1. Pháp
quyền hay pháp trị ?
Hội nghị Trung ương đảng
Cộng Sản TQ kỳ tám, lần thứ tư đã được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 10
năm 2014. Theo tin dẫn từ Tân hoa xã (trang tiếng Hoa), Hội nghị đã bàn luận
chung quanh các mục tiêu : « ỷ pháp trị quốc », « kiến
thiết trung quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa pháp trị », « kiến thiết xã
hội chủ nghĩa pháp trị quốc gia », « hoàn thiện hiến pháp »…
Không cần biết chữ Hán ta
cũng có thể hiểu mục tiêu của Hội nghị là : « dựa vào pháp luật trị
nước », « xây dựng xã hội chủ nghĩa pháp trị mang màu sắc Trung
quốc », « xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa »,
« hoàn thiện hiến pháp »…
Tức là, chủ đề trung tâm
của hội nghị này nói về những điều liên quan đến luật pháp Trung Quốc, về
« nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa » cũng như về « hiến
pháp ».
Tân hoa xã ở các trang
tiếng Anh và tiếng Pháp cũng có tường thuật diễn tiến và nội dung hội nghị
này. Trang tiếng Anh
viết :
« The general target is to form a system
serving "the socialist rule of law with Chinese
characteristics" and build a country under "the socialist rule of
law"… China will ensure the leadership of CPC in "the socialist rule
of law with Chinese characteristics"… improve team building and to sharpen
the CPC's leadership in pushing forward rule of law… To realize the rule
of law, the country should be ruled in line with the Constitution…
Tân
hoa xã tiếng Pháp cũng tường thuật với nội dung tương tự, theo đó thuật ngữ
“rule of law” được dịch là “état de droit”.
Tức
là, đối chiếu ngược lại, các thuật ngữ “rule of law” trong tiếng Anh hay “etat
de droit” trong tiếng Pháp, chuyển sang Hán văn là “pháp trị”.
Nếu
ta tra từ điển Anh-Trung hay Pháp-Trung, các thuật ngữ này được dịch là “pháp
trị”.
Tuy
vậy, báo chí VN, trong nước cũng như hải ngoại, đã không viết “pháp trị” mà
viết là “pháp quyền”.
Một
vài thí dụ:
Tờ
Quân đội Nhân dân viết :
« Hội
nghị đã thông qua Nghị quyết trong đó đề ra các đường hướng chỉ đạo quan trọng
liên quan đến thúc đẩy pháp quyền ở Trung Quốc. Trong đó xác định rõ mục tiêu
tổng thể của việc thúc đẩy pháp quyền là thiết lập một hệ thống “các quy tắc xã
hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” và xây dựng đất nước theo quy tắc “pháp quyền
xã hội chủ nghĩa »
Theo báo này thì mục tiêu
của Hội nghị là « thúc đẩy pháp quyền », thiết lập « các qui tắc xã hội chủ
nghĩa đặc sắc TQ », xây dựng đất nước theo « pháp quyền xã hội chủ nghĩa ».
Không thấy báo này trích
dẫn tin tức trên từ nguồn nào.
Tờ Thanh Niên thì có bài
viết về chủ đề này, có tựa « Trung
quốc và đường đến pháp quyền ». Bài viết có dẫn nguồn phong phú : Tân hoa
xã, Hoàn cầu Thời báo, The Traits Times (Singapour), The Diplomat...
Bài báo phân tích nhiều
chi tiết trong nội dung của Hội nghị. Điểm đáng chú ý, bài báo viết :
«
Giới quan sát trong và ngoài Trung Quốc ghi nhận đây là lần đầu tiên một hội
nghị toàn thể của Ban Chấp hành trung ương lấy pháp quyền làm chủ đề trung
tâm.... “, « Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 với nhiều giải pháp nữa nhằm
tiến tới một nền pháp quyền »... « để thực hành pháp quyền, đất nước phải được
lãnh đạo dựa theo Hiến pháp »...
Báo chí ở hải ngoại, BBC
Việt ngữ có bài tường thuật tựa đề : « TQ
cam kết tạo 'xã hội pháp quyền ». Bài báo viết :
«
Hội nghị Trung ương IV vừa kết thúc ở Bắc Kinh đã ra thông cáo tập trung vào
vấn đề "pháp trị" »... « Truyền thông Trung Quốc hoan nghênh việc
Đảng Cộng sản trong hội nghị trung ương vào tuần này đã cam kết tạo dựng một
xã hội pháp quyền. »
Rốt cục không biết là nói
về « pháp trị » hay về « pháp quyền » ?
