Thật tình tôi không thể chia sẻ bất kỳ ý tứ nào của của ba vị (giáo sư
tiến sĩ có hơn 30 năm giảng dạy ở Hoa Kỳ) trong bài phỏng vấn của BBC ở đây.
Bài phỏng vấn có tựa đề: “Hoàng Sa-Trường Sa : hợp tác để chia sẻ”.
Ý kiến của ba vị này, như theo ông GS Trần Hữu Dũng :
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam hơi
sai khi đặt nặng vấn đề về chủ quyền hơn là vấn đề an ninh khu vực và tự do khu
vực.”
Vấn đề đặt ra là : VN hợp tác với ai, về cái gì và chia sẻ với ai, về
cái gì ?
Nói về Hoàng Sa. TQ đã chiếm quần đảo này (trên tay VNCH) từ năm 1974.
Nếu chỉ tính từ biến cố giàn khoan 981, lý do mà TQ đưa ra trước quốc tế
để bào chữa cho hành động đặt giàn khoan này là : 1/ Hoàng Sa là lãnh thổ của
TQ. 2/ Vị trí đặt giàn khoan 981 thuộc về thềm lục địa của các đảo HS.
Ban đầu TQ cho rằng vị trí giàn khoan nằm trong “lãnh hải” của đảo Tri
Tôn. Sau đó họ nhận ra rằng việc này là không đúng, vì vị trí giàn khoan nằm
cách đảo Tri Tôn đến 17 hải lý (trong khi bề rộng lãnh hải theo luật định chỉ
có 12 hải lý). Vì vậy họ mới chữa là giàn khoan nằm trong vùng “tiếp cận lãnh
hải” của đảo Tri Tôn. TQ còn nói thêm rằng, dầu thế nào thì giàn khoan cũng nằm
trong hải phận của các đảo HS (nếu tính hiệu lực các đảo như Phú Lâm…)
Thử đặt giả thuyết, VN không đặt nặng vấn đề chủ quyền như ý kiến của
các giáo sư : (Hoàng Sa là của VN), thì VN chỉ có lý do duy nhất để phản bác
hành vi của TQ (khi đặt giàn khoan 981) là các đảo Hoàng Sa quá nhỏ (để có hải
phận kinh tế độc quyền).
Nhưng khi nói vậy, thứ nhứt VN mặc nhiên nhìn nhận HS thuộc chủ quyền
của TQ. Thứ hai, tranh chấp giữa VN và TQ trở thành tranh chấp về việc cách
diễn giải điều 121 của Luật Biển 1982 về hiệu lực các đảo, mà điều này phần
thua 99% thuộc về VN. Bởi vì Luật Biển 1982 không hề phân biệt đảo nhỏ hay đảo
lớn (để có vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý) mà chỉ phân biệt đảo mà con người
có thể sinh sống và có nền kinh tế tự túc hay không.
Quan niệm như vậy, TQ sẽ không cho VN “hợp tác” và “chia sẻ” bất cứ cái
gì (như hiện nay) ở Hoàng Sa (và vùng biển chung quanh).
Tức là nếu VN không đặt nặng vấn đề chủ quyền (Hoàng Sa là của VN), có
nghĩa là VN sẽ phải “chia sẻ” và “hợp tác” với TQ vùng biển (và thềm lục địa) của mình, từ bờ
biển miền Trung cho đến đảo Tri Tôn.
Phải chăng ý kiến của ba vị giáo sư “có 30 năm kinh nghiệm giảng dạy tại
Hoa Kỳ” (sic!) là vậy ?
Còn về an ninh và tự do hàng hải, thực ra, nếu nhìn sâu xa, thì hiện nay
VN mới là bên có thể đe dọa “an ninh” và “tự do hàng hải” trong Biển Đông hơn
cả TQ. Trong một mức độ chiến thuật, nếu khủng hoảng giàn khoan 981 bùng nổ,
thì chỉ phía VN là bên có khả năng “ngăn chặn” tất cả các tàu buôn, của TQ hay
của các nước khác, qua lại. Hải quân TQ chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát Biển
Đông. Trong khi vùng biển Hoàng Sa thì không hề nằm trên trục qua lại của tàu
bè các nước. Do đó, khi Hoa Kỳ cũng như các nước lo ngại vụ giàn khoan 981 sẽ
đe dọa an ninh khu vực, phần lớn là do từ khả năng “du kích đại dương” của VN
mà ra, chứ không phải đe dọa từ TQ.
