lundi 31 août 2015

Nhân ngày độc lập 2-9 thử bàn về « nền độc lập » của quốc gia VNDCCH và chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nan giải của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày độc lập của Việt Nam có là ngày 2-9-1945, ngày ông Hồ đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), hay bất kỳ một ngày nào khác sau 1975, việc này không làm thay đổi được thực tế cũng như lịch sử. Đó là đảng CSVN đã lãnh đạo toàn diện ở miền Bắc, sau đó trên toàn cả nước từ 30-4-1975 cho đến hôm nay. Nhưng trên phương diện pháp lý, Việt Nam độc lập ngày nào lại có tác động rất lớn lên danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Quan điểm chính thống của Việt Nam hiện nay ngày 2-9 là ngày độc lập, là ngày “xóa bỏ chính quyền nhà nước của thực dân và phong kiến”. Quốc gia tên gọi VNDCCH là quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền bắc, trung, nam. Thực thể Quốc gia Việt Nam, sau này đổi tên là Việt Nam Cộng Hòa, do thực dân và đế quốc (âm mưu chia cắt đất nước) dựng lên. Chính quyền VNCH là « ngụy », làm « tay sai » cho thực dân và đế quốc. Theo Lê Duẩn (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III), nhiệm vụ của đảng CSVN là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”. MTGPMN được đảng dựng lên để thực thi việc này.

Câu hỏi đặt ra, trong trường hợp này chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về nước nào ?

Nhà nước VNDCCH đoạn tuyệt với “nhà nước của thực dân và phong kiến”. VNDCCH không thừa kế bất kỳ một danh nghĩa nào từ nhà nước tiền nhiệm (thực dân và phong kiến). Lãnh thổ (miền Bắc) và quyền lực của VNDCCH có được là do chinh phục (chứ không do kế thừa).

VNDCCH cũng không kế thừa bất kỳ danh nghĩa nào từ VNCH. Lãnh thổ miền nam cũng là lãnh thổ chinh phục được chứ không phải là lãnh thổ kế thừa. Trên phương diện pháp lý, VNDCCH không thể kế thừa những danh nghĩa về chủ quyền của VNCH. Đơn giản vì người ta không thể kế thừa cái mà trước đó mà người ta đã phủ nhận.

Quốc gia tên gọi VNDCCH là một “quốc gia mới”, do ông Hồ dựng lên, lãnh thổ và quyền lực có được do chinh phục. Một số đảo ở TS do VN quản lý hiện nay là đến từ sự “chinh phục”, không phải do kế thừa của VNCH.

Mới đây, một số dữ kiện, tài liệu gồm văn kiện chính thức và một số bản đồ của VNDCCH đã được Trung Quốc công bố ở diễn đàn LHQ. Theo đó nhà nước VNDCCH của ông Hồ đã nhìn nhận HS và TS thuộc TQ.

Như vậy, nếu đứng trên quan điểm chính thống của VN hiện nay, chủ quyền HS và TS là thuộc về TQ. Nhà nước CHXHCNVN hiện nay là nhà nước “kế tục” VNDCCH. Trên quan điểm công pháp quốc tế, nhà nước này có nghĩa vụ thi hành những cam kết về lãnh thổ của nhà nước tiền nhiệm.

Tuy vậy, lập trường của nhà nước CHXHCNVN hiện nay là HS và TS thuộc chủ quyền của VN. Các viên chức nhà nước VN hiện nay cố gắng phản biện lý lẽ của TQ bằng cách dựa vào hồ sơ chủ quyền HS và TS do VNCH lập nên.

Mà việc này chỉ có hiệu quả pháp lý nếu quan niệm chính thống về ngày “độc lập 2-9” cũng như cách nhìn lịch sử về thực thể VNCH thay đổi.

Các việc này thực hiện được hay không tùy thuộc lãnh đạo VN hiện nay biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên hay không.  

Ngày 2-9-1945 không phải là ngày “độc lập”.

