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, như nội dung của công hàm công bố tại LHQ ngày 11-12-2015 ?

Không có câu trả lời nào cụ thể hơn bằng cách xem xét lại các văn kiện trên (và các văn kiện quốc tế khác, có liên quan đến các lãnh thổ mà Nhật đã cưỡng chiếm của các quốc gia khác trong Thế chiến Thứ II). 

Tuyên bố Cairo: 

Tháng 11 năm 1943, ba lãnh tụ Theodore Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch gặp nhau tại Cairo, thủ phủ nước Ai Cập, thảo luận về điều kiện để Trung Hoa đứng về phía Đồng minh cũng như mục đích của cuộc chiến. Sau cuộc họp, một bản tuyên bố chung được công bố trước công chúng, gọi là “Tuyên bố Cairo”.

Nguyên văn bản Tuyên bố (tạm dịch lại) như sau: 

"Mục đích chiến đấu duy nhứt của (các nước Đồng minh) là kết thúc cuộc xâm lược của Nhật Bản. Các nước Đồng Minh không hề có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi chỉ giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nhật Bản chiếm đóng bởi bạo lực."

 Các vùng đất mà Nhật Bản phải từ bỏ :

Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;

Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;

Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;

Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định. 

Những điểm cần nhấn mạnh trong bản Tuyên bố : 

a/ Các cường quốc (gồm Trung Hoa) không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. b/ lãnh thổ Nhật trả lại cho Trung Hoa gồm Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.

Tuyên bố Cairo không có dòng chữ nào nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Tối hậu thư Potsdam

Còn gọi là Tuyên bố Potsdam, là tối hậu thư của các nước Đồng minh Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 6 năm 1945. Văn kiện này quan trọng vì được sự nhìn nhận vô điều kiện của Nhật. Nội dung tối hậu thư tái xác nhận hiệu lực Tuyên ngôn Cairo.

Nội dung gồm một số điều : 

Thi hành các điều đã xác định theo tuyên bố Cairo; 

Lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh; 

Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ. 

Nội dung tuyên bố này không nói đến số phận các vùng lãnh thổ của các nước bị Nhật chiếm (trước Thế chiến II) cũng như nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.  

Cho rằng Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên ngôn Potsdam 1945 nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS là không đúng sự thật.

Các văn kiện quốc tế khác. 

“Các văn kiện khác” có nhắc, hay có liên quan, đến Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật ký văn bản đầu hàng ngày 2 tháng 9 trên chiến hạm Missouri, là các văn kiện : 1/ Hòa ước San Francisco 1951, 2/ các thỏa ước Pháp-Trung ký tháng Hai năm 1946 tại Trùng Khánh  về trao đổi lợi ích kinh tế tại vùng Hoa Nam với thẩm quyền lãnh thổ ở Đông dương. 3/ Hòa ước Trung-Nhật 1952 4/ Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật 1978. 5/ Công hàm 14 tháng Chín 1958 của chính phủ VNDCCH.

Các văn kiện này nói gì về số phận Hoàng Sa và Trường Sa ?

1/ Hiệp ước Trùng Khánh 28 tháng Hai 1946.

Sau khi Nhật ký văn kiện đầu hàng trên thiết giáp hạm USS Missouri của Mỹ neo trong vịnh Tokyo ngày 2 tháng Chín 1945. Tất cả các lãnh thổ mà Nhật đã chiếm của các quốc gia khác trước chiến tranh từ lúc đó đặt dưới thẩm quyền của Đồng Minh. Quân đội Nhật ở các vùng lãnh thổ này có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trong lúc chờ đợi quân Đông minh vào giải giới. 

Số phận VN, không có quyết định nào của Đồng minh trao trả « nền độc lập » của VN cho phe nào. Việc « giải giới » quân đội Nhật, khu vực phía nam vĩ tuyến 16 do quân đội Anh phụ trách và khu vực bắc vĩ tuyến 16 dưới trách nhiệm của quân Trung hoa. 

Lãnh tụ De Gaule của Pháp, đứng về phe chiến thắng Đồng minh, có toan tính « lấy lại Đông dương thuộc chủ quyền của Pháp », vì vậy thỏa thuận với Anh, thay thế quân Anh đổ bộ vào « tiếp thu »  Nam kỳ, cùng với quân đội Anh giải giới quân Nhật. 

