Nhân trả lời báo chí 27-6-2015 về
vấn đề chủ quyền của TQ tại Trường Sa, Bộ trưởng bộ Ngoại giao TQ, Ông Vương
Nghị vừa phóng đại, vừa nhập nhằng một số điều, khiến trắng đổi thành đen,
không biến thành ra có. Ông cho rằng rằng 1.000 năm trước TQ là một « quốc
gia đi biển lớn », do đó TQ là nước đầu tiên phát hiện, khai thác và quản
lý quần đảo Trường Sa. Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu thay đổi lập
trường ở Biển Đông là TQ có lỗi với tổ tiên (sic !)
Vấn đề thực ra không phải vậy !
Một ngàn năm trước TQ không hề là
một « quốc gia đi biển lớn ». Lịch sử thế giới chưa từng ghi nhận bất
kỳ một « khám phá » của TQ liên quan đến biển như những nhà hải hành
Tây phương Christophe Colomb, Magellan, Jacques Cartier, Amerigo Vespucci... Những
công trình lớn của TQ đều hướng về lục địa, như Vạn lý Trường thành. Mục đích của
công trình này để chống lại kẻ thù đến từ phương bắc. Tất cả những kẻ thù của
người Hán đều đến từ lục địa. Cho đến thế kỷ 19, lúc TQ bị đe dọa phân liệt
trước các đại cường Tây phương, những kẻ thù đến từ phía biển, thì quân đội TQ
cũng vẫn tập trung lực lượng để bảo vệ miền Tây (Tân Cương). Ngân sách dành cho
các công cuộc « Dương vụ vận động » nhằm phát triển hải quân chỉ
chiếm một phần rất nhỏ trước ngân sách của đạo quân chinh tây. Những điều này
khiến ta khẳng định rằng TQ không có văn hóa biển. Trong lịch sử TQ 5.000 năm,
chưa hề thấy ghi lại một trận hải chiến nào. Các tập « binh thư » của
các chiến lược gia TQ (như Tôn Tử) không hề nói đến một trận hải chiến. Họ có
nói vài trận về « thủy chiến », nhưng ở đây là trên sông. Từ sông ra
đến biển là bề dài hàng trăm năm phát triển. Tài liệu Tây phương về TQ đều ghi nhận
một điều : TQ là một đế quốc hướng về lục địa. Chỉ đến cuối thế kỷ 19,
trước sự phát triển thần kỳ của Nhật, thì TQ mới bắt đầu để ý đến việc chỉnh đốn
hải quân. Nhưng việc này đã quá trễ. TQ đã thua Nhật trong trận hải chiến Áp
lục phải kỳ hiệp ước Simonoseki 1895 bồi thường cho Nhật một cách nhục nhã.
Trong khi một ngàn năm trước, các
nước chung quanh, họ đã là những giống dân đi biển, sống bằng nghề biển. Có thể
họ là những quốc gia nhỏ hơn, nhưng chắc chắn người dân này đi biển thành thạo
hơn dân TQ. Trường hợp VN, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hàng năm quân đội các
bên đã có những cuộc tuần du trên biển nhằm chinh phạt địch thủ của mình. Họ
thuộc địa hình Biển Đông như lòng bàn tay. Bởi vì những người dân ở đây sống
gần biển, họ lặn ngụp bắt cá, bắt ốc, bắt rùa… ở các bãi đá ở Trường Sa. Họ
không hề lớn tiếng tuyên bố « khám phá » Trường Sa (như ông Vương
Nghị). Đơn giản vì họ sinh sống ở đó. Vùng biển có các bãi đá đó là không gian
sinh tồn của họ.
Cũng không có sách vở nào ghi lại
rằng TQ là nước « phát hiện » Trường Sa.
Tất cả tài liệu của TQ đã công bố
đều chỉ nói một cách sơ lược về một số chuyến du hành trên Biển Đông. Nếu những
chuyến đi thế này là « phát hiện » thì đương nhiên TQ là kẻ đi sau.
Dân các nước chung quanh họ sống chung quanh đó, không phải họ là người đầu
tiên phát hiện thì ai vào đây ?
Không hề có bản đồ hải hành nào
của người Châu Âu ghi nhận TS là của TQ. Trước đây khoảng một thế kỷ, các nhà
hải hành thế giới không phân biệt Hoàng Sa và Trường Sa (Paracel và Spratleys).
Hầu hết các bản đồ của các thế kỷ 16, 17, 18… đều gom hai quần đảo này vào làm
một (dưới cái tên là Parcel). Một số bản đồ thì ghi "Paracal-Annam", tức Paracel thuộc Việt Nam. Cái tên Spratleys cũng chỉ mới có đây thôi.
Năm 1909 nhà nước TQ khẳng định
(với dư luận quốc tế) rằng lãnh thổ cực nam của TQ là đảo Hải Nam. Đến năm 1932
thì nhà nước này tuyên bố lãnh thổ cực nam của họ là Hoàng Sa. Đến năm 1935,
trên các bản đồ của TQ còn ghi bãi Scarborough là Nam Sa. Tức cái tên mà họ
ngày nay gán cho Trường Sa của VN. Đến năm 1947 thì họ mới đẻ ra cái tên Trung
Sa quần đảo, gộp Scarborough và bãi ngầm Macclesfeild vào trong đó. Scarborough
đặt tên là Hoàng Nham và Nam Sa đặt cho Trường Sa của VN.
