jeudi 21 avril 2016

Cử tri kiến nghị kiện cái gì ở Hoàng Sa và Trường Sa ?

Báo chí đăng tải "cử tri 15 tỉnh thành đề nghị kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông". Nguyên nhân là do “thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa và Hoàng Sa, đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công tàu cá ngư dân Việt Nam”.

Theo tôi, vấn đề kiện tụng cần phải cân nhắc lại cho kỹ, vì hệ lụy của vụ kiện rất lớn. Kiện thì có thắng có thua. Nếu VN thắng kiện, VN đạt những điều gì hoàn toàn không ai xác định được. Vì kết quả tùy thuộc vào thiện chí của TQ có muốn thi hành lệnh Tòa hay không. Nếu VN thua, thiệt hại sẽ rất lớn. VN không chỉ có thể mất vĩnh viễn HS và TS cho TQ, mà còn thiệt hại phần lớn vùng biển Kinh tế Độc quyền của VN (200 hải lý tính từ đường cơ bản).

Kiện tụng là một vấn đề thuộc về chuyên môn. Ý kiến của người dân, cho dầu là số đông, nhưng số đông không đồng nghĩa là "đúng".  

Câu hỏi đặt ra là VN kiện TQ về cái gì ?

Theo ý kiến của cử tri (mà báo chí dẫn lại ở trên), là kiện về các việc 1/ "xây dựng đảo nhân tạo", 2/ "đánh bắt cá trên vùng biển VN" và 3/ "tấn công tàu cá của ngư dân VN".

Nếu chỉ dựa lên những ý kiến này, thiển ý của tôi, việc đi kiện đồng nghĩa với cuộc  phiêu lưu bất định.

Bởi vì trước hết VN phải chứng minh các điều: 1/ Các đảo HS và TS mà TQ đã hay đang xây dựng thuộc chủ quyền của VN. 2/ Bằng chứng về TQ đánh cá trên vùng biển của VN. Và 3/ các bằng chứng TQ tấn công tàu cá của VN.

Điều 1, VN chỉ có thể kiện TQ lý do họ xây dựng đảo nhân tạo khi VN chứng minh được rằng các bãi đá mà TQ đang xây dựng thuộc chủ quyền của VN. Bởi vì không có luật nào cấm TQ xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển, hay trên các bãi đá thuộc chủ quyền của họ.

Trên phương diện pháp lý, các bằng chứng từ phía TQ đưa ra trên diễn đàn LHQ nhằm chứng minh chủ quyền của họ ở HS và TS, như công hàm 1958 hay các bản đồ, sách giáo khoa... đã khiến lập luận chủ quyền của VN yếu đi.

VN hiện nay vịn vào sự "liên tục quốc gia" để chứng minh chủ quyền của VN tại HS và TS.

Vấn đề là VNDCCH, sau 1954, luôn quan niệm thực thể chính trị VNCH ở miền Nam là "Ngụy". 
Cuộc chiến 54-75 là cuộc chiến "giải phóng" đánh Mỹ cứu nước. Chính phủ hợp pháp ở miền Nam, theo quan niệm của VNDCCH, là chính phủ MTGPMN. Như vậy, trên phương diện "liên tục quốc gia", có một khoảng thời gian "bất định", từ 1954 cho đến khi MTGPMN thành hình 20-12-1960.

Trong khoản thời gian này chính phủ nào của VN "quản lý" HS và TS ?

Nếu VNDCCH quan niệm chính phủ VNCH là "ngụy", "tay sai đế quốc Mỹ" thì chủ quyền của HS và TS khoảng thời gian "bất định" này sẽ giải thích ra sao?

Một số lập luận cho rằng sau 1975 CHMNVN kế thừa di sản VNCH.

Ta tạm chấp nhận như vậy.  Vấn đề là quốc gia tên gọi CHXHCNVN không thể cùng lúc kế thừa hai di sản đối nghịch : VNCH và VNDCCH.

VNDCCH nhìn nhận chủ quyền của TQ qua các bằng chứng như công hàm 1958, các bản đồ, các tập giáo khoa... Trong khi tư cách pháp nhân của VNCH bị VNDCCH phủ nhận đồng thời chủ quyền của VNCH tại HS và TS thì bị TQ chống đối.

Vì vậy, ở điểm 1, với tình trạng pháp lý hiện nay, đi kiện TQ vì "Các đảo HS và TS mà TQ đã hay đang xây dựng thuộc chủ quyền của VN" là phiêu lưu. VN không có hy vọng thắng. Mà thua thì mất hết HS và TS.

Điểm 2, kiện TQ vì tàu TQ "đánh bắt cá trên vùng biển VN".

