mardi 11 août 2015

Nhân kỹ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ II : thử bàn về ý nghĩa cuộc « Cách mạng tháng tám » và thực chất nền « độc lập » của quốc gia mang tên VNDCCH.

Theo sử liệu chính thức VN thì cuộc « cách mạng tháng tám » được khởi động từ 14-8-1945, sau quyết định của đảng CS Đông Dương tại cuộc họp Tân Trào. Cuộc « cách mạng » chấm dứt ngày 30 tháng 8 sau khi vua Bảo Đại thoái vị giao ấn kiếm cho đại diện CS. Cũng theo sử liệu « chính thống », cuộc cách mạng xảy ra « dưới sự lãnh đạo của đảng, 20 triệu nhân dân ta đã nhất tề vùng dậy khởi nghĩa dành lại chính quyền… ». Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc « cách mạng » như vậy được diễn ra trong bối cảnh miền Bắc vừa thoát khỏi nạn đói kinh hoàng với 2 triệu người chết trong khi Đồng Minh vừa kết thúc cuộc Thế giới Đại chiến thứ II.

Ý nghĩa của từ « cách mạng » là phá bỏ cái cũ và xây dựng cái mới. Chủ trương « cách mạng » của CSVN là bài phong, đả thực, chống phát xít giành lại độc lập cho đất nước. Việc « giành lại chính quyền » được các sử gia VN ví như là « cuộc chạy đua nước rút với quân đội Đồng Minh ». Các bản hiến pháp của VNDCCH và sau này là CHXHCNVN, không ngoại lệ, đều ghi nhận sự thành công của cuộc cách mạng (tháng Tám) là nền tảng khai sinh ra nước VNDCCH.

Nhưng vấn đề không đơn thuần như vậy.

Thế chiến thứ II tại Châu Á kết thúc sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng ngày 15-8-1945. Theo một số qui định của phe thắng trận, Nhật phải : 1/ từ bỏ chủ quyền tại các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trước đó. 2/ Các chính quyền do Nhật dựng lên ở các nơi này thì không được nhìn nhận. 3/ Trong thời gian chuyển tiếp, quân đội Nhật có trách nhiệm giữ trật tự trong lúc chờ đợi quân Đồng Minh đến giải giới.

Những vùng lãnh thổ Nhật chiếm đóng này bao gồm Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là số phận những vùng lãnh thổ mà Nhật chiếm trước đó (như VN) thì được Đồng minh quyết định ra sao ?

Ta được biết một số vùng lãnh thổ bị Nhật (hay Đức, Ý) chiếm đóng đã được quyết định số phận qua các Hội nghị Yalta và Cairo trong lúc chiến tranh (như Mãn Châu, Đài Loan, Đại Hàn…). Một số được định đoạt (hay tái xác định) sau chiến tranh theo Hòa ước San Francisco 1951.

Riêng VN (nói chung là Đông Dương), không thấy nhắc đến vấn đề « trả độc lập » (như trường hợp Đại Hàn), mặc dầu việc chống chế độ thực dân là chủ trương của Hoa Kỳ. Lực lượng Đồng minh ở Châu Á chỉ nói đến việc giải giới quân Nhật. Việc giải giới được lực lượng này qui định : Quân đội Anh quốc phụ trách vùng phía nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa phụ trách phía bắc vĩ tuyến 16.

Theo qui định này, ngày 9-9-1945 quân của Trung Hoa do Tiêu Văn và Lư Hán dẫn đầu có mặt tại Hà Nội. Tương tự, liên quân Anh-Pháp cũng có mặt ở miền Nam.

Ta thấy không hề có việc lực lượng cách mạng « chạy đua giành chính quyền » với quân đội Đồng Minh hay việc « 20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy giành lại chính quyền » như các sử gia đã viết.
Theo sử liệu chính thống, « lực lượng cách mạng » đã « đánh » Nhật « giành chính quyền » ở một số tỉnh thành (ngoài Bắc). Điều này không đúng. Trên thực tế không có « đánh đấm » gì cả. Cuộc « cách mạng » xảy ra sau ngày 15-8, tức lúc quân Nhật đã có lệnh bỏ súng đầu hàng. Thẩm quyền của Nhật tại VN đã chuyển sang lực lượng Đồng minh sau khi nước này nhìn nhận các điều kiện Đồng Minh áp đặt  để đầu hàng. Trong tay quân Nhật (ở VN) đâu còn cái (chính quyền) nào để « cách mạng » cướp (hay giành) ?