Cá nhân tôi nhận thấy rằng, trong vấn đề giàn khoan 981, phản ứng của VN
như vậy là khá hợp lý, trong khi phía TQ có lẽ đã phạm sai lầm. VN đã sử dụng
thành công các mặt vận động dư luận, vận động về pháp lý, kể cả việc răn đe… Điều
còn lại là VN nên nắm lấy cơ hội để đưa tranh chấp Hoàng Sa ra một trong tài
quốc tế.
Câu hỏi đặt ra, ở Hoàng Sa, điều hợp lý là VN phải “đặt nặng” hay “đặt
nhẹ” vấn đề chủ quyền ?
Còn ở khu vực Trường Sa, vấn đề cũng đặt ra là : VN hợp tác với ai, về
cái gì và chia sẻ với ai, về cái gì ?
Giả sử nếu không có TQ, thì tranh chấp Trường Sa giữa VN với các nước
Phi, Mã Lai, Indonésie… sẽ không là việc khó. VN có thể tuyên bố các đảo này
quá nhỏ để có hiệu lực về ZEE, hoặc đề nghị một vùng khai thác chung trong vùng
biển thuộc Trường Sa. Các đề nghị này đều có thể được người dân VN dễ dàng chấp
nhận.
Vấn đề nổi cộm là đòi hỏi phi lý của TQ về chủ quyền các đảo TS cũng như
vùng biển chung quanh (và vùng biển theo đường chữ U).
VN và các nước liên quan có thể “hợp tác” và “chia sẻ” cái gì ở Trường
Sa với Trung Quốc ?
Vấn đề là TQ muốn gì ?
Đối với VN, trong quá khứ, TQ chiếm
một số đảo của VN năm 1988, thảm sát gần trăm binh lính VN (không cầm khí
giới). Thập niên 90, TQ đã cho các tập đoàn dầu khí (của Hoa Kỳ) khai thác trên
thềm lục địa của VN, thuộc vùng Tư Chính- Vũng Mây (mà TQ gọi là Vạn An Bắc),
cách bờ biển VN khoảng 300km. Gần đây TQ cho gọi đấu thầu khai thác dầu khí trên
các lô thuộc thềm lục địa của VN, cách bờ biển các tỉnh miền Trung chỉ hơn
100km. Ngoài ra còn có các hành vi ngang ngược như cắt cáp tàu Bình Minh, ra
lệnh cấm đánh cá…
Đối với Phi, TQ chiếm đảo Vành Khăn
(thập niên 90). Gần đây chiếm bãi cạn Scarborough, đe dọa chiếm bãi Cỏ Rong…
Đối với Indonésie, TQ mở tranh chấp
lãnh thổ ra tới đảo Natuna. Với Mã Lai thì cho tàu bè chiếm đóng các bãi cạn…
Bỏ các nước kia ra một bên, VN có
thể « chia sẻ » cái gì với TQ ? Vùng Tư Chính – Vũng Mây ? Hay
thềm lục địa miền Trung (khu vực giữa đá Gạc Ma và bờ biển VN) ?
Không thấy quí vị giáo sư “có 30
năm kinh nghiệm giảng dạy tại Hoa Kỳ” (sic!) nói rõ ý kiến « chia sẻ và
hợp tác », trường hợp với TQ, là chia ở đâu, và chia như thế nào ?
Theo tôi, nếu VN không đặt nặng vấn
đề chủ quyền : Trường Sa là của Việt Nam, thì VN sẽ không có cách nào khả
dĩ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình trước những yêu sách ngang ngược
của TQ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.