Về phía Bắc kỳ, Pháp liền ký kết với Trung Hoa Hiệp ước Trùng Khánh (Tchong Quing) ngày 28 tháng 2 năm 1946. Diễn tiến được ghi lại như sau : 

Le 28 février 1946, à 16 heures, Meyrier signe avec le ministre des Affaires étrangères Wang Shijie le texte qui consacre la rétrocession définitive des concessions françaises. En contrepartie de l’abandon de l’exterritorialité et du retour des concessions, la Chine accepte de retirer ses troupes du Tonkin dès que les troupes françaises auront pris la responsabilité du Nord de l’Indochine :

« La relève des troupes chinoises stationnées en Indochine au nord du 16e parallèle commencera entre le 1er et le 15 mars, et devra être terminée au plus tard le 31 mars. Les États-majors chinois et français se mettront d’accord pour fixer les modalités d’exécution de cette opération. »

(Ngày 28 tháng Hai lúc 16 giờ, ông Meyrier ký với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Kiện Lâm văn bản nhằm chuyển giao vĩnh viễn quyền lợi và tô giới của Pháp (tại Hoa Nam). Đổi lại việc từ bỏ các tô giới và trao trả các đặc quyền, Trung Quốc đồng ý rút quân khỏi Bắc Kỳ ngay sau khi quân Pháp nhận trách nhiệm về miền Bắc Đông Dương.

“Việc thay thế quân Trung Quốc đóng tại Đông Dương ở phía bắc vĩ tuyến 16 sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 15 tháng Ba, và phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 31 tháng Ba. Các chỉ huy quân đội Trung Quốc và Pháp sẽ hội ý với nhau để xác định các phương cách nhằm thực hiện kế hoạch này.)


Phám cam kết nhượng tuyến đường xe lửa Vân Nam – Hải Phòng, dành ưu đãi về kinh tế, kiều dân Trung Hoa sống tại Việt Nam được hưởng qui chế ưu đãi đặc biệt. 

Theo các điều ước của các hiệp ước Trùng Khánh trao đổi « kinh tế lấy lãnh thổ », Trung Hoa không còn thẩm quyền « giải giới » quân Nhật ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thẩm quyền giải giới các đảo dưới vĩ tuyến 16 thuộc Anh (sau đó Anh nhượng lại cho Pháp). 

Pháp đã gởi quân đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền, ngay sau khi Nhật rút quân. Tại Hoàng Sa và Trường Sa, quân đội Pháp-Việt đã có mặt từ tháng 5 năm 1946. Đến tháng 10-1946, quân Pháp ra đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc Trường Sa, đóng mốc mới, khẳng định lại chủ quyền.

Câu « các văn kiện quốc tế khác » đã ghi trong Tuyên bố của TQ không thể loại trừ các hiệp ước Pháp-Trung ký tại Trùng Khánh 28 tháng Hai 1946. Nội dung các hiệp ước này là Trung hoa đã từ bỏ mọi thẩm quyền, nếu có, về lãnh thổ ở Đông dương, cũng như ở các lãnh thổ trên biển.


2/ Hòa ước San Francisco 8 tháng Chín năm 1951.

Hội nghị San Francisco bắt đầu từ ngày 4 tháng Chín, kết thúc với Hòa ước gọi là “Hòa ước San Francisco”, ký ngày 8 tháng Chín năm 1951. Hội nghị gồm có 52 quốc gia tham gia, trong đó có 49 quốc gia ký hiệp ước hòa bình với Nhật. 

Vào thời điểm đầu hàng, 14-8-1945, Nhật đã có tuyên chiến với 46 nước, trong đó không có Việt Nam. Từ thời điểm này đến ngày mở đầu Hội nghị San Francisco ngày 4 tháng 9 năm 1951, Hội nghị đón nhận thêm 9 nước khác (tuyên bố chiến tranh với Nhật). Các nước này là các nước đã bị Nhật chiếm đóng lúc chiến tranh, không tự chủ về ngoại giao, vì ở tình trạng dưới quyền bảo hộ của một nước khác. Một trong 9 nước đó là Việt Nam. 

