Những vấn đề nổi cộm của Việt Nam,
hay của khu vực có quan hệ đến Việt Nam, đáng nhắc trong năm 2013 gồm các vấn đề sau :
1/ Vấn đề góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013.
2/ Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam
qua Đối thoại Sangri-La 31-5-2013 : vấn đề xây dựng niềm tin chiến lược.
3/ Vấn đề sở hữu đất đai qua vụ án
Đoàn Văn Vươn 1-1-2013.
3/ Tranh chấp đá Scarborough :
Ngày 22-1-2013 Philippine kiện Trung quốc ra Tòa Trọng tài theo qui định phụ
lục VII của Công ước LHQ về Luật biển 1982.
4/ Vùng nhận diện phòng không (Air
Defense Identification Zone - ADIZ) của Trung Quốc 23-11-2013. Giải pháp
Cộng đồng Nhật-Trung chủ quyền (condominium) tại quần đảo Điếu ngư ? Là
bước nối tiếp của hộ chiếu có in hình chữ U, của Luật cấm đánh cá ở Biển Đông…
5/ Tổng hợp các vấn đề về kinh tế
và giáo dục.
6/ Mandela và Võ Nguyên Giáp. Vì
sao nền văn minh Khổng giáo, chiếm 1/5 dân số thế giới, lại không đào tạo được
một « vĩ nhân » ?
7/ Vấn đề lãnh thổ và hải phận Vịnh
Bắc Việt qua hai hiệp ước biên giới 25-12-1999 và 30-12-2000 (nhân ngày tròn 15
và 14 năm).
1/ Vấn đề sửa đổi Hiến pháp.
Phong trào góp ý sửa đổi Hiến Pháp
đã dấy lên những sôi nổi trong thời gian qua. Biết bao nhiêu công sức, thì giờ,
trí tuệ của nhiều tầng lớp dân dã và trí thức đã đầu tư vào công cuộc góp ý
này. Thiện chí và tâm huyết thì có thừa.
Vấn đề là ở VN người ta không cần thiện chí (và tâm huyết), mà người ta
chỉ cần một hình thức sôi nổi bàn luận cho ra vẻ dân chủ. Từ đầu tôi đã cho
rằng những đóng góp này chỉ là vô ích. Và sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Việc
« góp ý » là một sự phung phí thì giờ và trí tuệ vô cùng lớn.
Từ khi lập nước, từ Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa, cho đến Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN hôm nay, các bản Hiến pháp
của VN chưa bao giờ được thể hiện như một bộ « luật mẹ », tức một bộ
luật « cơ bản » làm nền cho những bộ luật khác của quốc gia. Các bản
Hiến pháp của nhà nước này chỉ luôn phản ảnh « cương lĩnh xây dựng đất
nước » của đảng CS trong một thời kỳ nào đó. Nội dung Hiến Pháp 2013
là nội dung « cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
XHCN » năm 2011 của đảng CSVN. (Cũng như « cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên XHCN » năm 1991 là nền tảng của Hiến pháp
1992. Ta cũng sẽ tìm thấy tương tự ở các bản Hiến pháp 1982, 1959…)
Hiến pháp của VN như thế chỉ là
một « chương trình hành động », một « dự án » của một nhóm
người, chứ không phải là một « giao kèo », một « khế ước »…
đã được sự đồng thuận của đa số người dân trong nước về quyền công dân và các
thể thức phân định quyền hành nhà nước, như đã thấy ở những đất nước
« bình thường » khác.
Một « chương trình hành
động », một dự án… dầu to lớn đến mấy, thì cũng chỉ mang tính cách riêng
tư, tạm thời, chứ không mang tính phổ quát và vĩnh cữu như bộ « luật nền
tảng » đòi hỏi.
Nếu đóng góp trí tuệ để góp ý sửa
đổi « hiến pháp » (mà tự nó chỉ là « cẩm nang » ghi rõ
những điều đảng viên lãnh đạo cần phải thực hiện trong thời gian tới) trước hết
là nhìn nhận không điều kiện vai trò lãnh đạo đất nước của đảng CSVN. Thảo luận, góp ý
chung quanh những điều (nhỏ nhặt) ghi trong « hiến pháp », là thảo
luận các đảng viên CSVN sẽ thực hiện « dự án » đó như thế nào ?
