Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Trước đó ông Bảo Đại đã trao Tuyên ngôn Độc lập cho ông Yokohama, Đại sứ Toàn
quyền của Nhật tại Việt Nam, ngày 12 tháng 3 năm 1945.
Việt Nam thực sự “độc lập” ngày nào ? Để có thể trả lời chính xác, điều
tiên quyết ta cần phải hiểu thế nào là “độc lập” ?
Độc lập, nghĩa thông thường là đứng một mình. “Kim kê độc lập” là thế võ
bắt chuớc từ cách đứng “một chân” của con gà vàng. Trong chính trị, từ “độc
lập” thường được sử dụng trong trường hợp các quốc gia thoát khỏi ách “thực dân
- colonie” hay “chư hầu – suzeraineté”. Quốc gia được gọi là “độc lập” khi quốc
gia đó không còn bị ràng buộc chính trị từ một thế lực ngoại bang.
Trong quốc tế công pháp, “độc lập” được hiểu như là “có chủ quyền – souveraineté” (phán
quyết của trọng tài Max Huber, CIJ về tranh chấp đảo Palmas 4-4-1928). Quốc gia
có chủ quyền là quốc gia độc lập (không bị ảnh hưởng từ một nước nào khác)
trong vấn đề bang giao với các quốc gia khác. Tức là trên phương diện pháp luật
(quốc tế), “độc lập” cũng có nghĩa là “chủ quyền”.
Cũng cần hiểu thêm ý nghĩa của từ « chủ quyền – souveraineté ». Từ này bắt
nguồn ở cuộc cách mạng Pháp 1789. “Chủ quyền” được định nghĩa như là một « thẩm
quyền tối thuợng, tuyệt đối và vô điều kiện ». “Quyền” ở đây là “quyền” của
“quyền lực – pouvoir, power”, chứ không phải “quyền” của “droit, right” (như “quyền
sở hữu”). Trên nguyên tắc dân chủ, « chủ quyền » (quyền lực tối thuợng) thuộc
về nhân dân. Theo nguyên tắc này, không một chủ thể bất kỳ, hay một cá nhân nào
đó có thể hành sử quyền hành mà không bắt nguồn một cách minh bạch từ đây (nhân
dân).
Tức là, điều kiện để một quốc gia độc lập (có chủ quyền) là: 1/ quyền
lực quốc gia bao trùm lên toàn lãnh thổ quốc gia. Quyền lực này “tối thuợng”, có
tính “độc quyền”, không chịu ảnh hưởng hay áp lực từ bất kỳ một quốc gia nào.
2/ Độc lập trong vấn đề bang giao với các nước khác, tức được các quốc gia khác
nhìn nhận với tư cách là “quốc gia”.
Trong quốc tế công pháp, vào thời kỳ chuyển tiếp sau Thế chiến thứ II,
người ta nhìn nhận tư cách pháp nhân “từng phần – partiel” của một quốc gia chỉ
trên vấn đề lãnh thổ. Thí dụ, sau Thế chiến II, quần đảo Lưu Cầu của Nhật do
Hoa Kỳ quản lý. Việc quản lý của Hoa Kỳ chỉ thuần túy ở mặt quân sự, còn về
“chủ quyền lãnh thổ” vẫn thuộc về Nhật. Tức là người dân tại đây vẫn mang quốc
tịch Nhật. Thí dụ khác, trong Hội nghị San Francisco 1951, Quốc Gia Việt Nam
được tham gia với tư cách là một “quốc gia độc lập” có tuyên chiến với Nhật. Nhưng
thật ra tư cách pháp nhân của “Quốc gia Việt Nam” vào thời điểm này chỉ độc lập
từng phần, tức chỉ có “chủ quyền” về “lãnh thổ”, trong khi về quân sự và ngoại
giao thì bị hạn chế do việc ảnh hưởng của Pháp.
Một ghi nhận thú vị: Người Việt Nam thường hay lẫn lộn “chủ quyền lãnh
thổ”, tức “thẩm quyền của quốc gia trên vùng lãnh thổ” với “quyền sở hữu về
lãnh thổ”. Chữ “quyền” trong “thẩm quyền” là “quyền” của “quyền lực”, chứ không phải là “quyền”
của “quyền sở hữu”. Do vậy một số các học giả VN thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông
(qua các lần phỏng vấn trên BBC) nhấn mạnh rằng “chủ quyền lãnh thổ thuộc về
quốc gia”. Điều này hoàn toàn sai. “Chủ quyền” ở đây là “quyền lực tối thuợng”,
chứ không phải là “quyền sở hữu”. “Chủ quyền” lãnh thổ, tức “quyền tối thuợng”
của quốc gia trong vùng lãnh thổ đó, dĩ nhiên phải thuộc về nhân dân.
