jeudi 13 novembre 2014

Nói về chiến tranh - « Chiến tranh bình thường » hay « chiến tranh không bình thường » ?


LTG : Viết nhân dịp có thảo luận với dịch giả Nguyễn Việt Long – người dịch cuốn « Điệp viên Z. 21 - kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ » (nguyên tác : « The Spy Who Loved Us » của Thomas A. Bass) về cách dịch thuật từ « conventional war ». Ông Long dịch thuật từ này thành « chiến tranh thông thường ».  
**********

Nói về chiến tranh, không có thí dụ nào điển hình hơn Việt Nam. Việt Nam là hai tiếng nói cụ thể khi nhắc đến « chiến tranh ». Bài viết này vì thế sẽ dựa (phần nhiều) vào các trường hợp Việt Nam để nói về « chiến tranh ».

Chiến tranh là cuộc giao tranh bằng vũ khí giữa hai quốc gia. Chiến tranh mở đầu bằng một « tuyên bố chiến tranh », thông thường dưới dạng một « tối hậu thư », và kết thúc (cũng thông thường) bằng một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa hai bên. Trường hợp có bên thắng bên bại, thỏa thuận kết thúc chiến tranh là văn bản « đầu hàng ». Trường hợp Nhật và Mỹ trong Thế chiến II, Nhật ra « Tuyên bố chiến tranh » với Mỹ cùng lúc với trận Trân Châu cảng, theo kiểu « miệng nói là tay tới ». Chiến tranh hai bên kết thúc bằng « Tuyên bố đầu hàng » của Nhật hoàng. Văn bản này được ký kết giữa đại diện Nhật hoàng và đại diện các bên thắng trận trên chiến hạm Missouri của Mỹ đậu trong Vịnh Tokyo ngày 2-9-1945.

Trường hợp hai bên bất phân thắng bại, (nhưng bên nào thấy cũng oải quá), thường ký kết văn bản gọi là « đình chiến ». Hai miền Nam, Bắc Hàn, thỏa ước gọi là « đình chiến » 1953, hai bên ngưng bắn, làn ranh vĩ tuyến 38° bắc là « giới tuyến quân sự tạm thời », phân chia vùng ảnh hưởng của hai bên. Cuộc « ngưng bắn tạm thời » này dầu vậy kéo dài cho đến hôm nay. Tức là, trên lý thuyết, hai bên vẫn còn trong « tình trạng chiến tranh ».

Cuộc chiến Việt Nam, hiệp định Genève 1954 cũng « lấy hứng » từ ký ước đình chiến Cao Ly 1953, với đường ranh quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17).

Hiệp định Paris 1973 mục đích chấm dứt chiến tranh VN, Mỹ nhìn nhận các bên tham chiến ở VN, nhìn nhận VN là một quốc gia duy nhất, độc lập, có chủ quyền.

[Sau khi ký, sự có mặt của Mỹ ở VN trở nên « bất hợp pháp ». Vì theo nguyên tắc của Hiến chương LHQ : một quốc gia không được can thiệp vào nội bộ của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Vì vậy Hiệp định Paris 1973 là một cái cớ, một « phương tiện » để « đồng minh tháo chạy » trong « danh dự ». Sau 1973, những gì xảy ra ở VN là chuyện « nội bộ » của VN. Trên phương diện công pháp quốc tế, không quốc gia nào có thẩm quyền để can thiệp, dĩ nhiên kể cả Mỹ. (Có người vì muốn ca tụng Lê Duẩn, cho rằng ông có trí tuệ siêu phàm, đoán trước việc Mỹ sẽ không trở lại khi miền Bắc dùng toàn lực đánh miền Nam, theo lối : « có cho kẹo Mỹ cũng không dám trở lại ». Chưa thấy ai dám bàn lại về lối nói phóng đại có tổ chức này).]

Chiến tranh (dĩ nhiên giữa hai quốc gia), ngoài dạng vũ lực, còn có thể xảy ra ở nhiều dạng khác, như « chiến tranh kinh tế », « chiến tranh tuyên truyền »… mục đích làm suy yếu đối thủ.

Trong Chiến tranh VN, Mỹ « cấm vận » VN từ 1975 (miền Bắc thì bị cấm vận từ thập niên 50), một cách nói khác của « chiến tranh kinh tế », liệt VN vào loại « quốc gia thù nghịch ». Việc cấm vận, về kinh tế, chỉ được tháo gỡ sau khi hai bên bình thường ngoại giao 1995. Về quân sự đến nay vẫn chưa tháo gỡ toàn diện.

