Hoa Kỳ vừa gỡ đi một phần
luật « cấm bán vũ khí sát thuơng » cho VN. Luật này do quốc hội Mỹ
đặt ra từ 75.
(Sau 1975, hai bên có
những vận động để thiết lập ngoại giao nhưng đều thất bại. Mỹ ngõ ý muốn bình
thường hóa với VN nhưng VN đặt điều kiện bồi thường chiến tranh thì mới bang
giao. Đến năm 1977, khi VN đồng ý bang giao « vô điều kiện » thì đã
quá trễ : Hoa Kỳ đã đi tắt với Bắc Kinh để lập liên minh chống Liên Xô. Từ
đó VN ngã vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô, cùng với Liên Xô thực hiện mưu đồ
thôn tính vùng Nam Á : từ Afghanistan qua Iran, Ấn Độ, nhằm khống chế eo
biển Malacca. Cuối thập niên 70, khi Liên Xô mở mặt trận Afghanistan thì Việt
Nam mở cuộc chiến Kampuchia. Các nước trong vùng, kể cả Mỹ và Trung Quốc, lo
ngại thuyết Domino được chứng nghiệm : chính quyền các nước Thái Lan, Mã
Lai, Miến Điện, Nam Dương… cho đến Ấn Độ, Iran… lần lượt sụp đổ, hay liên kết
với Liên Xô. Trước dư luận quốc tế, cuộc chiến Kampuchia là cuộc chiến ủy nhiệm
của hai thế lực XHCN đối nghịch : Liên Xô và Trung quốc (được sự chống
lưng của Mỹ). VN bị xem là một tên « xung kích sừng sỏ » được sự ủy
nhiệm của cộng sản quốc tế do Liên Xô cầm đầu. VN bị Hoa Kỳ cấm vận và bị thế
giới cô lập từ đó, cho đến đầu thập niên 90, khi mà khối cộng sản Đông Âu bị phân
rã và Liên Xô đang trên đường sụp đổ.)
Việc tháo gỡ lệnh cấm bán
vũ khí sát thuơng hôm nay cho VN có phần tương tự với trường hợp Đài Loan năm
1979. Cả hai bên đều cần vũ khí sát thuơng của Mỹ để tự vệ trước sự gây hấn của
Trung Quốc.
Trường hợp Đài Loan, sau
khi bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi tại Liên Hiệp Quốc năm 1971, trong chừng mực Đài
Loan bị cô lập toàn diện. Trong buổi họp Đại hội đồng LHQ 25-10-1971, do việc
HK bỏ phiếu trắng, Đài Loan đã bị trục xuất và chính quyền Bắc Kinh, được nhận
vào ghế Hội đồng Bảo An LHQ. Điều này gây phẫn nộ và đau đớn cho chính quyền
Tưởng Giới Thạch (cho là bị đồng minh đâm sau lưng). Tiếp theo sự sụp đổ của
chính quyền Sài Gòn 1975, số phận chính quyền Quốc dân đảng ở Đài Loan mong
manh như trứng để đầu cối đá. Mặc dầu HK còn bị ràng buộc bởi Hiệp định An ninh
hỗ tương, ký từ 1954, nhưng trên danh nghĩa pháp lý, lục địa có thể đem quân
« giải phóng » đảo quốc này bất kỳ lúc nào. Dân chúng đảo quốc, cũng
như kiều dân Hoa sống ở HK, lo ngại. Họ thành lập nhưng tổ chức quyền lực tại
HK nhằm vận động chính trị.