Mặt khác, khi Tiêu Văn và Lư Hán dẫn quân qua VN theo như qui định của phe thắng trận, dọc đường lực lượng này tước « quyền hành » của « chính quyền cách mạng » và trao cho phe thân Trung Hoa.

Cái gọi là « cuộc chạy đua giành chính quyền » với quân Đồng minh vì vậy không hề có. Thực chất chỉ là Việt Minh lợi dụng khoảng trống quyền lực sau khi Nhật đầu hàng để nắm lấy chính quyền, hy vọng đặt Đồng minh vào sự đã rồi, mà điều này rõ ràng thất bại.   

Cũng không hề có việc « lực lượng cách mạng » cướp chính quyền từ tay Bảo Đại (ngày 30-8).
Quốc gia mang tên là « Đế Quốc Việt Nam » do Bảo Đại lãnh đạo ra đời sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 10 tháng 3 năm 1945. Theo qui định của lực lượng Đồng minh, phía thắng trận, tất cả những chính quyền do Nhật dựng lên (ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng) đều không được nhìn nhận.

Ở VN (như ở Mãn Châu) quyền hành của chính quyền Bảo Đại là không có thật. Quân đội không có. Ngân sách không có. Ngoại giao cũng không. Tất cả đều phải thông qua Nhật. Ngay cả việc cấp bách là cứu trợ nạn đói ở miền Bắc, nguyên nhân chính (làm cho 2 triệu người chết) là vấn đề giao thông. Lúa gạo miền Nam dư thừa đến mức đem đốt chạy nhà máy điện mà chính phủ Trần Trọng Kim không thể đem ra miền Bắc. Việc Mỹ dội bom đường xá chỉ là một yếu tố phụ. Ngoài biển tàu bè vẫn chạy được nhưng chính phủ Trần Trọng Kim không có một phương tiện nào trong khi Nhật từ chối giúp đỡ. Tức là Nhật dựng lên « quốc gia » này chỉ để làm vì. Ông Bảo Đại hay chính phủ TT Kim không có bất kỳ thẩm quyền nào về lãnh thổ cũng như đối với người dân của mình.

Vậy thì « lực lượng cách mạng » có thể « cướp » cái gì ở « quốc gia » của ông Bảo Đại ? Người ta đâu thể cướp cái mà người khác không có ?

Còn việc « 20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy » cũng chỉ là điều tưởng tượng. Miền Bắc vừa thoát nạn đói vào tháng 5, với 2 triệu người chết. Ba tháng sau người dân có thể nổi dậy để giành cái ăn. Nói 20 triệu người « nhất tề vùng dậy » là điều hoang đường, không thuyết phục được ai hết.

Thực chất của « cách mạng tháng tám » là vậy. Còn « tuyên ngôn độc lập » ngày 2-9 của ông Hồ có giá trị gì không ?

Về thời điểm, ngày 2 tháng 9 được ông Hồ lựa chọn không hề do tình cờ mà là kết quả tính toán sâu xa. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 cũng là ngày đế quốc Nhật ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiếc Thiết giáp hạm USS Missouri của Mỹ đang neo trong vịnh Tokyo.

Về nội dung, bản Tuyên ngôn của ông Hồ dẫn nhiều ý tứ từ bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.
Từ hai chi tiết này, ta có thể cho rằng ông Hồ đã được sự gợi ý của các chuyên viên OSS, tiền thân của CIA Mỹ, lúc đó đang hoạt động cùng với VM trên vùng biên giới Việt-Trung.  

Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ, trên phương diện pháp lý cũng như trên thực tế, không thể hiện được một quốc gia Việt Nam độc lập.

Ta sẽ biết rõ về nền « độc lập » của ông Hồ và đồng chí của ông chỉ vài tháng sau, lúc Hiệp ước Sơ Bộ 6-3-1946 được ký kết.