Khi hiểu “độc lập” và “chủ quyền” như vậy, thì các tuyên bố của ông Bảo
Đại ngày 12 tháng 3 năm
1945, hoặc của ông Hồ ngày 2 tháng 9 năm 1945, tuyên bố nào phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam
? (Tức là VN có thực sự “độc lập” vào thời điểm đó hay chưa ?)
Nhìn lại sơ lược về lịch sử vào các thời điểm đó là điều cần thiết.
Ngày 10 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp, chiếm Đông Dương. Đại diện
Nhật Hoàng là ông Yokohama tiếp xúc với ông Bảo Đại đề nghị trả lại độc lập cho
VN. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại trao bản tuyên ngôn độc lập cho ông
Yokoyama. (Bản Tuyên ngôn ký ngày 27 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 20). Bảo
Đại tuyên bố vô hiệu lực các hiệp ước bảo hộ (mà nhà Nguyễn) đã ký trước đây
với Pháp. Quốc gia tên là « Đế Quốc Việt Nam » ra đời. Ngày 17-4-1945
chính phủ Trần Trọng Kim thành lập.
Câu hỏi đặt ra, Tuyên ngôn của Bảo Đại có thật sự là “tuyên ngôn độc
lập”, với một nước VN thật sự độc lập ?
“Tuyên ngôn độc lập” của Bảo Đại, trên phương diện quốc tế công pháp, là
một “tuyên bố đơn phương”. Tuyên bố này có giá trị pháp lý hay không tùy thuộc
vào hai yếu tố (đã ghi trên).
a)
Ông
Bảo Đại có đầy đủ “quyền lực tối thuợng” (và độc quyền sử dụng quyền lực) trên toàn
lãnh thổ Việt Nam hay không ?
Câu trả lời là không. Phía
thực sự nắm quyền lực là quân chiếm đóng trong khi Nam kỳ chủ quyền thuộc về Nhật.
b) Tuyên
bố của Bảo Đại có được sự nhìn nhận của các quốc gia khác hay không ?.
Trên thực tế tuyên bố này chỉ có
Nhật thừa nhận. Điều này dễ
hiểu, vì Nhật cần sự dứt khoát (về pháp lý) giữa VN và Pháp để đưa VN vào vòng
ảnh hưởng của mình.
Việc nhìn nhận của Nhật không đủ để bảo kê cho VN độc lập (sau khi Nhật
đầu hàng), vì lẽ : phe chiến thắng (Đồng Minh) không nhìn nhận bất kỳ một chính
quyền nào do Nhật dựng lên ở các thuộc địa của Nhật. Điều này cũng có lợi cho
VN sau này. Bởi vì, nếu quốc gia tên gọi “Đế quốc Việt Nam” của Bảo Đại được
quốc tế nhìn nhận, thì quốc gia này sẽ đứng chung với phe Trục của Nhật, Đức, Ý…
trở thành các quốc gia thù nghịch với Đồng Minh. Sau Thế chiến II quốc gia này
sẽ có cùng số phận với các nước thua trận.
Tuyên ngôn độc lập của Bảo Đại vì vậy chỉ có ý nghĩa về biểu tượng, về
lịch sử. Nó không có giá trị về pháp lý cũng trên thực tế. (Bảo Đại chưa bao
giờ thể hiện quyền lực của mình trên toàn cõi quốc gia có tên là Đế quốc Việt Nam).
Còn tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 của ông Hồ ?
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Việt Nam có
một khoảng trống quyền lực. Thừa dịp, ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt
Minh làm « cách mạng », lập chính phủ « lâm thời » tại Hà
Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Ủy ban
giải phóng, tuyên bố thoái vị. Quốc gia gọi là « Đế Quốc Việt Nam »
kết thúc và quốc gia « Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa » ra đời.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 ông Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Có hai chi tiết thú vị về ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Thứ nhất là thời điểm. Ngày 2 tháng
9 được chọn không hề do tình cờ mà là kết quả tính toán sâu xa của ông Hồ Chí
Minh (và ban tham mưu, có lẽ là từ các viên chức OSS Hoa Kỳ mà ông Hồ có cộng
tác). Bởi vì ngày 2 tháng 9
năm 1945 cũng là ngày đế quốc Nhật ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiếc
Thiết giáp hạm USS Missouri của Mỹ đang neo trong vịnh Tokyo.
Thứ hai, nội dung bản Tuyên ngôn dẫn nhiều ý tứ từ bản Tuyên ngôn độc
lập của Hoa Kỳ.
Từ hai chi tiết này, ta có thể cho rằng Ông Hồ (được sự gợi ý của các
chuyên viên OSS), khi đọc tuyên ngôn là có mục đích đưa tín hiệu đến Mỹ.
Công việc không thành, có lẽ là do tình hình chính trị VN chưa được sáng
tỏ.
Việc giải giới quân Nhật tại VN do hai lực lượng Đồng Minh, phía Bắc vĩ
tuyến 16 thuộc quyền quân Trung Hoa (và Hoa Kỳ), phía Nam thuộc quyền của Anh. Trong
khi quân Pháp còn giữ chủ quyền tại Nam Kỳ đồng thời muốn thiết lập lại quyền
lực của đế quốc thực dân.
Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ, trên phương diện pháp lý cũng như trên
thực tế, không thể hiện được một quốc gia Việt Nam độc lập.
VNDCCH không thế “kế thừa” quốc gia Đế quốc VN (khi nhận ấn kiếm từ Bảo
Đại), vì quốc gia này không được quốc tế nhìn nhận.
Ông Hồ và chính phủ của ông không hề thể hiện “quyền lực” trên toàn lãnh
thổ Việt Nam.
Quốc gia VNDCCH không được một quốc gia nào công nhận.
Quốc gia VNDCCH của ông Hồ còn một khuyết điểm lớn khác, đe dọa tính
chính thống của ông Hồ và những người cộng tác. Đó là việc ngày 6 tháng 3 1946,
ông Hồ ký với Pháp một hiệp ước gọi là « hiệp ước sơ bộ ». Theo đó
Pháp công nhận VN là một nước « tự do » nằm trong Liên bang Đông
dương và Liên hiệp Pháp.
Hiệp ước sơ bộ không hề nói một nước Việt Nam “độc lập” mà chỉ nói một
nước « Việt Nam tự do » thuộc « Liên bang Đông dương » và
khối « Liên hiệp Pháp ». Tức ông Hồ chấp nhận « quốc gia »
Việt Nam, không bao gồm Nam Kỳ mà thực chất là một « tiểu bang » hay
« xứ », nằm trong Liên bang Đông Dương, có qui chế pháp lý tương
đương với xứ Bắc Kỳ.
VNDCCH chỉ được một số nước công nhận sau này, khi các thế lực cộng sản
thắng thế tại Trung Hoa cũng như các nơi khác trên thế giới. Lúc đó ông Hồ cũng
chỉ kiểm soát được phân nửa đất nước và phân nửa dân chúng. Tức thẩm quyền quốc
gia về lãnh thổ của nước VNDCCH chỉ áp dụng cho ½ đất nước. Việc này, theo công
pháp quốc tế, chỉ thể hiện một quốc gia VNDCCH “chưa hoàn tất – partiel”.
Trường hợp ra “tuyên ngôn độc lập” như ở VN không phải là ngoại lệ. Các
nước trong khu vực, như Nam Dương, cũng thừa cơ hội Nhật đầu hàng ra tuyên ngôn
độc lập, ngày 17-8-1954. Nhưng việc này cũng không được nước nào nhìn nhận. Khi
Anh vào tiếp quản, các lực lượng “cộng hòa” tại đây đi vào “kháng chiến”. Trong
khi Hòa Lan thì chuẩn bị lực lượng mục đích dành lại thuộc địa của mình. Nam Dương
thực sự độc lập khi Anh rút lui (vì không muốn đổ máu cho quyền lợi của Hòa
Lan) ngày 27-12-1949 qua sự nhìn nhận của Hòa Lan (Nam Dương độc lập).
Tuyên Ngôn độc lập của ông Hồ, một tuyên ngôn “không dựa trên thực tế”.
Việt Nam không phải là một nước độc lập.
Theo tôi, tên quan điểm quốc tế công pháp, ngày thật sự độc lập của quốc
gia Việt Nam là ngày mà thẩm quyền quốc gia được phủ trùm lên toàn lãnh thổ đất
nước Việt Nam. Thẩm quyền này độc quyền và “tối thuợng” được sự nhìn nhận của
cộng đồng các nước trên thế giới.
Có thể đó là ngày ngày 8 tháng 3 năm 1949, ngày ký kết ước Elysée, Pháp
trả Nam Kỳ lại cho VN đồng thời nhìn nhận một nước Việt Nam Độc lập và thống
nhất. Ngày 27-5-1948 Quốc gia Việt Nam thành hình với Chính phủ Trung ương Lâm
thời Việt Nam được thành lập do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, Bảo Đại làm
« Hoàng Đế, Quốc trưởng ». Nội dung kết ước Elysée có nhiều điều cần
bàn cãi, nhưng điểm chính là Pháp trả lại miền Nam cho VN (thay vì cho
Kampuchia), đồng thời công nhận VN « độc lập » và « thống
nhứt ».
Cũng có thể là ngày 30-4-1975. Ngày này có đủ các yếu tố để trở thành
ngày độc lập: thẩm quyền quốc gia bao trùm trên toàn lãnh thổ. Thẩm quyền này “độc
quyền” và “tối thuợng”. Tuy nhiên, lúc đó cộng đồng thế giới vẫn chưa nhìn nhận
VN là một nước “độc lập”.
Ngày “hiệp thuơng thống nhất đất nước” 21-11-1975 (hoặc ngày 3-7-1976
khai sinh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cũng đều có thể là ngày độc
lập thật sự. Từ những ngày này, quốc tế nhìn nhận VN là một nước độc lập, thống
nhất và có chủ quyền toàn vẹn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.