dimanche 27 décembre 2015

Cuối năm nhìn lại hồ sơ tranh chấp Biển Đông.

(từ Nhật ký facebook)

26-12-2014

Báo chí đăng tin nhà xuất bản Trùng Khánh (TQ) vừa cho ra mắt cuốn sách song ngữ Hoa-Việt  "Những điều tâm đắc của Lê Khả Phiêu", đúng đêm Noel 24-12-2014, ngay tại nhà tác giả ở Hà Nội. Nghe nói nhà xuất bản này đã tài trợ ông cựu tổng bi thư từ a đến z để in 1000 cuốn sách đâu tiên. Đâu mà có người tốt bụng (dữ thần) vậy!

Thì chắc cũng có qua, có lại. Theo tin tức (từ thập niên 90) ở người thư ký của ông là Nguyễn Chí Trung, thì chính Ông Phiêu là người đã nhìn nhận giữa VN « có ba vùng biển tranh chấp » với Trung Quốc. Ba vùng biển này là ba vùng biển đó là : vùng vịnh Bắc Việt, vùng biển Hoàng Sa và vùng biển Trường Sa.

Ở VN ít có người lên tiếng phản đối vụ này. Phía đảng, sự im lặng là phải đạo, vì đó là "nhận thức chung của lãnh đạo". Còn phía học giả VN, một số im lặng có lẽ do không ý thức được tầm quan trọng hành vi một chính phủ nhìn nhận một vùng lãnh thổ, hay vùng biển (của quốc gia bị quốc gia khác) tranh chấp. Số khác (thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông) thì nhìn nhận "có tranh chấp tại vùng biển TS", như ý kiến của Lê Khả Phiêu.

Một thí dụ về hệ quả của việc "nhìn nhận có tranh chấp". TQ từ nhiều năm nay đã làm áp lực đủ mọi thứ với các chính phủ Nhật, chỉ để được một chuyện : chính phủ Nhật nhìn nhận có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) với TQ. Nhưng các lãnh đạo Nhật họ đâu có ngu (như lãnh đạo VN) ?

Nhìn nhận có « tranh chấp » (tại Senkaku) là nhìn nhận sự hiện diện chính đáng của TQ tại quần đảo này. Theo tập quán quốc tế, (qua các vụ tòa án quốc tế phân xử), cách giải quyết tranh chấp về chủ quyền (giữa hai quốc gia) tại một vùng lãnh thổ là chia đôi vùng lãnh thổ đó.

Tranh chấp vùng biển cũng vậy. Nhìn nhận có tranh chấp ở vùng biển TS là chia đôi với TQ ở vùng biển này.
Người ta đặt câu hỏi nguyên nhân vì sao ông Lê Khả Phiêu lại nhìn nhận có tranh chấp tại vùng biển Trường Sa ? Người ta cũng đặt câu hỏi tương tự cho các học giả VN (thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông).

Đâu phải khi TQ cho phép các hãng khai thác của Mỹ (Crestone) vào khai thác khu vực Tư Chính - Vũng Mây (mà TQ gọi là Vạn An Bắc) thì vùng biển này trở thành vùng biển "có tranh chấp" hay sao ?.

Ta nhìn nhận VN và TQ hiện hữu sự tranh chấp tại vùng biển Hoàng Sa. Vùng biển tranh chấp này bao gồm:1/ vùng biển giữa Hoàng Sa và đảo Hải Nam và 2/ vùng biển giữa Hoàng Sa và bờ biển VN.

Nhưng vùng biển Trường Sa, TQ dựa lên cái gì để đòi phần ? Nói theo kiểu (anh Ba X), nhà tôi là nhà của tôi, chứ nhà tôi mà anh nói là nhà của anh thì đâu có được ?

Chết người là anh Phiêu lúc trước có nói : nhà của tôi cũng là nhà của anh.

Vì vậy, việc in cuốn sách này chỉ là ba cái lẻ tẻ. Người xuất tiền in có thể đang muốn "pháp lý hóa" lời hứa của ông Phiêu.

18-1-2015

Anh Ba đầu năm ra chỉ thị "kêu gọi toàn dân bảo vệ chủ quyền quốc gia". 

Phải à anh Ba. Không cần anh kêu người dân nào cũng có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của đất nước mình.

Vấn đề là, thưa anh Ba, người dân (trên răng dưới dế) lấy cái gì để bảo vệ ?

Chủ quyền lãnh thổ ở đây đâu có nghĩa như là "chủ quyền" miếng ruộng dưới quê mình để mà nói dễ vậy anh Ba ?

Chủ quyền lãnh thổ ở đây bao gồm chủ quyền về đất đai, hải đảo, vùng trời, vùng nước (tiếp cận với hải đảo), thềm lục địa v.v… cũng như các thứ tài nguyên trong đó. Chủ quyền ở đây là thẩm quyền của quốc gia đối với con người trên vùng lãnh thổ đó. Cho tới chiếc tàu biển treo cờ VN, hay là những khoảnh đất mà tòa Đại sứ VN cất ở các nước, cũng đều là "lãnh thổ" của mình đó anh Ba.

Có chủ quyền (hay còn giữ được chủ quyền) là nhà nước có quyền lực và sự độc lập khi hành xử quyền lực của mình (đối với những thế lực, những quốc gia khác…) trên vùng lãnh thổ đó.

Nhắc chừng cho anh Ba nhớ, các hành vi xây dựng đảo của TQ ở Trường Sa (sờ sờ trước mắt) là điều cụ thể chứng minh nhà nước VN (mà anh Ba cầm đầu) đã mất chủ quyền ở đó rồi.

Cũng nhắc anh Ba nhớ, các công ước (bất bình đẳng) về kinh tế, an ninh, quốc phòng, trao đổi văn hóa… được ký kết với TQ (theo định hướng của các Tuyên bố chung 2013…) là những điều cụ thể cho thấy quốc gia VN đã mất chủ quyền (ở đây là sự độc lập).

Giữ được chủ quyền, ngoài toàn vẹn lãnh thổ, còn có sự độc lập của quốc gia nữa mà anh Ba.

Tôi hỏi anh Ba, làm sao người dân có thể giữ được độc lập quốc gia trong khi các quyền cơ bản nhất của họ đã bị tước bỏ ?

Cụ thể nhất là quyền "được biết – droit de savoir". Vấn đề sức khỏe ông Thanh, đáng lẽ là chuyện riêng tư gia đình, nhưng ông Thanh là người của công chúng, từng có tránh nhiệm lãnh đạo quan trọng trong bộ máy nhà nước. Điều đương nhiên là người dân có quyền biết về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo mình. Cũng như vụ họp TW đảng lần 10, cũng là chuyện của quốc gia. Bởi vì đảng CSVN được hiến pháp qui định là thành phần "lãnh đạo nhà nước". Vì vậy chuyện nội bộ đảng cũng là chuyện chung của quốc gia, của mọi người dân. Kết quả buổi họp mấy anh dấu nhẹm như mèo dấu cứt.

Không biết gì về nội tình quốc gia, đảng mấy anh bán nước, nhượng chủ quyền về kinh tế, quốc phòng… để cho thế lực ngoại bang ảnh hưởng lên nền kinh tế quốc gia, đe dọa an ninh quốc phòng… không ai biết để lên tiếng cảnh cáo.

Tức việc dân "không biết" là một điều nguy cơ đến chủ quyền.

Kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền, người dân không có cái gì, kể cả quyền được biết.
Vậy anh Ba làm ơn đừng lấy súng nước bắn ngỗng trời nữa. Oải quá anh Ba !

24-1-2015

Công an thực ra cũng đóng góp rất lớn trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bằng chứng là vừa rồi những thành phần mẫn cán của lực lượng công an thủ đô Hà Nội đã ngăn chặn được bọn phản động tổ chức truy niệm các chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến Hoàng Sa 17 tháng giêng năm 1974. Buổi lễ (được bọn phản động) tổ chức rùm beng tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Các chiến sĩ công an đã thành công giật được những vòng hoa (chiến thắng).

Cuộc chiến Hoàng Sa là cuộc chiến giữa VNCH, tức bọn "Ngụy bán nước", với Trung Quốc vĩ đại. Mà Hoàng Sa (và Trường Sa) là của Trung Quốc, điều này đã được đồng chí thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận năm 1958. Lực lượng công an nhất trí với lập trường này. Bởi vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trước kia là Liên Xô, nay là Trung Quốc.

Đả đảo bọn Ngụy bán nước. Bỏ tù (cho chết mẹ) mấy thằng, mấy con phản động.

Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc là một công lao. Sau này tổ quốc Trung Quốc sẽ ghi nhớ. Còn bây giờ thì lịch sử Trung Quốc chân thành cám ơn các đồng chí công an. Nhờ những hành động dũng cảm của các đồng chí công an, công việc của bọn học giả biển Đông trở thành công việc ngớ ngẫn, dở hơi. Bọn họ đều là thứ ăn hại đái nát.

Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung quốc, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói vậy, lực lượng công an cương quyết cũng nói như vậy.

Lực lượng công an thề sẽ đập chết mẹ bọn nào nói khác.

8-3-2015

Mở lại hồ sơ Biển Đông.

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/03/mo-lai-ho-so-bien-ong.html

12-3

Cam Ranh trong thế cờ chiến lược quốc tế.

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/03/cam-ranh-trong-co-chien-luoc-quoc-te.html

12-3

Tình hình Biển Đông hiện nay có hai điều lo ngại.

Một là Trung Quốc ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo (trên các bãi đá đã chiếm của VN tháng 3 năm 1988), không bao lâu nữa chúng trở thành các căn cứ quân sự (hải quân, không quân) quan trọng. Dựa trên các căn cứ này phía TQ dễ dàng tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » mà hệ quả của nó là đe dọa trực tiếp an ninh quốc phòng và tức thời làm nguy hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Tiến độ xây dựng các đảo của TQ tại Biển Đông nhanh gấp vài mươi lần tiến độ xây dựng các đảo nhân tạo (có diện tích nhỏ hơn nhiều lần) tại các xứ dầu hỏa trong vịnh Ba Tư. Tại đây người ta phải mất 10 năm để xây dựng một đảo trong khi TQ chỉ một thời gian hơn một năm đã xây dựng (hầu như hoàn tất về cơ bản) công trình trên (ít nhất) là 6 đảo. Việc này đã làm đảo lộn mọi dự tính của các chiến lược gia, chuyên gia về Biển Đông.

Hai là sự im lặng của phía VN, từ nhà cầm quyền cho đến dân chúng. Trong lúc các học giả của Phi đã tổ chức các buổi hội thảo, các buổi nói chuyện trước công chúng, trực tiếp chất vấn lãnh đạo về các hành vi của TQ. Trước sự bối rối, tiến thoái lưỡng nan của nhà nước ở các phương diện chính trị, pháp lý và ngoại giao… học giả Phi đã táo bạo đề nghị giải pháp sử dụng quân sự để giải quyết. Họ cho rằng việc phi cơ oanh tạc để phá hủy các cơ sở đang xây dựng của TQ ngay bây giờ có thể gây đổ máu. Nhưng chắc chắn máu sẽ đổ sẽ ít hơn nhiều lần, nếu việc này xảy ra sau khi các cơ sở xây dựng của TQ hoàn tất.

Tôi nghĩ là không có lý do nào các học giả, chuyên gia VN lại không thể thực hiện những công việc tương tự. Nhà nước VN cần biết được sự quyết tâm, trước hết của giới học giả, sau đó của quần chúng, trong công cuộc bảo vệ nền an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ. Hai bên Phi và VN có chung một địch thủ, có chung một mối lo, học giả hai bên có thể quan hệ để trao đổi kinh nghiệm và thống nhất trong hành động.

Tôi nghĩ rằng tình hình đã cấp bách, thời gian trước mắt không còn bao nhiêu (dự trù TQ sẽ hoàn tất các công trình vào tháng 7 năm 2015). Giới học giả, chuyên gia, trí thức VN cần phải có, trước hết một thái độ, sau đó một « kế hoạch » để bảo vệ đất nước. Trước đây tổ tiên mình đã từng tổ chức được hội nghị Diên Hồng, thì nay không lý do gì cháu con lại không thể làm được..

14-3

Biến cố Gạc Ma 14-3-1988, 64 người lính công binh VN bị thảm sát.

Luật quốc tế về chiến tranh có qui định không được bắn vào một người khi tay họ không cầm vũ khí. Đây là một hành vi cố sát, bị qui vào tội ác diệt chủng. Những người ra lệnh việc thảm sát là tội phạm. Hành vi của họ lý ra phải truy tố trước Tòa án hình sự quốc tế.
Bất kỳ người chiến sĩ nào, ước mơ của họ là được chết với cây súng trên tay.

Quyết định của lãnh đạo của VN đưa những chiến sĩ này ra đảo làm công tác xây dựng đảo mà không gởi kèm đoàn quân bảo vệ, hoặc ít ra, vũ trang để họ tự bảo vệ, trong khi đã biết tình hình đang căng thẳng. Đó là một quyết định ngu xuẩn trên quan điểm quân sự. Trước quân pháp những lãnh đạo này có tội "thí quân". Trước luật hình sự họ phạm các tội "không bảo vệ lãnh thổ" và "thông đồng với kẻ địch"… Những người này đáng bị ghép vào tội tử hình.

Sự im lặng dài lâu của lãnh đạo VN trước biến cố này, trước hết thể hiện sự vô ơn đối với những người đã hy sinh, sau đó là thông đồng với kẻ địch xâm lăng.

Nhưng hành vi nghiêm cấm không cho quần chúng tổ chức các buổi tưởng niệm những chiến sĩ Gạc Ma trong ngày 14 tháng 3 của nhà nước VN lại là một sự phản bội.

Điều may mắn là lịch sử luôn công bằng. Những người chết vì đất nước thì luôn được tổ quốc ghi nhớ công ơn. Những người phạm tội, lưới pháp luật không xử được họ, thì còn lưới trời lồng lộng. Tòa án lương tâm, trong mỗi công dân VN, sẽ phán xử họ.

15-3

Trong vụ "thảm sát Gạc Ma", nếu ta xem các video clip được phía TQ phổ biến trên mạng (từ 10 năm nay), thì thấy rõ ràng phía quân đội VN không hề có một động thái nào nhằm để tự vệ, chứ đừng nói đến phản công lại.

Đừng nói chi đến quân đội, bất kỳ ai trong tình huống (tương tự) như Gạc Ma lại không có các động thái trả đũa nhằm tự vệ ?

Vấn đề là quân đội VN không thể phản công, không thể tự vệ. Họ chỉ có thể gồng mình chịu chết. Đơn giản vì trong tay họ không có một loại vũ khí nào.

Câu hỏi hợp lý cần đặt ra: Tại sao khi lính ra "mặt trận" mà lại không có được một cây súng trên tay, không có được một đội quân hộ vệ ?

Ai đã chủ trương việc ngu xuẩn này ?

