samedi 26 décembre 2015

Cuối năm tính sổ với... phe dân chủ

(ghi lại từ Nhật ký Facebook)

9-12-2014

Để chuẩn bị tiếp đón trọng thể ngày Nhân quyền quốc tế ngày 10 tháng 12 và ngày Giáng Sinh 25-12, nhà nước CSVN đã làm được một việc lớn lao, có thể đoạt giải kỹ lục thế giới về độc ác và vô nhân đạo.

Trong xã hội tư bản giẫy chết kém văn minh người ta không bắt « khẩn cấp » một phạm nhân đang bị bệnh, hay đang bị (vừa bệnh vừa tật). Bắt « khẩn cấp » có nghĩa là bắt trong trường hợp phạm nhân can tội giết người, hay phạm một trọng tội ghê gớm lắm, đe dọa an ninh xã hội.

Một kẻ can tội giết người, nếu bị thương tích, thì cũng được đưa vào bệnh viện để chăm sóc vết thương. Cảnh sát chỉ có quyền hỏi cung can phạm khi người này không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng trong xã hội giẩy chết kém văn minh này người ta không bắt giam người (khi tội trạng còn trong vòng điều tra) trong thời gian cận kề lễ Giáng Sinh.

Ngày lễ Giáng sinh là ngày lễ của bao dung, của tình thương, của gia đình êm ấm...

...

Đầu tuần bắt một người bịnh. Cuối tuần bắt một người tật. Hai người (kẻ bịnh người tật) đều bị bắt cùng một tội (điều 258) : « bắt quả tang » đang xâm phạm quyền và lợi ích của người khác.

Vợ ông mang tật lên tiếng phản biện, vì bà là chứng nhân vụ bắt chồng bà : người ta đang ngồi viết văn thì « quả tang phạm tội cái gì » ?

Còn ông bị bịnh, ông có viết (hay làm) cái gì đâu mà bị bắt « quả tang » ?

« Quả tang » phạm tội là bắt tận tay người đó đang có hành vi phạm tội.

Tức là, bên côn an chưa chứng minh được người ta có tội, chứ đừng nói đến chuyện người ta « quả tang » phạm tội !

Bắt bớ, giam cầm một người bị bệnh tật, cho dầu chỉ để điều tra, là đã thể hiện sự ác độc, vô nhân đạo của chế độ.

Bắt bớ người khi chưa chứng minh được tội trạng là lạm dụng quyền lực, điều chỉ có ở các xứ chậm tiến, luật lệ còn trong thời kỳ bán khai.

Trong khi ngoài xã hội tội phạm dầm dề, bằng chứng sờ sờ thì không thấy ai đứng ra thi hành luật pháp.

Một thí dụ :

Điều 251: « Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có ».

Thử nhìn tài sản của toàn thể cán bộ CSVN. Những người này, với mức lương của họ, không thể có được những cơ ngơi như vậy được.

Nguồn gốc tài sản này đến từ đâu ? Nếu không do tham nhũng, hối mại quyền thế, lạm dụng chức vụ… thì từ đâu mà có ? Cũng phạm tội « quả tang » đó chớ ?

Tại sao không bắt họ đi ?

Luật pháp là để bảo vệ người dân. Người dân có quyền làm những điều mà luật pháp không cấm. Muốn bắt người ta, trước hết là phải chứng minh người ta có tội. Hai ông, ông tật bị bắt lúc đang viết văn. Ông bịnh bị bắt lúc đang « không làm gì hết ».

Khi dùng côn an dùng từ « bắt quả tang » là đã ngồi xổm lên pháp luật rồi.

Còn việc tìm bằng chứng để chứng minh hai ông này phạm tội « xâm phạm lợi ích nhà nước » khó còn hơn lên trời. Ngoại trừ côn an vỗ ngực tự xưng « tao là luật ».

Nói thật, tôi không biết hai ông này là ai. Tôi cũng chưa hề vào blog mấy ông này để đọc các bài viết của họ.

Nhưng chắc chắn một điều rằng các bài viết được chọn đăng lên blog hai ông này, cho dầu tệ hại tới đâu thì nó cũng có ít nhiều giá trị về văn hóa, tư tưởng. Hay ít ra là cho thiên hạ thấy được quyền « tự do ngôn luận » của người dân ở VN được thể hiện một cách bình thường. Tức là, nói chung, các bài viết thể hiện tình yêu nước (theo cách) của các tác giả.

Nói họ « xâm phạm lợi ích nhà nước » thật là chuyện tiếu lâm, chỉ có trong nền cộng hòa chuối !

10-12-2014

Hãy giữ thành quả đấu tranh.

Theo tôi, những người VN mong muốn đất nước VN được thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn, cần có những hành động cụ thể trong trường hợp quí ông Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ.

