Cầu mong hạnh phúc đến mọi nhà, sự an bình hiện hữu
ở mọi người, không chỉ trong ngày Giáng sinh, mà mọi lúc, cho mọi người Việt
Nam trong nước hay ở rải rác khắp nơi trên địa cầu.
Ngày Giáng sinh mà nói về "bạo lực" thì
có điều gì đó không bình thường. Nhưng trong một xã hội "không bình
thường" như Việt Nam, khuynh hướng sử dụng bạo lực ngày càng tăng, không
chỉ ở hành vi, cách đối xử mà còn trong ngôn ngữ. Bạo lực thể hiện bàng bạc
trong xã hội, ở mọi nơi, mọi lúc... Nhà nước lấy đất của dân bằng bạo lực của
công an, thay vì bằng thương lượng đền bồi hợp lý. Quan chức áp bức, soán đoạt
của cải của người dân nghèo bằng bạo lực của quyền thế, thay vì đối xử bằng
lương tâm công chính của kẻ làm quan. Người giàu sử dụng mãnh lực của kim tiền
để ép người dân nghèo vào vòng tù tội, thay vì dùng ánh sáng nơi pháp đường để
soi sáng công lý. Học trò sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp ngay
trong lớp học. Tình học trò không còn "ươm hồng xác phượng" như ngày
xưa mà chan chứa một "giỏ" hận thù. Đâu đâu cũng thấy bạo lực. Thất
tình cũng đưa đến giết người. Xe cộ cọ quẹt nhau cũng cầm dao đâm chết người.
Nhìn nhau "kênh kiệu" cũng có thể gây ấu đả đến chết người. Ăn cướp
giết người trở thành chuyện thường ngày xe cán chó. Bạo lực trong xã hội phổ
cập đến mức người ta phải nói đến "văn hóa bạo lực".
Việt Nam chưa bao giờ như thế.
Xã hội Việt Nam đang thoái hóa trở về thời kỳ hoang
dã ? Hay quốc gia Việt Nam đang trong tình trạng phân rã ? Thử xét lại bản chất
các xã hội sơ khai, hay một số hiện tượng xã hội trong những quốc gia đang trên
đà bị phân rã hiện nay trên thế giới, ta thấy VN đã hội đủ một số các điều
kiện.
Có cần báo động hay chưa ? Theo tôi, xã hội đã nguy
ngập.
1.
Theo tôi thì không có cái gọi là "văn hóa bạo
động" hay người VN có "gene" bạo lực. Không thể nói Quang Trung
hay Nguyễn Ánh hung bạo thì người Việt cũng hung bạo. Thử nhìn thế giới trong
cùng thời kỳ, không phải chỉ ở VN mới "hung bạo" như vậy.
Bạo lực chỉ hiện hữu ở một xã hội còn trong thời kỳ
bán khai, hay trong một xã hội mà thẩm quyền của nhà nước đã không còn hiệu
lực.
Trong một xã hội sơ khai bất kỳ, luật pháp chưa có,
khái niệm về quyền chủ tể chưa có, mọi tranh chấp sẽ được giải quyết bằng bạo
lực. Tranh chấp sẽ không còn khi một phía không còn lên tiếng tranh chấp, vì…
chết, hay vì một lý do gì đó không thể lên tiếng đòi hỏi được nữa. Thời kỳ này
sức mạnh là công lý. Mạnh được, yếu thua.
Xã hội tiên tiến hơn, khái niệm về "trọng tài"
xuất hiện. Việc phân xử là cần thiết để giữ "hòa bình" trong xã hội. Người
ta không còn tranh chấp chỉ khi nhận thức vấn đề tranh chấp đã được giải quyết
một cách "công bằng".