Các nhân chứng (trong biến cố Gạc Ma) đã từng lên tiếng cho biết lãnh đạo nào đã có quyết định như vậy:

"Ông Lê Đức Anh đã ra lệnh cho quân đội không được phép nổ súng trong bất kỳ trường hợp nào."

Tướng Lê Mã Lương, trong một buổi hội thảo, đã cho biết ông Nguyễn Cơ Thạch (lúc đó) đã tức tối đập bàn hỏi : ai ra lệnh cho quân đội không được nổ súng ?

Ông Nguyễn Cơ Thạch là một người có tài năng. Ta thấy phản ứng của bộ Ngoại giao (hoàn toàn khác với phản ứng của bộ quốc phòng), đã ra những công hàm nội dung cho thấy phía VN đã có các hành vi tự vệ. Dĩ nhiên điều này không đúng với những gì đã xảy ra trong thực tế, như đã thấy trong các clip video.

Nhưng thái độ này lại cần thiết. Bộ ngoại giao đã "cứu vãn" được tình thế, khẳng định được hành vi bảo vệ chủ quyền, tránh cho VN lâm vào tình huống tệ hại nhất về pháp lý.

Và không phải chỉ có Tướng Lê Mã Lương lên tiếng. Báo chí trong nước cũng đã nhiều lần gọi (biến cố Gạc Ma) là "cuộc chiến mà súng chỉ nổ từ một phía".

Biến cố Gạc Ma, với những bằng chứng, những nhân chứng... như vậy nó đã là một "sự thật lịch sử".

Tuy vậy, hiện nay nhiều luồng thông tin nhằm bênh vực ông Lê Đức Anh, cho rằng những nhân chứng, những nhà nghiên cứu, báo chí... là... phản động, viết sai sự thật. Không thấy họ đưa ra được một bằng chứng thuyết phục để phản biện những gì đã xảy ra trong các video clip.

Trong khi đó, bằng chứng kết tội Lê Đức Anh thì vô số.

Lời nói của Lê Đức Anh, mới được đăng tải gần đây (qua dạng hồi ký), cho thấy những lời chụp mũ kia mới thật sự là nước bọt phun vào lịch sử, người viết nó mới là phản quốc:
"họ bắn sang ta bằng đạn pháo, thì ta "bắn lại" bằng tình hữu nghị! Nhất định phải làm mọi cách để nối lại tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt-Trung"

Lê Đức Anh, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, nói những lời trên ở mặt trận Vị Xuyên. Ông Anh lên nắm bộ Quốc phòng năm sau khi Đại hội 6, 15 đến 18 tháng 12 năm1986 kết thúc.
Biến cố Gạc Ma, 14-3-1988, đã áp dụng (từng câu chữ) của Lê Đức Anh ra thực tế.
Mà cách hữu hiệu nhứt để quân đội VN "không bắn lại" là không vũ trang cho họ khi ra chiến trường.

Ngoài ra, kết quả của Hội nghị Thành Đô là gì ? cũng chính ông Anh (cùng các ông Đồng, Linh, Mười...) chủ trương "không nhắc lại quá khứ". Tức nhìn nhận những gì TQ chiếm được của VN là của TQ.

Từ 1990 đến nay, không hề thấy trong các công văn, công hàm của VN nói một dòng về Gạc Ma, cũng như những đảo, đá mà TQ đã chiếm của VN năm 1988.

10-4

Lợi ích gì khi VN tham gia vào dự án "Con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc ?

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/04/loi-ich-gi-khi-vn-tham-gia-vao-du-con.html

14-4

Nghe nói công an Hà Nội bắt giữ 5 người trong cuộc "tuần hành vì cây xanh" do dân Hà Nội tổ chức vào ngày chủ nhựt tuần qua. Điểm chung những người bị bắt là họ "mặc áo đen đeo phù hiệu Việt Nam Cộng Hòa". Không biết đến nay những người này đã được thả hay chưa ?

Việc mà (những người quan tâm) muốn biết là 5 người này bị bắt vì lý do gì ? Vì tội tụ tập đông người ? Vì tội gây rối trật tự công cộng ? Hay vì tội "đeo phù hiệu VNCH" ?

Lúc viết những giòng chữ này thì 5 người kia vẫn chưa được thả ra. Thời gian tạm giam (theo luật định) đã qua.

Theo tôi biết thì việc “đeo phù hiệu VNCH” không cấu thành tội phạm.

Nhưng các vụ bắt bớ như thế này xảy ra như cơm bữa ở VN. Nhà nước này có thể bắt bất kỳ người dân nào, vào bất kỳ lúc nào và vì bất cứ lý do gì.

Điều này chỉ nói lên được một điều là nhà nước này còn rất "yếu bóng vía". Họ sợ đủ thứ.

Đến nay, có những bản nhạc sáng tác trước 1975 vẫn còn bị "cầm tù". Một số bài nhạc của Trịnh Công Sơn, (trong Ca Khúc Da vàng), những bản nhạc “phản chiến” đã đóng góp rất nhiều cho "cách mạng" trong việc giật sập chế độ VNCH. Chúng cũng chỉ mới được nhà nước "phóng thích" gần đây. Nói gì đến những bản nhạc khác trước kia…

Nhà nước này sợ từ một bài hát cho đến cái huy hiệu của VNCH.

Nếu có “chính nghĩa” thì việc gì phải sợ như vậy ?

Nghĩ cũng tức cười, “những nhà trí thức”, “những nhà tranh đấu” của VN cũng có chung nỗi sợ như vậy.

Chỉ có người bịnh mới sợ nước, sợ gió mà thôi.

14-4

Theo tôi thì thực thể chính trị VNCH đã chết từ 30-4-1975 nhưng người ta không thể "chôn sống", hay "dị ứng" với di sản của nó một cách đơn thuần như vậy.

Công an Hà Nội bắt 5 người mang phù hiệu VNCH về tội gì chưa biết. Giả sử rằng nếu họ bị bắt vì tội đeo phù hiệu thì có lẽ còn rất nhiều người nữa, nhứt trong giới học giả nghiên cứu Biển Đông, các nhà ngoại giao VN (có thể toàn bộ nhân sự bộ ngoại giao)... thảy đều vô tù !

Các học giả VN (nghiên cứu Biển Đông), nếu đọc lại các bài viết, hay các tác phẩm của họ, ta thấy rằng, để chứng minh chủ quyền của VN tại HS và TS họ đều sử dụng tài liệu của VNCH. Nào là tuyên bố của ông Thủ tướng Trần Văn Hữu trong Hội nghị San Fransico 1951... nào là các văn bản chứng nhận, hay tuyên bố của VNCH về chủ quyền của VN tại HS và TS. Hoặc là trận chiến HS năm 1974, hải quân VNCH đánh với quân Trung cộng để khẳng định chủ quyền...

Còn Bộ Ngoại giao VN, đọc tài liệu "sách trắng" của VN về HS và TS do bộ này xuất bản, hay các tuyên bố gần đây nhứt tại LHQ về vụ giàn khoan 981... ta thấy đều nhắc tới các hành vi khẳng định chủ quyền của VNCH... VNDCCH không có gì cả (ngoài công hàm của ông Đồng cũng như các bản đồ của VNDCCH in mà TQ vừa mới đem ra làm chứng ở LHQ vào thắng năm 2014)

Nếu nhắc tới VNCH là phạm tội, thì thành phần này phải vào tù trước, phải không ?.

Bà Monique Chemilier-Gendreau, trong tập La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys nói rằng :

"Như vậy, chính quyền Sài Gòn, và chỉ chính quyền này mới được phát biểu về vấn đề các đảo HS và TS. Họ đã làm các việc đó. Họ đã làm việc đó với tư cách là người thừa kế các quyền của nước Việt Nam trong giai đoạn tiền thuộc địa."

Nếu vụ này hiểu chưa thông thì người VN hãy nói vĩnh biệt HS và TS cho rồi. Tranh đấu chi nữa mất công !

18-4

Việt Nam không có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông.


9-5-2015

Người ta thường nghe ý kiến của « những người thành công », bởi vì lời của họ thường đúng.

Có ông tỉ phú người Việt tên Hoàng Kiều, mới đây trả lời phỏng vấn trên BBC, về ý kiến so sánh giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông chỉ nói một câu đơn giản nhưng đầy triết lý rằng « bút sa thì gà chết ». Hàm ý ông cho rằng người giới lãnh đạo TQ biết thủ tín, khi đã hứa điều gì thì giữ lời cho đến cùng. Ông cho rằng Trung Quốc thành công vì nhờ yếu tố này. Ông tỉ phú không nói (lãnh đạo) Việt Nam bất tín, nhưng sự thật thế nào thì mọi người đều biết.

Mà không phải chỉ giới lãnh đạo người Hoa mới thủ tín, theo lối « quân bất hí ngôn ». Người Hoa ngày xưa ở Chợ Lớn cũng đã rất thành công vì lề lối làm ăn của họ. Tất cả đặt vỏn vẹn lên một chữ tín. Người Hoa ở ở Mã Lai, ở Indonésie, ở Mỹ… đều rất thành công, cũng vì họ biết giữ chữ tín. Đài Loan, ở Singapour đã xây dựng đất nước họ giàu đẹp. Dĩ nhiên cũng do chữ « tín ».

Người Việt ngày trước cũng vậy, cũng rất « thủ tín ». Vì một lời hứa của hai ông già trên bàn nhậu, hai đứa con sau này phải kết nghĩa phu thê. Trong chuyện làm ăn cũng vậy, lấy thí dụ nhà tôi ngày xưa, khi buôn bán với khách hàng thường giao hàng trước (bán chịu), sau đó mới lấy tiền. Không hề có một tờ hợp đồng nào. Có những bạn hàng, mặc dầu tất cả đều bị sạt nghiệp như nhau 1975, nhưng hai bên vẫn giữ nguyên tình bạn hàng năm xưa, cho đến ngày hôm nay. Nợ nần coi như xóa.

Nhưng người Việt hôm nay thì khác. Lãnh đạo VN, cho đến hôm nay cũng ít ai dám tự xưng mình là « Việt Cộng », mặc dầu hiển nhiên họ đều là đảng viên cộng sản. Thậm chí họ không dám nhìn nhận mình là đảng viên cộng sản.

Không dám nhìn nhận « căn cước » của mình, tức là không « thủ tín » với ngay bản thân mình, thì « thủ tín » với ai ? Ông Thiệu cả đời chỉ có một câu nói đúng : đừng nghe những gì cộng sản nói.

Người miền nam thường xuyên là nạn nhân của các vụ lật lọng của chính quyền CS. Những điều bất tín của CSVN thì nhiều vô tận, nói ra không làm sao cho hết.

Nhưng để cho đất nước có thể ngóc đầu lên trong khu vực, điều cần thiết là lãnh đạo CSVN phải « thủ tín ». Trước hết là luật pháp phải minh bạch. Tức là « bút sa thì gà chết », không thể biện hộ lòng vòng.

Khi tòa đại sứ của anh đã cấp visa cho người ta nhập cảnh thì không vì bất cứ lý do gì lại trục xuất người ta khi vừa về tới Tân Sơn Nhứt. Đó là bội tín. Người dân với nhau còn phải thủ tín huống chi là chữ ký và con dấu của nhà nước (visa).

Quân bất hí ngôn, lãnh đạo không nên nói chuyện chơi. Huống chi là chữ ký và con dấu của nhà nước ?

Tuy nhiên, ý kiến của ông tỉ phú ở đây, « bút sa gà chết », còn có thể ám chỉ cho công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Bút sa thì gà chết. Ký rồi thì làm sao phủ nhận được ? Đối với TQ thì nhà nước VN bội tín. Bội tín vì lối giải thích lòng vòng không thuyết phục của học giả VN.

Vấn đề ở đây đơn giản hơn, cần chỉ ra cho ông tỉ phú (và các học giả VN rõ) là một hợp đồng, một kết ước chỉ có giá trị pháp lý khi nó không đi ngược lại các điều ước nền tảng của hệ thống pháp lý. Công hàm 1958 của ông Đồng không có giá trị vì đi ngược lại các điều ước đã được qui định ở các kết ước quốc tế khải huyền lãnh thổ VN (sau 1954 là hiệp định Genève và hiệp định Paris).

12-5-2015

Cần phải xem xét giải pháp « condominium » bãi đá san hô Fiery Cross một cách nghiêm túc.

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/05/can-nghien-cuu-giai-phap-condominium.html

15-5

Miệng nhà sang có gang có thép.

Sau khi nghe tin Hoa Kỳ có thể đưa máy bay, tàu chiến vào tiếp cận khu vực các đảo TQ đang bồi đắp, Bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao TQ, nói rằng « tự do hàng hải không có nghĩa là tàu bè và máy bay quân sự nước ngoài có thể tùy tiện đi vào lãnh hải và không phận của nước khác ».

Nhân viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đáp lễ bà Hoa rằng : « không cần biết TQ đã đổ bao nhiêu cát trên các bãi đá ngầm. Điều đó không trợ giúp các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Bạn không thể xây dựng chủ quyền ».

Chủ quyền không thể xây dựng ! Đúng là chân lý ! Câu trả lời này cho thấy hoàng đế Bắc Kinh sắp bị lột truồng.

Nhưng chủ quyền có thể « áp đặt ».

Vấn đề ở đây là Mỹ chớ không phải bọn lóc chóc ASEAN để mà Bắc Kinh « áp đặt » chủ quyền.

Bắc Kinh tưởng rằng họ có thể bồi đắp, mở rộng để các bãi đá trở thành một hải đảo sau đó dùng sức mạnh để ép buộc các nước ASEAN « công nhận » chủ quyền của họ ở các « đảo » này. Việc này cũng nhìn nhận quyền chủ quyền của TQ (như vùng hải phận kinh tế độc quyền, thềm lục địa 200 hải lý, vùng không gian…) trên các đảo.

Chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không ngồi yên. Họ vừa lên tiếng hăm he rằng sẽ bảo vệ lãnh thổ cho đến cùng.

Vấn đề là vùng mà họ đang bồi đắp đâu phải là lãnh thổ của họ (để mà họ sử dụng vũ lực một cách chính đáng) ?

Thái độ của TQ càng cứng rắn thì quyết tâm đưa lực lượng hải quân và không quân của Mỹ vào trong khu vực càng được các nước hoan nghênh. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ được phép đóng quân thường trực ở Cam Ranh và Subic Bay.

Để « hạ hỏa » khu vực, phương pháp « condominium » trên các đảo đang bồi đắp do tôi đề xuất là một phương pháp khả thi.

Chủ quyền của TQ ở các đảo (nhân tạo) này chắc chắn sẽ không được nhìn nhận. TQ cũng không thể áp đặt các nước bằng sắc mạnh. Thể theo đề nghị (của viên chức) của TQ, các nước có thể sử dụng các đảo (đang bồi đắp này) vào mục tiêu cứu nạn. Nếu các bên đồng lòng ủng hộ tuyên bố này, việc cộng đồng quản trị sẽ chỉ là một thủ tục hành chánh.

