lundi 21 janvier 2013

Nhật Bản tái vũ trang ?



1/ Ngân sách cho quốc phòng của Nhật đã được xác định từ năm 1976, đến hôm nay không thay đổi, là 1% PIB. Con số này dầu vậy khá quan trọng, đứng hàng thứ 6 trên thế giới, khoảng 40 tỉ Euros.

Ngân sách này phân bổ như sau : 45% chi phí nhân sự. 19% chi phí bảo trì. 18% chi phí mua khí cụ. 10% chi phí cho các căn cứ quân sự. 3% chi phí hạ tầng cơ sở. 3% Nghiên cứu.

Ngân sách thực sự cho quốc phòng là chi phí mua khí cụ và nghiên cứu, tức vào khoản 21%. Các chi phí cho nhân sự và bảo trì gia tăng hàng năm (do nhân sự về hưu và giá nhiên liệu), trong khi kinh tế Nhật trì trệ từ nhiều năm nay. Từ năm 2002 đến nay, ngân sách thực sự dành cho quốc phòng luôn sụt giảm.

Chỉ đến ngày 9-1-2013, chính phủ Nhật cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên thêm 180 tỉ Yen (khoảng 1,6 tỉ Euros), tương ứng khoảng 0,1% tổng ngân sách. Nếu dựa vào động thái này để nói rằng Nhật « tái vũ trang » e là không đúng. Số tiền (180 tỉ Yen) chỉ dùng để hiện đại hóa 4 phi cơ F15, mua thêm các dàn ra đa PAC-3 và một số trực thăng.

Thực ra thì Nhật đã « tái vũ trang » một cách tiệm tiến từ lâu. Tất cả những động thái của Trung Quốc và Bắc Hàn, những đối thủ truyền thống và tiềm tàng, đều không thoát khỏi những cặp mắt của các chiến lược gia Nhật. Với tiềm lực và khả năng về khoa học kỹ thuật hiện nay, hải quân và không quân, các chuyên gia quốc phòng trên thế giới cho rằng Nhật có khả năng đứng đầu Châu Á.

Vấn đề khó khăn của các lãnh đạo Nhật hiện nay là sự bó buộc ở điều IX của Hiến pháp. Trong khi đó, quan niệm về chiến lược toàn cầu[i] của Hoa Kỳ đã làm cho khuynh hướng « dân tộc chủ nghĩa » của Nhật khó lòng trỗi dậy. Nhưng ngọn gió nào cũng có lúc đổi chiều. Cái gọi là « trổi dậy hòa bình » của Trung Quốc đã không làm an tâm các nhà lãnh đạo thế giới. Sự trổi dậy của Trung Quốc sẽ phải sắp xếp lại trật tự trong khu vực (và thế giới) mà việc này chắc chắn sẽ gây xáo trộn. Hoa Kỳ cần Nhật để kềm chế TQ và Nhật cần Hoa Kỳ để giữ thế « cân bằng động ». Quan niệm chiến lược sẽ đổi thay chỉ khi hai bên có chung lợi ích lâu dài.
   

2/ Nhật Bản, cũng như các nước Châu Á khác ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, từ thế kỷ 17, đã có chủ trương « bế quan tỏa cảng » đối với các nền văn minh khác (của người da trắng phương Tây). Chủ trương này chỉ thay đổi vào năm 1853, sau khi 4 chiếc tàu « nhả khói đen » với các họng súng đầy de dọa của Mỹ, do ông Matthew Perry cầm đầu, chạy « ngược gió » tiến vào vịnh Edo tìm than đá chạy máy tàu. Sự việc này gây kinh hãi cho dân bản xứ, xưa nay chỉ quen với các chiếc tàu buồm chạy theo chiều gió. Đoàn tàu của M. Perry trở lại Nhật mùa xuân năm sau, cũng với những chiếc tàu nhả khói đen đi ngược gió, tua tủa những họng đại bác đầy đe dọa chỉa vào bờ, nhưng với lực lượng hùng mạnh hơn. Việc đến phải đến, hiệp ước Kanagawa, sau đó nhiều hiệp ước khác, Nhật phải ký với các cường quốc Tây phương. Nước Nhật phải mở cửa cho Tây phương trong hoàn cảnh như vậy, không có một chống đối nào đáng ghi nhận. Xã hội Nhật sau đó thay đổi lớn, các chế độ lãnh chúa (Shogun) lần lượt bị phế, thế vào đó là sự thành hình của một quốc gia tiên tiến (état-nation) với quan niệm một chủ tể tối cao là ngôi vị « thiên hoàng ». Về phương diện quân sự, quân đội Nhật, từ một đội quân trang bị thô sơ, được tổ chức theo phong kiến lạc hậu, đã được hiện đại hóa theo Tây phương trong một thời gian kỷ lục. (Ta cũng sẽ thấy « phép lạ » tương tự về sự phát triển thần kỳ về kinh tế của nước này sau Thế chiến II).

