Phê bình sự lý giải của điệp viên Frank Snepp về lý do “vì sao Mỹ bỏ rơi VNCH”.
Tôi có theo dõi các bài phỏng vấn điệp viên Frank Snepp do BBC thực hiện. Bài cuối cùng nói về nguyên nhân “vì sao Mỹ bỏ rơi VNCH”.
Theo Frank Snepp: “Kissinger và Nixon cùng nghĩ ra chiến lược bỏ rơi Việt Nam mà trên thực tế họ đã thực hiện. Năm 1969, Kissinger và Nixon đến nhậm chức tại Nhà Trắng. Họ là một cặp đôi, trong đó Nixon là tổng thống. Họ hứa đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, đó là lời hứa với người dân Hoa Kỳ khi tranh cử”.
Tôi chia sẻ nhận xét này của Frank Snepp. Nixon đắc cử tổng thống Mỹ tháng 9 năm 1968, nhậm chức tháng giêng 1969, nhờ các hứa hẹn sẽ “kết thúc chiến tranh VN” và đem lại “hòa bình trong danh dự” cho nước Mỹ.
Sau cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” trong Tết Mậu thân 1968, quần chúng Mỹ đa số chống chiến tranh VN cũng như dư luận thế giới không thuận lợi cho sự can thiệp của quân đội Mỹ vào nội tình Việt Nam.
Học thuyết Nixon ra đời năm 1969, với “quân sư” là Henry Kissinger. Mục tiêu học thuyết là “hòa Trung chống Xô”, sau khi nhận thấy có sự rạn nứt nghiêm trọng trong khối cộng sản giữa TQ và LX (do những xung đột trên vùng biên giới).
Tuy nhiên tôi không chia sẻ với Frank Snepp về ý kiến Nixon “cống hiến VN cho Bắc kinh để TQ cởi mở hơn và làm bạn với Hoa kỳ”.
Thực tế chỉ ra rằng nếu Nixon muốn có “một khoảng thời gian hợp lý” để rút khỏi VN thì Mao chỉ muốn một “khoảng cách hợp lý” giữa hai vùng ảnh hưởng Mỹ-Trung.
Mâu thuẩn Trung-Xô khiến Bắc kinh dễ dãi trong cách tiếp cận với Mỹ. Trong khi Trung ương đảng CSVN khai sinh chính sách “đi dây” giữa hai “đồng chí anh em LX và TQ”.
Từ 1965 đến 1969 viện trợ quân sự của LX cho miền Bắc từ 4 đến 5 tỉ đô la, trong khi viện trợ của TQ chỉ còn 20% con số viện trợ của LX. LX giúp cho Bắc Việt nhiều thứ vũ khí tối tân hơn vũ khí của Mỹ viện trợ cho VNCH. Miền Bắc tách dần khỏi quĩ đạo TQ, trở thành vệ tinh của LX, trong khi đó Lào và Kampuchia trung lập. TQ tưởng chừng không còn điểm nắm tại Đông Dương.
Từ sau Hiệp định Genève 1954, Bắc kinh không hề muốn Bắc VN thành công trong sự nghiệp “giải phóng miền Nam” mà chỉ muốn một VN bị phân chia, miền Bắc phục tùng TQ. TQ chỉ muốn VN (và Triều tiên) không bao giờ thống nhứt. Một VN (và Triều tiên) chia rẽ và chiến tranh luôn có lợi cho Bắc Kinh.
Sau biến cố Mậu thân Hội nghị Paris được mở (tháng 5-1968). TQ lo ngại Washington và Moscou thỏa thuận một “giải pháp VN” mà TQ đứng ngoài. TQ tìm mọi cách phá hoại Hội nghị bằng cách thúc đẩy CS Bắc Việt gia tăng cường độ chiến tranh.
