vendredi 22 août 2014

Nhân 110 năm ngày sinh nhật Đặng Tiểu Bình

Đặng Tiểu Bình có thể là một thiên tài, một kiến trúc sư lớn, xây dựng thành công mô hình « xã hội chủ nghĩa theo bản sắc Trung Hoa », giúp đất nước này thoát cảnh nghèo đói và chậm tiến. Nhưng trên quan điểm chiến lược quân sự, họ Đặng có nhiều khuyết điểm. Ông không phải là một nhà chiến lược quân sự có tài. Thất bại liên tục hai cuộc chiến biên giới 1979 và 1984 trước một nước nhỏ là Việt Nam đã chứng minh điều này.

1/ Thất bại về chiến lược quân sự của Đặng Tiểu Bình :

Lịch sử nhân loại cho ta thấy đường biên giới giữa hai quốc gia được thành hình do kết quả của « tương quan lực lượng » giữa hai bên. Đối với nhiều học giả Trung Quốc, đường biên giới miền bắc VN, do Pháp và nhà Thanh hoạch định theo các công ước 1887 và 1895, là một đường biên giới « bất bình đẳng », gây thiệt hại cho TQ. Những người này cho rằng công ước được ký kết trong lúc nhà Thanh bị uy hiếp, nhà Thanh phải « nhượng » VN lại cho Pháp mà không có sự trao đổi (về đất đai) nào. Trước chiến tranh (Pháp-Trung 1884) xảy ra, hai bên Pháp và nhà Thanh đã có thương lượng về số phận của Việt Nam. Năm 1883, theo tinh  thần một kết ước giữa Lý Hồng Chương và viên Đặc sứ Toàn quyền Pháp tại Bắc Kinh là ông Bourée, Pháp nhìn nhận đường biên giới hai bên là một đường vẽ ở khoảng giữa vĩ tuyến 21 và 22 (từ Lào Cai ra biển), trong khi phía nhà Thanh đòi hỏi biên giới đi qua tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Ferry lên nhậm chức ở Paris, kết ước này bị hủy bỏ, ông Bourée (cho là bị Lý Hồng Chương mua chuộc) bị bãi chức và triệu hồi.

Cuộc chiến 1979 cho thấy « mục tiêu quân sự » của họ Đặng có thể là xác lập lại đường biên giới Việt-Trung, theo tinh thần của kết ước Bourée – Lý Hồng Chương. « Mục tiêu quân sự » của họ Đặng là chiếm các vùng đất đã hoạch định : từ Lào Cai ra biển. (Tại vùng Lạng Sơn, biên giới theo sông Kỳ Cùng). Các « mũi nhọn » chiến lược của các đạo quân TQ trên vùng biên giới cho ta thấy điều này.

Thất bại cuộc chiến 1979, cũng là thất bại chua cay của Đặng Tiểu Bình. Chua cay vì VN bị tấn công cùng lúc trên hai mặt trận : phía bắc và phía tây nam. Toàn bộ lực lượng của VN đã dồn về biên giới Kampuchia, biên giới phía bắc hầu như bỏ ngỏ. Quân TQ (với gần 300.000 quân cùng xe tăng đại pháo), vậy mà không hoàn tất được mục tiêu quân sự. Quân TQ chịu tổn thất lớn và đã mất quá nhiều thời gian (gần một tháng) để chiếm Lạng Sơn, lúc Liên Xô đã quyết định vào cuộc. TQ không thể ở lại các vùng đất đã chiếm, vì lo ngại Liên Xô can thiệp, trong khi quân VN vẫn còn ở lại Kampuchia (cho đến cuối thập niên 80).

Lý do thất bại, họ Đặng đã không nghe lời các tham mưu, có kinh nghiệm trên thực địa. Những người này khuyên nên chiếm một vùng đất giới hạn mà VN không thể chiếm lại được (như huyện Trùng Khánh) hay khu vực biên giới Thanh Thủy.

