samedi 9 octobre 2021

Đài loan cộng hòa quốc.


Hôm qua 7 tháng 10 tại Đài bắc, Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard, nguyên là cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng Pháp, trưởng đoàn đại biểu Thượng nghị sĩ Pháp hiện đang có chuyến thăm viếng 5 ngày ở Đài loan. Ông Alain Richard đã có phát biểu gây “sốc” cho Bắc kinh. Ông Thượng nghị sĩ khen ngợi văn phòng đại diện Đài loan tại Paris hoạt động rất hiệu quả trong tư cách đại diện cho “NƯỚC” của quí vị”. Nguyên văn : "a fait un très bon travail dans la représentation de votre pays”. 

Ý kiến làm sốc Bắc kinh : Đài loan là một “nước - pays”, tức “quốc” theo tiếng Hoa. Ý kiến phát biểu trong bối cảnh lục địa đang làm áp lực tối đa lên Đài loan qua các đợt cho hàng trăm máy bay bay qua vùng “nhận dạng phòng không ADIZ” của Đài loan. Các chuyên gia quốc tế tiên đoán, từ nay cho đến 2030 TQ sẽ chiếm Đài loan. Nhưng tình hình năm tới 2022 đảng CSTQ sẽ bầu lãnh đạo mới. Tập Cận Bình cần có một “chiến tích” để khẳng định vị thế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước của mình. Vì vậy không thể loại trừ khả năng lục địa sẽ đánh Đài loan trong thời gian gần hơn. 

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên phản đối, cho rằng Pháp đã “vi phạm trắng trợn sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế”. 

Vấn đề là những “đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế” không chắc đã ủng hộ lý lẽ của Bắc kinh. 

Có lẽ ông Triệu Lập Kiên đã quên nội dung Tuyên bố Caire (Cairo tháng 11 năm 1943). Thống chế Tưởng Giới Thạch tham gia Hội nghị Caire, đàm phán với các lãnh tụ Đồng minh gồm Tổng thống Roosevelt của Mỹ và Thủ tướng Churchill của Anh, về các điều kiện để Trung hoa gia nhập khối Đồng minh tuyên bố chiến tranh với Nhật. 

Các điều kiện đó là: Nhật phải trả lại cho Trung hoa những vùng lãnh thổ mà đế quốc này đã “ăn cướp” của Trung hoa như Mãn Châu, Đài loan và quần đảo Bành hồ. 

Đúng như lời hứa, Tưởng Giới Thạch ra tuyên bố Trung hoa trong tình trạng có chiến tranh với Nhật. 

Sau khi Nhật đầu hàng, các vùng lãnh thổ đã ghi trong Tuyên bố Cairo 1943 được  quân Trung hoa chiếm lại trên thực tế. 

“Đồng thuận quốc tế” về Đài loan (nói kiểu Triệu Lập Kiên) - về mặt pháp lý “de jure” - được thể hiện qua (điều 2 khoản b) Hòa ước San Francisco 1951. Điều ước này được trích dẫn nguyên văn và ghi lại trong hòa ước Nhật-Trung 28 tháng Tư năm 1952. Trung hoa ký riêng hòa ước với Nhật, vì lý do Trung hoa không có đại diện tham dự hội nghị San Francisco. Đồng thuận này được tái khẳng định sau đó qua Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị 12 tháng Tám 1978 ký giữa Tokyo và Bắc kinh. 

Nội dung các kế ước quốc tế dẫn trên nhìn nhận hiệu lực Tuyên bố Caire 1943, tức khẳng định Đài loan, Bành hồ và Mãn châu thuộc về Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, vào thời điểm mà nước Cộng hòa nhân dân Trung quốc chưa khai sinh. (Trung cộng khai sinh ngày 1 tháng Mười 1949). Các chính phủ Trung hoa dân quốc  cát cứ ở Đài loan sau này hiển nhiên có đủ tư cách kế thừa chính đáng di sản về chủ quyền lãnh thổ của Trung hoa dân quốc.  

Ý kiến của Thương nghị sĩ Alain Richard, cho rằng Đài loan là một “nước”, trên phương diện “de jure” là đúng với thực tế và lịch sử. Vì vậy ông Triệu Lập Kiên có vẻ lạc điệu khi “lên gân” với Pháp bằng lời lẽ như vậy. 

Tuyên bố Thượng hải 28 tháng Hai năm 1972.

Chúng ta đều biết Quốc gia (Etat - State) tên gọi “Trung hoa Cộng hòa quốc” hay Trung hoa Dân quốc đã được thành lập sau ngày “cách mạng Tân hợi”, còn gọi là “cách mạng Vũ xương”, bắt đầu từ ngày 10 tháng Mười năm 1911. Cuộc cách mạng đã hạ bệ triều đình nhà Thanh và chấm dứt nền quân chủ lâu đời 2000 năm của Trung hoa. 