Lên tiếng bênh vực họ, dĩ nhiên, là điều ít nhất có thể làm trong lúc này.

Vì hai lý do.

Trước hết thể hiện tình liên đới giữa những người cầm bút. « Một con ngựa đâu cả tàu không ăn cỏ ».
Thứ hai, nhằm để giữ thành quả đấu tranh đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời để tránh tinh trạng nhà nước « thừa thắng xông lên », đàn áp bắt bớ tiếp những bloggers khác.

Không gian « tự do ngôn luận » từ mấy năm nay trên mạng internet, cho dầu ảo, nhưng đó là một thành tựu không thể chối cãi của những người yêu chuộng dân chủ tự do.

Ở các xứ tự do, các điều này là bình thường. Vì đó là « quyền » của mọi người, không ai có thể tước đoạt.

Nhưng ở VN, từ 70 năm nay, quyền đó của chúng ta đã bị tước đoạt.

Quyền đó chúng ta đã « giành » được, cho dầu là một góc rất nhỏ. Cái đã đạt được, mọi cách, chúng ta phải giữ nó.

Chúng ta có thể không thích ông Lập, cũng có thể không thích ông Thọ. Chúng ta có thể không lên tiếng vì không thích họ, nhưng chúng ta phải lên tiếng vì quyền lợi của mình.

Nếu chúng ta không làm gì cả, dĩ nhiên quyền tự do ngôn luận (mà chúng ta dành được từ bấy lâu nay) sẽ mất đi, mà sự tự do của chính bản thân của những người viết blog cũng sẽ bị đe dọa.

Trước kia là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)… bây giờ Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ thì sắp tới sẽ là Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Xuân Diện v.v…

Vì vậy tôi có đề nghị hơi quê mùa một chút. Mục đích nhằm « bảo vệ thành quả đấu tranh được » về quyền tự do ngôn luận của người Việt trong nước. 

Đề nghị là bạn bè thân thiết của ông Lập (hay ông Thọ) mở trang blog « Quê Choa 2 » (và Người lót gạch 2) để tiếp tục đăng các bài viết, theo đúng như đường lối của các chủ blog trước đây.

Dĩ nhiên, bạn thân thiết không phải là bạn nhậu. Bạn nhậu, ra ngoài đường « hú » một tiếng, sợ chiếu rượu không đủ rộng để ngồi. Bạn ở đây là bạn « thật », dám chia sẻ buồng giam, trại tù với mình. Nhất là những người này ở trong nước.

Nhà cầm quyền có thể bắt 10 người, 100 người... nhưng không thể bắt 1.000 người...

Phải tiếp tục viết, nối tiếp nhau viết, cho đến khi không còn ai bị bắt vì viết blog nữa.

Tôi thấy ông Trương Huy San và ông Đỗ Trung Quân xứng đáng nắm lấy bó đuốc của ông Lập.

15-12-2014

Cho dầu có Khổng Minh, cùng với Từ Thứ, Châu Du… tái thế, hợp tác với những « mưu sĩ » thông kim bác cổ kim thời, tất cả hợp sức hiến kế… tôi e rằng phe dân chủ VN sẽ không bao giờ tìm ra được « đáp số » cho chính mình. « Kế sách » nào rồi cũng bị « bác ». 40 năm trước ra sao, 40 năm sau vẫn vậy. Họ luôn lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện ; lẫn lộn giữa lòng yêu nước với lòng hận thù ; giữa cái lợi ích ngắn hạn và lợi ích trường kỳ ; giữa lợi ích chung và lợi ích của cá nhân bè phái… Họ sẵn sàng cãi nhau đến chết về các việc này.

Nếu bây giờ, do thoái hóa và tranh chấp nội bộ, đảng CSVN tan rã. Một điều chắc chắn là « phe dân chủ VN » cũng không có khả năng mai táng cái xác thối này. Cho dầu đây là việc dễ làm nhất, và phải làm tức khắc. Họ sẽ cãi nhau (đến chết) về các vấn đề băm xác đảng này thành một trăm hay 1000 mảnh ? sẽ địa táng hay hỏa táng… vân vân và vân vân…

Trong vụ ông Nguyễn Quang Lập bị bắt ta thấy rõ rệt việc này.

Đối với bất kỳ một người tranh đấu (dân chủ hay cộng sản cũng vậy), điều quan trọng nhất là phải giữ lấy thành quả đã đạt được trong quá khứ.

Ông Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh… trước đây đã bị nhà cầm quyền bắt vì tội « lợi dụng các quyền tự do dân chủ » mà thực chất quí ông này chỉ đơn thuần sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, thể hiện qua phương tiện truyền thông internet, để chuyển tải những suy tư, những « bức xúc », những vấn đề của người VN trong xã hội.

