Vụ truy tố hình sự chủ quán cà phê "Xin chào" đã bật ra nhiều khuyết điểm nội tại của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" (législation socialiste) mà nếu không có "dư luận" lên tiếng qua mạng internet, như Facebook, người ta sẽ không bao giờ phát hiện ra được.
Hệ quả của việc truy tố, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng ở "môi trường kinh doanh", như ý kiến ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:
“Nếu vụ này ông bán cà phê bị thua sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu cho môi trường kinh doanh, có nghĩa rằng mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể bị đi tù”.
Ở đây ông Lê Mạnh Hà chỉ nói đến "người kinh doanh", là ông chủ quán "Xin chào". Nhưng song song đó còn có "vụ án" của người chủ cho mướn đất, không làm kinh doanh. Ông này cũng đã bị (công an quận Bình Chánh) truy tố hình sự vì tội "cất chòi nuôi vịt".
Hai vụ "truy tố hình sự", đối với chủ quán "Xin chào" và người chủ đất, có liên quan với nhau. Động lực đã khiến cho công an và VKS (quận Bình Chánh) truy tố, ai cũng nhìn thấy và bàn tán rộng rãi trên mạng internet. Đó là do vị trí "đắc địa" của miếng đất.
Khuyết điểm (nội tại) của pháp chế xã hội chủ nghĩa, thứ nhứt, thấy được qua trường hợp này, là pháp luật đã không áp dụng như một "trật tự pháp lý", nhằm bảo đảm tính công bằng (về pháp lý) cho mọi thành tố trong xã hội.
Pháp luật đã bị những người có chức quyền lạm dụng để phục vụ cho lợi ích riêng tư.
Điều cần bàn là thái độ lạm dụng quyền lực (của công an và VKS) sẽ bị luật pháp chế tài như thế nào ?
Trong trường hợp này, cả hai trụ cột quyền lực nhà nước là hành pháp (công an) và Tư pháp (Viện Kiểm sát) có sự phối hợp, nếu không nói là thông đồng với nhau.
Dầu vậy nó thể hiện đúng với tinh thần nội dung Hiến pháp ở Khoản 3, Điều 2:
"Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp."
Khi mà các quyền "hành pháp, lập pháp và tư pháp" được Hiến pháp qui định là "thống nhất", thì việc "kiểm soát" giữa các "nhánh" quyền lực là không hiện hữu.
Vụ quán "Xin chào", phía đóng vai trò "kiểm soát" là "dư luận", tức những người sử dụng Internet, nhứt là Facebook, chớ không phải là Viện Kiểm sát hay Công an. Riêng về Quốc hội, đại diện thẩm quyền lập pháp, thì "im như thóc".
Từ nào giờ Quốc hội đã chỉ đơn thuần là một bó hoa trang trí.
Khuyết điểm thứ hai của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" là không có thủ tục "pháp lý" nào để truy tố đại diện VKS và Công an, nếu những người này "phạm pháp".
Nghe nói ông chủ tịch VKS quận Bình chánh đã bị thẩm quyền thành phố Sài Gòn "ngưng chức". Còn phía công an thì nghe nói sẽ do "bộ chính trị" quyết định.
(Trước đây vài hôm, ông thiếu tướng công an Phan Anh Minh đã đọc báo cáo cho thấy sự bất lực của phía công an hình sự đối với những tội phạm là đảng viên. Nhũng tội phạm là đảng viên thì công an không được quyền điều tra mà phải đưa về BCT).
Tức là việc "trừng phạt" những công chức (đại diện quyền lực nhà nước) khi họ phạm pháp, không theo một thủ tục "pháp lý", với thủ tục tố tụng và hình phạt được định nghĩa theo "khung pháp lý". Số phận của họ được quyết định tùy thuộc vào cách thể hiện quyền lực của một công chức cao cấp hơn.
Trở lại trường hợp vụ án Đoàn Văn Vươn, những người đại diện quyền lực nhà nước đã lạm dụng pháp luật, sử dụng pháp luật để chiếm đoạt của cải của gia đình Đoàn Văn Vươn. Nhờ dư luận xã hội Đoàn Văn Vươn bảo vệ được tài sản. Dầu vậy ông Vươn vẫn phải đi tù. Còn (những) người lạm dụng pháp luật, như ông đại tá Đỗ hữu Ca, (chắc phải là đảng viên) thì được thăng lên tướng và chuyển sang làm việc ở địa phương khác.
Khuyết điểm này (của pháp chế XHCN) đã làm cho bệnh "tham nhũng" trong xã hội VN trở thành kinh niên (chronique). Ai là đảng viên cũng đều có thể tham nhũng mà không bị trừng phạt (theo pháp luật). Tham nhũng ngày càng bành trướng, công khai, pháp luật nghiêm khắc tới đâu cũng vô phương chữa trị.
Khuyết điểm thứ ba, sự "thống nhất" của các quyền "hành pháp, lập pháp và tư pháp" đã tạo nên phe nhóm "quyền lực-quyền lợi" trong xã hội.
