vendredi 15 janvier 2016

Phải chăng Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên Bố Potsdam 1945 đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quóc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ?

Ngày 11 tháng 12 năm 2015 Đại diện thường trực của nhà nước CHND Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã ra công hàm, mục đích phản biện các lý lẽ của Phi tại Tòa CPA, nội dung như thường lệ khẳng định quyền, quyền lịch sử và chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Nhưng lần này nội dung công hàm còn cho biết các văn kiện quốc tế trước Thế chiến thứ II, như Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên bố Potsdam 1945 và một số văn kiện khác, nhìn nhận chủ quyền của TQ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại diện của VN tại LHQ có ra công hàm phản đối đồng thời và tái khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Nhưng không thấy phía VN đề cập đến các văn kiện quốc tế mà TQ đã nhắc trong thông cáo của mình.

Có thật là các Tuyên Bố Cairo, Tuyên bố Potsdam (và các văn kiện quốc tế khác) đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, như nội dung của công hàm công bố tại LHQ ngày 11-12-2015 ?

Không có câu trả lời nào cụ thể hơn bằng cách xem xét lại các văn kiện trên (và các văn kiện khác, có liên quan đến Nhật trong Thế chiến Thứ II).

1/ Tuyên bố Cairo: tháng 11 năm 1943, ba lãnh tụ Theodore Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch gặp nhau tại Cairo, thủ phủ nước Ai Cập, thảo luận về điều kiện để Trung Hoa đứng về phía Đồng minh cũng như mục đích của cuộc chiến. Sau cuộc họp, một bản tuyên bố chung được công bố trước công chúng, gọi là “Tuyên bố Cairo”.

Nguyên văn bản Tuyên bố (tạm dịch lại) như sau:

"Mục đích chiến đấu duy nhất của (các nước Đồng minh) là kết thúc cuộc xâm lược của Nhật Bản. Các nước Đồng Minh không hề có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Chúng tôi chỉ giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nhật Bản chiếm đóng bởi bạo lực."

 Các vùng đất mà Nhật Bản phải từ bỏ :

Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I;

Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ;

Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực;

Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.

Những điểm cần nhấn mạnh trong bản Tuyên bố :

a) Các cường quốc (gồm Trung Hoa) không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ. b) lãnh thổ Nhật trả lại cho Trung Hoa gồm Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ.

Tuyên bố Cairo không có dòng chữ nào qui định "trả Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Trung Hoa."
Nhật chiếm HS và TS trên tay Pháp (là đại diện hợp pháp của đế quốc Việt Nam). Sau đó Nhật sáp nhập hành chánh hai quần đảo này vào huyện Đài Loan (nhượng địa của nhà Thanh theo Hiệp ước Simonoseki).

Tuyên Bố nói là trả Đài Loan cho Trung Hoa nhưng không vì vậy mà có thể diễn giải HS và TS phải trả cho Trung Hoa.

Bởi vì Tuyên bố còn nói: Nhật phải trả tất cả các đảo ở Thái Bình Dương (bao gồm HS và TS) đã chiếm trước Thế chiến Thứ II cũng như tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực.

Vấn đề là trả cho ai ?

Hòa ước San Francisco 1951 (nói ở dưới), mặc dầu hai phía Trung Hoa đều không tham gia, cũng đã xác lập một thực tế là các vùng lãnh thổ này trả lại cho chủ cũ của nó. Như Triều Tiên được trả độc lập. Quần đảo Kourils trả cho Nga. Đài Loan và Bành Hồ trả cho Trung Hoa. Dĩ nhiên, HS và TS phải trả lại cho VN.

Nội dung Tuyên bố Cairo còn nhấn mạnh ở điều: các cường quốc không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ.

Nhà Thanh đã nhượng (vĩnh viễn) Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật. Việc này đã xảy ra trước hai trận Thế chiến. Tưởng Giới Thạch tham dự Hội nghị Cairo với Mỹ và Anh, các bên thảo luận về điều kiện để Trung Hoa chính thức đứng về phía Đồng minh trong cuộc chiến. Nội dung Tuyên bố Cairo cho thấy điều kiện của họ Tưởng (TH tuyên bố chiến tranh với Nhật) là lấy lại Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ.

Không có văn kiện nào (vào thời đó) cho thấy HS và TS nằm trong “tầm nhắm” của Tưởng Giới Thạch. Điều này khẳng định qua các kết ước trao đổi quyền lợi và quân sự mà họ Tưởng đã ký kết với Pháp năm 1946. Theo đó quân Pháp vào thế quân Tưởng ở miền Bắc, đổi lại, Pháp nhượng đường xe lửa Vân Nam-Hải Phòng cùng một số quyền lợi về kinh tế khác cho Trung Hoa. Đồng thời quân Pháp cũng đổ lên các đảo HS và TS, cắm mốc mới và tái khẳng định chủ quyền.

Vì vậy, bất kỳ nhà nước Trung hoa nào dựa vào Tuyên bố Cairo đòi thêm HS và TS là có mục đích "mở rộng lãnh thổ", đương nhiên trái ngược với tinh thần của bản Tuyên Bố.