Vấn đề là VN phải chứng minh các vị trí mà tàu TQ đánh cá thuộc quyền quản lý của VN (theo luật Biển 1982).

Điều này không dễ dàng chứng minh, nếu các tàu của TQ đánh cá trong khu vực "chồng lấn", do hệ quá các "hứa hẹn" của lãnh đạo VN trong quá khứ, hay do hệ quả hiệu lực EEZ của các đảo HS và TS.  

Cần nhắc lại là báo chí VNDCCH, thời thập niên 60 của thế kỷ trước, đã có nhiều bài viết nhìn nhận vùng biển HS thuộc về TQ.

Cũng cần nhắc lại, nghi vấn TBT Lê Khả Phiêu đã nhìn nhận có VN "3 vùng biển tranh chấp" với TQ. Tức là, đối với lãnh đạo CSVN, vùng biển TS là vùng "có tranh chấp".

Bây giờ kiện cái gì nếu tàu đánh cá của TQ hoạt động ở các khu vực "có tranh chấp" đó?  

Đi kiện với những điều kiện như vậy là pháp lý hóa việc "tranh chấp". Hệ quả việc này là "chia hai" các vùng biển có tranh chấp với TQ.

Dĩ nhiên khu vực biển HS thì không có tranh chấp. Lập trường của lãnh đạo CSVN thể hiện qua công hàm năm 1958, hay các bài báo đăng trên Nhân Dân năm 1965... đủ để chứng minh việc này.

Điểm 3 TQ "tấn công tàu cá của ngư dân VN".

VN chỉ có thể kiện TQ với nhiều phần thắng nếu trở lại vụ giàn khoan HD 981 của TQ cắm trên thềm lục địa của VN vào tháng 5 năm 2014. VN có thể có những bằng chứng không thể chối cãi đểi kiện và đòi TQ bồi thường. Vấn đề là "thời gian tính", bây giờ các nạn nhân của vụ này có thể đi kiện được nữa hay không?

Mặt khác, ngoài vụ "tấn công tàu VN" trong vụ giàn khoan HD 981, VN khó có thể chứng minh được các vụ khác, TQ tấn công tàu của VN ở trên vùng biển của VN. Trong khi tàu bè của VN thường xuyên bị nhà nước Indonesia phá hủy do nạn đánh cá lậu.

Vì vậy, theo tôi, kiến nghị của cử tri, với tình hình chính trị hiện nay, VN không thể thắng kiện.
Toàn bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của VN tại HS và TS là dựa lên VNCH. Trước quốc tế, VN đã ra Bạch thư, hay ra các công hàm phản biện, đều dựa lên VNCH.

Nhưng trên thực tế, những hành vi của dân chúng, cho dầu vô tội vạ, nếu thấy có liên quan đến VNCH đều bị nhà nước CSVN trừng trị.

Các vụ như anh thanh niên tên Nguyễn Viết Dũng, chỉ vì mặc áo "giống như quân phục VNCH", hay vụ em Nguyễn Mai Trung Tuấn mặc áo có thêu cờ VNCH, hay vụ hai phụ nữ phất cờ VNCH trước tòa Lãnh sự Mỹ... đều bị tòa án CSVN kết án nặng nề.

Các việc này cho thấy nhà nước CHXHCNVN hôm nay vẫn xem đống tro tàn của quá khứ VNCH là kẻ thù cần phải tiêu diệt.

Anh lấy tư cách gì để "kế thừa" di sản từ một kẻ mà anh luôn xem là "kẻ thù"?

Anh chỉ có thể "cướp" những gì kẻ thù anh có nhưng anh không thể "kế thừa" của cải của người này.

Vì vậy, việc kiện tụng, theo tôi, VN chỉ có thể thắng TQ trước Tòa quốc tế nếu quốc gia VN hôm nay kế thừa danh nghĩa của VNCH. Mà việc kế thừa không phải nói bằng miệng, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể.

Tôi đã đề nghị các hành động cụ thể như giải pháp hóa giải công hàm 1958 cũng như các phương pháp kế thừa thông qua việc "hòa giải quốc gia" (hay hòa giải dân tộc, tùy cách gọi).


Do đó, thay vì kiến nghị "đi kiện TQ", theo tôi, cử tri nên kiến nghị việc "hòa giải quốc gia" để việc kế thừa VNCH được thể hiện. Mà hành vi cụ thể trước mắt là vận động thả tất cả tù chính trị cũng như những tù nhân mà tội của họ có liên quan đến VNCH, như cậu bé Trung Tuấn và các phụ nữ phất cờ VNCH trước Tòa lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.