Viết cho thầy giáo Đinh Đăng Định. Một người vừa hy sinh cho
đất nước.
Đất nước Việt Nam nghèo, người dân Việt Nam mang đủ chứng hư
tật xấu, có thể là do người Việt mình có một số ngộ nhận về « lòng yêu nước ».
Thế nào là yêu nước ?
Phải chăng yêu nước là việc hy sinh không ngần ngại, mọi thứ,
có thể là cả cuộc đời mình, cho « đất nước » ?
Hay yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa ?
Hay « yêu nước » là làm mọi cách để đất nước mình
giàu hơn, tốt đẹp hơn ?
Nếu không lầm, từ bao nhiêu đời nay, người dân Việt Nam chỉ
biết « yêu nước », giữ nước theo lối thứ nhất, « đồng lòng cùng
đi hy sinh thiết gì thân sống… », « đường vinh quang xây xác quân thù
» để « nước non Việt Nam ta vững bền »…
Cũng như phần lớn các dân tộc Châu Á, quan niệm về « quốc
gia » hiện đại đến với người Việt rất trễ, chỉ sau Thế chiến II. Trước đó
đất nước là của giòng họ ông vua, là của triều đình… mà thân phận người dân
trong đất nước, xã hội đó chỉ là « con dân cái kiến ».
Là con kiến, dĩ nhiên không có quyền lợi, mà chỉ có nghĩa vụ
(hơi bị nhiều !) Con trai thì phải « trung hiếu làm đầu », con gái
thì phải « tiết hạnh ». Trung ở đây là « trung » với ông
vua, « tôi trung không thờ hai chúa ». Chết thì chịu chết chứ không thể
hai lòng. Thuớc tấc đo lòng « trung » là « quân xử thần tử thần
bất tử bất trung ». Vua bắt chết thì phải « đi chết », không chết
là không trung thành. Còn thân phận phụ nữ trong xã hội này chỉ là cái bóng của
người đàn ông. Con kiến đã không ra gì, làm cái bóng của con kiến thì còn nói được
điều chi ?
Yêu nước trong thời kỳ này đồng nghĩa với lòng trung thành với
ông vua. Giữ nước trong chừng mực là bảo vệ quyền lợi cho ông vua.
Chế độ vương quyền sụp đổ. Chế độ cộng sản lên thay thế. Quan
niệm mới mẻ về đất nước, về lòng « yêu nước » xuất hiện.
Đất nước bây giờ thuộc về toàn dân nhưng yêu nước là « yêu
xã hội chủ nghĩa ».
Nhưng người ta có thể yêu thuơng, chăm sóc mảnh vườn, thửa
ruộng của mình, chứ làm gì có thể yêu thuơng cái gọi là « xã hội chủ nghĩa » ?
Xã hội chủ nghĩa là một cái gì đó mơ hồ, nếu không nói là không
hiện hữu.
Khi nói « Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa », lòng
yêu nước này dĩ nhiên cũng mơ hồ, không đo lường được.
Lòng yêu nước được lý thuyết Mác-Lê nhập nhằng với lòng căm
thù. Lòng yêu nước mơ hồ quá, không dễ khích động. Và lòng căm thù rất dễ kích
động : căm thù giai cấp, căm thù giặc Mỹ, căm thù trí phú địa hào, đấu tố thành
phần phản động.
Yêu nước không mấy chốc được đánh tráo bằng lòng căm thù.
Quan niệm về « trung thành » được thay thế bằng « giác
ngộ cách mạng ». Đối nghịch với « trung thành » là « phản động »,
là « thế lực thù địch ».
Xưa kia đất nước thuộc sở hữu của giòng họ, nay thuộc về « đảng ».
Thân phận người dân trong chế độ này cũng vẫn là « cái
kiến », không có quyền hạn gì, chỉ có nghĩa vụ, như trong chế độ vương quyền.
Trong số những người cầm súng lên đường « giải phóng miền
Nam », có bao nhiêu người lên đường vì « lòng yêu nước » ? Bao
nhiêu người lên đường vì lòng căm thù đế quốc Mỹ tàn ác ? Có bao nhiêu người
bị « cưỡng ép » yêu nước lên đường ?
Như sợ lòng căm thù chưa đủ lửa, chủ nghĩa thi đua, chủ
nghĩa anh hùng xuất hiện để chế dầu thêm. Tình yêu luôn có giới hạn, mà lòng
căm thù thì không có bến bờ. Lửa tình cháy rồi thì tắt. Lửa thù cháy mãi, từ đời
con đến đời cháu, chưa rửa thù là chưa nguôi ngoai. (Nếu tình yêu không bến bờ
thì con người đâu cần đến Phật, Chúa… dạy yêu thuơng ?)