Nền cộng hòa ra đời, kế thừa một tấm “dư đồ” rách nát để lại từ triều đình nhà Thanh. Những nơi phồn hoa đô hội, đô thị, thành phố, hải cảng, hệ thống đường sắt, những quặng mỏ, ruộng lúa… đều nằm trong tay nước ngoài, dưới danh xưng “nhượng địa”. Đất nước Trung hoa chìm ngập vào nạn “sứ quân”. Người ta thống kê từ năm 1917 đến năm 1928, những vùng sâu xa, gọi là “lục địa,” có tới 1200 sứ quân. 

Chỉ đến năm 1928 Trung hoa lục địa được thống nhứt dưới ngọn cờ “cách mạng quốc gia chủ nghĩa” của Thống chế Tưởng Giới Thạch. Ông này kế thừa di sản Trung hoa dân quốc (và Tam dân chủ nghĩa) của Tôn Văn. Ngày “Song thập”, tức ngày 10 tháng Mười được lấy làm ngày Quốc khánh của Trung hoa dân quốc.

Như đã viết trên, Thống Chế Tưởng Giới Thạch đứng vào phe Đồng minh và tuyên bố chiến tranh với Nhật. Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch đứng về phe “chiến thắng”, được Mỹ hết lòng ủng hộ. Do vậy Trung hoa dân quốc trở thành “thành viên khai sinh” ra tổ chức Liên hiệp quốc. Trung hoa dân quốc cũng chiếm một ghế, là một trong năm thành viên có quyền “Veto” của hội đồng Bảo an LHQ (4 thành viên kia là Mỹ, Nga, Anh và Pháp).

Đến khi thua trận Mao Trạch Đông 1949, Tưởng giới Thạch cùng toàn bộ nội các (bao gồm các thành viên Quốc hội) của Trung hoa Cộng hòa quốc di tản chiến thuật ra Đài loan. Cho đến cuối đời của Tưởng Giới Thạch, mục tiêu của Trung hoa dân quốc là “tiễu trừ cộng phỉ - quang phục lục địa”. 

Hàng năm ngày 10 tháng Mười Đài Bắc tổ chức tưng bừng ngày “Quốc khánh” như là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”. 

Lập trường của Mỹ về Trung hoa dân quốc chỉ thay đổi sau cuộc “ngoại giao bóng bàn” giữa Kissinger và Chu Ân Lai năm 1970. Kết quả việc này Tổng thống Nixon thăm viếng Bắc kinh và hai bên Mỹ-Trung ra “Tuyên bố Thượng Hải” ngày 27 tháng Hai 1972. Nội dung Mỹ nhìn nhận rằng “dân chúng hai bờ eo biển Đài loan chủ trương một nước Trung hoa và Đài loan là một phần của nước Trung hoa. Chính phủ Mỹ không phản đối lập trường này. Chính phủ Mỹ tái khẳng định lợi ích của Mỹ về một giải pháp hòa bình, của người Hoa, cho vấn đề Đài loan…”

Lập trường của Mỹ từ đó thay đổi: Lục địa không thuộc về Trung hoa dân quốc mà Đài loan thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung quốc của Mao Trạch Đông. 

Trung hoa dân quốc mất ghế đại diện ở LHQ năm 1971 cho Trung cộng và đến năm 1979 Mỹ đoạn giao với Đài bắc để thiết lập ngoại giao với Bắc kinh. 

Trong chừng mực “Quốc gia-Etat-State” tên gọi “Trung hoa cộng hòa quốc” (tức là Trung hoa dân quốc) đã bị Mỹ “khai tử” trên giấy tờ từ lúc công nhận chính quyền cộng sản ở Bắc kinh.

Ngay sau khi Tuyên bố Thượng hải ra đời 27 tháng Hai 1972, dân chúng ở Đài loan khai sinh phong trào chủ trương một quốc gia Đài loan độc lập có chủ quyền. 

Đài loan cộng hòa quốc.

Quốc gia tên gọi “Đài loan cộng hòa quốc” được tuyên bố thành lập ngay sau khi hiệp ước Shimonoseki 1895 ký kết giữa nhà Thanh và Nhật. Nội dung hiệp ước nhà Thanh nhượng vĩnh viễn Đài loan cho Nhật. 

Tái dựng lại Đài loan cộng hòa quốc có thể là cái phao cứu vãn Đài loan để không bị lục địa thôn tính. 

