mardi 14 avril 2020

Sự kiện mới ở Biển Đông.

Sự kiện mới ở biển Đông.

Hôm nay 14 tháng tư, trang nhà của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ thấy đăng hai công hàm mới của VN. Cả hai cùng đề ngày 10 tháng tư 2020.

Như vậy VN gởi tất cả 3 công hàm trong vòng 10 ngày.

Công hàm số một là công hàm ký ngày 30 tháng ba 2020, mục đích : 1/ phản biện các yêu sách của TQ vì các yêu sách này vi phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, 2/ khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS và 3/ khẳng định Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhứt, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Công hàm số 2 ký ngày 10 tháng tư 2020, mục đích "đáp lời" công hàm của Mã lai ngày 12 tháng 12 năm 2019, liên quan đến “hồ sơ thềm lục địa mở rộng” của Mã lai nộp Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Lập trường của VN theo công hàm này là nhắc lại điều 76(10) của Luật Biển 1982. Theo đó hoạt động của Ủy ban không làm "phương hại" (préjure) đến việc phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai quốc gia đối diện hay liền kề.

Điều quan trọng trong công hàm này là "lời bảo lưu" của VN: "quyền đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải tại các khu vực khác ở Biển Đông".

Tức là trong thời gian tới VN sẽ đệ trình "hồ sơ thềm lục địa mở rộng khu vực miền Trung".

Nhắc lại Hồ sơ vùng thềm lục địa phía Bắc của VN nộp ngày 7 tháng năm 2009. Hồ sơ vùng phía Nam, cộng tác chung với Mã lai, nộp ngày 6 tháng năm 2009. Cả hai hồ sơ này của VN đều bị TQ phản đối.

Công hàm số 3 ký ngày 10 tháng tư 2020, mục đích "phản biện" lập trường của Phi qua công hàm 6 tháng ba 2020 tuyên bố Kalayaan (tức Trường sa của VN) thuộc chủ quyền của nước này.

Nội dung công hàm: "Việt Nam khẳng định chủ quyền HS và TS có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".

Theo tôi, nhìn chung VN đang "tranh đấu" với TQ ở hai mặt:

Về pháp lý. Có lẽ VN đang thông qua Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ, với hai dụng cụ : Luật Biển 1982 và Phán quyết PCA 14-7-2016. Mục đích "hóa giải" các yêu sách ngang ngược của TQ ở Biển Đông. 

Sắp tới VN sẽ "bước thêm bước nữa" qua việc nọp hồ sơ "Thềm lục địa mở rộng" khu vực miền Trung.

Về "thực địa", VN có những hành vi "táo bạo" so với trước đây, qua các việc tàu đánh cá của VN đánh bắt trong khu vực biển thuộc Hoàng Sa, gần đảo Phú lâm, hay các khu vực khác cận bờ biển TQ (mà báo chí TQ tố cáo). Khu vực biển (An vĩnh - Amphitrite), từ năm 1956, thuộc quyền kiểm soát của TQ. Hành vi này có lẽ VN muốn khẳng định vùng biển Hoàng Sa xưa nay là "ngư trường truyền thống" của VN. Chiếc tàu cá này bị hải cảnh TQ đâm chìm.

Điểm son là bộ Ngoại giao VN thành công vận động Mỹ và Phi ủng hộ lập trường của mình trong vụ phản đối TQ, ở hành vi “hải tặc” của nước này là đâm chìm tàu cá của VN.

Tuy nhiên TQ đã có những hành vi đáp trả khác, leo thang nguy hiểm vào hôm qua. TQ cho giàn khoan HD 8 tiếp cận bờ biển (Qui nhơn) VN, đồng thời theo Thanh niên, dẫn từ báo chí Đài loan, cho biết hạm đội Liêu Ninh vừa vượt qua eo biển Ba Sĩ và hướng về Biển Đông.

Những ngày tới ta sẽ biết hành vi của TQ là có "uy hiếp" VN hay không. Dĩ nhiên ta cũng chờ thái độ của Mỹ phản ứng ra sao. Còn VN chắc chắn phải bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền các đảo ở TS. Mất các đảo này là VN “mất hết”.

Tình hình nói chung là "gay cấn".

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.