Trần Nghị, bộ trưởng bộ ngoại giao TQ gặp đại diện VN tháng 10-1968 đe dọa chấm dứt ngoại giao nếu VN “chấp nhận 4 bên đàm phán”. TQ cho rằng như thế là giúp Johnson thắng cử, làm kéo dài sự “đô hộ của dân miền Nam dưới gót giầy đế quốc Mỹ !”. Năm 1969 TQ đặt vấn đề với CSVN : Thế VN muốn đánh hay hòa để TQ tính việc viện trợ ? Viện trợ của TQ năm 1969 sụt 20% so với năm 1968.
Tức là do lo ngại đàm phán của ba nước Việt-Xô-Mỹ có thể gây bất lợi, TQ thúc đẩy Hà Nội lên thang chiến tranh. TQ cho rằng VN dùng viện trợ của TQ đánh Mỹ để nhằm mục tiêu đàm phán với Mỹ thì viện trợ của TQ không có ý nghĩa.
Hiển nhiên quyết tâm của TQ khiến Nixon không thể thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Washington cũng nắm được ý đồ của TQ. Mỹ nhận thấy không thể thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” nếu không có sự đồng thuận của TQ. Vì thế con đường “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon bắt buộc phải đi qua Bắc Kinh.
Qua các cuộc đi đêm và ngoại giao “bóng bàn” với Washington, Bắc Kinh thiết lập lại cầu nối với Mỹ. Từ đó ta thấy Bắc kinh làm áp lực hiệu quả lên Hà nội để Mỹ rút quân khỏi VN bình an. Đổi lại, Mỹ nhìn nhận Bắc Kinh là đại diện chính thức của TQ tại LHQ, thay vì nhà nước Quốc Dân đảng ở Đài Bắc, đồng thời hứa giúp TQ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Mỹ không thể “cống hiến” VN cho TQ, nói như Frank Snepp. VN có vào lọt vòng ảnh hưởng của TQ hay không còn tùy thuộc vào sức mạnh và ý chí đảng CSVN cũng như tương quan lực lượng giữa TQ và LX đối với Bắc VN. Không phải chỉ có duy nhứt TQ là “đỡ đầu” cho Bắc VN.
Thực tế cho thấy Học thuyết Nixon đã “ứng nghiệm”. Cộng sản lục địa thay chỗ Quốc dân đảng ở LHQ và Mỹ rút quân một cách “an toàn” ra khỏi VN.
Thực tế cũng cho thấy sau 1973, “khi đồng minh tháo chạy” khỏi miền Nam VN, đảng CSVN hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc kinh và ngả vào LX. Sau 1975 VN trở thành “tên xung kích vô sản sừng sỏ” vùng Đông Nam Á của đế quốc cộng sản Liên Xô.
Và thực tế cho thấy cam kết của Nixon về chiến tranh VN không đem lại cho Mỹ “danh dự”, cũng như cho Châu Á một nền “hòa bình”, đúng như tựa đề quyển sách “No peace, No honor” của Larry Berman.
Tức là sự lý giải của Frank Snepp về việc Mỹ “nhượng” VN cho TQ là hoàn toàn không có căn cứ. Chỉ có Nixon và Kissinger “bán đứng” VNCH cho CS Bắc Việt mà thôi.
Điều mâu thuẩn trong sự lý giải của Frank Snepp về nguyên nhân sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH.
Frank Snepp nói rằng : “Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi không đúng khi đổ lỗi sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH cho Hoa Kỳ… Việc thất trận của VNCH đến từ những lý do gần nhà hơn.”
Những lý do “gần nhà”, theo ông Frank Snepp: “thứ nhất, viện trợ không thể đến kịp thời để cứu miền Nam Việt Nam. Thứ hai, hệ thống hậu cần của VNCH đã bị tham nhũng lũng đoạn, khó có thể tiếp thu và triển khai thêm vật liệu một cách hiệu quả. Và, cuối cùng, các cấp tư lệnh Nam Việt Nam vì lo xa không muốn để vũ khí thặng dư gần tiền tuyến, phòng khi Cộng sản tràn vào, mà cất chúng ở xa. Vì vậy, khi cộng sản tấn công vào Quân khu 1, họ cạn kiệt đạn dược và không có một kho dự trữ đủ gần để có thể đến lấy, trước khi bị Cộng sản tiến chiếm.
