Nhiều
người mới đây cho rằng GS Phan Huy Lê mạo danh là “Viện sĩ Hàn lâm” sau khi GS
được « Académie des Inscriptions et
Belles-Lettres » phong làm « Membre Correspondant étranger » ngày 27-5-2011.
GS Phan Huy Lê có “mạo
danh” hay không?
Bài viết này không nhằm
tranh luận mà chỉ mạo muội đưa ra quan điểm của mình về cách dịch các danh từ
học thuật nước ngoài, nhất là danh vị « Membre
Correspondant étranger » của GS Phan Huy Lê.
« Académie » tiếng
Pháp, lấy hứng từ « jardin Akadêmos – vườn Akadêmos », là nơi mà Platon giảng dạy ; chữ nguyên
bắt nguồn từ Latin « Academia », Grec « Akadêmia » (tự điển Grand Larousse Universel). « Académie » như vậy là « danh từ
riêng », là « tên » của khuôn viên mà
Platon đã dạy học ở đó, phải viết « Hoa ».
« Académie » được Pháp sử dụng để đặt tên
cho « l’Académie française », thành lập năm 1635, là một
định chế văn hóa Pháp, tập hợp một nhóm học giả uyên bác về các ngành văn học,
nghệ thuật, triết học... Hiện thời « L’Académie française » trực
thuộc « Institude de
France », Pháp quốc Học Viện. « L’Institude de France » bao
gồm các viện học thuật khác như « l’Académie
des inscriptions et belles-lettres », « l’Académie des sciences »
(1666), « l’Académie des beaux-arts » và « l’Académie des sciences morales et politiques ».
Pháp quốc Học viện như vậy là nơi tụ tập thành phần tinh hoa Pháp, có
thể đại diện cho văn hóa và văn minh Pháp.
Không biết từ khi nào, do ai, « L’Académie
française » được dịch sang tiếng Hán-Việt là « Pháp quốc Hàn lâm viện »,
còn gọi là « viện Hàn lâm Pháp ». « Hàn lâm » nghĩa nguyên
tiếng Hán là « rừng bút », trong
khi TQ dịch là « Pháp quốc Học thuật viện ».
Cách dịch của VN theo lối
« tương ứng », một danh từ riêng (khu vườn Akadêmos ) tương ứng với một danh từ riêng (viện Hàn lâm),
một định chế học thuật VN với một định chế học thuật Pháp. Viện Hàn Lâm của VN được lập năm 1086 vào thời vua Lý Nhân
Tông và Mạc Hiển Tích là vị Hàn Lâm Học Sĩ đầu tiên.
Trên tinh thần này thành viên của « l’Académie Française », tức
« Académicien », được gọi là « Hàn lâm Học sĩ ».
Cách dịch của TQ theo lối
« chuyển nghĩa », « l’Académie Française » là nơi tụ hợp
các học giả uyên bác trong các ngành văn hóa nghệ thuật, được dịch thành
« Pháp quốc học thuật viện ». Không cần tìm
hiểu nước này dịch đúng nước kia dịch sai, mà quan trọng là bên nào
« hiểu » đúng nhứt ý nghĩa nguyên thủy « Académie ».
« Académie » là một danh từ
riêng, là một cái tên, thì làm sao dịch được ? Ta thấy VN dịch như thế
không xa với nghĩa nguyên và mục tiêu của « Académie ». Viện Hàn Lâm
là nơi tụ tập của « tinh hoa », những người « học cao hiểu
rộng » của VN, thì đó cũng là ý nghĩa của « Académie française ».
Về tên thành viên, ta thấy cách dịch của
TQ không « đẹp » bằng cách dịch của VN. TQ gọi là « Viện sĩ Pháp
quốc Học thuật viện », trong khi VN gọi là «Hàn lâm Học sĩ ».
Tuy nhiên, từ « Académie » ở Pháp
được sử dụng một cách rất phổ thông trong đại chúng. Ở cấp quốc gia đã đành, ở
cấp tỉnh, huyện, thập chí làng xã, tư nhân… ở đâu cũng đều có thể sử dụng từ
này để đặt cho cơ sở hoạt động của mình. Ta có thể gặp « Académie de
danse – Khiêu vũ Học viện », « Académie de la musique – Âm nhạc học
viện » trong các khu phố địa phương. Vì thế cách dịch của VN sẽ gặp khó
khăn nếu nơi nào cũng đưa một cách máy móc « Hàn lâm » vào.
Vì vậy, thiển nghĩ cần đặt một « qui
ước ». Ở đây, nếu là « Académie » trong « l’Académie Française » thì mới được dịch là
« Hàn lâm ». Académie trong các nơi khác thì nên dịch là
« viện » hay « học viện ».
GS Phan Huy Lê được phong làm « Membre
Correspondant étranger » của « Académie
des Inscriptions et Belles-Lettres ». Như vậy nên gọi GS PH Lê thế nào cho
chỉnh ?
« Académie des Inscriptions et
Belles-Lettres », được tự điển Bách khoa VN dịch là « Viện Hàn lâm các Văn khắc và Mỹ văn »,
trực thuộc « Institude de France – Pháp quốc Học viện ».
Viện này do 4 Hàn lâm Học sĩ (Académicien) điều hành, còn gọi là « Petit
Académie », tức « Tiểu Hàn lâm ».