Trang RFI có hai bài viết.
Một bài có dẫn nguồn Tân hoa xã (chắc là trang tiếng Anh) :
«
Tân Hoa Xã loan báo, kể từ nay các viên chức Trung Quốc phải tuyên thệ tuân
theo Hiến pháp. Hãng tin này công bố một văn kiện mang tên « Quyết định về các
vấn đề chủ yếu liên quan đến các bước tiến của Nhà nước pháp quyền », được Hội
nghị trung ương IV thông qua tuần trước. »
Bài kia dẫn từ Reuters,
mang tựa đề « Đảng cộng sản
Trung Quốc xúc tiến chính sách "Nhà nước pháp quyền" »
Vấn đề là, Hội nghị của
đảng CS Trung quốc hoàn toàn không có chữ nào nói về « pháp quyền ».
Đã đành tự điển VN (và các
học giả VN) dịch các thuật ngữ « rule of law – etat de droit » là
« pháp quyền ». VN dịch như vậy là đúng hay sai, câu trả lời sẽ đề
cập phần dưới. Điều đáng nói là báo chí VN khi viết tin tức chỉ tham khảo nguồn
« thứ cấp », tức nguồn đã được người ta « xào nấu » rồi (ở
đây là nguồn tiếng Anh), chứ không tham khảo nguồn nguyên thủy (tiếng Hoa). Vì
nếu có tham khảo nguồn tiếng Hoa thì sẽ viết là « pháp trị » chứ
không phải « pháp quyền ».
Điều này sẽ không ai phàn
nàn nếu tiếng Việt không có liên hệ gì đến tiếng Hoa (như tiếng Thái, tiếng
Khmer…). Một số lượng rất lớn chữ Việt bắt nguồn từ chữ Hán (từ Hán Việt). Hai
từ « pháp trị » và « pháp quyền » đều là từ Hán Việt. Tức có nguồn gốc từ Trung
Hoa. Nguyên tắc về dịch thuật không đòi hỏi người ta phải phiên dịch đúng
nguyên bản theo lối « mot à mot », một chữ đối với một chữ, mà người
ta chỉ yêu cầu dịch đúng nội dung.
Hai từ « pháp
quyền » và « pháp trị » có nội dung (ý nghĩa) trong tiếng Hoa
rất khác nhau.
« Pháp quyền »
có ý nghĩa là quyền được xét xử trong lãnh thổ của mình (quản hạt quyền -
juridiction).
« Pháp trị »
dùng để chuyển ngữ và nghĩa « Rule of Law » trong tiếng Anh hay
« Etat de Droit » trong tiếng Pháp. Đây là các từ ngữ thuộc về
« khái niệm ». Không thể hiểu « pháp trị » theo nghĩa đen
của từ ngữ (pháp = pháp luật ; trị = cai trị) mà phải hiểu là « một
cách thức tổ chức nhà nước theo đó quyền lực nhà nước bị giới hạn bởi luật pháp ».
« Rule of Law »
phải hiểu là « sự ưu việt (hay sự ưu đẳng) của pháp luật »
(prééminent de droit – primauté de droit). “Etat de Droit” phải hiểu là “nhà
nước xây dựng trên sự tôn trọng pháp luật” (État fondé sur le respect de la
loi).
2. Từ
« thần linh pháp quyền »…
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng
trong bài « Hiến
pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền » :
“Năm 1919, trong Bản yêu sách được Nguyễn Ái Quốc gửi đến
hội nghị Vecxây, yêu sách thứ 7 là pháp quyền. Sau này, yêu sách đó được Bác
thể hiện thành lời ca: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh
pháp quyền” (Yêu cầu ca, Báo Nhân dân, ngày 30/1/77).”
Theo TS
Nguyễn Đình Lộc trong bài : « Hồ chí
minh : Trăm điều phải có thần linh pháp quyền và việc xây dựng hệ thống
pháp luật Việt Nam » :
“Cho đến nay, qua các tư liệu lịch sử có được, có thể
nói, đây là lần đầu tiên trong văn học sử Việt Nam xuất hiện khái niệm “pháp
quyền” và “pháp quyền” ở đây lại được nâng lên thành “thần linh” - một khái
niệm linh thiêng, làm nổi bật ý nghĩa tính chất “pháp quyền”, nổi bật ý nghĩa,
vai trò của pháp luật, của Hiến pháp trong đời sống xã hội.”
