Người đã dán cái nhãn « một dân tộc anh hùng » cho
dân tộc VN thực ra mới là người thâm độc. Cái nhãn đó tương tự cái lá bùa dán
trên đỉnh ngọn Ngũ Hành Sơn đè Tề Thiên đại thánh nằm chết dí ở dưới. Bây giờ
muốn gỡ bùa là không dễ.
Một « dân tộc anh hùng », sống với chuẩn mực đạo
đức « anh hùng », ra ngõ là gặp « anh hùng ». Nhưng
« anh hùng » là gì ?
Đọc lịch sử VN thì thấy : anh hùng là những người gan
dạ, dám đem thân lấp lỗ châu mai, dám ôm bom cho nổ phanh thây chết cùng với
« quân thù ». Anh hùng chống Tây, anh hùng diệt Mỹ…
Anh hùng là đồng nghĩa với việc giết chóc, máu đổ đầu rơi.
Sẽ không lạ khi lá cờ của cái « dân tộc anh hùng » này có màu đỏ của
máu.
Chất « anh hùng » của « dân tộc anh
hùng » đó được xuất khẩu (rất thành công) sang các xứ hồi giáo chủ nghĩa ngu
dân. Các xứ này thay kinh Mác bằng kinh Coran ở mặt tối tăm nhất.
Bọn khủng bố Taliban trước đây, hay quốc gia Hồi giáo
(Daech) mới đây, học chủ nghĩa « dân tộc anh hùng » từ A đến Z. Chỉ
khác cái là tên gọi. « Anh hùng » từ nay đổi thành
« thánh ». Ra ngõ là gặp thánh nhân (chứ không gặp anh hùng như VN
nữa).
Vấn đề là trò ngày nay hơn thày ngày trước. Ngọn lửa căm thù
được khơi dậy bằng lòng ái quốc xem ra không bằng ngọn lửa thánh chiến của Allah,
ông Chúa của đạo Hồi. Cho dầu « anh hùng » ngày xưa và « thánh
nhân » ngày nay cùng được đo lường bằng sự chết chóc của người vô
tội.
Anh hùng ngày xưa, « thánh nhân » ngày nay, bình
thản ria đạn AK vào đám đông, cắt đầu nạn nhân vô tội, hay thơi thới ôm bom vào
chỗ chết. Muốn làm « anh hùng », làm « thánh », là phải
« giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ… » người chết càng nhiều
càng tốt, « cho ruộng đồng tươi tốt, lúa thêm xanh… ». Những tấm hình
khủng bố ở Sài Gòn ngày xưa mới đây được đăng lại, mức độ man rợ có khác gì
Charlie Hebdo hay Paris 13-11 mới hôm qua ?
Chỉ khác nhau ở tên gọi. Họ là « anh hùng », họ là
« thánh nhân » ? « Công ơn » của họ được đền đáp.
« Thánh » được hứa hẹn sống trên « thiên
đàng ». Người ta cũng không quên thêu dệt, trên đó có hàng hàng trinh nữ đẹp
xinh để ông thánh giải sầu. Còn « anh hùng », lỡ sa chân, thì được
phong làm « liệt sĩ ».
Kinh Coran cực siêu, hơn hẵn thuyết « đấu tranh giai
cấp » của Mác. (Chuyện gì cũng vậy, không có « gái » là không
xong).
Thiên đàng của ông Mác hứa hẹn đi hoài không tới, xây mãi
không thành. Thiên đàng ông Mác hứa hẹn là cho người sống. Trong khi
« thiên đàng » của Allah là thiên đàng cho người đã chết. Cái siêu là
ở đó.
Ai cũng muốn được làm « thánh » làm « anh
hùng » ! Càng dốt nát thì càng muốn làm anh hùng.
Càng liều thì càng
dễ làm anh hùng. Khi « không có gì để mất » thì càng dễ thành
« anh hùng » hơn.