Điều tệ hại đến vài năm
sau đó. Ngày 1-1-1979 hai bên HK và TQ tuyên bố bình thường hóa bang giao. Hiệp
ước An ninh giữa HK và Đài loan trở thành « caduc – không còn hiệu
lực ». Hoa Kỳ mặc nhiên nhìn nhận « vấn đề Đài Loan » thuộc
về « nội bộ » của Trung Quốc. Điều này cũng tương tự tình trạng VNCH
sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết. Hoa kỳ « Việt Nam hóa chiến
tranh », nhìn nhận VN là một quốc gia thống nhất, độc lập có chủ quyền. Cuộc
chiến VN chỉ là một cuộc nội chiến. Chiến tranh của VN trở thành « chuyện
riêng » của VN, cũng như vấn đề Đài Loan là chuyện riêng của TQ. Hoa Kỳ
(và các nước trên thế giới) không còn lý do để can thiệp vào. Đây là một nguyên
tắc cơ bản của Hiến chương LHQ : một quốc gia không được quyền can thiệp
vào nội bộ một quốc gia khác.
Trước đe dọa bị
« thống nhất » bằng vũ lực, Đài Loan mong muốn được mua « vũ khí
sát thuơng » của Hoa Kỳ để « tự vệ ». Dân chúng ở đảo quốc, cũng
như kiều dân Hoa ở HK đã sẵn sàng. Họ làm « lobby », tức vận động
chính trị hết mức lên các chính trị gia ở quốc hội Mỹ.
Trường hợp Việt Nam, sau
khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trên thềm lục địa của VN vào tháng 5-2014, VN
lâm vào thế « tiến thoái lưỡng nan » : đánh thì không xong, mà
hòa cũng không ổn. VN không có đủ sức mạnh quốc phòng chống lại TQ để bảo vệ
quyền lợi của mình. Trong khi việc « hòa » là đồng nghĩa với việc từ
bỏ chủ quyền của VN tại các đảo Hoàng Sa đồng thời quyền chủ quyền trên thềm
lục địa và hải phận của mình.
(Phía TQ chỉ rút giàn
khoan, với lý do « tránh bão », nhưng thực ra là để hạn chế hệ quả
một sai lầm chiến lược. Đáng tiếc là VN đã không khai thác được điều này. Bởi
vì, trên quan điểm thuần túy chiến lược, phía Trung Quốc, khi đặt giàn khoan
981, đã tính toán sai. Trong quan hệ ngoại giao, sự do dự của VN về việc lựa
chọn đồng minh chiến lược - Trung Quốc hay Mỹ - sẽ sớm được quyết định. Trung
Quốc sẽ mất một đồng minh (đúng ra là đàn em) tin cậy đồng thời tạo ra một quốc
gia thù địch quan trọng ở trước cửa ngõ. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với
Trung Quốc, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đã đông lạnh từ tháng giêng năm
1974 cho đến nay, thì được hâm nóng lại. Hoàng Sa và vùng biển chung quanh, từ
lâu đã được TQ xem là chủ quyền thuộc về TQ bất khả tranh nghị. Qua dịp này,
chủ quyền Hoàng Sa và vùng biển chung quanh có thể được quốc tế nhìn nhận là
vùng lãnh thổ có tranh chấp. Điều này dĩ nhiên có lợi cho VN.)
Điều trở ngại cho cả hai
bên, Đài Loan (năm 1979) và Việt Nam hôm nay : Đài Loan (năm 1979) cũng
như Hà Nội là những chế độ độc tài. Trường hợp VN hôm nay còn tệ hại hơn, nơi
đây một trong vài chế độ độc tài cộng sản trên thế giới còn sót lại. Nhân quyền
thường xuyên bị chà đạp. Ý kiến của nhiều chính trị gia HK, khi mà VN chưa cải
thiện về nhân quyền, chưa dân chủ hóa chế độ, thì các quan hệ với Hoa Kỳ sẽ còn
gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp Đài Loan, chính
quyền Quốc dân đảng nhượng bộ đòi hỏi của thành phần « đảng ngoại »
(tức người ngoài đảng), đồng ý một lịch trình dân chủ hóa chế độ. Hoa Kỳ đáp
ứng bằng cách cho thông qua luật « Taiwan Relations Act » ngày
10-4-1979. Dầu vậy luật này cũng là « tác phẩm » của kiều dân Đài
Loan sống tại Hoa Kỳ, qua các cuộc vận động chính trị ráo riết từ nhiều năm
trước. « Lobby » của kiều dân Hoa tại Mỹ rất mạnh. Nhờ vận động hành
lang chính trị, thuợng viện HK mới sớm thông qua dự luật « Taiwan
Relations Act », theo đó HK chủ trương việc giải quyết « vấn đề Đài
Loan » bằng phương tiện hòa bình (HK tôn trọng ý nguyện, tức sự lựa chọn
chính trị của dân Đài Loan), đồng thời cho phép chính quyền Dân Quốc được
mua các loại vũ khí của HK để tự vệ.
