Khủng hoảng về nhân sự trong đảng CSVN kỳ đại hội này có nhiều
phần giống khủng hoảng nhân sự thời kỳ "hậu đổi mới".
Thời kỳ hậu đổi mới bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ TBT của ông
Nguyễn Văn Linh cho đến Hội nghị Thành Đô tháng 9 năm 1990.
Thời kỳ này, khối XHCN do LX lãnh đạo bị sụp đổ, nội bộ đảng
CSVN phân vân giữa hai ngả đường : hòa với Mỹ để phát triển hay ngả về Tàu để bảo
vệ thành trì XHCN.
Vấn đề "lựa chọn" đặt ra có vẻ đơn giản. Bởi vì
sau 1975, VN đã đối đầu với TQ qua cuộc chiến biên giới 1979. Cuộc chiến "dạy
cho VN một bài học" của Đặng Tiểu Bình không chấm dứt sau khi TQ rút quân
về, mà tiếp tục dai dẵn trên vùng biên giới cho đến cuối năm 1989. Cùng lúc đối
đầu với TQ ở biên giới phía bắc, phía tây nam VN mở cuộc chiến chống quân
Polpot (được TQ hỗ trợ sau lưng). Tức quan hệ giữa hai bên VN và TQ là quan hệ
kẻ thù không đội trời chung.
Trong khi đó, đối với Mỹ, sau cuộc chiến 1975 VN là kẻ thù
không thể dung thứ. VN bị Mỹ cấm vận cho tới thập niên 90. Nên biết trong cuộc
chiến chống Polpot, Mỹ đã cùng với TQ, vốn là hai phe đối nghịch về ý thức hệ,
giúp cho Polpot để đánh VN. Tức là, VN vừa là kẻ thù của TQ, vừa là kẻ thù của
Mỹ.
Việc lựa chọn bên nào để "giảng hòa" đều không đơn
giản. Đi với phe nào cái giá phải trả đều rất đắt. Đi với Mỹ, đất nước chắc chắn
sẽ phát triển, như Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng chế độ chính trị phải thay đổi. Cái
giá phải trả là dân chủ hóa chế độ. Còn đi với TQ, đảng CSVN sẽ được bảo đảm tồn
tại, nhưng cái giá phải trả là đất nước thì phải sa vào vòng lệ thuộc (kinh tế
và ý thức hệ).
Mọi người đều biết, phe chủ trương làm hòa với TQ thắng thế.
Quyền lợi của đảng được đặt nặng hơn quyền lợi của đất nước.
Theo một số tài liệu, qua trung gian của Lê Đức Anh, lúc đó
là Bộ trưởng bộ Quốc phòng, quan hệ được thiết lập với phía TQ. Nhờ đó Phạm Văn
Đồng đã dẫn Nguyễn Văn Linh và Đổ Mười sang Thành Đô (thủ phủ Tứ Xuyên) để hội
kiến với Giang Trạch Dân và Lý Bằng (vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990) để
thương lượng việc bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước.
Hồi ký Trần Quang Cơ đã nói về hệ quả của Hội nghị Thành Đô ở
vấn đề Campuchia. Việc nhượng bộ của VN ở vấn đề Campuchia chỉ là một phần của
"gói điều kiện" để VN bình thường hóa với TQ.
Về chủ quyền lãnh thổ, hai bên VN và TQ nhìn nhận những sự
việc đã xảy ra trong quá khứ thì không nhắc tới nữa. Điều này hàm ý, những vùng
lãnh thổ mà TQ chiếm được của VN (trước 1990) thì không nhắc tới nữa. Chúng thuộc
về TQ.
VN nhượng cho TQ những cao điểm, những vùng đất quan trọng về
kinh tế và chiến lược, mà TQ đã chiếm được trong cuộc chiến biên giới (từ năm
1979 cho đến 1989). Trên biển thì VN nhìn nhận hành vi thụ đắc chủ quyền lãnh
thổ (bằng vũ lực) của TQ tại một số bãi của VN tại TS (biến cố Gạc Ma 1988),
cũng như mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS.