Phải thực thà nhìn lại, xã hội VN cho đến khi quí ông này bị bắt, đã có một sự « nới lỏng » rất quan trọng từ phía nhà cầm quyền. Sự « nới lỏng » này do đâu ? Do sự tranh đấu của mọi người VN hay do nhà cầm quyền « ban bố » ?

Nếu ta nghĩ đó là « thành quả tranh đấu » thì nó là « thành quả tranh đấu ». Còn nếu ta xem đó là sự « ban bố » của nhà cầm quyền thì nó sẽ là sự ban bố của nhà cầm quyền.

Dĩ nhiên, là người « dân chủ VN », ta phải xem đó là « thành quả tranh đấu ». Và dĩ nhiên, bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ thành quả này.

Phương pháp bảo vệ thành quả này là tiếp tục tranh đấu. Sao cho sự nhượng bộ của nhà nước CSVN trở thành « một quyền » chính đáng của người dân.

Nếu là « quyền » thì nhà cầm quyền phải tôn trọng nó. Còn nếu ta xem đó là sự « ban bố », thì lẽ thường, người « cho » có thể lấy lại bất cứ lúc nào.

Thực ra « quyền tự do ngôn luận » là một trong các quyền cơ bản của con người (nhân quyền). Nhà nước CSVN đã vi phạm nhân quyền, đã tước đoạt các quyền cơ bản nhất của người dân. Tranh đấu « nhân quyền » thực ra chỉ việc giành lại các quyền (tự nhiên của người dân) bị nhà nước CSVN tước đoạt mà thôi.

Phải nhìn nhận rằng, cho đến khi ông Lập, ông Thọ bị bắt, không gian « tự do ngôn luận » của VN đã mở rộng ra hơn. Nhưng không gian này vẫn hạn hẹp nếu so sánh với tiêu chuẩn các nước tiên tiến. Điều quan trọng nhất, không gian này vẫn chưa được sự nhà nước CSVN nhìn nhận (là một quyền của người dân).

Trước sự đe dọa của nhà cầm quyền hiện nay, không gian « tự do ngôn luận » này có nguy cơ khép lại, nếu không có sự tiếp nối quyết liệt từ phía những người tranh đấu.

Đây đâu phải là lúc tranh cãi ai « xứng đáng » để tiếp tục con đường (của ông Lập, ông Thọ…), mà vấn đề là thế nào để không gian này không bị nhà cầm quyền đóng lại. Ai có thể làm việc đó ?

Đây cũng không phải là lúc tranh cãi nhà cầm quyền CSVN có dám bắt 1.000 người hay không mà mọi người (tranh đấu) có sẵn sàng bảo vệ thành quả đã đạt được hay không ? Ai có thể làm con chim đầu đàn ?
Có cả ngàn trang blog, facebook của VN đã được thành lập, hầu hết có hình thức sinh hoạt tương tự. Không nói ra, những người này đã thể hiện « quyền tự do ngôn luận » của mình. Nhưng tập thể này chỉ là những hạt cát rời, nếu không được lãnh đạo.

Mà người VN mình ai cũng có một « ông quan » trong bụng. Thích làm « lãnh đạo », thà làm đầu chuột chứ không chịu làm đuôi trâu. Không ai chịu nghe ai. Biết người ta nói phải, nhưng nguyên tắc là mình phải phản đối. 

40 năm rồi vẫn thế. Cho dầu có Khổng Minh, cùng với Từ Thứ, Châu Du… tái thế thì cũng bó tay chấm còm mà thôi.

1-2-2015

Nhiều người đấu tranh cho dân chủ VN tỏ ý tiếc khi thấy anh Điếu Cày qua Mỹ. Điều này họ có lý nếu thấy rằng hầu hết những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm… khi rời VN thì tiếng nói của họ không còn thuyết phục nữa. Cũng như tiếng nói của hàng triệu người dân Việt (tị nạn) đi trước, đến nay (những tiếng nói này) hầu như không có ảnh hưởng gì đến VN. Đây là một hiện tượng « nhức nhối », đã làm « mất ngủ » nhiều người. Có nhiều lý do để giải thích, mà lối giải thích thường thấy nhứt là « đấu tranh là phải đấu tranh trực diện ở VN ».

Theo tôi thì điều này cũng không chắc.

Trong nước hiện có một số (giới hạn) người tranh đấu cho « nhân quyền », cho « dân chủ » VN. Nếu xét lại « thành quả tranh đấu » của họ từ trước đến nay, ta thấy VN có tiến bộ chút nào về « dân chủ » hay về « nhân quyền » hay chưa ?

Phải thực thà nhìn nhận là « không có gì cả ».