Mâu thuẩn của Frank Snepp là ông đã nhìn nhận “viện trợ (Mỹ cho VNCH) không thể đến kịp thời” và ông cũng biết rõ ý định của Nixon và Kissinger là “bỏ VN”.
Viện trợ đến trễ, cũng như bịnh nhân nghẹt thở mà oxygen đến trễ. Thì có khác gì cúp viện trợ đâu ?
Khi đã quyết định “bỏ VN” và cúp viện trợ thì mọi lý lẽ nhằm qui trách nhiệm sụp đổ VNCH do nội bộ VNCH đều chỉ là ngụy biện. Quốc hội Mỹ thời đó có câu “không bỏ thêm một xu cho chiến tranh VN”.
Mỹ bỏ Đài loan nhưng dầu sao xứ này có luật Taiwan Relations Act bảo vệ. Còn Mỹ bỏ VNCH đơn thuần như bỏ một cái áo rách.
Thời điểm trước “chiến dịch mùa xuân 1975”, bắt đầu tháng 12 năm 1974, số đạn dược, súng ống, xăng dầu, xe cộ… của VNCH còn lại là bao nhiêu ? Đủ để quân VNCH “cầm cự” bao lâu ?
Lúc TQ đánh HS (tháng giêng năm 1974), phi cơ VNCH đã không có xăng để bay ra bỏ bom. Khi Mỹ “tháo chạy” năm 1973 xe cộ bỏ lại hàng hà sa số. Hầu hết đều “bỏ xó”, không sử dụng được vì không có xăng dầu và phụ tùng thay thế.
Tại các tiền đồn, từ cuối năm 1974, pháo binh của VNCH đã không đủ đạn để bắn giải vây hay yễm trợ cho các đơn vị hành quân.
Frank Snepp cũng nói rằng: “Công bằng mà nói, Nixon không có lựa chọn nào khác vì Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh bại được Bắc Việt”
Cho rằng ngay cả lính Mỹ và lính VNCH hợp lại cũng “không đánh bại” CSVN mà điều này chưa chắc. Đánh “kiểu Mỹ”, từ VN qua Irak cho tới Afghanistan… Mỹ đều thua.
Thực tế cho thấy, hoàn toàn khác với lý giải của Frank Snepp, quân VNCH không thua, họ chỉ “buông súng” khi đã hết đạn (và khi có lịnh từ Dương Văn Minh). Bộ đội miền Bắc hay lính cộng hòa miền Nam đều là người Việt. Họ đều có “lá gan” như nhau. Mỹ “tháo chạy” năm 1973. Quân VNCH một mình chống chõi lại đạo quân mà Frank Snepp thú nhận Mỹ “không đánh lại”, cho tới tháng Tư năm 1975.
Còn lý do Frank Snepp cho rằng VNCH sụp đổ vì lý do hàng ngũ lãnh đạo VNCH “tham nhũng”.
Đa số lãnh đạo thượng tầng của VNCH đều chạy thoát và tị nạn bên Mỹ. Ông Frank Snepp có thể chỉ ra ai là người qua Mỹ sống bằng tiền tham nhũng ?
Mỹ thua và bỏ chạy vì nhiều lý do mà lý do chính là Mỹ đánh giặc kiểu “nhà giàu”. VNCH sụp đổ vì bị Mỹ ép “đánh giặc theo kiểu nhà giàu”.
Mỹ rút Afghanistan, quân Mỹ còn ở Kaboul mà quân chính phủ thân Mỹ đã “buông súng” và Taliban đã chiếm toàn bộ lãnh thổ. Mỹ thoát thân ra khỏi Kaboul dưới họng súng “bảo vệ” của quân Taliban mà Mỹ thề thốt phải tiêu diệt.