Thất bại lần thứ hai, chiến dịch biên giới Vị Xuyên năm 1984. Cuộc chiến này cũng khốc liệt, dài dẵn cho đến cuối năm 1989, nhưng trong dân chúng (cũng như trước quốc tế), sự xung đột này bị hai bên dấu nhẹm.

Mục tiêu quân sự của phía TQ có thể là thiết lập lại đường biên giới khu vực Hà Giang (xã Thanh Thủy) theo đúng như tinh thần công ước 1887 và công ước bổ túc 1895.

Nội dung hai công ước này, biên giới trong khu vực là con suối Thanh Thủy (chứ không phải là đường phân thủy, qua các đỉnh núi (gồm Lão Sơn...) như trên bản đồ hiện nay. Có thể tham khảo sơ lược tại http://nhantuantruong.blogspot.fr/2014/07/nhan-120-nam-chien-tranh-trung-nhat.html ).

Sau nhiều năm xung đột, phía TQ vẫn thua. Thua vì không đạt được mục tiêu quân sự. Đường biên giới hiện nay (có thay đổi chút đỉnh) nhưng vẫn không phải là con suối Thanh Thủy, như mong muốn của họ Đặng.

(Tác giả sẽ trở lại vài dịp khác để trình bày vì sao biên giới khu vực xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà giang) không phải là con suối Thanh Thủy như đã qui định của các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895.)

2/ Về di sản « lý thuyết và thực tiễn » của Đặng Tiểu Bình trong vấn đề phát triển Trung Quốc :
Theo cuốn « Từ lý luận đến thực tiễn » của tác giả Trần Tiên Khuê, các định hướng chính của họ Đặng là xây dựng quốc gia Trung quốc thành « một nước phát triển toàn diện », một quốc gia « sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa », với các tiêu chí như sau :

« Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một nước nêu gương phát triển toàn diện, một nước sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa.
« Thứ nhất, làm một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh.
« Thứ hai, sáng lập tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa, sáng tạo văn hóa, sáng tạo văn minh nước lớn xã hội chủ nghĩa kiểu mới.
« Thứ ba, không yêu cầu người khác tuân theo y nguyên mô hình phát triển của mình …
« Thứ tư, Trung Quốc cần có cống hiến đáng kể đối với nhân loại, nhất là cần chủ trì công bằng, chủ trì chính nghĩa, ra sức giúp đỡ các nước vừa và nhỏ phát triển, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. »

Hiển nhiên cái gọi là « xã hội chủ nghĩa theo bản sắc Trung Quốc » hiện nay, nguyên thủy bắt nguồn từ ý kiến « tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa » của Đặng Tiểu Bình. Các tư tưởng « nền tảng » của họ Đặng, như về « miêu luận », về « dò đá qua sông »… tựu trung ở việc giải thích thuần túy lý thuyết, sao cho việc xây dựng Trung Quốc (bằng thể thức cũng như vốn liếng, khoa học kỹ thuật của tư bản) hài hòa, không bị mâu thuẩn với chủ thuyết nền tảng lập quốc « xã hội chủ nghĩa » của Mao Trạch Đông.

Họ Đặng đưa ra những khẩu hiệu « phát triển », « hòa bình »… nhằm để trấn an các nước (giúp đỡ Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Nam Hàn…) cũng như các nước lân bang để được sự trợ giúp về tư bản và kiến thức khoa học lỹ thuật. Việc này họ Đặng đã thành công. Trung Quốc hiện nay phát triển vượt mức, trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế trên thế giới. Trao đổi hàng hóa giữa Trung quốc với Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn, các nước Tây Âu... chiếm phần lớn lưu lượng hàng hóa trên thế giới. Trung Quốc trở thành « đầu tàu » lôi kéo sự phát triển kinh tế của cả thế giới.

Tuy nhiên trong nội bộ của Trung Quốc, các khẩu hiệu « Trung Quốc hòa bình quang phục », « Trung Quốc hòa bình quật khởi »… được loan truyền. Dĩ nhiên, việc « quang phục », tức lấy lại (một cách vinh quang) những gì đã mất, thì không thể thực hiện bằng phương thức « hòa bình ».