Xã hội càng văn minh hơn, tranh chấp giữa những
thành tố trong xã hội phức tạp hơn. Vì vậy xuất hiện nhà nước gọi là "nhà
nước pháp trị". Ý nghĩa của nó là mọi cá nhân trong xã hội, kể cả người
cầm quyền, đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Cách giải quyết tranh chấp
giữa cá nhân (hay tổ chức) trong các xã hội này đều dựa trên pháp luật.
Xã hội VN khuynh hướng sử dụng bạo lực ngày càng
tăng. Không chỉ nơi hành vi mà còn ở ngôn ngữ. Xe cộ cọ quẹt nhau, thay vì đối
xử như ở các quốc gia bình thường, hai
bên xuống xe, hợp tác với nhau cùng viết biên bản. Mọi việc đều do "bảo
hiểm" lo liệu. Bằng không thì kêu cảnh sát đến giải quyết. Thì ở VN, cách
giải quyết hoàn toàn dự lên "tình cảm" giữa cá nhân.
Ở miền nam VN trước 1975, các vụ cọ quẹt như thế
phần lớn giải quyết do sự thuơng lượng giữa hai bên. Đôi khi chỉ bằng tiếng xin
lỗi. Nếu không giải quyết được thì kêu cảnh sát. Ít khi nào chưởi mắng, ấu đả
lẫn nhau để giải quyết như hôm nay.
Vấn đề là người ta không còn tin tưởng vào nhân
viên công lực, không tin tưởng vào pháp luật quốc gia. Khi tai nạn cọ quẹt xe,
gọi công an tới là việc dại dột. Vì cả hai bên sẽ trở thành nạn nhân của công
an (do hạch sách tiền bạc).
Không phải chỉ trong vấn đề cọ quẹt xe cộ, mà trong
tất cả mọi tranh chấp hàng ngày vẫn vậy. Vô phúc đáo tụng đình. Đáo tụng đình
là đem tài sản cung phụng cho nhân viên công lực để lo lót, chạy tội.
Pháp luật, nhân viên công lực… ở xã hội Việt Nam chỉ
để truy bức, hành hạ người dân.
Và khi người dân không tin tưởng vào pháp luật quốc
gia, việc giải quyết tranh chấp sẽ là bạo lực.
Nguyên nhân của bạo lực ở VN là như vậy : Sự từ
nhiệm của nhà nước. Xã hội vô pháp. Đó là dấu hiệu của sự tan rã, sự giải thể
của nhà nước.
Biểu hiện của "quyền lực nhà nước" là
"luật pháp". Luật pháp bất minh thì xã hội loạn lạc. Khuynh hướng
"duy tâm" đang trở lại thành phong trào. Các vụ « khai ấn đền Trần »
hay « cầu sao giải oan » gì đó, ta thấy người dân tụ tập đen kịt. Nguyên nhân
là người ta mất niềm tin vào tương lai, mất niềm tin vào khả năng của chính
mình. Mất niềm tin ở thực tại người ta có khuynh hướng đi tìm những trợ giúp ở
những đáng siêu hình.
Đó là gì nếu không phải là xã hội sơ khai ?
2.
Chắc chắn là không có thứ văn hóa gọi là « văn hóa
bạo lực ».
Hầu hết các truyện cổ tích VN lưu truyền trong dân
gian, kể cả truyện Tấm Cám, điểm chính vẫn là kẻ ác bị trừng phạt và kẻ hiền
gặp lành. Không có văn hóa nào chủ trương bạo lực mà chỉ có những kẻ lợi dụng
những điểm đặc thù của văn hóa để mưu đồ chính trị. Điều gây sốc (trong truyện
Tấm Cám) là cảnh cô Tấm (mặc dầu đã lấy được vua) vẫn trả thù mẹ con cô Cám
bằng cách chặt xác cô Cám thành nhiều khúc rồi đem làm mắm. Hủ mắm được gởi về
cho mẹ cô Cám ăn.
Nếu đó là văn hóa thì dĩ nhiên đó là "văn hóa
bạo lực".