Mỹ sẽ tiếp tục thua nếu vẫn tiếp tục đánh giặc kiểu quăng tiền ra cửa sổ.
Vì sao Mỹ thua ở chiến tranh VN ?
Theo tôi, Mỹ thua, kéo theo VNCH sụp đổ, có hai lý do chính và một lý do phụ.
Lý do thứ nhứt, Mỹ thua vì không thể xây dựng được quốc gia VNCH (Nation and State Building).
Sau 1954 Mỹ thay thế Pháp vào miền Nam với danh nghĩa giúp VNCH “Xây dựng Quốc gia - State Building”.
Ý định xây dựng một quốc gia tên gọi South Viet Nam của Mỹ, có thể gọi là Nam Việt Cộng hòa quốc, hay Nam Việt Dân quốc, với ranh giới, lãnh thổ và dân chúng xác định từ vĩ tuyến 17, là một “quốc gia thất bại”, ngay từ trong ý định.
Hiệp định Genève 1954 là một hiệp ước giữa Pháp và Việt minh nhưng Hội nghị Genève 1954 là một Hội nghị quốc tế (tương tự Hội nghị San Francisco 1951), có giá trị pháp lý “ràng buộc”. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị được các đại cường bảo kê. Điều khoản quan trọng là: VN là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhứ ba miền Bắc, Trung, Nam và toàn vẹn lãnh thổ. Vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời. Trong mọi trường hợp không thể diễn giải nó như là ranh giới chính trị”.
Mỹ và VNCH không nhìn nhận mọi văn bản của Hội nghị Genève. Vấn đề là Mỹ và VNCH “đồng sàng dị mộng”.
Mỹ quan niệm VNCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, với lãnh thổ, dân chúng và ranh giới được xác định từ vĩ tuyến 17.
Nhưng quan điểm của VNCH, khi phản đối Hiệp định Genève 1954, là chống phân chia lãnh thổ, tức đối nghịch với lập trường của Mỹ.
Nỗ lực của Mỹ “xây dựng quốc gia Nam Viet nam” có thể kiểm nhận qua tập tài liệu “Why Vietnam ?” của The White House, Washington, D.C., 20 août 1965 (từ nay gọi là tài liệu Why Vietnam?). Hồ sơ này có thể coi là tập “sách trắng” của Mỹ nhằm giải thích lý do, trước dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, vì sao người Mỹ can thiệp vào chiến tranh VN.
Từ năm 1960, qua những bức thư Tổng thống Eisenhower gởi ông Diệm, ta thấy người Mỹ đã có quan niệm miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quốc gia đó tên gọi “South Vietnam”. Tổng thống Eisenhower cảnh báo ông Diệm bằng thư riêng ngày 26 tháng 10 năm 1960: “cộng sản miền Bắc đã và đang sử dụng vũ lực để khuynh đảo chính trị và phá hoại nền tự do của quốc gia South Vietnam”.
Sang đến đời tổng thống Kennedy, cũng theo tài liệu “Why Vietnam?”, dẫn lá thư ngày 14 tháng 12 năm 1961 của TT Kennedy đã gởi cho ông Diệm, nội dung cảnh báo: “các cuộc tấn công bằng vũ lực hay các cuộc khủng bố chống lại nhân dân và chính quyền trên đất nước của quí ngài trong thời gian qua được sự ủng hộ và lãnh đạo của ngoại bang là cộng sản Hà Nội”.
Cũng trong tập tài liệu đã dẫn, tháng tư năm 1965, TT Johnson còn đi xa hơn trong lập luận VNCH là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”: “Miền bắc VN đã tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền là miền Nam VN”.
Nhiều lần tập tài liệu trích dẫn ý kiến lãnh đạo Mỹ, theo đó Mỹ đổ bộ vào VN “không có một tham vọng nào về lãnh thổ” mà chỉ bảo vệ “quyền” của nhân dân miền Nam Việt Nam. “Quyền” này thể hiện qua sự “lựa chọn tương lai của dân tộc VN bằng lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do”.