Những « nhượng bộ » của nhà nước CSVN, như phải ký vào các công ước quốc tế về nhân quyền, đều đến từ áp lực của quốc tế (nhất là Hoa Kỳ). Nhưng việc thực thi « nhân quyền » thì nhà nước CSVN vẫn trơ lì ra, không thực hiện. Mà điều này vốn là công việc của những nhà tranh đấu trong nước.

Về « dân chủ » cũng là con số không to tướng. Hình như « đồng hồ dân chủ » của VN đã chết cứng từ lúc những người tranh đấu tiên phong như BS Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình… bị CSVN bắt bỏ tù. Ta thấy số người « ngoài đảng » có mặt trong quốc hội ngày càng ít đi, khóa sau ít hơn khóa trước.

Một số hoạt động thường thấy của « đối lập » ở VN như « biểu tình » chống TQ, các buổi tưởng niệm chiến sĩ HS và TS đã hy sinh… dĩ nhiên không phải là tranh đấu cho « dân chủ », cho « nhân quyền » rồi !

Điều lo ngại là số lượng người dấn thân tranh đấu cho « dân chủ », cho « nhân quyền », vốn đã ít nếu so với 90 triệu người dân, lại không tăng theo thời gian. Trong khi tiếng nói của lớp dư luận viên, những người phò chính thống… ngày thêm lớn tiếng.

Nguyên nhân do đâu ?

Theo tôi, những người, những tổ chức (chống độc tài CSVN) tương tự như một giàn nhạc hòa tấu thiếu nhạc trưởng. Trong đó, mỗi người một nhạc cụ, mỗi người « chơi » bản nhạc theo ý của mình, theo nhịp điệu của mình. Khán thính giả không ai còn thiết tha muốn nghe.

Giàn nhạc lèo tèo dăm ba người mà mỗi người chơi một kiểu thì khán giả bỏ đi về cũng đúng mà thôi.

Chơi nhạc như thế là « giết » nhạc. Tranh đấu như thế là giết tranh đấu. 

Vấn đề của mọi vấn đề : giàn nhạc phải có một « nhạc trưởng ». Tranh đấu vì vậy phải có một « lãnh đạo ».

(Ngoại trừ những trường hợp cá nhân cực kỳ xuất sắc, chuyên chơi « solo », độc tấu một mình một sân khấu.)

Bây giờ nếu ta nhìn trường hợp của hai nhà tranh đấu Điếu Cày (và Người Buôn Gió), ta có thể thấy đây là hai tay chơi « solo » tuyệt vời !

Trong buổi « hội luận » video của BBC ta thấy một Điếu Cày xuất sắc, đối diện với ông Cù Chí Lợi lúng túng biện luận bảo vệ chế độ. Ông Điếu Cày đã khai thác ngay điểm yếu nhứt của chế độ là vấn đề « xây dựng hệ thống pháp luật », tức vấn đề pháp trị.

Ông Cù Chí Lợi biện hộ rằng VN « mới mở cửa » 20 năm nay, không có kinh nghiệm (về xây dựng pháp lý) như ở Tây phương (đã hàng trăm năm).

Nói rằng VN không có thói quen (kinh nghiệm) xây dựng pháp lý là phỉ nhổ vào mặt mọi người Việt. Các bộ luật Hồng Đức, Hoàng Việt… không phải là luật thì là gì ?

Đây là những lời ngụy biện thô thiển. Trước cả Tây phương hàng ngàn năm, Á đông đã có khái niệm « pháp trị », lấy pháp luật để cai trị người dân. Nền tảng về « pháp trị - rule of law » chỉ đến với Tây phương vào thế kỷ 18.

Dĩ nhiên nội hàm hai khái niệm « pháp trị » Á-Âu có sự khác biệt về cơ bản. Pháp trị của Đông phương lãnh đạo dùng pháp luật như một « phương tiện » để cai trị.

Trong khi « pháp trị » Tây phương lãnh đạo chỉ « nhân danh » pháp luật để cai trị (trong mọi vấn đề xã hội : từ cách thức phân bổ quyền lực (bầu cử, ứng cử) cho đến quyền hạn và trách nhiệm công dân…)

Quan niệm « pháp trị » của Tây phương là quan niệm chuẩn mực của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Tất cả các nước Châu Á phát triển đều có nền « pháp trị » vững chắc. 

Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Singapour (nếu không nói thêm Hồng Kông), Mã lai, Indonésie, Ấn Độ… thậm chí Kampuchia là các thí dụ. Nền pháp trị ở các nước này được đặt cùng lúc với nền tảng cộng hòa, (ngoại trừ Nhật, cùng lúc với hiến pháp dân chủ).