Đổi lại, VN được TQ đồng ý thiết lập bang giao. Về chính trị,
VN trở thành một phần tử của thành trì xã hội chủ nghĩa do TQ lãnh đạo.
Theo "chính sử", hiện nay có hai ý kiến. Phe thứ
nhứt ủng hộ thái độ (dắt mối) của Lê Đức Anh. Phe này cho rằng nhờ Lê Đức Anh
mà VN mới thoát khỏi "vùng xoáy của nước lớn". Phe thứ hai ủng hộ lập
trường "hòa Mỹ" của Nguyễn Cơ Thạch. Phe này cho rằng hội nghị Thành
Đô đã mở đầu nền Bắc thuộc mới.
Từ hôm nay nhìn lại, dĩ nhiên ta thấy ý kiến "hòa Mỹ"
của Nguyễn Cơ Thạch có lợi cho đất nước và dân tộc hơn: đất nước được phát triển
sớm hơn, với nhịp điệu nhanh chóng và chắc chắn hơn. Sự toàn vẹn lãnh thổ cũng
được bảo toàn.
VN hiện nay đã trở thành thuộc địa (kiểu mới) của TQ. Về kinh
tế, chỉ nhìn cán cân thương mãi luôn nghiêng về phía TQ (hàng năm khoảng trên
30 tỉ đô la) ta thấy được một phần của tảng băng. Hàng hóa của TQ tràn ngập VN.
Hầu hết những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở VN đều do phía TQ trúng thầu.
VN cũng ký kết nhiều hiệp ước bất bình đẳng với TQ, cho phép họ khai thác khoán
sản (bô xít) bất kể thiệt hại môi trường...
Do lệ thuộc vào TQ mà VN không thể phát triển một cách bình
thường như những nước khác trong khu vực.
Nguyễn Cơ Thạch xem lợi ích của đất nước và dân tộc là quan
trọng, chủ trương hòa với Mỹ để đất nước phát triển và sinh tồn. Trong khi Lê Đức
Anh chủ trương lệ thuộc vào TQ để đảng được sinh tồn.
Cái gọi là "vùng xoáy của nước lớn" không hề hiện
hữu. LX (và khối XHCN) sụp đổ, VN "mồ côi" điểm tựa. Có hai đường để
đi: lệ thuộc TQ hay hòa với Mỹ ? Lê Đức Anh (và ông Đồng, ông Mười) đã lựa chọn
cho VN con đường tồi tệ nhứt.
Đại hội đại biểu toàn quốc diễn ra vào tháng 6 năm 1991, Đổ
Mười được bầu làm Tổng bí thư, Võ Văn Kiệt làm thủ tướng. Năm sau, 9-1992, Lê Đức
Anh lên làm chủ tịch nước.
Đổ Mười được bầu làm TBT đáng lẽ hai nhiệm kỳ. Nhưng khủng
hoảng về nhân sự "cá đối bằng đầu" trong đảng thời kỳ này đã bộc lộ. Về
sự nghiệp chính trị người nào cũng sàng sàng như nhau. Về công lao đóng góp không
ai trội hơn ai. Họ tranh dành ngôi lãnh đạo bằng thủ đoạn, bằng phe nhóm quyền
lực..., gọi chung là "bản lãnh chính trị" chớ không bằng tài năng
kinh bang tế thế thật sự.
Đại hội VIII (tháng 6-1996) bầu Đổ Mười tiếp tục làm TBT,
nhưng đến tháng 12-1997 (hội nghị lần thứ tư) thì họ Đổ bị Lê Khả Phiêu "lật".
Nghe nói nguyên nhân ông Phiêu "lật" được Đổ Mười
là do nắm được "hồ sơ" Hội nghị Thành Đô 1990.
Lê Khả Phiêu lên TBT tháng 12-1997 (Hội nghị lần thứ tư, Đại
hội TƯ VII). Nhưng đến tháng tư năm 2001, nhiệm kỳ TBT chưa đủ, Lê Khả Phiêu bị
Đổ Mười trả thù, "lật" lại.