Tài liệu cũng dẫn những cam kết của các lãnh đạo Mỹ: “Đến khi nào mà Mỹ còn có thể ngăn cản, thì không có một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc Nam Việt Nam bằng vũ lực hay bằng khủng bố”.
Người Mỹ cố gắng xây dựng “quốc gia Nam Việt nam”, sao cho sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, ở các điều “quyền được can dự vào chiến tranh”, điều 51 về “quyền tự vệ chính đáng”, và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Nhưng Mỹ và VNCH “đồng sàng dị mộng”. Hiến pháp VNCH đến ngày cuối cùng vẫn khẳng định lãnh thổ VN từ Nam quan đến Cà mau.
Mỹ ký Hiệp định Paris 1973, khẳng định Mỹ nhìn nhận hiệu lực của Hội nghị Genève 1954. Tức là Mỹ nhìn nhận “quốc gia VN độc lập, thống nhứt ba miền lãnh thổ bất khả phân chia” và “vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới tạm thời sử dụng cho quân sự. Trong mọi trường hợp không thể diễn giải như là đường ranh giới chính trị”.
Chiến tranh VN từ đó trở thành một cuộc “nội chiến”.
Từ khi Mỹ can dự vào chiến tranh VN, dư luận thế giới dựa vào nội dung Hội nghị Genève 1954 lên án Mỹ “xâm lược”. Mọi nỗ lực của Mỹ xây dựng “quốc gia” tên gọi “Nam Việt Dân quốc” hay “Nam Việt cộng hòa quốc” đều thất bại.
Không thuyết phục được các lãnh đạo VNCH tuyên bố “quốc gia độc lập”, từ ông Diệm đến ông Thiệu. Điều này dẫn đến việc Mỹ thua về pháp lý. Thất bại về quân sự và chính trị chỉ còn là thời gian.
Quân đội Mỹ không còn lý do chính đáng nào để ở lại VN.
Thất bại trong việc “xây dựng quốc gia” VNCH. Mỹ không còn ở VN, ngọn cờ “mặt trận giải phóng” mất đi hiệu lực cũng như lời hô hào “chống Mỹ cứu nước” không còn thuyết phục.
Nhưng miền Bắc vẫn còn có lý do “thống nhứt đất nước” để chiếm miền Nam. Mỹ rút những chiến tranh VN vẫn còn lý do tiếp diễn.
Thứ hai, Mỹ không tạo được lý do hợp pháp (và thuyết phục) - jus ad bellum - để can dự vào chiến tranh VN.
Điều này trực tiếp đến từ việc thất bại xây dựng quốc gia “South Viet Nam - Nam Việt cộng hòa quốc”.
Jus ad Bellum. Chiến tranh Irak Mỹ lấy lý do Saddam Hussein “làm bom nguyên tử” để can thiệp. Chiến tranh Afghanistan Mỹ can dự vì biến cố 11 tháng 9. Chiến tranh Triều tiên, Mỹ dẫn đầu quân đội đồng minh “cứu giá” Nam hàn qua một Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ.
Chiến tranh VN, quân Mỹ hàng trăm ngàn người đổ bộ vô bãi biển Đà nẵng năm 1965 mà không thông qua bất kỳ một kết ước nào với chính phủ VNCH. Chuyện xảy ra giữa lúc các tướng lãnh VNCH đang tranh giành quyền lực ở Sài gòn. Người Mỹ mượn tay “lính đánh mướn” giết ông Diệm 1963. Từ thời điểm ông Diệm chết cho đến năm 1965 VNCH như rắn không đầu.
Cũng không có cuộc trưng cầu dân ý nào, cho dầu “lấy lệ”, để “hợp thức hóa” sự hiện diện quân Mỹ ở miền Nam.