Quá trình dân chủ hóa Đài
Loan bắt đầu từ thập niên 80, được sự giúp đỡ quan trọng (làm chất xúc tác) của
các học giả thuộc trường đại học Harvard (như Samuel P. Huntington). Những
người này đã tổ chức (trong khuôn viên đại học Harvard) những cuộc « hội
thảo », tiếp xúc giữa những người ngoài đảng (đảng ngoại, tức không phải
là đảng viên Quốc Dân đảng) với các nhân vật lãnh đạo Dân Quốc. Quá trình dân
chủ hóa kết thúc vào những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3.
Nhờ các vũ khí tối tân mua
từ Hoa Kỳ, Đài Loan hiện nay mặc dầu bị cô lập (hầu như) toàn diện, họ vẫn
không sợ viễn ảnh bị lục địa « thống nhất » bằng vũ lực.
Trường hợp Việt Nam, chính
quyền Obama vừa tháo gỡ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thuơng, đổi lại, VN
phóng thích một vài tù nhân lương tâm. VN vẫn hoàn toàn im lặng về « hồ sơ
nhân quyền » trước dư luận quốc tế, trong khi việc « dân chủ
hóa » chế độ chỉ là điều trong mơ.
Hoa Kỳ bán vũ khí sát
thuơng (hạn chế) cho VN do vậy đến từ một cấp bách về chiến lược (bao vây TQ)
chứ không do một động lực nào khác.
Người ta không thể trách
được Hoa Kỳ. Lực lượng người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ rất là đông đảo, không
kém kiều dân Hoa ngày trước. Nếu kiều dân Hoa ngày xưa một lòng ủng hộ Đài
Loan, thì hôm nay kiều dân Việt phần lớn chống lại chế độ độc tài toàn trị của
Hà Nội. Những người Việt này có lý do chính đáng, vì phần lớn họ là nạn nhân
trực tiếp của chính sách trả thù ác độc, cũng như sự cai trị hà khắc của nhà
cầm quyền Hà Nội.
(Nếu không có một chính
sách hòa giải dân tộc đứng đắn, những hận thù này sẽ còn tồn tại mãi, sẽ luôn
chống lại phía cộng sản cầm quyền. Phía thiệt hại dĩ nhiên là đất nước và dân
tộc VN. Đó là ta chưa nói đến những tác hại của các thành phần dân tộc thiểu số
Khmer Krom và các dân tộc ở Tây nguyên, Tây bắc. Chính quyền suy yếu, hay đất
nước kém phát triển, khuynh hướng ly khai sẽ phát triển. Việc giữ toàn vẹn lãnh
thổ trở thành khó khăn. Mà giải quyết các mâu thuẩn này hiệu quả không phải do
đàn áp, mà cũng phải là một chính sách hòa giải dân tộc đúng đắn).
Trong khi các « lực
lượng dân chủ » của VN thì tản mác, không có những trí thức lớn như trường
hợp Đài Loan (năm 1979). Từ khi những trí thức lớn và có uy tín như ông Trần
Xuân Bách bị khai trừ năm 1990, thì đảng VN ngày càng rập khuôn theo kiểu mẫu
của Trung Quốc. (Ông Trần Xuân Bách là nạn nhân của cánh cực đoan duy ý chí
trong đảng, là những người có gốc miền Trung. Phe miền Trung do thua kém miền
Nam và miền Bắc về kinh tế, do đó thiên về hướng bảo thủ nhằm giữ lấy quyền. Vô
hình chung, thái độ này đã « đóng đinh » VN trên cây thánh giá XHCN
từ năm 1990. Nếu không thì VN đã theo mô hình dân chủ tự do từ đó, với những
người CS tiến bộ như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách…).
