Tập Cận Bình vừa qua có đọc diễn
văn ở Quốc Hội VN. Thông điệp gởi đến đảng CSVN rất rõ ràng : muốn làm bạn
(thân) với Trung Quốc thì VN phải « thủ tín ». « Tín giả, giao
hữu chi bản » - chữ tín là nền tảng của quan hệ bạn bè.
Nhưng Tập Cận Bình muốn lãnh đạo VN
« thủ tín » về chuyện gì ?
Thông thường, ngôn ngữ ngoại giao,
muốn hiểu ta phải đọc ở giữa hai hàng chữ. Đàng này Tập Cận Bình nói toạt móng
heo. Ông yêu cầu VN tôn trọng « nhận thức chung » đạt được giữa lãnh
đạo cao cấp hai bên về các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Dĩ nhiên, điều
này bao hàm rất nhiều việc quan trọng đã diễn ra trong quá khứ. Quan điểm của
VN thể hiện qua công hàm 1958, mục đích ủng hộ tuyên bố của TQ về chủ quyền,
cũng là một hình thức thể hiện việc « nhận thức chung » của lãnh đạo
hai bên. (VN « thủ tín » nội dung tuyên bố này là VN nhìn nhận chủ
quyền của TQ tại HS và TS). Ông Tập cũng yêu cầu VN phải « khép lại quá
khứ » và « hướng tới tương lai ». Ý nghĩa của nó là những chuyện
như xây dựng đảo nhân tạo vừa rồi của TQ ở các bãi, đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu
Viên, Vành Khăn, Subi, Gaven, Huy Gơ… là chuyện « quá khứ », không
được nhắc tới nữa.
Nhưng vấn đề là, trong vấn đề tranh
chấp chủ quyền lãnh thổ giữa VN và TQ, từ xưa đến nay, phía Trung Quốc luôn sử
dụng « thủ đoạn » để gài VN vào một tình huống tế nhị, buộc phía VN
nhìn nhận tình huống đó, cuối cùng ép phía VN phải « thủ tín », không
được nói ngược lại.
Một số sự kiện lịch sử về tranh
chấp lãnh thổ giữa hai nước VN-TQ nhắc lại sau đây cho thấy một số « thủ
đoạn » của TQ đã sử dụng để lấn chiếm đất đai của VN.
1/ Vụ nổi tiếng nhứt có lẽ là vụ
đất Tụ Long năm 1724.
Tổng Tụ Long (thuộc châu Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) là một vùng đất có
nhiều mỏ kim loại quí. Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn ghi lại tên một số mỏ :
mỏ bạc và mỏ đồng ở làng Na Ngọ (các mỏ Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mậu
Hưng), mỏ đồng Bán Gia, mỏ kẽm Kha Thôn, các mỏ bạc Nam Ðương, Long Sinh, Thủy
Ðộng, Minh Chiều, Ðà Gia v.v…
Biên giới khu vực tổng Tụ Long, giữa phủ Khai Hóa của TQ với VN là con
sông nhỏ mang tên Đổ Chú.
Lê Quí Đôn ghi lại diễn biến trong tập Kiến văn tiểu lục. « Thủ đoạn » của TQ sử
dụng ở đây để chiếm đất Tụ Long là nhập nhằng đặt tên các làng xã của khu vực
này bằng tên các địa danh của TQ, hay những tên phát âm gần giống như vậy.
(Điều nên biết là có nhiều tiếng Hán đồng âm nhưng khác nghĩa). Thí dụ làng Ma
Tu 痲須 thì TQ nhập nhằng với trại Mã Đô 馬都; làng Tà Lộ 斜路 với trại Bố Ðô 布都;
làng Phù Không 扶空 với trại A Không 阿空;
làng Phù Ni 扶尼 với trại Bạch Nê 白泥;
làng Nhĩ Hô 爾呼 với trại Ngưu Hô Hắc 牛呼黑…
Điều quan trọng là nhập nhằng con sông Đổ Chú, vốn là đường biên giới, với
con suối mang tên Tam Khê 三溪 ở xa về phía nam. Sau đó phía TQ hô hoán rằng VN chiếm đất của TQ.
Thế là phía TQ (có danh nghĩa) xua quân qua chiếm lại. « Thủ
đoạn » này không thành. Bởi vì cha ông chúng ta thời điểm này có những người
sáng suốt, biết rành mạch lãnh thổ của mình có từ đâu tới đâu. Họ tranh cãi với
quan chức TQ (tại triều đình của TQ), với sử liệu, văn bản địa chí, bản đồ… cụ
thể đính kèm. Điều may (cho VN) lúc đó TQ do nhà Mãn Thanh trị vì. Ông vua người
Mãn Châu xem ra công chính, biết điều phải trái (hơn ông vua họ Tập bây giờ). Tháng 4 năm 1725 vua nhà Thanh ra chiếu
trả lại toàn vùng đất Tụ Long cho Việt Nam.