Việc góp ý sửa đổi hiến pháp như
vậy chỉ nói về « phần ngọn » chứ không nói về phần gốc. Vấn đề của
mọi vấn đề là « quyền lực nhà nước » được phân bổ như thế nào và các « quyền
công dân » được xác định ra sao.
Góp ý như vậy thì góp làm chi cho
mất thì giờ ?
Một số điều cần phải nói là VN hiện
nay là một chế độ tân phong kiến, con
vua thì lại làm vua.
Sự khác biệt giữa thể chế « cộng
hòa » và « quân chủ » là chủ quyền lãnh thổ thuộc về
ai ? Chủ quyền lãnh thổ thuộc về toàn dân là chế độ cộng hòa. Lãnh thổ
thuộc sở hữu của vị chủ tể (vua) là chế độ phong kiến quân quyền.
Hiến pháp của VN không qui định một
cách trắng trợn chủ quyền lãnh thổ thuộc về đảng, nhưng thực chất là chỉ có
đảng mới có quyền ban bố cho người (hay tổ chức, tập đoàn kinh tế) nào đó có
quyền sử dụng đất. Cũng như vua chúa ngày xưa ở các xứ Châu Âu, đất đai đều
thuộc về họ. Chế độ này kiểm soát người dân, và người dân phải trung thành với họ,
vì họ ban bố ân sủng cho phép sử dụng đất để canh tác. Ở Việt Nam, chủ quyền
đất đai thuộc về toàn dân nhưng nhà nước có thẩm quyền tối cao ban bố cho ai đó
quyền sử dụng đất đai. Mà nhà nước là ai nếu không phải là đảng ? Như vậy
chế độ hiện nay không phải là « phong kiến » thì là gì ? Mà chế
độ này còn tệ hơn xã hội phong kiến VN ngày xưa. Chế độ phong kiến VN ngày xưa
nhìn nhận sở hữu đất đai của người dân (tư điền). Các phần đất gọi là
« hương hỏa » (lợi tức dùng vào việc nhang đèn thờ cúng tổ tiên) hay
« bản bức tư điền » (tức đất hoang tự khai khẩn) thì không được truất
hữu. Nhà nước CSVN hôm nay có thể truất quyền sử dụng đất của bất kỳ người dân nào, bất kỳ ở đâu và lúc nào. Tức là chế độ này còn khắc khe hơn so với chế độ phong kiến ngày xưa.
Điều cần thiết khác cần phải nói là
ý nghĩa ngôn từ của « hệ thống chính trị ».
Người ta hay nói về « nhà
nước », về « dân chủ » để tranh luận với các lý thuyến gia CSVN.
Điều này sẽ hoài công nếu ta không nói cùng một « ngôn ngữ » với họ.
Nói « ngôn ngữ » không
phải là điều phóng đại.
Thử đưa một thí dụ, hai hệ thống số
« thập phân – décimal » và « thập lục phân – hexadécimal », để
so sánh với hai hệ thống chính trị « dân chủ tự do » và « dân
chủ mác xít ».
Trong hệ thống thập phân, ta có
9+9=18 nhưng trong hệ thập lục phân 9+9=12. Thí dụ khác, thập phân 10+10=20 ;
thập lục phân A+A=14, trong đó A tương ứng với 10.
Như thế, khi ta nói về « dân
chủ », điều cần thiết là phải biết dân chủ đó thuộc hệ thống chính trị
nào. Nếu không phân biệt, cãi nhau đến chết cũng không đi đến đâu.
Tương tự khi ta nói đến “nhà nước”.
Engel nói : « nhà nước chỉ mà một nhóm người có
vũ trang. »
Mác quan niệm : « nhà nước là một cơ quan đặc
biệt được sinh ra trong một thời gian nhất định của lịch sử phát triển nhân
loại và sẽ bị đào thải trong quá trình phát triển này. Nó được khai sinh do sự
phân chia giai cấp trong xã hội và sẽ biến mất trong sự phân chia này. Nó được
khai sinh như là một công cụ của giai cấp nhằm duy trì sự thống trị xã hội của
giai cấp và nó sẽ mất đi cùng với giai cấp đó. » Mục đích cuối cùng của chủ
nghĩa CS là thủ tiêu mọi hình thức « nhà nước ».
Nhà nước này hoàn toàn khác với “nhà nước” ở các
quốc gia “bình thường” khác trên thế giới, phải không ?
Vì thế, Hiến pháp này không thể sửa mà phải thay thế.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.