Trở lại vụ án Đoàn Văn Vươn, ta thấy phe nhóm được cấu kết từ cá nhân có quyền lực cao nhứt. Những kẻ thủ phạm lạm dụng quyền lực được cá nhân này "chống lưng". Do dư luận xã hội phản đối quá mức, chẳng đặng đừng người "có quyền lực cao nhứt" lên tiếng vuốt đuôi, xoa dịu dư luận. Cuối cùng, kẻ phạm tội thay vì ngồi tù thì được thăng chức cao hơn. Còn nạn nhân thì vào tù ngồi bóc lịch.
Pháp chế XHCN mục đích như vậy là để bảo vệ đảng viên. Cấp trên bao che cho cấp dưới. Dân tình oan ức mà không có luật pháp nào bảo vệ. Người dân bỏ xứ mà đi thì cũng hợp lý thôi.
Mạng internet trong chừng mực trở thành "cứu tinh" của nhân dân VN, đóng vai trò kiểm soát (cách thực thi) quyền lực (cho đến khi nó vẫn chưa bị "thống nhất" vào tay của đảng).
Mà ảnh hưởng thực sự của "dư luận" cũng rất "vô chừng".
Trong xã hội đã có hàng vạn, hàng triệu vụ án tương tự. Người dân nào (vô phúc) có của cải, có mảnh đất ở vị trí "đắc địa", thì người dân đó có triển vọng sớm trở thành "dân oan". Ngay cả những người gia đình "liệt sĩ", đã từng hy sinh cho đảng, cũng như đóng góp nhiều cho đất nước.
Khuyết điểm nội tại của "pháp chế xã hội chủ nghĩa" là pháp luật bảo vệ quan chức tham nhũng chớ không nhằm diệt trừ tham nhũng.
Hôm trước tôi có viết bài về "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Về nội dung, nhà nước mà VN đang xây dựng không phải là một nhà nước mang nội hàm của "Etat de Droit" hay "Rule of law", là các khái niệm dân chủ tự do về mô thức xây dựng nhà nước.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN (mà đảng đang xây dựng) là một "tổ chức quyền lực", pháp luật là nhằm củng cố quyền lực giai cấp lãnh đạo, chớ không nhằm xây dựng một "trật tự pháp luật", theo như bản chất tự tại của các nhà nước pháp trị (Etat de Droit - Rule of Law) ở các xứ dân chủ tự do.
Mọi quyền lực nhà nước pháp quyền XHCN không phục tùng vào pháp luật như một nhà nước pháp trị (Etat de Droit - Rule of Law).
Bởi vì, theo Marx và Angels, "nhà nước" chỉ là một "công cụ bảo vệ giai cấp":
"nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp đang thống trị về kinh tế, nhằm bảo vệ trật tự đang có và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác."
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN hiện nay thể hiện 100% ý nghĩa nhà nước của Mác. Nó chỉ là một công cụ để bảo vệ giai cấp. Giai cấp ở đây là giai cấp có "thẻ đỏ".
VN không thể nhập nhằng mãi khái niệm "nhà nước" của Marx-Angels và "nhà nước" dân chủ tự do. VN có thể sẽ trả giá rất đắt trong tương lai.
Khi gia nhập TPP, người ta sử dụng "luật quốc tế" để phân xử những tranh chấp, lãnh đạo (đảng viên CSVN) không thể núp dưới "quy trình" hay "lỗi hệ thống" để trốn trách nhiệm.
Ông Trọng được đề nghị làm TBT lần nữa vì ý định muốn "diệt trừ tham nhũng". Điều này cần được ủng hộ vì không có quốc gia nào có thể phát triển mà nạn tham nhũng hoành hành.
Nhưng trong một chế độ "hiện đại", người ta dùng "pháp luật" để cai trị, để diệt trừ tham nhũng, chớ không thể là "đạo đức".
Các nước Á Đông, có văn hóa tương đồng với VN, phát triển mạnh như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapour... đều là các quốc gia "pháp trị", luật pháp nghiêm minh áp dụng cho mọi người, tự hạ dân cho tới cấp lãnh đạo (chớ không phải là đức trị).
Đạo đức là một phạm trù rất tương đối, nó có thể là mẫu mực cho xã hội này nhưng nó có thể là "tội phạm" ở xã hội khác.
Nhà nước hiện đại không ai nhắc tới đạo đức mà người ta chỉ quan tâm là mọi người có bình đẳng trước pháp luật hay không?
Nhà nước nào cũng dùng pháp luật để cai trị. Điều cốt lõi là nhà nước này có phục tùng pháp luật hay chế ngự pháp luật ?
Nếu phục tùng pháp luật, đây là chế độ "pháp trị - rule of law". Ngược lại, như VN hiện nay, đó là chế độ "dụng pháp trị - rule by law".
Tức là ý muốn "diệt trừ tham nhũng" để xây dựng một quốc gia VN giàu mạnh (của ông Trọng) có đạt được hay không, là có xây dựng được "nhà nước pháp trị" hay không ?
Những hình thức như Thủ tướng lên tiếng can thiệp, bí thư nhập cuộc... đều không nói lên điều gì, ngoài mục tiêu mị dân.
Người dân cần pháp luật phải được thưc thi công bằng cho mọi người. Tức cần "công lý" chớ không cần những lời chim chóc đạo đức giả.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.