Các nước Đông Âu, cùng thời là cộng sản như VN, nền tảng pháp trị được thiết lập cùng lúc với sự thay đổi chế độ. Các nước này cũng phát triển, có nước (như Ba Lan) không bao lâu nữa sẽ vượt qua các nước trong khối Tây Âu ngày trước.

Thời gian đâu có quá 20 năm ?

Vấn đề là nhà nước CSVN không muốn có nền pháp trị. Họ không muốn bị pháp luật chi phối mà chỉ muốn ngồi xổm trên luật (hay vỗ ngực xưng rằng : tao là luật). Nói như ông Điếu Cày, nhà cầm quyền CSVN các cấp sử dụng luật, ra văn bản dưới luật một cách tùy tiện để cai trị dân.

Một trong những vấn đề của VN hiện nay (mà những người tranh đấu cần để ý tới) là « pháp trị ». Xây dựng pháp trị là dùng pháp luật để bảo vệ cho chính cá nhân và tổ chức của mình. Nó cũng là phương cách loại trừ hữu hiệu những lãnh đạo tham nhũng, lạm quyền…
Ông Điếu Cày (và Người Buôn Gió) là những người cực kỳ thông minh, nhạy cảm. Họ nhìn thấy ngay những việc cần làm (hữu ích cho VN). Đáng tiếc là phương tiện (truyền thông) để đưa ý kiến của Điếu Cày đến được mọi người là rất hạn chế.

Vì vậy, người « tranh đấu », trong hay ngoài nước bất kỳ, muốn đóng góp của mình hữu hiệu thì cần phải tự biết mình : mình là ở đâu trong giàn nhạc ?

1-3-2015

Trong khi chờ đợi các nhà "tranh đấu dân chủ" lật đổ được cộng sản, gỡ bỏ cái niền kim cô trên đầu và viết ra một bộ luật hình sự mới rồi áp dụng cho VN, tôi nghĩ là cách hay nhất để mọi người tự bảo vệ lấy mình, bảo vệ lấy thành quả tranh đấu của mình (về các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội...), ngay bây giờ, và trong lúc này, là hô hào mọi người sống thuợng tôn pháp luật và cổ súy một nhà nước pháp trị. Không thể kêu gọi thuợng đế, Phật, trời xuống để bảo vệ mình. Cũng không thể kêu gọi người Mỹ để mắt tới. Vì nó vừa không hữu hiệu, vừa không thực tế. Chưa nói đến việc dễ dàng bị chụp mũ CIA.

Dưới một chế độ áp bức, độc tài, công an trị, mọi hình thức bất tuân dân sự đều là sự tự vệ chính đáng.

Bất tuân dân sự có nhiều ý nghĩa. Hành vi bất tuân dân sự cũng có nhiều cách thể hiện.

Việc giải thích luật lệ sao cho có lợi cho người dân, có lợi cho đất nước, nếu nó đi ngược với cách diễn giải của nhà nước, thì cũng là một hình thức bất tuân dân sự.

Nếu có một ý kiến khác để bênh vực được quyền lợi của người dân thấp cổ bé miệng hữu hiệu hơn, ngay bây giờ, tôi xin chịu phục và sẽ nghe theo.

Chứ nói việc đòi cởi bỏ niền kim cô thì người ta đã nói, xin lỗi, từ lúc nhiều nhà tranh đấu còn chưa đẻ ra. Nói mà không làm được, tốt hơn là đừng nói.

Một xã hội đầy dẫy dân oan. Một xã hội đầy dẫy bất công. Trách nhiệm là do đảng CSVN lãnh đạo đất nước. Nhưng trách nhiệm lớn lao không kém là tầng lớp trí thức.

25-6

Trí thông minh cũng như lòng tự trọng của con người là những chất có thể hòa tan trong rượu. Mùi hèm thực ra là mùi của trí thông minh (và lòng tự trọng) của người uống rượu bốc ra ngoài. Càng thông minh, càng tự trọng, khi rượu vào thì mùi hèm bốc ra càng nồng.

Lãnh đạo mình nói dân Việt Nam dân trí thấp vì vậy là chính xác. Nếu người Mỹ nào cũng uống rượu như người VN thì dân trí Mỹ cũng thấp như vậy mà thôi.

Bởi vậy, niềm hy vọng dân chủ cho VN rất nhỏ nhoi. Dân VN năm nào cũng đạt kỹ lục nhậu. Cứ như vậy mà chúng ta dắt tay nhau cùng mau đến cõi thiên đàng.

3-10-2015

Trí thức « quét lá đa »…

Hôm trước có nói vụ « con quan thì lại làm quan », nhân lùm xùm sự kiện bổ nhiệm nhân sự ở Quảng Nam. Hôm nay nói về hiện tượng « quét lá đa » của bộ phận còn lại.