15-5

Ván cờ Biển Đông

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/05/ban-co-bien-ong.html

17-5

Hòa ước Trung-Nhật 1952 phải chăng đã “mặc nhiên” giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc ?

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/05/hoa-uoc-trung-nhat-1952-phai-chang-mac.html

22-5

Tôi thấy là tuyên bố của ông Bình, phát ngôn nhân VN, trước vấn đề Biển Đông hôm qua là không phù hợp với hoàn cảnh. Không nhắc lại lời phát biểu, nhưng mọi người đều thấy rằng ý tứ của VN là rất « chung chung », hàng hai, mặc dầu các đảo đang được TQ bồi đắp là thuộc chủ quyền của VN. TQ cướp các bãi đá này trên tay của VN từ năm 1988.

VN đã từng tuyên bố phản đối việc xây dựng của TQ trên các đảo của mình, cho đây là việc làm « trái phép ». Việc hai bên, Mỹ và TQ, vờn nhau ngay trên lãnh thổ của VN, dĩ nhiên là thuộc vấn đề của VN. Lời tuyên bố của ông Bình vì vậy là không thích hợp.

Người Mỹ, theo tuyên bố của các viên chức hữu trách, cho rằng hành vi của Mỹ (việc cho máy bay, tàu bè đi tuần…) là chuyện thường xuyên từ xưa nay trên Biển Đông nhằm bảo vệ quyền lợi của Mỹ (như quyền tự do hàng hải).

Nếu ta xem lại bản điều trần của Thứ trưởng bộ Ngoại giao, ông Daniel R. Russel trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 13/5/2015, (ông này phụ trách các vấn đề Châu Á và Thái Bình Dương), trong đó có nhiều điều đáng ghi nhận, giả sử các đoạn :

« Mỹ đã và đang có một vai trò chủ động ở Biển Đông để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ và các nguyên tắc luật pháp quốc tế. »

Về lợi ích của quốc gia Mỹ thì ta miễn bàn. Nhưng vấn đề cần quan tâm là việc « bảo vệ các nguyên tắc luật pháp ».

Qua bài phỏng vấn của Vietnamnet hôm nay (22-5-2015), ông Johnathan Odom thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, cho thấy quan niệm của Mỹ là các đảo nhân tạo thì không có lãnh hải 12 hải lý, như qui định của UNCLOS.

Ý kiến này phù hợp với nội dung Bản điều trần :

« Luật quốc tế quy định việc xây dựng (trên các bãi đá ở Biển Đông), cho dầu có đổ bao nhiêu cát đá đi nữa, việc này cũng không làm thay đổi bản chất hay củng cố sức mạnh pháp lý trong yêu sách lãnh thổ của quốc gi. Việc xây dựng không thể tạo ra chủ quyền »

Các nhận định của các viên chức Hoa Mỳ hoàn toàn phù hợp với tinh thần bộ luật quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS). Hành vi của Trung Quốc (xây dựng mở rộng các bãi đá) và tuyên bố hải phận, không phận trên đó là vi phạm UNCLOS. Điều này khẳng định việc máy bay hay tàu bè của Mỹ, nếu có đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo này thì không phạm luật.

Nhưng vấn đề là các bãi đá (mà TQ cướp của VN năm 1988 và đang được xây dựng) là thuộc chủ quyền của VN. Các bãi đá đang được TQ xây dựng, sẽ trở thành các căn cứ quân sự. Việc này đe dọa an ninh quốc phòng, nếu không nói là đe dọa sự tồn tại của quốc gia Việt Nam.

Ông Trọng mới than thở rằng : « người ta không thể lựa chọn được láng giềng ». Điều này cho thấy sự bất lực của VN trước những lấn lướt của TQ. Nó cũng tố cáo rằng VN không có biện pháp nào trước những hành vi bành trướng của TQ.

Để ý, ta thấy, trong việc TQ xây dựng, mở rộng các bãi đá thuộc Trường Sa, thái độ của VN luôn đi sau các nước khác. Nếu báo chí của Phi, các quan chức Phi… không lên tiếng phản đối (việc xây dựng của TQ trên các bãi đá thuộc Trường Sa) thì dư luận VN sẽ không biết gì và dĩ nhiên, VN cũng sẽ im như thóc.

Đáng lẽ, hai bên Mỹ à Trung Quốc vờn nhau, đã mở ra cho VN một cơ hội bằng vàng để lên tiếng trước cộng đồng quốc tế, ngay tại diễn đàn LHQ. Chung sống hòa bình là một nguyên tắc nền tảng của Hiến chương LHQ. « Biến cố » giữa hai đại cường Mỹ và TQ đã đe dọa nền hòa bình, không chỉ khu vực, mà còn của cả thế giới. Khu vực xảy ra sự việc lại thuộc phạm vi (quyền) chủ quyền của VN.

Thái độ dè dặt (thậm chí im lặng) của VN trước các vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ… tại khu vực Trường Sa khiến người ta nghĩ rằng VN không tự tin trước những bằng chứng về chủ quyền của mình. Trước đây nhiều năm, GS Nguyễn Quang Ngọc nhân một cuộc hội thảo, có nói đại khái rằng « nhà nước than phiền rằng các học giả VN làm khó nhà nước ». Điều này cho thấy giới học giả VN tự tin vào việc làm của mình, vì vậy mới tạo áp lực « làm khó » nhà nước.

Tôi e ngại là có vấn đề « khó nói » ở đây. Đó là chủ quyền các bãi đá (mà TQ đã chiếm của VN năm 1988, hoặc chủ quyền các ngọn núi chiến lược Lão Sơn, Giải Âm Sơn…)  đã được Hội nghị Thành đô 1990 định đoạt. Theo tin tức loan truyền trong nước, chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh cho quân đội không được phép tự vệ trước những tấn công của TQ tại TS năm 1988 (cũng như không được phép bắn trả ở các vùng biên giới). Việc nhượng lãnh thổ của VN được thể hiện như một « món quà ra mắt » để TQ đồng ý bình thường bang giao với VN.

Vì vậy ta thấy phản ứng ỉu xìu của VN qua lời phát biểu của ông Bình hôm qua.

Tôi thấy là VN « bất lực » toàn diện trước TQ. Lãnh đạo đã đành. Các học giả của Phi « chơi trội » hơn học giả VN hai ba cái đầu. Chính họ đã thúc đẩy việc nhà nước Phi đi kiện TQ. Trong các cuộc hội thảo gần đây, các học giả Phi đã có chủ trương « đánh phủ đầu » các bãi đá đang được TQ xây dựng. Theo họ, khi TQ xây dựng xong thì chắc chắc chiến tranh sẽ xảy ra. Trước sau gì cũng chiến tranh, chi bằng đánh trước, ít tốn máu xương và của cải hơn. Tôi thấy lý lẽ của họ đúng.

23-5

Cần tích cực giúp Mỹ bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/05/can-tich-cuc-giup-my-bao-ve-cac-nguyen.html

29-5

Tại Diễn đàn Đối thoại Sangli-La năm 2013 anh Ba X nói về việc « xây dựng niềm tin chiến lược ». Cũng tại diễn đàn này năm 2014, trong diễn văn liên quan đề tài « quản lý những căng thẳng chiến lược », Phùng nguyên soái nhấn mạnh các yếu tố « luật quốc tế, hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia cũng như việc không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp… » như là chuẩn mực để các bên vịn vào giải quyết vấn đề.

Từ tháng 5-2014 đến nay cục diện Biển Đông thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Những hành vi của TQ bồi đắp các bãi đá, chìm nổi để biến chúng thành các đảo nhân tạo có khả năng phục vụ cho quân sự đã khiến an ninh khu vực bị đe dọa. Đặc biệt Việt Nam, sự toàn vẹn lãnh thổ VN bị đe dọa, cửa ngõ ra biển của VN đã bị TQ án ngữ.

Nhìn lại thì cái « niềm tin chiến lược » mà anh Ba X kêu gọi (TQ) cùng nhau xây dựng là nước đổ lá môn. Vì muốn xây dựng niềm tin (nhứt là niềm tin chiến lược) thì phải cần hai phía. VN xây dựng « niềm tin chiến lược » với TQ như con lừa kéo chiếc xe nặng nề chạy theo củ cà rốt (mà TQ) treo phía trước mặt. Những gì TQ đã làm ở Biển Đông là một cú « đìa réc » vô mặt anh Ba. Có lẽ do ngậm củ cà rốt của Tàu nên anh Ba X không cảm nhận được cái gì ! Từ hôm báo chí Phi đưa hình ảnh các việc TQ xây dựng các đảo lên báo chí, thiên hạ lên tiếng om sòm, VN không dấu được đành phải công khai vấn đề. Nhưng đâu ai nghe anh Ba X nói tiếng nào ?

Đối với Phùng nguyên soái cũng vậy, chuyện bành trướng của TQ bây giờ rõ ràng không phải là chuyện « trong gia đình » nữa rồi. TQ ngồi xổm lên pháp luật quốc tế, « đéo » thèm ra hầu tòa trước vụ kiện cáo của Phi. Sắp tới, nếu lãnh đạo VN cứ lo ôm giữ cái (hòa) bình mà TQ mới tặng cho Phùng nguyên soái, tất cả « thủ khẩu như bình », thì chắc chắn TQ sẽ « tấn công phòng vệ » để « giải phóng những lãnh thổ bị ngoại bang chiếm đóng ». Tất cả các đảo TS của VN sẽ mất một cách êm ái. Điều tương tự đã xảy ra hai lần, tháng giêng 1974 và tháng 4 năm 1988. Các nguyên tắc của hiến chương LHQ cũng sẽ bị TQ làm giấy hygiénique.

Năm nay thì anh Vịnh dẫn đoàn VN sang đó ngồi nghe.

Theo tôi, VN phải cấp tốc « xây dựng niềm tin chiến lược » với Mỹ. Bọn Mỹ nó giàu rồi, nó không bần tiện, keo kiệt, ích kỷ  như bọn Tàu. Bọn Mỹ không cần gì ở Biển Đông (ngoài việc được tự do đi qua đi lại) trong khi bọn Tàu thì muốn rào lại, hốt trọn.

VN từ « núi liền núi sông liền sông, môi hở răng lạnh » cho đến « bốn tốt, 16 chữ vàng ». VN gầy dựng « niềm tin chiến lược » với TQ bấy lâu nay chỉ thấy bưu đầu sức trán, mất đất đai, mất hải phận. Về kinh tế thì lao đao lận đận. Trên mọi phương diện VN đều suy thoái (đã bị Lào và Kampuchia qua mặt). Vì vậy « chiến lược » với Tàu là VN không ngóc đầu lên được.

Nhưng khi nói « xây dựng niềm tin chiến lược » với Mỹ là quá chung chung. Phải có một mục tiêu, một điểm tựa hay một quyền lợi mà hai bên cùng chia sẻ. Cái đó là gì ?

Trở lại bài phát biểu của Phùng nguyên soái năm ngoái, các yếu tố « luật quốc tế, hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia cũng như việc không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp… ». Không phải hai bên VN và Mỹ cùng chia sẻ một cái nhìn (ở Biển Đông) đó sao ?

Vậy, để lấy niềm tin chiến lược (với Mỹ), VN cần phải tôn trọng các nguyên tắc về luật pháp, ngay từ đất nước VN. Tức là phải dẹp bỏ cái gọi là « nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa » (đầu voi đuôi chuột không giống ai), thế vào đó là « nhà nước pháp trị ». Không một ai, kể cả lãnh đạo, đảng phái… có thể ngồi xổm lên pháp luật. Tất cả đều phải tuân thủ luật lệ.

Tình hình Biển Đông hiện nay, chỉ có thể vịn vào việc tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc của luật quốc tế, Mỹ (và cộng đồng quốc tế) mới có « tư cách » can thiệp vào.

Nếu VN vẫn ngồi xổm lên luật lệ, giữ nguyên chế độ công an trị, thì niềm tin nào có thể xây dựng được ?

30-5

Nhân vụ TQ kéo pháo đặt trên đảo Gạc Ma, chợt nhớ tới khủng hoảng giữa Hoa Kỳ và Liên xô năm 1962, khi Cuba cho phép Liên Xô đặt hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ này. Cuộc khủng hoảng đưa thế giới vào căng thẳng cao độ do đe dọa chiến tranh nguyên tử giữa hai khối tư bản và cộng sản.

Tháng 5 năm 1962, Khruchtchev lập chương trình gởi đến Cuba 50.000 quân, bốn tàu ngầm cùng với 36 hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử SS 4 và SS 5 mục đích nhằm ngăn chặn Mỹ đổ quân chiếm Cuba. Khoảng cách giữa Cuba và Hoa Kỳ (Florida) chỉ có 200 cây số. Chương trình này được thực hiện, Hoa Kỳ sẽ nằm « dưới cơ LX », vì bị đe dọa trực tiếp, có thể bị đánh phủ đầu bằng vũ khí nguyên tử mà không có thời gian đánh trả lại.

(Các loại hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử, giả sử đặt trên lãnh thổ Hoa Kỳ và Liên xô, mất rất nhiều thời gian để khởi động (vài tiếng đồng hồ), trong khi độ chính xác cũng rất tương đối. Với các loại hỏa tiễn SS 4 và SS 5 đặt ở Cuba, LX có thể tấn công, một cách chính xác, toàn thể các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ mà nước này không có thời gian chuẩn bị trả đũa.)

Chương trình này bị Mỹ phát hiện kịp thời. Máy bay dọ thám U 2 của Mỹ đã chụp được hình ảnh cho thấy các bệ phóng hỏa tiễn SS 4 đang được xây dựng trên đảo. Đồng thời Mỹ cũng được tin mật báo cho biết có 20 chiếc tàu chở đầu đạn hạt nhân từ LX đang hướng về Cuba.

Nguyên tắc « chung sống hòa bình », tuyên bố năm 1952 bởi Staline (trở thành một nguyên tắc nền tảng của hiến chương LHQ), bị đe dọa nặng nề.

Tháng 10 năm 1962 cuộc khủng hoảng lên đến cực độ. Bộ quốc phòng Mỹ ra lệnh « cấm vận » Cuba trong khi Kennedy đe dọa chiến tranh nếu LX không rút hỏa tiễn về. Cuối cùng LX nhượng bộ. Những chiến tàu chở đầu đạn hạt nhân quay mũi trở về bến.

Nhắc lại điều này cho thấy là việc TQ cho đặt đại pháo tại đảo Gạc Ma (và có thể ở các đảo khác), đưa đảo Sinh Tồn của VN nằm trong tầm đạn. Dĩ nhiên việc này đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ VN. Bởi vì pháo binh không nhằm tác dụng phòng thủ. (Nên biết chiến thuật « tiền pháo hậu xung » được quân miền Bắc sử dụng trong chiến tranh VN là đến từ TQ).

