dimanche 23 août 2015

Biên giới Kampuchia : Rắc rối về bản đồ biên giới hiện trạng và mâu thuẩn hiến pháp.

Thủ tướng Hunsen đã thắng các đối thủ chính trị của ông về vấn đề biên giới nhưng chỉ thắng hiệp đầu. Rắc rối đến từ nhiều phương diện mà cách nhận thức về bản đồ mới chỉ là một. Màn kịch chính trị của Kampuchia chưa thể hạn màn một cách đơn giản sau vụ bắt Thuợng nhị sĩ Hong Sok Hour.

1/ Rắc rối về bản đồ :

Theo yêu cầu của tủ tướng Hunsen, LHQ vừa cho nhà nước Kampuchia mượn bộ bản đồ biên giới Việt-Miên gồm 18 mảnh. Theo tin tức đăng tải, bản đồ của LHQ là bản đồ 1/50.000 vẽ theo cách chiếu UTM.

Vấn đề Hunsen ngày 7 tháng 6 đã viết thư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon để « mượn bộ bản đồ gốc 1/100.000 mà chính quyền thực dân vẽ từ những năm 1933-1955, sau đó được quốc vương Sihanouk gởi lưu chiểu lên LHQ năm 1964 ».

Những ngày sau đó Hunsen cũng gởi thư đến các cường quốc Mỹ, Pháp, Anh… xin được giúp đỡ.
Có thể khẳng định rằng 18 mảnh bản đồ của LHQ không phải là bộ bản đồ do Sở Địa dư Đông dương (SGI) xuất bản (trước năm 1954). Các bản đồ SGI xuất bản vẽ theo cách chiếu Bonne với tỉ lệ 1/100.000.

18 tấm bản đồ (của LHQ) vì vậy không phải là bản đồ mà Sihanouk đã nộp lên LHQ năn 1964.

Vậy 18 tám tấm bản đồ 1/50.000 UTM của LHQ cho Hunsen mượn có xuất xứ từ đâu ? Còn bộ bản đồ mà Sihanouk gởi lưu chiểu tại sao LHQ không cho Hunsen mượn ?

Các nhận thức về luật và tập quán quốc tế sau đây có thể là một cách giải thích.

Theo các nguyên tắc của công pháp quốc tế (về những vấn đề liên quan đến đường biên giới), đường biên giới giữa hai nước chỉ có giá trị pháp lý khi nó được chính phủ hai nước nhìn nhận. Việc nhìn nhận được thể hiện bằng các kết ước với những bản đồ đính kèm. Theo tập quán quốc tế, văn bản có giá trị cao hơn bản đồ. Tức là, nếu có sự mâu thuẩn giữa biên giới trên thực địa và bản đồ thì văn bản có giá trị cao hơn, ngoại trừ việc trong văn bản có điều khoản xác định ngược lại.

Về hiệu lực các kết ước, các kết ước mới có giá trị thay thế các kết ước cũ.

Đường biên giới Việt-Miên theo các hiệp ước 1985 và 2005 được gọi là « đường biên giới hiện trạng » và đường biên giới theo bản đồ SGI 1/100.00 gọi là « đường biên giới lịch sử ».

Vì vậy bộ bản đồ 1/50.000 UTM của LHQ chỉ có thể là bộ bản đồ đính kèm các hiệp ước về biên giới năm 1985 và 2005 giữa VN và Kampuchia.

Bản đồ 1/100.000 mà Sihanouk gởi lưu chiểu năm 1964 không còn hiệu lực pháp lý vì hai lý do : 1/ nó đã được thay thế bằng bộ bản đồ đính kém các hiệp ước 1985 và 2005. 2/ bản đồ này được phía VNDCCH đơn phương nhìn nhận ngày 8 tháng 6 năm 1967 mà việc nhìn nhận này không có giá trị pháp lý. VNDCCH không có thẩm quyền về lãnh thổ ở một vùng lãnh thổ do VNCH quản lý.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon không thể cho ông Hunsen mượn một bộ bản đồ đã không còn giá trị pháp lý.