2/ Vụ thứ hai, cũng là vùng đất Tụ
Long. TQ dùng « thủ đoạn » để chiếm đất này nhân cơ hội phân định biên giới Pháp-Thanh
1885-1887. Kỳ này họ đã thành công. Từ đó (1887), vùng đất rộng 750 km² này,
với nhiều mỏ kim loại quí giá, đã vĩnh viễn thuộc về TQ. Trên bản đồ hiện nay
Tụ Long được đổi tên là Đô Long, gần Mã Bái Quan, phía nam phủ Khai Hóa, Vân
Nam.
« Thủ đoạn » mà TQ sử dụng, lợi dụng việc các viên chức Pháp
phu trách phân định biên giới không rành thực địa, họ vẽ lại bản đồ đặt tên
sông Lô là Đổ Chú. Sông Lô ở rất xa sông Đổ Chú (tức biên giới thật) về hía
nam.
Cuối cùng việc này các nhân viên Pháp biết được (nhờ tham khảo tập Kiến
Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn), vẽ đường biên giới lại và chỉ rõ (cho phía TQ
biết) đâu là vị trí con sông Đổ Chú thật.
Bẽ bàng, phía quan chức TQ bèn giỡ « thủ đoạn » nói láo, cho
rằng con sông Đổ Chú thật (tức đường biên giới), tên là « Tiểu Đổ chú hà ».
Còn sông Đổ Chú thật, tức sông Lô (Pháp gọi là rivière Claire – sông nước
trong), là Đại Đổ Chú hà.
Cuối cùng vụ tranh chấp này được giải quyết tại Bắc Kinh. Phía Pháp
muốn được lợi lộc kinh tế nên nhượng vùng đất này cho TQ.
3/ Vụ thứ ba là đất ở hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải
Ninh (Quảng Ninh bây giờ).
Phía TQ cũng dùng « thủ đoạn » để lường gạt các nhân viên
phân giới người Pháp để lấy đất của VN.
Theo biên bản phân định biên giới ngày 29-3-1887 thì hai bên nhìn nhận
đường biên giới đi qua nói Phân Mao.
Vị trí núi Phân Mao, theo địa chí của TQ thì ở gần Khâm Châu. Núi này
nổi tiếng vì (nghe nói) có trụ đồng của Mã Viện cắm trên đó, đánh dấu cương vực
hai bên VN và TQ.
Đến khi ra thực địa cắm mốc, phía TQ vẽ bịa ra trên bản đồ một trái núi
ở gần Động Trung, cho đó là núi Phân Mao. Họ còn cho dựng một cái am thờ dưới
chân núi, gọi đó là đền thờ Phục Ba tướng quân (tức Mã Viện). Việc này không
qua mắt được các viên chức Pháp vì địa chí của TQ đã chỉ rõ ngọn núi này ở xa
về phía bắc.
Bẽ bàng, các viên chức người Hoa ngụy biện rằng núi ở Động Trung là « Đại
Phân mao lĩnh » còn núi ở gần Khâm Châu là « Tiểu Phân mao lĩnh ».
Cuối cùng thì (nhờ thủ đoạn) phía TQ cũng chiếm được vùng đất này. Theo
bản báo cáo của viên chức phụ trách phân giới :
« người Hoa đã dành được của An Nam
một vùng đất… trên một chiều dài khoảng 40 cây số, người ta đã bỏ biên giới
lịch sử của An Nam và Trung Hoa để lấy một đường biên giới khác, ở xa về phía
nam, một đường biên giới hoàn toàn qui ước. Việc này đã nhường cho Trung Hoa 7
xã rưỡi thuộc tổng Bát Tràng của An Nam và hai xã khác cũng của An Nam thuộc
tổng Kiến Duyên. »
4/ Vụ thứ tư là khu vực đất trước ải Nam Quan.
Biên giới lịch sử giữa hai bên VN và TQ từ lâu đã được xác lập là các ải
thông thuơng giữa hai nước, như ải Du, ải Bố Sa, ải Sơn Tử, ải Bình Nhi, ải Ná
Chi, ải Khấu Sơn v.v…
Theo lý lẽ đó thì khu vực Nam Quan, đường biên giới phải đi qua ải này.
Trong cuộc phân định biên giới Pháp-Thanh 1887, phía người Hoa cũng lập
« thủ đoạn » để lấn đất của VN. Nhiều văn bản của các viên chức người
Pháp ghi chép lại cho thấy phía người Hoa, trước ngày phân định biên giới, đã cố
gắng dời vị trí các ải về phía nam để dành đất. Điều này thành công ở các ải
tạm bợ, nhưng không thành công tại các ải như Nam Quan, Bình Nhi, Thủy Khẩu… vì
nơi đây là các công trình xây cất.
Dầu vậy, ở Nam Quan, phía TQ cũng dùng thủ đoạn « chây lì »
để lấn đất về phía VN.
Theo biên bản số 4, phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi, ký ngày 7 tháng
4 năm 1886, Pháp nhượng bộ đòi hỏi của TQ, đường biên giới phải lui về phía nam
100 mét, tức cách cổng Nam Quan 100 mét.
Người Pháp phải « thí cô hồn » 100 mét đất ở đây cho TQ để
khai thông việc phân định.