Thật là kinh ngạc khi nghe trả lời phỏng vấn báo chí của thứ trưởng quốc phòng VN Nguyễn Chí Vịnh. Ông này cho biết VN chưa biết tin tức về vụ (TQ đặt đại pháo) này.

Vậy thì thôi rồi Lượm ơi ! Mọi việc có đảng an bài hết rồi. Lãnh đạo VN, từ trung ương đến địa phương, từ quân sự đến công an, các ngành… tất cả đề lo nâng niu cái (hòa) bình mà TQ đã tặng cho Phung Quang Thanh hôm trước. Tất cả đều dán băng keo lên miệng : thủ khẩu như bình.

CSVN đã lọt vào bẫy của TQ không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần một ít. Lần này là bẫy câu giờ. VN đang cho TQ cái quí giá nhứt: thời gian.

Sẽ không bao lâu nữa, với chiến thuật cổ điển « tiền pháo hậu xung », pháo từ Gạc Ma sẽ san thành bình địa các căn cứ của VN chung quanh. Cụm đảo Sinh Tồn của VN sẽ mất.

31-5

Tam anh chiến Lữ Bố ?

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/05/tam-anh-chien-lu-bo.html

13-6

Không có luật nào cấm Trung Quốc xây dựng các công trình trên Biển Đông ?

Hôm tuần trước, bà Hoa Xuân Ánh, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao TQ, nhân trả lời phỏng vấn báo chí, đã lên tiếng thách thức các nước (dĩ nhiên gồm có Hoa Kỳ và Việt Nam) chỉ ra điều khoản nào trong Luật quốc tế cấm đoán sự xây dựng chính đáng của Trung Quốc trên các đảo của mình ?

Mới đây lại có học giả TQ tên Shen Dingli, viết bài lặp lại ý kiến của bà Hoa rằng không có luật quốc tế nào cấm việc xây dựng như vậy.  

Học giả Carlyle Thayer có viết bài phản biện một số ý kiến trong bài viết này (trên TheDiplomat). Bài này được dịch ra và đăng tải rộng rãi trên báo chí Việt. Điều tiếc là học giả Carlyle Thayer đã không trực tiếp đáp lại thách thức của bà Hoa (cũng như của học giả Shen Dingli) : luật nào cấm Trung Quốc xây dựng các công trình trên Biển Đông .

Hôm 2-6, tôi có viết trên facebook một status chỉ ra một số điểm TQ vi phạm luật quốc tế :

1/ Chủ quyền của TQ trên các bãi đá (mà TQ hiện đang xây dựng) không được luật quốc tế nhìn nhận. TQ đã chiếm các bãi đá này trên tay VN bằng vũ lực (năm 1988). Luật pháp và tập quán quốc tế không nhìn nhận chủ quyền ở một vùng lãnh thổ thụ đắc bằng vũ lực.

2/ Các bãi đá chìm, nửa chìm nửa nổi… không thể chiếm hữu vì nó không được nhìn nhận là « lãnh thổ ».

3/ Việc đổ cát, đá để mở rộng diện tích để các cồn, bãi… trở thành các đảo nhân tạo không tạo nên chủ quyền. Các đảo nhân tạo không có lãnh hải và hải phận kinh tế độc quyền. Tuyên bố về vùng biển, vùng cấm bay của TQ trên bất kỳ các đảo nhân tạo này đều phi lý.

4/ Các hoạt động bồi, hút của TQ ở các bãi chìm, nổi trong khu vực biển quốc tế làm phương hại đến môi trường biển và sinh vật biển. Điều này đi ngưọc lại nội dung của luật Biển 1982.

5/ Việc sẽ quân sự hóa các đảo đang được xây dựng là một đe dọa cho tự do hàng hải cũng như đe dọa an ninh các quốc gia trong khu vực. Điều này đi ngược lại tinh thần chung sống hòa bình của hiến chương LHQ.

Trở lại thách thức của bà Hoa Xuân Ánh, ta thấy tức khắc rằng các bãi đá chìm, nửa chìm nửa nổi mà TQ đang xây dựng và mở rộng, chưa hề thuộc chủ quyền của TQ. Các bãi đá này TQ chiếm của VN năm 1988 bằng vũ lực.

Luật quốc tế không nhìn nhận việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực. Vì vậy, theo luật quốc tế, việc thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực không được nhìn nhận chủ quyền. Điều này đưa đến hệ quả : mọi công trình xây dựng trên một lãnh thổ (thụ đắc bằng vũ lực) đều vi phạm luật.

Về lý luận của học giả Shen Dingli, ông này so sánh việc xây dựng của TQ ở các bãi đá với các công trình bồi đắp ở Thuợng Hải, Hồng Kông hay Dubai. So sánh này khập khễnh vì các công trình xây dựng nói trên đều xảy ra trong lãnh hải, thậm chí trong vùng nội hải (của quốc gia). Các công trình bồi đắp hiện nay của TQ không hề nằm trong lãnh hải cũng như vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý) của TQ.

Luật và tập quán quốc tế không nhìn nhận chủ quyền ở các cấu tạo địa lý chìm dưới đáy biển. TQ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế khi chiếm hữu các bãi chìm này. Các đảo mà TQ xây dựng trên các cấu trúc địa lý này sẽ thuần túy là « đảo nhân tạo » và việc xây dựng này không đem lại cho TQ « chủ quyền ».

Luật quốc tế không có ý kiến về việc chiếm hữu các cấu trúc nửa chìm nửa nổi. TQ lợi dụng kẻ hở của luật quốc tế để chiếm hữu các cấu trúc địa lý này. Nhưng không vì vậy mà các đảo nhân tạo này lại trở thành các đảo thực sự để từ đó TQ áp đặt chủ quyền lên các nước chung quanh.   

Như vậy việc xây dựng và mở rộng các bãi đá của TQ « không chính đáng » ở nhiều điểm.
Nhưng giả sử rằng việc xây dựng này là « chính đáng ». Cũng sử rằng việc TQ chiếm hữu các bãi đá chìm, nổi … này không vi phạm luật quốc tế. Đồng thời giả sử rằng các bãi đá này nằm trong vùng kinh tế độc quyền (EEZ) của TQ.

Thì hành vi xây dựng này cũng vi phạm luật quốc tế,

Thứ nhứt, như đã nói trên, là phá hủy môi trường biển.

Thứ hai, chiếu theo điều 60 khoản 7 của UNCLOS ghi rõ :

« không được xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập khu vực an ninh xung quanh các đảo, thiết bị công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế. »

Các đảo nhân tạo hiện đang được TQ xây dựng đương nhiên nằm trên hải đạo quan trọng nhứt thế giới đã được quốc tế thừa nhận.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo của TQ như vậy đã vi phạm pháp luật quốc tế.

Hành vi cấm máy bay, tàu bè các nưóc tiếp cận các công trình này của TQ trong những ngày qua là gây hấn, khiêu khích. Hành vi này làm sác xuất các rủi ro đụng chạm gây chiến tranh tăng cao.

Lẽ ra, các nước trong G7 cần lên tiếng mạnh mẽ hơn trong tuyên bố của mình, (như đe dọa trừng phạt kinh tế) để TQ nhìn lại mình, thấy đâu là những điều họ vi phạm luật quốc tế.

19-6-2015

Bước kế tiếp của TQ ở các bãi đá vừa xây dựng xong là gì ?

Theo tôi là hai bước, bước trước, bước sau. Bước trước là thuyết phục Mỹ và Nhật nhìn nhận « sự đã rồi » của TQ. Tức là các đảo nhân tạo đã xây dựng xong, Mỹ và Nhật chấp nhận thực tế này ở Biển Đông. Điều này đang thành hiện thực. Bước tiếp theo, như « từng bước từng bước thầm », thật êm ái để không bị ai la làng, TQ tiếp tục củng cố cơ sở hạ tầng, sau đó đưa các thiết bị ra đa, phòng không, súng ống, hỏa tiễn, tàu bè, máy bay… ra trú ở các đảo. Đối với Nhật, Mỹ… mấy cái tiền đồn lẻ tẻ này không đáng lo. Với khả năng của họ, chúng có thể trở thành « Điện biên phủ » bất cứ lúc nào. Nhưng đối với VN hay Phi, thì đó là bức trường thành trên biển.

Hôm trước báo Đài Loan có thổi bong bóng về tiềm lực quân sự của VN, cho rằng có thể đánh tới Hải Nam. Nhiều người nghe qua tưởng thiệt, mừng húm. Vì dầu sao VN cũng « răn đe » được TQ đó chớ ! Nhưng mà có mấy lăm hơi ? Tôi e rằng VN bắn được vài ba viên là hết đạn. Những loại vũ khí (bắn tới Hải Nam) VN phải mua của Nga, chứ đâu có chế ra được ? Chưa chế được cái ốc vít thì làm gì chế được hỏa tiễn tầm trung ? Còn mua, việc « đầu tiên » là tiền đâu ? Tiền đâu mà mua dài dài như vậy ? Trong khi Nga có thể trở áo bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, chuyện « răn đe » của VN cũng như chuyện « mộng chiều xuân », cho mọi người « sướng lên » một cái rồi thôi.

Vấn đề trước mắt, theo lẽ VN phải tận dụng ngoại giao để Mỹ và Nhật (cùng các nước khác…) không nhìn nhận « việc đã rồi » của TQ ở Biển Đông. VN hoàn toàn có thể làm được việc này, vì tháng 7 tới là mở màn phiên họp đầu tiên của Tòa Thường trực (PCA) xử vụ Phi kiện TQ. VN phải làm rùm vụ này lên. Tòa có thể ra một thông cáo cho rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo của TQ là không hợp pháp. Tức là « sự đã rồi » của TQ mong muốn sẽ là chuyện « chưa rồi ».

Nhưng, theo thông cáo mà bộ Ngoại giao VN vừa công bố trong dịp ông Minh đi Bắc Kinh, thì thấy VN đang xuôi tay, theo lối « một người tìm ra bên sông buông theo nước cuồn cuộn mau… ». Tức một hình thức tự vẫn. VN hình như đã chấp nhận việc đã rồi.

Mà điều này chỉ là hệ quả đương nhiên sinh ra từ hội nghị Thành Đô xa lắc lận bà con.

Đó mới là chết !

20-6

Mục đích của Trung Quốc khi tung những tấm hình vườn rau, chuồng heo, cây cối… trên bãi Chữ Thập vào ngày hôm qua là gì ?

Dĩ nhiên là tuyên truyền. TQ muốn cho dư luận thế giới thấy rằng bãi Chũ Thập có khả năng « kinh tế tự tại », như là một đảo thực sự theo điều 121 của Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Hành vi tuyên truyền này nhằm chuẩn bị dư luận cho thời gian sắp khi TQ tuyên bố vùng EEZ (độc quyền kinh tế) hoặc vùng ADIZ (Nhận diện phòng không). Hệ quả việc này TQ tuyên bố thẩm quyền tài phán của họ lên một vùng biển rộng đến 200 hải lý từ những bãi đã đang được xây dựng.

Vì vậy phía VN phải thận trọng. Báo chí cần phải lên tiếng tố giác hành vi này thay vì quảng cáo không công cho TQ. Cần phải cho dư luận biết rằng các đảo TQ đang xây dựng, như bãi Chữ Thập, chúng chỉ là những đảo nhân tạo, không phải là đảo tự nhiên để có thể đòi hỏi lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền. Mặt khác, chủ quyền của TQ ở các bãi này không được nhìn nhận. Một vùng lãnh thổ chư được nhìn nhận chủ quyền thì mọi yêu sách về vùng không gian hay các quyền chủ quyền ở vùng lãnh thổ này đều phi lý.

23-6

Tờ « The Diplomat » mới đây có đăng hai bài viết của tác giả Greg Austin. Đây là cái tên không lạ trong giới nghiên cứu chủ quyền biển đảo VN. Ông là tác giả tập China Ocean’s Frontier (Biên giới trên biển của Trung Quốc), một tập sách gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Theo nội dung tập sách, tác giả cho rằng Việt Nam đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Theo lập luận của tác giả, việc thụ đắc chủ quyền một lãnh thổ của quốc gia đến từ sự nhìn nhận của quốc gia khác. Tác giả cũng cho rằng VN đã bị mất tố quyền (Estoppel) do công hàm 1958 đồng thời bị vướng « acquiescence » vì thái độ im lạng dài lâu của VNDCCH trước những động thái của TQ đối với HS và TS.

Hai bài viết trên The Diplomat của Greg Austin có tầm tác hại « bom tấn » đối với VN vì uy tín tờ báo cũng như tư cách « học giả » của tác giả.

Một bài tác giả cho rằng VN mới là bên « xâm lược lớn nhứt ở Biển Đông ». Bài kia tác giả phê bình thái độ của Chỉ huy Trưởng lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Harry Harris Jr. khi ông này lên tiếng chỉ trích và bênh vực việc bồi đắp và mở rộng các bãi ở TS.
Theo tác giả, phía TQ là « nạn nhân » bắt nạt của Mỹ và yêu sách chủ quyền « phi lý » của VN.

Những bài viết của Greg Austin là một thách thức lớn cho học giả VN hiện nay. Nếu không phản biện được các lý lẽ của tác giả này thì VN sẽ lâm vào thế bị dồn vào chân tường. Về sức mạnh quân sự, kinh tế… VN đã thua TQ hàng trăm năm. Chưa thấy học giả VN nào phản biện thuyết phục các bài báo của học giả này.

Từ lâu tôi đã đưa ra một số lý thuyết nhằm phản biện lý lẽ của Greg Austin trong tập China Ocean’s Frontier.

Lý thuyết thứ nhứt là lý thuyết về « quốc gia chưa hoàn tất – etat partiel » nhằm phản biện lý lẽ « chủ quyền thụ đắc lãnh thổ do sự nhìn nhận của quốc gia » . Greg Austin cho rằng các bên VNDCCH và VNCH là những quốc gia độc lập, có chủ quyền. Sự nhìn nhận của VNDCCH về chủ quyền của TQ tại hai quần đảo HS và TS (qua công hàm 1958) có hiệu lực bắt buộc. Tôi cho rằng điều này chỉ đúng một phần trên thực tế. Bởi vì VNDCCH không phải (hay chưa phải) là quốc gia đúng như định nghĩa của Luật quốc tế. Bởi vì VNDCCH chỉ mới kiểm soát ½ lãnh thổ và ½ dân số mà thôi. Một quốc gia « chưa hoàn tất » không phải là quốc gia, do đó những hành vi của « quốc gia chưa hoàn tất » này không đủ hiệu lực trong những vấn đề liên quan đến lãnh thổ.

Lý thuyết thứ hai là đặt nền tảng khai sinh hai miền VHDCCH và VNCH lên hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 nhằm hóa giải hiệu lực công hàm 1958. Lý thuyết này đại khái nói rằng công hàm 1958 không có hiệu lực vì nội dung của nó đi ngược lại nội dung hai hiệp ước nền tảng 1954 và 1973 về khoản « Việt Nam là một quốc gia duy nhứt, độc lập thống nhứt ba miền và bảo toàn lãnh thổ ».