Lập luận công hàm ngày 11-12-2015 của Đại diện TQ tại LHQ, cho rằng Tuyên bố Cairo nhìn nhận HS và TS thuộc TQ, là không đúng.

2/ Tối hậu thư Potsdam : còn gọi là Tuyên bố Potsdam, là tối hậu thư của các nước Đồng minh Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật Bản ngày 26 tháng 6 năm 1945. Văn kiện này quan trọng vì được sự nhìn nhận vô điều kiện của Nhật. Nội dung tối hậu thư tái xác nhận hiệu lực Tuyên ngôn Cairo.

Nội dung gồm một số điều :

Thi hành các điều đã xác định theo tuyên bố Cairo;

Lãnh thổ Nhật Bản sẽ chỉ giới hạn trên các đảo Hondo, Hokkaido, Kiousiou và Si Kok cũng như trên một số đảo nhỏ khác sẽ được xác định do các nước đồng minh;

Nhật sẽ bị hoàn toàn giải giới và các lực lượng quân đội Nhật sẽ giải ngũ.

Nội dung tuyên bố này không nói đến số phận các vùng lãnh thổ của các nước bị Nhật chiếm (trước Thế chiến II) mà chỉ xác nhận hiệu lực Tuyên bố Cairo.

Cho rằng Tuyên ngôn Potsdam nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS cũng  không đúng sự thật.

3/ Các văn kiện quốc tế khác.

Ngoài hai văn kiện mà Đại diện TQ (tại LHQ) đã nhắc trong công hàm, ta có thể kể đến các văn kiện khác sau Thế chiến II, có liên quan đến số phận các vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm đóng. Đó là:

Hòa ước San Francisco 1951.

Hòa ước Trung-Nhật 1952.

Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật 1978.

3.1 Hòa ước San Francisco 8 tháng 9 năm 1951, Nhật ký hiệp định hòa bình (tập thể) với 48 quốc gia (hay lãnh thổ mới trả độc lập) có tuyên bố chiến tranh với Nhật. Cả hai phía Trung Hoa, CHNDTQ (lục địa) của Mao Trạch Đông hay Trung Hoa Dân quốc (Đài loan) của Tưởng Giới Thạch đều không tham dự Hội nghị San Francisco.

Mặc dầu nội dung Hòa ước San Francisco không liên quan đến hai phía Trung Hoa. Đài loan không tham gia, còn lục địa, Châu Ân Lai tuyên bố vô giá trị các hiệp ước San Francisco. Dầu vậy, nội dung Hòa ước có tầm quan trọng vì quyết định số phận những lãnh thổ do Nhật chiếm.
Điều 2 của Hòa ước San Francisco 8-9-1951 qui định :

Tạm dịch:

Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại:
(a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này,
(b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ,
(c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905,
(d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947,
e/ vùng Bắc cực,
(f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Như vậy hiệu lực Tuyên ngôn Cairo 1943 được Hòa ước San Francisco xác nhận.

Điểm mờ của Hòa ước là ngoài Triều Tiên (Nhật trả độc lập), các vùng lãnh thổ, kể cả Đài Loan và Bành Hồ, thì không ghi là phải trả về cho nước nào.

Điểm "mờ" pháp lý này sẽ phải giải thích ra sao?

Trường hợp Đài loan và Bành Hồ, Tuyên Bố Cairo 1943 đã nói rõ: trả về cho Trung Hoa. Rắc rối là ở thời điểm ký kết Hòa ước San Francisco, Trung Hoa có đến hai đại diện: Trung hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo ở Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung quốc ở lục địa do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Những tác giả của Hòa ước đã biết rõ việc này, do đó phải hiểu “điểm mờ” là phe nào chiếm được thì thuộc về bên đó.

Còn số phận các vùng lãnh thổ khác, như HS và TS, theo thuật ngữ công pháp quốc tế là Nhật từ bỏ đơn giản, không chỉ định đối tượng (in favorem). Số phận các vùng lãnh thổ này, cũng như ý nghĩa Hòa ước San Francisco, xem bài viết ở đây.


3.2 Hòa ước Trung-Nhật 28-4-1952.

Tháng 4 năm 1952, Nhật chọn phía Trung Hoa Dân quốc là đại diện cho Trung Hoa để ký riêng hiệp định Hòa bình. Nhật đã chọn phe Tưởng là chính thức đại diện cho Trung Hoa để ký hiệp ước hòa bình, thay vì nhà nước cộng sản của Mao Trạch Đông. Đây không phải là một lựa chọn « chiến lược », mà do thủ tục pháp lý : nhà nước Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch có tuyên bố chiến tranh với Nhật, còn Mao thì không.