Chi phí lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là quân sự. Ngân sách dành cho quốc phòng của nước này đứng thứ nhì trên thế giới, (gần hai trăm tỉ đô la), chỉ sau Hoa Kỳ. Lãnh đạo Bắc Kinh không giải thích được lý do vì sao phải chi tiêu lớn lao cho quân sự (trong thời bình), như Mỹ phải đối phó với các chiến trường Trung Đông, về các đe dọa khác trên thế giới. Trung Quốc không bị đe dọa bởi thế lực nào.

Nỗ lực của Trung Quốc dành cho « quốc phòng » chỉ có hai ý nghĩa : một là chuẩn bị cho chiến tranh, hai là răn đe không cho chiến tranh xảy ra. Ngoài ra là vấn đề Đài Loan.

Vấn đề « thống nhất đất nước », đối với đảng lãnh đạo, là thánh thức lớn. Đảng Cộng sản Trung quốc có trách nhiệm thống nhất đất nước, nhằm khẳng định tính chính thống (là một đảng lãnh đạo chứ không phải là đảng cách mạng).

Đài Loan có vai trò quan trọng cho TQ về kinh tế. Nếu không nói quá, Đài Loan là động cơ của phát triển kinh tế của TQ ngay từ những ngày đầu mở cửa. Đầu tư ở các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến phần lớn đến từ tài phiệt Đài Loan. Về địa lý chiến lược, Đài Loan giữ vai trò cửa ngõ để hải quân TQ đi ra « biển xanh » (để có thể « đối đầu » với hải quân các cường quốc Mỹ, Tây Âu...)

Về địa lý chiến lược, phía Đông, Trung Quốc bị kềm hãm trong vùng nước cạn của Đông Hải, bởi bức trường thành thiên nhiên là quần đảo Nansei (Nam Tây) của Nhật, chạy dài từ cực Nam của đảo Kyushu cho đến phía Bắc đảo Đài Loan. Phía Đông và Đông Nam, Trung Quốc bị ngăn chận bởi Đài Loan và Phi. Phía Nam, tức biển Đông theo tên gọi của Việt Nam, cũng là vùng biển cạn, trong đó còn có khoảng 130 đảo san hô rải rác trong một vùng 100km chiều ngang và 200km chiều dài, bao bọc bởi các nước Việt Nam, Phi, Nam Dương, Mã Lai và Brunei. Trong các vùng biển cạn, cận bờ và có nơi đầy cạm bẫy đá và san hô, tàu ngầm không thể hoạt động hữu hiệu.

Trung Quốc chỉ có thể trở thành « đại quốc » nếu tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc ra vào an toàn vùng biển sâu và rộng của Thái Bình Dương. Việc này chỉ có thể thực hiện nếu Đài Loan và Biển Đông nằm dưới kiểm soát của Trung Quốc.

Trong khi đó, đà phát triển của TQ khiến TQ trở thành một nước « đói » năng lượng. Vùng biển Đông, các vùng trầm tích chạy dọc theo bờ biển VN, các bãi Tư Chính, Vũng Mây, Phúc Tần, Phúc Nguyên… trên thềm lục địa VN, hay vùng bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo TS, hay là vùng thềm lục địa chung quanh quần đảo Điếu Ngư, là những vùng có thể có trữ lượng dầu khí. Mặt khác, các nơi đó đều là các ngư trường quan trọng trên thế giới. Trước đây, Tưởng Giới Thạch (khi vạch bản đồ chữ U) đã xem đó là « không gian sinh tồn – espace vitale » của Trung Quốc.

Tiêu chí họ Đặng, « hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh », có thể thực hiện được, nhưng không thể bằng các phương pháp (diều hâu) của các thế hệ kế thừa, mà nạn nhân là Việt Nam và Phi, như đã thấy hiện nay.