Lý thuyết thứ ba đặt nền tảng lên sự « hòa giải dân tộc » nhằm hóa giải những vướng mắc do hệ quả « acquiescence » đến từ thái độ im lặng lâu dài của VNDCCH. Lý thuyết này đồng thời khẳng định sự liên tục quốc gia (trên các vùng lãnh thổ HS và TS) và sự hợp lý của vấn đề kế thừa.

Các bài viết của Greg Austin chắc chắn làm nhiều học giả VN mất ngủ. Cá nhân tôi, sau nhiều hôm suy nghĩ tôi vẫn không thấy được một lý thuyết nào có thể hóa giải được lập luận của Greg Austin (qua các bài bào trên The Diplomat và trong tập China Ocean’s Frontier), (dĩ nhiên ngoài các lý thuyết của tôi).

Vấn đề là các lý thuyết của tôi không được trong nước nhìn nhận. Nguyên nhân vì lý lẽ của tôi đặt nặng lên sự thật và các nguyên tắc pháp lý. Trong khi các học giả trong nước e ngại nói lên sự thật. Vì nói lên sự thật là bôi tro trét trấu vô mặt lãnh đạo, là đề cao vai trò của VNCH.

Thât tức cười, gần đây dư luận trong nước cho rằng các lý thuyết của tôi không đáng tin cậy vì quá thiên về VNCH (sic !) Không ai chứng minh được tôi đã sai ở điều gì ?  Ta có thể đọc các ý kiến này dài dài trên  facebook (hay trên các diễn đàn đấu tố, theo lối cải cách ruộng đất năm xưa).

Theo tôi, còn một lý thuyết khác có thể phản biện Greg Austin là làm sống lại VNCH. Đây là chủ trương của một nhóm người Việt hải ngoại. Nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông cũng có lập luận tương tự : « Công nhận VNCH vì biển đảo ngày nay ? » đăng trên BBC 14-4-2013. Tôi cho rằng các lý thuyết này, trên phương diện pháp lý, là không thực tế và bất khả thi. Nhưng nhất thời có thể thu hút được nhiều người ủng hộ mà hệ quả của nó có thể làm cho đất nước phân liệt.

Các bài viết của Greg Austin :


24-6

Có hai lý lẽ (cơ bản) mà Nguyễn Hồng Thao sử dụng trong bài có thể làm cho sự phản biện của tác giả trở thành con dao hai lưỡi :

1/ Về khái niệm “quyền tự vệ chính đáng”.

Greg Austin viết các bài viết, dựa trên tài liệu là tập sách China Ocean’s Frontier, theo đó VNDCCH đã nhìn nhận “chủ quyền” của TQ tại hai quần đảo HS và TS.  
Nguyễn Hồng Thao chỉ có thể dùng lý lẽ “quyền tự vệ chính đáng” và “chủ quyền không thể thụ đắc bằng vũ lực” khi (và chỉ khi nào) phủ nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Tức là phải hóa giải tất cả những tuyên bố, những hành vi trước đây của VNDCCH đã « nhìn nhận » chủ quyền của TQ tại các nơi đây. 

Lập luận của TQ (và của Greg Austin) VN mới là kẻ xâm lược lãnh thổ của TQ. Các hành vi của TQ ở Biển Đông thể hiện « quyền tự vệ chính đáng ».

2/ Về khái niệm « aggression – xâm lược » chống lại một quốc gia khác.

Tháng giêng 1974 TQ đã sử dụng lý lẽ « phản công tự vệ » để chiếm HS của VN. Năm 1988 khi chiếm TS, TQ cũng tuyên bố như vậy. 

Lần nào TQ cũng lên án VN là kẻ xâm lược, chiếm đóng lãnh thổ của TQ.

Các bằng chứng VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS như công hàm 1958, thái độ im lặng, các bản đồ… là « bản án tử » về chủ quyền của VN ở HS và TS.

Vì vậy, nói về « quyền tự vệ chính đáng » hoặc « xâm lược bằng vũ lực » mà không hóa giải (các bằng chứng VNDCCH cung cấp cho TQ) là dùng dao hai lưỡi.

Tôi đã từng tiên đoán các điều tệ hại này sớm hay muộn sẽ phải xảy ra. Tôi cho rằng VN cần phải dành quyền « tự vệ chính đáng » trước những áp lực ngày càng lớn của TQ. Mà quyền tự vệ của VN chỉ « chính đáng » khi mà quốc tế phủ nhận chủ quyền của TQ tại TS (và HS) vì việc thụ đắc thực hiện bằng bằng vũ lực.


27-6

Ông Vương Nghị nói rằng 1.000 năm trước TQ là một « quốc gia đi biển lớn » do đó TQ là nước đầu tiên phát hiện, khai thác và quản lý quần đảo Trường Sa.

TQ có là « quốc gia đi biển lớn » hay không, việc này không nói lên được điều gì. Vấn đề là các nước chung quanh, hàng ngàn năm trước, họ cũng là những giống dân đi biển, sống bằng nghề biển. Có thể họ là những quốc gia nhỏ hơn, nhưng chắc chắn người dân này đi biển thành thạo hơn dân TQ. Những người dân này sống gần vùng biển TS, họ lặn ngụp bắt cá, bắt ốc, bắt rùa… ở các bãi đá đó. Họ không hề lớn tiếng tuyên bố « khám phá ». Đơn giản vì họ sinh sống ở đó. Vùng biển có các bãi đá đó là không gian sinh tồn của họ.

Cũng không có sách vở nào ghi lại rằng TQ là nước « phát hiện » Trường Sa.

Tất cả tài liệu của TQ đã công bố đều chỉ nói một cách sơ lược về một số chuyến du hành trên Biển Đông. Nếu những chuyến đi thế này là « phát hiện » thì đương nhiên TQ là kẻ đi sau. Dân các nước chung quanh họ sống chung quanh đó, không phải họ là người đầu tiên phát hiện thì ai vào đây ?

Không hề có bản đồ hải hành nào của người Châu Âu ghi nhận TS là của TQ. Trước đây khoảng một thế kỷ, các nhà hải hành thế giới không phân biệt Hoàng Sa và Trường Sa (Paracel và Spratleys). Hầu hết các bản đồ của các thế kỷ 16, 17, 18… đều gom hai quần đảo này vào làm một (dưới cái tên là Parcel). Cái tên Spratleys cũng chỉ mới có đây thôi.
Năm 1909 nhà nước TQ khẳng định (với dư luận quốc tế) rằng lãnh thổ cực nam của TQ là đảo Hải Nam. Đến năm 1932 thì nhà nước này tuyên bố lãnh thổ cực nam của họ là Hoàng Sa. Đến năm 1935, trên các bản đồ của TQ còn ghi bãi Scarborough là Nam Sa. Tức cái tên mà họ ngày nay gán cho Trường Sa của VN. Đến năm 1947 thì họ mới đẻ ra cái tên Trung Sa quần đảo, gộp Scarborough và bãi ngầm Macclesfeild vào trong đó. Scarborough đặt tên là Hoàng Nham và Nam Sa đặt cho Trường Sa của VN.

Ngay cả cái tên mà họ còn lúng túng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thì « phát hiện » và « khai thác » cái đ. gì ?. 

TQ cũng chưa từng « quản lý » Trường Sa. Việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình năm 1956 là chiếm một lãnh thổ đã có chủ.

Bởi vì, sau Thế chiến II, Nhật thua trận phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm hữu trước kia (trong đó có VN cũng như hai quần đảo HS và TS). Vấn đề là các lãnh thổ này trả lại cho ai ?

Nước Anh lãnh nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở VN phía nam vĩ tuyến 16, Trung Hoa Dân quốc (của Tưởng Giới Thạch) giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16.

Vấn đề là, Anh nhượng quyền lại cho Pháp, vì họ xem Đông Dương thuộc Pháp. Song song đó Pháp ký các thỏa ước Trùng Khánh với Tưởng năm 1949, theo đó Pháp nhượng lại cho TQ đất đai và một số đặc quyền về kinh tế (như đường xe lửa Vân Nam). Đổi lại Pháp vào thế chân TQ.

Tại các đảo HS quân đội Pháp Việt có mặt vào tháng 4 năm 1946 để dựng lại mốc chủ quyền. Quân đội Pháp Việt làm tương tự vào tháng 10 năm 1946.

Tại Hội nghị San Francisco 1951, thủ tướng QGVN là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố thâu hồi hai quần đảo HS và TS về cho VN.

Chủ quyền của VN tại HS và TS đã tái khẳng định, bằng các thủ tục theo đúng thông lệ quốc tế, ở các năm 1946 và 1951.

Vậy TQ quản lý bằng hình thức nào quần đảo TS ?

Năm 1974 TQ đã chiếm HS của VN bằng vũ lực. Năm 1988 TQ dã chiếm một số bãi đá của VN thuộc quần đảo Trường Sa bằng vũ lực. Việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực thì không quốc quốc tế nhìn nhận.

Ông Vương Nghị lu loa trước dư luận quốc tế rằng TQ là « nạn nhân ». Đúng là luận điệu vừa ăn cướp vừa la làng. Có điều tập đoàn lãnh đạo ở Ba Đình đã ăn tiền của Bắc Kinh ngập mặt. Không ai dám mở miệng phản đối vì sợ TQ khui hồ sơ.

28-6

Báo chí VN đặt câu hỏi « gió đảo chiều chỉ sau một đêm ? » về quan hệ Trung-Mỹ sau cuộc « Đối thoại kinh tế và chiến lược » giữa hai nước vừa qua. Nghĩ cũng tức cười, mọi người nghĩ rằng những lời « to tiếng » của Mỹ về vụ TQ xây dựng và mở rộng các bãi đá ở Biển Đông (tại diễn đàn đối thoại Shangri-la và trên báo chí trong những ngày vừa qua) là dấu hiệu của bão tố sắp nổi lên trong quan hệ hai phía. Điều này cho thấy sự ngây thơ của các « chiến lược gia » chủ trương sách lược « đi dây » trong ngoại giao của VN.

Nghệ thuật đi dây đã thành công trong cuộc chiến 54-75 vì nó hội đủ điều kiện. Miền Bắc chủ trương đánh Mỹ, tương tự như chủ trương đánh Mỹ của LX và TQ. Nhưng mục tiêu hai bên LX và TQ không trùng hợp, nếu không nói là đối nghịch với nhau. TQ sẵn sàng giúp VN đánh Mỹ đến người VN cuối cùng. TQ không muốn Mỹ có mặt ở Đông Dương và cũng không muốn một VN thống nhứt và mạnh. LX cũng giúp VN đánh Mỹ đến người VN cuối cùng, vì mục tiêu chiến lược nhuộm đỏ toàn cầu. VN đu dây giữa TQ và LX, lúc ngả về phía này, lúc nghiêng về bên kia, thế nào để viện trợ cho công cuộc đánh Mỹ ở miền Nam đạt được hiệu quả tối ưu. LX lo VN nghiêng về TQ lại càng viện trợ nhiều hơn. TQ thì không thể giúp VN nhiều hơn những gì mình có. Vì vậy cuối cùng VN theo LX.

Trong thế cờ hiện tại ở Biển Đông, VN không thể đi dây giữa TQ và Mỹ. TQ đóng vai kẻ cướp, Mỹ đóng vai « hiệp sĩ ». VN có thể lập luận với TQ : nếu anh ăn hiếp tôi, tôi sẽ cuốn gói theo Mỹ. Nhưng VN không thể ra giá với Mỹ : nếu anh không giúp tôi, nó cướp hết của tôi, anh ráng chịu !

VN chỉ có thể « đi dây » ở Biển Đông nếu có hiện diện một yếu tố thứ ba, thí dụ : Nga. Vấn đề Biển Đông sẽ là : nếu Mỹ không giúp khí tài cho VN chống TQ thì Nga sẽ sẵn sàng giúp. Nhưng thế « đi dây » này mong manh vì ba lý lẽ : Thứ nhứt, Mỹ và Nga đều không « chống » TQ (như VN). Thứ hai, Nga không còn thế lực ở Châu Á trong khi bị cô lập ở Châu Âu. Thứ ba, VN không có tiền để mua vũ khí dài hạn.

Chủ trương « đi dây » của VN hiện nay sẽ chuốc thất bại chua cay hơn nếu tình trạng này vẫn còn kéo dài. VN không thể dùng các « con tin » như « dân chủ », « nhân quyền » để bắt chẹt, làm vật trao đổi với Mỹ. Đồng minh của Mỹ ở Trung Đông 100% không phải là các nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Nếu Mỹ thấy cần VN, thì Mỹ sẽ giúp cho VN, trở thành « đồng minh vô điều kiện » của VN bất kỳ thể chế chính trị của VN là gì.

Tình hình hiện tại cho thấy Mỹ không cần VN. Những nhượng bộ về kinh tế của TQ vùa rồi có thể rất lớn kiến thứ như quyền tự do hải hành ở Biển Đông hay việc tôn trọng luật lệ quốc tế… trở thành chuyện lẻ tẻ. TQ có thể giải thích (một cách trái ngược với quyền lợi của VN), mà cách nào (đối với Mỹ) cũng đúng luật. 

Vì vậy cần dứt khoát bỏ ngay tư tưởng « đi dây ». Nếu VN ngả được về Mỹ thì làm ngay không do dự. Vấn đề là TQ có cả vạn, cả triệu chiến lược gia kiểu Tôn Tử lập kế cản trở. Họ lại còn có tiền bạc dư dã. Mà tư bản thì làm gì có tổ quốc ? Họ có thể bán cả tổ quốc Mỹ để lấy tiền. Bởi vậy, bây giờ muốn ngả (về Mỹ vô điều kiện) cũng không dễ.

1-7

Ông Vương Nghị, bộ trưởng bộ Ngoại giao TQ, có nói hôm 27-6 trước báo chí, rằng nếu thay đổi lập trường ở Biển Đông là TQ có lỗi với tổ tiên (sic !)

Tổ tiên của TQ là tổ tiên nào ?

Là ông tổ Mãn Châu thì ông này đang đấm ngực kêu trời vì bầy con cháu đã quên mất cội nguồn. 
Dòng tộc dũng mãnh đã chiến thắng quân Hán và thiết lập nên triều Mãn Thanh sáng chói trong lịch sử nay đã xóa mờ trong ký ức người dân Mãn. Mà thời gian đâu có bao lâu ?

Nếu là ông tổ người Mông Cổ thì ông này cũng đang đấm ngực kêu trời, thuơng tiếc đế quốc Nguyên do Thành Cát Tư Hãn lập nên, mà lũ cháu con vô dụng đã làm mất một nửa bờ cõi là vùng Nội Mông cho dân Hán.