Nhưng nếu xét lại trên thực tế xã hội VN, trước đến
nay, trong dân gian cách đối xử vô luân này chưa bao giờ xảy ra.
Điều trớ trêu là một giai đoạn lịch sử VN hiện đại,
có nhiều lúc cách đối xử giữa người và người (ở đây là cha và con), vì lý do ý
thức hệ chính trị, cũng tệ hại như vậy:
"Được nghe bà kể khổ - Con thấy đời con thực là đáng chết - Con đã đi bóc lột để nuôi bà - Con bây giờ không dám nhận là cha - Dù bà là do con đẻ ra - Con - thành phần địa chủ thối tha - Trước nhân dân, trước đảng, trước bà - Xin thành khẩn cúi đầu chịu tội - Đó là lời của cụ đồ ở ngoại thành Hà Nội - Giữa đấu trường giăng giối với con." (thơ NCT)
Người cộng sản chủ trương những gì « có lợi cho
cách mạng » là « đạo đức ». Mà đạo đức là gì nếu không phải là tinh túy đặc thù
văn hóa của giống dân đó ?
Vì lợi ích của "cách mạng", kỷ cương đạo
đức, luân lý của giống nòi bị chà đạp, khinh miệt. Đời sống đảo lộn. Con tố
cha, vợ tố chồng, anh em tố cáo lẫn nhau. Hàng xóm, bạn bè đối xử với nhau
không thật lòng, nếu không nói là việc đối xử với nhau được đặt trên nền tảng
ngờ vực và dối trá.
Dối trá ngự trị trong xã hội. Đảng cai trị người
dân cũng bằng dối trá.
Người ta nói đảng cộng sản nào cũng vô luân không
phải là cách nói vỏ đoán.
Bây giờ sang thời "kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa". VN đã ký nhiều hiệp ước quốc tế về chính trị cũng
như kinh tế. Tức là VN phải chịu ràng buộc bởi các điều ước quốc tế.
Đảng CSVN đâu thể nào tiếp thục sử dụng dối trá để
vừa cai trị người dân, vừa đối đãi với các nước ?
Về pháp luật, đảng CSVN vẫn không chịu trách nhiệm
trước pháp luật về các hành vi chính trị của nó. Về tính chính đáng để lãnh
đạo, đảng CSVN cũng không có (hay không còn).
Và khi quyền lực anh nắm đã không còn chính đáng
thì quyền lực này sẽ bị thách thức. Hệ quả của nó là bạo lực thay cho pháp luật
để giải quyết mọi mâu thuẩn xã hội.
Nhà nước như vậy đã từ nhiệm, nếu không nói là đang
trên đường phân rã.
Nguyên nhân bạo lực ở xã hội hiện nay là do pháp
luật, là do mâu thuẩn về ý thức hệ, là do việc mất tính chính đáng của đảng
lãnh đạo.
Nếu đào sâu vào văn hóa để sửa chữa là sai. Hãy xem
cái gương nước Nhật.
Trước Thế chiến II, dân tộc này "khát máu",
hung bạo biết bao nhiêu ? Trước đó đất nước này phân chia làm năm, làm bảy do
các sứ quân lãnh đạo. Họ xâu xé, chém giết với nhau hàng ngày.
Nhưng từ khi có bản "Hiến pháp hòa bình"
(do Mỹ áp đặt) vào thập niên 50 (thì phải) thì dân tộc này là một dân tộc hiếu
hòa nhất trên thế giới.
Bạo lực hay không là do luật pháp chớ đâu phải do
văn hóa ?
Mà căn nguyên của nó là chính trị.
Muốn xã hội an bình là phải dân chủ hóa chế độ.
Quyền lực của người lãnh đạo phải có sự chính đáng. Mà sự chính đáng chỉ đến
khi quyền (tham chính) của mọi người được ghi nhận trong hiến pháp.
(Nhật ký facebook ngày 3-3-2014)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.