Hành động cho đấu thầu 9 lô trên thềm lục địa VN năm ngoái, cho đặt giàn khoan 981 mới đây, hay các việc cắt cáp tàu nghiên cứu của VN, trong hải phận của VN, hay việc chiếm bãi cạn Scarborough của Phi...

Hiện nay Trung Quốc đã ra mặt tranh chấp (một cách gay gắt) với Nhật về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, đơn phương tuyên bố thành lập « vùng nhận diện phòng không » (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Trong Biển Đông, lãnh đạo Bắc Kinh đã thể hiện những hành vi bành trướng về lãnh thổ (và hải phận), gây hấn đối với láng giềng chung quanh (Việt Nam, Phi, Mã Lai…) làm đảo lộn trật tự đã thiết lập từ Thế chiến II đến nay.

Như thế mục tiêu của việc gia tăng lớn lao ngân sách quốc phòng của Trung Quốc nhiều sác xuất là chuẩn bị cho chiến tranh (chứ không nhằm giải phóng Đài Loan). Lãnh đạo Bắc Kinh không thể phục hồi những gì (lãnh thổ) đã mất (một cách vinh quang) bằng phương pháp hòa bình.

Các việc này cho thấy hậu duệ của họ Đặng đã không xây dựng Trung Quốc thành một « đại quốc » theo tiêu chí « hòa bình » của Đặng Tiểu Bình, mà theo tư tưởng xâm lược Đại Hán.

Đặng Tiểu Bình cũng nói nhiều về « nước lớn - đại quốc », mà Trung quốc hướng tới : « nước lớn xã hội chủ nghĩa kiểu mới ». « Xã hội chủ nghĩa kiểu mới » tức là « tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa », nay gọi là « xã hội chủ nghĩa theo bản sắc Trung Quốc » đã nói ở trên.

Các thế hệ hâu duệ của học Đặng đã xây dựng đất nước đến đâu rồi ?

Quan niệm về « nước lớn – đại quốc » theo Đặng Tiểu Bình là :

 « Một đại quốc phải hội đủ các điều kiện : Thứ nhất, kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Thứ hai, chiến lược quân sự ở địa vị tiên phong. Thứ ba, tuyên truyền tư tưởng văn hóa có thể ảnh hưởng đến toàn cầu. Thứ tư, có ảnh hưởng chính trị lớn nhất thế giới. »

Có thể trong chừng mực Trung Quốc hiện nay đã trở thành một « đại quốc » về kinh tế và quân sự. Nhưng hai tiêu chí về văn hóa và chính trị vẫn còn là thánh đố.

Từ thời Giang Trạch Dân, người kế thừa trực tiếp từ Đặng Tiểu Bình, ta đã biết đến các khẩu hiệu xây dựng Trung quốc : « hòa bình phát triển » và xây dựng « nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa » (đề xướng năm 1997). Ở Hồ Cẩm Đào ta biết đến khẩu hiệu « xã hội hài hòa ».

Nguyên nhân của khẩu hiệu « xã hội hài hòa » do từ những khuyết tật xã hội Trung Quốc. Phát triển ở đây không đồng đều (hài hòa). Chỉ một phần nhỏ dân chúng hưởng thành quả của việc phát triển thần kỳ về kinh tế, trong khi phần lớn dân chúng còn lại sống trong cảnh bất công và nghèo khó.

Thời kỳ của Giang và Hồ đã không làm được gì để thay đổi hình ảnh (xấu) của TQ trên thế giới. Tức là phương diện văn hóa và chính trị vẫn là con số âm. Mặc dầu lãnh đạo Bắc Kinh cố gắng xây dựng những học viện Khổng Tử ở các nước nhằm loan truyền văn hóa Trung Hoa, nhưng thành quả vẫn chưa thấy.

Hiện nay Tập Cận Bình, người tự xưng là « hậu duệ » của Đặng Tiểu Bình, « kế thừa » di sản của ông này, đưa đề cương « Trung Hoa Mộng – giấc mơ Trung Hoa » (như để cạnh tranh với « giấc mơ Hoa Kỳ » của những người muốn đến Mỹ quốc để tìm cơ hội). Nhưng điều mà là họ Tập cố gắng thực hiện (trong lúc này) là xây dựng « nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa », qua các việc bài trừ tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo, nhằm chấn chỉnh lại xã hội Trung Quốc.