Cũng nghe nói Lê Khả Phiêu bị Đổ Mười (và Lê Đức Anh) hạ bệ
bằng hồ sơ "bán đất nhượng biển". Nếu đúng vậy thì cũng (hơi) oan cho
LK Phiêu. Các vụ "bán đất nhượng biển" này đều không có, vì qua hội
nghị Thành Đô mấy ông PV Đồng, Đổ Mười và NV Linh đã "bán" rồi. Người
ta không thể "bán" một vật đến hai lần. Ông Phiêu chỉ có "tội"
là nhìn nhận có 3 vùng biển tranh chấp (trong đó có vùng biển TS).
Thời kỳ này, tranh chấp giữa "các ông cố vấn" sâu
sắc đến nỗi không thể dàn xếp. Đổ Mười và Lê Đức Anh thân TQ, còn VV Kiệt (nghe
nói) có khuynh hướng thân Mỹ. Nhưng chủ trương chung vẫn là thân cận với TQ.
Nông Đức Mạnh được các bên tranh chấp chọn làm TBT như là một
giải pháp trung dung. Tiếp theo họ Nông, ông Nguyễn Phú Trọng cũng được
"các ông cố vấn" lựa chọn như là giải pháp "kế thừa" đường
lối thân TQ.
Giải pháp trung dung thực ra không phải là một giải pháp. Nó
chỉ là việc "giữ nguyên trạng" sự nghiệp thân TQ, do mấy ông cố vấn
xây dựng từ hội nghị Thành Đô.
15 năm qua, hai nhiệm kỳ họ Nông và một nhiệm kỳ NP Trọng, đất
nước dặm chân tại chỗ (trong vòng ảnh hưởng của TQ).
Hội nghị XII, ảnh hưởng của các ông "cố vấn" đã tàn
phai. Tranh chấp do khủng hoảng "cá đối bằng đầu" lần nữa lại bôc
phát trong nội bộ đảng. Lần này xem ra mãnh liệt hơn kỳ trước. Kẻ lên voi, người
xuống chó đã đành.
Nếu xét thế lực giữa cá nhân; các bên Sang, Trong, Hùng, Dũng;
phe ông Dũng có phần trội, vì ông này đã ba nhiệm kỳ giữ chức thủ tướng. Trước
đó ông này đã từng làm việc (thứ trưởng) bộ Công an, làm thống đốc ngân hàng. Ông
này lại còn được thế lực của phe Lê Đức Anh chống lưng. Nhân sự trung ương (200
người), hơn 1/2 thân ông Dũng. Thế lực của phe ông Dũng, tương tự như mafia, nắm
hầu hết các nguồn kinh tài trong đảng, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt con rắn đỏ là
đảng cộng sản.
Nếu bầu TBT theo điều lệ đảng, chắc chắn Đại hội đại biểu
toàn quốc (Đại hội TƯ) sẽ bầu cho ông Dũng.
Nhưng tâm lý "cá đối bằng đầu", tại sao mày mà
không phải tao ? Ba ông còn lại, ông nào cũng muốn chiếc ghế TBT.
Do thế yếu, hai ông Sang và Hùng có khuynh hướng "liên
minh" với ông Trọng. Ông Trọng đã thành công thay đổi một số điều lệ đảng,
làm cho việc bầu bán không còn thuận lợi cho phía ông Dũng nữa. Ông Trọng còn đặt
ra một số "tiêu chuẩn" như TBT phải là người miền Bắc, biết lý luận
v.v... Phe ông Dũng cũng vậy, cho rằng TBT phải là người có dáng vẻ bề ngoài...
Điều này cho thấy trí tuệ của các phe đều nông cạn. Họ phải làm những việc có
thể ảnh hưởng đến tính "chính đáng" của người lãnh đạo.
Nói là liên minh, ông Sang (hay ông Hùng) đều có tính toán
trong nước cờ. Nếu hai bên Trọng và Dũng đấu nhau, bất phân thắng bại thì ông
Sang hay ông Hùng đều có thể là giải pháp.
Vấn đề là, trong thời gian dài nắm quyền lực, ông Dũng đã
gây nợ máu cho rất nhiều người. Nếu ông Dũng xuống thì tính mạng của ông, cũng
như của con cái, thập chí cả giòng họ... sẽ không còn an toàn.