Đau khổ cho dân tộc Việt Nam anh hùng. Cái « chuẩn mực
đạo đức anh hùng » đó đã được hun đúc từ chủ nghĩa ngu dân, áp dụng từ VN
từ hơn ½ thế kỷ.
Đất nước được xây dựng trên nền tảng « ý thức hệ ».
Điều này quá sức dễ. Lãnh đạo càng dốt thì càng dễ thành công. Giáo dục nhồi
nhét kiến thức duy vật, mối giềng đạo đức giở bỏ, bản năng con người ngày càng
tiến gần đến bản năng con thú. Chuẩn mực đạo đức trong xã hội là « cách
mạng – phản động ». Cái gì có lợi cho cách mạng là « đạo đức ». Mọi
quan hệ đều đặt trên căn bản « địch – ta ». Đầu óc phê phán biến
tướng trở thành chủ nghĩa tố cáo.
Quan hệ người với người, tiến hóa hàng triệu năm, thành xã
hội gọi chung là « nhân loại », được xây dựng, gắn bó chung quanh các
giá trị cơ bản gọi là « nhân đạo ». Xã hội vô sản duy vật đã thất
bại, nhưng di sản của nó chuyển lại (nguyên con) cho xã hội duy vật kinh tế thị
trường. Đồng tiền trở thành qui luật, xã hội tàn độc còn hơn xã hội loài thú.
Cái « bản chất anh hùng » của người Việt bây giờ
không còn đất dụng võ. Vì đâu còn dịp để om bom (như kiểu nhà hàng Mỹ Cảnh),
đem thân bít lỗ châu mai, hay đem thân làm đuốc sống ? Vì vậy bản chất này
được thể hiện qua mọi cách khoe khoang (còn gọi là « nổ »). Nhưng dầu
vậy vô hại. Cái hại là quán tính phê phán trên hai bờ « địch - ta », ai
không theo ta thì đó là kẻ thù.
Có khác gì bọn Daech, ai không theo đạo Hồi kẻ đó là đáng
chết ?
Nhớ ngày xưa, thập niên 60, 70 khi Mỹ dội bom miền Bắc, cả
thế giới lên tiếng phản đối chống lại Mỹ. Trí thức Pháp, (và cả Châu Âu) tả
cũng như hữu, hướng dẫn dư luận thảy đều xuống đường biểu tình chống Mỹ. Người
Mỹ đã sai và phải rút khỏi VN. Người ta nói VN thắng Mỹ trước hết là thắng tại
Paris.
Ở đây người ta xây dựng đất nước trên những « giá trị
cơ bản » mà con người (cá nhân) là mục đích trung tâm. Vì vậy ưu tiên của
các xã hội này là giáo dục và đào tạo. Người dân nào cũng được giáo dục để có
kiến thức, có tri thức tối thiểu để nhận diện và phê phán sự việc trên các chuẩn
mực của đạo đức (thiện – ác), của khoa học, của chân, thiện, mỹ… Đất nước của người
ta ngày càng tiến bộ.
Nhìn lại VN, chỉ xét thái độ của (một số) facebookers VN về biến
cố Paris 13-11, ta cũng biết sự tha hóa, không chỉ về đạo đức mà còn về kiến
thức, của con người VN đã trầm trọng tới mức nào. Họ bình thản so sánh những
cái chết ở Paris với những cái chết (vì xe cộ) ở VN, sau đó phê phán những
người biểu lộ tình liên đới, chia sẻ đau thuơng và phẫn nộ đối với người dân
Pháp.
Biến cố Charlie Hebdo, thế giới hầu hết lên tiếng nói « je
suis Charlie – tôi là Charlie », ý nghĩa sâu xa của thái độ này là
bênh vực quyền tự do ngôn luận. « Tự do ngôn luận » là một « giá
trị nền tảng » của các xã hội văn minh. Xâm phạm đến nó, tiêu diệt nó, xã
hội này sụp đổ. Có người phản đối, vì cho rằng « tự do ngôn luận »
cũng có giới hạn. Tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền xúc phạm đến các đấng
thiêng liêng. Việc phản đối này dầu sao cũng có căn cứ.
