mercredi 20 mars 2013

Vấn đề nặc danh.


Kỹ thuật internet là một phát minh khoa học kỳ diệu của ngành tin học đã làm đảo lộn đời sống con người trong xã hội. Thời gian được rút ngắn và không gian thu hẹp lại như có phép lạ, làm cho con người gần gũi với nhau hơn. Sự phát triển của kỹ thuật này, đúng ra là sự bùng nổ, chỉ trong một thời gian ngắn, các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị… trong xã hội hầu như đều phải dính líu đến nó. Tin học (internet) đã trở thành một ngành nghề quan trọng. Các chuyên viên phần lớn tốt nghiệp đại học. Các xí nghiệp lớn trong quốc gia phần nhiều các hoạt động gắn liền với tin học. Đóng góp về kinh tế của ngành vào GDP quốc gia ngày càng tăng lên, chiếm (hay phụ thuộc) tỉ lệ quan trọng. Mọi mặt trong đời sống của xã hội, dầu muốn dầu không, hầu như có liên quan.

Sự xuất hiện của internet đem lại biết bao nhiêu nỗi vui, nhưng cũng đem lại nhiều nỗi phiền hà, phần nhiều do tính « nặc danh » của người sử dụng. Vấn đề « nặc danh » trên mạng internet đã trở thành một tai họa, không chỉ đe dọa tự do cá nhân của người sử dụng, mà còn đe dọa đến cả an ninh quốc gia, cách vận hành xã hội. Về phương diện an ninh quốc gia, internet đã trở thành chiến trường. Chiến tranh trong tương lai nếu xảy ra thì trước tiên là chiến trường internet. Nhiều cường quốc trên thế giới đã đào tạo một đội ngũ chuyên gia sẵn sàng cho cuộc chiến mới này.

Về phương diện xã hội, một xã hội bình thường thì không chấp nhận các hành vi « nặc danh ». « Nặc danh » có nghĩa là dấu kín tên tuổi. Anh làm điều gì sai trái mà dấu diếm hành tung, danh tính của mình ? Những kẻ làm một hành động gì đó mà cố ý dấu kín tên tuổi, hiển nhiên có ý định trốn tránh trách nhiệm việc làm của mình trước xã hội. Ta thường thấy kẻ cướp hay bịt mặt. Việc bịt mặt là muốn che dấu khuôn diện, « căn cước » của mình.

Vấn đề nặc danh phát triển đến mức kinh khủng trong các mạng xã hội như Facebook, Yahoo, Twister…. Các dụng cụ internet này đã giúp con người cảm thấy được « tự do » hơn trong các xã hội « kín » ở các nước độc tài. Người ta can đảm hơn trong việc phát biểu ý kiến đối nghịch với nhà cầm quyền, nếu việc phát biểu « nặc danh », tức căn cước bản thân không tiết lộ. Việc « nặc danh » này có tính chính đáng, vì lý do an ninh bản thân. Ta cũng thấy trường hợp tương tự ở các xã hội văn minh. Nhân chứng « nặc danh » được nhìn nhận, nếu việc làm chứng này có thể đe dọa đến an ninh của bản thân và gia đình của nhân chứng.

Nhưng ở các nước độc tài, nhà nước cũng sử dụng việc « nặc danh » trên internet để truy tìm căn cước của những người dám lên tiếng « nói khác » chủ trương của lãnh đạo. Ở VN hiện nay, nhà nước CSVN (và TQ) đã thành lập đội ngũ « dư luận viên », nói là để hướng dẫn dư luận, nhưng mục tiêu là truy tầm những kẻ nói khác với chủ trương của đảng. Đội ngũ « dư luận viên » này đông đảo, làm việc toàn thời được trả lương. Họ là những « hackers » phá hoại các trang web xem ra có đe dọa đến đảng và nhà nước. Là những « trí thức nặc danh » viết bài « phản biện » với các ý kiến chống đối đảng và nhà nước. Là những kẻ vô danh chuyên ném đá dấu tay, chuyên viết những dòng góp ý, bình luận… với ngôn từ dơ dáy, bẩn thỉu. Mục đích của họ là làm cho các tiếng nói chống đối phải im miệng. Không vì lo sợ (hay bị bắt bớ) thì cũng vì nản lòng, do tính hung bạo của ngôn từ được các dư luận viên sử dụng.

Việc nặc danh trên internet như con dao hai lưỡi.

Nhưng hành vi « nặc danh » của nhà nước CSVN, qua đội ngũ « dư luận viên », trước hết đã làm ô uế tính chính danh của một nhà nước, một đảng lãnh đạo. Chỉ có đảng cướp, với những tên cướp hung bạo, cướp của giết người mới có nhu cầu bịt mặt, nặc danh.   

Về phía những người tranh đấu cho một VN tốt đẹp hơn, nếu thấy việc này là chính nghĩa, thì « chính danh » là yếu tố quan trọng. Ánh sáng thì không sợ bóng tối. Vàng thật thì không sợ thử lửa. Yếu tố « nặc danh » chỉ là giai đoạn, mà giai đoạn này đã đến thời kỳ chấm dứt.

Sẽ không có giá trị nào trong một bài « phản biện » nặc danh. Việc « nặc danh » là thái độ không dám nhận trách nhiệm về hành vi của mình. Có giá trị gì, ngay cả một trang báo của nhà nước, một bài viết không dám đề tên tác giả ? Nói gì tới các bài « rác », có mục đích « ném đá dấu tay » ?

Nhưng trớ trêu là, cuộc đời, người ta không sợ đạo quân dũng mãnh trước mặt mà chỉ sợ một tên lưu manh bịt mặt sau lưng ! Lãnh đạo CSVN biết rõ điều này.

Điều ngạc nhiên, một vài các cây viết thành danh, cũng « ngây thơ » bị các lý lẽ vớ vẩn của các « dư luận viên » xỏ mũi. Là sao ? 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.