Có nhiều lý do để đi đến kết quả này. Điều quan trọng là người Nhật nhận thức được sự kém cõi của mình để học hỏi và tiến bộ. Quan trọng hơn là họ biết lựa chọn để học hỏi ở những cái tinh hoa nhất. Về hải quân, họ học hỏi Anh Quốc. Về lục quân, ban đầu là Pháp, sau đó là Đức. Kết quả, năm 1895, Nhật đánh thắng Thanh triều, buộc phải ký hòa ước Shimonoseki nhượng cho Nhật vĩnh viễn Đài Loan. Năm 1905, hải quân Nhật đánh thắng hạm đội Nga tại eo biển Tsushima (Đối Mã, giữa Đại Hàn và Nhật) trong khi lục quân Nhật đánh thắng quân Nga tại hải cảng Lữ Thuận và thành Thẩm Dương thuộc Liêu Ninh.

Trong một thời gian vài thập niên, về phương diện kỹ thuật, quân đội Nhật đã chứng tỏ không thua kém Tây phương.

Việc hiện đại hóa, trên tinh thần học hỏi nước ngoài những điều tinh hoa, đã đưa lực lượng quân sự của Nhật lên hàng đầu. Nhưng việc « chạy đua » về quân sự của các nước, nhứt là Nhật, đã đưa đến hội nghị về tài giảm vũ khí cho hải quân được tổ chức các năm 1921 và 1922 tại Washington. Mục tiêu nhằm giới hạn lực lượng hải quân của các nước Anh, Hoa Kỳ và Nhật. Nhưng thực ra là nhắm vào Nhật vì hải quân của Anh và Hoa Kỳ đã ở thế áp đảo ở Châu Á. Tuy nhiên, lãnh đạo Nhật đã ý thức được rằng sức mạnh của hải quân không còn là các tàu « thiết giáp » to lớn cồng kềnh, hay các tàu chiến cổ điển với vỏ sắt dày và hỏa lực hùng hậu, mà là các hàng không mẫu hạm và tiềm thủy đĩnh. Trong đó không quân sẽ nắm phần chủ đạo. Từ đó họ xác định được chiến lược quốc phòng.

Dân tộc Nhật từ giai đoạn học hỏi người, bước qua giai đoạn tương đương với người, sau đó hơn người. Hệ quả hiển nhiên của một quân đội lớn mạnh là việc bành trướng của đế quốc.


3/ Bắt đầu năm 1931 quân Nhật chiếm các lãnh thổ của Trung Quốc, sau đó khai chiến với Nga và các nước Tây phương. Thế chiến thứ II kéo dài 15 năm, đã gây vô số thiệt hại về vật chất và nhân lực cho Nhật. Thua trận, Nhật bắt buộc phải chấp nhận điều mà mọi người tưởng rằng « không thể chấp nhận » : đầu hàng vô điều kiện ! (Thực ra với một điều kiện duy nhứt là giữ lại chế độ Thiên hoàng). Điều may của Nhật là đầu hàng với Hoa Kỳ. Trong khi các nước khác, những nơi bước chân Hồng quân Liên Xô đi qua, tài nguyên, của cải tại đây đều bị cướp sạch.

Từ thời thuợng cổ, hậu quả của mọi cuộc chiến, phía chiến bại đều phải nhận lãnh nhiều điều kiện nhục nhã, của cải bị chiếm đoạt, số phận người dân trở thành nô lệ. Thời cận đại, văn minh hơn, phe chiến bại phải đền bồi chiến phí cho phe chiến thắng. Lịch sử phân liệt nước Trung Hoa trong thế kỷ 19-20 là thí dụ điển hình. Mọi tài nguyên, mọi của cải của nước này bị kẻ « chiến thắng » lột sạch. Hoặc trong thế chiến Thứ I, nước Đức thua trận, tuy không lâm vào hoàn cảnh của Thanh triều, nhưng phải cam kết trả nợ cho Anh và Pháp, phía chiến thắng, những khoảng nợ lớn lao mà dân tộc này không thể gánh. Việc này là mầm móng đưa đến Thế chiến II.

