dimanche 23 décembre 2012

Nói về từ ngữ "ăn cướp"


Trên diễn đàn LHQ 27-9-2012, ngoại trưởng bộ Ngoại Giao TQ Dương Khiết Trì lên án Nhật đã « ăn cướp » đảo Điếu Ngư của TQ. Từ ngữ sử dụng ở đây, từ miệng một nhà ngoại giao, vượt khỏi tính « lưỡi gỗ » thông lệ, để bước vào một loại từ ngữ « gây hấn », sử dụng giữa hai bên có chiến tranh. Vấn đề là phía Nhật chỉ nhỏ nhẹ cho rằng « bình luận của ông Dương là vô lý » đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh. Câu hỏi đặt ra, TQ dùng từ « ăn cướp » ở đây có phù hợp hay không ? Tại sao ?

Vấn đề cần trở lại nội dung của Tuyên bố Caire (Cairo) tháng 11 năm 1943, được công bố ngày 1 tháng 12 năm 1945, giữa đại diện ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa là Theodore Roosevelt, Winston L.S. Churchill và Tưởng Giới Thạch. Hội đàm này xác định quyền lợi của Trung Hoa để nước này tuyên bố chiến tranh với Nhật, đứng về phía Đồng minh. Nội dung tuyên bố Nhật phải từ bỏ :

– Tất cả những đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã chiếm từ sau Thế chiến I ;
– Trả lại cho Trung Hoa những vùng mà Nhật đã cướp (has stolen) của Trung Hoa như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ ;
– Tất cả các vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật đã chiếm bằng vũ lực ;
– Nhân dân Hàn Quốc lấy lại chủ quyền đất nước mình trong một thời gian nhất định.

Ta thấy ngôn từ « ăn cướp » sử dụng trong văn bản này.

Nguyên nhân, trong khoảng thời gian Nhật xâm lăng Trung Hoa (1931-1941), như chiếm đóng Mãn Châu (tháng 9-1931) hay chiếm một vùng đất rộng lớn khác của Trung Hoa (1937-1938), Nhật đã thành lập tại các vùng đất này các chính phủ bù nhìn thân Nhật, thì các lực lượng của Trung Hoa không phe nào có « tuyên bố chiến tranh » với Nhật. Hai phe Quốc Dân đảng và Cộng Sản kết hợp thành mặt trận chung chống Nhật (1937), vẫn không có tuyên bố chiến tranh mà chỉ đồng hóa việc xâm lăng của Nhật là hành vi « ăn cướp - piraterie ». Chính phủ của Tưởng giới Thạch (không được Nhật công nhận) tuyên bố chiến tranh với Nhật vào ngày 9-12-1941. Trong khi Nhật thì công nhận chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ tại Nam Kinh. Vì vậy họ Tưởng, khi dự hội đàm với lãnh đạo đồng minh, vì lý do « liên tục và nhứt quán » về lập trường, do đó phải dùng từ « cướp » để chỉ tình trạng các vùng đất bị Nhật chiếm trong thời kỳ 1931-1941.

Tuy nhiên, tranh chấp ở quần đảo Điểu Ngư/Senkaku, phải trở về năm 1895, lúc ký hiệp ước Shimonoseki. Theo hiệp ước này TH nhượng vĩnh viễn Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật. Theo lập trường TH thì Điếu Ngư trực thuộc Đài Loan. Khi Hòa ước San Francisco quyết định Nhật phải từ bỏ chủ quyền tại Đài loan và Bành Hồ, tức phải trả luôn quần đảo Điếu Ngư. Theo lập trường Nhật thì Senkaku là đất vô chủ, đã sát nhập vào Nhật do một quyết định hành chánh trước khi ký hiệp ước 1895.

Dầu thế nào thì quần đảo Điếu Ngư vẫn ở ngoài bối cảnh, tức thời kỳ mà các phe Trung Hoa cho rằng Nhật đã « ăn cướp » đất của họ (1931-1937).

Ông Trì sử dụng từ « ăn cướp » ở đây là không phù hợp với bối cảnh lịch sử. Hoặc là TH « nhượng » các đảo này theo hiệp ước Shimonoseki, hoặc Nhật sát nhập các đảo này do tuyên bố chủ quyền ở các đảo vô chủ. Sự kiểm soát của Nhật ở Điếu Ngư hiện nay ở ngoài bối cảnh 1931-1937, thời kỳ mà phía TH gọi Nhật là « quân cướp nước ».

Bài học ở đây cho phía VN, là trong vấn đề lãnh thổ quốc gia, các phe TH đã từng sống mái, thề không đội trời chung, nhưng tiếng nói của họ vẫn là một. Ông Dương Khiết Trì hôm nay nói lại tiếng nói của Tưởng Giới Thạch. Nhà nước TQ tiếp nối, kế thừa và phát huy di sản về Biển Đông từ chính quyền Quốc Dân. Chính Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố : « biên giới của nước TH được xác định bằng không gian cần thiết để dân tộc này sinh tồn và được giới hạn bằng cột mốc văn hóa của dân tộc Hán ». Không gian sinh tồn đó là toàn khu vực Đông Nam Á. Việc này hôm nay lãnh đạo TQ đang từng bước thực hiện. Kinh tế TQ đang chi phối hầu hết các nước ĐNA. Hoa Kiều sinh sống ở các nước này thống lĩnh mọi huyết mạnh kinh tế. Văn hóa Khổng mạnh đang bắt rễ tại các nước này (và lan rộng trên thế giới).

Trước sau như nhứt, dầu ở bên này hay ở bên kia, ở lục địa hay sống lưu vong, người Hoa chỉ có một lập trường, một tiếng nói.

Việt Nam thì khác.

Ở VN, các ngôn từ « quân bán nước », « quân cướp nước » được những người CS Việt thường xuyên sử dụng. Họ liên tục sỉ nhục VNCH là « quân bán nước », gọi Hoa Kỳ là « quân cướp nước » từ các thập niên 50,60 đến nay. Các học giả VNCH cũ, lưu vong hay còn trong nước, bị miệt thị gọi là « tay sai", "ngụy quyền », « phản động »…

Tuy vậy, nói là một việc, có đúng vậy hay không là việc khác.

Trong các bản « bạch thư » của nhà nước CHXHCNVN về chủ quyền của VN tại HS và TS gởi lên LHQ, ta thấy công lao của VNCH được ghi nhận như những người « cứu nước ». Nội dung của các Bạch thư này là rút ra từ các nghiên cứu của các học giả xuất thân từ VNCH cũ, tức từ những người mà họ gọi là « tay sai », « phản động ».

Trong khi, chính tay những người cộng sản Việt đã viết công hàm và các tài liệu khác công nhận HS và TS thuộc về TQ, không khác tư cách một người « bán nước ».

Tổ quốc Việt Nam chỉ có một. Di sản của VNCH hay của VNDCCH cũng đều thuộc tổ quốc VN. Vấn đề là sự lựa chọn và cách hành sử của nhà nước hôm nay để di sản của tiền nhân để lại không bị cướp mất.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.