Cả hai bên Đài loan và lục địa đều không tham dự Hội nghị San Francisco. Phía Bắc Kinh, qua tuyên bố của Châu Ân Lai là không nhìn nhận mọi kết quả phát sinh từ Hội nghị này. 

Hòa ước San Francisco 1951 viết bằng 4 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật. Nhưng chỉ có ba ngôn ngữ đầu là có hiệu lực pháp lý. Hòa ước bao gồm gồm 7 chương, 27 điều và một lời mở đầu. Điều 2 khoản (f) nói về lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa, nguyên văn như sau:

(f) Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracel Islands”. 

Nhật phải từ bỏ mọi quyền, mọi danh nghĩa và mọi yêu sách liên quan đến quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Điều 2 của Hiệp ước San Francisco 1951 không hề xác định Hoàng Sa và Trường Sa, (kể cả đảo Đài Loan và quần đảo Bành hồ), sẽ trả về cho nước nào, hay giao cho chính phủ nào có thẩm quyền quản lý!

Vì vậy, muốn tìm hiểu các vùng lãnh thổ do Nhật từ bỏ sẽ giao cho quốc gia nào ta phải nghiên cứu về “tiền Hội nghị San Francisco” đồng thời xét đến công pháp quốc tế và tập quán quốc tế về những vấn đề chủ quyền ở các vùng lãnh thổ bị từ bỏ.

Theo tác giả Focsaneanu Lazar trong “Les Traités de paix du Japon. In: Annuaire français de droit international, volume 6, 1960. pp. 256-290 ». Hội nghị San Francisco đã đưa ra 4 giải pháp để giải quyết số phận các vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ. Lược dịch ra như sau :

  1. Đề nghị thứ nhứt, các vùng đất (Nhật từ bỏ) thuộc quyền quản lý của tất cả các nước có tuyên bố chiến tranh với Nhật, tức hình thức "cộng đồng quản lý" (condominium). Việc chuyển giao chủ quyền ở các vùng lãnh thổ này đã được thực hiện lúc Nhật ký kết Tuyên bố Potsdam và đầu hàng vô điều kiện (14-8-1945). Điều 2 Hiệp ước San Francisco chỉ nhằm mục tiêu hợp pháp hóa hành vi từ bỏ lãnh thổ của Nhật mà thôi.  

  2. Đề nghị thứ hai, các vùng đất (Nhật từ bỏ) thuộc quyền quản lý của các nước ký kết vào Hiệp ước. Đề nghị này bị Liên Xô chống đối. Hai nước Ấn Độ và hai nước Trung Hoa đòi hỏi "cộng đồng quản lý" ngay cả lãnh thổ của Nhật.

  3. Các vùng đất này trở thành đất vô chủ (terrae derelictae). 

  4. Các vùng đất này trở thành đất vô chủ, người ta có thể chiếm hữu. Điều này hàm ý, những nước tham chiến đang chiếm đóng tạm thời tại các vùng lãnh thổ đó có thể chiếm đóng vĩnh viễn và tuyên bố chủ quyền.


Chiếu những điều xảy ra trên thực tế, ta thấy điều (a), (d) và (c) lần lượt được thực hiện. 

Một chi tiết quan trọng : điều 2 của Hiệp ước San Francisco là do đại diện phái đoàn Pháp đề nghị.

Hành vi của Pháp dĩ nhiên là có tính toán (để lấy lại thuộc địa Đông dương).

Bởi vì, từ ngày 28 tháng 2 năm 1946 Pháp đã ký kết với Trung Hoa Hiệp ước Trùng Khánh (như đã viết đoạn trên). Nội dung kết ước Pháp tuyên bố hủy bỏ tất cả các quyền lợi và tô giới của Pháp tại Trung Hoa. Đổi lại quân đội Trung Hoa sẽ rời Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 3 năm 1946 để quân Pháp vào thay thế. 

Trong khi đó, phía nam vĩ tuyến 16, vì lý do chiến lược, Anh cũng đồng ý nhượng quyền lại cho Pháp. 

Tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật rút đi Pháp liền gởi quân đến các nơi này để khẳng định chủ quyền. Tại Hoàng Sa quân đội Pháp-Việt đã có mặt từ tháng 5 năm 1946. Tháng 10-1946, quân Pháp ra đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc Trường Sa, đóng mốc mới, khẳng định lại chủ quyền.

Như thế, hành động của Pháp phù hợp hoàn toàn theo nội dung các đề nghị “tiền hội nghị” San Francisco” về việc giải quyết các vùng đất do Nhật từ bỏ. 

Đó là Nhật từ bỏ chủ quyền Hoàng sa và Trường Sa. Hai vùng lãnh thổ này trở thành “đất vô chủ - terrae derelictae”, các quốc gia có quyền tuyên bố sáp nhập, hay khẳng định chủ quyền.

Tuyên bố của Thủ tướng Trần văn Hữu của Việt Nam Dân Quốc (Etat National du Viet Nam - còn gọi là Quốc gia Việt Nam) trước Hội nghị « thâu hồi Hoàng Sa và Trường Sa » thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuyên bố này, trên lý thuyết, “có giá trị pháp lý” chừng mực vì VN tham gia Hội nghị với tư cách “quốc gia độc lập có chủ quyền về lãnh thổ”. VN lúc đó lệ thuộc Pháp về ngoại giao và quốc phòng. 

Điểm yếu này của VN dầu vậy lại được bổ túc và hoàn thiện do các hành vi thể hiện trên thực địa (cắm mốc, dựng bia, ra tuyên bố trước công chúng quốc tế…) của Pháp.

Pháp đã khẳng định lại chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, dưới sự mặc nhiên chấp thuận của các đại cường Hoa Kỳ và Anh.


3/ Hòa ước Trung-Nhật 28-4-1952.

Tháng 4 năm 1952, Nhật chọn phía Trung Hoa Dân quốc là đại diện cho Trung Hoa để ký riêng hiệp định Hòa bình. 

Đây không phải là một lựa chọn « chiến lược », mà do thủ tục pháp lý : chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch có tuyên bố chiến tranh với Nhật, do đó cần ký hiệp ước để kết thúc chiến tranh. Phe Mao không tuyên bố chiến tranh thì không thể ký hiệp ước hòa bình với Nhật. 

Điều 2 Hiệp ước Hòa bình 28-4-1952 giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản, nguyên văn như sau:  

“It is recognized that under Article 2 of the Treaty of Peace with Japan signed at the city of San Francisco in the United States of America on September 8, 1951 (hereinafter referred to as the San Francisco Treaty), Japan has renounced all right, title and claim to Taiwan (Formosa) and Penghu (the Pescadores) as well as the Spratly Islands and the Paracel Islands.

Tạm dịch: Hai bên nhìn nhận rằng theo điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan, Bành Hồ cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Một hiệp ước nhắc lại một điều ước của một hiệp ước khác, ở đây là hòa ước San Francisco 1951. Số phận HS và TS phải qui chiếu lại nội dung điều 2(f) của Hòa ước San Francisco, hay các kết ước khác có liên quan, như kết ước Pháp-Trung ký tại Trùng Khánh 28 tháng Hai 1946. 

Các học giả Đài Loan cho rằng nội dung điều 2 Hiệp ước đã nói rõ HS và TS trả cho Trung Hoa Dân Quốc là không có căn cứ.

4/ Hòa ước Trung-Nhật 12-8-1972.

Tuyên bố chung Trung-Nhật ngày 2 tháng Bẩy 1971, Nhật nhìn nhận chính phủ ở Bắc kinh là đại diện chính đáng và duy nhứt đại diện cho quốc gia (Etat, State) Trung Hoa. Ngày 12-8-1972 Nhật ký Hiệp ước “Hòa bình và Hữu nghị” với lục địa. Hai bên đồng thuận rằng tất cả các kết ước trước đó giữa Nhật và chính phủ Trung Hoa Dân quốc là vô hiệu lực (caduc). Dĩ nhiên bao hàn luôn Hòa ước 28-4-1952 giữa Nhật và chính phủ Trung hoa Dân quốc (Đài loan).