Về « chiến tranh tuyên truyền », miền Bắc thắng lớn vì đã mở được các mặt trận tuyên truyền trên khắp thế giới, nhất là ở Sài Gòn. Dân chúng Hoa Kỳ và các nước Châu Âu chống chiến tranh VN, chống Mỹ hăng hái không kém gì dân VN « toàn dân chống Mỹ ». Người ta nói CSVN thắng trận trước hết tại Paris và Washington, sau đó tại chiến trường. Ở miền Nam, phong trào nhạc « phản chiến » phát triển mạnh. Những người « cầm viết », nhà báo than van viết không đủ sống, xuống đường « ký giả ăn mày ». Ni cô, thầy chùa, cha giòng… phản đối đàn áp tôn giáo, đồng loạt đem bàn thờ ra ngoài đường biểu tình đòi tự do tín ngưỡng. Sinh viên, học sinh cũng không kém phần mạnh bạo, biểu tình, bãi khóa triền miên (mà không biết để làm gì ?). Cùng lúc với bất an xã hội, các loại ma túy (và dĩ nhiên đĩ điếm) cũng tràn lan. « Nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng », là bốn « giai cấp » trong « thuợng tầng kiến trúc » của miền Nam. Thời chiến mà Miền Nam « chơi ngon », tự do hơn VN hiện nay. Không sụp đổ mới là điều ngạc nhiên.

(Cũng nên mở dấu ngoặc nói về « chiến tranh tuyên truyền » hiện nay giữa nhà cầm quyền CSVN trong nước và khối dân tị nạn. Theo tôi, những người chống cộng hải ngoại sẽ thua và tiếp tục thua te tua, nếu vẫn tiếp tục xem việc phất được lá cờ vàng như là một chiến thắng. Nhà cầm quyền VN thả ông Điếu Cày, đồng thời bấm nút mở cuộc chiến « phất cờ ». Bây giờ nói về ông Điếu cày là mọi người nhao nhao nói về « cờ vàng, cờ đỏ » chứ không còn ai nói về nhân quyền, dân chủ v.v… Ông Điếu Cày có nói về dân chủ, về nhân quyền thì ổng nói ổng nghe, cờ vàng, cờ đỏ đồng bào ta hai bên cùng phất. Phải nhìn nhận, về nghệ thuật tuyên truyền thì CSVN là bậc thầy thiên hạ).

Chiến tranh nào cũng có cái tên gọi của nó. Dưới những quan điểm về ý thức hệ, về học thuật… người ta có cái nhìn khác nhau về chiến tranh. Nhưng tuyệt nhiên không có học thuyết quốc tế, quan điểm chính trị hay triết học nào gọi tên « chiến tranh » là « chiến tranh thông thường » hay « chiến tranh không thông thường ».

Chiến tranh VN được gọi dưới nhiều tên khác nhau, tùy quan điểm chính trị, quan điểm ý thức hệ cũng như hoàn cảnh pháp lý của các bên lâm chiến.

Trên quan điểm dân tộc, phía miền Bắc gọi đó là cuộc « chiến tranh giải phóng », « đánh Mỹ cứu nước ». Trên quan điểm ý thức hệ, « đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc », miền Bắc là con cờ tiên phong của thế giới vô sản. Sau 1975, VN trở thành tên xung kích sừng sỏ của Liên Xô. Theo quan điểm của Trung Quốc, VN trở thành « Cuba của phương Đông ».

Phía miền Nam thì gọi đó là cuộc chiến bảo vệ tự do. Ngay cái mục tiêu cho thấy sự thất bại đã kết tinh từ lúc đầu. Trên phương diện « dân tộc », VN là một quốc gia duy nhất (độc lập có chủ quyền), chủ trương « bảo vệ tự do » đi ngược lại tinh thần Hiệp định Genève 1954. Trên phương diện luật lệ quốc tế, không một quốc gia nào có thể giúp bất kỳ một « quốc gia » khác vì lý do « bảo vệ tự do ». Hơn nữa miền Nam chưa phải là một « quốc gia » (hay mới chỉ là một quốc gia chưa hoàn tất – Etat partiel). Lãnh đạo miền Nam bất tài, không có viễn kiến. Sau khi lật đổ ông Diệm, họ đã để cho quân Mỹ vào VN mà không thông qua một kết ước về an ninh có hiệu lực ràng buộc. Sự ngu xuẩn lên cao độ khi ký kết Hiệp định Paris 1973 mà không có một kết ước (về an ninh hỗ tương) với Mỹ để phòng thân. Sài Gòn sụp đổ 1975 là điều phải đến, chỉ sớm hay muộn.