Sự hiện diện “không lý do chính đáng” của quân Mỹ ở miền VN khiến quân Mỹ trở thành một thứ “quân xâm lược”, không chỉ dưới mắt của phe cộng sản mà cả ở phe đồng minh của Mỹ.
Sự hiện diện của Mỹ đã tạo cho VNDCCH có lý do chính đáng thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam.
MTGPMN có lý do chính đáng để “đánh Mỹ xâm lược”.
Tại sao Bắc Hàn không thành lập mặt trận “đánh Mỹ cứu nước” giải phóng Nam hàn ? Tại sao dân Nhật không nổi dậy lập mặt trận “chống quân Mỹ xâm lược” ?
Đơn giản là tại vì sự hiện diện của quân Mỹ ở các nơi đây là “chính đáng”, được bảo kê bằng những hiệp ước ký kết giữa hai chính phủ hợp pháp và có giá trị “quốc tế”.
Rốt cục “đồng minh tháo chạy” năm 1973. Mỹ vô VN không theo nguyên tắc pháp lý nào thì khi Mỹ rời khỏi VN cũng không có gì ràng buộc.
Chiến tranh VN, từ cuộc chiến “quốc tế”, nước này xâm lược nước kia, trở thành một cuộc “nội chiến”.
Và khi Mỹ nhìn nhận chiến tranh VN là cuộc “nội chiến”, sau khi Mỹ rút, các bên VN có quyền đòi Mỹ “bồi thường chiến tranh”, vì những tàn phá vật chất cũng như sinh mạng do bom đạn của Mỹ gây ra trên đất nước VN.
Sai lầm từ đầu là người Mỹ luôn coi VNCH là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, với lãnh thổ, dân chúng và đường ranh giới được xác định là vĩ tuyến 17.
Mỹ không nhìn nhận Hiệp định Genève 1954 và không công nhận VNDCCH. Mỹ thiết lập bang giao với VN từ năm 1950.
Chiến tranh VN dưới mắt người Mỹ là “chiến tranh quốc tế”, xảy ra giữa hai quốc gia VNVH và VNDCCH. Quốc gia VNDCCH “xâm lược” VNCH.
Nhưng Mỹ đổ quân vô Nam VN, một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, như vô nhà không chủ. Mỹ “ngồi xổm” lên Hiến chương LHQ, một thứ “luật quốc tế” do Mỹ và đồng minh soạn thảo ra.
Rốt cục Mỹ phải nhìn nhận hiệu lực Hiệp định Genève 1954. Tức là Mỹ đã thua. Chiến tranh VN không phải là chiến tranh quốc tế, nước này xâm lăng nước kia. Quyền “tự vệ đa phương” theo Hiến chương LHQ không được xác lập.
“Jus ad Bellum - quyền được can dự vào chiến tranh” của Mỹ trong chiến tranh VN không thể chứng minh.
Mỹ bỏ chạy và không có một lý do (hợp lệ) nào để trở lại VN nữa. Ngay cả khi VNCH sụp đổ. Bởi vì chuyện VNCH trụ được theo thời gian hay sụp đổ tức thời là chuyện “nội bộ” của VN.
Thứ ba, do yếu tố nội tại VNCH.
Các lãnh đạo VNCH, từ ông Diệm đến ông Thiệu, đều không có ý thức rằng khi “tư cách pháp nhân quốc gia” của “Repuplic of South Viet Nam” hay Việt Nam cộng hòa chưa được xác lập. VNCH không thể ngang hàng ký kết với Mỹ các hiệp ước an ninh hỗ tương, đã đành. VNCH cũng không thể gia nhập bất cứ một “liên minh quân sự” nào cả.
Liên minh SEATO, nói là “Liên phòng Đông Nam Á”. VNCH thuộc Đông Nam Á, mà chiến tranh VN nguyên nhân thành lập SEATO. Nhưng VNCH không được gia nhập liên minh này.