Hoa Kỳ, nước chiến thắng chủ yếu trong Thế chiến II, do ảnh hưởng tư tưởng của kinh kế gia người Anh Maynard Keynes (1883-1946), từ bỏ tập quán « thâu chiến lợi phẩm » đã có từ hàng ngàn năm nay của nhân loại. Keynes là ủy viên Anh, nhân hội nghị hòa bình 1919, đã từ chức để phản đối việc đòi tiền « bồi thường » nước Đức. Ông này đặt vấn đề : làm thế nào để tái xây dựng Châu Âu, nếu phe chiến thắng áp đặt một khoảng nợ không thể chịu đựng cho dân Đức ? Ý kiến này cho thấy đúng. Việc đòi kẻ thua trận phải « bồi thường » cho phe chiến thắng đã đưa đến việc nước Đức phát động chiến tranh để hủy nợ đồng thời cướp bóc các nước thua trận khác, đã đưa thế giới vào tình trạng bất ổn thường trực. Từ kinh nghiệm này, Hoa Kỳ chọn lựa chính sách tái xây dựng cho hai nước chiến bại là Nhật và Đức, (nhưng cũng là một đòn chính trị nhằm đối phó với địch thủ ý thức hệ là URSS, chủ trương kiểm soát mọi nguồn tài nguyên và cướp sạch của cải của nước chiến bại).

Hoa Kỳ, trước đó không lâu là kẻ thù không đội trời chung, chuyển sang thành đồng minh thân cận của Nhật. Điều làm cho mọi người kinh ngạc là thái độ cam chịu và thích ứng với hoàn cảnh của người dân Nhật.

Tháng 9-1945, lực lượng quân đội Hoa Kỳ vào chiếm đóng Nhật, dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas MacArthur. Tokyo, cũng như các thành phố lớn khác của Nhật, đã trở thành bình địa. Quân đội Hoa Kỳ tiến vào không có một sự phản đối nào của dân chúng. Những người lính Nhật đã tuyệt đối tuân theo lệnh đầu hàng của Thiên Hoàng, đem vũ khí đến nộp mà không hề có thái độ gây hấn. Những sĩ quan thì tuẫn tiết « harakiri ». Toàn bộ nhân viên hành chánh giữ nguyên nhiệm sở. Khi một viên chức Nhật đột ngột bị thay thế bằng một người Mỹ, viên chức này tuân theo lệnh bằng một cử chỉ cực kỳ lễ phép. Những gì còn lại của hải quân Nhật được giao nạp nguyên vẹn.

Những việc này xảy ra đều ngoài dự tính của các lãnh đạo Hoa Kỳ. Thái độ của dân Nhật hoàn toàn trái ngược với những gì binh lính Hoa Kỳ đã chứng kiến trong quảng thời gian trước đó. Những chiến sĩ Nhật với tinh thần sắt đá, chiến đấu anh dũng, xem cái chết tựa lông hồng, thà chịu chết chứ không đầu hàng.


4/ Hiến pháp dân chủ năm 1946, lấy hứng từ hiến pháp của Anh, được MacArthur áp đặt cho dân Nhật. Điều IX ghi như sau :

« Dân tộc Nhật từ bỏ vĩnh viễn việc chiến tranh như là một quyền chủ quyền của quốc gia cũng như việc sử dụng vũ lực như là một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế ».

Như thế, Nhật bị buộc từ bỏ mọi khả năng có thể gây chiến tranh, kể cả từ bỏ luôn quyền can thiệp của quốc gia, chiếu theo điều 51 của qui ước LHQ. Như vậy, từ chủ nghĩa quân phiệt hiếu chiến, dân Nhật đã chuyển hóa 180° sang một chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối. Trong một chừng mực nào đó người ta có thể cho rằng Nhật là một « thuộc địa » của Hoa Kỳ. (Bởi vì, chỉ trong xứ bảo hộ mới không có quân đội riêng của quốc gia).