Như
vậy từ ngữ « pháp quyền », theo các học giả trên, là của ông Hồ.
Bài
vè lục bát tựa đề « Việt Nam yêu cầu ca », thực ra là bản “phóng tác”
của bản yêu sách 7 điểm viết bằng tiếng Pháp « Revendications du peuple
Annamite – Yêu sách của nhân dân An Nam » (mà các sử gia VN cho là của ông
Hồ), viết năm 1919 nhân dịp Hội nghị các đại cường thắng trận Đệ Nhất thế chiến
tổ chức tại Versaille. Bài vè có câu :
« Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền »
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền »
TS
Nguyễn Sĩ Dũng (bài đã dẫn) nâng « pháp quyền » lên hàng « tư
tưởng »:
“tư
tưởng pháp quyền đã xuất hiện trong các tác phẩm của Bác Hồ. Năm 1919, trong
Bản yêu sách được Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Vecxây, yêu sách thứ 7 là
pháp quyền”.
TS
Nguyễn Đình Lộc nâng “pháp quyền” lên thành « khái niệm ».
Vậy
thì cái « tư tưởng » (và khái niệm về) « pháp quyền » của
ông Hồ là như thế nào ?
TS
Nguyễn Sĩ Dũng (không biết đã tìm đâu trong tư tưởng của ông Hồ) viết ra rằng:
“…pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ
chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của
nhân dân được bảo vệ”
Còn
TS Nguyễn Đình Lộc chưa chứng minh « pháp quyền » là một « Khái
niệm – concept ”, thì đã viết:
“Nguyễn Ái Quốc đã tìm được cách thức bình dân, gần gũi
với mọi tầng lớp nhân dân, để thể hiện một cách thật đặc sắc cái cốt lõi, tinh
túy của một NNPQ: đó là tinh thần thượng tôn pháp luật mà trước hết là thượng
tôn Hiến pháp. Điều này chứng tỏ, ngay từ ngày đó, tinh thần pháp quyền đã trở
thành điều tâm niệm, trăn trở của tư duy sáng tạo Hồ Chí Minh.”
Có
thật vậy hay không ?
Nguyên văn yêu sách số 7,
bản tiếng Pháp :
« 7/
Remplacement du régime des décrets par les régimes des lois. » (Nguồn :
Les décolonisations au XXe siècle: La fin des empires européens et
japonais, Par Pierre Brocheux, Annexe 1.)
Tạm dịch ra tiếng Việt
là : thay thế chế độ pháp lệnh bằng chế độ luật lệ.
Bài vè phỏng lại, thành ra
« Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp
quyền ».
“Xin” ở đây là “xin ai”,
ai xin ? Hiến pháp này là hiến pháp nào?
Bản “yêu sách” gởi Hội
nghị Versaille, nơi các cường quốc thắng trận đang hội họp. Dĩ nhiên là “xin”
lãnh đạo các đại cường thắng trận, trong đó có Pháp quốc. Người xin dĩ nhiên là
ông Hồ (để quí vị TS Nguyễn Sĩ dũng và TS Nguyễn Đình Lộc hài lòng).
VN lúc đó vẫn còn là
“thuộc địa” của Pháp, được Pháp cai trị dưới “chế độ pháp lệnh” (của Bộ Thuộc
địa và quan Toàn quyền), chứ không theo luật lệ (Hiến pháp) của mẫu quốc. Hiến
pháp ở đây phải là hiến pháp của mẫu quốc.
Điều này sẽ rõ rệt nếu ta
xét lại yêu sách thứ 2:
« 2/
Réforme de la justice indochinoise par l’octroi aux Indigènes des mêmes
garanties judiciaires qu’aux Européens, et la suppression complète et
définitive des Tribunaux d’exception qui sont des instruments de terrorisation
et d’oppression contre la partie la plus honnête du peuple
Annamite. »(Nguồn : Les décolonisations au XXe siècle: La fin des
empires européens et japonais, Par Pierre Brocheux, Annexe 1.)