Phía Mỹ, vì là trụ cột của LHQ, là thành phần chủ chốt của nhiều công ước quốc tế liên quan đến chiến tranh và hòa bình, việc tham gia của Mỹ vào chiến tranh VN do đó cần phải « phù hợp » với công pháp quốc tế. Người Mỹ cố gắng xây dựng miền Nam thành một quốc gia : Nam Việt Nam (South Vietnam), để việc can dự của quân Mỹ được phù hợp với luật lệ quốc tế (trên hai phương diện jus ad bellum và jus in bello). Nhưng hành vi này trước hết đã vi phạm luật quốc tế : Hiệp định Genève xác định VN là một quốc gia duy nhất, thống nhất ba miền. Cho dầu Mỹ không ký, việc này không cấm cản được hiệp định Genève 1954 là một kết ước quốc tế, có giá trị ràng buộc. Mỹ can thiệp vào VN dưới danh nghĩa « cộng đồng tự vệ chính đáng – défense légitime collective ». Sự có mặt của quân vũ trang miền Bắc được Mỹ gọi là « gây hấn bằng vũ lực ». Cuộc chiến này được Mỹ gọi là « Chiến tranh VN ».

Trên quan điểm quốc tế, một số học giả gọi chiến tranh VN là một cuộc « chiến tranh Ý thức hệ », mang tính « quốc tế ». Phía miền Bắc được khối cộng sản yễm trợ, phía miền Nam được khối tư bản, do Hoa Kỳ đại diện chống lưng. Chiến tranh VN là thí điểm nóng của « chiến tranh lạnh ».

Cuộc chiến VN còn được quốc tế gọi dưới tên khác là « chiến tranh ủy nhiệm ». Một lãnh đạo VN có nói : « đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc ». Cũng như ông Thiệu đã từng nói đại khái : « viện trợ tới đâu giữ tới đó ». Rõ ràng là lời nói của những tên lính đánh thuê. Trong chiến tranh, miền Bắc được phe XHCN giúp từ « a đến z », thực phẩm, thuốc men, cây súng, viên đạn, xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn… cho đến nhân sự (như chuyên gia kỹ thuật), phần lớn từ Liên Xô, Trung Quốc. Miền Nam thì súng đạn, tiền bạc của Hoa Kỳ. Cả hai phía VN chỉ cung cấp xương và máu cho cuộc chiến. 

« Chiến tranh ủy nhiệm » cũng được nhiều học giả quốc tế ám chỉ cho cuộc chiến Việt Nam – Kampuchia năm 1978. VN được sự « ủy nhiệm » của LX, còn Khmer đỏ được « ủy nhiệm » của TQ. Kết quả cuộc so găng của hai bên (LX và TQ), bên TQ thắng. Kết quả Hội nghị Thành Đô 1990, lãnh đạo VN phải đi chầu lãnh đạo TQ, chịu mọi điều kiện của họ đặt ra (về vấn đề Kampuchia cũng như về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền hải đảo, khoanh vùng tranh chấp hải phận… giữa hai nước VN và TQ) là một chứng minh.

Cuộc chiến 1979 giữa VN và TQ, phía VN gọi là « cuộc chiến chống xâm lược », phía TQ gọi là « cuộc chiến phản công tự vệ ». Các học giả quốc tế gọi là « chiến tranh biên giới », vì địa bàn xảy ra ở biên giới và mục tiêu của chiến tranh cũng để giải quyết các vấn đề biên giới.

Thời phong kiến tại Châu Âu còn có chiến tranh gọi là « chiến tranh tư – la guerre privée », xảy ra do sự tranh chấp (quyền lợi và quyền lực) giữa các lãnh chúa, hay giữa thế lực thần quyền và các lãnh chúa.

Trên quan điểm triết học, « chiến tranh » được định nghĩa qua nhiều luồn tư tưởng khác nhau.

Machiavel cho rằng chiến tranh là một « phương tiện » để chinh phục và chiếm hữu quyền lực.

J.J. Rousseau trong « Le Contrat Social » cho rằng chiến tranh là « phương tiện » để đánh đổ một quốc gia (Etat – nhà nước), con người chỉ là « công cụ » : « chiến tranh không phải là quan hệ giữa người với người mà là quan hệ giữa quốc gia với quốc gia. Trong (quan hệ này) những kẻ tham gia trở thành kẻ thù một cách bất đắc dĩ. Họ tham gia không phải với tư cách là con người, cũng không phải với tư cách là nhân dân, mà với tư cách « người lính. Họ tham gia (chiến tranh) không phải vì họ là một thành phần của tổ quốc mà để bảo vệ tổ quốc. 

Một cách sống sượng hơn, Alembert (trong Essai sur les éléments de philosophie) cho rằng « nghệ thuật chiến tranh nhằm tiêu diệt con người cũng như nghệ thuật chính trị nhằm lường gạt con người ».

Clausewitz thì cho rằng chiến tranh chỉ là chính trị nối dài bằng một phương tiện khác. Theo ông này, chiến tranh không phải là một « khoa học », cũng không phải là « nghệ thuật », nó chỉ là một « lãnh vực của sự hiện hữu xã hội ». Chiến tranh (xương máu) là phương tiện nhằm giải quyết một tranh chấp (có quyền lợi lớn lao), có thể so sánh với thuơng mãi, cũng là một hình thức tranh chấp quyền lợi.

