Mèn! Có chắc là ông "học giả" hiểu nhiều hơn người ta không mà "phán" như vậy ?.
Ông "học giả" cho rằng chuyến đi kỳ này của Obama là "quan trọng" vì Obama "không bận tâm chính trị nhứt thời". Ông "học giả" so sánh chuyến đi này tương tự chuyến đi của Bill Clinton năm 2000, mục tiêu là "đặt nền tảng lâu dài".
Nhắc lại các chuyến đi thăm VN của các Tổng thống tiền nhiệm.
Chuyến đi của Clinton tháng 11 năm 2000 được đánh giá là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Mỹ, mà thực tế là cho VN.
Clinton đồng ý thiết lập lại bang giao với VN năm 1995. Từ đó đến nay ta thấy thiện chí của Mỹ đối với VN là hết lòng. Về kinh tế, hàng hóa VN được tuồng vào thị trường Mỹ. Trao đổi hai bên từ 200 triệu năm 1995, lên đến 41,5 tỉ năm 2015, trong đó VN xuất siêu 25,5 tỉ. Mỹ cũng đã giúp cho VN nhiều mặt khác, như thả lỏng chính sách kiểm soát tiền tệ, giúp cho người Việt ở Mỹ gởi về VN hàng năm lên đến trên 10 tỉ đô la. Ủng hộ VN vào WTO từ những năm 2000 (trì trệ là do VN). Ngoài ra, các mặt khác về văn hóa, giáo dục... Mỹ cũng mở rộng vòng tay, như các việc mở trường hay tiếp đón sinh viên VN sang du học. Nhiều học bỗng sáng giá đã được trao cho nhiều sinh viên VN. Mỹ cũng đang thực hiện các công tác (trên thực địa) nhằm khôi phục lại các vùng đất hoặc bị ô nhiễm chất dioxine, hoặc bị bom mìn... Ngay cả về quốc phòng, trong lúc VN bị TQ bức hiếp về các vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ cũng lên tiếng bênh vực VN, thậm chí viện trợ tàu bè tuần duyên cho VN.
Yêu sách của lãnh đạo CSVN, khó khăn nhứt, cũng được Mỹ đáp ứng vô điều kiện.
Đó là việc nhìn nhận chế độ chính trị của VN. Từ điểm này, từ nay lãnh đạo VN có thể gọi Obama là "đồng chí", "đồng chí Obama" mà không ai phiền hà.
Đổi lại, Hoa Kỳ chỉ yêu cầu VN tôn trọng nhân quyền.
Biết bao lần cam kết, biết bao lần tuyên bố... Xét lại nội dung các tuyên bố, các kết ước... VN chưa bao giờ đáp ứng lại Hoa Kỳ ở bất cứ một điểm nào về "nhân quyền".
Tính từ năm 1995, thời điểm Clinton thiết lập bang giao với VN, 21 năm là quá dài.
Xây dựng "niềm tin chiến lược" là hai bên cần phải có thiện chí. Mỹ đã mở hết lòng của mình cho VN. VN lại đóng của hoàn toàn trước những kêu gọi của Mỹ. Bây giờ VN muốn Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Nếu so sánh với TQ, sau Hội nghi Thành đô 1990, VN đã thỏa mãn tất cả những yêu sách của TQ, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục... Xem lại các "Tuyên bố chung" giữa hai bên, ta thấy VN đã cam kết hợp tác với TQ ở nhiều lãnh vực mà những người có trí tuệ trung bình cũng thấy chủ quyền của VN bị xâm phạm ngiêm trọng.
Quan hệ kinh tế, VN thâm thủng kinh niên, năm này nhiều hơn năm trước. Dựa trên số thống kê của TQ thì năm 2015 VN nhập siêu 43 tỉ đô la. Trong nước, hầu hết các dự án xây dựng đều do nhà thầu TQ nắm. Về chính trị, đảng CSVN vẫn là một "chi nhánh", chịu sự thần phục đảng CSTQ. Mọi chỗ, mọi nơi, mọi lãnh vực... đều thấy bóng của người TQ.
"Niềm tin chiến lược" giữa VN và Mỹ xây dựng mãi không xong. Còn quan hệ giữa VN và TQ, thực tế còn trên cả chiến lược.