Tạm dịch : cải cách
lại pháp lý Đông dương bằng cách ban bố cho người bản địa được bảo đảm về tư
pháp (tài phán) như là người Châu Âu đồng thời bãi bỏ vĩnh viễn tất cả những
loại Tòa án đặc biệt mà thực chất chỉ là những công cụ khủng bố và đàn áp thành
phần những người An Nam lương thiện nhất.
Chữ « l’octroi »
trong tiếng Pháp có nghĩa là « ban bố, ban phát ».
« Xin » để được
« ban phát » : quyền được bình đẳng về tài phán như người Châu
Âu.
« Bảy xin hiến pháp
ban hành » ở đây có nghĩa là xin hiến pháp của mẫu quốc ban hành những
điều « luật » để bảo đảm « quyền » của người « bản
địa ».
VN lúc đó chưa lấy lại
« độc lập – souveraineté » thì không thể nói « hiến pháp »
trong câu này là « hiến pháp » của nước VN được.
Còn ý nghĩa của
« thần linh pháp quyền » trong câu « trăm điều phải có thần linh
pháp quyền » ?
Trước hết nói về ý nghĩa chữ
« quyền ». Từ yêu sách thứ 2 ta có thể khẳng định rằng chữ quyền ở
đây là quyền của « quyền lợi – right, droit » chứ không phải của
« quyền lực – power, pouvoir ».
Tóm lại, ý nghĩa của
« bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp
quyền » :
Ông Hồ xin xỏ (mẫu quốc)
cải cách nền pháp lý Đông dương, (ban bố hiến pháp), ra các điều luật để bảo
đảm « quyền » của dân bản địa (như là người Châu Âu).
« Pháp
quyền » ở đây phải được hiểu là quyền của (dân bản địa) được (hiến pháp)
bảo đảm bình đẳng (với dân Châu Âu) trước pháp luật.
Không ai phê bình lời yêu
cầu của ông Hồ trên đây là tốt hay xấu. Điều muốn nói là TS Nguyền Đình Lộc và
TS Nguyễn Sĩ Dũng, trong hai bài tiêu biểu dẫn trên, đã diễn giải không phù hợp
với thực tế « khái niệm » và « tư tưởng » ông Hồ về
« pháp quyền ».
TS Nguyễn Đình Lộc viết
trong bài dẫn trên :
“Nguyễn Ái Quốc đòi ban hành Hiếp
pháp. Hiến pháp cũng là luật, nhưng là Luật cơ bản của một nước tạo cơ sở pháp
lý cơ bản cho toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước, và cũng không chỉ cho
nhà nước mà cho cả toàn xã hội, định hình chế định cơ bản quyền con người,
quyền công dân của mỗi thành viên trong xã hội.”
Nguyên
văn viết là « hiếp pháp » chứ không phải « hiến pháp »,
nhưng ai cũng hiểu đó là “hiến” chứ không phải “hiếp”.
Ông
Hồ “đòi ban hành hiến pháp”, mà hiến pháp này là hiến pháp của nhà nước thực dân chứ đâu phải
là hiến pháp của nước Việt Nam ? Xem điều 2 bản yêu sách ta thấy rõ rệt yêu cầu
“cải cách pháp lý Đông dương”, cai trị dân bản địa bằng “luật” chứ không bằng
pháp lệnh.
Giả
sử rằng Tây thực dân “ừ” một cái, thay đổi hiến pháp, cho phép toàn dân Đông
dương được quyền “ngang hàng” với dân Tây mẫu quốc. VN (và Khmer, Lào) đã trở
thành một “lãnh thổ hải ngoại” của Pháp và các dân tộc Đông dương (kể cả VN) đã
có quốc tịch Pháp hết rồi !
Ông
Hồ đã mất từ lâu. Nhân chứng thì mất nhưng chứng tích thì còn.
TS
Nguyễn Đình Lộc khẳng định:
“Như vậy, ý tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh được thể hiện
thật rõ ràng, kiên định.”
Ông
Hồ không hề có ý tưởng “lập hiến” nào cả. Ông chỉ có tinh thần “Pháp Việt đề
huề”, kiên định dưới ánh sáng của bản Yêu sách. Tư tưởng này thật là đậm sâu
phải không ?.
3.
... Đến nhà nước pháp quyền.
3.1
Thế nào là “nhà nước pháp quyền” ?
Chữ
“quyền” ở đây là lấy từ “quyền lực – pouvoir, power” hay “quyền lợi – droit,
right” ? Ngoài ra chữ “quyền” còn có ý nghĩa khác về pháp lý.
