lundi 6 juillet 2015

Hy vọng gì ở chuyến viếng thăm Mỹ của ông Trọng ?


Chuyến đi thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng đã được lên lịch trình sau nhiều lần đình lại. Tin tức cho biết, chuyến đi sẽ bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc ngày 10 tháng 7. Ông Trọng sẽ được TT Obama tiếp đón tại Nhà Trắng ngày 7-7. Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm bình thường hóa ngoại giao, một tổng bi thư đảng CSVN, trên danh nghĩa là người lãnh đạo tối cao, thăm viếng một nước cựu thù địch.

Lãnh đạo CSVN muốn gì trong chuyến đi này ? Người VN « bình thường » nghĩ gì, hy vọng gì về chuyến đi này ?

1/ Dĩ nhiên hy vọng của lãnh đạo CSVN là Mỹ nhìn nhận tính chính thống lãnh đạo của đảng CSVN.

Ta biết điều này qua nội dung bản trả lời phỏng vấn báo chí của Ông Trọng hôm đầu tháng 7. Ông Trọng cho biết ông đi Mỹ là để « thảo luận cởi mở và thẳng thắn những vấn đề còn khác biệt ». Mọi người có thể thấy một trong « những vấn đề còn khác biệt » kia (lời tiếp theo của ông Trọng) là : « tôn trọng chế độ chính trị lẫn nhau ».

Chế độ chính trị của VN là đảng cộng sản lãnh đạo. Tổng bí thư đảng nắm quyền lực tối cao.

VN và Mỹ chính thức thiết lập bang giao 11 tháng 7 năm 1995. Hành vi này mặc nhiên nhà nước Mỹ nhìn nhận sự hiện hữu của quốc gia Việt Nam có tư cách pháp nhân trước công pháp quốc tế. Mỹ nhìn nhận sự « toàn vẹn lãnh thổ » của VN, nhìn nhận tư cách « công dân mang quốc tịch VN » và nhìn nhận chính phủ VN, tức người đại diện quốc gia VN.

Các tuyên bố chung hai nước Việt-Mỹ gần đây thấy xuất hiện những giòng chữ : « hai bên tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luật pháp của mỗi nước ». Điều này đến từ tháng 9-1995, sau khi Mỹ tuyên bố tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) với ASEAN. Tinh thần của hiệp ước TAC là các nước tôn trọng chế độ chính trị của nhau, không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. VN là một nước thuộc khối ASEAN, vì vậy Mỹ phải tôn trọng những điều trên.

Nhưng ý kiến « tôn trọng chế độ chính trị lẫn nhau » chưa chắc hàm ý nhìn nhận tính chính thống lãnh đạo của đảng CSVN.

Từ sau khi bang giao, đã ba lần tổng thống Mỹ tiếp đón đại diện chính phủ VN tại Nhà Trắng. Hai lần tiếp thủ tướng (Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng) và một lần tiếp chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chưa có tổng bí thư đảng nào được hân hạnh như vậy.

Vấn đề là nguyên tắc. Tổng bí thư là người đại diện cho một đảng chứ không đại diện cho quốc gia.

Vấn đề là Mỹ đã cam kết « tôn trọng luật pháp của nhau », mà hiến pháp VN nhìn nhận đảng CSVN nắm mọi quyền lực quốc gia, là lực lượng lãnh đạo xã hội.

Nghe báo chí nói rằng Obama sẽ tiếp đón ông Trọng tại Nhà Trắng. Vấn đề là « thể thức tiếp đón ra sao » ? Có lẽ đây là một nhượng bộ lớn lao của Obama đến từ những « áp lực chính trị » trong nước. Những chậm trễ trong chuyến đi của ông Trọng là đến từ việc hai bên chưa thống nhứt về thể thức tiếp đón.

TT Obama không thể tiếp đón ông Trọng như một « đại diện của quốc gia », ít nhứt vì những lý do sau đây :

Đảng CSVN không có tính chính thống.

Những người ủng hộ đảng CSVN cầm quyền thường biện luận rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập ». Giả sử đó là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo. Cá nhân những người cộng sản hôm nay không có công lao nào đóng góp cho công cuộc dành độc lập xảy ra từ nhiều thập kỷ trước. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Trong đảng hiện nay không có ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ».

Tính chính thống không có « kế thừa ». Việc kế thừa chỉ hiện hữu dưới chế độ « quân chủ » lạc hậu.