Ta có thể gọi thành viên của Viện này là
Hàn lâm Học sĩ ?
Câu trả lời là « được », vì các
thành viên của viện này, cũng như thành viên các viện khác trực thuộc Pháp quốc
Học viện đều được gọi là « académicien ».
Tuy vậy, có sự phân biệt hết sức ý nhị về
tư cách thành viên « Hàn lâm Học sĩ » thuộc « Académie
Française » và các thành viên thuộc 4 Viện còn lại. Để phân biệt, tôi cho
rằng ta có thể đặt « Hàn lâm Thái Học sĩ » cho thành viên của Viện
Hàn lâm và « Hàn lâm Thiếu Học sĩ » cho thành viên của
« tiểu » Hàn lâm (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres).
Vấn đề phức tạp hơn, « Académie des
Inscriptions et Belles-Lettres », ngoài 50 thành viên chính thức người
Pháp gọi là « Académicien – Hàn lâm Học sĩ », thì còn có 40 các thành
viên associés étrangers, 50 thành viên correspondants français và 50 thành
viên correspondants étrangers.
Những người này có thể gọi là « Hàn lâm Học
sĩ » không ?
Từ « Membre associé étranger » có thể dịch
là « thành viên hợp tác nước ngoài ». Theo phần giải thích về
« membre » của Viện, các thành viên « associés » được tuyển
chọn từ các nhân vật thuộc các Viện tương đương của nước ngoài. Do đó tư cách
thành viên « associé – hợp tác » được xem như tương đương với thành
viên chính thức « académicien ».
Tôi mạo muội dịch « thành viên hợp tác nước ngoài » là
« Hàn lâm Ngoại quốc Hợp (hay hiệp) Học sĩ », gọi tắc « Hàn lâm
Hiệp Học sĩ ».
Còn « membre Correspondant étranger » thì
dịch như thế nào ?
Trong nước dịch là « thành viên thông tấn nước ngoài ». Tôi
thấy rằng dịch chữ « correspondant » thành « thông tấn »
trong trường hợp này không ổn.
Từ « correspondant » có nguồn từ « correspondre »,
ngoài ý nghĩa thư tín, liên lạc, còn có nghĩa khác là « tương ứng ».
Ta thấy « étude par
correspondance » thì dịch là « học hàm thụ », tại sao
« membre correspondant » thì dịch là « thành viên thông
tấn » ?
Theo tôi, « correspondant étranger » có thể dịch thành
« thông tấn nước ngoài » cho trường hợp báo chí. Tư cách thành viên
báo chí « correspondant étranger » ngoài tư cách « nhà
báo » ngang hàng với tư cách các nhà báo khác ở trụ sở chính của hãng
thông tấn, thành viên này còn có tư cách « đại diện » của hãng thông
tấn. Do đó « thành viên thông tấn » có « tư cách » cao hơn
nhà báo thông thường.
Trong trường hợp thành viên « Correspondant étranger » của « Académie des Inscriptions et
Belles-Lettres », muốn dịch chính xác ta phải hiểu tư cách và nhiệm vụ của
thành viên này là như thế nào đối với Viện.
Thành viên « Correspondant étranger » được
Viện định nghĩa như sau :
« Quant aux
correspondants, ils assurent un rôle de relais de l’information scientifique
auprès de l’Académie et participent à sa vie et à ses travaux ; choisis
par les académiciens, ils constituent un vivier de personnalités de premier
plan parmi lesquelles l’Académie a pris l’habitude de recruter souvent ses
nouveaux membres. »
Tạm dịch : Về thành viên « correspondant »,
những người này phụ trách công việc truyền tải các thông tin khoa học của Viện
đồng thời dự phần vào đời sống cũng như các công trình của Viện. Thành viên này
được các Hàn lâm Học sĩ tuyển chọn. Tập hợp người này tạo thành một nơi dự trữ
người tinh hoa mà Viện Hàn lâm có thói quen tuyển chọn thành viên.
Như vậy thành viên này có tư chất « tương ứng » với Hàn lâm
Học sĩ. Hàn lâm Học sĩ được tuyển chọn đa số là từ những thành viên này. Họ
cũng dự phần vào « đời sống » của Viện, tức một thành phần bất khả
phân của Viện. Ngoài ra họ còn góp phần thực hiện những công trình nghiên cứu của
Viện.
Theo Pháp-Việt Tân tự điển của Thanh Nghị, thành viên « correspondant » của các
hiệp hội bác học (société savante) thì gọi là « danh thành viên ».
Tôi mạo muội đặt là : « Hàn lâm Ngoại quốc Danh Học sĩ »,
gọi tắt « Hàn lâm Danh Học sĩ ».
Gọi « Viện sĩ Thông tấn » là không đủ nghĩa.
Vì vậy tôi cho rằng GS Phan Huy Lê không « mạo nhận » danh
nghĩa « viện sĩ » của ai hết. Phẩm chất và tài năng của GS PH Lê đã hội
đủ tiêu chuẩn, do đó được các Hàn lâm Học sĩ thuộc Viện Hàn lâm Pháp tuyển
chọn. Chưa thấy ai đặt nghi vấn về việc này.
Chức danh của GS Phan Huy Lê tại « Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ
văn » là « Hàn lâm Danh Học sĩ ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.