TS
Nguyễn Sĩ Dũng trong bài “Nguồn
cội của pháp quyền” viết:
“Vấn đề cốt lõi của pháp quyền là pháp luật về quyền.
Pháp luật phân định và bảo vệ các quyền: quyền của các công dân và quyền của
Nhà nước, quyền của các nhánh quyền lực Nhà nước như lập pháp, hành pháp và tư
pháp.”
“Quyền”
theo TS Nguyễn Sĩ Dũng là “quyền lợi – droit, right”.
Trong
bài dẫn trên, TS Nguyễn sĩ Dũng viết:
“Trong tiếng Pháp khái niệm Nhà nước pháp quyền còn được
thể hiện rõ hơn thành "Nhà nước của quyền".”
Khoan
nói đến việc “Etat de Droit” có thể dịch thành “nhà nước pháp quyền” hay không.
TS Nguyễn Sĩ Dũng đã dịch chữ “droit”, trong “etat de droit”, là “quyền”. Chữ
“droit” trong “Etat de Droit” không thể dịch là “quyền”.
Ông
Cao Huy Thuần trong bài “Nhà nước pháp
quyền” , viết “Etat de Droit” là “nhà nước pháp luật”.
Ông
Cao Huy Thuần dịch như thế là dịch “mot à mot”, chứ không dịch theo ý nghĩa của
khái niệm “Etat de Droit”. Dịch lối này là chỉ nói về phần “xác” chứ không diễn
tả được cái “hồn” trong khái niệm. Mà phần “hồn”, tức ý nghĩa của “Etat de
Droit” là gì mới là điều cần biết.
Nhưng
điều này cho thấy rằng cách dịch của TS Nguyễn Sĩ Dũng là sai.
Chữ
“droit” ở đây là “pháp luật” chứ không phải là “quyền”. Một thí dụ, người ta
dịch “Faculté de Droit” thành “Luật khoa đại học đường”, hay “phân khoa Luật”
(chứ không phải là “Quyền khoa đại học đường” hay “phân khoa Quyền”).
TS
Nguyễn Sĩ Dũng cũng viết:
“Trong tiếng Anh, không có khái niệm "Nhà nước pháp
quyền". Thay vào đó, các nước theo truyền thống Anh - Mỹ chỉ nói đến pháp
quyền mà thôi. Hai từ "Nhà nước" thậm chí không được nhắc tới trong
thuật ngữ này. Chính vì vậy, khi dịch khái niệm "Nhà nước pháp quyền"
của ta sang tiếng Anh, bạn buộc lòng phải biến nó thành một thứ dài lê thê như
sau: "Nhà nước bị điều chỉnh bới pháp quyền". Vấn đề cốt lõi của pháp
quyền là pháp luật về quyền.”
Như
thế khái niệm của TS Nguyẽn Sĩ Dũng về “nhà nước pháp quyền” hoàn toàn khác với
các khái niệm “Rule of Law” hay “Etat de Droit”. Theo nghĩa nguyên thủy, các
khái niệm này nói về “luật”, về sự tương quan (về cai trị) giữa nhà nước và
người dân trong quốc gia như thế nào, chứ không hề nói về “quyền”.
Ý
kiến của ông Cao Huy Thuần trong bài đã dẫn, đã nói về chữ “quyền” trong “pháp
quyền”:
“Trong ngôn ngữ của thế giới, sau Rechtsstaat, Etat de
droit, Rule of Law, Việt Nam có "Nhà nước pháp quyền". Tên gọi thật
hay. Vừa "pháp", nghĩa là luật pháp; vừa "quyền", nghĩa
là... quyền. Chưa biết quyền của ai, nhưng chắc chắn không phải là quyền của
Nhà nước, vì Nhà nước cần gì phải đòi quyền - đòi một cái đã có.”
“Quyền
nghĩa là… quyền” ! Nhưng quyền có đến (ít nhất) ba ý nghĩa khác nhau:
Quyền lợi (droit, right), quyền lực (pouvoir, power) và “quyền” của pháp luật. Quyền
ở đây là “quyền” nào?
Thật
tình : nghe qua thì thật là hay, nhưng rồi không biết đường đâu mà mò !
