Hôm 29 tháng tư tôi có viết một status ngắn (Fecebook), nói về mối tương quan giữa nhân quyền và việc Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Nội dung như sau:
"Bên BBC đăng hai bài báo, tựa đề là hai câu hỏi : một là Việt Nam có tìm ra lý do cá chết hàng loạt ? và hai là Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam?
... Về câu hỏi một,... câu trả lời VN có tìm thấy thủ phạm làm cá (chim, rừng và người) chết hay không, là tùy ở Bắc Kinh (hay Đài Bắc).
Câu hỏi hai, Mỹ có bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng cho VN hay không. Câu trả lời cũng sẽ thấy ở Bắc Kinh.
Đúng vậy, Bắc Kinh chớ không phải ở Hà Nội hay do nhân quyền."
Không phải chỉ cá nhân tôi mới có nhận định như vậy.
Báo chí nước ngoài hôm qua chạy tít lớn, nói về việc Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Hầu hết đều cho rằng động thái (bỏ lệnh cấm vận) của Hoa Kỳ là nhắm tới Bắc Kinh. RFI dẫn "Le Figaro" và "La Croix" lấy tít "Hoa Kỳ - Việt Nam bắt tay nhau chống Trung Quốc". Cũng ở RFI, trả lời phỏng vấn, học giả Carlyle Thayer cho rằng Obama gởi tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh.
Các quan sát viên nước ngoài nhìn nhận rằng Bắc Kinh từ lâu là "đối tượng" chính trong quan hệ Việt-Mỹ, hay ít nhứt nằm trong tầm nhìn chiến lược của hai bên.
Tôi cũng đã giải thích trong một status hôm qua:
"Nếu chỉ đơn thuần gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng và bất chấp nhân quyền, thì đây có thể là thông điệp mạnh của Obama gởi đến TQ.
Mặc dầu rào trước đón sau, Obama nói là bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thuơng không nhắm vào TQ, nhưng Bắc Kinh có thể xem đây là một tín hiệu xấu nhắm vào mình.
Phải chăng đây là cách của Mỹ trả lời Bắc Kinh, khi nước này tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, theo dự tính sẽ ra phán quyết chung cuộc trong những ngày sắp tới?
Trật tự pháp lý, được Mỹ dựng lên từ Thế chiến II (Pax Americana) sẽ được các nước trong khu vực, như VN, dùng vũ lực để bảo vệ, buộc TQ tuân thủ, hay là nó thay thế bằng trật tự mới do TQ áp đặt ?"
Ở status này ta tìm hiểu thế nào là "trật tự mới do TQ áp đặt" ? Từ đó ta cũng sẽ thấy dễ dàng lý do vì sao Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Trước hết cần biết thế nào là trật tự cũ, trật tự của Mỹ, Pax Americana.
Trật tự này đặt nền tảng trên sự "bình đẳng về chủ quyền". Mọi quốc gia, bất kể lớn nhỏ, mạnh yếu, dân đông hay dân ít... đều bình đẳng như nhau về "chủ quyền".
Chủ quyền được hiểu như là quyền lực chủ tể, tối thượng trong quốc gia. Quyền (power, pouvoir) này nằm trong tay vị chúa thượng ở các nước quân chủ, và thuộc về toàn dân trong các nước cộng hòa.
Sự bình đẳng về chủ quyền được thể hiện trong bộ Luật Quốc tế về Biển 1982. Theo đó, một nước ven biển, bất kỳ lớn nhỏ, dân đông dân ít, được hưởng như nhau 12 hải lý (tính từ bờ, hay đường cơ bản) hải phận gọi là "lãnh hải" và 200 hải lý hải phận gọi là "kinh tế độc quyền".
Trong vùng "lãnh hải" quốc gia có thẩm quyền gần như như là trên đất liền (chủ quyền). Vùng "kinh tế độc quyền" quốc gia có quyền (right, droit) độc quyền (exclusive) về kinh tế. (VN hiện nay dịch thành "đặc quyền" là sai. Đặc quyền là một quyền được một quyền lực chủ tể (nào đó) ban phát. Còn "độc quyền", trong trường hợp này, là quyền phát sinh từ chủ quyền của quốc gia ven biển. Vì vậy quyền này được gọi là "quyền chủ quyền").
Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là "trật tự về biển" mà các nước trên thế giới đã ký kết và tuân thủ.
Nhưng qua vụ Phi kiện Trung Quốc ở Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye, về các quan niệm đối nghịch "giải thích và áp dụng Luật Biển 1982". TQ tuyên bố không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và cho biết sẽ không tuân thủ thi hành phán quyết này.
Thái độ của TQ đã phản bội lại tinh thần của Công ước về Luật Biển 1982 mà họ đã ký kết. Trong khi yêu sách của họ về biển, thể hiện qua đường chữ U chín đoạn, hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Luật Biển 1982.
Trật tự quốc tế, thể hiện qua Luật Biển 1982, (sẽ) bị TQ xâm phạm.
Bằng hành vi này TQ đưa ra một "trật tự mới", do TQ áp đặt. Theo đó "chủ quyền" không còn là đơn vị tối thượng và bình đẳng trong luật biển, mà dân số quyết định việc phân chia biển.
Ta thấy ở Biển Đông, yêu sách về biển của TQ chiếm đến 80%, tương ứng với dân số của TQ và dân số các nước trong khu vực.
Ngoài ra, TQ vừa công bố một bản đồ mới, theo đó 80% diện tích của Thái Bình Dương thuộc về TQ.
Nếu bỏ qua yêu sách 80% Thái Bình Dương, ở Biển Đông, ta thấy VN và Phi là bị thiệt hại nhiều hơn hết.
Đương nhiên, là người VN, ta không thể chấp nhận "trật tự pháp lý mới" theo lối TQ.
Nhưng nếu TQ thắng cuộc chiến "quang phục", thì không chỉ về biển, mà VN cũng sẽ trở thành "chư hầu" của nước này.
Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN, bất kể những vi phạm nhân quyền, là vì hai bên Việt-Mỹ có chung tầm nhìn chiến lược.
Nếu TQ không tuân thủ phán quyết của Tòa CPA, trật tự pháp lý khu vực sẽ bị đảo lộn. Và nếu không kềm chế được, TQ sẽ áp đặt "trật tự mới", luật lệ quốc tế sẽ thay đổi.
Điều này Mỹ không thể chấp nhận được. Vì vậy sắp tới, khi TQ không tuân thủ phán quyết của Tòa, và nếu TQ có những động thái đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế, thì VN, Phi (có thể cùng Hoa Kỳ và nhiều nước khác) sẽ dùng vũ lực để bảo vệ trật tự pháp lý đã được thiết lập.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.