Giả sử bây giờ Mỹ muốn
giúp dân chủ VN thì cũng không biết giúp ai ? Có đảng phái, tổ chức dân chủ
nào có trọng lượng hiện nay để mà Mỹ giúp ?
Việc Mỹ bán (giới hạn) vũ
khí sát thuơng cho VN dầu vậy cũng để dành một cơ hội để phe dân chủ VN và
những người tiến bộ trong đảng CSVN nắm bắt. Nội tình đảng CSVN phân chia ra
sao, Hoa Kỳ nắm vững. Họ không hề xem VN là một nước đáng tin cậy. Bởi vì
lực lượng đảng viên theo TQ vẫn chiếm đa số trong đảng.
Biến cố dàn khoan 981 trên
thềm lục địa của VN đã khơi dậy lòng yêu nước nơi mọi người Việt, bất kể quá
khứ cũng như lập trường chính trị. Lẽ ra, từ điểm tựa này, nếu có một
« chất xúc tác » hữu hiệu, thì rất có thể lực lượng người Việt tại
Hoa Kỳ có thể vận động hành lang để chính giới nước này thông qua một luật
tương tự « Taiwan Relations Act ». HK sẽ ủng hộ VN, bán vũ khí để VN
« tự vệ » và tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng (các
phương tiện) hòa bình.
(Ta không nên đánh giá
thấp tiềm năng kinh tế của lớp người Việt hải ngoại. Lớp người này gởi về VN
hàng năm trên 10 tỉ đô la. Số tiền này VN có thể mua bất kỳ loại vũ khí tối tân
nào của Hoa Kỳ.)
Biến cố giàn khoan 981 cũng
đã tạo ra cho VN nhiều cơ hội để đạt được mục đích của mình, phía chính quyền
cũng như phe dân chủ. Đáng tiếc là cơ hội đã đi qua. Phía TQ đã thấy được sai
lầm của họ và đang cố gắng sửa chữa. Ngoại giao con thoi, qua lại giữa các viên
chức VN và TQ gần đây cho thấy hai bên dường như đã « quên » quá khứ.
Mọi việc đi vào « nề nếp » như trước. Lãnh đạo CSVN đã bỏ qua một dịp
may bằng vàng để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa (và Trường Sa) với TQ bằng
phương pháp hòa bình, rất thông dụng là Tòa quốc tế. VN cũng bỏ mất dịp may để
đưa vùng biển Hoàng Sa trở lại thành vùng VN có tranh chấp với TQ.
Còn phe dân chủ VN
thì sao ? Bất lực vì không thể lấy hứng từ « cách mạng dù » của
sinh viên học sinh Hồng Kông. Vì giáo dục của VN chỉ có khả năng đào tạo ra
« con cừu » chứ không có khả năng đào tạo thành ra con người tự chủ,
hữu dụng. Các cuộc cách mạng màu, cách mạng hoa hòe cũng qua đi mà dân chủ VN
chỉ « ngóng », không lấy « hứng » được điều gì ! Xã hội
VN nó vậy thì phải bó tay thôi.
Chỉ còn con đường
của trí thức Đài Loan đã đi. Việc này tôi đã nói đi nói lại nhiều lần trong quá
khứ. Trí thức VN nên học tập trí thức « đảng ngoại » của Đài Loan vào
thập niên 70, 80, sinh hoạt dưới sự bảo vệ của pháp luật hiện hành, trưởng
thành lên từ đó. Bối cảnh VN hôm nay khá giống với Đài Loan thập nên 80. Đài
Loan cần Mỹ, cũng như VN cần Mỹ. Mỹ thỏa mãn ý nguyện của Quốc dân đảng với
điều kiện dân chủ hoá chế độ. Dân chủ VN cũng có đến bằng con đường tương tự.
Vấn đề là dân chủ VN chưa xây dựng được lực lượng.
Phải bắt đầu ở điểm
bắt đầu thì mới có thể đi hết con đường.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.