Về Hiệp ước Sơ bộ 6-3-1946, 7 thập niên trôi qua nhưng vẫn còn nhiều điểm tối chung quanh việc hình thành hiệp ước này.

Bối cảnh lịch sử lúc đó là khi quân Anh nhận trách nhiệm giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16, thì sau đó lại nhượng toàn quyền quản lý của mình cho Pháp. Miền Bắc, Pháp cũng thuyết phục được Tưởng Giới Thạch chấp nhận trao đổi quyền quản lý miền Bắc với quyền lợi về kinh tế.

Vì sao Pháp thuyết phục được Anh và Trung Hoa để thay thế hai lực lượng này ddem quân vào lại VN ?

Nguyên nhân vì cục diện thế giới thay đổi. « Biên giới Yalta » thành hình, còn gọi là « bức màn sắt », phân chia thế giới hai vùng ý thức hệ chính trị « tư bản và cộng sản ». Phe tư bản do Hoa Kỳ cầm đầu cần đồng minh là Pháp ở Tây Âu. Vì thế Pháp dễ dàng thuyết phục được Anh (và trong chừng mực Hoa Kỳ) trả Nam kỳ lại cho mình vì lãnh thổ này là nhượng địa của VN cho Pháp theo các hòa ước 1862 và 1864. Trong lúc phe họ Tưởng đang bị bối rối do việc Liên Xô chần chờ không chịu rút quân khỏi Mãn Châu. Lại còn phải đối phó với quân cộng sản của Mao Trạch Đông đang đe doạ mạn phía bắc. Tưởng Giới Thạch cần rút quân đội hiện đang đóng ở VN để tập trung lực lượng chuẩn bị cho cuộc nội chiến « quốc-cộng » lần thứ hai. Vì vậy họ Tưởng dễ dàng chấp thuận đề nghị trao đổi của Pháp.

Vấn đề đặt ra, tại sao lại hiện hữu « hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 » và các bên ký kết lại là ông Hồ (đại diện VNDCCH) và Pháp ?

Trên danh nghĩa, sau khi thỏa thuận với Trung Hoa, Pháp không cần phải ký hiệp định này để đổ quân ra bắc. Người chủ thực sự ở miền Bắc là quân Trung Hoa chứ không phải là lực lượng của ông Hồ. Lực lượng của ông Hồ mặc dầu chiếm được một số vũ khí của quân Nhật nhưng lúc đó thực lực còn rất mỏng. Mặt khác, ở miền Bắc còn có các đảng phái VN thân Trung Hoa. Các đảng phái quốc gia này chủ trương vừa chống Pháp thực dân vừa chống cộng sản. Họ theo chân các đạo quân của TH để về nước. Điều ghi nhận là các lực lượng này chủ trương chống Pháp đến cùng, dĩ nhiên chống sự trở lại của Pháp.

Sự hiện hữu của Hiệp ước Sơ bộ có thể được giải thích trên một số yếu tố như sau : trước hết là Pháp và phe ông Hồ có chung một kẻ thù cần tiêu diệt là các đảng phái quốc gia. Cả hai bên đều có lợi khi ký kết. Pháp có lợi khi ký với phe cộng sản vì đã nắm được con bài Võ Nguyên Giáp. (Ông Giáp và ông Hồ ủng hộ sự trở lại của Pháp). Ông Hồ cũng có lợi vì ông được nhìn nhận là người lãnh đạo chính thống. Phe quốc gia mặc dầu được Trung Hoa chống lưng vì vậy bị gạt ra ngoài, trở thành con mồi cho cả hai thế lực thực dân và cộng sản truy diệt.

Thứ hai, phe Trung Hoa, dĩ nhiên biết rõ tẩy ông Hồ (tức Hồ Quang), là thiếu tá Đệ bát lộ quân của Mao, nhưng hai ông tướng Tiêu Văn và Lư Hán đã nhận vàng hối lộ của ông Hồ (đến từ tuần lễ vàng) nên cũng chấp nhận ủng hộ ông Hồ. Cuối cùng là lý do chiến lược. Nội dung Hiệp ước giới hạn lực lượng quân đội của Pháp. Trung Hoa muốn gài một trái bom nổ chậm không thể gỡ cho Pháp ở miền Bắc để Pháp vĩnh viễn không thể dòm ngó vùng Hoa Nam nữa.

