mardi 12 avril 2016

Về chuyến (dự trù) viếng thăm VN của Obama...

Ông Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh mới trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến công du Việt Nam của tổng thống Mỹ Obama dự trù vào cuối tháng 5. Nghe lời ông thì có vẻ chuyến thăm của Obama đã chắc ăn như "đinh đóng cột".

Theo tôi, nếu Obama là một người biết tuân thủ nguyên tắc, chắc chắn ông sẽ hủy bỏ chuyến công du VN vào cuối tháng 5 tới.

Những bằng chứng vừa qua về đàn áp, chà đạp nhân quyền, bắt bớ, tuyên án những người khác chính kiến với những bản ản nặng nề... cho thấy nhà nước VN không hề tôn trọng những giá trị cơ bản nhứt về quyền con người đã được hiến chương LHQ qui định. Quan niệm về nhân quyền giữa chính phủ Mỹ và VN hiện hữu những mâu thuẩn lớn. Nhà nước VN vẫn còn giữ khoảng cách rất dài giữa sự hứa hẹn, hay cam kết qua các công ước quốc tế đã ký, với sự thi hành trên thực tế.

Các việc "đấu tố" những ứng cử viên QH vừa qua là bằng chứng về các việc chà đạp quyền công dân. Những vụ "tiếp xúc cử tri", lẽ ra phải do phía ứng cử viên tổ chức và triệu tập cử tri nhằm trình bày quan điểm và chương trình hành động của mình, thì lại do "dư luận viên" phường khóm đứng ra tổ chức. Theo nội dung các clips video đã được các ứng cử viên nạn nhân công bố trên mạng, thì cuộc "tiếp xúc cử tri" thực sự là một cuộc "đấu tố" thời cộng sản bán khai, hay là hành vi "ném đá" phạm nhân ở thời tiền sử. Các ứng cử viên bị dư luận viên đột lốt cử tri mạt sát, xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân. Dĩ nhiên đây là các hành vi phạm pháp nhưng nhà nước CSVN vẫn sử dụng thường xuyên như là một vũ khí nhằm bảo vệ chế độ.

Sai lầm lớn lao của TT Obama là đã tiếp đón TBT Nguyễn Phú Trọng vào tháng 5 năm ngoái cũng như việc nhìn nhận thể chế chính trị của VN. Obama đã vô tình bảo kê cho các hành động vô nhân của đảng CSVN trên chính người dân của mình.

Đây là những lý do quan trọng mà TT Obama phải cân nhắc lại.

Lý do khác, chính phủ vừa được thành lập ở VN, nói là "chính phủ lâm thời", mà thực ra là một chính phủ được lập nên bằng các việc vi phạm hiến pháp. Trên nguyên tắc luật học, đây là một chính phủ không "chính danh".

Nguyên tắc nền tảng của "Etat de droit - nhà nước pháp trị" (mà Việt Nam dịch là nhà nước pháp quyền) thì "luật có giá trị cao nhứt và tuyệt đối".

Đơn giản bởi vì "luật" thể hiện ý chí của dân tộc.

Vấn đề là người ta áp dụng "luật" như thế nào ?

Cách thông thường, người ta "dựa vào luật" mà hành sử. Công dân trong một nước phải tôn trọng luật pháp.

Thí dụ, về luật đi đường, người ta không thể vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay chạy quá tốc độ... Các hành vi này bị xem là vi phạm pháp luật.

Hiến pháp VN, điều 4 qui định đảng CSVN là "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Điều này thể hiện trên thực tế (từ khi VNDCCH lập quốc đến nay), tất cả nhân sự trong bộ máy nhà nước VN đều là đảng viên đảng CSVN. Mọi quyền lực của quốc gia tập trung vào tay đảng.

Nhưng không phải vì vậy mà "một hay vài lãnh đạo" nào đó nhân danh "đảng" muốn làm gì thì làm. Bởi vì, ngay ở điều 4 cũng đã qui định "các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Đảng là một "tổ chức chính trị". Ý chí của đảng là ý chí của toàn thể đảng viên, toàn thể nhân sự TƯ, hay ý chí của nhân sự BCT ?

Ý chí của đảng, nếu có, thành lập chính phủ mới, chỉ là ý chí của một vài nhân sự trong đảng mà thôi.
Vấn đề là những người này phải "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Hiến pháp, các điều 74 và 88 qui định Quốc hội có quyền "miễn nhiệm" chủ tịch nước và thủ tướng.
Nhưng các điều luật này sẽ được áp dụng trong các trường hợp nào ?

Thí dụ trên, về luật giao thông. Người ta chỉ áp dụng luật khi có dấu hiệu (vì còn phải chứng minh) phạm luật.

Nguyên tắc cơ bản về luật, một điều luật chỉ được áp dụng khi luật này bị vi phạm, hay đã hội đủ những điều kiện để thi hành điều luật.

Quốc hội đã "miễn nhiệm" Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rõ ràng là không  lý do. Quí ông này chưa hề "từ nhiệm" cũng như không hề vi phạm một điều gì để quốc hội có thể ra biện pháp "miễn nhiệm".

Áp dụng luật khi điều luật này không (hay chưa) hội đủ điều kiện để thi hành là vi hiến.

Obama có thể nào công du sang Việt Nam để bắt tay với một ông tướng Công an, tiếm danh chủ tịch nước, trong lúc bàn tay ông này vẫn còn đang nắm một cái còng ?

  

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.