Theo định nghĩa thông thường, « độc lập » của một quốc gia là tình trạng quốc gia không chịu ảnh hưởng của bất kỳ một quyền lực nào đến từ bên ngoài. Thời kỳ sau Thế chiến thứ II, thuật ngữ « độc lập » luôn đi đôi với « chủ quyền ». Một quốc gia sau khi thoát khỏi ách thuộc địa thường được gọi là « quốc gia độc lập và có chủ quyền – Etat indépendant et souverain ». Ý nghĩa của « chủ quyền », một cách đơn giản, có thể hiểu như là quyền lực tối thuợng, chủ tể (thẩm quyền của mọi thẩm quyền) trong quốc gia.

Với ý nghĩa như vậy thì ngày 2-9-1945 không thể là ngày độc lập của quốc gia Việt Nam.

Một tuần lễ sau ngày ông Hồ đọc « tuyên ngôn độc lập », ngày 9-9 quân đội của Trung Hoa đã có mặt tại Hà Nội. Quyền lực của VN từ thời điểm này thuộc về lực lượng quân đội TH (ở miền bắc) và quân Anh (ở miền Nam).

Không nắm được “quyền chủ tể”, VNDCCH của ông Hồ không phải là quốc gia “có chủ quyền”.
Sự hiện hữu của thực thể « quốc gia VNDCCN » cũng bị đe dọa, vì nó  tùy thuộc vào quyết định của quân Trung Hoa. Nền “độc lập” của VNDCCH vì vậy cũng không có thật.

Quốc gia VNDCCH cũng không được một quốc gia nào công nhận.

Một khuyết điểm lớn khác, đe dọa tính chính thống của ông Hồ và những người cộng tác sau này. Đó là việc ngày 6 tháng 3 năm 1946, ông Hồ ký với Pháp một hiệp ước gọi là « hiệp ước sơ bộ ». Theo đó Pháp nhìn nhận chính phủ của ông Hồ, với VN là một nước « tự do » nằm trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp.

Hiệp ước sơ bộ không hề nói một nước Việt Nam “độc lập” mà chỉ nói một nước « Việt Nam tự do » thuộc « Liên bang Đông dương » và khối « Liên hiệp Pháp ». Tức ông Hồ chấp nhận « quốc gia » Việt Nam, không bao gồm Nam Kỳ mà thực chất là một « tiểu bang » hay « xứ », nằm trong Liên bang Đông Dương, có qui chế pháp lý tương đương với xứ Bắc Kỳ.

Qua những chi tiết này ta thấy ngày 2-9 không thể là ngày “độc lập” của VN.

Và nó là một điều may cho dân tộc VN.

Chấp nhận thực tế này, những văn bản, tài liệu của VNDCCH nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ là không có giá trị pháp lý.

Vậy VN độc lập ngày nào ?

Ngày nào cũng được, nếu việc này giúp cho VN khẳng định được chủ quyền tại HS và TS.

Theo công pháp quốc tế, chủ quyền của quốc gia tại một vùng lãnh thổ phải thể hiện một cách liên tục, bất kể những thay đổi về thể chế chính trị.

Chiếu theo hòa ước 1884, nước Pháp đã cam kết “bảo vệ lãnh thổ” của nước An Nam, thay mặt triều đình nhà Nguyễn về các phương diện ngoại giao và nội chính.

Theo tình thần hòa ước này, từ năm 1925, nước Pháp đã long trọng thay mặt nhà Nguyễn tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử tại quần đảo Hoàng Sa, sau đó sáp nhập quần đảo này vào tỉnh Thừa Thiên. Nhà nước bảo hộ cũng tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa vào VN năm 1933 dưới danh nghĩa “lãnh thổ vô chủ”.

Hiệp định Genève 1954 ký kết, hai quần đảo HS và TS, ở về phía nam vĩ tuyến 17, do VNCH quản lý.