Bộ phận còn lại là thành phần « không phải con nhà quan ». Thành phần này coi bộ hơi bị đông, chiếm gần hết dân số.

Người ta bênh vực cho việc bổ nhiệm « các con quan » vào các vị trí lãnh đạo cao cấp vì các lý do : trẻ, có bằng cấp. Nghe qua (BBC) cũng thật… té ghế ! Mà nghĩ lại cũng thật phiền, vì những người, nói nào ngay, cũng là thành phần « trí thức » cầm bút.

Hầu hết các xứ sở độc tài, trá hình như Singapour, hay không cần che đậy như Việt Nam, Bắc Hàn, Syrie… hay ở một số nước Phi châu… chế độ ở các xứ này muôn năm trường trị, nhứt thống giang hồ… là nhờ giữ được truyền thống cha truyền con nối. Ngoại trừ Singapour, một tiểu quốc đất đai không nhiều hơn cái lá đa, lãnh đạo ở đây xem việc nước như là việc nhà. Dĩ nhiên, nếu xem đất nước là nhà (của mình) thì lãnh đạo nào cũng hành động như Rockefeller, như Bill Gate, Zuckerberg… đất nước trở nên giàu có.

Còn lại đều là các quốc gia nghèo đói, chậm tiến. Các xứ này là những trung tâm xuất cảng người tị nạn. VN cũng đã từng là trung tâm xuất cảng người tị nạn của thế giới, vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước. (Hiện tượng tị nạn ở VN đến nay vẫn còn, có điều chỉ hiện hữu trong tầng lớp thế phiệt. Tầng lớp này đã vơ vét thỏa thuê ở VN, tiền bạc nứt đố đổ vách, nay tính đường rút. Con cái họ đều « qui mã », mua nhà, sắm cửa hiệu, đầu tư khắp nơi… để làm căn cứ chờ ngày « về hưu ». Mà trong con mắt người Việt, trên thế giới này có nơi nào « sướng » bằng nước Mỹ ?)

Nhìn qua xứ Bắc Hàn, cha chết con lên ngôi, trải qua ba đời mà đời sau độc ác, chuyên chính hơn đời trước. Nhìn qua Syrie, cha chết con nối ngôi, thằng con cũng độc ác hơn thằng cha hàng trăm lần.
Những xứ độc tài, thằng con nối tiếp thằng cha, thằng nào cũng « trẻ » và « có học » hết đó chớ ? Có điều thằng con nào cũng độc ác, dã man hơn thằng cha. Chắc nhờ thằng con có học, biết cách kềm kẹp người dân tinh vi hơn. Con hơn cha nhà mới có phúc. Đất nước Syrie tan nát, chia năm xẻ bảy. Đất nước Bắc Hàn, người dân đói phải cắt cỏ mà ăn. Đó là nhờ con hơn cha : trẻ hơn, có học hơn.
VN trong chừng mực có khá hơn, nhưng cũng ở mấp mé bờ vực thẳm.

Bởi vậy, trong lãnh vực phân bổ quyền lực nhà nước, trẻ hay có học không là các yếu tố để thằng con nối nghiệp thằng cha.

Nền tảng của mọi chế độ dân chủ (tự do hay XHCN) là việc phân bổ quyền hành nhà nước luôn đặt căn bản lên yếu tố « công bằng về cơ hội ».

Hiến pháp VN, từ những điều đầu tiên đã xác định việc « xây dựng một xã hội công bằng… ».

Mà điều « công bằng » cơ bản trong xã hội là « công bằng về cơ hội ».

Công bằng về cơ hội là ai cũng có cơ hội như nhau trong vấn đề phục vụ đất nước, từ con vua cho đến con sãi ở chùa.

Để bảo đảm sự công bằng về cơ hội, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải tuân thủ các trình tự đã được qui định theo pháp luật.

Hiến pháp đã chỉ ra rành mạch như vậy nhưng trí thức VN hình như đã có thói quen « quét lá đa », do đó không màn việc nước. Họ bỏ mặc cho thành phần con cháu các cụ muốn bổ nhiệm ai thì bổ.

Cha truyền con nối, mấy mươi năm nay đã làm cho đất nước nghèo đói tụt hậu. Do lãnh đạo một phần, mà trí thức có trách nhiệm lớn hơn.

10-11

Từ hôm qua đến nay trên mạng xôn xao loan truyền tin phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Phe quân đội đã nhìn nhận thua và hứa sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Đây quả là một tin vui của dân Miến Điện. Dĩ nhiên, là người VN, ai cũng đặt câu hỏi vì đâu mà dân Miến làm được mà dân VN không làm được ?

