mercredi 1 juillet 2015

Đâu là những toan tính của TQ trong những ngày sắp tới ?

Giàn khoan 981 của TQ lần nữa lại đưa vào khai thác ở một khu vực biển ngoài cửa vịnh Bắc Việt trong lúc Tòa Trọng tài Quốc tế vào tháng 7 sắp tới sẽ nhóm phiên họp đầu tiên về vụ Philippines kiện TQ.

Hồi tháng 5-2015 giàn khoan này được đưa đến một vùng mà TQ đặt tên là mỏ Lăng thủy. Đến ngày 26 tháng 6 vừa qua thì nó lại chuyển dịch chút ít. Vị trí giàn khoan hiện nay, theo báo chí đăng tải thì cách bờ biển Hải Nam 68 hải lý và cách bờ biển VN 104 hải lý. Khu vực biển này nếu so với khoản cách hai bờ biển của hai nước thì không thuộc vùng tranh chấp. Nhưng nếu ta tính đến yếu tố quần đảo Hoàng Sa thì giàn khoan nằm trong vùng biển có tranh chấp.

Có lẽ đây không phải là một vấn đề đơn thuần về kinh tế (khai thác dầu khí) mà là một hành động chính trị có tính toán của TQ.

Những tính toán này, thứ nhứt là làm áp lực với ông Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến viếng thăm nước Mỹ, theo lịch trình thì sẽ bắt đầu vào tuần lễ thứ hai của tháng 7. Rất có thể trong vài ngày tới giàn khoan này sẽ di dịch về phía bờ biển VN, ở một vị trí gây tranh cãi tương tự như hồi năm ngoái, để làm áp lực với ông Trọng, nếu ông này biểu lộ những ý tưởng thân Mỹ. Điều này thì nhiều người đã nói lên trên báo chí trong những ngày qua.

Mặt khác giàn khoan cũng có thể được TQ sử dụng nhằm đánh lạc hướng dư luận để rảnh tay củng cố hạ tầng cơ sở ở các đảo.

Nhớ lại tháng 5 năm ngoái khi giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa của VN, mọi người chú tâm vào đó. Đến khi giàn khoan rút đi thì mọi người mới biết là việc xây dựng mở rộng các bãi đá (mà TQ chiếm được của VN năm 1988) đã thực hiện gần xong. Bây giờ cũng vậy. Ta cũng biết là các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng xong, vấn đề là TQ sẽ đưa ra đây những thứ gì ? Điều lo ngại là lúc mọi người chăm chú vào giàn khoan 981 thì TQ sẽ lợi dụng đưa các giàn ra đa, hệ thống phòng không, các khẩu pháo... ra các đảo. Đến lúc mọi người quay lại thì các đảo này đã trở thành những căn cứ không quân, hải quân, hay những pháo đài trên biển.

Về vấn đề  Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye sẽ mở phiên họp đầu tiên vào tháng 7 về vụ Phi kiện TQ. Theo lịch trình, ở phiên họp đầu tiên này, Tòa sẽ làm hai việc: thứ nhứt là tuyên bố về thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện. Thứ hai là về sự hợp lệ của hồ sơ Phi. Dĩ nhiên là vụ kiện này có quan hệ mật thiết đối với với VN. 

TQ đã tuyên bố không tham gia vụ kiện. Lập luận đáng ghi nhận của TQ qua bản tuyên bố nhằm trả lời vụ kiện là : 1/ Tòa không có thẩm quyền vì cốt lõi của vụ kiện liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ” mà điều này không thuộc phạm trù của Công ước Quốc tế về Biển 1982. 2/ Vụ kiện liên quan đến vấn đề “phân chia ranh giới biển” mà điều này TQ đã bảo lưu năm 2006 (loại trừ mọi biện pháp trọng tài có mục đích phân chia ranh giới biển).

Rất có thể Tòa sẽ không có thẩm quyền để phân xử ở một số điều trong hồ sơ của Phi vì các điều này liên quan đến chủ quyền cũng như việc phân định biển mà TQ đã bảo lưu. Nhưng ở các điều như về hiệu lực pháp lý của đường chữ U, hay một số điều liên quan các bãi đá chìm, nổi mà TQ đã chiếm và xây dựng, thì tuyên bố của Tòa có liên quan đến VN.

Đường chữ U chín đoạn, cũng như hành vi của TQ ở các đảo TS, là những quan ngại hàng đầu của VN hiện nay.

Các việc: 1/ đưa giàn khoan 981 tháng 5 vừa rồi vào vùng cửa vịnh Bắc Việt, 2/ việc xây dựng một cách gấp rút các bãi đá và 3/ vụ kiện của Phi đều có quan hệ với nhau.

Hành vi xây dựng và mở rộng các bãi đá (một cách gấp rút) của TQ nhằm mục đích đặt Tòa vào việc đã rồi. Việc xây dựng của TQ có một không hai trong lịch sử thế giới. Nếu so sánh, các đảo nhân tạo của vương quốc Ả Rập ở bờ biển Dubai phải mất hơn 10 năm mới thành hình. Trong khi TQ chỉ mất một năm để hoàn tất về cơ bản 7 đảo nhân tạo, mà đảo nào cũng có diện tích lớn hơn nhiều lần. Đảo nhân tạo ở Dubai thì cận bờ, còn các đảo TS cách TQ cả ngàn cây số.

Bây giờ Tòa không thể phân biệt được các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng, trước đó là gì ? Là bãi chìm, lúc chìm lúc nổi, hay là bãi cạn ? Tình trạng pháp lý của các cấu trúc địa lý này, theo Luật quốc tế về Biển 1982, thì khác xa với nhau. Một bãi chìm thường trực dưới mặt nước (như các bãi Vành Khăn, Xu bi, Gaven...) thì không phải là lãnh thổ để một quốc gia có thể chiếm hữu. Vấn đề là TQ đã chiếm hữu và xây dựng thành đảo nhân tạo.