Trong chừng mực về pháp lý, Đài loan khá giống với Việt Nam Cộng hòa. Cả hai, trên thực tế, “hành sử “như là quốc gia”. 

Hiến pháp của Quốc gia Trung hoa dân quốc qui định lãnh thổ bao gồm Đài loan và lục địa. Dân chúng bao gồm tất cả dân chúng sinh sống trên lãnh thổ Trung hoa. 

Vấn đề là thẩm quyền về lãnh thổ của Trung hoa dân quốc chỉ giới hạn ở Đài loan. Về dân chúng, dân lục địa đóng thuế cho Bắc kinh chớ không đóng cho Đài bắc. Tức là, nếu Trung hoa dân quốc là “Quốc gia - Etat - State”, thì đây là “quốc gia chưa hoàn tất”. 

Quốc gia chưa hoàn tất không được gia nhập tổ chức LHQ dó đó không được hưởng các quyền của một quốc gia thành viên. 

Tương tự VNCH. Thẩm quyền lãnh thổ của VNCH chỉ giới hạn ở các tỉnh miền Nam (dưới vĩ tuyến 17). VNCH cũng là một “quốc gia bị phân chia” hoặc là “quốc gia chưa hoàn tất”.

Quốc gia “bị phân chia” là quốc gia trước khi bị phân chia đã được nhìn nhận là “quốc gia”. Sau khi bị phân chia hai bên (hay các bên) cùng có lập trường là thống nhứt đất nước.

Nếu Đài loan vẫn “dính liền” với lục địa, như các kết ước quốc tế đã khẳng định, thì trước sau gì Đài loan cũng sẽ bị TQ thôn tính, dưới danh nghĩa là “thống nhứt đất nước”. 

Điều này tương tự VNCN. Không hóa giải hiệp định Genève 1954 (và Hiệp định Paris 1973) để tách rời VNCH ra khỏi VNDCCH và tuyên bố độc lập, trước sau gì VNCH cũng sẽ bị VNDCCH thôn tính, dưới chiêu bài “thống nhứt đất nước”.

Về lịch sử, ngày 17 tháng 4 năm 1895 Thanh triều phải ký hòa ước với Nhật tại Shimonoseki, nhượng cho Nhật đảo Đài Loan và bán đảo Liêu Đông cũng như buộc nhà Thanh phải “trả” lại “độc lập” cho Triều tiên, vốn trước đây thần phục Thanh triều. Hòa ước cũng buộc Trung Hoa phải bồi thường chiến phí cho Nhật một số tiền là 200 triệu lạng bạc (trong khi ngân sách hàng năm của Thanh triều chỉ có 89 triệu lạng bạc). Nhưng việc nhượng bán đảo Liêu Đông cho Nhật đã bị các nước như Nga, Pháp và Đức phản đối. Theo các nước này, việc chiếm bán đảo Liêu Đông sẽ đe dọa an ninh Bắc Kinh và không thể bảo đảm độc lập cho Triều tiên. Cuối cùng Nhật nhưọng bộ, “bán” lại bán đảo Liêu Đông cho nhà Thanh với giá tiền là 30 triệu lạng bạc.

Việc chuyển giao Đài Loan cho Nhật gặp sự chống đối của dân bản xứ. Ngày 23 tháng 5 năm 1895, ông Tang Jingsong tuyên bố Đài Loan độc lập : Đài Loan cộng hòa quốc. Ông Tang được các nhân sĩ trên đảo bầu làm tổng thống. 

Trên lý thuyết không có gì cấm cản Đài loan dựng lại ngọn cờ “Đài loan cộng hòa quốc” để tuyên bố độc lập với lục địa. 

Chỉ khi nào Đài loan trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền, luật quốc tế về chiến tranh được áp dụng. Đài loan được Hiến chương LHQ bảo vệ. 

Tương tự trường hợp “phòng vệ đa phương” áp dụng cho Koweit sau khi bị Irak xâm lăng. Liên quân 35 nước được thành lập dưới sự lãnh đạo của Mỹ ngày 28 tháng Hai năm 1990, đánh Irak để “giải phóng” Koweit. 

Phải chăng ý kiến “nước Đài loan” của Thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard khai mở một lộ trình để “quốc tế hóa” vấn đề Đài loan ? 

Bởi vì bất cứ một tuyên bố ly khai, qua trưng cầu dân ý hay qua hình thức tuyên bố đơn phương, TQ có thể áp dụng luật Chống ly khai để đánh Đài loan.

Lập trường của TQ, Đài loan là một "vấn đề nội bộ của TQ". Mới đây TT Biden cũng tái khẳng định điều này.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.