Tính chính thống cũng không đến từ « chuyên chính vô sản ».

Đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có tính « chính thống » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội.

Đảng CSVN hiện nay không còn đại diện cho quyền lợi của « số đông », tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Trên thực tế, đảng CSVN là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như tầng lớp tư bản nước ngoài… Những ngày gần đây lãnh đạo CSVN van nài Mỹ nhìn nhận VN là nước « kinh tế thị trường ». Tức là chính họ đã phủ nhận tính chính thống lịch sử của những người cộng sản.

Quyền lực của đảng CSVN không hề do nhân dân trao phó qua một cuộc bầu cử. 

Đảng CSVN, mặc dầu được hiến pháp chỉ định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng đảng này không hề chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều quan trọng hơn cả, bản báo cáo về nhân quyền vừa được công bố, VN được xếp vào hạng những nước nhân quyền bị đàn áp tồi tệ nhứt.

Nhà nước Mỹ có thể máy móc tôn trọng « pháp luật » VN, như cam kết trong Hiệp ước TAC và những Tuyên bố chung với VN, đến mức tôn trọng một đảng đứng trên mọi qui định của pháp luật ?

Có thể tổng thống Obama, do áp lực của các « lobby » kinh tài, sẽ nhượng bộ và tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng như là người chính đáng lãnh đạo quốc gia Việt Nam. Có thể ông Trọng đạt được nguyện vọng : Mỹ nhìn nhận tính chính thống lãnh đạo của đảng CSVN. Nhưng việc này thực hiện thì các giá trị nền tảng của chế độ Mỹ sẽ sụp đổ.

2/ Người dân "bình thường" nghĩ gì về chuyến viếng thăm Mỹ của ông Trọng ?

Lịch sử VN cho thấy, không có ngoại lệ, vận mệnh VN luôn gắn liền « chính trị, văn hóa, ý thức hệ » với một « nước lớn ».

Trong một thời gian rất dài (như lịch sử), VN lệ thuộc vào TQ. Về mô thức tổ chức hành chánh và quân quyền, Việt Nam là một « đế quốc Trung Hoa » thu nhỏ lại. Về văn minh, VN cũng là một bản sao (không trọn vẹn) của nền văn minh TQ. Chỉ đến khi Pháp vào VN, văn hóa Trung Hoa mới mờ nhạt đi và dân VN tiếp nhận một nền văn minh mới của Tây phương. Tiếp theo, giai đoạn thuộc Nhật quá ngắn ngũi để nền văn hóa này lưu lại dấu ấn. Từ năm 1954 miền Bắc lệ thuộc ý thức hệ chính trị vào khối XHCN gồm TQ và LX ; miền Nam dựa vào Mỹ. Sau 1975 VN hoàn toàn ngả về LX. Đến thập niên 90 lại ngả về TQ.

Chế độ chính trị VN hôm nay cũng là một bản sao chế độ chính trị của TQ. Ngày trước triều đình, cung điện Bắc Kinh ra sao thì triều đình Huế (hay Hà Nội trước đó) cũng y như vậy, nhưng với một mức độ khiêm tốn hơn. Bây giờ không khác, người ta không tìm ra sự khác biệt về mô hình chính trị và mô thức phát triển giữa hai nước VN và TQ hiện nay.

Nếu nhìn lại chiều dài lịch sử « bản sao chính trị và văn hóa » kia, giai đoạn nào đã đem lại « ấm no và hạnh phúc » thực sự đến cho người dân VN ?

Người Nhật sau khi « thoát Trung » thì nhanh chóng trở thành cường quốc. Đại Hàn cũng vậy. Thậm chí các nước như Đài Loan, Singapour… mặc dầu dân chúng là người gốc Hoa, nhưng bản chất của họ là « thoát Trung », vì vậy cũng trở thành những quốc gia cường thịnh.

"Thoát Trung" là yếu tố phát triển. Người dân có thể hy vọng chuyến đi của ông Trọng là một dấu hiệu « thoát Trung » ?

Còn quá sớm để nói. Bởi vì, hai đảng cộng sản VN và TQ là hai đảng « anh em ». Nhân sự đảng CSVN có mối quan hệ « hữu cơ » với TQ. Thoát ra không dễ.

3/ Tương lai Việt Nam.

TQ và Mỹ, cả hai đều là « cựu thù » của VN. Vấn đề là VN đã lựa chọn TQ.

