Hôm qua có người viết chúc mừng sinh nhựt, gọi tôi là
"cây bút thâm niên". Nghĩ cũng vui. Tử vi của mình chắc có sao
"phong cáo" giữ mạng, nên "khi không" được mang nhiều
"chức danh", theo kiểu trên trời rớt xuống. "Cây bút thâm
niên" là cái "danh" mới được tặng, mặc dầu tôi chưa bao giờ
(được hãnh diện) cộng tác với tờ báo nào.
Tương tự, tôi có bằng tiến sĩ bao giờ đâu mà cũng có nhiều
người gọi tôi là "Tiến Sĩ". Lại có người gọi tôi là "học
giả", là "nhà nghiên cứu" nọ kia. Lâu lâu còn có người gọi mình
là "giáo sư". Nhiều khi đọc (hay nghe) tới chỗ này trong bụng cũng
thấy hơi "sượng" một chút (sượng chớ không phải sướng nghe bà con).
Gò má thấy hơi nóng, chắc là máu mắc cở đang chảy rần rần trong đó.
Tiến sĩ, giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu... đâu phải là cái
bánh, cục kẹo mà gọi dễ dàng như vậy ?
Thì nhân ngày sinh nhựt 6 bó mình thử mổ xẻ hiện tượng
"phong cáo" này cho vui (nhấn mạnh: "phong cáo" chớ không
phải "phong thần" nghe bà con. Mặc dầu cầm viết lăn lóc tới 6 bó thì
"võ lâm phong thần bảng" sắp ghi danh rồi!).
Nguyên nhân do đâu ?
Do "hên", theo lối "chó ngáp nhằm ruồi"
?
Mới đây nhứt, bài tôi viết ngày 28-7-2015 về tranh chấp biên
giới giữa Campuchia và VN.
Đúng là "chó ngáp nhằm ruồi", báo chí đang tải một
tấm hình trong đó các học giả, chính trị gia... Campuchia đang hội thảo về vấn
đề VN lấn đất. Hên là một chi tiết trong tấm hình đó đã quá quen thuộc với
mình. Chỉ nhìn lên đó tôi biết được khu vực tranh chấp là ở đâu, trên tấm bản
đồ nào, ai lấn đất của ai, diện tích tranh chấp là bao nhiêu cây số vuông...
Bài viết còn ở
đây.
Rõ ràng là sự hiểu biết của mình ở đây, là nhờ
"hên", nhờ "trúng tủ", chớ không phải vì mình là "nhà
nghiên cứu" hay "học giả" cái khỉ khô gì !
Cũng vậy, một thí dụ khác để chứng minh cái "hên"
bẩm sinh.
Khi đọc bài viết của hai vị học giả gạo cội của VN, một là
GS Tạ Văn Tài, nghe nói là giáo sư luật ở trường đại học nào đó ở bên Mỹ. Hai
là ông Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nghe nói là chuyên gia nghiên cứu ở một cơ quan
thuộc LHQ. Bài viết hai vị học giả giải thích nội dung Công ước của LHQ về Kế
tục Quốc gia. Đây là một vấn đề chuyên môn về luật quốc tế.
Bài viết của tôi ở
đây.
Rõ ràng là nhờ "hên", kiểu "chó ngáp nhằm
ruồi", kiến thức trên trời rớt xuống, nên tôi thấy ngay cái sai của hai vị
học giả và phản biện lại.
Thí dụ khác. Có lẽ tôi là người duy nhứt đặt cược "ngựa
về ngược", từ tháng 5 năm ngoái, rằng ông Trọng sẽ ngồi lại vị trí TBT.
Rốt cục, nhờ "hên", ngựa tôi (tuy già) nhưng (còn
gân) về trước.
Sau vụ này tôi có ra "tuyên bố" rằng sau này về
hưu tôi sẽ mở văn phòng bói toán. Văn phòng lấy tên "Lốc cốc tiên
sinh", bói không trúng không lấy tiền.
Mà không phải tôi chỉ "hên" có bấy nhiêu.
Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước... trong nước ồn ào
vọng ra hải ngoại: "CSVN bán đất nhượng biển" cho Tàu.
Thời đó, nhiều giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu... trong và
ngoài nước, đua nhau lên tiếng về vấn đề lãnh thổ, biên giới, biển đảo... Nhiều
bài viết về ải Nam Quan, về thác Bản Giốc, về Hoàng Sa, Trường Sa... được xuất
hiện trên báo chí. Với những bằng chứng rành rành, lấy từ kho tư liệu (vĩ đại)
của Việt Nam: Phương đình Địa dư chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến văn tiểu
lục...
Vấn đề là không có bài viết nào xác định được cột mốc ở Nam
Quan được cắm ở đâu? Thác Bản Giốc nằm ở đâu (trên vùng biên giới).
Cũng nhờ "hên", khi vào văn khố của Pháp để lục
lọi, tôi tìm ra trúng phóc tài liệu về biên giới VN và TQ theo các công ước
Pháp Thanh 1887-1895.