Ngay cả cái tên mà họ còn lúng
túng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thì « phát hiện » và « khai
thác » cái gì ?.
TQ cũng chưa từng « quản
lý » Trường Sa. Việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình năm 1956 là chiếm một lãnh
thổ đã có chủ.
Bởi vì, sau Thế chiến II, Nhật
thua trận phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm hữu trước kia (trong đó có
VN cũng như hai quần đảo HS và TS). Vấn đề là các lãnh thổ này trả lại cho
ai ?
Nước Anh lãnh nhiệm vụ giải giới
quân Nhật ở VN phía nam vĩ tuyến 16, Trung Hoa Dân quốc (của Tưởng Giới Thạch)
giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16.
Vấn đề là, Anh nhượng quyền lại
cho Pháp, vì họ xem Đông Dương thuộc Pháp. Song song đó Pháp ký các thỏa ước
Trùng Khánh với Tưởng vào tháng 2 năm 1946, theo đó Pháp nhượng lại cho TQ đất
đai và một số đặc quyền về kinh tế (như đường xe lửa Vân Nam). Đổi lại Pháp vào
thế chân TQ.
Tại các đảo HS quân đội Pháp Việt
có mặt vào tháng 4 năm 1946 để dựng lại mốc chủ quyền. Quân đội Pháp Việt làm
tương tự vào tháng 10 năm 1946.
Tại Hội nghị San Francisco 1951,
thủ tướng QGVN là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố thâu hồi hai quần đảo HS và TS
về cho VN.
Chủ quyền của VN tại HS và TS đã
tái khẳng định, bằng các thủ tục theo đúng thông lệ quốc tế, ở các năm 1946 và
1951.
Vậy TQ quản lý bằng hình thức nào
quần đảo TS ?
Ông Vương Nghị còn nói : thay đổi lập trường ở Biển Đông là TQ có lỗi
với tổ tiên (sic !)
Nhân ông Vương Nghị nói về tổ tiên
TQ. Một câu hỏi là : tổ tiên của TQ là tổ tiên nào ?
Lịch sử dân tộc Hán là lịch sử của
sự bành trướng thường trực. Ngay ở lá cờ của TQ hiện nay, năm ngôi sao biểu
tượng cho 5 dân tộc Hán, Mông, Mãn, Tạng, Hồi.
Nếu là ông tổ Mãn Châu thì ông này
đang đấm ngực kêu trời vì bầy con cháu đã quên mất cội nguồn. Dòng tộc dũng
mãnh đã chiến thắng quân Hán và thiết lập nên triều Mãn Thanh sáng chói trong
lịch sử nay đã xóa mờ trong ký ức người dân Mãn. Mà thời gian đâu có bao
lâu ?
Nếu là ông tổ người Mông Cổ thì ông
này cũng đang đấm ngực kêu trời, thuơng tiếc đế quốc Nguyên do Thành Cát Tư Hãn
lập nên, mà lũ cháu con vô dụng đã làm mất một nửa bờ cõi là vùng Nội Mông cho
dân Hán.
Nếu ông tổ là dân Tây Tạng thì ông
này đang… lưu vong với đức Đại Lai Lạt Ma. Dân tộc này đang nguyền rủa dân Hán,
thứ nhứt vì dã tâm xóa bỏ nền văn hóa Tây Tạng, thứ hai đã cướp đất và đồng hóa
người dân của họ.
Hay ông tổ là Mao Trạch Đông với
núi xương chồng chất của gần 100 triệu người dân chết vì đói, vì hiệu quả của
cách mạng văn hóa ?
Hay ông tổ là Tưởng Giới Thạch, một
tay quân phiệt tham nhũng tới xương, đến đỗi người Mỹ phải chấp nhận bỏ lục địa
cho cộng sản vì không thể giúp cho cái túi tham không đáy… ?
Tổ tiên của ông Vương Nghị, là
người Hán, thì lãnh địa của ông tổ này không ra khỏi lưu vực sông Hoàng Hà.
Theo tôi, lời nói của ông Vương
Nghị đã làm cho tổ tiên của ông hổ thẹn. Những vị tổ này không ngờ cháu con
mình có thể ăn nói ngược ngạo như vậy.
Nhưng chủ nghĩa bành trướng của
dân tộc Hán vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ. Họ bắt đầu xoay mặt ra biển. Năm
1974 TQ đã chiếm HS của VN bằng vũ lực. Năm 1988 TQ đã chiếm một số bãi đá của
VN thuộc quần đảo Trường Sa bằng vũ lực. Bây giờ họ gấp rút xây dựng và mở rộng các bãi
đá chiếm được của VN năm 1988 để mưu đồ chiếm lĩnh Biển Đông.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.