Hội nghị San Francisco 1951 được tổ chức trong khung cảnh chiến tranh Triều Tiên. Nhật Bản, cũng như Đài Loan, trở thành các « hàng không mẫu hạm » không thể chìm của Hoa Kỳ nhằm ngăn ngừa sự bành trướng của Liên Xô và Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, vai trò của Nhật và Đài Loan quan trọng hẵn lên. Một hòa ước được ký kết giữa Nhật và Hoa Kỳ năm 1951. Nhật được nâng lên hàng « đồng minh » và quân đội HK chấm dứt giai đoạn chiếm đóng Nhật. Tuy vậy, một số vùng lãnh thổ của Nhật, như chuổi đảo Nam Tây (bao gồm Okinawa), vì lý do chiến lược, chỉ được Hoa Kỳ hoàn trả năm 1972. Kết ước an ninh hỗ tương giữa hai đồng minh Mỹ-Nhật ký năm 1951, có giá trị 10 năm. Tức cuối mỗi thập niên (60, 70, 80, 90, 10…) đều phải được ký lại.

Theo nội dung hòa ước, quốc phòng của Nhật hoàn toàn dựa vào Hoa Kỳ. Điều này không phải là bất tiện cho Nhật. Nước này nhờ vậy dồn hết khả năng vào việc phát tiển kinh tế và xây dựng lại đất nước đổ nát.

(Một yếu tố khác cũng giúp Nhật được nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, nhanh hơn Tây Đức ở Châu Âu, là do cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Nhật trở thành một địa phương vững chắc, cần thiết cho quân đội Hoa Kỳ từ đó làm bàn đạp tiến sang giải phóng Nam Hàn).

Quân đội Hoa Kỳ đóng thường trực ở Nhật khoảng 47.000 người. Tất cả các chi phí của quân Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật là do Nhật đài thọ, (tức là khoảng chi phí cho các căn cứ quân sự, chiếm 10% ngân sách quốc phòng).


5/ Điều IX Hiến pháp đã khiến Nhật đứng ngoài nhiều biến cố của thế giới. Thế giới đã thay đổi nhiều chiều, các lãnh đạo Nhật phải cố gắng để thích hợp trong hoàn cảnh lịch sử mới. Những vấn đề của Nhật là sự đe dọa về nguyên tử của Bắc Hàn, sự khẳng định của Trung Quốc về lãnh thổ, hải phận, chưa kể đến việc nước Nga vẫn còn chiếm một « lãnh thổ phía Bắc » của Nhật mà Nhật vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình với nước này sau 1945… Các thế hệ lãnh đạo Nhật tiếp nối đã kế thừa di sản để lại từ thời chiến tranh, đối phó với mọi tình thế bằng « hai tay bị trói ». Áp lực trong khu vực (và trên thế giới) đòi hỏi Nhật phải sớm có một quyết định, nếu không muốn bị gạt ra bên lề lịch sử.

Trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhứt, Nhật đã phải chi trả một số tiền lớn, nhưng không được tham gia. Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai, Nhật đã giới hạn được việc đóng góp cho chiến phí, nhưng phải tham gia nhân sự và khí cụ với hình thức cứu trợ và củng cố hậu phương. Nhiều lãnh đạo Nhật đã lên tiếng đòi hỏi Nhật phải có một tư thế xứng đáng so với những gì mà nước này đã đóng góp cho thế giới. Nhưng Nhật chỉ có thể trở thành một thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, nước này rất xứng đáng, chỉ khi nào điều IX của Hiến pháp bãi bỏ, quân đội Nhật chính thức là một quân đội quốc gia (hay hoàng gia, tùy cách gọi), có đủ các quyền chủ quyền, kể cả quyền gây chiến tranh để tự vệ và quyền can thiệp vào quốc gia khác, theo đúng như những qui định của LHQ.