Nếu ông tổ là dân Tây Tạng thì ông này đang… lưu vong với đức Đại Lai Lạt Ma. Dân tộc này đang nguyền rủa dân Hán, thứ nhứt vì dã tâm xóa bỏ nền văn hóa Tây Tạng, thứ hai đã cướp đất và đồng hóa người dân của họ.

Hay ông tổ là Mao Trạch Đông với núi xương chồng chất của gần 100 triệu người dân chết vì đói, vì hiệu quả của cách mạng văn hóa ?

Hay ông tổ là Tưởng Giới Thạch, một tay quân phiệt tham nhũng tới xương, đến đỗi người Mỹ phải chấp nhận bỏ lục địa cho cộng sản vì không thể giúp cho cái túi tham không đáy… ?

Tổ tiên của ông Vương Nghị, là người Hán, thì lãnh địa của ông tổ này không ra khỏi lưu vực sông Hoàng Hà.

Theo tôi, lời nói của ông Vương Nghị đã làm cho tổ tiên của ông hổ thẹn. Những vị tổ này không ngờ cháu con mình có thể ăn nói ngược ngạo như vậy.

1-7

Đâu là những toan tính của TQ trong những ngày sắp tới ?

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/07/au-la-nhung-toan-tinh-cua-tq-trong.html

4-7

Về ý kiến của ông Vương Nghị trước báo chí ngày 27-6-2015

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/07/ve-y-kien-cua-ong-vuong-nghi-truoc-bao.html

17-9

Bi hài Biển Đông.

Tuyên bố của ông Dương Khiết Trì năm 2012 tại Hội nghị Thuợng đỉnh ASEAN  Biển Đông là « lợi ích cốt lõi » của TQ. Vụ này Dương Khiết Trì bị bà H. Clinton phản đối mạnh. Theo bà H. Clinton, HK cũng có « lợi ích » ở Biển Đông. Dĩ nhiên tuyên bố của TQ đã bị hầu hết các quốc gia trong khu vực phản đối. Bởi vì « quyền lợi » (mà hai bên HK và TQ cùng lên tiếng đòi), nói trắng ra, là quyền lợi hợp pháp của các nước VN, Phi, Mã Lai, Brunei, Indonésie…

Cái mâu thuẩn về « quyền lợi » đó hai bên TQ và HK đã giải quyết như thế nào trong ba năm qua ?
Có rất nhiều điều xảy ra trong khu vực liên quan đến việc TQ vi phạm pháp luật quốc tế mà HK « bó tay ».

Những việc tàu hải giám, tàu cảnh sát biển của TQ ruồng bắt tàu đánh cá của các nưóc trong khu vực, vụ TQ đặt giàn khoan 981 trên thềm lục địa VN, vụ cưỡng chiếm bãi Scarborough, vụ bao vây bãi Cỏ Mây, cũng như các vụ cấm biển do diễn tập quân sự, hay cấm biển do « bảo vệ hải sản »… đều là các hành vi TQ vi phạm luật quốc tế. TQ đã đơn phương dùng sức mạnh cơ bắp của họ để đe dọa, lấn lướt, chiếm đoạt… quyền và lợi ích hợp pháp của các nước nhỏ hơn trong khu vực. Trước những sự việc này HK đã phản ứng một cách yếu ớt, bằng những phát ngôn vô thuởng vô phạt.

Điều nổi cộm trong ba năm qua là TQ đã xây dựng, mở rộng một số bãi chìm, bãi cạn… trở thành các đảo nhân tạo ở khu vực TS.

Mặc dầu phía HK luôn lớn tiếng tự xưng là phía bảo vệ luật pháp quốc tế, nhưng như thường lệ, ngoài việc lên tiếng phản đối, HK không có bất kỳ một hành vi nào cản trở những hành vi của TQ.
Trên thực tế HK có cho phi cơ tàu thủy lượn qua lượn lại chung quanh các đảo nhân tạo mà TQ vừa xây dựng. Nhưng phi cơ cũng như tàu hải quân của HK không dám đi vào vòng 12 hải lý, tính từ các đảo nhân tạo này.

HK đã mặc nhiên nhìn nhận các đảo nhân tạo của TQ như là một « đảo » thiên nhiên thực sự.

Trong chừng mực HK đã đồng lõa với TQ để vi phạm luật quốc tế. Bởi vì các đảo nhân tạo không phải là « đảo » theo định nghĩa của UNCLOS để có hải phận 12 hải lý.

Điều tệ hại khác, HK đã đi ngược lại các tuyên bố của mình.

Cách đây không lâu, viên chức thẩm quyền của HK đã tuyên bố (nhân vụ TQ xây dựng các đảo) rằng « việc xây dựng không tạo nên chủ quyền ».

Bây giờ TQ tuyên bố chủ quyền ở đó, HK không làm được điều gì, ngoài việc tuân thủ không xâm phạm phạm khu vực 12 hải lý chung quanh các thực thể vừa xây dựng của TQ. Đó là gì nếu không phải nhìn nhận « chủ quyền » được sinh ra từ việc « xây dựng » ?

Nhưng tất cả các điều trên cũng trở thành « lẻ tẻ » nếu so với những sự việc các bên bàn tán bên trong (mới được hé lộ ra). 

Nếu xem xét kỹ nội dung thảo luận giữa các học giả HK, TQ, VN và các nước khác tại hội nghị do cơ quan ISIS tổ chức vào tháng 7 vừa qua tạo Washington, ta thấy rằng VN đã nhìn nhận các thực thể nhân tạo của TQ của TQ vừa xây dựng là các đảo. Không cần xem lại ý kiến của học giả M. Valencia tham mưu cho TQ trong bài viết trên Hoa Nam nhật báo vào tháng 8, ta cũng biết rằng các đảo của TQ đều có hải phận EEZ 200 hải lý, kể cả các thực thể nhân tạo như bãi Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Gạc Ma…

Đây mới là vấn đề quan trọng. Hành vi của TQ là một, thái độ của nhà cầm quyền VN mới là đáng ngại. Việc này đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của VN.

Điều lo ngại hơn, VN có thể mất trọn Biển Đông. Là việc các học giả HK và TQ tranh luận luận về việc các thực thể TS có phải là « quần đảo » hay không ?

Vấn đề « chủ quyền » hình như « ván đã đóng hòm ». Hai bên HK và TQ bàn luận, nếu không nói quá, là để lại cho VN bao nhiêu biển ?

Mâu thuẩn về « quyền lợi » giữa TQ và HK xem ra dễ dàng giải quyết. Bề ngoài, hai bên cùng « cương cứng » điệu võ dương oai, biểu diễn sức mạnh quân sự. Nhưng đó là diễn tuồng hát bội.
Vài ngày tới Obama hội kiến với Tập Cận Bình ta sẽ biết « quyền lợi » hai bên tại Biển Đông sẽ được « phân định » ra sao. 

Có một chân lý là không ai đổ máu để bảo vệ quyền lợi cho người khác.

Cũng không hề có vụ « tốt » với « vàng » trong quan hệ giữa hai quốc gia như VN và TQ. TQ làm sao có thể nói chuyện « tình nghĩa » với một tập đoàn lãnh đạo mà từ lâu họ gọi là « phản phúc » ?
Cũng không thể xây dựng tình đồng minh với HK nếu không chia sẻ các giá trị cơ bản về tự do, dân chủ, nhân quyền… với nước này.  HK làm sao tin tưởng ở một chính quyền lật lọng ? Vừa ký kết chưa ráo mực thì vừa vi phạm. Quốc tế nào bênh vực một nhà cầm quyền luôn quan niệm không ra gì  về nhân quyền?.

Còn nghe vụ « đu dây » là càng thêm chán.

Viễn ảnh tương lai VN không còn vũng nước rửa chân ngày thêm rõ rệt.

24-9

Bộ trưởng bộ Công An Trần Đại Quang mới đây lên tiếng cảnh cáo các « thế lực thù địch » lợi dụng vấn đề hoàng Sa và Trường Sa để chống phá VN. Ông cũng lên tiếng báo động về các « bài viết » có nội dung « bôi nhọ » cá nhân lãnh đạo.

Sự lên tiếng của ông Trần Đại Quang thật là đúng lúc. Các bài viết có mục đích vạch ra sự bất tài của lãnh đạo, hay nhằm tố cáo hiện tượng « con vua thì lại làm vua » của tập đoàn con cái lãnh đạo… rất là không nên loan truyền trong thời điểm chuẩn bị Hội nghị 12. Bởi vì chuyện này đã có anh Ba X và phía công an lo rồi.

Sự lên tiếng của ông Trần Đại Quang cũng rất ăn khớp với việc ông Tập Cận Bình đi Mỹ.

Ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du nước Mỹ lên tiếng trước dư luận rằng :

"Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại đến nay, chúng tôi có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh điều đó. Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng và lắp đặt thiết bị trên một số thực thể ở Trường Sa không ảnh hưởng, cũng không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, không nên chú ý thái quá đến chuyện này"

Cũng theo lời ông Bình mục đích của TQ là nhằm « bảo vệ duy trì tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông ».

Có lẽ nhiều người muốn lên tiếng phản đối, hay muốn xuống đường biểu tình, nhưng khi nhớ lại lời răn đe của ông Trần Đại Quang thì chắc phải khớp. « Tao còn sống tới hôm nay là tao biết sợ », là lời thú nhận của nhà thơ Chế Lan Viên (thì phải ?).

Trước những lời tuyên bố ngược ngạo như vậy của họ Tập, báo chí VN vẫn im lặng như tờ (ngoại trừ trờ Giáo Dục). Trong khi phía trí thức VN mọi người vẫn loay hoay, như kiểu ông Mạnh đã từng loay hoay trong vụ trong con gì nuôi con gì ?

Thực ra việc ông Tập Cận Bình lên tiếng tuyên bố về chủ quyền của TQ ở TS lại mở ra cho những lãnh đạo VN một cơ hội (bằng vàng), trước để đánh bóng cá nhân, sau là củng cố chủ quyền của VN tại HS và TS.

Giả sử rằng lãnh đạo VN, ai đó cũng được trong tứ trụ, lên tiếng thách thức TQ giải quyết tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng một trọng tài quốc tế, theo kiểu :

« Tập chủ tịch nói rằng TQ có chứng cứ lịch sử và pháp lý, chúng tôi cũng nói rằng VN mới có bằng chứng về lịch sử và pháp lý. Tạo sao chúng ta không đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền HS và TS ra tòa CIJ để phân giải ? » 

Ngày xưa thực dân Pháp đã hai lần thách thức TQ giải quyết tranh chấp HS bằng trọng tài quốc tế. TQ từ chối cả hai lần.

Còn VN, ngoại trừ VNCH muốn triệu tập Đại hội đồng LHQ đển đưa TQ ra tòa quốc tế vụ HS năm 1974 thì không thành công. Lý do VNCH không có tư cách « pháp nhân », trong khi VNDCCH và MTGPMN từ chối ký vào kiến nghị phản đối TQ.

VNDCCH trước kia, CHXHCNVN bây giờ, từ khi « lập quốc » 2-9-1945 đến nay, chưa bao giờ nhà nước này thách thức TQ giải quyết tranh chấp bằng trong tài quốc tế.

Chủ tịch nước Truong Tấn Sang nghe nói đang công du Cuba. Chắc thăm dò Cuba đang ngủ hay thức. Đây là cơ hội tốt để ông Sang lên tiếng thách thức TQ ra tòa quốc tế để giải quyết tranh chấp. Làm được việc này ông Sang không chỉ « rửa mạt » cho đảng CSVN của mấy ông mà còn củng cố « phong độ » của mình để tranh chức TBT.

Đây cũng là cơ hội cho ông Trọng. Nếu ông Trọng lên tiếng, tôi nghĩ chức TBT nên (ngoại lệ) để cho ông Trọng thêm ít nhứt ½ nhiệm kỳ nữa. Ông Trọng cần thời gian để hoàn tất công trình « hòa Mỹ » đang dang dở của ông.

Nhưng nhứt thiết không thể là Nguyễn Tấn Dũng. Ông này đang lo xây dựng « niềm tin chiến lược » với TQ nên không thể lên tếng như vậy được.

Còn như không ai lên tiếng thì tôi lên tiếng kêu gọi : trí thức VN đâu, tập họp nhau lại, ra kiến nghị gởi lên « tứ trụ » yêu cầu họ ra văn bản thách thức TQ giải quyết tranh chấp trước một trọng tài quốc tế. Phi làm được tại sao VN không làm ?

14-10

Những người VN có quan tâm đến tình hình Biển Đông chắc chắn đang nóng ruột chờ chiến hạm và phi cơ của hải quân (và không quân) Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng từ hai năm nay trên các bãi cạn, bãi chìm, nổi… chiếm của VN từ năm 1988. Nóng ruột là phải, bởi vì người ta đã nghe nhàm tai những tuyên bố lên gân của phe quốc phòng, trong khi nút bật đèn xanh thì nằm trong tay Obama, vị Tổng thống đầu tiên được nhận giải Nobel hòa bình đang lúc còn tại chức. Phe quân đội chắc là nóng mũi ghê lắm. Người ta cho rằng Obama khi trúng giải Nobel hòa bình giống như con gà nuốt sợt dây thun. Cái nhãn Nobel hòa bình đã làm Obama nhút nhát trước một Putin ngạo mạn xấc xược và một Tập Cận Bình âm trầm thâm hiểm.

Tình hình thế giới có những sôi động đáng sợ, đến từ sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc, như đã và đang thấy tại Ukraine, Trung đông và Biển Đông. Thế giới cần một Hoa Kỳ mạnh mẽ, có những quyết định cứng rắn và sáng suốt để ngăn chặn, tốt nhứt là từ trong trứng nước, hay tệ lắm trong khi sự việc còn có thể cứu vãn, tham vọng phục hồi các đế quốc Nga-Trung. Thái độ « gà rót » của Obama đã làm thất vọng những đồng minh truyền thống tại Châu Âu. Việc này dĩ nhiên có tác động tiêu cực lên chiến lược « xoay trục » sang Châu Á của Mỹ trong thời gian hiện tại (và sắp tới).
« Đèn xanh » nghe nói vừa được Tòa Bạch Ốc bật lên. Hai phe ngoại giao và quốc phòng của Mỹ cùng lúc đi thuyết phục các đồng minh để cùng tham gia (vào việc đưa tàu bè vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo). 

Đồng minh thân cận nhứt của Mỹ trong khu vực là Úc vừa lên tiếng cho biết, họ ủng hộ mọi quyết định của Hoa Kỳ, nhưng sẽ không đưa tàu bè đi cùng với hải quân Hoa Kỳ để đi vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà TQ vừa xây dựng. Mặc dầu, nếu TQ quân sự hóa các đảo (nhân tạo) này, thì Úc sẽ nằm trong tầm hoạt động của quân lực TQ. Nói chi đến các đồng minh Khác như Nam Hàn và Nhật ? Nam hàn mặc dầu có lực lượng quân sự hàng đầu khu vực nhưng vì liên thuộc với kinh tế TQ, chắc chắn họ  sẽ không tham gia. Còn Nhật thì quân đội chưa sẵn sàng. Chỉ có Phi lên tiếng ủng hộ nồng nhiệt. Nhưng chỉ ủng hộ miệng, vì đâu có lực lượng ? Còn VN, phía vừa cần lên tiếng mạnh mẽ, vừa cần hợp tác với Hoa Kỳ, thì lại « ngậm tăm ».