Tư cách gia nhập các liên minh quân sự là “pháp nhân quốc gia” mà tư cách pháp nhân này VNCH còn khiếm khuyết.
Hiến chương LHQ cho phép một “quốc gia không phải là thành viên LHQ” trở thành thành viên của Tòa Công lý quốc tế hay gia nhập vào các tổ chức quốc tế thuộc LHQ.
Suốt cuộc chiến 54-75 VNCH không hề được Hiến chương LHQ bảo vệ.
VNCH cũng không thể trở thành “thành viên” của Tòa Công lý quốc tế. Vụ TQ đánh chiếm HS mà VNCH bó tay, không thể kiện cáo đi đâu được. Đơn giản vì tư cách pháp nhân “quốc gia” của VNCH chưa được xác định.
Mỹ đổ quân vào miền Nam, dưới cái nhìn của nhiều người Việt là chống làn sóng đỏ cộng sản bằng cách biến miền Nam thành một “thành trì” bảo vệ “tự do”.
Quốc gia không có thì “chính nghĩa quốc gia” không có.
Cuộc chiến Bắc Nam chưa bao giờ quân dân miền Nam được giáo dục để “bảo vệ lãnh thổ quốc gia” hay để “bảo vệ quốc gia chống cộng sản xâm lăng”. Khẩu hiệu “Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm” hay và đẹp biết bao nhiêu. Vấn đề là VNCH không xác định được “tổ quốc” của VNCH là gì ? Nếu Tổ quốc VNCH bao gồm luôn miền Bắc thì mọi hô hào, mọi vận động chống VC đều hoài công. Người ta chỉ nghe các khẩu hiệu hết sức là vô nghĩa như “chống cộng”, “bảo vệ tự do” hoặc các biểu ngữ “bêu xấu cộng sản”.
Không ăn thua! chế nhạo rằng “bảy thằng Việt cộng đu nhánh đu đủ không gảy”... là không ăn thua.
Khi người nông dân tiếp tế cho VC thì trước sau gì VNCH cũng thua. VC là “giặc”, tiếp tế cho VC là “giặc”. Rốt cục toàn bộ nông dân VN trở thành kẻ thù. Sai lầm! Bom đạn nào có thể tiêu diệt hết nông dân VN ?
Mà không chỉ người nông dân. Mọi tầng lớp trong xã hội như sinh viên học sinh, nhà báo, nhà tu, chính trị gia v.v… đều có người ủng hộ VC và chống VNCH.
Hiến pháp VNCH luôn khẳng định lãnh thổ VN “từ Nam quan đến mũi Cà mau” thì tổ quốc VNCH cũng là tổ quốc chung cho mọi người VN, bao gồm miền Bắc. VNCH không phải, hay chưa phải là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”.
Đã đành VNCH là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế trực thuộc LHQ. Vấn đề là VNCH “kế thừa” vị thế thành viên này từ Quốc Gia Việt nam (hành lập năm 1949), với lãnh thổ từ Nam quan đến Cà mau. Tức đại diện luôn cho miền Bắc.
Điều mà lãnh đạo VNCH không chịu nhìn thấy là khi còn quan niệm lãnh thổ từ Nam quan đến Cà mau thì miền Bắc có quyền trương ngọn cờ “thống nhứt đất nước”. Mỹ rút chỉ giải quyết được vấn đề “chống Mỹ cứu nước” (mà không giải quyết được chủ trương “thống nhứt đất nước” của miền Bắc). VNCH sụp đổ chỉ là sớm hay muộn.
Lãnh đạo VNCH đa số xuất thân miền Bắc vĩ tuyến 17. Không ai muốn VNCH độc lập. Những người này không thấy Đông và Tây Đức, hai quốc gia độc lập, đã thống nhứt ra sao.
Tình hình “tự trói tay chân” như vậy mà đến 30 tháng Tư năm 1975 VNCH mới sụp đổ. Quân VNCH phải là quân thiện chiến hàng đầu thế giới.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.