Ngạn ngữ Tây có câu vầy : « Vouloir c’est pouvoir ». Có nghĩa đại khái là « muốn là có thể được ».
Nếu ngạn ngữ này đúng, câu trả lời có thể là tại người dân VN « không muốn» (hay chưa muốn) dân chủ. Không muốn thì làm sao mà có ?

Thật vậy, người VN (miền Bắc) từ nào giờ chưa hề biết dân chủ là gì. Hình như chưa từng có ai đặt lại vấn đề chính danh của đảng CSVN, tức là vì sao đảng CSVN cứ tiếp tục lãnh đạo đất nước, mặc dầu lãnh đạo hầu hết là dốt nát, tham lam và độc ác.

Đảng CSVN lãnh đạo, đã đem lại cho đất nước hết thất bại này đến thất bại khác. VN từ một vị trí trung bình ngang hàng với Nam Hàn ở thập niên 70, đã tụ hậu hơn nước này hàng thế kỷ. Còn đối với Thái Lan, Mã Lai... VN cũng thua kém vài mươi năm. VN hiện nay cũng bị Kampuchia và Lào qua mặt.

Không một ai, từ trí thức đến tiện dân, đặt thử vấn đề « anh làm không được thì tránh chỗ cho người khác làm ». « Người khác » ở đây sẽ do dân chọn lựa qua bầu cử.

Đó là nguyên tắc cơ bản của dân chủ.

Còn dân miền Nam, vốn là một thứ « ngụy dân », tức dân hàng thứ cấp, cho dầu đã hưởng trong quá khứ một một phần đời mùi vị « dân chủ », nhưng bây giờ thành phần đó đã già, đã từng kinh qua « đòn thù » của cộng sản. Họ như con chim bị tên. Chịu tiếng « thằng hèn » chớ không dám lên tiếng đặt vấn đề.

Trong khi việc đặt lại tính chính danh (hay chính thống) của đảng CSVN, với những lý luận logic, tôn trọng luật pháp, không kêu gọi lật đổ ai... thì đâu có phạm luật ?

Phe dân chủ VN hiện nay có mấy người có được khả năng lý luận những việc tương tự như vậy ?
Không đặt lại được, không thách thức được tính chính danh của người cộng sản thì đảng CSVN cứ tiếp tục lãnh đạo.

Dân chủ đâu phải là trái sung mà dân VN hả họng ngồi chờ.

11-11

Miến Điện đã đi được những bước đầu tiên trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Phe « đối lập » thắng lớn. Nhưng các quan sát viên quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về thực chất nền dân chủ ở đây. Họ chỉ ra muôn trùng trở ngại cho phe thắng cử trong thời gian sắp tới, ở mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Lời cảnh báo rất thuyết phục. Vì hiến pháp xứ Miến Điện có những điều khoản dành nhiều đặc quyền chính trị cho phe quân đội đồng thời giới hạn quyền lực của chính phủ (không thân quân đội). Chính phủ mới (của bà Aung San Suu Kyi) trong tương lai có lãnh đạo được hay không, vì vậy còn tùy thuộc vào « thiện chí » của phe quân đội.

Cuộc bầu cử đã diễn ra với một thể thức (hoàn toàn dân chủ), trung thực, không (hay ít) gian lận. Nhưng « thực chất » của dân chủ thì chưa đầy đủ, đúng như lời cảnh báo của các quan sát viên quốc tế.

Bởi vì, trong một chế độ dân chủ, thể thức chuyển giao quyền lực là « bầu cử ». Có nhiều lý thuyết nói về quyền lực và cách thức chuyển giao quyền lực. Cách đơn giản, giải thích theo, J.J Rousseau. Ông này cho rằng quyền lực (trong quốc gia) được chia đều cho từng người dân. Người dân sử dụng lá phiếu để bầu cho người đại diện. Mỗi lá phiếu thể hiện một phần quyền lực.

Thì trong trường hợp Miến Điện, quyền lực từ mỗi lá phiếu của người dân đã bị « cắt xén » một phần lớn (do hiến pháp). Người được đắc cử, dĩ nhiên có tính chính danh để lãnh đạo, thì không có quyền lực trọn vẹn.

Do đó cuộc bầu cử này về thể thức (cách bầu cử) thì dân chủ, nhưng thực chất thì không (hay chưa đủ) dân chủ.

Dầu vậy đây cũng là một thành công lớn lao của phe dân chủ Miến Điện, là kết quả của một quá trình dài hơi đầy mồ hôi nước mắt lẫn máu xương. Sự thành công, một cách đơn giản, đến từ ba yếu tố : 1/ áp lực từ dưới lên (do ảnh hưởng việc bất tuân dân sự), 2/ áp lực từ phía ngoài (điển hình là Mỹ) và 3/ quyết định dân chủ hóa từ trên xuống (phe quân đội nhượng bộ).