Ông
Nguyễn Hưng Quốc, trong bài đăng trên VOA,
viết:
“Sự
khác biệt giữa một chế độ dân chủ và một chế độ độc tài không phải ở những cái
có mà ở những cách thức thực thi những cái có ấy. Ví dụ, liên quan đến luật
pháp. Một, ở các nước dân chủ, luật pháp là tối thượng. Không có ai ở trên
và/hoặc ở ngoài luật pháp. Hai, ở các nước độc tài, ngược lại, luật pháp được
sử dụng như một công cụ để hợp thức hóa các hành động độc quyền và trấn áp của
họ: những người hoặc nguyên cả tầng lớp lãnh đạo đều ở trên và/hoặc nằm ngoài
luật pháp. Trường hợp trên được gọi là pháp quyền (rule of law); trường hợp
dưới gọi là pháp trị (rule by law).”
Ở đây
ông Nguyễn Hưng Quốc dịch “rule of law” là pháp quyền, “rule by law” là pháp trị .
Cách
dịch này cũng là cách dịch “mot à mot”, chữ đối chữ, chỉ nói lên phần “xác” mà
không diễn tả được phần “hồn” của khái niệm luật học “Rule of Law”.
Điều
thú vị trong ba trường hợp dẫn trên là không ông nào giảng giải được ý nghĩa
của chữ “Quyền” trong pháp quyền là gì ? Đồng thời ba ông không ông nào đồng ý
với ông nào về cách dịch “Rule of Law”.
Điều
này dễ hiểu. Các học giả VN trong nước đã lấy từ “pháp quyền” của ông Hồ chí
minh sử dụng trong bản “yêu sách 7 điểm”, mục đích xin xỏ (mẫu quốc) cải
cách nền pháp lý Đông dương, (ban bố hiến pháp), ra các điều luật để bảo đảm
« quyền » của dân bản địa (như là người Châu Âu).
TS
Nguyễn Sĩ Dũng diễn giải đúng nội dung chữ “quyền” theo tinh thần “xin xỏ” của
ông Hồ trong bản yêu sách 1919. Nhưng không thể đúng với tinh thần của “Rule of
Law” hay “Etat de Droit” ở các mô hình xây dựng nhà nước ở các xứ Ây, Mỹ được.
Ông
Cao Huy Thuần chỉ nói “quyền là… quyền”.
Ông
Nguyễn Hưng Quốc không nói “quyền” là gì mà chỉ dịch theo lối ”coup par coup”,
“rule by law” thành pháp trị.
Vấn
đề là nhà nước nào lại không cai trị (dân chúng) bằng pháp luật ?
Ngay
từ cuốn “kinh thánh” về Luật của Anh (Rule of Law) cũng viết :
“Englishmen are ruled by the law, and by the
law alone; a man may with us be punished for a breach of law, but he can be
punished for nothing else. (Dicey,Introduction
to the Study of the Law of the Constitution, 202)”
Tạm
dịch: mọi người bị cai trị bằng pháp luật, và chỉ bằng pháp luật mà thôi. Một
người có thể bị (chúng ta) trừng phạt vì hành vi vi phạm luật pháp, nhưng không
thể trừng phạt hắn vì lý do bất kỳ khác.
Tức
là, tự thân “Rule of Law” cũng đã hàm ý nghĩa “cai trị” bằng pháp luật rồi. Vấn
đề là quan hệ giữa người cầm quyền (đại diện chức năng nhà nước) với “pháp
luật” là như thế nào ?
Vì
vậy muốn dịch các khái niệm “Rule of Law” hay “Etat de Droit” thế nào cho chính
xác, hợp lý thì ta tìm xem những nhà làm luật các xứ đó đã hiểu các khái niệm
này như thế nào ?
Thí
dụ lấy từ văn bản của Nghị viện Châu âu. Ở đây sử dụng hai ngôn ngữ chính : Anh
và Pháp. Nền tảng pháp luật ở đây cũng chia sẻ hai khái niệm “Rule of Law” và
“Etat de Droit”.
«
Rule of Law » trong tiếng Anh được đối chiếu sang tiếng Pháp là « prééminence
du droit ». Nghĩa tiếng Việt là « sự ưu việt của luật
pháp ». (Tuy vậy, tiếng Pháp khu vực Canada thì dịch là « primauté du droit »,
tức là « sự ưu đẳng của luật pháp »). Ý nghĩa của hai cách dịch như vậy là
tương đương với nhau.
Nghị viện cũng nhìn nhận
rằng hai khái niệm « Rule of Law » và « Etat de droit » được sử dụng trên các
văn bản của các nước (trong cộng đồng) có sự tương đương với nhau.