Dầu vậy, phía đối thủ chính trị của TT Hunsen có thể phản đối bộ bản đồ 1/50.000 của LHQ cho mượn ở hai lý do : 1/ Bộ bản đồ này không phải là bản đồ 1/100.000 mà Sihanouk đã gởi lưu chiểu năm 1964 mà bản đồ này đã được VNDCCH nhìn nhận. 2/ Bộ bản của LHQ cho mượn không phải là bản đồ đã được định nghĩa theo điều 2 của Hiến pháp hiện hành của Kampuchia.

2/ Mâu thuẩn hiến pháp :

Điều 2 Hiến pháp 1993 của Kampuchia, phần nói về « toàn vẹn lãnh thổ », biên giới Kampuchia được xác định :

« (Lãnh thổ Kampuchia) thể hiện trên bản đồ 1/100.000, vẽ năm 1955, được sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế từ năm 1963 đến 1969 ».

Tức là nội dung các hiệp ước phân định biên giới VN và Kampuchia 1985 và 2005 mâu thuẩn hiến pháp 1993 của Kampuchia.

Vấn đề là quốc vương Sihamoni đã phê chuẩn các hiệp ước này.

Theo tập quán quốc tế, các kết ước quốc tế có giá trị cao hơn luật quốc gia.

Các hiệp ước phân định biên giới Việt-Miên 1985 và 2005 là các kết ước « quốc tế ». Vì vậy hiến pháp Kampuchia cần phải tu chính ở điều 2.

Một số điều cần nói thêm về đường biên giới của Kampuchia qui định theo Hiến pháp.

Đó là biên giới này không phù hợp với đường biên giới thể hiện theo bộ bản đồ  1/100.000 vẽ theo cách chiếu Bonne do Sở địa dư Đông dương ấn hành trước năm 1954.

Đường biên giới được Sihanouk gởi lưu chiểu ở LHQ (và được điều 2 hiến pháp định nghĩa) là đường biên giới đã được thay đổi theo ý kiến của tiến sĩ Sarin Chhak, nguyên bộ trưởng Ngoại giao Cam bốt năm 1963. Sarin Chhak có hai bằng tiến sĩ : 1/ tiến sĩ khoa học chính trị qua luận án 1964 về biên giới Việt-Miên. 2/ tiến sĩ luật qua luận án biên giới Thái-Miên năm 1966. Theo ông này biên giới Việt-Miên có 5 vùng phải sửa lại.

3/ Kết luận :

Phe đối lập với thủ tướng Hunsen chưa chắc là bí lối sau khi Thuợng nhị sĩ Hong Sok Hour bị bắt. Những mâu thuẩn về biên giới mà phe đối lập có thể lợi dụng để lật ngược lại tình thế là :

VNDCCH đã nhìn nhận đường biên giới theo bản đồ đã được Sihanouk lưu chiểu LHQ năm 1964. Tại sao Hunsen không phân định biên giới theo bản đồ này (đúng như nội dung hiến pháp Kampuchia 1993 và trước đó) mà lại phân định theo bản đồ khác ?

Phe đối lập cũng có thể vịn vào sự mâu thuẩn của hiến pháp để đặt lại vấn đề phân định biên giới. Khó khăn là các hiệp ước biên giới đã được quốc vương Sihamoni phê chuẩn. Muốn đặt lại là không dễ.

Cách này hay cách khác, phe đối lập có thể làm mất uy tín của TT Hunsen nhưng không thể nào vẽ lại đường biên giới.

Biên giới Việt Nam và Kampuchia hiện nay thể hiện đường biên giới theo nguyên tắc luật quốc tế uti possidetis, tức là thể hiện hoàn toàn đúng theo bộ bản đồ SGI 1/100.000 vẽ trước năm 1954 theo cách chiếu Bonne, đối chiếu qua bộ bản đồ quân sự Mỹ 1/50.000 theo cách chiếu UTM hiện đang lưu trữ tại các đại học Mỹ.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.