Như vậy, nếu có làm thì Mỹ sẽ làm một mình. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào ?

Dĩ nhiên, với bản chất « gà nuốt dây thun » thì Obama khó có thể có những quyết định « làm cho TQ sợ ». Tôi dự đoán sẽ là một hành động « tượng trưng » để phe quân đội không bị mất mặt vì những lời hứa bán vịt trời.

Có thể là Mỹ sẽ cho tàu bè đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo (nhân tạo) Xu bi, Gaven và Vành khăn… trước đây vốn là các bãi chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên.

Theo qui định của Luật biển 1982, các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi thì không có hải phận 12 hải lý. Trên « nguyên tắc » Mỹ có thể đưa tàu bè và phi cơ bay vào khu vực 12 hải lý của các bãi này.
Vấn đề là TQ sẽ có phản ứng thế nào ?

Việc rải mìn, thủy lôi chung quanh các đảo khó xảy ra vì Tập Cận Bình vừa tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo.

Cũng khó có thể TQ sẽ đưa tàu bè (hay phi cơ) quân sự ra cản trở. Một vấn đề pháp lý đặt ra là các cấu trúc địa lý (lúc chìm lúc nổi) có phải là một « lãnh thổ » hay không để có thể « chiếm hữu » ? Vì sự nhập nhằng pháp lý này TQ khó có thể nhân danh quyền « bảo vệ lãnh thổ » để đưa quân đội đến cản trở « quyền tự do » (hàng hải, hàng không) của Mỹ.

TQ có thể đem tàu hải giám, kiểm ngư, cảnh sát biển… thậm chí tàu đánh cá của ngư dân để cản trở các chiến hạm của Hoa Kỳ. Một vài va chạm có thể diễn ra, hoặc các tàu có thể phun nước vào nhau, dùng loa chửi mắng nhau… nhưng rốt cục là không để bên nào mất mặt.

16-10

Ông luật sư Tạ Văn Tài, kiêm nhà nghiên cứu Biển Đông, không biết ông nghiên cứu thế nào mà lãnh thổ của VN lại trở thành lãnh thổ của Phi Luật Tân. Bài viết mới ra lò của ông trên Diễn Đàn viết vầy :

« Trung Quốc, sau khi chiếm Hoàng Sa năm 1974, lại đã lấn chiếm một số đảo và đá ngầm của Phi Luật Tân và Việt Nam tại Trường Sa, trong các năm từ 1988 tới nay, rồi gần đây tiến hành xây thành đảo nhân tạo 7 khu đá ngầm chiếm của nước khác ở đó (6 của Phi: Hughes, Mischief, Cuarteron, Fiery Cross, Gaven, Subi, 1 của Việt Nam: Johnson South hay là Gạc Ma)… »

Ông Tạ Văn Tài đã dựa lên bằng chứng nào để cho rằng các cấu trúc địa lý (mà ông gọi là các đảo và đá ngầm) Hughes, Mischief, Cuarteron, Fiery Cross, Gaven, Subi là của Phi ?

Quân Trung cộng đã chiếm (một số) các bãi cạn, bãi chìm, nổi… này từ năm 1988, nhưng là chiếm (trên tay) của VN. Việc chiếm hữu này không tạo cho TQ chủ quyền. Và nó cũng không vì vậy trở thành của Phi được.

Tôi cho là ông luật sư suy đoán trên bản đồ của Phi, vẽ vùng lãnh thổ gọi là Kalayaan của họ. Bởi vì trên quan điểm pháp lý, Phi không có chứng cứ hay lập luận nào có thể thuyết phục.

Vùng lãnh thổ của Phi gọi là Kalayaan được xác định bằng một lục giác bao gồm phần lớn quần đảo Trường Sa. Mọi người có thể tìm trên « gú gồ » để thấy hình dáng của khu vực Kalayaan ra sao. Các bên khác như VN, Mã Lai, Brunei, TQ (và Đài Loan)…. Cũng công bố những bản đồ chủ quyền tương tự. Bản đồ của VN (các nhà nghiên cứu thuộc Quĩ nghiên cứu Biển Đông) gọi là bản đồ « bụng đàn bà chửa », giống hình người đàn bà đội nón lá với cái bụng (là Biển Đông) phình ra, bao gồm hầu hết TS và HS. Bản đồ của TQ (và Đài Loan) thì tham lam hơn, là bản đồ chữ U chín (hay 11) đoạn, còn gọi là « đường lưỡi bò ». Của Mã Lai hay Brunei thì các đảo thuộc chủ quyền của họ (gần như) nằm trong vùng kinh tế độc quyền của họ.

Điều quan trọng, theo luật quốc tế, trong vấn để chủ quyền lãnh thổ, các bản đồ này không có giá trị một đồng xu, kể cả bản đồ chữ U của TQ. Nó chỉ có giá trị như là một « thông tin » mà thôi.

Các bản đồ không tạo nên danh nghĩa chủ quyền. Danh nghĩa chủ quyền của một quốc gia tại một vùng lãnh thổ chỉ được (luật quốc tế) nhìn nhận nếu việc chiếm hữu (lãnh thổ này) được thể hiện qua một hành vi « hợp pháp ».

Bằng chứng « pháp lý » của Phi là tuyên bố của tổng thống Quirino vào tháng 5 năm 1951 rằng Trường Sa thuộc Phi vì lý do khoảng cách địa lý. Quần đảo này « gần » Phi hơn các nước khác.
Lý lẽ của Phi không thuyết phục. Lý do gần gũi địa lý không được luật quốc tế xem là một lý thuyết từ đó tạo nên danh nghĩa chủ quyền. Người ta thấy vô số các trường hợp một đảo ở kế cận một quốc gia, cách bờ biển nước này vài trăm thuớc, lại thuộc chủ quyền của một quốc gia khác.

Tức là bản đồ vùng Kalayaan của Phi thì không có căn bản pháp lý.

Trong khi bản đồ của VN (có hỗn danh là bụng đàn bà chửa), lại có căn cứ pháp lý.

Đá Hughes, VN gọi là đá Huy-gơ, cũng như đá Gạc ma, là những cấu trúc địa lý thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Cụm đảo Sinh Tồn đã thuộc chủ quyền của VN từ thời xa xưa. Qua thời Pháp thuộc, nhà nước bảo hộ đã tuyên bố sáp nhập cụm đảo Sinh Tồn (và các cụm đảo khác thuộc Trường Sa) vào lãnh thổ VN, năm 1933, qua các nghi thức cắm mốc, đặt tên đảo và dựng cờ, với danh nghĩa là đất vô chủ.
Trong tuyên bố chiếm hữu lãnh thổ của Pháp gởi đi các cường quốc có ghi rõ tên các đảo chính và các đảo phụ thuộc. Tuyên bố này không bị các nước (tranh giành hiện nay)  như TQ, Phi… lên tiếng phản đối.

Đá Cuarteron, VN gọi là đá Châu Viên, ở về phía đông bác đá Đông, thuộc cụm đảo Trường Sa. Cụm đảo này cũng được nhà nước bảo hộ Pháp sáp nhập vào VN theo đúng các qui ước và luật lệ quốc tế (như đã nói trên).

Đá Subi thuộc nhóm Thị Tứ. Đảo Thị Tứ cũng đã được nhà nước bảo hộ Pháp sáp nhập vào VN. Việc Phi chiếm đóng đảo này không tạo được danh nghĩa chủ quyền.

Đá Gaven thuộc nhóm Tizard, bao gồm các cụm đảo chính như Nam Yết, (Sơn ca) và Ba Bình. Hai cụm đảo Nam Yết và Ba Bình đã được nhà nước bảo hộ Pháp sáp nhập vào VN (như dã nhắc trên).
Đá Fiery Cross, VN gọi là đá Chữ Thập, cũng thuộc VN trên phương diện địa lý, vì nó thuộc nhóm Tizard.

Trên phương diện luật quốc tế, một quốc gia có thể chiếm hữu một vùng lãnh thổ nếu (và chỉ nếu) lãnh thổ này vô chủ. TQ đã chiếm năm 1988 các cấu trúc địa lý (ghi trên) là chiếm hữu các « lãnh thổ » đã có chủ.

Thật vậy, theo án lệ của Tòa Trọng tài (PCA) xử vụ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas (Pulau Miangas) giữa Mỹ và Hòa Lan năm 1928, chủ quyền một đảo nhỏ trong một nhóm đảo sẽ phụ thuộc vào một đảo lớn. Tức là nước nào có chủ quyền đảo Palmas sẽ có chủ quyền ở các đảo nhỏ phụ thuộc.

Chủ quyền các cấu trúc địa lý tùy thuộc vào các đảo chính.

Đá Hughes, VN gọi là đá Huy-gơ, cũng như đá Gạc ma, là những cấu trúc địa lý thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Chủ quyền các đá này, cùng với đảo chính, chỉ là một. Tương tự trường hợp đá đá Gaven thuộc nhóm Nam Yết, đá Cuarteron (Châu Viên) thuộc nhóm Trường Sa, đá Đá Fiery Cross (Chữ Thập) thuộc nhóm Tizard… Vì vậy các đá này thuộc chủ quyền của VN.

Ngoại trừ trường hợp đá Vành Khăn (Mischief). Đá này nằm ngoài các cụm đảo của VN (mà Pháp đã sáp nhập theo đúng trình tự luật pháp quốc tế) nhưng cũng thuộc « quần đảo Trường Sa » mà VN yêu sách toàn bộ. Đá này nằm trong vùng kinh tế độc quyền của Phi nhưng không vì vậy mà Phi có danh nghĩa chủ quyền.

18-10

VN làm gì khi Mỹ đơn phương tuyên bố đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo ở TS ?
http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/10/vn-lam-gi-khi-my-on-phuong-tuyen-bo-ua.html

 27-10

Nghe báo chí nói là chiến hạm của Mỹ sẽ đi vào vùng 12 hải lý hai đảo nhân tạo là đá Vành Khăn và đá Subi. Có điều hai bãi đá này cách nhau khá xa.

Đá Vành Khăn TQ chiếm năm 1995. Đá này cách Palawan (Phi) 129 hải lý, cách đảo Hải Nam (TQ) 600 hải lý và cách Cam Ranh (VN) 386 hải lý. Đối với các đảo thuộc TS, đá này cách đảo Sinh Tồn (VN) 57 hải lý, cách đảo Ba Bình (của VN, do Đài Loan chiếm đóng, gọi là đảo Thái Bình, tên quốc tế là Itu Aba) 74 hải lý.

Như vậy đá này nằm trong vùng biển kinh tế độc quyền (ZEE) của Phi và ở ngoài thềm lục địa (mở rộng) của VN cũng như TQ.

Đá này vốn là một bãi đá san hô hình « vành khăn », có đường kính trung bình 4km, đa phần chìm dưới mặt nước biển.

Tùy thuộc vào chất địa lý, nếu bãi này chìm thường trực dưới mặt nước biển, thì nó không phải là một « lãnh thổ » để có thể chiếm hữu. Nếu bãi này có cấu trúc địa lý « lúc chìm lúc nổi », thì bãi Vành khăn sẽ phụ thuộc vào lãnh hải của đảo nào gần nhứt (theo án lệ CIJ năm 2008 giữa Singapour và Mã Lai về tranh chấp chủ quyền các đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge). Nếu mở rộng lập luận này thì đá Vành Khăn có thể sẽ phụ thuộc vào đảo Sinh Tồn (VN).

Đá Subi là một cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi,  thuộc về nhóm đảo Thị Tứ (của VN, hiện do Phi chiếm đóng).

Như vậy, chiến hạm của Mỹ, (nếu đúng như báo chí loan tải), sẽ đi qua các cấu trúc địa lý ở trên vùng thềm lục địa của Phi (đá Vành Khăn) hoặc thuộc các đảo của Phi chiếm đóng (đảo Thị Tứ).
Trên phương diện Luật quốc tế, TQ không có một căn cứ nào có thể phản đối lại hành vi này của HK.
Hôm trước tôi có viết vầy :

« Có thể là Mỹ sẽ cho tàu bè đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo (nhân tạo) Xu bi, Gaven và Vành khăn… trước đây vốn là các bãi chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên.

Theo qui định của Luật biển 1982, các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi thì không có hải phận 12 hải lý. Trên « nguyên tắc » Mỹ có thể đưa tàu bè và phi cơ bay vào khu vực 12 hải lý của các bãi này. »
Điều mà mọi người muốn biết là phản ứng của TQ sẽ ra sao ?

Tôi cũng có viết như sau :

« Việc rải mìn, thủy lôi chung quanh các đảo (để cản trở tàu chiến của HK) khó xảy ra vì Tập Cận Bình vừa tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo.

Cũng khó có thể TQ sẽ đưa tàu bè (hay phi cơ) quân sự ra cản trở. Một vấn đề pháp lý đặt ra là các cấu trúc địa lý (lúc chìm lúc nổi) có phải là một « lãnh thổ » hay không để có thể « chiếm hữu » ? Vì sự nhập nhằng pháp lý này TQ khó có thể nhân danh quyền « bảo vệ lãnh thổ » để đưa quân đội đến cản trở « quyền tự do » (hàng hải, hàng không) của Mỹ.

TQ có thể đem tàu hải giám, kiểm ngư, cảnh sát biển… thậm chí tàu đánh cá của ngư dân để cản trở các chiến hạm của Hoa Kỳ. Một vài va chạm có thể diễn ra, hoặc các tàu có thể phun nước vào nhau, dùng loa chửi mắng nhau… nhưng rốt cục là không để bên nào mất mặt. »

Việc Obama bật đèn xanh cho quân đội Mỹ là việc chẳng đặng đừng. Bởi vì các viên chức quốc phòng của Mỹ đã tuyên bố (không biết bao nhiêu lần) sẽ cho tàu bè, phi cơ đi vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo. Obama không thể làm mất mặt những cộng sự của mình, nhứt là làm mất niềm tin của đồng minh Phi Luật Tân.

Nhưng đối với VN thì hành vi của HK không đem lại những điều thuận lợi cho chủ quyền lãnh thổ của VN. Bởi vì các đảo (nhân tạo) khác, như đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên… là những cấu trúc địa lý nổi thường trực trên mặt biển. Đối với Luật quốc tế đây là những « lãnh thổ », quốc gia có thể chiếm hữu. Những bãi đá này vốn thuộc chủ quyền của VN, bị TQ chiếm bằng vũ lực năm 1988. Vị trí địa lý của các bãi này (đá Chữ Thập và đá Châu Viên) hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng của VN.