Điều 2 Hiệp ước Hòa bình 28-4-1952 giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản, nguyên văn như sau: 

“It is recognized that under Article 2 of the Treaty of Peace with Japan signed at the city of San Francisco in the United States of America on September 8, 1951 (hereinafter referred to as the San Francisco Treaty), Japan has renounced all right, title and claim to Taiwan (Formosa) and Penghu (the Pescadores) as well as the Spratly Islands and the Paracel Islands.[i]

Tạm dịch: Hai bên nhìn nhận rằng theo điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan, Bành Hồ cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Các học giả Đài Loan cho rằng nội dung điều 2 Hiệp ước đã nói rõ HS và TS trả cho Trung Hoa Dân Quốc.

Điều này không đúng.

Không thấy đoạn nào trong điều ước này nói Nhật giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan hiện nay). Chỉ thấy ghi là  hai bên “nhìn nhận điều 2 của Hiệp ước San Francisco 8-9-1951”.

Mà điều 2 Hiệp ước San Francisco không hề nói HS và TS thuộc về nước nào.

Mặt khác, điều 2 Hòa ước San Francisco ghi rõ: Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracel Islands. (Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại HS và TS).

Ý nghĩa của đoạn văn này là Nhật đã không còn bất kỳ “quyền” nào tại HS và TS, kể cả “quyền” trả chúng cho Trung Hoa.

Tức là, muốn biết số phận các vùng lãnh thổ này ra sao, ta phải tìm hiểu nội dung Hòa ước San Francisco 1951 (xem bài viết theo link dẫn trên).

Vấn đề khác, làm cho các học giả Trung quốc khó ăn nói, là phía lục địa không nhìn nhận nội dung hòa ước San Francisco 1951, cũng như không nhìn nhận nhà nước Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan (tức không nhìn nhận những kết ước của nhà nước THDQ của họ Tưởng đã ký với các nước khác).

Thì bây giờ dựa vào đâu để lấy lý lẽ từ nhà nước Trung hoa Dân quốc ?

3.3 Hòa ước Trung-Nhật 12-8-1972.

Theo chân Hoa Kỳ, Nhật công nhận Bắc Kinh là đại diện cho nước Trung Hoa duy nhứt. Ngày 12-8-1972 Nhật ký Hòa ước với lục địa. Tất cả các kết ước trước đó giữa Nhật và Trung Hoa Dân quốc xem như vô hiệu lực (caduc), kể cả hòa ước 28-4-1952.

Vấn đề là TQ không có tuyên bố chiến tranh với Nhật. Nước CHNDTQ của Mao Trạch Đông khai sinh sau khi Nhật đầu hàng tháng 8-1945. Không có tuyên bố chiến tranh sao lại ký hiệp ước hòa bình ?

Nội dung Hòa ước 12-8-1972 tái khẳng định nội dung Tuyên bố Potsdam 1945.

4/ Kết luận:

Công hàm của Đại diện TQ ở LHQ, nói rằng các văn kiện quốc tế như Tuyên bố Cairo, Truyên bố Potsdam (và các văn kiện khác) nhìn nhận HS và TS thuộc chủ quyền của TQ là không đúng sự thật.  
Về hiệu lực hai hòa ước Nhật-Trung 1952 và Nhật-Trung 1972, một số học giả quốc tế như Marwyn Samuels, trong tác phẩm “Contest for the South China Sea”, xuất bản từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho rằng : “kết hợp hai hiệp ước 1952 và 1972, thì quan điểm của Nhật, tuy không chính thức nhưng đã rõ ràng. Các đảo này được coi là một phần của Trung Quốc.”

Các đảo này là HS và TS.

Đây là một kết luận rất sai của Samuels.

Thứ nhứt, nhân dịp hai bên Nhật và TQ thiết lập bang giao, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nhật là Masayoshi Ohira cho biết: hòa ước Nhật-Trung 1952 đã không còn lý do hiện hữu và (tuyên bố) chấm dứt.

Khi một hiệp ước bị tuyên bố không còn hiệu lực, liệu ta có thể “kết hợp” nội dung của nó với nội dung kết ước mới (thay thế nó) hay không ?

Thứ hai, giả sử rằng người ta chấp nhận hiệu lực việc “kết hợp” hai hòa ước 1952 và 1972. Vấn đề là làm thế nào một quốc gia hiện hữu hai lập trường trái ngược nhau về lãnh thổ ?

Trung cộng không nhìn nhận hội nghị San Francisco 1951, không nhìn nhận hiệu lực Hiệp ước San Francisco. Hiệp ước 1972, về vấn đề lãnh thổ, khẳng định lại Tuyên bố Potsdam 1945.

Trong khi Trung Hoa Dân quốc (tức Đài Loan hiện nay) lại nhìn nhận hiệu lực Hiệp ước San Francisco 1951. Hòa ước 1952, trong phần qui định về lãnh thổ, xác định hiệu lực và nhắc lại nội dung (điều 2 Hiệp ước San Francisco).

Ý kiến của Samuels vì vậy không có căn cứ pháp lý. Dầu vậy ý kiến này thường xuyên được các học giả (kể cả VN) trích dẫn.





[i] https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%20138/v138.pdf

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.