Nhưng sau đó phía TQ lại dùng « thủ đoạn » gài bẫy cho nghĩa
quân (và giặc Cờ Đen) phục kích giết chết một số nhân viên phân định biên giới.
Làm việc này phía TQ buộc Pháp phải bỏ việc phân định trên thực địa mà phải
phân định trên bản đồ.
Vấn đề là phía TQ dùng « thủ đoạn », vẽ bản đồ sai, hoán đổi
các địa phương, đặt tên TQ cho những địa phương VN, nhằm chiếm đất của VN.
5/ Vụ thứ năm gồm tổng Đèo Lương (thuộc tỉnh Cao Bằng), (vụ này có quan
hệ đến khu vực thác Bản Giốc và núi Khấu Mai). Phía TQ lợi dụng việc phân giới
trên bản đồ, đã hoán đổi địa danh trên bản đồ, đặt tên làng xã của VN bằng tên
các làng xã thuộc TQ.
Tổng Đèo Lương ở phía đông bắc tỉnh Cao Bằng, phía nam Thủy Khẩu, phía
bắc có sông Qui Xuân chảy vào, diện tích khoảng 300km². Trên bản đồ hiện nay là
phần lõm vào ở đông bắc Cao Bằng.
Trường hợp mất được ghi vắn tắt qua nhật ký của Ủy ban Phân giới vùng
Quảng Tây, trong chiến dịch phân giới 1893-1894. Theo đó, phía TQ đã lấy tên
của một số làng xã của phía TQ để đặt tên cho các làng xã thuộc tổng Đèo Lương
Cuối cùng, Pháp nhượng bộ, Ðèo Lương thuộc TQ, nhưng với điều kiện núi (quan
trọng về chiến lược) Khấu Mai (TQ gọi là Khấu Mai Lĩnh, VN gọi là Cao May)
thuộc về VN.
Vấn đề thác Bản Giốc. Theo các chi tiết đã ghi trong các biên bản, nhật
ký phân giới, sông Qui Xuân (Qui Thuận, Quây Sơn) chảy vào phía bắc của tổng
Đèo Lương. Vào lúc phân giới thác Bản Giốc nằm sâu trong lãnh thổ của Việt Nam.
Nếu không mất Đèo Lương thì sẽ không bao giờ có tranh chấp chủ quyền tại Bản
Giốc vào những năm sau này, vì nó sẽ nằm sâu vào lãnh thổ VN.)
6/ Vùng đất Bạch Long (phía bắc tỉnh Quảng Ninh, bên kia sông Bắc Luân
hiện nay). Đất này, theo địa chí của TQ là thuộc về VN. Biên giới hai bên VN và
TQ khu vực này mở ra cho tới Phòng Thành. Phía TQ cũng dùng « thủ đoạn »
để chiếm đất này năm 1887, bằng cách mua chuộc các viên chức người Pháp.
7/ Sau khi phân định lại biên giới năm 1999, đất thuộc các khu vực Nam
Quan, Bản Giốc, Khấu Mai, Trình Tường… cũng như nhiều cao điểm chiến lược của
VN bị nhượng cho TQ.
Mọi người có thể tìm hiểu lý do ở Bạch thư năm 1977 của VN (hay ở các
viên chức phụ trách việc phân giới).
8/ Về Hoàng Sa và TS, thì cả một quá trình « thủ đoạn » tiếp
nối « thủ đoạn » mà TQ đã giàn dựng để chiếm của VN.
Cũng bằng một « thủ đoạn », lặp đi lặp lại xưa nay, là lấy
tên một địa danh nào đó của TQ, đặt cho các địa danh của VN, sau đó hô hoán
rằng VN lấn đất.
Trường hợp Hoàng Sa, TQ hô hoán VNCH lấn đấn rồi đem quân đánh chiếm.
TQ lấy những tên « mịt mờ » trong sách cổ, như « Thất
châu dương », rồi « Cửu nhũ loa châu », rồi « tây sa quần
đảo » để đặt cho Hoàng Sa của VN.
Mịt mờ vì những cái tên này hoặc là các địa danh thuộc TQ kế cận đảo
Hải Nam, hoặc là những cái tên địa danh của nước khác.
Trường Sa cũng vậy. Đến những năm gần đây, TQ vẫn xem lãnh thổ cực nam
của TQ là « Tây Sa quần đảo ». Trước đó, cũng không xa lắm, sử sách
của nhà Minh, nhà Thanh… đều khẳng định lãnh thổ cực nam của TQ là đảo Hải Nam.
Kết luận :
Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm
18-10 có viết bài lên giọng đe dọa : « vấn đề Biển Đông, TQ sẽ
sử dụng mọi thủ đoạn cần thiết để bảo vệ lãnh thổ ».
Hôm kia Tập Cận Bình kêu gọi VN « thủ
tín ».
TQ luôn sử dụng trước « thủ
đoạn », gài VN vào việc đã rồi, sau đó yêu cầu VN « thủ tín.
Công hàm năm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký kết quả của một « thủ
đoạn ».
VN có thể nào « thủ tín » hay không ?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.