Nhưng khi so sánh những cái chết (lãng nhách vì xe cộ) với những
cái chết là nạn nhân của cái ác, vô hình chung họ đã đề cao cái ác. Ở đâu lại
không có người chết vì tai nạn xe cộ ? Dĩ nhiên, cái chết nào cũng đem lại
đau buồn cho gia quyến, mọi người đều phải tôn trọng và chia sẻ những đau
thuơng mất mát này với tang gia.
Cũng có người so sánh những cái chết ở Paris 13-11 với những
cái chết ở Syrie. Theo tôi là không nên. Người chết ở Paris là nạn nhân của sự
man rợ, còn cái chết ở Syrie là nạn nhân vì chiến tranh.
Thế giới này người ta phân chia ra thành từng « khối »,
hay « liên minh », gồm một số quốc gia chia sẻ chung những giá trị cơ
bản, nói chung là các giá trị về nhân quyền.
Trong biến cố Paris 13-11, hầu hết các nước đều lên tiếng
chia buồn với dân tộc Pháp, đồng thời lên án hành vi khủng bố của Daech (IS). Họ
lên tiếng phân ưu vì họ đứng về phía « ánh sáng », phía « thiện »,
phía « đúng »...
Lại có người so sánh (số nạn nhân) qua hành vi dội bom trả
đũa của Pháp. Không thấy đưa ra con số « nạn nhân » bao nhiêu người
chết trong cuộc dội bom này. Nhưng vấn đề có nhiều điều cần nói. Những mục tiêu
dội bom của Pháp là các căn cứ « quân sự » của Daech. Nếu có chết
người, thì đó là « hệ quả của chiến tranh ». Pháp đã tuyên bố chiến
tranh, mà đây là quyền tự vệ chính đáng. Trong chiến tranh, theo qui ước, là
không giết dân lành (tức những người không cầm súng). Bọn Daech, còn hơn là tội
phạm chiến tranh, chúng là những « tội phạm chống nhân loại ».
Nhiều người VN còn nguyên quán tính phê phán sự việc đơn
thuần trên tinh thần « địch – ta », chớ không phê phán trên « lẽ
phải », trên những giá trị phổ cập của nhân loại. Nếu dựa lên tinh thần « địch
– ta », thì dư luận Pháp (và Châu Âu) đã không ủng hộ VN trong thời kỳ
chiến tranh, chắc chắn VN đã không bao giờ thắng Mỹ.
Nếu việc phê phán theo lối này không sớm chấm dứt, chắn chắn
VN sẽ cô lập trên thế giới. Hiện nay VN đã « cô đơn » ở Biển Đông. VN
không chia sẻ bất kỳ tư tưởng, giá trị sống nào với Pháp (và các nước Châu Âu)
để các nước này lên tiếng bênh vực. Họ chỉ lên tiếng chung chung, vì quyền lợi
của họ, chớ không vì « lẽ phải ».
VN không biết « lẽ phải » thì không có lý do gì
các nước này phải lên tiếng bênh vực, cho dầu những hành vi của TQ ở Biển Đông
đã không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn mang tính chất « tội phạm
chống nhân loại » qua các hành vi đối xử với ngư dân VN.
Chủ nghĩa anh hùng vẫn còn chảy trong huyết quản của đại đa
số dân VN, cũng như Ngũ hành sơn đè lên Tề Thiên đại thánh. Càng huênh hoang « anh
hùng » thì càng sa vào tối tăm, chậm tiến. Hãy giao « bản sắc anh
hùng » đó cho bọn đạo cuồng khát máu Daech, như Tề Thiên vươn vai thành
người tự do.
Để trở thành người « tự do », trước hết là tiếp
thu những giá trị phổ cập nền tảng của loài người. Người tự do là tự do từ trong tư tưởng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.