Tập Cận bình đã nhìn thấy yếu điểm của Trung Quốc và muốn sửa chữa. Hiện nay nỗ lực xây dựng « nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa » của họ Tập bị đồng hóa với việc thanh trừng. Điều này cho thấy, « giấc mơ Trung Hoa » của họ Tập, có thể trở thành ác mộng cho chính ông, nếu việc cải cách thất bại.

Tiêu chí của Đặng Tiểu Bình về « nước lớn » chỉ có thể thực hiện, nếu văn hóa và chính trị Trung Quốc, tức là kiểu mẫu phát triển của Trung Quốc, « quyến rũ » được các nước khác. Mà việc này chỉ có thể hiện thực nếu nhà nước Trung Quốc là một nhà nước pháp trị (thật sự), đảng lãnh đạo là một đảng « cầm quyền » chứ không phải là một đảng « cách mạng ». Việc phát triển phải hài hòa, đem lại phúc lợi cho toàn thể người dân trong nước mà không loại trừ bất kỳ thành phần dân chúng nào.

Lúc đó Trung Quốc mới có thể « cống hiến cho nhân loại, chủ trì công bằng, chủ trì chính nghĩa, ra sức giúp đỡ các nước vừa và nhỏ phát triển... » như là nước Mỹ hiện nay.

Con đường đi lên « đại quốc » của Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình khẳng định :

« không theo đường « bá quyền thực dân » của Bồ Đào Nha hay Hòa Lan ở thế kỷ thứ 16 và 17. Con đường của Trung Quốc cũng không theo bá quyền lãnh đạo tự do kiểu Mỹ hay bá quyền xã hội chủ nghĩa của Liên Xô, đặc biệt là sự thống nhất bá quyền quân sự với bá quyền hình thái ý thức ».

Nhưng hành vi của các hậu duệ của họ Đặng lại phủ nhận tiêu chí của Đặng tiểu Bình.

Trường hợp Dương Khiết Trì trong một buổi họp hồi năm ngoái giữa các lãnh đạo ASEAN và bà ngoại trưởng Clinton, thực sự là thái độ « bá quyền thực dân ». Việc dọa nạt các nước khác (ASEAN) là « các tiểu quốc – nước nhỏ » là hành vi của một  « thái thú », bất chấp nguyên tắc cơ bản của LHQ là sự bình đẳng giữa các nước. Ngoài ra, gần đây, cũng ông này, sang VN nhân vụ giàn khoan 981. Thái độ của ông này đối với VN rõ ràng là thái độ hách dịch giữa « thượng quốc » với « chư hầu » chứ không phải là sự giao thiệp giữa hai quốc gia bằng hữu. (Tuy vậy việc này là do phía VN, vì đồng hóa quan hệ quốc gia với « việc gia đình », hơn là từ phía TQ).

Trong khi họ Đặng (cũng như các lãnh đạo khác của TQ) ảnh hưởng sâu đậm lý thuyết « Địa Chiến lược – Không gian sinh tồn » của Friedrich Ratzel (sách gối đầu của Hitler). Mục tiêu đi tới « đại quốc » của họ Đặng (và hậu duệ) vì thế cũng dựa trên lý thuyết này. (Xem lại ở đây : http://nhantuantruong.blogspot.fr/2014/06/thoat-trung.html )

Nếu như thế, ta cần phải hiểu tư tưởng của họ Đặng « ở giữa hai hàng chữ », tức nói vậy mà không phải vậy. Tức là tiêu chí « nước lớn » : « một nước hòa bình và phát triển, không bành trướng xâm lược, không cướp đoạt đối với bên ngoài, dựa vào sức mình và lớn mạnh » chỉ là chót lưỡi đầu môi.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.