Vấn đề là TQ không có tuyên bố chiến tranh với Nhật. Nước CHNDTQ của Mao Trạch Đông khai sinh sau khi Nhật đầu hàng tháng 8-1945. Không có tuyên bố chiến tranh sao lại ký hiệp ước hòa bình ? 

Điều này chỉ có thể giải thích là Bắc kinh “kế thừa” di sản chống Nhật của Tưởng Giới Thạch. Gút mắc ở đây là chính phủ Bắc Kinh không thể kế thừa di sản mà họ đã phủ nhận (như việc phủ nhận hòa ước 1952).

Nội dung Hòa ước 12-8-1972 tái khẳng định nội dung Tuyên bố Potsdam 1945. 

5/ Công hàm 14 tháng Chín 1958 của chính phủ VNDCCH.

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc ban bố “Tuyên bố lãnh hải quốc gia”. Tuyên bố gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau :

Điều 1 : Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)…

Điều 3 : Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của TQ thì không được xâm phạm vào không và hải phận của nước TQ.

Điều 4 : Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.

Ngày 10 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi một văn kiện ngoại giao (note diplomatique), VN quen gọi công hàm (công hàm 1958) nguyên văn như sau :

« Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. »

Khi VNDCCH “ghi nhận và tán thành” Tuyên bố của TQ, mặc nhiên “ghi nhận và tán thành” luôn việc HS và TS thuộc chủ quyền của TQ. 

Trong các công hàm của TQ gởi văn phòng TTK LHQ, đặc biệt công hàm CML/42/2020 ngày 17 tháng Tư 2020, TQ vịn vào công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng để cho rằng VN đã phạm “estoppel”, nguyên tắc “không được nói ngược” của Công pháp quốc tế.  

Theo học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong tập tài liệu “La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys”, công hàm 1958 đã “im lặng” trong vấn đề chủ quyền HS và TS. Điều này khiến VN phạm vào lỗi “acquiescement” – “đồng thuận ám thị”. 

Theo bà học giả, VNDCCH trong thời kỳ 1958-1975 đã có những hành vi như công bố các bài báo, các bản đồ, sách giáo khoa… nội dung khẳng định chủ quyền của TQ ở HS và TS. Các dữ kiện này đã củng cố hành vi “đồng thuận ám thị”, khiến hành vi “ám thị” trở thành một “nghĩa vụ” buộc VNDCCH phải thực hiện. 


6/ Kết luận: 

Thực tế cho thấy không một văn kiện quốc tế nào, Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam tháng Sáu 1945, Thỏa thuận Trùng Khánh 28-2-1946 đến các Hòa ước San Francisco 8-9-1951, Hòa ước Trung-Nhật 1952 (với chính phủ Đài loan), Hòa ước Trung-Nhật 1978 (với chính phủ Bắc kinh)… không có nội dung nào nhìn nhận chủ quyền HS và TS thuộc về TQ, như Tuyên bố của TQ dẫn trên. 

Ngoại trừ công hàm 14 tháng Chín 1958 của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng làm thủ tướng. Công hàm này nhìn nhận Tuyên bố 4 tháng Chín 1958 về hải phận và chủ quyền lãnh thổ của TQ. 

Công hàm 1958 có phải là một “văn kiện quốc tế” hay không ?

Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào “tư cách pháp nhân” của VNDCCH. 

Nếu VNDCCH (và VNCH) là những “quốc gia độc lập có chủ quyền”, là “đối tượng của công pháp quốc tế”, thì công hàm 1958 là “văn kiện quốc tế”. VNDCCH có nghĩ vụ phải tuân thủ các điều mà “quốc gia” này đã cam kết.

TQ có thể đặt nền tảng trên văn kiện này để củng cố hồ sơ Biển Đông, yêu sách toàn bộ Biển Đông (theo bản đồ chữ U chin đoạn) mà VN không làm được điều gì. 

Nếu VNDCCH không có “tư cách pháp nhân Quốc gia”, VNDCCH không phải là “đối tượng của luật quốc tế”. Hiển nhiên công hàm 1958 không phải là “văn kiện quốc tế”. VNDCCH không có nghĩa vụ, hay bị ràng buộc, trước luật quốc tế, về những hành vi đã thể hiện. 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.