Hành vi xây dựng đảo của TQ đã xóa hết những vềt tích, những bằng chứng, chắc chắn sẽ đưa Tòa vào thế khó xử. Chắc chắn đây là hành vi có tính toán của TQ. Họ muốn đặt quốc tế vào việc đã rồi. Trước tòa, những bằng chứng đã bị xóa bỏ, chúng ta khó mà biết Tòa sẽ nhận thức ra sao trước các đảo nhân tạo của TQ. Dầu thế nào thì mọi sự mập mờ về pháp lý đều có lợi cho TQ.


Áp lực của TQ đè nặng lên Việt Nam...

Việc xây dựng các bãi đá của TQ đe dọa an ninh quốc phòng cũng như chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Tin tức cũng cho biết TQ kéo pháo đặt trên đảo Gạc Ma. Vấn đề là chúng ta không thấy VN có một phản ứng nào cho thích hợp.

Nhắc lại cuộc khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Liên xô năm 1962, khi Cuba cho phép Liên Xô đặt hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ này. Khoảng cách giữa Cuba và Hoa Kỳ (Florida) chỉ có 200 cây số. Nếu Nga thành công đặt các giàn hỏa tiễn thì Mỹ sẽ bị Nga đe dọa trực tiếp. Mỹ có thể bị Nga đánh phủ đầu bằng vũ khí nguyên tử mà không có thời gian đánh trả lại.

Thái độ của Mỹ lúc dó rất cương quyết. Bộ quốc phòng Mỹ ra lệnh « cấm vận » Cuba trong khi Kennedy đe dọa chiến tranh nếu LX không rút hỏa tiễn về. Cuối cùng LX nhượng bộ phải rút toàn bộ các giàn hỏa tiễn trở về.

Nhắc lại điều này cho thấy là việc TQ cho đặt đại pháo tại đảo Gạc Ma (và có thể ở các đảo khác), đưa các đảo của VN nằm trong tầm đạn. Căn cứ của TQ ở đảo Chữ Thập, với vị trí thuận lợi có thể cản trở mọi can thiệp của hải quân VN tiếp cận các đảo thuộc Trường Sa. Dĩ nhiên việc so sánh nào cũng khập khễnh, nhưng việc kéo pháo này đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ VN.

Trường hợp Phi, nước có cùng hoàn cảnh bị TQ bắt nạt như VN, họ đã có những thái độ và cách ứng xử xứng đáng là một nước độc lập có chủ quyền. Phi đã đưa TQ ra  Tòa quốc tế. Phi cũng thắt chặt quan hệ với Mỹ để làm thế đối trọng, không để TQ uy hiếp thái quá. Và cũng chính Phi Luật Tân cũng đã công bố các hình ảnh vệ tinh trước dư luận thế giới để tố cáo hành vi của TQ.

Nhà nước Phi đã làm những điều cần thiết có thể làm được nhằm bảo vệ chủ quyền cũng như quyền lợi của họ ở Biển Đông.

Nhìn lại thì thấy thái độ của lãnh đạo VN một người dễ tính cũng khó có thể chấp nhận được. Nhiệm vụ hàng đầu của lãnh đạo là bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong chừng mực, đảng CSVN đã đào nhiệm, họ đã chạy trốn trách nhiệm lãnh đạo đất nước của mình.

Trong khi đó quốc hội đã cho biết là không cần thiết để ra nghị quyết về Biển Đông.

Chương năm bản Hiến pháp nói về vai trò Quốc hội. Điều 13 nói về thẩm quyền của quốc hội, nguyên văn như sau :

Quốc hội có quyền: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;”

Như trên đã có nói qua, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của VN bị đe dọa. Những công trình mà TQ vừa xây xong, trong những ngày tới sẽ trở thành những căn cứ quân sự, không quân và hải quân, một số có thể trở thành những pháo đài trên biển. Tất cả các đảo hiện do VN kiểm soát đều bị các căn cứ này đe dọa. Trong khi tham vọng của TQ, họ không dấu diếm, là làm chủ 90% Biển Đông. Thời gian tới họ sẽ ra tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Vùng biển của VN cũng bị đe dọa sẽ mất cho TQ.

Trước một tình huống như vậy, nếu ta so sánh với Phi, thì ta thấy thái độ của đại biểu VN khi cho rằng chưa cần thiết để ra một nghị quyết về Biển Đông là vô trách nhiệm.

Hợp lý thì quốc hội phải cấp thời ra nghị quyết về Biển Đông, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Biển Đông, hoặc tuyên bố một biện pháp đặc biệt nào đó. Thí dụ kiện TQ ra Tòa. Quốc hội cũng có thể ra văn bản chính thức yêu cầu LHQ lên tiếng, yêu cầu TQ “tôn trọng luật quốc tế”. Điều này dễ dàng thực hiện vì thời gian qua các viên chức Mỹ đã nhiều lần nói lên việc này.

Sự im lặng của nhà nước CSVN trước những hành vi, những toan tính, những nước cờ (có thể thấy trước đường đi nước bước) của TQ cho phép người ta đặt ra một nghi vấn. Phải chăng đã có sự dàn xếp nào đó, giữa hai đảng cộng sản VN và TQ, về chủ quyền quần đảo TS ?


Đảng CSVN không có một thẩm quyền nào để thỏa hiệp, nhượng lãnh thổ, hay bất kỳ quyền lợi quốc gia cho ngoại bang. Người dân mới là người chủ thật sự lãnh thổ, biên cương của mình.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.