Nhiều người chưa từng sống tại miền Nam trước 1975 thường
hay đề cao nền « dân chủ cộng hòa » ở miền Bắc đồng thời chỉ trích
rằng nền dân chủ ở miền Nam chỉ là một thứ « dân chủ kiểu Mỹ ». Lời
chê bai này, xét trên lý thuyết Mác-Xít, dĩ nhiên phải đúng.
Trên quan điểm của Mác, thực chất của « dân chủ nhân dân" thì « dân chủ » gấp triệu lần thứ « dân chủ tư sản » (tức
dân chủ kiểu Mỹ). Thua hơn đến một triệu lần thì cái thứ « dân chủ kiểu
Mỹ » này có ra gì !
Nhưng tiếc thay chủ nghĩa Mác đã sụp đổ. Thế giới bây giờ
không còn ai mất thì giờ bàn cãi việc « ai thắng ai », mọi người đều
thấy nền dân chủ Mỹ đã đánh gục « nền dân chủ gấp triệu lần » của Liên
Xô và khối cộng sản. Đến nay ai cũng nhìn nhận rằng món hàng có giá trị nhứt
nước Mỹ, không phải phi thuyền hay vũ khí tối tân, mà là bản « hiến pháp dân
chủ ». Giá trị nhứt vì tất cả các nước áp dụng đều thành công rực rỡ trong
việc phát triển đất nước. Một vài mô hình dân chủ cóp py mô hình hiến pháp dân
chủ kiểu Mỹ : các nước Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật, Đại Hàn… nước nào cũng là
cường quốc.
Vì vậy, khi chê bai nền dân chủ ở miền Nam trước 1975 là nền
dân chủ theo kiểu Mỹ, lại trở thành một lời tán dương quá trớn. Rõ ràng lãnh
đạo miền Nam bất tài, thiếu viễn kiến, trí thức miền Nam bất lực và thiển cận. « Nền
dân chủ kiểu Mỹ » thật không xứng đáng. Đáng lẽ miền Nam nên áp dụng một
chế độ thích ứng cho tình trạng chiến tranh, tương tự như ở Nam Hàn hay Đài
Loan cùng thời kỳ có lẽ thành công hơn. Lãnh đạo và trí thức miền Nam, bất tài
và bất trí, đã phung phí « vốn liếng dân chủ » sẵn có, làm sụp đổ nền
dân chủ non trẻ này. Dầu vậy, nền dân chủ yểu số này cũng sinh sản ra được
nhiều sản phẩm có giá trị, ít ra về các mặt văn hóa, giáo dục, kinh tế, đạo đức
xã hội… Trịnh Công Sơn, cũng như nhiều nghệ sĩ tài hoa khác, trong và ngoài
nước không hết lời ca ngợi, là sản phẩm của nền dân chủ yểu số đó.
Hôm nay mọi người nhìn nhận sự cần thiết về một nền dân chủ
cho VN. Việc này sẽ là công việc dã tràng xe cát nếu ta không hiểu được thực chất
cái « dân chủ » mà mình muốn xây dựng đó là cái gì ? Một thành
phần không nhỏ trí thức trong nước (nhứt là một vài trí thức phản chiến thời
trước 75), do quá khứ chống Mỹ, do đó vẫn nghi kỵ với « dân chủ kiểu
Mỹ ».
Thử so sánh « nền dân chủ kiểu Mỹ » với nền dân
chủ gấp triệu lần đang áp dụng tại VN, ta thấy khác nhau chỗ nào và giống nhau
chỗ nào ?
Mô hình dân chủ được áp dụng tại Mỹ và tại hầu hết các nước trên
thế giới, thực ra là nền dân chủ tự do. Đó là loại dân chủ được người dân (ở
các nước áp dụng) sử dụng như là một phương tiện để tuyển chọn, trao quyền lực
của người dân cho (những) người được tuyển chọn để lãnh đạo nhà nước.
Tổng thống (hay thủ tướng ở các nước dân chủ đại nghị), tức người
lãnh đạo tối cao của nhà nước, được tuyển chọn qua các cuộc đầu phiếu trực tiếp
hay gián tiếp, mọi người dân được quyền sử dụng lá phiếu của mình trong việc
tuyển chọn. Đại biểu Quốc hội, nhân sự Hội đồng Hành tỉnh… cũng được người dân
trong khu vực tuyển chọn bằng phương pháp bầu cử.
Phương pháp thể hiện dân chủ ở đây là thể thức đầu phiếu.
Pháp luật các nước theo dân chủ tự do bảo đảm cho mọi người có quyền và cơ hội
như nhau trong vấn đề bầu cử và ứng cử.
Dân chủ này là dân chủ thực chất.
Trong khi loại dân chủ gấp triệu lần ở VN không nhằm để
tuyển chọn người lãnh đạo nhà nước, cũng không nhằm để người dân tham gia vào
công việc nhà nước…
Quan niệm về dân chủ Mác-Lê nin là dân chủ của giai cấp vô
sản, còn gọi là dân chủ nhân dân. Về nhà nước, quan niệm Mác Lê Nin cho rằng đó
là dụng cụ bóc lột của giai cấp tư sản. Vì vậy chủ nghĩa Mác-Lê chủ trương sử
dụng bạo lực để cướp chính quyền (chứ không thông qua thể thức bầu cử). Khi
giai cấp vô sản cướp được chính quyền, lập thành nhà nước chuyên chính vô sản,
để tiến tới mục tiêu cuối cùng là thủ tiêu nhà nước.
Trong thời kỳ quá độ, nhà nước là một nhà nước chuyên chính vô
sản (chuyên chính có nghĩa là độc tài). Thời kỳ này giai cấp vô sản lãnh đạo
nhà nước, mà đại diện của nó là đảng Cộng sản. Quyền lực thuộc về nhân dân nhưng
nhân dân thuộc giai cấp vô sản.