Hiệp ước sơ bộ ký kết, điều uớc quan trọng (mà cả hai bên chờ đợi) là Pháp nhìn nhận chính phủ VNDCCH của ông Hồ như là một « état libre – tiểu bang tự do » thuộc Liên bang Đông dương. Còn việc thống nhất « ba kỳ », Pháp hứa sẽ nhìn nhận kết quả qua cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau này.

Từ kết quả hiệp ước ta thấy nền « độc lập » của VNDCCH không có thực chất.

Ông Hồ và Pháp nhìn nhận rằng VNDCCH là một « tiểu bang tự do – état libre » trong liên bang Đông dương. Một số sử gia VN nhập nhằng chữ « Etat » ở đây và xem như là « quốc gia ». Thực tế không phải vậy. Chữ « état » nằm trong một liên bang có nghĩa là « tiểu bang » chứ không phải là « quốc gia ». Các « état - tiểu bang », như California, của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Các tiểu bang này cũng có quốc hội, ngân sách, chính quyền… riêng nhưng « chủ quyền » (tức quyền chủ tể) của nó lại thuộc về Liên Bang. Tức là những quyết định manh tính « tối cao », như về quân sự, ngoại giao… thuộc về chính quyền liên bang.

VNDCCH chỉ là một vùng lãnh thổ, giới hạn ở Bắc Kỳ, thẩm quyền của ông Hồ thấp hơn Toàn Quyền Pháp. VNDCCH không phải là một « quốc gia độc lập », tức quốc gia có chủ quyền.

Điều may mắn là cả hai bên đều xem hiệp ước này chỉ là « giai đoạn », không có ý muốn tôn trọng. Ông Hồ ký kiệp ước vì muốn Trung Hoa rút đi. Còn Pháp ký hiệp ước vì muốn trở lại miền Bắc. Phía thiệt hại nhiều nhứt là các đảng phái quốc gia. Theo một số dữ kiện từ văn khố Pháp, ông Giáp có quan hệ với mật thám Pháp. Cả hai bên nhờ vả trao đổi tin tức cho nhau để tiêu diệt phe quốc gia chống đối.

Một số sử gia cũng biện hộ « nền độc lập » của VNDCCH bằng cách đề cao tuyên bố độc lập của Bảo Đại ngày 12-3-1945. Nền độc lập của VNDCCH kế thừa nền độc lập của quốc gia « Đế Quốc VN » của Bảo Đại. Trên công pháp quốc tế lý lẽ này không thuyết phục. Như đã nói trên quốc gia « Đế quốc VN » của Bảo Đại không có thực quyền. Mặt khác, theo quyết định của phe Đồng minh thắng trận thì Nhật phải từ bỏ chủ quyền ở các vùng lãnh thổ đã chiếm trước chiến tranh đồng thời các chính quyền ở các nơi đây thì không được nhìn nhận. Quốc gia « Đế quốc VN » nằm trong tình trạng này.

Nền độc lập của Đế quốc VN không nước nào nhìn nhận. « Quốc gia » VNDCCH làm thế nào kế thừa cái mà không được ai nhìn nhận ?

Dầu vậy đó là điều may cho VN. Bởi vì, nếu « Đế quốc VN » của ông Bảo Đại là một quốc gia độc lập có chủ quyền thì VN sẽ bị Đồng minh xếp vào loại quốc gia « hợp tác với phát xít Nhật ». Lúc đó VN sẽ bị đối xử như là quốc gia bại trận. Hệ quả thế nào không ai có thể lường được.


Nền « độc lập » của VNDCCH chỉ có thật từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève 1954 ký kết chia đôi đất nước thành hai vùng lãnh thổ : VNDCCH và Quốc gia VN (sau này là VNCH). Nhưng nền độc lập này không hoàn hảo vì theo qui định của hiệp định Genève 1954, VNDCCH chỉ là một phần của quốc gia VN. VNDCCH trở thành một « quốc gia chưa hoàn tất ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.