Ai cũng cũng sẵn sàng chứng minh lòng « yêu nước »
của mình, làm « dũng sĩ giết giặc », thể hiện qua việc liều lĩnh dám hy
sinh đến cái cuối cùng.
Những thứ này chỉ thể hiện lòng « căm thù »
tiềm ẩn trong mọi con người, chứ không thể hiện lòng yêu nước. Đâu có ai chết
vì xã hội chủ nghĩa, một thứ chưa ai thấy, phải không ?
Hòa bình vãn hồi, người lãnh đạo CSVN cũng hô hào « lòng
yêu nước » để « xây dựng đất nước ». Dĩ nhiên cũng bằng khẩu hiệu
« yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa » !
Nhưng người ta đâu thể nào xây dựng đất nước với sự thi đua,
chủ nghĩa anh hùng, bằng lòng can đảm, bằng sự hy sinh vô bờ bến của người dân,
cho một cái gì đó chưa chắc có thật (xã hội chủ nghĩa) ?
Đất nước chỉ có thể xây dựng bằng tình yêu thuơng nồng nhiệt
chứ không thể bằng quán tính căm thù đã lưu cửu từ nhiều thế hệ.
Tình yêu là xây dựng. Căm thù là đập phá.
Đáng lẽ, tình yêu nước phải được đơn giản hóa, như là tình
yêu gia đình, con cái, chồng vợ… Ai không muốn con cái mình học hành giỏi giang
hơn người ? Ai không muốn gia đình, giòng họ mình giàu có hơn người ?
Người cha, người mẹ có thể hy sinh cả đời mình cho tương lai hạnh phúc của con
cái. Người cha, người mẹ này chưa chắc đã yêu nước (là yêu xã hội chủ nghĩa) !
Nếu không bị chi phối vì chủ nghĩa, việc yêu nước sẽ rất đơn
giản : làm thế nào cho đất nước giàu hơn, đẹp hơn.
Làm thế nào để đất nước giàu đẹp ? Nếu dễ dàng thì chắc
không có nước nào nghèo trên trái đất này phải không ?
Điều dễ dàng, ai cũng làm được, là đừng làm cho đất nước xấu
thêm.
Người ta gặp một nước Việt xấu xa, thể hiện qua các tấm bảng
đặc biệt viết bằng tiếng Việt, trong các trung tâm thuơng mại nước ngoài, cảnh
cáo người Việt ăn cắp.
Một nước Việt ăn cắp, xấu xa thể hiện qua việc ăn cắp của
lãnh đạo, của thành phần trung lưu, thuợng lưu, trí thức. Vụ tiếp viên, phi
công VN ăn cắp rùm beng trên báo chí nước ngoài. Lãnh đạo VN ăn cắp (tham nhũng
không phải là ăn cắp của dân thì là gì ?) cũng rùm beng trên báo chí nước
ngoài.
Một nước Việt bất lực, được nuôi dưỡng bằng « trôn »
con gái trầm luân xứ người… bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn của những con người
« xuất khẩu lao động »… mà thực ra là nô lệ thời mới.
Một đất nước không thể đẹp khi một năm đàn ông Việt Nam nhậu
3 tỉ lít bia và 5 triệu con chó. (Trong khi rượu chắc chắn đem lại hệ quả bệnh
tật cho người uống, tức đem lại gánh nặng về an sinh xã hội cho thế hệ tương
lai.)
Đất nước ngày càng « xấu » thêm. Xấu hổ đối với người
nước ngoài, xấu xa do cảnh vật tàn phá bởi bàn tay con người, do chính sách
khai thác khoáng sản bừa bãi của nhà nước.
Ta không thể làm đất nước giàu đẹp hơn, vì nhiều lý do khác
nhau. Nhưng ta có thể làm cho đất nước không xấu hơn. Đó cũng là yêu nước.
Vấn đề là trách nhiệm của lãnh đạo, của trí thức.
Nhà trí thức, nhà giáo Đinh Đăng Định đơn thuơng độc mã, dám
ngăn cản những hành vi phá nước của lãnh đạo (chủ trương cho Trung Quốc khai
thác Bô Xít). Đó là gì nếu không phải là hành vi yêu nước chân chánh ?
Giữ đất nước tươi đẹp, không bị tàn phá là yêu nước.
Hy sinh như vậy mới đáng hy sinh. Lịch sử sau này phán xét.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.