6/ Quân đội của Nhật, sau Thế chiến II, bị giải giới. Năm 1950, cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ, trong khi phe Tưởng Giới Thạch thất bại, phải bỏ lục địa chạy ra Đài Loan 1949. Các chiến lược gia của Hoa Kỳ đã tính sai về khả năng của Tưởng Giới Thạch. Họ tưởng rằng tàn quân cộng sản của Mao Trạch Đông không chóng thì chầy sẽ bị tiêu diệt. Thực tế cho thấy ngược lại, tình trạng tham nhũng và đầu óc sứ quân của Quốc Dân Đảng, đã khiến người dân ủng hộ hồng quân, kể cả dân ở Quảng Đông, vốn là cái nôi của Quốc Dân đảng. Phe « tư bản » mất lục địa cho phe « cộng sản ». Chiến lược của Hoa Kỳ vì thế phải tính toán lại từ đầu. Nhờ các việc này mà nước Nhật, từ một vùng đất bị chiếm, lần hồi trở thành một « quốc gia đồng minh » của Hoa Kỳ.

Do nhu cầu chiến tranh Triều Tiên, lực lượng quân sự của Nhật được thành hình năm 1952, với hình thức « Lực lượng trừ bị cảnh sát », gồm 75.000, nhưng không được trang bị vũ khí hạng nặng và vũ khí cộng đồng.

Cuộc chiến Triều Tiên kéo dài, một bộ phận hải quân Nhật được thành hình sau đó. « Lực lượng trừ bị Cảnh sát » được trở thành « Lục lượng bảo an Quốc gia ». Đến năm 1954, đội ngũ không quân Nhật được thành lập. Từ đó quân đội của Nhật được gọi là « Lực lượng tự vệ - FAD ».

Các sĩ quan Nhật được đào tạo tại Quốc phòng học viện tại Yokosuda. Các lễ tục hàng năm của quân độ trước kia cũng được hồi phục. Hàng năm các tướng lãnh của quân đội Nhật được vào diện kiến Thiên hoàng và những người này rất được lòng quần chúng.

Năm 1980, hải quân Nhật tham gia diễn tập với hải quân của Anh và Pháp trong khuôn khổ của OTAN. Năm 1991, thủ tướng Nhật Kaifu đã đưa một dự luật cho phép quân Nhật tham gia các chiến dịch ở nước ngoài, dưới quyền của ONU. Năm 1995, một đội quân Nhật, dưới quyền của ONU, được gởi đến cao nguyên Golan (tranh chấp giữa Do Thái và Syrie).

Năm 2010, Nhật và Hoa Kỳ ký kết lại hiệp ước an ninh hỗ tương. Nội dung khẳng định việc các đảo Senkaku, hiện có tranh chấp với Trung Quốc, nằm trong nội dung hiệp ước. Đây là một thành công của ngoại giao Nhật. HK sẽ đứng về phía Nhật nếu tranh chấp các đảo bùng nổ. Mới đây bộ Ngoại giao TQ tố cáo Hoa Kỳ bội ước với Trung Quốc trong việc tranh chấp Senkaku, sau khi bà H. Clinton, bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định các điều đã cam kết với Nhật trong hiệp ước.

Những ngày gần đây, hải quân Nhật và hải quân Hoa Kỳ liên tục mở những cuộc tập trận chung. Hải quân Nhật cũng tiến hành các cuộc tập trận tương tự với các đồng minh khác như Đại Hàn, Úc và Phi. Như thế, quốc phòng của Nhật lần hồi thoát khỏi cảnh cô lập như sau Thế chiến II.

Mặt khác, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, như về điện tử, đã giúp cho quân đội Nhật các loại vũ khí tinh tiến hàng đầu thế giới. Về lãnh vực hạt nhân, kỹ thuật của Nhật đã có những tiến bộ lớn, nước này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong một thời gian rất ngắn, bất kỳ lúc nào. Về truyền thông, không gian… Nhật cũng cho thấy không hề thua kém bất kỳ một cường quốc nào.

Về phương diện lịch sử, từ năm 1982, các thủ tướng Nhật đã lấy lại thói quen đến trước đền Yasukuni để khấu đầu, mà trong đền này có thờ những liệt sĩ của Nhật thời Thế chiến II, bị phía Đồng minh gọi là “tội phạm chiến tranh”. Năn 1997, các sách lịch sử của Nhật bắt đầu nói về quân đội Nhật trong thời chiến tranh. Các buổi lễ chào cờ vinh danh tinh thần quốc gia cũng được thiết lập từ năm 1999 tại các lớp học. Các ứng cử viên thi vào trường sĩ quan ngày càng đông, từ tỉ lệ 4,4 ứng cử viên năm 1991 lên đến 45 ứng cử viên cho một ghế sĩ quan năm 2003.