Ông Dũng vì vậy sẽ không bao giờ chấp nhận "xuống"
một cách đơn giản như vậy.
Một giải pháp "trung dung" cũng khó mà thành hình.
Chức vụ TBT, theo truyền thống đảng CSVN, không thể giao cho phe công an (TD
Quang). TBT cũng không thể giao cho phe quân đội. Ở BCT, phe thân ông Dũng
không có mấy người.
Vừa rồi có tin đồn TQ can thiệp vào nội bộ đại hội XII. Thực
ra cả bốn ông, ông nào cũng thân TQ.
Vấn đề là hiện nay TQ đã làm quá lố, đến mưc không thể biện
hộ được ở Biển Đông, như xây dựng các đảo nhân tạo. Mới đây lại cho máy bay quân
sự ra thử phi đạo ở đá Chữ Thập. Sẽ không bao lâu TQ thôn tính các đảo khác thuộc
TS để áp đặt vùng "nhận diện phòng không" ở Biển Đông.
Các ông Sang, Trọng, Hùng, Dũng cho dầu thân TQ đến cách mấy
cũng không thể không mở miệng phản đối. Dầu gì trong đảng cũng có người đặt quyền
lợi của đất nước lên trên.
Phe ông Dũng, mạnh miệng chống TQ hơn, nhưng mặc áo không
qua khỏi đầu. Nói để cho sướng miệng, mát lòng người dân, như đều là giả dối.
Những phản đối của VN hiện nay là chỉ phản đối suông, làm
cho có, như công hàm mới đây gởi LHQ nhằm phản biện lý lẽ công hàm của TQ gởi
LHQ trước đó.
Nhưng áp lực (và tham vọng) của TQ ở Biển Đông có thể làm
thay đổi một vài ẩn số.
Ông Trọng tháng 7 vừa rồi có chuyến thăm Mỹ. Lần đầu tiên tổng
thống Mỹ tiếp đón lãnh đạo đảng CSVN tại văn phòng Tòa Bạch ốc. Thông cáo chung
hai bên cho thấy Mỹ sẽ tôn trọng thể chế chính trị của VN. Điều này cho thấy vấn
đề thể chế không phải là một cản trở trong quan hệ hai nước. Tức là, nếu ông Trọng
có ý muốn ngả về Mỹ thì người Mỹ có thể ủng hộ ông Trọng.
Vì vậy có lần tôi viết rằng, cũng có thể là điều tốt nếu để
ông Trọng làm thêm 1/2 nhiệm kỳ TBT nữa để ông này hoàn tất công trình
"hòa Mỹ" của ông. Có thể tôi nhận xét sai lầm về con người ông Trọng.
Nhưng nếu đó là một giải pháp thì sẽ tốt hơn cho VN rất nhiều (nếu chức TBT giao
cho ông Dũng). Vấn đề là đến bây giờ thì chưa thấy dấu hiệu nào từ ông Trọng để
người ta tin tưởng vào công trình "hòa Mỹ" của ông.
Trên quan điểm quyền lợi của dân tộc và đất nước (như đã viết
trong một status trước), giải pháp tốt nhứt cho VN hiện nay là đảng CSVN giải
tán. Tứ trụ lập ra mỗi người một đảng. Hiến pháp viết lại để nền chính trị đa
nguyên được áp dụng cho đất nước. Một đạo luật về "xá tội" để những
người như ông Dũng yên tâm hoạt động chính trị. Người lãnh đạo sẽ có chính danh
vì được người dân lựa chọn.
Còn nếu đứng trên quyền lợi của cá nhân, của đảng, của phe
phái trong đảng... có thể Đại hội XII sẽ tìm ra một giải pháp trung dung vào
tháng 6 năm 2016. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Vì mỗi lần tranh chấp nhân sự lãnh
đạo là hiện tượng "cá đối bằng đầu" lại xảy ra. Không ai chịu ai. Người
lãnh đạo không có tính chính danh. Cũng như đảng CSVN đã không còn tính chính
đáng để tiếp tục vai trò lãnh đạo. Xã hội chờ ngày bùng nổ để các mâu thuẩn được
giải quyết bằng bạo lực.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.