Thuật ngữ « Etat de droit
» trong tiếng Pháp, được xem là dịch từ Rechtsstaat của tiếng Đức, thì được hiểu
« État fondé sur (le respect de) la loi ». Nghĩa tiếng Việt « quốc gia thiết
lập trên nền tảng tôn trọng luật lệ ».
Trong bài viết trước đây
tôi đã trình bày về các cách dịch các thuật ngữ trên của các bên miền Nam, miền
Bắc và TQ. Bài viết ở
đây.
Tại miền Nam trước 1975,
thuật ngữ « pháp quyền » được dịch từ « juridiction ». Các
tự điển Pháp-Hoa trong cùng thời kỳ cũng đều dịch tương tự.
Còn « Etat de
Droit » được dịch là « nhà nước pháp trị ». Trung Quốc hiện nay
cũng dịch như vậy.
Tuy nhiên, nếu xét về ý
nghĩa, dĩ nhiên « Etat de droit », « Quốc gia thiết lập trên nền tảng
tôn trọng luật lệ », gọi là « pháp trị » thì thiếu hẵn ý nghĩa. Nhưng
chắc chắn không thể dịch là « pháp quyền ». Không hề có bóng dáng chữ
« quyền » (quyền lực, quyền lợi) nào trong khái niệm này để mà dịch
như vậy.
Để dễ hiểu, theo tôi, ta
có thể dịch là « nhà nước trọng pháp ».
Về khái niệm « Rule of Law
», tức « préeminent de droit - sự ưu việt của pháp luật ». Quốc gia xây dựng
lên nền tảng này thì cũng là « quốc gia thiết lập trên nền tảng tôn trọng luật
lệ ». Dịch thành « pháp quyền » như ông Nguyễn Hưng Quốc rõ là không
ổn. Vì ở đây nói về luật pháp và sự cai trị mà không hề nói đền « quyền
lực » hay « quyền lợi ».
Theo tôi, để dễ hiểu, cũng
có thể dịch là « trọng pháp ». Nhà nước xây dựng trên nguyên tắc đó là nhà nước
trọng pháp.
3.2 Vì nhu cầu hội nhập với thế giới (vào WTO), VN cần phải cải tổ hệ thống luật XHCN (luật
rừng) sao cho phù hợp với luật lệ phổ cập của thế giới. Từ ngữ « pháp
quyền » của ông Hồ sử dụng từ năm 1923 được Đại hội đảng VII sử dụng lại.
Vấn
đề là Hội nghị này yêu cầu Quốc hội « nghiên cứu » để xây dựng
« nhà nước pháp quyền ».
Từ
đó, các « học giả » VN cố gắng đưa những khái niệm phổ cập của thế
giới về nhà nước trọng pháp (nhà nước pháp trị) - Rule of Law của Anh, Mỹ, hay
Etat de Droit của các nước Châu Âu – vào từ ngữ « pháp quyền ».
Đào sâu vào ý nghĩa thuật
ngữ luật học, Etat de Droit hay Rule of Law, đều gắn liền với
« souveraineté – chủ quyền, quyền lực chủ tế ». Vấn đề là
« quyền chủ tể » này thuộc về ai ? (Theo Anh, Mỹ, quyền chủ tế
thuộc về Quốc hội ; theo Pháp thì thuộc về toàn dân).
« Pháp quyền »
là một đặc ngữ, sinh ra từ một yêu sách (của người bản địa) lên quyền lực chủ
tể (mẫu quốc Pháp), xin được bình đẳng với dân Châu Âu về pháp lý.
Nhiều bài viết (như các
bài đã dẫn) của các học giả VN, cố gắng xây dựng khái niệm về “nhà nước
pháp quyền”, tất cả đều không thuyết phục.
Đó là việc làm đưa hồn
Trương Ba vào xác anh hàng thịt.
Sai
lầm từ cái cơ bản thì không có gì tồn tại. Có hai thái độ: 1/ cãi lý đến chết,
cùng lắm thì xem đó là “biệt lệ văn hóa VN”. 2/ Phải xây dựng lại từ cái cơ bản
nhất.
Xem
ra “biệt lệ văn hóa”, văn hóa pháp quyền cũng như văn hóa
thịt chó, ai nói thì nói, xơi thì ta cứ xơi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.