Chưa biết quyết định trong tương lai của HK ra sao, có đưa chiến hạm vào vùng 12 hải lý của  các bãi đá này hay không ? Nhưng việc thái độ của VN vừa rồi, như đòi hỏi HK phải xin phép để vào vùng biển này, có thể là những trở ngại khiến HK không lên kế hoạch tuần tra ở các vùng biển này.

Nhưng ta không thể gạt bỏ lý do hệ quả của Hội nghị Thành Đô đầu thập niên 90. Kết quả của hội nghị Thành Đô (đã được học giả hai bên công bố) là VN và TQ « không nhắc đến chuyện cũ nữa ». Tức là VN nhìn nhận chủ quyền của TQ ở các bãi đá bị TQ chiếm năm 1988.

Dầu sao đi nữa, việc hải quân HK tuần tra trong vùng 12 hải lý đá Vành Khăn (và Subi), lại là vị cứu tinh cho anh X, chị Quyết Tâm cũng như các thái tử đỏ. Dư luận sẽ chăm chú vào biến cố này và quên đi việc bổ nhiệm nhân sự đảng vào các ngôi vị lãnh đạo đất nước là vi hiến.

Riêng tôi thì không quên công việc của anh X. Nghe nói anh X lèo lái con thuyền VN đi đúng hướng (sic !). Đúng hay không khoan nói. Có điều con thuyền VN (mà anh ba X làm thuyền trưởng) có tên là Vinaanshin (VN ăn xin) hay là Vinavono (VN vỡ nợ) ?

27-10

Nếu việc Mỹ cho chiến hạm đi qua đá Subi và đá Vành Khăn là « đúng luật pháp quốc tế » thì phản ứng của TQ cho tàu chiến đi kèm cũng « đúng luật pháp quốc tế », trong trường hợp « qua lại không gây hại trong vùng lãnh hải của quốc gia ».

Tức là chuyến đi (qua hai bãi Subi và Vành Khăn) của tàu chiến Mỹ không nói lên được việc gì.
Theo tôi thì mọi người chớ nên lạc quan quá mức.

Chuyến đi của chiến hạm Mỹ, theo CNN, chỉ là « transit », tức « quá cảnh », một cách nói khác của việc « qua lại không gây hại », mà điều này được Luật Biển 1982 qui định rõ rệt.

Còn thái độ TQ, cho chiến hạm theo kèm chiến hạm Mỹ, là hành vi thể hiện việc « hành sử chủ quyền » của TQ tại vùng « lãnh thổ » mang tên Subi và Vành Khăn.

Theo Luật Biển 1982, quyền « qua lại không gây hại », trường hợp tàu chiến của một quốc gia khác, là khi quá cảnh (qua vùng lãnh hải của một nước khác) thì không được có những hành vi như do thám, thao diễn quân sự, hay các hành vi khiêu khích hoặc gây nguy hiểm. Quốc gia chủ nhà có quyền cho tàu chiến ra « áp tải » chiếc tàu của quốc gia kia cho đến khi chiến tàu này ra khỏi khu vực biển thuộc quyền tài phán của mình.

Chuyến đi của tàu hải quân Mỹ đã diễn ra đúng như vậy.

Rõ ràng hai bên HK và TQ đã có kế hoạch « tung hứng » khá nhịp nhàng.

HK không hề thách thức chủ quyền của TQ tại hai bãi Subi và Vành Khăn.

Mà theo quan điểm luật học thì :

- Hai bãi (lúc nổi lúc chìm) này không phải là lãnh thổ để có thể chiếm hữu. 

- Việc xây dựng không tại nên danh nghĩa chủ quyền.

- Đảo nhân tạo thì không có lãnh hải 12 hải lý.

15-11

Học giả Trung Quốc nhập nhằng ngựa với lừa.

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/11/hoc-gia-trung-quoc-nhap-nhang-ngua-voi.html

22-11


« Cải tạo đảo », « cơi nới đảo » hay là « xây dựng đảo nhân tạo » ?

Báo chí VN hầu hết, trong cũng như ngoài nước, gọi hành vi xây dựng đảo nhân tạo của TQ là « cơi nới đảo » hoặc « cải tạo đảo ». Cách gọi này rất sai, gián tiếp nhìn nhận việc thay đổi « nguyên trạng » ở Biển Đông của TQ.

Rõ ràng hành vi của TQ là « xây dựng đảo nhân tạo » chớ không phải « cải tạo đảo » hay « cơi nới đảo ». Báo chí Pháp ngữ viết rất đúng là « construction d’îles artificielles ».

Theo định nghĩa về « đảo » của Luật Biển : đảo là một dãi đất tự nhiên có nước bao bọc chung quanh và không bị nước  che lấp khi thủy triều lên.

Một số các cấu trúc địa lý (ở Trường Sa) mà TQ xây dựng (thành đảo nhân tạo), trước kia vốn không phải là « đảo », chúng chỉ là những bãi ngầm, bãi lúc chìm lúc nổi… Một số là « đá » nổi thường trực trên mặt nước biển.

Sự phân biệt « đảo », « đá » hay bãi chìm, bãi lúc chìm lúc nổi… rất quan trọng. Bởi vì một « đảo » có thể phát sinh ra vùng « kinh tế độc quyền – ZEE » rộng đến 200 hải lý, trong khi một « đá » thì chỉ có lãnh hải (nhiều lắm) là 12 hải lý. Còn các bãi chìm, bãi nửa chìm nửa nổi thì không có gì hết cả.
Các « đảo nhân tạo » của TQ vừa xây dựng ở Trường Sa (trên các bãi đá chìm nổi thuộc VN năm 1988) không phải là « đảo ». Đơn giản vì đó không phải (hay không còn) là những dãi đất « tự nhiên » (theo như định nghĩa của Luật Biên 1982). Chúng là những dãi đất do người đắp lên.
Vì là các « đảo nhân tạo », TQ không có « danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté » ở những nơi này, mà chỉ có thể có « quyền sở hữu – titre de propriété ». Một quốc gia có thể « chinh phục » danh nghĩa chủ quyền ở một lãnh thổ (vô chủ) nhưng không thể « xây dựng » chủ quyền ở một « lãnh thổ » sinh ra từ  những hành vi bồi đắp, xây dựng.

Người ta gọi việc « cơi nới đảo » là những hoạt động nhằm mở rộng diện tích một « đảo ».

Người ta sử dụng ngôn từ này khi đã chứng minh được rằng trước đó, cấu trúc địa lý đó là « đảo ».
Các nhà báo VN có ai chứng minh được rằng các cấu trúc địa lý (trước khi được TQ xây dựng) là « đảo » ?

Không thể chứng minh phải không ? Vì vậy các nhà báo đã sử dụng sai từ ngữ.

Người ta gọi việc « cải tạo đảo » là những hành động nhằm mục đích củng cố đảo trước sự xâm thực, xói mòn của nước biển và thủy triều. Một số các hoạt động của VN ở các đảo TS là « cải tạo đảo ».

Việc « cải tạo đảo » nhằm mục đích củng cố « nguyên trạng – état actuel » của các đảo.

Trong khi các hoạt động của TQ là nhằm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý ở TS.

TQ đã làm thay đổi tình trạng (địa lý và pháp lý) : 1/đá thành đảo nhân tạo, 2/bãi chìm thành đảo nhân tạo và 3/ bãi lúc chìm lúc nổi thành đảo nhân tạo.

Khi nói rằng hành động của TQ là « cải tạo đảo » hay « cơi nới đảo » là gián tiếp nhìn nhận việc thay đổi « nguyên trạng » Biển Đông của TQ.

Mà việc dùng chữ sai này, đầu tiên đến từ nhà nước VN, sau đó loan truyền ra giới học giả và báo chí. Đó mới là điều chết người.

29-11

Quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông có bị ảnh hưởng bởi vụ kiện PCA Phi-Trung Quốc ?

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/11/quyen-va-loi-ich-cua-viet-nam-o-bien.html

30-11

Báo chí trong nước vừa loan tin tàu tiếp vận của VN bị tàu chiến thuộc hải quân TQ chỉa súng uy hiếp ở khu vực đá Su Bi. Sự việc xảy ra vào này 13-11, đến nay tin tức này mới được loan tải.
Tàu tiếp vận của VN làm công tác thường lệ, hai tháng một lần, tiếp tế đồ nhu yếu cho nhân sự sinh sống trên các đảo. Tàu của VN xuất phát từ hướng Nam, tiếp tế cho cụm đảo Sinh Tồn, sau đó tiến về hướng Bắc, tiếp tế cho các đảo, đá thuộc cụm Song Tử. Theo đồ hình, tàu VN sẽ đi ngang khu vực biển gần đá Su bi. Theo báo chí loan tải, tàu VN đi cách đá Su Bi khoảng 12 hải lý.

Phía VN vừa lên tiếng phản đối, qua phát ngôn nhân BNG.

Tàu của VN là tàu tiếp vận không vũ trang. Hành trình của tàu này, đi ngang qua vùng 12 hải lý của đá Subi. Giả sử rằng đá Subi có lãnh hải 12 hải lý (mà điều này không chắc), hành trình của tàu VN thuộc vào diện « qua lại không gây hại ». Nếu đá Subi không có lãnh hải 12 hải lý, hành trình của tàu VN thuộc về lãnh vực « tự do hàng hải ».

Các hành vi của tàu chiến TQ, như cho tàu nhỏ chặn đầu tàu VN, chỉa súng uy hiếp… đều vi phạm luật hàng hải quốc tế, như cố ý muốn gây tai nạn, hoặc nặng hơn, hành vi đe dọa chiến tranh.

Khoảng hơn tuần lễ sau, tin tức báo chí cho biết ngư dân của VN đã bị « tàu lạ » bắn chết ở khu vực đá Nam.

Đá Nam là một thực thể địa lý (rạng san hô) cách cụm Song Tử khoảng 3,5 hải lý về phía Tây Nam. Tức là đá Nam nằm trên tuyến đường từ cụm Sinh Tồn đến cụm Song Tử.

Tai nạn xảy ra cách không xa khu vực tàu chiến của TQ chỉa súng uy hiếp tàu tiếp vận của VN.

Nói là « tàu lạ », mà thật sự là « tàu rất quen ».

Rất quen vì chỉ có tàu của TQ mới hoành hành trong khu vực. Rất quen vì chỉ có tàu TQ mới hành sử hung hăng như cướp biển.

Hành vi bắn chết ngư dân VN còn hèn hạ hơn cướp biển.

TQ muốn gì ?

Trong một bài viết trước đây tôi có nói rằng, việc ráo riết xây dựng đảo nhân tạo tại các bãi đá chiếm được của VN năm 1988, TQ sẽ hoàn tất trước khi vụ kiện Phi-Trung Quốc ở Tòa PCA kết thúc. Mục đích là đặt các bên vào việc đã rồi. Sự việc đã xảy ra đúng như vậy.

Các hành vi của TQ bây giờ có thể là bước đâu của sách lược phong tỏa các đảo Song Tử, Thị Tứ, Sinh Tồn… Trước đây tôi có viết rằng, sau khi các đảo nhân tạo xây dựng xong, TQ sẽ phong tỏa các đảo trong khu vực. Thiếu tiếp tế, các đảo này sẽ bị TQ lấy như đồ chơi trong túi.

Sau đó TQ sẽ cho thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông.

Tình hình hiện nay mới là thế « lưỡng nan » cho VN.

VN không dám phản ứng mạnh vì sợ TQ lấy cớ làm mạnh. VN không phản ứng, như từ vụ giàn khoan 981 đến nay, thì TQ vẫn tiệm tiến gia tăng áp lực, cuối cùng sẽ chiếm các đảo TS của VN mà không tốn một viên đạn.

VN phải tìm mọi cách để dành được quyền « tự vệ chính đáng ». Khi đó mới có thể gầy dựng một liên minh tự vệ để chống lại TQ.

Thái độ « không làm gì hết » của VN hiện nay cho thấy là tai hại. VN như bị lún trong vũng bùn, dãy cũng chết mà không dãy cũng chết. Tại sao lại không nắm lấy cây sào mà người ta đưa ra để giải cứu ?

VN cần nhanh chóng lên tiếng ủng hộ các cuộc tuần hành của hải quân Mỹ ở Biển Đông, nếu cần tuần hành chung với họ. Đó là hành động tự cứu mình.

14-12

Hoàng Sa và Trường Sa : Vấn đề kế thừa Việt Nam Cộng Hòa.

http://nhantuantruong.blogspot.fr/2015/12/hoang-sa-va-truong-sa-van-e-ke-thua.html

19-12

Phía Trung Quốc tố cáo việc máy bay B52 của Mỹ tuần tiễu trên Biển Đông bay cách đá Châu Viên (mà TQ mở rộng thành đảo nhân tạo) khoảng 2 hải lý là hành động "khiêu khích". "Sự cố" xảy ra vào ngày 10-12-2015. Chưa biết thái độ của Mỹ sẽ ra sao đối với phản đối này của TQ. Theo tin báo chí thì máy bay B52 của Mỹ đã "bay lạc" vào "không phận" của đá Châu Viên vì lý do "thời tiết".

Vấn đề là vì sao hai chiếc pháo đài B52 này đi lạc ? Lý do thời tiết rõ ràng là không ổn chút nào. Khó có tình trạng thời tiết nào có thể làm thay đổi bất ngờ phi trình của chiếc pháo đài bay B52 như vậy.
Phải chăng Mỹ muốn "nắn gân" xem phản ứng của TQ thế nào ?

Nếu vậy thì thái độ của bộ Quốc phòng Mỹ sắp tới là sẽ không lên tiếng "xin lỗi", hay nói lời "rất tiếc" với TQ.

Mỹ có thể vịn lý do vì đá Châu Viên đã trở thành một "đảo nhân tạo". Theo Luật Biển thì "đảo nhân tạo" không có không phận và lãnh hải 12 hải lý, mà chỉ có một vùng "an ninh" tối đa là 500 mét mà thôi. Khi chưa bay vào vùng 500m của đảo nhân tạo thì TQ sẽ không làm gì được Mỹ. Vì đó là quyền tự do phi hành (hay hải hành) của mọi quốc gia, phù hợp với qui định của công pháp quốc tế.

Đó là chưa nói đến tình trạng địa lý còn trong vòng mù mờ của đá Châu Viên. Bởi vì mực nước biển ngày càng dâng cao, các đá thấp (như đá Châu Viên và một số đá khác thuộc TS) sẽ trở thành các bãi chìm, hay lúc nổi lúc chìm. Lâm vào tình trạng này chúng không có lãnh hải 12 hải lý nữa.

TQ đã xây dựng các đảo nhân tạo tại các đá này, làm biến dạng tình trạng địa lý ban đầu của chúng. Không ai biết chúng bây giờ là đá chìm hay nổi ? lỗi vì vậy là là TQ chớ không phải Mỹ.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.