Nhờ cái hên "chó ngáp nhằm ruồi", dữ liệu từ trên
trời rớt xuống, tôi mới "giải mã" được vị trí thực sự của cột mốc
phân giới vùng Nam Quan là ở đâu, thác Bản Giốc nằm ở đâu.
Dĩ nhiên, trong nước có người nắm vững việc này, như những
người phụ trách việc phân định biên giới. Nhưng không phải "chuyên
gia" nói là "thánh phán", là đúng.
Bài viết ở
đây tôi phản biện các ý kiến của Tiến sĩ Trần Công Trục.
Về vấn đề biên giới, Giải Âm Sơn và Lão Sơn, một nhóm
"nhà nghiên cứu" gồm nhiều tiến sĩ, giáo sư v.v... đã công bố trước
công chúng một "công trình nghiên cứu đồ sộ". Công trình này nghiên
cứu bằng "dụng cụ" "Terra Go" (mà không ghi nguồn), trên
những tấm bản đồ có sẵn. Vấn đề là "công trình" này có nhiều điểm sai
"cố ý". Điển hình ở khu vực Lão Sơn và Giải Âm Sơn.
Bài viết của tôi ở
đây (nhằm thiết lập lại sự thật chớ không nhằm phản biện).
và ở đây.
Tài liệu của tôi (từ văn khố Pháp, trên trời rớt xuống),
thấy làm sao tôi trình bày y như vậy.
Còn về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều "học
giả" VN đã sử dụng "công pháp quốc tế", giải thích
"luật", nhưng mục đích sao cho lãnh đạo hài lòng, dân chúng nghe
sướng tai, chớ không nhằm thiết lập một hồ sơ pháp lý.
Vì "hên" bẩm sinh, "luật quốc tế" từng
cuốn chạy một hơi vồ đầu, nên tôi thấy những lý lẽ của các học giả VN là
"có vấn đề". Một bài
viết tiêu biểu của tôi phản biện các ý kiến của học giả VN.
Và đặc biệt, nhờ "hên", tôi cũng tìm ra được
phương pháp hóa giải các văn kiện của VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS
và TS, như bài viết ở
đây.
Nếu nói ra hết những cái "hên", "chó ngáp nhằm
ruồi" mà tôi có được, có lẽ phải viết rất dài.
Túm lại, gọi tôi là "cây viết thâm niên" thì cũng
đúng thôi. Vấn đề là tôi không có cộng tác với báo chí nào hết cả. Trong nước
thì khỏi nói, mà hải ngoại cũng vậy.
Người ta thích đăng những bài mà tác giả phải là "giáo
sư", "tiến sĩ", học giả... tệ lắm thì cũng "thạc sĩ"
nọ kia... Tôi thì trơ cùi bắp, không có gì cả.
Vấn đề là tôi có khả năng sửa lưng giáo sư, tiến sĩ, chuyên
gia... ngay ở lãnh vực chuyên môn của họ.
Thí dụ về vấn đề biên giới. Tôi cho rằng kiến thức của tôi
không hơn được những nhà chuyên môn, những người đã từng phụ trách vấn đề phân
định biên giới trong nước. Nhưng để đạt được "tầm cỡ" của họ tôi phải
nỗ lực gấp hai, ba lần.
Các chuyên gia trong nước, hồ sơ biên giới thế nào đã có sẵn,
họ chỉ mở ra và đọc.
Còn tôi, hồ sơ biên giới thì "từ văn khố Pháp trên trời
rớt xuống", mặc dầu do "chó ngáp nhằm ruồi", nhưng tài liệu lộn
xộn, hàng đống. Vì vậy, do "hên", nên tôi phải đọc, phải sắp đặt lại.
Vấn đề Biển Đông cũng vậy. Chỉ là "tay ngang"
nhưng tôi phản biện, vạch ra từng cái sai (cơ bản) của các chuyên gia Biển
Đông, của luật sư, tiến sĩ, giáo sư...
Nhưng báo chí ít khi đăng các bài viết của tôi lắm.
Báo chí hải ngoại, cũng như trong nước, họ làm là có mục
đích.
Trong nước thì khỏi nói. Ở hải ngoại, nếu không vì động lực
thương mãi, thì phía sau mỗi tờ báo là một tổ chức chính trị. Vì vậy, báo chí
này chỉ đăng tải bài của "gà nhà".
Tôi viết, đến nay
tuổi đã 6 bó, chỉ vì một mục đích thiết lập "sự thật" và một cứu cánh
"một đất nước Việt Nam tốt đẹp". Tôi không cần báo chí đăng bài của
tôi. Tôi cám ơn internet, cám ơn facebook, blogger... đã cho tôi phương tiện để
bà con đọc bài viết của tôi.
Tôi cám ơn mọi
người đọc bài viết của tôi.
Tôi trân trọng cám
ơn những người chúc mừng sinh nhựt của tôi.
Gọi tôi là
thế này, thế kia, tôi rất cám ơn, nhưng thật tình không dám nhận. Tôi là một
người Việt Nam bình thường, kiến thức trung bình với có lối suy nghĩ hết sức
bình thường. Tôi viết như "máu chảy về tim", như con chim hót chào
mừng buổi sáng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.