Nếu so sánh, với Trung Quốc, hai bên đối đầu trong cuộc « chiến tranh biên giới » và « cuộc chiến Kampuchia », từ năm 1979 cho đến đầu thập niên 90, thì vết thuơng chiến tranh giữa VN và TQ lại sớm lành da hơn là đối với Mỹ.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã chấm dứt từ 40 năm, đến nay vẫn chưa có TBT đảng CSVN nào thăm Mỹ. Trong khi đối với TQ, chỉ cần 10 năm hai bên đã khép lại hận thù. Hội nghị Thành Đô tháng 9 năm 1990, toàn thể lãnh đạo tối cao VN, từ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đổ Mười cho đến cố vấn Phạm Văn Đồng… tất cả đều có mặt. 

Quan hệ ngoại giao với TQ được thiết lập một cách nhanh chóng và tình hữu nghị hai bên được kết nối trên phương châm « 4 tốt và 16 chữ vàng » : « bạn bè tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt » và « láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai », theo như tinh thần của hội nghị Thành Đô năm 1990.

Quan hệ hai bên Việt-Trung, từ năm 2008, là « quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ». Hệ thống chính trị, chế độ, cách tổ chức quốc gia, kinh tế… VN rập khuôn TQ.

Đối với Mỹ, cuộc chiến kết thúc năm 1975 nhưng đến năm 1995 hai bên mới thiết lập bang giao. Tổng thống Bill Clinton là người quyết định bãi bỏ cấm vận thuơng mại và thiết lập bang giao với VN ngày  11 tháng 7 năm 1995. Hai bên cũng ký hiệp định thuơng mại song phương vào tháng 7 năm 2000.

Nhưng sau 40 năm VN vẫn không quên thù cũ. Ngày 30-4 vừa qua, TT Nguyễn Tấn Dũng qua bài diễn văn đã lên án tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân và đất nước.

Những tấm bia « thù hận » ghi « tội ác » của Mỹ còn rải rác trên bốn miền đất nước. Chúng vẫn được bảo trì cẩn thận. Trong khi đối với TQ, cuộc chiến biên giới khốc liệt, TQ đã tàn phá thành bình địa tất cả các tỉnh dọc theo biên giới, gây ra biết bao tội ác chiến tranh và tội ác diệt chủng. Hiến pháp VN 1980 ghi nhận TQ là « bọn bá quyền xâm lược ». Dầu vậy, những nghĩa trang liệt sĩ của quân đội VN trên vùng biên giới bị bỏ hoang phế. Những tấm bia chiến tích, hay những tấm bia ghi tội ác của quân TQ… thì đã bị dẹp bỏ từ lâu. Ngay cả trong sử sách, nếu không có sử « ngoài luồng », thì sinh viên, học sinh VN sẽ không biết đã có cuộc chiến khốc liệt với TQ đầu năm 1979.

VN đã trở thành một thuộc địa kiểu mới của TQ. Bình tâm nhìn lại quá trình bang giao VN và TQ từ 1990 đến nay, đúng  như lời ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói : VN đã sa vào vòng bắc thuộc mới. Lãnh đạo ở Ba Đình hiện nay đều là những tiết độ sứ, an nam quốc vương… những thứ mà thiên triều sắc phong để cai trị dân VN.

Nhưng vấn đề Biển Đông đã làm bộ máy đang chạy trơn tru của Bắc Kinh đặt tại Ba Đình bỗng nhiên chựng lại. Dân VN không quá mù quáng để không nhìn thấy những hành vi bành trướng của TQ.

Trước sự phản đối của dân chúng (và một thành phần không nhỏ trong đảng), lãnh đạo VN bắt buộc phải xét lại quan hệ với TQ. 

Đây là đốm hy vọng nhỏ nhoi để VN có thể « thoát Trung ».

VN không thể rập khuôn Bắc Kinh (từ mô hình phát triển kinh tế cho đến mô thức chính trị), mà có thể dựa vào Mỹ để chống lại TQ, bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi của mình ở Biển Đông.

VN và Mỹ phải có những điểm chung, như chia sẻ những giá trị nền tảng về nhân quyền, để có thể xây dựng « niềm tin chiến lược » trong tương lai. Đến nay, Mỹ vẫn xếp VN vào đối tác « có thể tin cậy », chứ chưa hề « tin cậy » về chiến lược.



Như vậy quyết định có « thoát » để tiến bộ hay không là ở VN chứ không phải do Mỹ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.