Còn quan điểm của Hegel, chiến tranh không chỉ nhằm chinh phục và chiếm hữu quyền lực mà còn là phương tiện để giữ sự đoàn kết xã hội. Trong khi quan điểm của Mác xít, qua các lý thuyết của Lenin và Mao Trạch Đông, đưa ra các khái niệm về « chiến tranh chính đáng » và « chiến tranh không chính đáng ». Theo tư tưởng này, tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng là chiến tranh chính đáng, chiến tranh phản động là chiến tranh không chính đáng. Tư tưởng này cho rằng chiến tranh liên tục do sự bùng nổ về phát triển kinh tế và đấu tranh giai cấp. Chiến tranh chấm dứt, khi giai cấp không còn và dĩ nhiên quốc gia cũng bị xóa. Lúc đó « nền hòa bình vĩnh cữu » sẽ đến cùng nhân loại.

Trên phương diện công pháp quốc tế, người ta cố gắng áp đặt những « luật lệ về chiến tranh » cho các phe lâm chiến, như các Công ước ký tại La Haye 1899 và 1907. Do hệ quả tàn khốc của việc sử dụng các loại vũ khí hóa và sinh học trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, công ước Genève 1925 được ký kết, nội dung cấm (các quốc gia thành viên công ứơc) sử dụng các loại vũ khí hơi ngạt, vi trùng hay hóa chất. Công ước Genève 1929 (và 1949) được ký kết thêm nhằm bảo vệ thuơng bệnh binh, cách đối xử với tù bình v.v…. Chiến tranh xảy ra trong khuôn khổ các công ước còn gọi là « chiến tranh qui ước – conventional war - guerre conventionnelle ».

Chiến tranh qui ước được định nghĩa như là cuộc chiến giữa hai lực lượng thù nghịch với cam kết không xâm phạm đến sinh mạng của những người không lâm chiến.  

Cuộc chiến VN không phải là « chiến tranh qui ước », ít nhất cho phía miền Bắc. Phe này sử dụng mọi phương tiện, từ chiến tranh du kích, chiến tranh tuyên truyền cho đến chiến tranh khủng bố… tất cả những gì có thể làm suy yếu định thủ là thực hiện. Vì vậy mới có câu « những gì có lợi cho cách mạng là đạo đức ». Các cuộc pháo kích bừa bãi vào trường học, gài mình xe đò, các cuộc ám sát, ném lựu đạn vào chốn đông người, hay cuộc chiến Tết Mậu thân… đều vi phạm nội dung các công ước về chiến tranh.

Không thấy ở đâu sử dụng cụm từ có ý nghĩa tương đương « chiến tranh thông thường ».

Chiến tranh thế nào là « thông thường » và thế nào là « không thông thường » ? Chiến tranh nào lại không tàn phá, không gây đổ máu, không làm tổn hao tài lực của nhân dân và đất nước ?. Chiến tranh nào lại không đáng ghê tởm ?

Có đổ máu, có tàn phá, có hao tổn… là chuyện « thông thường » hay là chuyện « không thông thường » ?

Nội hàm của chiến tranh « thông thường » (hay không thông thường) không thể xác định được. Làm thế nào để lấy một cái không xác định được nội hàm để chỉ cho một cái đã xác định được nội hàm (conventional war) ?

Người ta không thể phiên dịch ra tiếng Việt « conventional war – guerre conventionnelle » là « chiến tranh thông thường ».

Người ta dịch « conventional war – guerre conventionnelle » là « chiến tranh qui ước ».

Có thể VN chưa bao giờ làm một cuộc chiến tranh theo « qui ước ». Thật vậy, các lãnh đạo VN trong thời chiến tranh, từ ông Giáp, ông Duẩn, ông Thọ v.v… đến cuối đời cũng không dám rời một bước khỏi VN (để sang du lịch các xứ Tây phương). Bởi vì, trước luật pháp quốc tế, họ là những người vi phạm luật quốc tế về chiến tranh (như các tội đối xử tệ hại với tù nhân chiến tranh, giết chóc người vô tội – còn gọi là tội phạm chiến tranh). 

Có thể tác giả đã dịch như vậy vì ảnh hưởng quan niệm của Lenin và Mao về chiến tranh : chiến tranh chính đáng và chiến tranh không chính đáng. Từ sự « chính đáng » cho đến cái gọi là « thông thường » là rất xa. Từ lãnh vực triết học (tư tưởng Lê Nin và Mao Trạch Đông) sang đến lãnh vực công pháp quốc tế lại còn xa xôi hơn diệu vợi. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.