Đầu năm 2000, một cơ quan tương tự Ngũ giác đài và cơ quan “Hội đồng an ninh quốc gia”, rập khuôn với Hoa Kỳ, đã được thành lập tại Nhật. Tất cả các động thái này nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Quân số trong quân đội Nhật là 230.000 người, năm 2008, được chia làm ba :
Lục quân, gồm 138.000 quân, được huấn luyện chiến đấu liên quân và đa vũ khí. Chủ lực gồm 800 thiết giáp và một đội trực thăng diệt thiết giáp.

Hải quân tự vệ (JMSDF) gồm 44.000 binh lính, 52 chiến hạm, 16 tàu ngầm, 5 tàu đổ bộ và 74 tài tiếp tế. Trọng tải hải quân Nhật năm 2011 là 376.000 tấn, đứng hàng thứ tư sau Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Về lực lượng không quân thuộc hải quân, gồm 80 chiến đấu cơ và 10.000 phi công và thợ máy.

Không quân tự vệ (JSGDF), theo Sách trắng quốc phòng 2010, gồm 359 phi cơ chiến đấu, với 46.000 quân, trong đó có khoảng 10.000 phi công và thợ máy. Nhật có dự án chế tạo các loại phi cơ chiến đấu tàng hình, sau khi Hoa Kỳ từ chối bán F-22 năm 2005.

Các khí cụ của Nhật thường xuyên được bảo trì và hiện đại hóa. Tất cả các khí cụ này mua từ Hoa Kỳ hay do Nhật chế tạo. Về không gian, Nhật có hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lãnh vực. Các hệ thống phòng thủ Aegis và Patriot của Hoa Kỳ cũng được nhượng cho Nhật. Việc này củng cố hệ thống phòng thủ chiến thuật, tạo thành tấm khiên chống hỏa tiễn hữu hiệu. Lo ngại của Nhật hiện nay là phòng thủ hỏa tiễn chiến lược. Theo chiều hướng này, một dự án “hệ thống phát hiện từ xa (trong trứng nước)” để phòng thủ quốc gia đã được thành hình.


7/ Việc gia tăng ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc đã làm cho Nhật lo ngại.

Vấn đề quốc phòng là việc liên tục và lâu dài, đòi hỏi cấp lãnh đạo phải có tầm nhìn xa và đúng, không thể để “bất ngờ”, nước đến chân mới nhảy. Mặc dầu bị bó buộc bởi điều IX Hiến pháp, nhưng ta thấy các lãnh đạo Nhật luôn tìm cách vượt qua để thành lập một đội ngũ hải, lục, không quân thiện nghệ, với những vũ khí tối tân nhứt, có thể đối phó với bất kỳ đe dọa đến từ bất kỳ một cường quốc nào vào bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, với sự ràng buộc do hiệp ước an ninh hỗ tương với Hoa Kỳ, Nhật có thể ăn yên tâm bất kể những thách thức gần đây của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.

Sự hùng hổ của Trung Quốc đối với Nhật hiện nay, các chiến lược gia Việt Nam nên suy nghĩ theo chiều hướng khác. Chuyên gia Jean-Vincent Brisset, Giám đốc trung tâm nghiên cứu IRIS Pháp, trên tờ Le Monde ngày 27-12-2012 có bài viết cho rằng Trung Quốc đang áp dụng kế sách "Faire du bruit à l'Est pour attaquer à l'Ouest" tức kế sách của Tôn Tử  “dương đông kích tây”. Những “rùm beng” của TQ hiện nay tại biển Hoa Đông chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận. Mục đính của họ là Biển Đông. Người viết hoàn toàn đồng ý với nhận định này.   


[i] Lý thuyết về sự « xung đột giữa các nền văn minh » do Samuel Huntington đề xướng là một quan niệm. Theo lý thuyết này, một cuộc chiến Thế giới sẽ bùng nổ (bắt nguồn từ tranh chấp ở biển Đông), đưa tới việc đối đầu giữa hai đại cường : Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc chiến lôi kéo các nước vào vòng chiến, trong đó, nước Nhật, vì bất lợi địa chính trị, và vì sự tương đồng của nền văn minh, do đó sẽ đứng vào phía Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.