Điều này cho thấy là tại HS và TS, từ thời nhà Nguyễn, chuyển sang thời bảo hộ Pháp, cho đến năm 1975, thẩm quyền quốc gia Việt Nam về lãnh thổ luôn luôn được thể hiện một cách liên tục trên các vùng lãnh thổ này.

Sự liên tục quốc gia đã thể hiện.

Vấn đề chỉ đặt ra sau 30-4-1975. Chính quyền VNCH đã bị sụp đổ. Chủ quyền HS và TS có được được Chính phủ lâm thời MTGPMN kế thừa hay không ?

Sự kế thừa một quốc gia là thay thế quốc gia đó trong trách nhiệm những quan hệ quốc tế về lãnh thổ.
Vấn đề kế thừa VNCH sẽ không đặt ra, vì một nước VN thống nhứt sau đó, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN là nhà nước “tiếp nối” VNDCCH. 

Mặt khác, CHXHCNVN do VNDCCH và CPLTCHMNVN kết thành. Nhưng nhân sự lãnh đạo thực thể MTGPMN là một bộ phận của đảng CSVN. Nhân sự lãnh đạo hai bên VNDCCH và MTGPMN đều nằm trong đảng. Hai bên vì vậy cũng là một.

CHXHCNVN hôm nay không thể cùng lúc kế thừa hai lập trường đối kháng.

Ngày độc lập 2-9 đã đưa tới sự bế tắc về pháp lý (CHXHCNVN hôm nay có nghĩa vụ thực thi những cam kết của nhà nước tiền nhiệm VNDCCH) như phần trên đã viết. Trở ngại lớn lao vừa trình bày, là sự gián đoạn về chủ quyền của VN tại HS và TS. CHXHCNVN không thể “kế thừa” danh nghĩa chủ quyền HS và TS từ VNCH hay từ MTGPMN.

Trong khi đó trên thực tế, đã chứng minh, VNDCCH không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền, ít nhứt cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết (20-7-1954).

VNDCCH cũng không phải là quốc gia Việt Nam duy nhứt, thống nhứt ba miền. Nội dung hiệp định Genève qui định VNDCCH chỉ mà “một phần” của quốc gia Việt Nam mà thôi. Điều này khẳng định lại theo nội dung Hiệp định Paris 1973. 

Việc thống nhứt đất nước là vấn đề "nội bộ" của quốc gia Việt Nam.

Dựa trên thực tế này tất cả những tuyên bố, những hành vi của VNDCCH (nhìn nhận HS và TS thuộc TQ) là không có giá trị pháp lý. Đơn giản vì nó đi ngược là nội dung các hiệp ước quốc tế nền tảng 1954 và 1973 về "toàn vẹn lãnh thổ".

Vì vậy, vấn đề chủ quyền HS và TS tùy thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo đảng CSVN. Những người này có đặt quyền lợi đất nước lên trên hay không ? Có dám nhìn sự thật lịch sử hay không ?

Nếu dám nhìn sự thật, ngày độc lập của VN có thể là ngày 30-4-1975.

Ngày này có đủ các yếu tố để trở thành ngày độc lập: thẩm quyền quốc gia bao trùm trên toàn lãnh thổ. Thẩm quyền này “độc quyền” và “tối thuợng”. Tuy nhiên, lúc đó cộng đồng thế giới vẫn chưa nhìn nhận VN là một nước “độc lập”.

Ngày “hiệp thuơng thống nhất đất nước” 21-11-1975 (hoặc ngày 3-7-1976 khai sinh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cũng đều có thể là ngày độc lập thật sự. Từ những ngày này, quốc tế nhìn nhận VN là một nước độc lập, thống nhất và có chủ quyền toàn vẹn.


Cho dầu ngày nào, đảng CSVN cũng lãnh đạo VN một cách toàn diện không chia sẻ. Vấn đề là ngày nào thì chủ quyền của VN tại HS và TS được khẳng định và ngày nào thì VN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.