Hiện nay ta thấy tại VN, đảng đưa người (đảng viên) ra ứng
cử Quốc hội. Dân bỏ phiếu cho người nào thì cũng là người của đảng (hay của
đảng đưa ra). Các đại biểu đắc cử (đa số là đảng viên) bầu Chủ tịch nước, sau
đó các chức vụ Thủ tướng và các bộ trưởng. Tức người dân có bầu ai, bầu thế nào
thì nhân sự đảng CSVN cũng lãnh đạo đất nước. Mà việc bầu bán này cũng chỉ là
« hình thức », vì nhân sự lãnh đạo đều được TW đảng quyết định trước.
Quốc hội chỉ thông qua cho có lệ.
CSVN thường hay khoe khoang rằng nền dân chủ ở VN xuyên suốt
như một sợi chỉ đỏ, đến khắp nơi trong xã hội. Mọi sinh hoạt của người dân đều
áp dụng thể thức « dân chủ ». Trong các buổi họp về đường lối, hình
thức thì dân chủ, nhưng thực chất chỉ nhằm vào việc bàn luận lãnh đạo sẽ
« làm gì và làm thế nào ». « Sợi chỉ đỏ » dân chủ còn là vũ
khí lợi hại kiểm soát tư tưởng của người dân. Vụ góp ý dự thảo Hiến pháp 1992
và Kiến nghị 72 cho ta thí dụ điển hình.
Ta còn thấy rằng nội dung của các bản hiến pháp, thật ra chỉ
là « cương lĩnh » của đảng CSVN. Hiện nay đảng CSVN hô hào mọi người
góp ý sửa đổi hiến pháp. Việc này thể hiện tính « hình thức » của dân
chủ vì việc bàn luận ở đây chỉ nhằm vào việc xác định đảng CSVN sẽ làm điều gì
và thực hiện điều đó như thế nào, chứ không nhằm vào việc xác định thể chế
chính trị và đặt lại vấn đề đảng lãnh đạo. Một số đông đảng viên CSVN còn chủ
trương quân đội (và dĩ nhiên công an) phải trung thành trước tiên với đảng, sau
đó mới trung thành với nhân dân và tổ quốc.
Nền dân chủ gấp triệu lần này rõ ràng là dân chủ hình thức.
Vậy hai nền dân chủ đó khác nhau chỉ ở một điều : dân
chủ kiểu Mỹ (dân chủ tự do) nhằm bầu lãnh đạo điều khiển bộ máy nhà nước trong
khi nền dân chủ nhân dân nhằm vào việc bàn thảo đảng lãnh đạo làm cái gì và làm
thế nào. (Mà việc bàn thảo này cũng hình thức vì việc gì đảng cũng đã định
trước. Sợi « chỉ đỏ dân chủ » xuyên suốt trong xã hội chỉ nhằm vào
việc kiểm soát tư tưởng người dân trong lúc phát biểu mà thôi).
Cũng nên nói qua về « dân chủ xã hội ». Cũng như « dân
chủ », « dân chủ xã hội » cũng có những nhập nhằng lớn. Các nước
Bắc Âu và một số nước Tây Âu là các nước theo nền dân chủ xã hội. Nhà nước các
nước này còn gọi là « nhà nước phúc lợi – état providence ». Nguồn
gốc « xã hội » ở đây bắt nguồn từ quan niệm về xã hội của Thiên chúa
giáo và chủ trương về xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Nền tảng dân chủ
ở đây là « dân chủ tự do », tức quyền lực thuộc về người dân và việc
lựa chọn người lãnh đạo thể hiện qua thể thức bầu cử. Trong khi các nước « chủ
nghĩa xã hội » Mác-Lê, thể thức tuyển chọn người lãnh đạo không do bầu cử
mà do sắp xếp của đảng CS. Đồng thời chủ nghĩa xã hội Mác-Lê chủ trương bạo lực
cách mạng để cướp chính quyền cũng như áp dụng chuyên chính vô sản.
(Trường hợp chủ nghĩa xã hội của Hugo Chavez ở Vénézuela cũng
có nhiều nhận định sai lầm. Xã hội ở đây có nhiều điểm khác biệt với XHCN Mác-Lê.
Chavez được người dân bầu lên làm tổng thống qua một cuộc bầu cử dân chủ tự do.
Sau đó Chavez tuyên bố áp dụng đường lối « xã hội » theo lý tưởng của
mình (và lấy hứng từ Simon Bolivar) để thành lập một nhà nước phúc lợi. Thể
thức bầu cử tự do vẫn được duy trì, mặc dầu hiến pháp bị thay đổi vài điều để
Chavez được phép ra ứng cử nhiều lần, nhưng vấn đề chuyên chính vô sản bị bác
bỏ và cách mạng bạo lực bị nghiêm cấm. Nền tảng dân chủ ở Vénézuela thực chất
vẫn là nền tảng dân chủ kiẻu Mỹ, tức dân chủ tự do.)
Ta thấy các nước Tây phương, đảng Cộng sản vẫn đuọc phép
hoạt động chính trị như các đảng phái khác. Điều mà các đảng CS này phải tuân
theo (để được phép sinh hoạt chính trị) là phải từ bỏ bạo lực cách mạng và chuyên
chính vô sản.
Dân chủ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu. Để
dễ dàng, không nên chấp nhứt ở cái tên, quan trọng là thực chất của dân chủ. Nền
dân chủ đó gọi tên gì cũng được. Miễn sao dân chủ này không chấp nhận bạo lực
cách mạng và chuyên chính vô sản.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.