Dĩ nhiên khúc ngoặc dân chủ hóa là do quyết định của lãnh đạo quân đội Miến Điện, ông Then Sein. Nhưng nếu không có áp lực từ dưới lên (bất tuân dân sự) hay từ phía ngoài, chưa chắc gì phe quân đội đã nhượng bộ.

Cảm hứng dân chủ hóa từ Miến Điện mấy ngày qua ngập tràn tâm tư những nhà dân chủ VN. Theo tôi, VN đã có thể đi trước Miến Điện.

Từ (rất lâu) tôi đã cảnh báo rằng các phe phái chính trị hải ngoại cần phải liên lạc, thậm chí kết thân (và ủng hộ) các phong trào liên minh dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, cũng như đảng Dân Tiến ở Đài Loan hay các đảng dân chủ đối lập ở Kampuchia… Tôi e rằng đến nay chắc không có phe nào làm được việc này. Phe dân chủ VN, nói ra không sợ mất lòng, gần nửa thế kỷ vẫn còn (trong trứng nước). Những cái trứng già nua không chịu nở mà không ai dám hy sinh nó để xây dựng cái mới.
Tình hình VN hôm nay hết sức thuận tiện để đưa đất nước vào công cuộc dân chủ hóa.

Vấn đề là dân chủ hóa cách nào ? Từ trên xuống hay từ dưới lên ?

Nhiều người hy vọng vào một lãnh đạo CSVN sẽ có quyết định (như Then Sein) để dân chủ hóa đất nước. Tức dân chủ hóa từ trên xuống. Những người này thuộc thành phần (xin lỗi) tưởng dân chủ là trái sung.

Cũng giả sử dân chủ là trái sung, thì muốn sung rụng cũng phải cần có động lực bên ngoài, lay động từ thân, từ gốc.

Tôi thì cho rằng thời điểm chín mùi để khởi động (công khai) các phong trào « bất tuân dân sự ».

Hơn bao giờ hết, không gian chính trị VN hiện nay hết sức dễ dàng để khởi động phong trào bất tuân dân sự.

Toàn bộ nhân sự lãnh đạo nhà nước hiện nay đều không có chính danh. Quyền lực trong tay họ là không chính đáng. Mà việc « không chính danh » sẽ đưa đến việc danh không chánh thì ngôn không thuận. Ngôn không thuận thì nói không ai nghe. 

Khi lãnh đạo nói không ai nghe là việc bất tuân dân sự đã thể hiện.

Thí dụ, vụ chặt cây ở Hà Nội, người dân phản đối. Quyền lực của lãnh đạo bị người dân thách thức. Lãnh đạo « ra lệnh » mà người dân không (cho) chấp hành. Đó là bất tuân dân sự. Vụ này khá thành công nhưng phong trào xẹp xuống, vì không có lãnh đạo và thiếu kết hoạch lâu dài.

Vụ khai thác Bô xít ở Tây nguyên là « chính sách lớn của đảng ». Vụ này ai cũng chống. Nhưng việc này không đi đến đâu vì không ai lãnh đạo được việc này để phong trào bất tuân dân sự được phát động.

Bất tuân dân sự trong các trường hợp này không phải là « chống phá » nhà nước, thực chất là để bảo vệ quyền lợi của đất nước.  

Ta có hàng trăm cách phát động như thế.

Từ đó ta có được một lực lượng thực sự yêu nước, hành động vì đất nước chớ không vì tiếng tăm.
Đảng CSVN có bổn phận phải nuôi dưỡng và bảo vệ thành phần này nếu không muốn đất nước bị phân hủy.

Bởi vì đe dọa đất nước phân hủy là có thật. Nếu lực lượng dân chủ không sớm thành hình, chỉ nay mai thôi, khi các công đoàn độc lập được thành lập, thì việc khuynh đảo chế độ sẽ có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

Tôi nhớ một status tôi viết lúc giàn khoan 981 vào đặt ở thềm lục địa VN. Một cuộc biểu tình (vô tiền khoáng hậu) đã diễn ra, các nhà máy (TQ và của các nước khác) bị đập phá, đốt, hôi của… Kết quả điều tra của công an ra sao, trời biết. Điều tôi cảnh báo là, người nào trong tay có chừng vài triệu đô la, đủ để mua chuộc lớp « đầu gấu », « xã hội đen »… là có thể khuynh đảo chế độ.

Đâu ai muốn điều đó xảy ra phải không ? Kể cả đảng CSVN.

Vì vậy sự thành hình các lực lượng dân chủ là trụ xương sống để bảo vệ đất nước không bị thế lực bên ngoài khuynh đảo.

Khó một cái là, phe dân chủ cũng như đảng CSVN, ai cũng vì cá nhân, không thấy quyền lợi và tương lai của đất nước.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.