TQ kiểm soát VN ngay cả những người lãnh đạo thượng tầng.
Không phải Mỹ không thấy việc này.
Năm 2006, G.W. Bush thăm VN. Chuyến thăm này "một công hai chuyện". Hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội. Quan hệ Việt-Mỹ được thiết lập từ thời Clinton, Bush "kế thừa" và thúc đẩy, kết quả vẫn không thấy đâu.
Sang đến thời Obama, quan hệ Việt-Mỹ vẫn vậy. Vẫn là cán cân lệch một bên. Nếu không nhờ thặng dư xuất được từ Mỹ, VN lấy đâu ngoại tệ để bù đắp cho thâm thủng với TQ? VN được mọi thứ mà VN muốn.
Cái "nền tảng lâu dài" của Obama mà "học giả" Ngô Vĩnh Long so sánh với "công trình dài hơi" của Bill Clinton, nó là cái gì ?
Thực tế nó không là cái gì hết. TPP, nội hàm là kinh tế, thì còn mãi đàng xa. Mà TPP "mở rộng" là công trình của Bush, từ tháng 9 năm 2008.
Như hai thập niên trước, điều duy nhứt mà Mỹ muốn thấy : VN phải tôn trọng nhân quyền (để đổi lấy vũ khí sát thương).
Chưa bao giờ VN đáp ứng điều này. Thực tế mới đây còn cho thấy, các cuộc bầu cử, các cuộc đàn áp, bắt bớ những nhà dân chủ... VN ngày càng khắc khe trong vấn đề nhân quyền. Viên Chủ tịch nước vừa lên, ông Trần Đại Quang, vốn xuất thân là công an. Tương lai nhân quyền VN càng thêm u ám.
Các nhà xây dựng chính sách của Hoa Kỳ không phải là "đui mù" để không thấy việc này. Vấn đề là trước một TQ "quang phục" với tham vọng bá quyền, muốn thiết lập lại đế quốc Trung Hoa bao la như trước thế kỷ 19. Thì trong khu vực chỉ có VN là con cờ duy nhứt có thể ngăn cản tham vọng trỗi dậy này của TQ.
"Niềm tin chiến lược", đối với Hoa Kỳ, là niềm tin vào khả năng ngăn chặn được sự bành trướng vũ trang của TQ. Nhưng đối với VN, "niềm tin chiến lược" là khả năng tự vệ, bằng vũ khí của Hoa Kỳ, răn đe TQ để bảo vệ Biển Đông.
Chuyến đi của Obama, cũng như chuyến đi của G.W Bush, không có gì là "quan trọng", là "nền tảng lâu dài" như "nhà học giả" nghĩ.
Bởi vì quan trọng hay không là thái độ của VN chớ không phải thái độ của Mỹ.
Cho dầu mục đích khác nhau, thì "niềm tin chiến lược" của hai bên cũng trùng lặp, là VN có thực sự muốn "thoát Trung" hay không ?
Và bằng chứng "thoát Trung" là gì nếu không phải là "tôn trọng nhân quyền" ?
Tôn trọng nhân quyền bắt buộc VN phải thay đổi thể chế, làm lại luật lệ cho phù hợp với quan niệm của quốc tế. VN phải khác TQ về thể chế chính trị mới có thể "thoát Trung". Mới chứng minh được "niềm tin" với Mỹ.
Có thể chuyến đi này, để làm ra vẻ "quan trọng", Obama ra tuyên bố bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Nhưng một VN độc tài, có đủ vũ khí trong tay, sẽ trở thành một đe dọa cho khu vực. ASEAN và các nước khác sẽ không hài lòng. Cho dầu việc gỡ bỏ lệnh cấm vận được gài thêm khoản Quốc hội Mỹ có thể ngăn cản mọi việc mua bán vũ khí với VN bất kỳ lúc nào.
Quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực sẽ bị đặt lại. Phía có lợi là TQ chớ không phải Mỹ.
Thực tế "nền tảng" cũng như "di sản" của Obama (mà nhà học giả có nói) không có gì, ngoài việc từ nay lãnh đạo CSVN có thể gọi Obama là "đồng chí".
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.